Chương 8: Những chủ trương của Hóa Ðịa Bộ
Những chủ trương của Hóa Địa Bộ là:
- Hiểu được khổ đế một cách chính xác thì đồng thời cũng hiểu được tập đế, diệt đế và đạo đế.
- Có chín pháp vô vi, thay vì ba vô vi.
- Từ khi con người sinh ra đến khi con người chết đi thì bốn đại (đất, nước, gió và lửa) cũng như sáu căn và các tâm hành của con người luôn luôn biến chuyển.
- Có một uẩn cứ tiếp tục hoài cho tới khita giải thoát hoàn toàn mới chịu chấm dứt. Cái đó được gọi là cùng sinh tử uẩn. Trong tác phẩm Thành Duy Thức Luận của thầy Huyền Trang (đã được nhà học giả Pháp Louis de la Vallée Poussin dịch ra tiếng Pháp) có một đoạn nói về cùng sinh tử uẩn của Hóa Địa Bộ. Hóa Địa Bộ chủ trương có ba loại uẩn:
- sát na uẩn tức là những hiện tượng sinh diệt trong từng sát na.
- có những uẩn kéo dài hơn và có sự liên tục như căn thân (hình hài) của chúng ta. Mũi của ta từ khi sinh ra cho đến khi chết cũng vẫn là mũi của ta. Chúng ta có thể tạm gọi uẩn này là nhất sinh uẩn. Nó có một đời sống dài hơn sát na uẩn.
- cùng sinh tử uẩn: là cái uẩn đi suốt hành trình cho tới khi chấm dứt sinh tử. Thân thể này tan hoại thì sinh tử uẩn vẫn còn tiếp tục, vẫn còn tái sanh và luân hồi nhiều lần cho tới khi ta chứng ngộ và giải thoát thì nó mới hết. Đây cũng là một cái ngã trá hình.
Hóa Địa Bộ nói về sát na uẩn để chứng tỏ mình không trái chống lại giáo lý của Đức Thế Tôn là vạn pháp vô thường. Nhưng cái nhất sinh uẩn tồn tại trong suốt một đời thì đã nhuộm màu “thường”. Cùng sinh tử uẩn còn “thường” hơn nữa, vì sau khi ta chết thì nó vẫn còn tồn tại. Nó là một thứ uẩn nằm sâu mà chúng ta không thấy được.
Các nhà Phật học luôn luôn có thao thức muốn tìm cách chứng minh thuyết nhân quả và sự tu chứng. Nếu không có một cái ta, nếu không có một cái ngã tồn tại lâu dài thì làm sao có thể cắt nghĩa được chuyện tu chứng và nghiệp báo? Vì thế, ngoài sát na uẩn còn mang tính Phật giáo Nguyên thỉ, Hóa Địa Bộ đã đặt ra thêm nhất sinh uẩn và cùng sinh tử uẩn.
Ta đã biết rằng từ Hữu Bộ phát sinh ra môt bộ phái khác gọi là Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika). Kinh Lượng Bộ chủ trương Căn biên uẩn. Căn biên uẩn là một loại uẩn không có tính sát na diệt, nó kéo dài cho tới khi hình hài này tan rã. Đó cũng là một cách chứng minh rằng có một thực tại nào đó đang tồn tại qua thời gian.
Trong khi đó thì Hữu Bộ chủ trương mạng căn và đắc. Hữu Bộ chia các pháp ra thành 75 loại. Có loại gọi là sắc pháp. Có loại gọi là tâm pháp, có loại gọi là tâm bất tương ưng pháp trong đó có các pháp như đắc, v.v.
Đắc là nắm bắt, là đạt tới được. Nó không phải tâm cũng không phải vật (sắc). Thánh và phàm giống như nhau. Nhờ đã gỡ ra được một số dây ràng buộc cho nên Trạch Diệt Niết Bàn được hiện ra: cái ấy gọi là đắc. Khi những sợi dây chằng còn quấn vào thân tâm thì vô vi niết bàn chưa hiện ra. Đó gọi là vô đắc. Đắc là một giáo lý rất đặc biệt của Hữu Bộ, gọi là Prāpti. Đắc được căn cứ trên ý niệm mạng căn.
Mạng căn là một đời sống (longévité), một thọ mạng (durée de vie). Mạng căn không phải uẩn, không phải thân, cũng không phải tâm. Một người sinh ra vào năm nào đó và chết vào một năm nào đó, như thế thì rõ ràng là ta có một thọ mạng. Thọ mạng đó không thể nói nó là vật chất hay tinh thần. Nhưng rõ ràng thọ mạng là một pháp. Ở đây, ta thấy ý niệm thọ mạng cũng là một cái ngã trá hình.
Ngoài ra, Hữu Bộ còn có chủ trương tương tục (Saṃtati), tức là có sự tiếp tục. Đó là ý niệm tự tương tục và tha tương tục. Năm uẩn của tôi là tự tương tục, còn năm uẩn của anh là tha tương tục. Tương tục cũng là một cái ngã trá hình, nó là một ảo tưởng. Ban đêm, nếu có một bó đuốc đang quơ thành vòng tròn thì đứng ở xa, người ta có thể nghĩ là có một vòng tròn lửa thật. Nhưng sự thật là chỉ có những đóm lửa rời nối với nhau một cách miên mật. Phật giáo Nguyên thỉ của Đức Thế Tôn nói rằng chỉ có những đóm lửa tiếp nối nhau cho ta có ảo tưởng là có một vòng tròn lửa. Vòng tròn lửa là một ảo tưởng. Thọ mạng cũng vậy. Cùng sinh tử uẩn cũng vậy. Nếu chúng ta liệng một hòn đá xuống hồ thì ngay chỗ hòn đá rơi xuống nó tạo ra một vòng tròn và ta thấy vòng tròn đó lan ra từ từ cho tới bờ hồ. Chúng ta thấy có vòng tròn đi tới. Nhưng kỳ thực phần nước này tác động lên phần nước kia và phần nước kia tác động lên phần nước kia nữa cho ta có cảm tưởng là đợt sóng đi từ giữa hồ tới bờ hồ. Thật ra không có chủ thể nào đi từ giữa hồ ra bờ hồ. Đó là ý hướng đầu của vô thường, của sát na sinh diệt. Cũng như những con cờ domino, một con domino rớt xuống đè lên con khác, và đứng từ xa chúng ta thấy như có một cái gì đang chạy. Thật ra không có một chủ thể nào đang chạy mà chỉ có cái này tác động lên cái kia. Các pháp đều như vậy. Nếu chúng ta hiểu chữ tương tục như thế thì thuyết tương tục không trái chống với lý thuyết vô ngã.
Đại Chúng Bộ đưa ra cái ý niệm gọi là Căn bản thức (Mūla-vijñāna), cái mà sau này phái Duy Biểu gọi là A lại da thức (Ālaya-vijñāna). Trong khi đó thì Thượng Tọa Bộ có quan niệm Hữu phần thức. Tất cả đều để đáp lại nhu yếu của con người là đòi hỏi phải có một chủ thể, phải có một sự tương tục.
Hai đòi hỏi lớn nhất của con người đối với đạo Bụt mà các nhà luận sư phải cố gắng làm thỏa mãn là: có một đối tượng để kính ngưỡng và có một chủ thể để bám vào mà giải thích được cơ chế của sự tu chứng và sự tạo tác và lãnh thọ nghiệp báo. Nếu thấy được hai điều này thì chúng ta bắt đầu hiểu được sự phát triển của tư tưởng Phật giáo. Đây là chìa khóa giúp cho quý vị nghiên cứu lịch sử tư tưởng Phật giáo sau này.
Về sau Hóa Địa Bộ lại cũng chịu ảnh hưởng của Hữu Bộ. Cái mà ban đầu bản tông chủ trương thì sau đó mạt tông lại chủ trương ngược lại. Hóa Địa Bộ chủ trương: Quá khứ có và tương lai cũng có. Đó là một chủ trương trái ngược lại với chủ trương của Thượng Tọa Bộ ngày xưa. Hóa Địa Bộ chủ trương có trung ấm thân trong khi Thượng Tọa Bộ (hiện bây giờ ở Tích Lan cũng vậy) thì chủ trương không có trung ấm thân. Các học phái bị ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu như Thượng Tọa Bộ không di cư sang Tích Lan thì cũng sẽ giống như Hóa Địa Bộ, tại vì nếu tiếp tục ở lại lục địa thì Thượng Tọa Bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng của những tông phái khác.
Chúng ta đã nói tới hai nhu yếu của con người. Nhu yếu đầu là cần có một đối tượng để thương yêu, kính ngưỡng và thờ phụng. Vì nhu yếu đó nên Đức Thế Tôn đã từ vai trò của một bậc thầy đã không được tiếp tục làm vai trò của một vị thầy nữa. Đức Thế Tôn không còn được quyền làm người như chúng ta mà phải làm một vị thần linh. Tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng đã giúp tháo gỡ cho Đức Thế Tôn để Ngài được làm người, được làm một vị thầy trở lại. Nhu yếu thứ hai là muốn chứng minh có một cái gì đó thường tại, không sát na diệt, không biến chuyển từng giây từng phút để có thể làm chủ thể cho nhân quả, nghiệp báo và sự tu chứng.
Tất cả những đợt sóng trên đại dương đều có sinh có diệt, đều có biến chuyển. Nhưng những đợt sóng sát na diệt phải nương trên một cái gì đó không sinh không diệt. Người ta biết phải có nước làm nền tảng cho mọi đợt sóng, vì vậy cho nên người ta đã đi tìm cái nền tảng cho tất cả mọi hiện hữu sinh diệt.
Bộ phái nào cũng cố gắng tìm cho ra một chủ thể và mỗi bộ phái đặt tên riêng cho cái chủ thể ấy. Trong công cuộc tìm kiếm, các bộ phái đã đi vào lãnh vực của hình nhi thượng học (métaphysique), tức là lãnh vực siêu hình học.
Trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài không muốn các đệ tử của mình đi vào siêu hình học tại vì như thế sẽ mất thì giờ rất nhiều. Chúng ta có những khó khăn, những khổ đau, những vấn đề thực tế thì phải nên tập trung tâm ý vào đó để giải quyết và chuyển hóa. Nhưng sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt thì các đệ tử của Ngài, vì thiếu Thầy nhắc nhở nên đã đi vào lãnh vực siêu hình học quá sâu. Có một sự đòi hỏi từ giới học giả cũng như từ giới quần chúng là phải chứng minh cho được nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và sự tu chứng. Tông phái nào cũng muốn đi tìm một chủ thể, nhưng một mặt khác họ cũng muốn trung thành với Đức Thích Ca, nên đã cố giữ lại cái giáo lý vô thường và vô ngã. Họ vẫn cho vạn vật là vô thường, vô ngã nhưng đứng về phương diện bất khả tư, bất khả nghì thì có một cái gì đó có thường có ngã để làm nền tảng.
Đức Thế Tôn, khi còn tại thế, cũng có đề cập tới vấn đề đó. Ngài nói về Niết bàn. Câu nói này rất nổi tiếng, trích trong kinh Như Thị Ngữ:
“Này các tỳ kheo, có một cái không sinh, không diệt, không có, không không, không còn, không mất, không bên này, không bên kia. Nếu không có cái đó thì những cái có sinh, có diệt, có có, có không, có còn, có mất, có bên này, có bên kia, không có chỗ nào để trở về”.
Đối tượng tìm kiếm của các bộ phái sau này là chính cái đó.
- Đầu tiên là Độc Tử Bộ (Vātsīputrīya), Độc Tử Bộ chủ trương thắng nghĩa Bổ đặc già la (pudgala). Bổ đặc già la là con người. Khi ăn thì không phải cái miệng ăn mà là con người ăn; khi thấy không phải con mắt thấy mà là con người thấy; khi tạo nghiệp thì phải có người tạo nghiệp; khi tu chứng thì phải có người tu chứng. Người đó (chủ thể đó) được gọi là Bổ đặc già la (pudgala). Pudgala này không phải là cái ngã thường mà thế gian hay chấp, nó có tính cách thắng nghĩa (super), không thể nắm bắt được bằng trí năng của chúng ta. Nó thuộc về phạm vi bất khả tư nghì. Chúng ta không thể nào suy nghĩ hay nói năng được gì về nó, nhưng phải có nó mới được. Đó là chủ trương của Độc Tử Bộ.
- Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) có quan niệm về đắc, về mạng căn, về tương tục (Saṃtati). Có những dòng tương tục như sông Seine, sông Garonne, sông Cửu Long. Có dòng này và có dòng khác. Có tự tương tục và tha tương tục. Không có cái ngã nhưng có cái tương tục (continuité). Cái này đi rất gần với cái ngã. Đắc là đạt tới được; mạng căn là thọ mạng, là đời sống, trong đó hàm ý có sự bắt đầu và tương tục cho tới một thời gian sau mới ngưng.
- Thượng Tọa Bộ (Sthaviravāda) đưa ra quan niệm tế ý thức 細 意 識 (Sūkṣma-mano-vijñāna) tức ý thức rất vi tế. Ý thức và những tâm hành mà chúng ta tiếp xúc được là cái ngọn. Ở chiều sâu còn có một ý thức rất vi tế, từ đời vô thỉ tới bây giờ chưa bao giờ từng gián đoạn. Nó tương tục và được làm bằng bản chất của bốn uẩn là: thọ, tưởng, hành và thức. Thượng Tọa Bộ còn đưa ra Hữu phần thức 有 分 識 (Bhavāṅga), tiếng Anh là life continuum.
- Đại Chúng Bộ (Mahāsāṃghika) đưa ra quan niệm Căn bản thức 根 本 識 (Mūla-vijñāna).
- Chánh Lượng Bộ (Sāṃmitīya), rất gần với Độc Tử Bộ, chủ trương cái gọi là Quả báo thức 果 報識 tức một thức làm chủ thể cho quả báo.
- Hóa Địa Bộ (Mahīśāsaka), tức sự tiếp nối của Thượng Tọa Bộ, chủ trương Cùng sinh tử uẩn 窮 生 死 蘊 (Saṃsārakoṭiniṣṭhaskandha). Saṃsāra là sinh tử, luân hồi. Cùng sinh tử uẩn là một cái uẩn tồn tại cho tới khi hết sinh tử luân hồi mới chấm dứt.
- Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika) chủ trương Căn biên uẩn 根 邊 蘊 (mūlāntikaskandha) và Nhất vị uẩn 一味 蘊 (Ekarasaskandha). Nhất vị uẩn tương đương với tế ý thức. Bốn uẩn sau (thọ, tưởng, hành, thức) tổng hợp với nhau, triển chuyển, đi tới hòa hợp thành ra duy nhất nên gọi là nhất vị uẩn. Căn biên uẩn là những uẩn phối hợp với nhau, triển chuyển để làm phát sinh ra những giai đoạn mới của các uẩn. Biên là biên giới, biên giới của hiện tại để đi tới tương lai.
Như ta đã nhắc nhiều lần, tất cả các bộ phái đều có thao thức muốn tìm một cái gì đó để làm chủ thể cho nhân quả, nghiệp báo và sự tu học. Trong khi xác định sự có mặt của cái chủ thể đó, họ cũng cố gắng chứng tỏ mình vẫn theo giáo lý chính thống của Đức Thế Tôn: đứng về phương diện hiện tượng thì tất cả là sát na diệt, là vô thường, vô ngã. Với ý thức đó chúng ta hãy bắt đầu xét về những quan điểm của Đại thừa.