Sự tiếp nối pháp môn Làng Mai
Nếu mình đem gieo 300 hạt mít thì sẽ mọc lên 300 cây mít. Tuỳ theo những điều kiện mà mỗi cây mít biểu hiện ra một cách khác nhau. Khi Chân Không đang viết cuốn hồi ký này thì trong sổ gia phả của Làng Mai, do sư cô Thoại Nghiêm giữ, có ghi là Thầy có tất cả là 1179 đệ tử xuất gia tính luôn cả thầy Nhất Trí đã mất tích. Có nhiều người đi tu một thời gian rồi xin ra đời. Có người không muốn sống chung với tăng thân mà đi lập cốc riêng. Cũng có người đã mất. Có người vì hoàn cảnh gia đình mà phải tạm rời tăng thân. Con số những người không còn sinh hoạt với tăng thân Làng Mai tính một cách rộng rãi là khoảng hai mươi phần trăm như vậy mình cũng còn khoảng 800 người. Trong khi đó có những vị rất xuất sắc nhưng không phải là đệ tử xuất gia với Thầy.
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều vị xuất sĩ từ các chùa khác về y chỉ với Thầy. Các vị này xuất sắc và trung kiên, đã hỗ trợ Thầy rất nhiều trong việc dạy dỗ các sư em như quý thầy Giác Thanh, Giác Viên, Phước Tịnh và quý sư cô Trung Chính, Gina… Sau này có thế hệ trẻ hơn, là đệ tử của sư bà này, hoà thượng kia hay là đệ tử của sư em hay sư anh của Thầy. Họ tới từ một truyền thống, từ một đạo tràng khác nhưng khi nhập chúng thì họ tu hết lòng theo pháp môn của Làng Mai. Họ đã góp phần vào việc xây dựng tăng thân rất tích cực như các thầy Nguyên Tịnh, Đồng Trí, Minh Sang, Minh Hy… và các sư cô Thanh Ý, Thuần Tiến, Đức Nguyên, Chơn Đệ, Phước Tâm, Như Hiếu, Hạnh Liên, Tịnh Hằng, Hạnh Nghĩa… hay những đệ tử của hoà thượng Chánh Trực như thầy Giác Viên. Như vậy thì tổng cộng trên dưới Làng Mai có khoảng 1000 người xuất gia.
Hoà thượng Chánh Trực quen với Thầy Làng Mai rất lâu từ những năm 1972. Lúc đó Chân Không lạc quyên cho ba trung tâm phát triển tái thiết ở ba tỉnh là Quảng Trị, Quảng Ngãi và Tánh Linh (Bình Thuận) Việt Nam. Nhà nước Thuỵ Điển tài trợ 1 triệu 500 ngàn Krones tức là khoảng 300.000USD. Trung tâm ở Quảng Trị do Hoà thượng Chánh Trực phụ trách, Hoà thượng Long Thọ ở Quảng Nam còn trung tâm ở Tánh Linh (Bình Thuận) thì do Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội phụ trách.
Ở Cam Ranh có một xã tên Cam Hiệp Nam, ở đó có chùa Từ Đức do một thầy đệ tử hoà thượng Chánh Trực, sinh sau đẻ muộn không biết gì ảnh hưởng của Thầy Nhất Hạnh với chánh quyền Thuỵ Điển đã cho dân Quảng Trị 500.000 Krones để xây nhà cho rất đông gia đình ở Quảng Trị vốn là nạn nhân chiến tranh nát tan nhà cửa ở Quảng Trị, quyết tâm xây nhà ở khu khá an ổn vùng Cam Hiệp Nam nằm sâu trong núi không xa Cam Ranh.
Hoà thượng Chánh Trực có giao cho chú đệ tử nhỏ tỳ kheo Thích Giác Viên chăm sóc ngôi chùa Từ Đức và mấy trăm gia đình con Phật nạn nhân từ Quảng Trị vào định cư tại đây. Thầy Giác Viên là chú đệ tử nhỏ của hoà thượng Chánh Trực rất mê cuốn Con đường chuyển hoá nên dặn đệ tử (là sư cô Hỷ Nghiêm) có qua Mỹ thì phải tìm cho được tác giả của cuốn Con đường chuyển hoá. Sư cô Hỷ Nghiêm là đệ tử của đệ tử của thầy Giác Viên. Hoà thượng Chánh Trực có một trung tâm ở Quảng Trị, nhưng ngài không dám ở đó mà vô Cam Ranh, tới một xã tên là Cam Hiệp Nam khẩn mấy chục mẫu đất trong núi, xây lên mấy chục ngôi nhà với tiền tài trợ của Thuỵ Điển. Nhưng chính quyền Thuỵ Điển không hề biết chuyện đó, họ nghĩ sau mùa hè đỏ lửa thì Quảng Trị đã tan nát. Cho tới khi tịch thì hoà thượng Chánh Thực cũng không hề thổ lộ chuyện này với ai.
Hôm đó đọc cuốn hồi ký của Chân Không trong đó Chân Không có viết chính phủ Thuỵ Điển có giúp cho ba trung tâm ở Quảng Trị, Quảng Ngãi và Bình Thuận mỗi trung tâm 500.000SK (300.000USD) thì sư cô Khải Nghiêm nói:
“Bà ngoại con kể là hồi đó hoà thượng Chánh Trực có cho ngoại con một căn nhà mà không có nói tiền của ai, chỉ nói là tiền xã hội cho. Hoà thượng Chánh Trực cho mỗi gia đình Phật tử một căn nhà tại vì chúng con đã bỏ Quảng Trị chạy vô núi rừng ở đây. Con hỏi ngoại và mẹ tại sao mình lại ở trong hang cùng ngõ hẻm như vậy mỗi lần đi buôn bán thì rất cực. Nếu hoà thượng cho sao mình không xin cái nhà ở ngoài đường cho dễ buôn bán.”
Ngoại sư cô Khải Nghiêm nói:
“Con đừng nói vậy! Hoà thượng cưng mình lắm mới cho nhà ở đây. Nếu ở ngoài đường lỡ nhà binh Mỹ đi ngang thấy con gái đẹp thì làm ẩu. Mình ở xa trong núi thì mới giấu con gái được.”
Nghe như vậy Chân Không mới nghĩ đó là tiền cho trung tâm phát triển tái thiết. Ở Cam Hiệp Nam có một ngôi chùa tên Từ Đức do hoà thượng Chánh Trực lập rồi giao cho thầy Giác Viên trụ trì. Từ đó thầy Giác Viên giới thiệu rất nhiều vị sang Làng Mai xuất gia tu học như các sư cô Hỷ Nghiêm, Hội Nghiêm, Khải Nghiêm, Hoạ Nghiêm, các thầy Pháp Sĩ, Pháp Lâm (thầy Pháp Lâm tuy không ở Cam Hiệp Nam nhưng cũng do thầy Giác Viên giới thiệu), thầy Pháp Anh… Có rất đông người từ Cam Hiệp Nam đi xuất gia. Cam Hiệp Nam là nơi nhận được sự hỗ trợ của Thầy Làng Mai và đã phổ triển ra tinh thần thương yêu hiểu biết bằng công tác xã hội. Số tiền của chính phủ Thuỵ Điển cho, hoà thượng không xài mà dùng để lâp một trung tâm cho đồng bào lánh nạn và đồng thời cũng được tu tập tâm linh. Vì vậy mấy chục đứa con xuất gia của Thầy có nguồn gốc từ Cam Hiệp Nam của hoà thượng Chánh Trực.
Sau này có những vị giúp mình hết lòng như hoà thượng Giác Quang hay ni sư Như Minh. Họ đều là sự tiếp nối từ hoà thượng Chánh Trực mà ra. Cam Hiệp Nam tuy mang tên là một trung tâm làm công tác xã hội nhưng cũng là một trung tâm tu tập tâm linh. Một trong những đứa con tâm linh đầu tiên của Thầy là mấy đệ tử trong trung tâm phát triển xã hội của hoà thượng Chánh Trực. Mình không ngờ từ một trung tâm công tác xã hội mà Cam Hiệp Nam trở thành trung tâm tâm linh.
Trong cả ngàn người xuất sĩ ở Làng Mai có những sư em rất giỏi mà không phải xuất gia với Thầy nhưng có những nhân duyên gì đó với Làng Mai, ví dụ như các sư cô Huệ Tri, Huệ Định trong mười cô Huệ của sư bà Kiều Đàm ở Long Thành. Sư bà rất thương Thầy, cho luôn mười cô Huệ ra học ở Bát Nhã. Khi Bát Nhã bị đuổi thì chỉ có một số về lại Long Thành còn phần đông thì theo Thầy đi chỗ này chỗ kia độ người như một vài cô Huệ đầu tiên tới Viện Phật học Ứng dụng Âu Châu.
Ai có thể thay thế Thầy sau khi Thầy tịch
Nói về tiếp nối cái học uyên bác của Thầy thì sư cô Chân Đức thâm sâu về kinh điển. Đưa kinh điển vào hành động thì nhiều lắm: các thầy Pháp Đăng, Pháp Ấn, Pháp Ứng, Pháp Niệm, Pháp Hải, Pháp Khâm, Pháp Dung, Pháp Lưu, Pháp Hữu, Pháp Linh, Pháp Nguyện… Các sư cô Chân Không, Diệu Nghiêm, Đoan Nghiêm, Hoa Nghiêm, Hương Nghiêm, Thoại Nghiêm, Định Nghiêm, Tuệ Nghiêm, Hỷ Nghiêm, Linh Nghiêm, Giác Nghiêm, Đào Nghiêm, Hiến Nghiêm…
Ai cũng biết rất rõ Thầy là một người có tuệ giác thâm sâu và muốn làm biểu hiện tuệ giác thành hành động. Lúc vừa gặp Chân Không thì Thầy biết ngay đây là một cánh tay hành động không thể thiếu được. Thầy theo dõi rất kỹ công tác xã hội của Chân Không trong các xóm nghèo. Thầy nghĩ sau này khi Thầy lập một con đường cách mạng xã hội đàng hoàng thì Chân Không sẽ có dịp thi triển tài năng trở thành một cánh tay hành động của Đức Thích Ca. Chân Không rất hài lòng chuyện Thầy đưa các anh chị tích cực lãnh đạo năm sáu xóm nghèo trong thành phố của Chân Không vô phong trào Thanh niên Phụng sự Xã hội như chị Trà Mi, Phùng Thăng, anh Minh, anh Niên, chị Cao Ngọc Thanh… Thầy theo dõi và hết lòng ủng hộ Chân Không nhưng không phải là ủng hộ một cá nhân. Lúc đó Thầy còn trẻ và Chân Không nhỏ hơn Thầy 12 tuổi nhưng Chân Không là một người hành động. Thầy nắm được Chân Không là nắm được 60-70 người trẻ như Chân Không. Họ đều đi làm công tác xã hội trong các khu phố nghèo. Thầy chưa về tới Sài Gòn thì đã có một nhóm 60- 70 người bạn từng cộng tác sát nút với Chân Không tới làm việc cho Thầy, giúp Thầy lập Làng Tình Thương 1 và 2. Nhờ đó Thầy có thể biến được giấc mơ và hoài bão của mình thành ra hành động hiện thực. Có được chị Cao Ngọc Phượng là có được chị Trà Mi, chị Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng, anh Tôn Thất Tuệ, anh Lê Hữu Bôi, anh Ngô Vĩnh Thành, anh Lê Khắc Tích, anh Bùi Văn Thanh, chị Cao Ngọc Thanh, chị Phạm Thuý Uyên, chị Nghiêm Thị Bạch Tuyết, chị Lê Kim Chi, chị Lê Khắc Phương Thảo, chị Diệu Huỳnh Phan Thị Mai, anh Nguyễn Văn Niên, anh Nguyễn Văn Bảy, anh Trần Tấn Trâm, anh Lê Thành Nguyên, anh Hồ Văn Quyền, anh Phạm Hữu Tài, đây là những người trẻ làm việc sát cánh với Thầy ngay những ngày đầu Thầy trở về Việt Nam khi chánh quyền Ngô Đình Diệm vừa bị lật đổ và chưa có quân đội Mỹ vào Việt Nam.
Trước đó Thầy đã từng viết bài cho nhiều tờ báo của Phật giáo Việt Nam, trong đó Thầy trình bày cái thấy của mình về văn chương Pháp, nếu biết áp dụng tuệ giác của đạo Phật thì văn chương Pháp sẽ sâu sắc hơn và trở thành tuệ giác của nhân loại. Đừng nên đi, đứng, nằm, ngồi như một cái máy mà phải nhìn cho sâu và có chánh niệm từng hành động nhỏ. Người có truyền thống Thiên Chúa giáo mà biết nhìn sâu và nhìn rõ thì là đứa con thật sự của Thượng Đế. Người Hồi giáo mà biết nhìn sâu, nhìn rõ và có thương yêu thì là đứa con thật sự của Allah. Là người theo Phật giáo, nếu biết nhìn sâu để tiếp xúc với Phật tính trong mình thì mình là một Phật tử chân chính. Thầy nói trên những nét đại cương nhưng để đi vào hành động thì Thầy thông qua Chân Không và mấy chục người bạn của Chân Không. Vì vậy Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội vừa thành lập là đã có những cán bộ rất giỏi. Chân Không chỉ ở trong ban phổ triển, giống như là ngày xưa Chân Không đã đi tới từng nhà xin mỗi tháng một đồng. Một đồng thì chỉ mua được một khúc bánh mì không có nhân. Nhưng nhờ vậy Chân Không xin được mỗi tháng 30-40 đồng, cô em của Chân Không cũng xin được mỗi tháng 30-40 đồng. Khi trường TNPSXH thành lập thì mình có 3470 người cho tiền hàng tháng. Đó là một phong trào gọi là “vì dân, cho dân và do dân đóng góp”, không lấy tiền của Mỹ, của Nga, của Tàu, của đạo Thiên Chúa hay của đạo Phật mà chỉ xin tiền của quần chúng Việt Nam để giúp cho dân Việt Nam.
Chân Không có thể thay mặt Thầy cũng như các em của Chân Không có thể tiếp nối Thầy để hành động. Bây giờ Chân Không đã 83 tuổi và sẽ chết, nhưng Chân Không đã lập thành những nhóm nhỏ và các em có thể thay thế Chân Không làm công tác thể hiện tình thương của Phật, giúp cho trẻ em mồ côi, trẻ em đói hay trẻ em phải ăn thịt chuột, thịt cóc rất tội nghiệp. Mình cho các em ăn một bữa cơm rồi dạy cho nó về đời sống tâm linh. Chân Không có thể thay thế Thầy về phương diện hành động.
Nhưng thay thế Thầy về phương diện trí thức và học giả thì chỉ có sư cô Chân Đức là thích hợp nhất. Sư cô Chân Đức là một học giả rất giỏi và có tu tập. Khi nói về 37 phẩm trợ đạo thì ai cũng biết nhưng nói cho sâu và tìm hiểu nguồn gốc của chữ nghĩa như là chữ này từ gốc Prakrit hồi Phật còn tại thế, rồi đổi ra Sanskrit rồi đổi ra tiếng Pali như thế nào thì cô Chân Đức nắm rất vững.
Thầy Pháp Ấn có thể thay thế Thầy về phương diện điều hành diễn dịch thật sâu ý Thầy khi đàm phán ngoại giao và thương thuyết. Lúc thầy Pháp Ấn về Việt Nam thương thuyết cho chuyến đi về của Thầy lần thứ nhất thì bất cứ vấn đề gì thầy Pháp Ấn cũng thỉnh ý của Thầy và hỏi từng ly từng tí. Thầy Pháp Đăng là sư anh của thầy Pháp Ấn, rất dễ thương và giảng đạo đàng hoàng nhưng lâu lâu thầy tuyên bố những câu bất ngờ không sâu sắc về những vấn đề mà thầy không chuyên môn và có thể gây tổn thương. Điểm yếu của thầy là không ở lâu với tăng thân được. Hiện nay thầy cũng đã xin phép Thầy và đại chúng để đi ra tự thành lập một Làng Hạnh Phúc. Các thầy Pháp Niệm, Pháp Hữu thì Chân Không đã kể rồi.
Có một người mà nhiều người rất thích là thầy Pháp Dung. Thầy rất năng nổ và hết lòng. Thầy Pháp Dung là con nhà thuyền nhân định cư ở Mỹ từ lúc năm, sáu tuổi nên không giỏi tiếng Việt. Văn hoá Việt thì thầy Pháp Dung không nắm vững nhưng rất vững văn hoá đa dạng của Mỹ. Khi thầy nói chuyện với ông thống đốc Jerry Brown và mấy ông dân biểu thì họ rất thích tại vì thầy nói rất chân thật từ sự tu tập của mình. Còn thầy Pháp Khâm giỏi về tổ chức và có tinh thần cộng đồng. Thầy hay đưa ra nhiều chương trình và hoạch định kế hoạch huấn luyện cho các thầy các sư cô trẻ. Thầy rất năng nổ trong việc xây dựng tăng thân ở các nước vùng Đông Nam Á như Nhật, Indonesia, Hồng Kông. Các thầy Pháp Hải, Pháp Lưu, Pháp Linh là người Tây phương mà tu tập hết lòng trong cộng đồng có đa số là người Việt. Thầy Pháp Hải giỏi tiếng Việt, giỏi về luật pháp và đã giúp cho việc bảo lãnh huynh đệ qua Mỹ. Thầy Pháp Lưu giúp đưa tới phong trào Happy Farm (làm vườn hạnh phúc) và từ đó có nhiều người trẻ Tây phương muốn xuất gia. Thầy Pháp Linh là một trong các vị xuất gia trẻ thành lập phong trào Wake Up càng ngày càng lớn mạnh trên toàn thế giới, thầy cũng là một nhạc sĩ phổ nhạc cho nhiều bài kinh tiếng Anh và tiếng Pháp. Thầy Pháp Nguyện nhẹ nhàng, khiêm cung nhưng làm việc vô cùng chu đáo. Thầy sắp xếp hết các buổi triển lãm thư pháp của Thầy cũng như được Thầy giao cho trách vụ quản lý thư pháp để cung cấp cho doanh nghiệp ABC bên Mỹ phát hành giúp tài chánh cho học viện bên Đức.
Bên quý sư cô cũng rất giỏi. Sư cô Đoan Nghiêm tháo vát và giúp Thầy đánh máy các bài giảng để làm sách từ những năm đầu. Sư cô làm thơ cũng hay lắm, hay nhất là bài Áo lụa thiền hành mà thỉnh thoảng Thầy hay bảo sư cô Chân Không hát cho Thầy nghe. Lại thêm bài Lời qua tiếng lại sau này nhiều người thích, sư cô đi dạy ở Thừa Thiên Quảng Trị họ bảo sư cô sửa chút xíu lời lại cho nặng mùi dân Quảng Trị Quảng Bình luôn!!
Lời qua (mà) tiếng lại
Giải quyết chi mô
Răng không (bơ) dừng lại
Kẻo hố (mà) thêm su (sâu)
Lời qua tiếng lại
Đưa ta tới đâu
Răng không (bơ) dừng lại
Thở nhẹ và su
Lời qua (mà) tiếng lại
Đưa ta tới đâu
Răng không thở nhẹ
Mỉm cười nhìn nhau
Sau này sư cô Đoan Nghiêm giảng rất hay về Duy Thức học vì sư cô đã đánh máy hết các bài Thầy giảng về Duy Thức tam thập dụng. Sư cô cũng giảng Kiều theo cách Thầy rất sâu để dạy Phật tử qua bói Kiều.
Sư cô Hoa Nghiêm hát hay và phổ nhạc nhiều bài thơ rất thiền, rất sâu sắc của Thầy như Lòng không bận về. Tính sư cô Hoa Nghiêm hiền, xuề xoà, nên “chăm em” giỏi lắm. Còn sư cô Hương Nghiêm đã phụ tá công việc của Làng từ khi mới xuất gia. Chư Tổ chỉ thiếu cho sư cô Hương Nghiêm thêm sức khoẻ nữa thì tuyệt vời. Sư cô cẩn thận chu đáo, đầy tinh thần trách nhiệm lo từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, rất chi li, nhất là về luật lệ nhập cư, thủ tục hành chánh thương mại…, bên nào sư cô cũng quá kỹ càng. Sư cô làm việc sát cánh với luật sư từ việc lớn đến từng chi tiết nhỏ rất kiên nhẫn.
Sư cô Thoại Nghiêm có một ông cha người Huế giỏi và sâu sắc nên sư cô giống ông cụ, chu đáo, kỹ tính và làm việc mạch lạc. Sư cô phụ Thầy làm sách những năm đầu và là một trong những người đầu tiên xây dựng Lộc Uyển và chăm sóc các sư em ở Bát Nhã. Hiện tại sư cô phụ trách việc tài chánh trung ương ở Làng. Sư cô Định Nghiêm là con gái của một ông bác sĩ người Huế rất sâu sắc, má sư cô là người Quảng Nam ngọt ngào, nên sư cô Định Nghiêm nhận được cả gia tài của ba lẫn má. Sư cô Định Nghiêm dịch sách của Thầy ra tiếng Pháp rất hay và có trách nhiệm trong ban làm sách. Sư cô lại rất giỏi về âm nhạc. Sau khi Thầy bệnh, sư cô Định Nghiêm nắm rất vững tình hình sức khỏe của Thầy, lo thuốc men cho Thầy từng chút, thật chu đáo, còn sư cô Thoại Nghiêm thì lo thức ăn cho Thầy như bác sĩ chuyên lo dinh dưỡng. Sư cô Tuệ Nghiêm là em thầy Pháp Đăng, khi còn nhỏ được chuyển hoá rất xuất sắc qua lối giáo dục của Thầy. Sư cô Tuệ Nghiêm có khả năng chơi với người trẻ rất giỏi. Nhưng điểm mà Thầy rất khen sư cô Tuệ Nghiêm vì sư cô này không nói lý thuyết. Mỗi khi pháp đàm chia sẻ tu học ai cũng phục cách chia sẻ của sư cô. Sau này nhận công việc tài chánh trung ương ở Làng sư cô làm cũng rất hết lòng và chu đáo. Sư cô Hỷ Nghiêm có ba là một Phật tử thuần thành, trung trực nên sư cô rất liêm trực và rõ ràng. Giao việc nào sư cô cũng làm thật rốt ráo. Sư cô dạy uy nghi cho các sư em rất hay, cho pháp thoại cũng rất hay. Sư cô tu thành công nên làm gương cho cả gia đình, có hai cháu ruột cũng đi tu là sư cô Thượng Nghiêm và sư cô Trăng Huyền Diệu. Em họ sư cô là thầy Pháp Thiên cũng tu học rất vững chãi ở Viện Phật học Ứng dụng Âu châu. Sư cô là cột trụ ở tu viện Mộc Lan. Sư cô Thanh Ý là món quà của chư tổ tặng tăng thân. Sư cô xuất gia với Thượng toạ Tịnh Từ (vị Thượng toạ ở Bắc Cali mà ủng hộ Thầy rất nhiều, sáng tác rất nhiều nhạc thiền đó). Nhưng sư cô hạp với cách dạy của thầy Nhất Hạnh hơn nên sư cô lúc nào cũng là một sư chị rất siêng năng, lặng lẽ đóng góp rất nhiều mà ít ai thấy. Mỗi lần Thầy qua Mỹ dạy, sư phụ là Thượng toạ Tịnh Từ cứ bắt sư cô ở lại, định gửi đi làm trụ trì chùa này, trung tâm tu học kia nhưng sư cô “trốn” vì sư cô ưa đóng góp vô tướng hơn là lộ liễu. Còn nhiều sư cô Việt Nam khác cũng giỏi lắm, ai cũng có những đóng góp đặc biệt của mình. Sư cô Linh Nghiêm là người Thái thì Chân Không cũng đã nói rồi. Ngoài những đặc tính đã kể sư cô Linh Nghiêm xưa có học nghề Y tá nên có thể nói sư cô như y tá trưởng chăm sóc sức khoẻ Thầy thật chu đáo.
Về phần các sư cô người Tây phương thì mình có sư cô Chân Diệu Nghiêm hay gọi là sư cô Gina, sư cô Diệu Nghiêm là người hành giả đóng góp rất im lặng và rất nhiều. Trước khi đến theo làm đệ tử Thầy thì sư cô là đệ tử một thiền sư Nhật chi nhánh tu sĩ độc thân, không lập gia đình như đa số các thầy Nhật khác. Sư cô giữ uy nghi giới luật rất nghiêm mật. Sư cô lặng lẽ giúp nhiều sư em khác khi làm trụ trì chùa Cam Lộ. Sư cô Giác Nghiêm đi tu khi đã 50 tuổi nhưng tu thật xuất sắc. Gia đình sư cô người Pháp rất trưởng giả và có truyền thống Thiên Chúa giáo rất đậm. Theo học ở Làng Mai từ năm 1984, 1985 nhưng sư cô vẫn một mực hành xử như một ni sư (bà Sơ lớn Thiên Chúa giáo) mẫu mực. Chào một sư cô nhỏ sa di ni sư cô cũng chào thật ngọt và thật cưng “Bonjour ma petite soeur chérie“, “Bonjour ma Grande Soeur chérie, je vous ecoute…” Đối với cảnh sát trưởng, Thị trưởng chánh quyền Pháp, sư cô lễ phép đúng mực, ai cũng nể nhưng một số các sư cô Tây đợt sống mới khác thì không thích kiểu cách các bà Sơ quý phái đó.
Sư cô Đào Nghiêm đã giúp được cho người Pháp rất nhiều. Sư cô Hiến Nghiêm người Anh, trước khi đi tu làm cho đài BBC nên rất giỏi trong vấn đề đối ngoại ở phương Tây và giảng pháp cũng rất hay. Sư cô là biên tập viên nòng cốt trong ban làm sách tiếng Anh của Thầy.
Trong tăng thân còn nhiều vị khác nữa, ai cũng có những đặc điểm riêng và đóng góp âm thầm tài năng và sự tu học của mình trong sự nghiệp xây dựng tăng thân mà mình không kể hết được.
Quý thầy Từ Minh, Từ Hải, Từ Tế, Minh Hy, Giới Đạt, Nguyên Tịnh, quý sư cô Đức Nguyên, Phước Tâm, Như Hiếu, Thanh Huệ, Thuần Khánh, Tịnh Hằng, Chơn Tâm đều là những viên ngọc quý chư tổ gửi đến cho tăng thân để tiếp nối sự nghiệp của Thầy mà lo cho các sư em trong giai đoạn chuyển tiếp.
Quý thầy Từ Minh, Từ Hải, Từ Tế là đệ tử của sư thúc Chí Mậu và giúp đỡ mình rất nhiều từ giảng dạy đến các Phật sự ở Huế. Thầy Minh Hy là đệ tử của sư thúc Chí Thắng. Thầy ở Làng Mai lúc nào cũng chứng tỏ một sư anh lớn đầy trách nhiệm. Các sư em rất thương quý thầy. Thầy Giới Đạt là đệ tử của Hoà thượng Thái Thuận ở Bảo Lộc đã từng cưu mang tăng thân Bát Nhã trong những ngày khó khăn. Thầy cũng là một sư anh lớn được các sư em nương tựa rất nhiều ở trung tâm Suối Trị Liệu. Thầy Nguyên Tịnh là đệ tử Ôn Kim Sơn nhưng quá thích Thầy Làng Mai lại có khiếu viết văn khá vững nên các sư em có ý nhờ thầy viết tiếp Việt Nam Phật giáo sử luận 4.
Trên quý vị này thì có Sư bà Đàm Ánh, Ni trưởng Tinh Hạnh (Bồ Đề), Sư bà Phổ Đà, Sư bà Tịnh Nguyện (Phước Hải), quý Ni sư Đàm Nguyện, Đàm Lan, Như Minh, Minh Tánh, Giới Minh, Như Hải, Diệu Đạt, Như Ngọc là những người tiên phong lo mọi việc chuẩn bị cho Thầy về lại Việt Nam. Ni sư Đàm Nguyện dẫn cả đoàn đi Trung Quốc ngay từ năm 1995 dự khoá tu với Thầy và về nhà vẽ hình Thầy thật to như người thật và để bảng đăng tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ dạy khoá tu 5 ngày, khoá tu 21 ngày, khoá tu tại chùa Đình Quán.
Mỗi người có thể thay thế một chút của Thầy. Do đó khi đi cùng với nhau thì chính tăng thân Làng Mai thay thế Thầy. Sự vận hành của tăng thân Làng Mai xuất sĩ với Hội đồng Giáo Thọ, Hội đồng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ban Chăm sóc là thành quả xây dựng tăng thân mà Thầy đã dày công đưa ra và giảng dạy. Đó là sự tiếp nối của Thầy.
Thầy dạy mọi chuyện đều phải do Hội đồng Tỳ kheo hay Hội đồng Tỳ kheo ni quyết định. Tuệ giác của tập thể bao giờ cũng sáng hơn tuệ giác của một cá nhân.