Ảo tượng
Sáng nào cũng vậy, tôi dậy trước anh Hưng nửa giờ đủ để rửa mặt, chải đầu, trang điểm và lo điểm tâm cho hai anh em và cháu Yên Chi. Anh Hưng sáng nào cũng đi sớm vì anh phải có mặt tại nhà báo trước tám giờ. Cháu Yên Chi thì mãi đến chín giờ, xe của trường mẫu giáo mới lại đón. Cháu ăn trưa tại trường và bốn giờ rưỡi chiều thì xe trả cháu lại trước ngõ. Anh Hưng thì có khi không về ăn cơm trưa bởi vì anh bận công việc sở. Những hôm như thế buồn làm sao. Mỗi khi anh gọi điện thoại về cho biết anh phải ăn cơm trưa tại chỗ làm việc tôi cũng chẳng buồn nấu nướng gì nữa. Nấu cho ai ăn. Cháu Yên Chi chẳng ăn cơm trưa tại nhà, trừ thứ năm và chủ nhật. Một mình đi nấu cơm, dọn ra bàn, tôi ngồi ăn, nuốt không trôi. Tôi dạy ở nữ trung học Giảo Tiên có tám giờ một tuần nên chẳng có gì gọi là bận bịu. Anh Hưng anh ấy chỉ cho tôi dạy từng ấy giờ, vì anh lo cho sức khỏe của tôi. Nhưng anh chẳng biết rằng tôi cũng mạnh khỏe như mọi người. Anh bảo: Em chẳng cần làm lụng nhiều. Ở nhà coi sóc nhà cửa, lo lắng cho cháu Yên Chi. Chừng nào chúng mình thực hiện được ước vọng có một nhà xuất bản riêng, anh sẽ cho em cộng tác và em sẽ làm quản lý. Có tiền nhiều ta sẽ làm được nhiều việc. Có những hôm anh đem từng đống việc về nhà, và thức suốt đêm trên chồng bản thảo. Những lúc ấy tôi chẳng có khuyên anh đi nghỉ được đâu; thượng sách là chen vào và giúp anh đọc chữa các bản thảo ấy cho mau xong để anh có chút ít thì giờ đi ngủ. Mẹ chúng tôi mất từ bảy năm và mới năm ngoái ba chúng tôi lại đã qua đời. Chúng tôi không chịu nổi cảm giác thiếu thốn trống trải nên chúng tôi phải dời nhà về đây, một ngôi nhà có vườn cây, có điện nước, khá thanh tịnh, ở miền Gia Định. Tuy có hơi xa chỗ làm việc nhưng anh Hưng đã có xe. Còn tôi thì tôi có thể đi bộ đến trường; trường không xa lắm.
Nếu có hơi trễ, thì tôi đến trường bằng xích lô đạp, bốn đồng. Cháu Yên Chi là con gái của Thúy, bạn học ngày xưa của tôi. Thúy đã qua đời rồi, từ khi Yên Chi còn bốn tuổi. Tôi nuôi Yên Chi từ lúc ấy, đến nay Chi đã lên sáu. Ba của Chi ở ngoài Bắc không biết có còn sống hay không. Yên Chi thông minh; cháu thương tôi và gọi tôi bằng Me. Mấy hôm nay cháu được gửi đi Cấp nghỉ mát với gia đình chị Ánh.
Sáng nay khi anh tôi đi làm rồi, tôi dọn dẹp nhà cửa cẩn thận hơn mọi hôm. Tôi không có giờ dạy. Tôi lau sàn nhà, sửa soạn lại tủ và kệ sách của anh Hưng, thay mấy chiếc màn để gửi thợ giặt, và làm những việc vặt khác. Xong xuôi tôi dẹp chén bát để rửa. Vặn nước cho chảy vào chiếc chậu tráng men dùng để rửa chén bát, tôi tinh nghịch đùa với những chiếc bọt xà phòng trong chậu. Bỗng tôi nhớ ra rằng tôi đã hứa với anh Hưng trong lúc chúng tôi đang ăn điểm tâm hồi sáng là trưa nay tôi sẽ nấu cho anh một bữa bún Huế. Đã chín giờ rưỡi rồi, tôi phải sửa soạn trước cho kịp. Có lẽ tôi phải chuẩn bị những đồ gia vị sẵn sàng trước để làm nước súp và sau đó sẽ đi qua chợ mua bún sau. Tôi khóa nước lại, bước đến đầu tủ. Cái tủ đựng thức ăn của chúng tôi xưa quá, tầng cao nhất tôi không với tới dễ dàng. Mà hộp cà tô mát cũng như những thứ ít dùng, tôi lại để lên tầng ấy. Tôi nhón gót, đưa tay sờ soạng và đụng nhầm hộp cà. Tôi với tới tí nữa, cố chụp lấy nó. Nhưng tôi mất thăng bằng và buông rơi nó. Hộp cà rơi xuống và trúng giữa đỉnh đầu tôi. Đau quá, tôi ngã xuống sàn ván. Trời ơi đầu tôi choáng váng và mắt tôi thấy hoa đốm giữa không trung.
Tôi lồm cồm bò dậy, tay vịn vào góc bàn để đứng lên. Tay trái tôi sờ đầu. Không chảy máu. Cũng may, nếu anh Hưng ở nhà thế nào cũng mắng tôi tại sao không cẩn thận. Anh em chúng tôi thương nhau lắm, thế nhưng tôi vẫn cứ sợ anh mắng như hồi anh đọc cho tôi viết chính tả, hồi chúng tôi còn nhỏ. Soạn xong các thứ gia vị và chắc không còn thiếu gì, tôi mới trở lại chậu sành để rửa chén bát. Bỗng tôi nghe tiếng gọi ngoài sân Me! Me! ra xem me. Con làm được một chiếc bánh xe. Cháu Yên Chi đang đứng ngoài sân đưa tay vẫy tôi, chiếc áo màu đỏ tung bay trước gió.
Tôi nói: Ôi, con giỏi lắm.
Con đem qua cho Suzanne coi mẹ nhé? Suzanne là bạn học của Yên Chi ở nhà bên cạnh.
Được. Nhưng đừng đi đâu ngoài nhà Suzanne con nhé. Và nhớ về trước giờ ăn cơm nghe con. Tôi dặn theo cháu như thế và nhìn theo cháu tung tăng chạy qua nhà Suzanne. Rồi tôi trở lại rửa chén bát. Bỗng tôi có cảm tưởng rằng có một cái gì sai lầm mà tôi không nhớ ra được. Tôi lặng đi một lát, rồi hình ảnh chiếc áo màu đỏ của cháu Chi hiện ra trong óc tôi. Chiếc áo ấy, tôi định xuống một lai nữa cho dài hơn để cháu mặc vào mùa Thu tới. Cháu mau lớn quá, nhất là từ một năm nay. Nhưng làm lạ, chiếc áo ấy tôi để trên ngăn tủ cao, làm sao cháu tự lấy ra mà mặc được?
Rồi bỗng nhiên tôi nhớ rằng cháu Yên Chi đang nghỉ mát ở Vũng Tàu với gia đình chị Ánh. Vợ chồng chị Ánh đi Vũng Tàu đã xin đem cháu Yên Chi đi theo. Vậy nên Yên Chi không thể có mặt ở đây. Tôi đã trông lầm.
Hoảng kinh, như bị một lưỡi dao cắm sâu vào người, tôi chạy tới máy điện thoại gọi về khách sạn Long Khánh Vũng Tàu. May quá, chị Ánh đang ở nhà. Khi nghe tiếng của chị trả lời trong máy tôi biết Yên Chi vẫn bình an không có chuyện gì. Chị Ánh, cháu có ngoan không? Em sợ cháu quấy rầy anh chị quá. Tôi cố gắng lấy giọng bình tĩnh.
Không, không! Cháu ngoan lắm. Cháu vừa tắm nước ngọt với tôi xong. Chúng tôi mới vừa ở bãi trước về. Cháu đang đứng bên cạnh tôi đây. Chị Hương, có chuyện gì không? Giọng chị hơi lạ.
Không, không có chuyện gì cả. Em vẫn thường, tôi nói dối.
Khi tôi buông máy xuống, tôi tự nghĩ rằng có lẽ mọi việc đều do ở cái hộp cà chua giáng trên đầu tôi quá mạnh. Tôi trông lầm, cũng giống như nằm mơ, khi không được tỉnh táo hẳn. Rồi tôi trở lại rửa chén bát. Nhưng một cái đĩa vượt khỏi hai bàn tay tôi-nước xà phòng trơn quá-và rơi xuống sàn vở làm ba mảnh. Đó là một chiếc đĩa cổ của bà ngoại để lại cho mẹ tôi và mẹ cho lại tôi, nó mang nhiều kỷ niệm quý giá giữa mẹ và tôi. Chiếc đĩa cổ Trung hoa ấy nghe nói quý lắm. Tiếc của quá, tôi cúi xuống nhặt ba mảnh vỡ, lau khô và cẩn thận để vào trong tủ chén bát. Có lẽ anh Hưng sẽ hàn nó lại được. Nhưng hôm nay là ngày gì mà tôi gặp hiều rủi ro thế này? Có lẽ tôi nên đi nghỉ một lát rồi trở lại công việc thì hay hơn. Ngay lúc đó, tôi nghe tiếng gõ cửa và tiếng gọi: Chị Hưng có nhà không? Đó là tiếng chị Thuần.
Mỗi thứ năm, chị Thuần-chị bạn láng giềng cách nhà tôi chừng trăm thước thường qua tôi chơi, vì thứ năm nào tôi cũng có ở nhà. Anh ấy làm công chức. Chúng tôi không nói chuyện dằng dai suốt buổi như thiên hạ đâu; nhưng mươi mười lăm phút ngồi uống với nhau một tách cà phê cũng thật là thích thú. Sau đó thì chị đi chợ và tôi lại nấu ăn. Chị sắp sửa làm Mẹ, và trông chị có vẻ lo lắng lắm. À, hay là tôi gởi chị mua bún giúp vậy. Có em ở nhà đây, mời chị vào, tôi trả lời.
Trông thấy chị Thuần, không hiểu tại sao tôi biết ngay rằng chị sẽ sinh em bé vào ngày mồng sáu tháng bảy tới. Hai mẹ con được yên lành. Đứa bé sẽ là con trai. Thấy dáng lo sợ của chị, tôi nói:
Chị Thuần, chị chẳng cần lo gì cả. Chị và em bé sẽ được bình yên.
Chị Thuần nhìn tôi với một vẻ ngạc nhiên: Chị Hương, em trông chị có vẻ lo lắng lắm hay sao thế chị? Tôi gật đầu nhưng vẫn để ý đến những cảm giác kỳ lạ của tôi hơn là để ý đến câu hỏi của chị. Những điều tôi thấy về chị hiện rõ ra như phấn trắng viết trên bảng đen. Tôi nói: Không, đó không phải em nói để trấn tĩnh chị. Em biết rõ là chị và em bé sẽ được hoàn toàn bình yên. Tôi nói tiếp: Để em nói hết chị nghe. Em bé sẽ là con trai và sinh đúng vào ngày mồng sáu tháng bảy sắp tới.
Lúc đó, chị Thuần ngó tôi với đôi mắt ngạc nhiên đến cực điểm. Trời ơi chị Hương, chị điên hả? Chị có sao không chị?
Tức thời tôi kể cho chị nghe đầu đuôi câu chuyện từ việc hộp cà tô mát rơi trên đầu tôi đến việc cái bánh xe của cháu Yên Chi, chiếc áo đỏ, và cuộc nói chuyện bằng điện thoại ra Cấp. Đầu đuôi như vậy đó chị, tôi kết luận. Nhưng chưa hết đâu. Em đánh vỡ chiếc đĩa cổ của bà ngoại. Chị biết chiếc đĩa cổ ấy chứ? Nhưng đó không phải là một việc khó hiểu như mấy chuyện kia.
Uổng quá nhỉ! Chiếc đĩa cổ quý như thế mà lại vỡ. Nhưng dầu sao em cũng mong rằng chị nói đúng về việc đứa con em. Em thì không để ý lắm đến việc con trai hay con gái nhưng nhà em thì lại thích con trai hơn. Còn về việc ngày mồng sáu tháng bảy thì thật là sớm hơn ngày dự tính đến ba tuần. Nhưng không sao, miễn mẹ tròn con vuông là tốt rồi. Chị nhếch mép cười và tiếp: Còn gì nữa không chị? Nói luôn đi, như tên của em bé chẳng hạn?
Trong một giây, óc tôi lại loãng đi. Rồi lại như viết trên bảng đen, chữ Hùng hiện ra rõ rệt trong óc. Tôi sắp sửa mở miệng ra để nói nhưng tôi kìm lại kịp. Cũng may, nếu nói ra thì kỳ biết mấy. Chị ấy đã nói với tôi nhiều lần rằng nếu sinh con trai thì chị sẽ đặt tên là Hậu, cho có liên lạc với Thuần, tên của ba nó. Chữ Hùng có lẽ không bao giờ chị thích đâu. Tôi nói: Thôi, chẳng tiếc lộ thiên cơ nữa đâu.
Chị Thuần ngồi xuống bên tôi: Sao không uống chén trà cho tỉnh người? Nhưng chị cứ ngồi đó cho khỏe. Em sẽ đi pha trà cho. Chúng mình đều có vẻ bất thường cả, nhưng dù sao em vẫn còn tỉnh táo hơn chị. Chị súc chiếc ấm con, bỏ trà và pha nước sôi. Rồi chị lục soát lấy ra hai chiếc tách, hộp bánh bích-quy. Khi trở ra mặt chị có vẻ ngẩn ngơ: Hồi nãy chị nói chiếc đĩa cổ của bà ngoại như thế nào?
Em nói rằng em làm vỡ mất rồi, sáng nay.
Có phải chiếc đĩa cổ có hai chữ nho xanh xanh ở hai bên phải không?
Phải, gì thế chị?
Thay vì trả lời tôi, chị trở vào bếp, mở tủ chén bát rồi trở ra, lẳng lặng cầm chiếc đĩa cổ của bà ngoại trong tay. Chiếc đĩa cổ đang còn nguyên vẹn.
Trống ngực tôi đánh thình thịch. Vô lý quá, tôi cầm lấy chiếc đĩa, nhìn kỹ để tìm đường nứt chứng tỏ rằng nó mới được gắn lại. Nhưng không, hoàn toàn không có đường nứt nào cả. Chiếc đĩa hoàn toàn nguyên vẹn. Sao lại có thể thế được? Mới năm mười phút trước đây, tôi xếp vào tủ ba mảnh vỡ kia mà.
Bỗng nhiên, kỳ cục quá, tôi ôm mặt khóc, làm chị Thuần hoảng kinh Đừng khóc, chị, không sao đâu, chị. Chị đưa vòng tay ôm choàng lấy tôi, như một bà mẹ an úi con. Chắc vì hộp cà chua rơi trúng đầu nặng quá đó chị. Vào đây, chị nằm nghỉ một lát rồi sẽ thấy khỏe khoắn trở lại. Để em gọi bác sĩ Lê Ngọc Lương nhé?
Không, đừng gọi, chị. Nghe nói đến bác sĩ Lương tôi ngại quá. Câu chuyện có vẻ trẻ con và kỳ cục, ai lại có thể kể cho bác sĩ Lương nghe được bao giờ. Nhưng tôi vẫn để cho chị dìu tôi vào phòng khách và đặt tôi nằm trên đi-văng. Em hẹn lên thăm chị Ba em trưa nay. Nhưng em có thể gọi điện thoại xin lỗi. Tôi vội vã trả lời: Ồ không, chị Thuần! Không! Chị cứ đi đi. Nếu có chuyện gì em sẽ gọi bác sĩ Lương hoặc bất cứ ai. Chị cứ đi đi, đừng lo. Không sao đâu chị.
Chị đứng suy nghĩ giây lát. Được. Nhưng chị cũng đừng lo lắng gì cả nhé. Em sẽ ghé vào khi em trở về qua đây. Chị nằm yên đây và cố gắng nghỉ một chút nhé?
Tôi nằm yên và nghe lời chị, nhưng tôi nghĩ rằng tôi sẽ không tài nào ngủ được. Bao nhiêu câu hỏi kỳ cục cứ chờn vờn trong óc. Nhưng may quá, tôi lại thiếp đi ngay sau đó không lâu.
Khi thức dậy, tôi thấy khỏe hơn. Tôi đi rửa mặt bằng nước mát và thay áo, một chiếc áo màu tím nhẹ mà anh Hưng đã một lần khen là trang nhã. Rồi tôi đứng trước gương để chải lại mái tóc. Bỗng nhiên, một tiếng nổ dòn lách tách kéo dài: tấm kiếng lớn trước bàn rửa mặt đã rạn nứt nhiều đường từ trên xuống. Tấm kiếng mà tôi đã chọn mua được ở Chợ Lớn với giá rất phải chăng, và đã rất bằng lòng vì khéo chọn. Tôi la lên một tiếng tỏ sự kinh ngạc và chúi tới phía trước để nhìn cho rõ. Rồi như một lằn chớp xẹt, sự kinh hoàng xâm nhập vào người tôi. Phía sau tôi, trong kiếng, tôi có thể thấy cả phòng ngủ phản chiếu vào kiếng như thường lệ, chiếc giường của tôi, tấm ảnh bán thân của chị Thúy, và cả chiếc áo tôi mới thay ra để trên giường vẫn được phản chiếu rõ ràng. Mọi vật đều có thể nhìn trong kiếng. Chỉ trừ có khuôn mặt của tôi. Chỗ mà thay vì tôi phải thấy khuôn mặt của chính tôi, tôi chỉ thấy hư vô. Không có gì cả. Không mặt, không người, không tay, không có tôi trong kiếng. Tôi nghiêng qua nghiêng lại nhiều cách để nhìn vào kiếng, nhưng vô hiệu. Tôi không thấy tôi. Tôi cúi sát mặt vào kiếng cũng chỉ có thể thấy hơi thở của tôi đọng lại như sương mờ trong kiếng. Hình tôi không được phản chiếu trong kiếng. Tôi không có mặt tại đây.
Chỉ sau khi cố gắng quay được lưng lại với tấm kiếng rồi, tôi mới thấy hoàn hồn. Phải có cách giải nghĩa hiện tượng lạ kỳ này chứ, tôi suy nghĩ. Có lẽ tấm kiếng hư sao đó thì phải. Nhất định mà! Phải như vậy mới được. Đó là cách giải thích của tôi, dù tôi biết rõ rằng mới đây vài phút tấm kiếng còn nguyên vẹn khi tôi thay áo và từ sáng, chẳng có ai trong phòng này cả. Ờ có lẽ vì vậy nên tấm kiếng hơi rẻ hơn giá thường chăng? Có lẽ nó hư sẵn sao đó, nên bây giờ nó mới hư hẳn và không dùng được nữa. Thật chẳng có gì là lạ lùng kỳ quái cả. Tôi chẳng nên nghĩ vẩn vơ mà thêm lo sợ. Đây là một sự rủi ro khác, thêm vào những sự rủi ro xảy ra cho tôi từ sáng đến giờ. Chỉ có vậy thôi. Tôi không thấy hình tôi trong kiếng, vì kiếng vỡ rồi chứ có sao đâu mà lo sợ.
Tự cười mình đã quan trọng hóa một chuyện tầm thường như thế, tôi cương quyết quay lại để khám phá chỗ hư của tấm kiếng đã khiến cho tôi không nhìn thấy được tôi. Tấm kiếng vẫn nguyên vẹn, trời ơi! Không có đường nứt nào cả! Tôi nhìn thấy khuôn mặt trắng trẻo của tôi trong kiếng. Tôi nhìn lại rất kỹ một lát lâu, rồi tự nhiên hoảng kinh tràn ngập kéo tới. Tôi chỉ biết rằng tôi chạy như bị ma đuổi ra phòng khách, cầm ống điện thoại lên và gọi về tòa báo, chỗ anh tôi làm việc. Anh ấy bận việc gấp nhưng với giọng rên xiết, tôi năn nỉ cô thư ký và cuối cùng tôi nghe được giọng anh qua giây nói. Hưng ơi, em đây. Anh có thể về với em không? Ngay bậy giờ, được không anh? Tôi năn nỉ. Để xem… được, anh sẽ về ngay. Hương, em có sao không? Em có… Em bị thương, không nặng đâu anh. Chỉ một vết nhẹ trên đầu thôi. Nhưng – trời ơi, anh ơi – em sợ lắm. Em cần anh lắm. Anh Hưng ơi, mau lên.
Anh đang về đây. Anh ấy vội vã đáp; tôi nghe tiếng ống nói của anh ấy bỏ xuống gấp gáp, rồi tiếng u u phát ra từ ống nói của tôi. Tôi vẫn đứng yên, tay nâng ống nói như là còn muốn được nghe thêm. Rồi tôi buông ống nói xuống, nhẹ nhàng. Hôm nay tôi rủi ro quá. Phải cẩn thận mới được. Biết đâu lại không có chuyện xảy ra nữa. Tốt hơn là ngồi yên đừng làm gì nữa. Có thể là nguy hiểm. Thế rồi tôi thấy đói bụng. Dễ cười quá, những lúc như thế này mà lại còn thấy đói bụng; nhưng đúng là thế. Có lẽ tôi sẽ lấy hộp bánh bích-quy và ấm trà. Nhưng cầm hộp bánh và tách trà biết đâu lại không nguy hiểm. Cái gì cũng có thể là cạm bẫy, nguy hiểm cho tôi cả. Tôi quyết định ngồi yên không động đậy cho tới khi anh tôi về. Tôi ngồi yên lặng, nhìn về phía cửa. Rồi khi anh tôi về, tôi sẽẨtrời ơi, tôi sẽ kể như thế nào cho anh ấy nghe những câu chuyện kỳ quái vừa rồi? Mà tại sao căn phòng tôi thay đổi cả như thế này? Chiếc ghế dựa của anh Hưng tôi bọc vải xanh, sao bây giờ thấy bọc vải tím sọc trắng? Bàn ghế vẫn như cũ nhưng tất cả đều xếp đặt trang trí một cách khác: có bàn tay của một người đàn bà nào đó bày biện, ngoài bàn tay của tôi. Màu sắc trang trí đẹp thật nhưng không phải là lối tôi ưa thích. Chiếc màn cửa sổ màu xanh nhạt nay lại trở thành tím nhạt. Tất cả đều thay đổi. Tôi biết anh tôi thích màu tím nhạt, nhưng vì chiều ý tôi anh đã bảo anh thích màu xanh. Nhưng sáng hôm nay vẫn tôi là người nội trợ của nhà này, vẫn tôi là người trang trí sắp đặt căn phòng khách này, tại sao bây giờ mọi sự thay đổi như thế được? Mọi sự thay đổi như không có mặt của tôi trong ngôi nhà này, và hiện có mặt một người khác. Cái tủ sách, kỳ chưa, cũng được xếp đặt một cách khác hẳn. Tại sao? Mới đây, mới hồi sáng đây…
Tôi đứng ngẩn ngơ cố nhớ ra mọi việc nhưng không thể nào hiểu được. Bỗng tôi nghe tiếng xe hơi quen thuộc của anh tôi trở về. Rồi tiếng tắt máy, tiếng cửa xe hơi đóng sầm lại. Anh đã về. Trong một lát thôi, tôi biết anh sẽ gọi có ai ở nhà không? như mọi lần và sẽ bước vào nhà. Nghĩ đến anh, và biết rằng chỉ trong một phút nữa thôi tôi sẽ được yên ổn trong tay anh, tôi thấy đầu tôi tỉnh táo hơn lên. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Tôi nhắm mắt lại một lát và nghĩ rằng khi mở mắt ra mọi sự vật trong phòng đều trở về y nguyên như hồi sáng, như tự bao giờ. Chiếc ghế xanh của tôi sẽ trở về chỗ cũ với vải bọc màu xanh. Cái màn cửa sẽ cũng trở về xanh nhạt… và anh tôi, với nét mặt hiền hậu và nụ cười cương quyết mọi khi, sẽ hiện ra trước cửa, hỏi tôi: Sao đó em… Rồi mọi sự sẽ tốt đẹp trở lại như thường.
Tôi nhắm mắt lại, khi mở mắt ra, mọi vật vẫn không thay đổi. Phòng khách vẫn là phòng khách tím nhạt. Tủ sách vẫn là tủ sách sắp đặt theo kiểu lạ. Nhưng – ôi sung sướng – tôi nghe tiếng của anh tôi từ ngoài sân vọng vào có ai ở nhà không?
Tôi chưa kịp trả lời thì cửa phòng ngủ mở, phòng của tôi – một thiếu phụ đi ra. Thiếu phụ cao hơn tôi một chút nhưng dáng người thanh nhã, và nét mặt rất đẹp. Tôi chưa từng thấy nàng bao giờ trong đời tôi, nhưng sao nàng lại từ trong phòng tôi bước ra, quen thuộc, như là cái nhà này là nhà của chính nàng. Sau nàng, tôi thấy một cô bé vào khoảng mười tuổi xinh đẹp, hao hao giống Yến Chi. Tôi đã gặp nó lần nào chưa nhỉ; sao trông có vẻ giống cháu Chi quá. Không, tôi chưa gặp lần nào.
Đúng lúc đó, anh tôi bước vào. Em, anh kêu lên, nhưng anh bước thẳng lại với người thiếu phụ, và hôn nàng trên mái tóc, rồi hôn em bé phía sau. Anh không trông thấy tôi.
Có tiếng ai thét lên. Một lát thấy cổ họng khô cháy, tôi biết là chính tôi đã la hét. Tôi ngất đi, không biết gì nữa.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi thấy tôi đang nằm trong bệnh viện. Hai khuôn mặt đầy lo âu đang chăm chú nhìn tôi: khuôn mặt của anh Hưng tôi và của bác sĩ Lương. Thấy tôi đã tỉnh, bác sĩ Lương kêu lên Cô ấy đã tỉnh dậy rồi! và khoan khoái thở dài như vừa giải xong một bài toán khó. Cô cứ nằm yên, bác sĩ tiếp, mọi sự đều tốt đẹp, không sao cả. Anh Hưng có lẽ đã lo lắng suốt một ngày một đêm vừa qua nên bây giờ cũng lộ vẻ mừng rỡ. Anh bước đến gần và nắm chặt lấy bàn tay tôi.
Việc xảy ra như thế nào, anh, tôi hỏi. Anh đưa mắt nhìn bác sĩ Lương, nhận một cái gật đầu đồng ý rồi cúi xuống tôi: Anh cũng không biết rõ nữa, Hương. Em gọi giây nói đến tòa báo, giọng em có vẻ hoảng hốt, vì vậy anh hấp tấp trở về ngay. Khi anh vào, em đang đứng trong phòng khách la hét như người mất hồn. Khi anh đến gần thì em ngất đi.
Bác sĩ Lương tiếp: Cô bị chấn động thần kinh. Triệu chứng rất rõ ràng. Cô có một dấu sưng trên đỉnh đầu, và suốt thời gian nằm mê man trong bệnh viện, cô ở trong một trạng thái kinh hoảng. Kèm theo những cơn nhức đầu dữ dội và nôn mửa, những triệu chứng thường hay đi đôi với bệnh thần kinh chấn động. Anh cô nói là cô điện thoại về tòa báo. Vậy tôi chắc có tai nạn gì đã xảy ra cho cô sáng hôm qua. Cô có nhớ gì không? Tôi ngần ngại. Bác sĩ nhìn tôi rất lâu và rất chăm chú. Tai nạn gì chưa biết, nhưng hình như nó còn làm cho cô kinh hoảng. Cô nên nghe lời tôi, bác sĩ tiếp.
Tôi bèn kể lại cho bác sĩ và anh tôi nghe đầu đuôi câu chuyện, từ lúc hộp cà chua rớt xuống đỉnhh đầu cho đến khi tôi bắt đầu la hét lên. Mọi chi tiết vẫn còn rõ ràng trong óc tôi – cháu Yên Chi với chiếc bánh xe, chiếc đĩa cổ của bà ngoại đã vỡ rồi lại lành lặn trở lại, những chữ viết trên bảng đen hiện ra trong đầu nói về đứa con của anh chị Thuần, tấm kiếng soi mặt vỡ rồi lại lành, người thiếu phụ trong phòng khách mà anh tôi đã hôn lên tóc. Khi tôi kể xong câu chuyện, anh tôi cười Cô còn quên chuyện cô gọi điện thoại về nhà báo. Hương, em kể chuyện hay lắm; em phải bắt đầu viết những chuyện thần kỳ để đăng báo mới được. Nghe anh khôi hài, tôi cảm thấy đau đớn. Tôi thoáng cảm lại cái dư hưởng của sự hoảng sợ đã khiến tôi hét lên như ngày hôm qua. Tôi nói: Đừng cười, anh. Câu chuyện không vui đâu anh. Câu chuyện không đáng cười một chút nào hết, anh.
Anh tôi nắm bàn tay tôi chặt hơn và cúi xuống hôn trên trán tôi. Anh biết, xin lỗi em. Anh vui vì thấy em đã được bình phục. Có phải vậy không bác sĩ?
Nhất định rồi. Cô ấy đã bình phục như thường. Ồ, không có gì lo lắng cả. Những chấn động thần kinh thường hay gây ra nhiều chuyện lạ. Nhưng sau đó thì tất cả đều trở thành một câu chuyện vui cho gia đình. Có lẽ sau này mỗi khi cô dùng chiếc đĩa cổ của bà ngoại, anh cô lại trào phúng bảo cô hãy cẩn thận đừng đánh vỡ lần nữa. Bác sĩ cười và nói tiếp: Và nếu ông bà Thuần quả thật là sinh con trai, thì cô đừng vì thế mà mở cửa hàng tướng số nhé. Nên nhớ là chỉ có hai trường hợp: một là trai, hai là gái. Vậy thế nào cũng có ít nhất năm chục phần trăm may mắn.
Câu nói pha trò của bác sĩ Lương làm cho tôi yên tâm và nhẹ nhõm, hơn bất cứ lời hứa nào về sức khỏe của tôi mà bác sĩ trang trọng nói. Ngày mai, khi anh tôi đến nhà thương để đưa tôi về, thì tôi đã cười nói như thường và quyết định sẽ quên hết mọi chuyện kỳ cục đã xảy ra.
Nhưng sau đó mấy hôm, tôi đánh vỡ chiếc đĩa cổ của bà ngoại. Tôi đang rửa thì nó tuột khỏi tay tôi và rơi xuống sàn nhà, vỡ làm ba mảnh. Tôi cúi xuống nhặt lên cả ba mảnh vừa nghĩ rằng anh Hưng khéo tay có thể gắn lại đẹp hơn tôi, thì bỗng nhiên sự kinh hoảng trở về, xâm nhập tôi mau chóng như một luồng điện giật.
Run rẩy, tôi bước lui và gieo mình trong một chiếc ghế. Điều trước tiên mà tôi có thể nghĩ đến là tôi đánh vỡ chiếc đĩa cổ của bà ngoại. Cũng giống hệt như lần trước, khi chiếc đĩa không vỡ. Rồi tôi tự nhủ: đừng có điên. Chiếc đĩa lớn quá và khó sử dụng. Mình cứ hay sợ là sẽ làm vỡ nó nên đã có ảo tượng là đã làm vỡ nó trong lần trước, nhưng lần này thì vỡ thật rồi. Quả quyết, tôi đứng dậy cầm ba mảnh vỡ của chiếc đĩa, đi tới tủ chén và cất chúng vào đấy cho anh tôi. Một lát sau chị Thuần ghé chơi. Nhìn vào mặt tôi, chị la lên: Ô hay, chị Hương, sao chị như mất hồn thế?
Em đánh vỡ chiếc đĩa cổ của bà ngoại, tôi la lên như muốn khóc. Chị Thuần và tôi hai người đứng yên lặng nhìn nhau.
Lại nữa! chị nói. Nhưng vẻ mặt cũng hoảng hốt, không bình tĩnh như giọng nói cố trấn tĩnh của chị. Đưa một ngón tay chỉ vào mặt tôi, chị cố gắng lấy vẻ tự nhiên: Chị đứng yên đây nghe, đừng động đậy. Để em xem. Chị ra lệnh và đi lại tủ chén. Rồi chị trở ra, thở dài khoan khoái. Đúng, nó vỡ thật. Rồi chị cười và ôm lấy tôi, trách móc Thôi nhé, chị đừng dọa em sợ mất hồn như thế nữa nhé. Chị nên nhớ rằng em cũng đang ở trong điều kiện mong manh lắm, đừng làm cho em sợ. Bác sĩ bảo em chỉ nên nghĩ tới những điều tốt đẹp và an lành mà thôi.
Chúng tôi cùng cười vui vẻ. Khi chị Thuần đi rồi, tôi nghĩ rằng từ đây phải quên hết mọi chuyện điên khùng ấy đi. Nhưng buổi trưa đó, khi tắm xong, đang mặc áo, tôi bắt gặp tôi đang thầm lén nhìn vào tấm gương để xem coi nó có nứt rạn chăng. Khi anh tôi về, vào giờ cơm trưa, tôi kể lại chuyện chiếc đĩa, và có thể cười tự trào về câu chuyện. Anh ấy đem ba mảnh vỡ ra và gắn lại khéo đến nỗi khó mà trông thấy đường nứt trên chiếc đĩa cổ.
Tuần sau chúng tôi đi Cấp, anh Hưng, tôi và cháu Yên Chi. Một tuần lễ ở lại bãi biển khiến chúng tôi mạnh khỏe hơn lên. Khi ở Cấp trở về, tôi hầu như đã quên hết mọi việc đã xảy ra. Mọi việc đều trở lại bình thường như cũ. Thứ sáu đó, tôi đến thăm chị Thuần. Em thấy trong người kỳ lạ lắm chị Hương. Hỏi kỳ lạ như thế nào, chị trả lời: Em không biết. Chỉ thấy kỳ lạ trong người, thế thôi. Nhưng hai giờ trưa hôm ấy khi chị gọi điện thoại cho tôi thì tôi biết là chị sắp sinh cháu bé. Tôi vội chạy đến dìu chị nằm trên giường và cấp tốc gọi bác sĩ Lương ở bệnh viện. Đồng thời tôi cũng gọi anh Thuần ở sở. Nhìn chị Thuần quằn quại tôi không có ruột gan nào mà suy nghĩ gì cả. Mãi đến khi anh ấy và bác sĩ Lương trở về, chở chị cấp tốc vào nhà thương tôi mới kịp nghĩ ra rằng hôm nay không những là thứ sáu mà lại còn là ngày mồng sáu tháng bảy nữa. Đúng hệt là ngày mà tôi tiên đoán. Em bé ra chào đời vào bảy giờ tối hôm ấy. Khi tôi gọi điện thoại cho anh Thuần, anh ấy vui vẻ bảo Bình yên, cảm tạ cô. Dễ dàng như trở bàn tay. Nhà tôi khỏe.
Còn cháu?
Cháu khá.
Cháu trai hay gái? tôi lật đật hỏi giọng run run.
Trai, gì thế cô?
Tôi không trả lời, buông ống nói xuống. Chỉ muốn hỏi cho biết là trai hay là gái thế thôi. Chỉ muốn biết coi có đúng không, thế thôi. Tuy nhiên, tôi không rối loạn lắm. Tôi tự lý luận với mình như một nhà triết học. Ngẫu nhiên, toàn là ngẫu nhiên cả. Chỉ là ngẫu nhiên tình cờ. Như cái đĩa cổ của bà ngoại. Một mớ ngẫu nhiên nữa, nhưng cùng một kiểu ngẫu nhiên như thế cả. Chẳng có gì lạ.
Tôi bám chặt vào ý tưởng ấy, cố tin vào đó. Sáng chủ nhật khi hai anh em vào nhà thương, chị Thuần cười: Ồ! chị Hương! Đúng là mồng sáu tháng bảy! Đúng là con trai! Sao chị không ra ngồi ở lăng ông Bà Chiểu mà làm thầy tướng số cho rồi đi chị? Tôi vẫn không nao núng, và vẫn cố tin vào ý tưởng ngẫu nhiên, tình cờ.
Chiều thứ hai, tôi trở lại nhà thương. Chị Thuần nói chúng em quyết định về tên của em bé rồi. Hôm qua khi chị Kim Anh đến thăm và ra về, thì chúng em bàn đặt tên của em bé ngay.
Tim tôi bắt đầu đập mau, và tôi tự nhủ đừng có làm đồ điên lần nữa. Tôi hỏi: Tên gì? – anh chị đặt tên gì?
Chị không tưởng tượng được đâu nhé. Đáng lẽ là Hậu, hay tên Kính, hay là tên Lương. Nhưng không biết nghĩ sao tôi nghĩ đến chị Kim Anh, người đã thi ơn cho chúng tôi nhiều trong những năm chúng tôi còn lận đận và muốn nhớ tới chị, chúng tôi đặt tên cháu là Hùng. Nhưng trời ơi, sao thế chị Hương? Mặt chị trắng như một tờ giấy. Tôi lẩy bẩy tìm một chiếc ghế và ngồi xuống Đừng có làm gì cho chị ấy kinh hoảng, tôi tự nhủ, và tôi trả lời Không sao cả chị, em hơi mệt.
Không biết làm sao mà tôi đã sống qua được ngày hôm ấy để đợi anh tôi về. Khi anh về vào lúc bảy giờ chiều tôi ngã trong tay anh và khóc như một đứa trẻ con. Chừng mười phút sau, anh mới dỗ tôi nín được và bảo tôi kể chuyện cho anh ấy nghe. Cuối cùng anh ấy hỏi Vậy thì anh chị đã đặt tên cho cháu bé là Hùng? Tôi gật đầu, rồi bỗng nhiên nhìn anh mà nói với một vẻ giận dữ: Em cấm anh không được cười nghe không! Đừng có cười đàn bà con gái điên khùng lắm chuyện.
Tôi ngạc nhiên nghe anh trả lời chậm rãi: Không, anh không cười nữa đâu. Trái lại anh lấy làm lo lắng. Hương, em hứa với anh. Em hứa đến thăm bác sĩ Lương và kể hết mọi chuyện nhé?
Tôi hứa, nhưng tôi vẫn dần dà không gọi điện thoại để định trước giờ gặp. Tôi ngần ngại. Tôi có thể tưởng tượng bác sĩ Lương ngồi sau bàn giấy, lắng nghe câu chuyện vô lý của tôi kể và cố gắng che giấu một nụ cười thương hại, thương hại cho cái thứ đàn bà con gái suy nhược thần kinh. Tôi chắc rằng ông ta cũng sẽ nhiều lắm là cho một toa thuốc gồm các thứ an thần và bổ dưỡng rồi nói vài câu an ủi và trấn tĩnh.
Một tuần trôi qua. Tối nào anh tôi cũng hỏi Cô đã gọi bác sĩ Lương chưa? Cuối cùng tôi hứa với anh tôi là sẽ gọi bác sĩ Lương sáng thứ hai tới. Nhưng sáng thứ hai cháu Yên Chi đau bụng, tôi không cho cháu đi học. Khi xe nhà trường đi rồi, chứng đau bụng của cháu biến mất một cách mau chóng và đáng nghi. Cháu xin ra ngoài sân chơi. Tôi đang ở trong bếp rửa chén bát của buổi ăn sáng thì bỗng nghe cháu gọi Me ơi me! Ra mà xem.
Tôi vừa bước tới cửa sổ thì bỗng thấy lo lắng ở đâu tràn ngập tâm hồn. Vì sao? Tôi không biết. Bỗng cháu Yên Chi chạy tới trước cửa sổ, la lên:
Me, con làm được một bánh xe-một chiếc bánh xe!
Run rẩy, tôi bám chặt thành cửa cho khỏi ngã. Tôi thấy tà áo đỏ của cháu bay phất phơ trong gió. Nhưng áo của cháu không ngắn quá như lần trước; tôi đã xuống lai cho dài hơn. Ồ, vậy thì không đúng với lần trước rồi. Không đúng rồi, vì lần trước áo cháu ngắn hơn.
Tôi có thể trông thấy cháu Yên Chi đang nóng nảy đợi tôi khen. Tôi biết nói làm sao đây? Hay phải nói những tiếng tiền định? Ồ, con giỏi lắm, tôi buột miệng không giữ kịp. Con đem cho Suzanne coi mẹ nhé? Suzanne cũng nghỉ học. Nó trặc chân. Cái việc trặc chân cũng là một việc mới không đúng với lần trước. Tôi nghĩ: Hoặc giả lần này cũng là giả như lần trước? Tôi rung mình, lạnh xương sống.
Được không Me? Được không? cháu giục.
Đừng, nhưng tôi vội chữa lại, không biết vì sao: Được; nhưng đừng đi đâu quá nhà Suzanne, và nhớ về trước giờ cơm trưa, nghe con, tôi nói nốt những tiếng tiền định.
Tôi đứng lặng yên như vậy một lát, nhìn theo cháu nhảy nhót chạy ra cửa ngõ. Rồi tôi trở vào, đi thong thả. Thong thả như một người già cả. Trời ơi, tôi chẳng bao giờ được già đâu. Trước khi già tôi đã phải chết. Tôi sẽ không còn sống nữa. Không còn hiện hữu nữa. Không còn hiện hữu trong cái nhà này nữa. Tôi sẽ xa anh tôi, sẽ xa cháu Chi. Người thiếu phụ kia là ai nữa, nếu không phải là vợ anh tôi, sau khi tôi đã chết. Em bé xinh đẹp kia là ai nữa nếu không phải là cháu Yên Chi lớn lên. Lần đầu tiên tôi hiểu tại sao phòng khách lại trang hoàng màu tím nhạt và màu trắng. Tôi để rơi mình trên một chiếc ghế. Trời ơi, tôi khóc như mưa.
Tôi ngồi đó thật lâu. Rồi tâm hồn tôi dịu lại. Tôi không còn sợ hãi nữa. Tôi không cảm thấy gì hết. Tôi thấy tôi nghĩ đến điều đó như một điều định mệnh, hiển nhiên. Tại sao tôi lại biết chắc rằng tôi sẽ chết. Tôi tự hỏi. Anh tôi có thể cưới vợ, lập gia đình, nhưng việc gì mà tôi phải chết? Giả sử tôi đi dạy ở nơi khác. Nhưng nếu tôi đi dạy nơi khác tại sao tôi không đem cháu Yên Chi đi? Tại sao cháu Yên Chi lại ở đây với người thiếu phụ? Thôi quyết rồi, quyết là tôi chết rồi.
Vậy thì cái chết của tôi mới là lời giải hợp lý cho mọi việc. Tôi cố nhớ lại những gì tôi thấy trong phòng của tôi – hay là phòng của cô ta? – nhớ lại ngày đầu tiên câu chuyện quái đản xảy ra. Cháu Yên Chi lúc ấy có vẻ lớn hơn bây giờ nhiều, vào khoảng trên mười tuổi. Vậy là bốn năm sau. Có lẽ tôi chưa chết ngay bây giờ đâu. Nhưng có thể trước cái ngày ấy một năm, hai năm hay ba năm.
Tôi vùng đứng dậy và thấy toàn thân run lên. Trời ơi, tôi điên rồi hay sao. Tại sao một cô gái mạnh khỏe như tôi mà lại nghĩ đến cái chết của mình một cách bình tĩnh như thế? Tôi đưa tay lên sờ mặt và thấy đôi má tôi ướt đẫm. Tôi đã khóc mà tôi không biết. Rồi cẩn thận, tôi nhón gót đi từng bước một đến máy điện thoại và gọi bác sĩ Lê Ngọc Lương.
Chiều hôm ấy, khi giáp mặt bác sĩ ngồi sau bàn giấy, tôi cảm thấy những lo lắng, sợ hãi của tôi trở thành kỳ cục. Tuy nhiên bác sĩ vẫn ân cần nhủ tôi phải khám lại toàn cơ thể, kể cả chiếu quang tuyến X để biết chắc rằng không có bộ phận nào bị hư hại vì thần kinh chấn động. Không có bộ phận nào hư hại thật. Về thân thể, tôi cũng mạnh khỏe bình thường như bất cứ người đàn bà con gái nào. Bác sĩ Lương còn gửi tôi tới một bác sĩ phân tâm học, bạn của ông ta nữa. Bác sĩ này lắng nghe tôi kể mọi chuyện một cách hết sức chăm chú và trấn tĩnh tôi. Tôi không có bệnh gì cả. Tâm lý vẫn bình thường. Ông bảo rằng những ý tưởng về cái chết và sự xa cách những người thương yêu là những ý tưởng rất phổ thông và thường hay gây ảo tượng. Phần lớn phụ nữ đều có trải qua hiện tượng ấy, dầu ít, dầu nhiều. Vì thần kinh chấn động, những hiện tượng kia có thể trở thành rất thực, nhất là trong những lúc lo lắng quá độ. Bác sĩ chỉ cho tôi những hiện tượng lo sợ cỏn con của tiềm thức đã nổi lên trên mặt phẳng ý thức và tác động như thế nào dưới ảnh hưởng của vết thương trên đỉnh đầu. Khi tôi cất chiếc áo đỏ của cháu Yên Chi trên tầng tủ, tôi đã chẳng thầm nhủ trong tiềm thức rằng sẽ đem xuống một lai nữa cho cháu mặc vào mùa thu hay sao? Chiếc kiếng soi mặt nứt rạn rồi lành lại, chẳng qua chỉ là do quáng mắt trông nhầm, vì ảnh hưởng của vết thương quá mạnh trên đầu. Chiếc đĩa kiểu của bà ngoại cũng vậy, do mắt quáng mà thấy lầm đó thôi. Còn ngày sinh của bé Hùng, thì ba tuần sớm hơn cũng là một chuyện thường xảy ra; tôi há lại chẳng biết rằng cái tên Hùng rất phổ thông, thường đặt cho con trai cho có vẻ mạnh mẽ hay sao?
Khi cuộc nói chuyện chấm dứt, tôi gần như đã bị bác sĩ chinh phục hoàn toàn. Gần như. Từ đó trở đi, chẳng có gì hiển hiện thêm nữa, nên những nghi ngờ còn sót lại cũng yếu dần, yếu dần. Thỉnh thoảng, chỉ thỉnh thoảng thôi, cái cảm giác sợ hãi mới len lén trở về. Song tôi vẫn không để ý rằng anh tôi vẫn theo dõi tôi từ từng giọng nói đến từng cử động. Mãi đến tối thứ bảy vừa qua, cách ngày tôi gặp bác sĩ Lương hơn hai tháng, trong khi cháu Yên Chi đang học bài trên lầu, khi lụi cụi trong bếp để nấu chè đỗ xanh, tôi mới để ý. Anh ấy cầm đèn soi cho tôi bắc soong chè xuống, nói chuyện cho tôi vui, cho có bạn. Tôi đang chìm đắm trong sự lo âu vô cớ, thì bỗng anh dằn mạnh chiếc đèn xuống bàn nói lớn: Đừng, em.
Đừng cái gì, hở anh? Tôi hỏi một cách ngượng nghịu như người bị bắt quả tang.
Đừng có nghĩ tới… cái việc ấy nữa.
Tôi đặt soong chè xuống bàn, và nhìn anh, đau khổ: Anh Hưng ơi, làm sao em có thể tránh cho được? Ai nói gì thì nói, ai lý luận gì thì lý luận, không biết tại sao em vẫn cứ nghĩ rằng em biết, em biết tất cả những gì còn lại sẽ xảy ra cho em, anh ơi.
Anh tôi bước lại gần, quàng tay ôm lấy tôi và nói rất nhẹ Em Hương, anh cũng biết một điều rất rõ. Điều mà anh sẽ nói cho em nghe. Đó là anh thương em. Anh nâng cằm tôi lên, bắt tôi phải nhìn thẳng vào mắt anh, và nói tiếp: Em là người mà anh thương yêu nhất trên đời này. Ba me đã mất rồi. Anh chỉ còn có một mình em. Còn anh đây, làm sao anh lại để cho mất em, hả Hương? Em không biết rằng mất em anh sẽ cảm thấy thiếu tận xương tận tủy anh sao? Nhưng anh biết rằng điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy đến cho chúng ta cả.
Tôi dường như thấy tình thương của anh tôi tỏa hào quang và bao bọc che chở cho tôi, làm cho tôi cảm thấy êm ái và hết cả mọi lo âu. Trong lúc ấy, nhìn vào mắt anh, tôi biết rằng tôi có thể tin lời anh. Tôi sẽ không bao giờ chết. Và anh tôi dường cũng biết tôi nghĩ như vậy. Tôi múc chè ra chén và nói chuyện với anh tôi một cách tự nhiên, sung sướng. Trong mấy tháng nay, chẳng khi nào tôi được sung sướng như thế.
Khi chè đã múc xong, tôi đi rửa mặt, rửa tay và thay áo mát buổi tối. Anh tôi ra phòng khách. Tôi đang đứng trước tấm kiếng để thay áo, bỗng tôi thấy nó hiển hiện. Tấm kiếng. Một tiếng lách tách kéo dài, tấm kiếng nứt rạn theo những đường ngoằn ngoèo kỳ dị, từ trên xuống dưới.
Tôi biết là nó đã xảy đến, cái việc mà tôi đã đợi chờ từ lâu, lo lắng từ lâu. Tôi đã biết trước rằng một ngày kia tôi sẽ phải nhìn vào tấm kiếng vỡ để thấy những visions trở thành sự thực. Tôi đã nghĩ rằng nó chưa xảy đến. Chưa. Có lẽ không bao giờ. Tôi sẽ tin lời anh tôi, tin lời bác sĩ, tin một cách hoàn toàn để mà sống, khi mà tấm kiếng chưa vỡ.
Nhưng nay nó đã vỡ. Lặng lẽ và chậm rãi, tôi tiến lại gần nó, để nhìn tận mắt và để khám phá rằng tôi không hiện hữu trong kiếng. Nhưng không, hình tôi vẫn phản chiếu trong kiếng như mọi khi. Mà có cái gì là lạ cũng phản chiếu trong kiếng nữa. Tôi chúi tới trước để nhìn cho rõ. Sau bối cảnh, tôi thấy… những hang dài thánh giá và chữ vạn chạy dài tới vô biên nổi bật trên những nấm mồ cỏ xanh. Cây cối um tùm như trong nghĩa địa. à, mà đúng là nghĩa địa thật rồi, dàn trải đến chân trời. Nơi yên nghỉ ngàn đời…
Hưng, anh Hưng! Trời đất ơi! Anh Hưng! Mau lên anh, tôi hét lên. Anh tôi chạy vào, hoảng hốt và hình như không thấy tôi cho nên ngơ ngác nhìn quanh. Anh ở ngoài sáng chạy vào nên không kịp trông thấy tôi, hoặc giả anh đã không trông thấy tôi hiện hữu trong lúc đó? Có lẽ nghe tiếng hét anh mới tìm tới được chỗ tôi đứng. Và khi mắt chúng tôi gặp nhau trong tấm kiếng vỡ thì tôi biết rằng, cuối cùng, anh đã phải tin.