Rong chơi trời phương ngoại

Chống gậy rong chơi chừ, trời phương ngoại

Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung
(anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)

LỜI NÓI ĐẦU

Có nhiều người nghĩ rằng Niết bàn (Nirvāna) là một cảnh giới hạnh phúc mà người chứng đạo được đi vào sau khi chết. Không có sự hiểu lầm nào tai hại hơn thế. Bụt đã dạy rất nhiều lần về Hiện Pháp Niết Bàn (Dṛṣṭa-dharma) nghĩa là về Niết bàn trong hiện tại. Nếu ta có khả năng buông bỏ được những phiền não như đam mê, hận thù và ganh tị, nếu ta buông bỏ được những cái thấy sai lầm về sinh diệt, có không, tới đi v.v… thì ta có thể tiếp xúc được với Niết bàn ngay trong giây phút hiện tại. Niết bàn có nghĩa là giải thoát, là tự do. Ví dụ ta đạp nhằm một cái gai và nếu cái gai ấy chưa lấy ra được, thì ta khó chịu. Lấy ra được cái gai ấy rồi thì ta thấy rất dễ chịu. Cái dễ chịu ấy là một thứ giải thoát, một thứ tự do. Ta đâu cần phải chết đi mới có được cái cảm giác giải thoát và tự do đó. Những phiền não như đam mê và hận thù, những hiểu lầm và sợ hãi mà ta đang có chính là những cái gai đang làm cho ta khó chịu, khổ đau và đày đọa. Đó là những cái gai ta chưa khươi ra được. Lấy ra được một cái gai thì ta có thêm được một sự dễ chịu. Càng lấy được nhiều gai chừng nào thì càng dễ chịu từng ấy. Cảm giác tự do, thoải mái và dễ chịu ấy tức là Niết bàn. Có hai loại chướng ngại cho Niết bàn, hai loại rào cản không cho ta tiếp xúc với Niết bàn: đó là phiền não chướng sở tri chướng. Phiền não chướng là thứ chướng ngại do những tâm hành như tham đắm, hận thù và ganh tị gây ra. Đó là những ngọn lửa thiêu đốt ta. Sở tri chướng là những chướng ngại do những tâm hành như kỳ thị, cố chấp, những lề thói suy tư nhị nguyên, những tà kiến như ngã chấp, pháp chấp v.v… Chúng có tác dụng bưng bít, vây hãm, che đậy. Rất nhiều khi ta lấy tà kiến làm chân lý. Vượt thoát những tâm hành như thế ta thấy không gian trong ta và ngoài ta rộng thênh thang, và những ngọn lửa thiêu đốt kia được dập tắt. Niết bàn có nghĩa là sự dập tắt của các ngọn lửa phiền não và sở tri. Nó là trạng thái lắng dịu, nó là trạng thái mát mẻ, ổn định và tự do. Niết bàn là nơi cư trú hàng ngày của các bậc hiền nhân, của các bậc hiền thánh.

Trong kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại mà bạn sắp đọc đây có câu: Chim chóc ưa trời mây, huơu nai ưa đồng nội, và các bậc hiền nhân ưa rong chơi nơi Niết bàn. Có một con đường thực tập, có một cách sống cao đẹp gọi là con đường bát chánh, bắt đầu từ chánh kiến. Chánh kiến là cái thấy vượt ra mọi thành kiến và cố chấp, cái thấy vượt thoát lề lối suy tư nhị nguyên, cái thấy vượt thoát các quan niệm có và không, sinh và diệt. Trên căn bản của cái thấy ấy có sự thực tập chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp. Những thực tập này có công năng giúp ta tháo bỏ dần dần các phiền não chướng và sở tri chướng. Thực tập đến đâu thì có Niết bàn đến đó. Không hẳn là phải chuyển hóa hết 100% các phiền não và sở tri ấy mới có Niết bàn. Chuyển hóa được 10% phiền não và sở tri thì đã có 10% Niết bàn rồi. Chuyển hóa được 90% thì có 90% Niết bàn. Cái phiền não và sở tri còn sót lại gọi là dư y. Niết bàn chưa toàn vẹn ấy là Niết bàn hữu dư y. Khi những phiền não và sở tri còn lại đã được chuyển hóa, thì hành giả đạt tới Niết bàn tuyệt đối, gọi là Niết bàn vô dư y. Các vị Bụt và Bồ tát trong khi còn có hình hài của họ vẫn có thể an trú trong Niết bàn vô dư y ấy. Đó là giáo lý của đạo Bụt Nguyên thỉ. Sau đó, có những sai sót về truyền thừa, người ta mới hiểu lầm dư y (upādhi) là uẩn (skandha) cho nên mới nói rằng chỉ khi nào hết năm uẩn thì mới có được Niết bàn tuyệt đối. Đây là cái thấy tai hại đưa nhiều người tới sự hiểu lầm rằng Niết bàn chỉ là một giai đoạn hạnh phúc vài ba chục năm sau khi đắc đạo và sau đó sẽ được tiếp nối bằng cái chết hằng vĩnh. Trong giáo lý Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế), sự thật thứ ba là Niết bàn, là sự lắng dịu, là sự vắng mặt của phiền não và sở tri, gọi là diệt đế. Diệt là sự vắng mặt của khổ đau, sự lắng dịu của khổ đau, là sự bình yên và tự do. Sự thực thứ tư là con đường, là đạo đế. Hiểu theo nghĩa bất nhị, thì đạo đế và diệt đế không thể tách rời khỏi nhau. Đang đi trên con đường đạo đế, tức cũng là đang chứng nghiệm diệt đế, nghĩa là chứng nghiệm Niết bàn, dù đó chưa phải là Niết bàn vô dư y. Bắt đầu thực tập đạo đế, như thế có nghĩa là bắt đầu nếm được hương vị của Niết bàn. Người xuất gia và người tại gia đều có khả năng tiếp cận Niết bàn qua đạo đế ngay trong giây phút hiện tại. Vì vậy cho nên ta có thể nói: “Không có con đường nào đưa tới Niết bàn cả, Niết bàn chính là con đường!” (There is no way to Nirvāna, Nirvāna is the way.) Đó là cách nhìn bất nhị về Tứ diệu đế.

Tuệ Trung Thượng Sĩ, tác giả của tập ngữ lục Thượng Sĩ Ngữ Lục, là một người cư sĩ thực tập đạo thiền. Ông là anh ruột và là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông đã diễn tả Niết bàn với danh từ trời phương ngoại (phương ngoại phương). Phương ngoại phương là không gian nằm ngoài không gian (space outside space). Trời phương ngoại thênh thang hơn trời phương nội.

Trong kiếp nhân sinh, chúng ta bị giới hạn bởi thời gian, không gian, sinh diệt, còn mất và có không. Đó là vì ta bị tà kiến và phiền não che lấp. Vượt thoát tà kiến và phiền não, ta vươn tới trời phương ngoại, thênh thang hơn nhiều, hạnh phúc hơn nhiều. Trời phương ngoại, tức là Niết bàn, không phải là một mơ ước viển vông. Nếu ta nắm lấy đạo đế để thực tập, thì trời phương ngoại trở thành thực tại liền lập tức. Trong Phóng Cuồng, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung đã viết: “Chống gậy rong chơi, chừ trời phương ngoại.” (Sách trượng ưu du hề phương ngoại phương.) Cha ông chúng ta đã làm được điều đó, chúng ta là con cháu há chẳng làm được như cha ông sao?

Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại được dịch từ phẩm Nê Hoàn trong kinh Pháp Cú tạng chữ Hán. Kinh Pháp Cú tạng chữ Hán có tới 39 phẩm, trong khi kinh Pháp Cú tạng Pali chỉ có 26 phẩm. Kinh Pháp Cú hiện lưu truyền rộng rãi tại Việt Nam là kinh Pháp Cú tạng Pali, trong đó không có phẩm Nê Hoàn nói về chủ đề Niết bàn. Kinh Pháp Cú Hán tạng được dịch từ giữa thế kỷ thứ ba Tây lịch tại kinh đô nước Ngô là Bành Thành tức là Nam Kinh ngày nay. Hồi đó tại nước Ngô chỉ có một ngôi chùa duy nhất gọi là chùa Kiến Sơ do một vị Thiền sư người Việt tạo dựng với sự yểm trợ của vua Ngô Tôn Quyền. Đó là Thiền sư Tăng Hội. Dịch giả là ông Duy Kỳ Nan và người viết tựa là cư sĩ Chi Khiêm. Có thể kinh đã được dịch tại chùa Kiến Sơ do Thiền sư Tăng Hội trú trì. Toàn bộ bản dịch kinh Pháp Cú Hán tạng sẽ được xuất bản dưới tiêu đề “Kết Một Tràng Hoa” trong một thời gian rất gần. Trong khi chờ đợi, mời các bạn độc giả thưởng thức kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại.