Chương 4: Những chủ trương của Đại Chúng Bộ

Bây giờ chúng ta đọc Dị Bộ Tông Luân Luận. Chủ trương đầu là của Đại Chúng Bộ:

1. Chư Phật Thế Tôn giai thị xuất thế.

Thân của Như Lai toàn là siêu xuất thế gian. Buddhas are all supramundane (lokottara). Tous les Bouddhas sont supramondains.

Các Đức Bụt đều có tính cách xuất thế gian (lokottara). Xuất thế gian khác với thế gian. Thế gian thì có sinh, có diệt, có còn, có mất; còn xuất thế gian thì hoàn toàn không dính gì tới sinh diệt, còn mất. Người mà chúng ta thấy có sinh ở Ca Tỳ La Vệ và có diệt ở Câu Thi Na chưa phải là Đức Thế Tôn. Chúng ta đã tuyệt đối hóa, lý tưởng hóa đối tượng của sự sùng kính của mình. Thầy của mình không phải chỉ là con người đó.

Trong khi đó Thượng Tọa Bộ có quan niệm khác: Đức Thế Tôn cũng là một con người như mình, cũng sinh ra, cũng diệt đi và cũng từng có những đau khổ; nhưng nhờ có tu tập trong nhiều kiếp nên Ngài đã thành Phật. Chúng ta có thể đồng nhất hình hài đó với Đức Thế Tôn.

Đại Chúng Bộ muốn có một quan niệm về Bụt tuyệt vời hơn, lý tưởng hơn: Cái mà chúng ta thấy có đản sanh, có thành đạo, có nhập diệt đó chưa phải là Đức Thế Tôn thiệt mà chỉ là sắc thân, là hóa thân thôi, Đức Thế Tôn tuyệt vời hơn nhiều. Đó là sự khác nhau giữa hai bộ phái. Chính sau này Đại thừa sẽ thừa hưởng được quan điểm này và thành lập thuyết tam thân.

Trong Phật giáo nguyên thỉ hoặc Phật giáo Tiểu thừa đã có tư liệu về hai thân. Hình hài của Đức Thế Tôn là sắc thân (Rūpa-kāya). Ngoài sắc thân đó Đức Thế Tôn còn có một thân bất hoại mà Ngài muốn chúng ta được tiếp xúc hàng ngày, đó là pháp thân, tức là thân giáo pháp của Ngài. Khi gặp thầy Vakkali lúc thầy sắp qua đời Bụt hỏi:

– Thầy có tiếc nuối gì không?

– Con không tiếc nuối gì cả! Con chỉ tiếc là mình bị bệnh nặng quá nên mỗi tuần không được đi nghe Đức Thế Tôn nói pháp, để được nhìn Đức Thế Tôn.

Bụt quở rằng:

– Sắc thân của tôi đâu có giá trị gì! Chính pháp thân của tôi mới có giá trị. Nếu thầy đã tiếp xúc được với pháp thân của tôi rồi thì thầy đâu có cần gì sắc thân của tôi nữa?

Câu nói đó chứng tỏ ngay trong thời Bụt tại thế đã có quan niệm về nhị thân, sắc thân và pháp thân. Sau này Đại thừa Pháp tướng Duy thức tông đưa ra quan niệm ba thân, sắc thân là hóa thân còn pháp thân trở thành thân xuất thế gian. Thân xuất thế gian làm sao chúng ta thấy được? Khi có một mức thiền định nào đó thì ta thấy được báo thân, báo thân đó tuyệt vời, vĩ đại, cao lớn chứ không nhỏ xíu như con người nhỏ bé của ta đây. Quan niệm về tam thân của Phật giáo Đại thừa cũng lấy cảm hứng từ quan niệm nhị thân của Phật.

2. Nhất thiết Như Lai vô hữu lậu pháp.

Chư Như Lai không có pháp hữu lậu.

There are no sāsrava-dharmas in all the Tathāgatas. Les Tathāgatas sont dépourvus d’impuretés ou des choses mondaines.

Āsrava là hữu lậu, anāsrava là vô lậu. Lậu có nghĩa là có khả năng rơi rụng, rơi xuống, đọa lạc lại. Lậu, chữ Hán là lọt trở lại, nứt rạn, rỉ ra như cái bình có đường nứt thì nước ở trong rỉ ra. Lậu là phiền não, vô lậu là sự vắng mặt của tất cả phiền não. Nếu chúng ta tu tập không đàng hoàng, chưa chứng được quả vô sinh, chưa thanh tịnh hóa được hoàn toàn thì chúng ta còn hữu lậu, chúng ta còn có thể lọt xuống, có thể rơi rụng, trầm luân trở lại. Một khi đã hoàn toàn thanh tịnh rồi thì không thể nào dơ bẩn trở lại.

Tất cả 18 giới trong con người của Đức Thế Tôn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức) đều hoàn toàn vô lậu, không còn vương vấn một chút hữu lậu nào, hoàn toàn trong sáng. Như Lai chỉ là hoa thôi, Như Lai không thể là rác được!

3. Chư Như Lai ngữ giai chuyển pháp luân.

Lời nói của chư Như Lai toàn là chuyển pháp luân. All the speeches of the Tathāgatas are preaching the righteous law.

En toutes leurs paroles, les Tathagatas font tourner la roue de la Loi.

Bất cứ lời nói nào chư Như Lai nói ra đều có tác dụng chuyên chở chánh pháp. Ngài mở miệng ra là để giúp cho bánh xe pháp quay. Mặc dù Ngài có nói: “A Nan có muốn đi chơi không?”, thì đó cũng là thuyết pháp. Nếu nhìn từ quan điểm của thiền thì điều đó có thể đúng. “Ăn sáng chưa? Đi rửa chén đi!”, đó đều là thuyết pháp cả.

Nhưng chúng ta cũng thấy rõ ràng là có một khuynh hướng muốn tuyệt đối hóa vị giáo chủ của mình. Mồ hôi hay phân của Ngài cũng rất thơm, đó là những điều người ta nói trong kinh điển, trong những bộ luận. Khi thương thì trái ấu cũng tròn, bất cứ những gì thuộc về Đức Thế Tôn đều đẹp, đều hay, đều trong sáng. Dầu đó là mồ hôi hay nước mũi của Ngài cũng đều tuyệt vời hết! Điều đó cũng dễ hiểu, chúng ta là tín đồ, thương quá mức thì mình muốn tuyệt đối hóa vị giáo chủ. Chủ trương này của Đại Chúng Bộ thuộc về khu vực gọi là Phật thân quan tức quan điểm về hình hài của Bụt.

4. Phật dĩ nhất âm thuyết nhất thiết pháp.

Chư Như Lai dùng một âm nói tất cả các pháp.

The Buddha expounds all doctrines with a single utterance. Le Bouddha, par un seul son, annonce tous les éléments de la Loi.

Nhất âm là một tiếng, một âm thanh. Chỉ cần một âm thanh nói lên thì tất cả các pháp đều được nói. Trong một lời nói của Ngài có đủ Ngũ căn, Ngũ lực,Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo phần, Chân như, Không, Vô tướng, Vô tác. Chúng ta có thể dịch: Tất cả các pháp của Đức Như Lai được chứa đựng trong mỗi lời nói. Một pháp là tất cả pháp, một tiếng là tất cả các tiếng. Có thể sau này quan điểm ấy sẽ trở thành cái một chứa đựng cái tất cả và cái tất cả có thể tìm thấy trong cái một.

Ở Làng Mai chúng ta thường nói tương tự như vậy: Trong khi học Từ, Bi, Hỷ và Xả mà hiểu được Từ một cách sâu sắc thì đồng thời cũng hiểu luôn cả Bi, Hỷ và Xả. Nhất pháp tức nhất thiết pháp. Nếu không hiểu được Bi, Hỷ và Xả như vậy thì ta chưa thật sự hiểu được Từ.

Nói về Tứ đế cũng vậy. Có bốn sự thật. Nếu nghiên cứu sự thật đầu (khổ) mà thấy được sự thật thứ hai (tập), thứ ba (diệt) và thứ tư (đạo) thì lúc đó chúng ta mới thật sự thấy được sự thật đầu. Chỉ cần giảng về sự thật thứ nhất thì đã giúp cho người ta thấy được sự thật thứ hai, thứ ba và thứ tư. Đó là lý tương tức. Một pháp chứa đựng tất cả các pháp.

5. Thế tôn sở thuyết vô bất như nghĩa.

Những điều Như Lai nói đều là đúng với sự thực. There is nothing, what is not in conformity with the truth, in which has been preached by the World- honoured One.

Dans ce que dit le Bhagavān, il n’y a rien qui ne soit conforme à la vérité absolue

Những điều Đức Thế Tôn nói ra không có điều gì là không đúng với chân lý tuyệt đối. Tất cả kinh điển Ngài nói ra đều là kinh liễu nghĩa, phù hợp với chân lý tuyệt đối. Những lời Đức Thế Tôn nói không có lời nào vô ích cả, đều đúng với chánh pháp, không mang tính chất tà kiến và có công dụng chuyên chở giáo lý để giúp người.

6. Như Lai sắc thân thật vô biên tế.

Sắc thân của Như Lai thật không có giới hạn.

The rūpakāya of theTathāgatas is indeed limitless.

La rūpakāya des Bouddhas est en fait illimitée.

Đại Chúng Bộ đã vượt thoát ý niệm: Đức Thế Tôn chỉ là một hình hài này. Đức Thế Tôn là một cái gì vĩ đại hơn nhiều. Phật giáo Đại thừa đã thừa hưởng quan điểm này của Đại Chúng Bộ. Sở dĩ sau này chúng ta có những kinh Đại thừa là nhờ có giáo lý này của Đại Chúng Bộ. Chúng ta có cái nhìn rộng hơn về Đức Như Lai. Chúng ta thấy Đức Như Lai không chỉ là một sắc thân, hoặc một hóa thân nào đó.

7. Như Lai uy lực vô biên tế.

Uy lực của Như Lai cũng không có giới hạn.

The divine power of the Tathāgatas is also limitless.

La puissance des Tathāgatas est aussi illimitée.

Thần lực hay khả năng của Đức Như Lai, với trí tuệ lớn và từ bi lớn, có thể thực hiện được những công trình vĩ đại. Quan điểm này không phải chỉ có Đại Chúng Bộ mới có mà sau này Thượng Tọa Bộ cũng có. Trong Thượng Tọa Bộ người ta cũng rất sùng bái Đức Như Lai và nói rằng Đức Thích Ca tuy là một con người như tất cả mọi người khác nhưng Ngài có uy lực vô song. Tuy Đức Thích Ca có một hình hài hữu hạn nhưng thần lực rất lớn. Thần lực của Ngài cũng giống như thần lực mà Đại Chúng Bộ đã nói tới.

Tuy là hai bộ phái khác nhau nhưng Đại Chúng Bộ và Thượng Tọa Bộ có cùng một khuynh hướng: đưa lên tuyệt đỉnh thần lực của Đức Như Lai. Ngài có thể làm được những cái mà người thường như chúng ta không thể nào làm được.

8. Chư Phật thọ lượng diệc vô biên tế.

Thọ lượng của chư Như Lai cũng không có giới hạn. The longevity of the Buddhas is also limitless.

La longévité des Bouddhas est aussi illimitée.

Đây là gì nếu không phải là hạt giống mà từ đó sẽ mọc lên cây gọi là “Phẩm chư Phật thọ mạng” trong kinh Pháp Hoa. Trong kinh Pháp Hoa có một phẩm tên là “Như Lai thọ mạng” nói về tuổi thọ của Đức Như Lai.

Tuổi thọ của Đức Như Lai không thể đếm được bằng con số, đó là thọ mạng vô lượng.

Sau này có một Đức Bụt tên là A Di Đà, tên của Ngài cũng là Vô Lượng Thọ. Tất cả đều xuất phát từ tư tưởng này của Đại Chúng Bộ. Thấy được thọ mạng của Đức Như Lai là vô lượng nên sau này viết sách chúng ta hay dùng chữ the Living Buddha.

Nếu nói rằng sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt rồi, Ngài không còn nữa, là chúng ta chưa thấy được Đức Thế Tôn, chưa thấy được tầm vĩ đại của Ngài. Kinh Kim Cương có nói đến ý niệm về thọ mạng. Thọ mạng của mình và thọ mạng của Đức Như Lai. Nếu Như Lai có thọ mạng vô lượng thì chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng có thọ mạng vô lượng. Đó là tư tưởng của Đại thừa có nguồn gốc từ Tiểu thừa.

9. Phật hóa hữu tình linh sanh tịnh tín vô yểm túc tâm.

Chư Như Lai không có tâm lý thấy chán, thấy đủ trong sự giáo hóa chúng sinh và có khả năng cho họ thấy đức tin trong sáng nơi họ.

The Buddha is never tired of enlightening sentient beings and awakening pure faith in them.

Le Bouddha, en convertissant les êtres vivants et en faisant naitre chez eux la foi pure, n’a pas de pensée de rassasiément.

Đức Như Lai giáo hóa cho các loài hữu tình khiến cho trong tâm họ phát sinh ra nhiều niềm tin trong sáng.

Từ bi và ý chí độ sinh của Ngài quá lớn. Ngài làm hoài mà không biết mệt, không biết chán là tại vì công việc độ sinh đó luôn luôn đem lại rất nhiều niềm vui.

10. Phật vô thùy mộng.

Chư Phật không ngủ và không mộng mị. The Buddha doesn’t sleep or dream.

Le bouddha ne dort ni ne rêve.

Đức Như Lai là xuất thế nên Ngài luôn luôn ở trong thiền định, không cần ngủ như chúng ta, và cũng không nằm mơ. Khuynh hướng lý tưởng hóa người mà mình tôn thờ là một sự kiện rất con người!

11. Như Lai đáp vấn bất đãi tư duy.

Chư Như Lai giải đáp các câu hỏi mà không cần suy nghĩ. The Tathagatas answers questions without thinking. Les Tathagatas répondent aux questions sans réfléchir.

Đức Như Lai trả lời liền những câu hỏi của người khác mà không cần phải suy nghĩ trước, vậy mà Ngài trả lời vẫn luôn luôn đúng. Tuệ giác ở trong Ngài tuôn trào ra, như khi chúng ta thảy quả bóng vào vách tường thì vách tường dội quả bóng lại liền mà không cần phải suy nghĩ xem có nên nhận quả bóng hay không?

12. Phật nhất thiết thời bất thuyết danh đẳng, thường tại định cố, nhiên chư hữu tình vị thuyết danh đẳng hoan hỷ dũng dược.

Chư Như Lai khi nói không sử dụng danh từ và văn cú, vì các Ngài thường ở trong chánh định, nhưng khi các loài chúng sanh nghe Ngài nói thì thấy có văn từ và văn cú, cho nên rất hoan hỷ và phấn chấn.

At no time does the Buddha preach with words and so on because he is always in Samādhi. But the people rejoice, considering the Buddha preaches words, nouns and so on.

Les Bouddhas ne prononcent jamais une parole car il reste éternellement en contemplation. Mais les êtres, pensant qu’ils ont prononcé des paroles sautent de joie.

Dũng dược có nghĩa là mừng quá đứng dậy múa (get excited). Đức Như Lai thuyết pháp không phải bằng văn ngôn. Ngài không dùng danh từ, động từ, tĩnh từ, không dùng câu, không dùng chữ, không dùng âm thanh. Ngài luôn luôn ở trong định. Ngài thuyết pháp theo kiểu vô ngôn, nhưng vì chúng sanh chưa có khả năng tiếp nhận trực tiếp được pháp ấy nên thấy Ngài có mở miệng và sử dụng ngôn ngữ.

Đại Chúng Bộ chủ trương rằng ngôn ngữ chỉ có giá trị tương đối và có thể gây ra những hiểu lầm. Cách thuyết pháp hay nhất là im lặng. Chúng ta có câu: “Trong 45 năm Đức Thế Tôn chưa từng mở miệng nói ra một lời!”, là như vậy. Sở dĩ chúng ta nghe Đức Thế Tôn giảng kinh A Hàm hoặc kinh Pháp Hoa là tại vì chúng ta thấy như vậy thôi! Chúng ta chỉ thấy với con mắt và nghe với lỗ tai của chúng sanh mà chưa thấy được cách thuyết pháp đích thực của Đức Như Lai. Cách thuyết pháp đích thực của Ngài là không nói. Đức Như Lai thuyết pháp bằng sự có mặt rất im lặng của Ngài ở trong định. Đây cũng là một cách tuyệt đối hóa Bụt.

Nhìn một bông hoa, chúng ta thấy bông hoa cũng đang thuyết pháp, pháp Vô thường, Vô ngã, Niếtbàn. Bông hoa đang ca hát. Không cần phải sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt mà bông hoa vẫn thuyết pháp được.

Đức Thế Tôn thuyết pháp theo kiểu đó, thuyết pháp bằng sự có mặt của mình, bằng định lực hùng hậu của mình. Đó là một quan điểm của Đại Chúng Bộ: Chúng ta đừng tưởng chỉ có con người đang ngồi đó và đang nói câu đó là Đức Như Lai. Tất cả những quan điểm này về sau được phát triển lớn thành “Phật thân quan” của Đại thừa.

Chúng ta đã đọc 12 câu chứng tỏ ý muốn lý tưởng hóa, muốn tuyệt đối hóa, siêu việt hóa Đức Thế Tôn. Câu Chư Phật Thế Tôn giai thị xuất thế có nghĩa là: Bất cứ vị Bụt nào cũng thuộc về lãnh vực xuất thế gian còn chúng sanh thì thuộc về lãnh vực thế gian. Chúng ta thấy rõ có sự tách biệt giữa hai thế giới, thế giới xuất thế (supramundane) và thế giới trầm luân (mundane). Đó là khuynh hướng phân biệt của con người, một khuynh hướng có tính cách nhị nguyên.

Làng Mai gần với khuynh hướng của Thượng Tọa Bộ hơn. Chúng ta thấy trước hết Đức Thế Tôn là một con người như chúng ta, sanh ra là một đứa con của trái đất, đã từng lớn lên và cũng đã từng bị khổ đau và ràng buộc. Nhưng vì nhờ có thực tập nên Ngài đã vượt thoát những khổ đau và ràng buộc ấy và trở nên thảnh thơi. Tuy sống trong cuộc đời nhưng Ngài không bị cuộc đời ràng buộc và làm cho hệ lụy. Tính cách xuất thế gian của Thế Tôn không có nghĩa là Đức Thế Tôn không thuộc về cuộc đời này, Ngài thuộc về cuộc đời này nhưng không bị vướng mắc bởi cuộc đời. Con người trong khổ đau, hệ lụy thường mơ ước một cõi siêu việt và muốn từ bỏ chỗ này để đi tới chỗ siêu việt kia. Đó là ước mơ tự nhiên của con người, đó là khuynh hướng yêu thánh ghét phàm mà chúng ta thấy rất rõ trong lời tuyên bố của Đại Chúng Bộ. Người Tây phương cũng có quan niệm thế gian và xuất thế gian, họ dùng chữ le sacré et le profane. Chúng ta có thể nghĩ rằng xuất thế gian là cái hoàn toàn không dính gì tới thế gian.

Sau này chúng ta đã vượt được quan niệm lưỡng nguyên đó. Chúng ta thấy thế gian và xuất thế gian không phải là hai cái riêng biệt nữa. Thế gian và xuất thế gian đều có tính cách hữu cơ. Xuất thế gian có thể trở thành thế gian và thế gian có thể trở thành xuất thế gian, cũng như hoa có thể trở thành rác và rác có thể trở thành hoa. Hai cái đó không phải là hai thực tại tách rời nhau. Làng Mai đã đi tới được chỗ đó, đó là sự thực tập căn bản của chúng ta. Chúng ta không yêu hoa và ghét rác, nhờ vậy chúng ta có thể biến rác thành hoa và không có sự kỳ thị đối với rác. Đó là tư tưởng phiền não tức Bồ đề phát hiện sau này trong Phật giáo Đại thừa. Phiền não là Bồ đề, chúng ta không thể nào tìm được Bồ đề ngoài phiền não.

Trong giai đoạn này của lịch sử tư tưởng Phật giáo, chúng ta chưa thấy rõ được điều đó tuy nó đã tiềm tàng trong những lời Đức Thế Tôn dạy. Đức Thế Tôn dạy rất rõ, trong tấm thân thước bảy này của chúng ta, chúng ta có thể tìm thấy Niết bàn, tìm thấy vô sinh. Có hàng trăm lời dạy như vậy trong kinh. Một hôm có một hiệp sĩ tên là Mã Huyết Thiên Tử đến gặp Đức Thế Tôn và hỏi:

– Bạch Đức Thế Tôn, mình có thể đi ra khỏi thế giới của hệ lụy, của sầu đau, của sinh diệt này và đi với tốc độ rất mau được không, tại vì có nhiều người không muốn ở trong thế giới này nữa?

Đức Thế Tôn nói:

– Không có cách nào để đi ra khỏi thế giới này bằng sự di chuyển, dù là đi bằng tốc độ ánh sáng.

– Đức Thế Tôn nói đúng quá! Con đã từng thử nghiệm. Con từng có ý vượt thoát thế giới này bằng cách du hành. Trong một kiếp kia, con đã thử nghiệm như thế. Con đã không ăn không ngủ không nghỉ ngơi, và du hành với tốc độ của ánh sáng. Vậy mà cho đến hết kiếp con vẫn còn ở trong thế giới này, con vẫn không ra khỏi được thế giới này.

Kinh không sử dụng cụm từ tốc độ của ánh sáng mà dùng hình ảnh sự di chuyển của bóng cây khi ánh sáng vượt qua.

Đức Thế Tôn nói:

– Tuy vậy nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta không ra khỏi được! Trong tấm thân thước bảy này của ta đây, nếu quán chiếu thì ta sẽ tìm thấy sự thoát ly sinh tử và vượt khỏi được thế giới hệ lụy này.

Như vậy, Đức Thế Tôn đã xác nhận phép quán gọi là niệm thân (quán niệm về thân thể). Trở về nhìn sâu vào trong cơ thể, chúng ta có thể đạt được vô sinh, thoát khỏi mọi hệ lụy của thế gian. Chúng ta không cần đi đâu cả, không cần đi bằng máy bay hay hỏa tiễn. Chúng ta chỉ cần sử dụng thiền quán để nhìn sâu thì ngay tại đây chúng ta có thể vượt thoát thế giới này. Hình hài này là thế gian nhưng khi ta thấy được sự thật thì hình hài đó cũng là xuất thế gian. Thế gian và xuất thế gian không phải là hai cái riêng biệt có mặt ngoài nhau.

Tâm yêu Thánh ghét phàm ai cũng có, nhưng chúng ta đã học được: Sinh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề. Thái độ ghét một cái và đi tìm một cái khác thay vào không giúp cho chúng ta thành công. Tại Làng Mai, chúng ta học về tuệ giác tương tức và tuệ giác duyên sinh nên chúng ta biết rằng cõi ta bà này, nếu nhìn cho kỹ, nhìn cho sâu thì nó sẽ trở thành cõi Tịnh độ. Những phiền não, khổ đau này nếu chúng ta biết quản lý và chuyển hóa thì chúng sẽ trở thành hạnh phúc, tự do và niềm tin. Không ai có thể thuyết phục ta để bán cho ta một Thiên đường, một cõi Tịnh độ, một Niết bàn. Chúng ta sẽ không chịu mua, sẽ không chịu đánh đổi thực tại này với Niết bàn, Thiên quốc hay một cõi Tịnh độ nào hết, tại vì chúng ta biết rằng, cõi Niết bàn đó, cõi Thiên quốc đó, cõi Tịnh độ đó nằm ngay trong thế giới này của chúng ta. Chúng ta không đi tìm cái xuất thế gian ngoài thế gian.

Có một vị đệ tử sau khi nghe thầy mình nói rằng tu học là để vượt thoát sinh tử, thì hỏi:

– Bạch Thầy, mình tìm cái vô sinh tử đó ở đâu?

Vị thầy nhìn đệ tử nói:

– Con hãy tìm cái vô sinh tử ngay trong cái sinh tử!

Chuyện đó xảy ra trong Phật giáo đời Lý. Hãy tìm cái vô sinh tử ngay trong cái sinh tử, có nghĩa là hãy tìm bồ đề ngay trong phiền não, tìm xuất thế gian ngay trong thế gian. Những chuyện tranh chấp về thế gian và xuất thế gian cho thấy là chúng ta chưa đạt tới cái thấy bất nhị về sự thật.

Chủ trương thứ 29 của Dị Bộ Tông Luân Luận có nói: Khổ năng dẫn đạo. Câu đó có nghĩa là khổ đau có thể đưa mình vào đạo.

Chủ trương thứ 30: Khổ ngôn năng trợ. Câu này có nghĩa là những lời nhắc nhở, diễn bày về khổ (khổ ngôn) đều có tác dụng giúp cho mình đi vào con đường chánh pháp, giúp cho mình thành đạo.

Chủ trương thứ 32, Khổ diệc thị thực. Câu này có nghĩa là khổ đau cũng là một loại thực phẩm (suffering also is food). Có những thầy ngày xưa, không hiểu được câu này, đã giải nghĩa như sau: Những người ở dưới địa ngục chịu như thế này cực hình, lúc đói bị bắt ăn những thực phẩm rất khó ăn như là những viên sắt nung nóng. Nếu không ăn thì phải chết nên vẫn phải ăn.

Những chủ trương 29, 30 và 32 này rất đúng. Nếu không tiếp xúc với khổ đau, thấy được bản chất của rác rưới và những hệ lụy của cuộc đời thì mình không thể nào có tuệ giác của giải thoát.

Làng Mai đã từng nói với các bạn trong Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo về quan niệm của chúng ta về Thiên quốc hay Tịnh độ là chúng ta không tin rằng những nơi ấy không có khổ đau. Ai cũng muốn đi tìm một nơi chỉ toàn là hạnh phúc mà không có khổ đau. Vì vậy nên có người tìm cách bán cho chúng ta một Thiên quốc hay một cõi Tịnh độ, nói rằng những nơi ấy không có khổ đau. Sự thật là nếu không có khổ đau thì không thể có hạnh phúc. Hạnh phúc được làm bằng hiểu và thương. Ở một cõi không có hiểu và thương thì làm gì có hạnh phúc? Hãy tưởng tượng chúng ta đang ở trong một cõi mà nơi ấy không ai hiểu được nhau, không ai thương được ai thì dù cõi ấy có được làm bằng vàng hay bằng ngọc cũng không có hạnh phúc. Điều này rất rõ ràng, muốn có hiểu và có thương thì phải có khổ đau. Mình có khổ đau thì mình mới biết thương những người đau khổ. Cái hiểu đưa tới cái thương. Hiểu ở đây trước hết là hiểu cái khổ, hiểu cái khổ của mình và hiểu cái khổ của người khác. Cái hiểu đó làm phát khởi tâm từ bi. Một cõi hoàn toàn không có khổ đau thì nếu họ có cho không mình cũng không lấy, huống hồ họ lại bắt mình phải chối bỏ những mầu nhiệm của cõi mình đang sống để đánh đổi nó thì đó là một việc rất dại dột. Một cõi không có khổ đau là một ảo tưởng! Khổ có quan hệ mật thiết đến sự tu học của chúng ta. Nếu không có khổ thì không bao giờ ta biết hiểu và biết thương.

Khổ làm chúng ta sáng mắt ra, giúp chúng ta đi đúng theo con đường chánh. Nếu sinh con ra mà gởi chúng về một cõi không có khổ đau thì làm sao chúng có thể trở thành người, làm sao chúng biết cảm thông và thương yêu? Chúng ta sẽ không bao giờ tin vào một cõi trong đó chỉ có vui mà không có khổ, bởi vì ta biết không có khổ thì chắc chắn sẽ không có vui.

Quan niệm về thế gian (khổ đau) và xuất thế gian (không có khổ đau) là hai cái tách biệt nhau mà có, một quan niệm lưỡng nguyên mà chúng ta cần phải tránh, vì chúng ta luôn luôn có ý hướng đi tìm cái xuất thế gian và chạy trốn cái thế gian.

Một vị thầy khi dạy chúng ta phải phát tâm chán ghét cuộc đời này để cầu nguyện sinh ra ở một cõi khác thì chúng ta phải biết rằng lời dạy đó (phủ nhận sự sống trong hiện tại để tìm cầu sự sống trong tương lai ở một nơi khác) có thể đi ngược lại với giáo chỉ của Đức Thế Tôn. Đó có thể là một phương tiện quyền xảo nhưng phương tiện này rất nguy hiểm. Phương tiện quyền xảo ấy có thể giúp người đỡ khổ trong chốc lát nhưng nếu cứ đi mãi trên con đường đó thì người ta sẽ đi rất xa với giáo lý nguyên thỉ và chính thống của Đức Thế Tôn.

Tịnh độ là ngay ở đây (the Kingdom is now or never), chúng ta đừng dại dột đi tìm Tịnh độ hay Thiên quốc ở một nơi khác và ở trong tương lai. Đó là món quà quí giá nhất mà Đức Thế Tôn ban cho chúng ta để chúng ta đừng sống mãi trong ảo tưởng. Tôi xin trao truyền lại món quà đó cho quý vị:

Đây là Tịnh độ

Tịnh độ là đây

Mỉm cười chánh niệm

An trú nơi đây.

13. Nhất sát na tâm liễu nhất thiết pháp.

Đối với các vị Như Lai trong một sát na tâm thức có thể biết rõ tất cả các pháp.

The Blessed One is able to understand all things within a moment of consciousness.

Par une pensée d’un seul instant, ils comprennent toutes choses.

Sát na tâm (eka-ksana-citta) là tâm trong một chớp nhoáng. Trong một sát na tâm chư Như Lai có thể hiểu thấu được tất cả các pháp mà không cần suy nghĩ. Đó là một trong những sức mạnh, những đặc điểm của Đức Thế Tôn. Đây cũng là cách tuyệt đối hóa Bụt!

14. Nhất sát na tâm tương ưng bát nhã tri nhất thiết pháp.

Đối với các vị Như Lai trong một sát na tâm thức có thể thích ứng với trí tuệ bát nhã và thấu triệt tất cả các pháp.

Within a moment of consciousness, the Blessed One is able to adapt to the insight of Prajna and is able to understand all things.

Par la sagesse conjointe avec la pensée d’un seul instant, ils connaissent toutes choses.

Sử dụng cái tâm của mình chỉ trong một sát na mà tương ứng với cái hiểu biết lớn (bát nhã), các Đức Thế Tôn có thể liễu tri được hết tất cả các pháp. Bát nhã là một trong 51 tâm sở (mental formations) được liệt vào loại tâm sở biệt cảnh, cũng thường được gọi là tuệ. Dục, thắng giải, niệm, định và tuệ là năm tâm sở biệt cảnh. Ngoài ra chúng ta còn có năm tâm sở biến hành (universal mental formations) là xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư. Tâm sở tương ưng với tâm cũng như những giọt nước tương ưng với dòng sông, không tách ra được. Tương ưng là Saṃyukta. Tương ưng tâm sở ngũ thập nhất là có 51 tâm sở đi đôi với tâm.

Một sát na tâm của Đức Thế Tôn tương ưng với tâm sở tuệ có thể liễu tri được tất cả các pháp một cách dễ dàng và nhanh chóng nên tâm ấy được gọi là đại trí (Mahāprajñā). Đây là hạt giống của tư tưởng Ma ha Bát nhã sau này.

15. Chư Phật Thế Tôn tận trí vô sanh trí hằng thường tùy chuyển, nãi chí bát Niết bàn.

Đối với các vị Như Lai thì trí tận diệt và trí không sinh thường xuyên hiện hành cho đến lúc các ngài nhập vào Niết bàn.

The Kayajñāna, the knowledge of extinction and the Anutpādajñāna, the knowledge of non-rebirth are always present in the Buddhas and they continue to be so till the Parinirvāa.

Chez les Bouddhas, le Kayajñāna et la connaissance de la non production continuent sans arrêt jusqu’à ce qu’ils entrent dans le Parinirvāa.

Hai loại trí tuệ, tận trí và vô sinh trí luôn luôn điđôi với nhau, làm việc với nhau, thay thế nhau cho đến khi các Đức Thế Tôn đi vào Niết bàn tuyệt đối. Trong thời gian thọ mạng của các Đức Thế Tôn thì hai loại trí tuệ đó hoạt động không ngừng nghỉ cho đến khi các Ngài nhập Niết bàn.

Tận trí: Là trí tuệ diệt trừ được tất cả mọi phiền não, mọi ô nhiễm. Chúng ta thực tập là để chuyển hóa, đoạn trừ và chấm dứt tất cả mọi phiền não và đạt tới tận trí hay đoạn trí và lấy đi các phiền não như tham, sân, si, ganh tị và sợ hãi.

Vô sanh trí: Là trí tuệ thấy được cái không sinh, không diệt, không tới, không đi, không còn, không mất, không một, không nhiều của các pháp. Các vị La hán chỉ có tận trí, chưa có vô sanh trí trong khi Đức Thế Tôn thì có cả hai. Hai loại trí tuệ đó là căn bản của đời sống hàng ngày của Đức Thế Tôn cho đến khi Ngài nhập Niết bàn tuyệt đối.

Tận trí 盡 智 là Kṣayajñāna

Vô sanh trí 無 生 智 là Anutpādajñāna

Đó là những chủ trương của Đại Chúng Bộ về Phật thân và về Phật trí. Bây giờ chúng ta đi sang những quan niệm của bộ này về các vị Bồ tát.

16. Nhất thiết Bồ tát nhập mẫu thai trung, giai bất chấp thọ yết thích lam át bộ đàm, bế bộ, kiện nam vi tự thể.

Chư Bồ tát khi đi vào thai mẹ thì không ai chấp thọ làm tự thể cái tinh huyết hóa hợp, cái tinh huyết hóa hợp mà mới đọng lại thì như mụn nhọt, đã đọng thì cứng hơn và đọng cứng rồi thì cứng dần hơn nữa.

None of the Bodhisattvas, when they enter their mother’s womb, form their own body by passing through the four embryonic stages, kalalam, arbudam, peśi and ghana, which the other people have to pass through.

Quand les Bodhisattvas entrent dans une matrice, ils ne recoivent pas les formes embryonnaires de kalalam, d’arbudam, de peśi et de ghana comme leur propres substances.

Các vị Bồ tát, đi vào bụng mẹ, không phải ngang qua những cái bất tịnh như tinh cha huyết mẹ. Tiếng Phạn kalalam, arbudam, pesi, ghana là những danh từ chỉ những ô nhiễm trong cơ thể con người. Khi một vị Bồ tát đi vào trong thai mẹ để được sanh ra như một Đức Thế Tôn thì không phải đi ngang qua giai đoạn có bốn sự nhiễm ô như những người thường. Đó cũng là một cách thần tượng hóa, tuyệt đối hóa Bụt. Họ vẫn còn bị quan niệm dơ và sạch chi phối. Sau này Tâm Kinh Bát Nhã đưa ra quan niệm “không có gì dơ không có gì sạch” (bất cấu bất tịnh) để giúp chúng ta vượt thoát cái kẹt đó.

Chúng ta đã thừa hưởng được từ chư Tổ rất nhiều qua 2500 năm lịch sử. Ta hiểu được giáo lý của Đức Thế Tôn sâu sắc hơn nhờ có các thế hệ đã đi qua những giai đoạn này. Giáo lý của Đức Thế Tôn là một kho tàng vĩ đại cần phải được đào sâu và phát hiện. Chúng ta vẫn còn tiếp tục quán chiếu để khám phá sâu thêm những lời dạy của Ngài. Chúng ta tại Làng Mai đã phát hiện ra được những cái rất mới, rất hay trong kinh An Ban Thủ Ý. Chúng ta chỉ cần khai phá những mạch nước đã có sẵn và trình bày lại một cách mới hơn, có phương pháp hơn, đầy đủ hơn để góp phần của mình vào việc tiếp nối sự nghiệp của Đức Thế Tôn.

17. Nhất thiết Bồ tát xuất mẫu thai thời tác bạch tượng hình.

Chư Bồ tát khi đi vào thai mẹ thì đi bằng hình voi trắng.

All the Bodhisattvas assume the form of a white elephant when they enter their mother’s wombs.

Quand ils entrent dans une matrice les Bodhisattvas prennent l’aspect d’un éléphant blanc.

Đây là chuyện từ giấc mộng của bà Māyā, thấy có con voi trắng sáu ngà đi vào bụng và mang thai thái tử Siddhārtha. Sau này người ta phổ biến hóa: Hễ vị Bồ tát nào đi vào thai mẹ thì cũng dùng hình thức của một con voi trắng.

Chúng ta chỉ nên dừng lại lâu khi đi tới một chủ trương rất quan trọng trong lịch sử Phật giáo.

18. Nhất thiết Bồ tát xuất mẫu thời giai tùy hữu hiếp.

Chư Bồ tát khi sinh ra thì đều sinh từ hông phải của Mẹ.

All the Bodhisattvas are born from the right side when they come out of their mothers’ wombs.

Quand ils sortent de la matrice les Bodhisattvas naissent par le flanc droit.

19. Nhất thiết Bồ tát bất khởi dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng.

Chư Bồ tát không có ý tưởng ái dục, giận dữ và tác hại.

None of the Bodhisattvas entertain thoughts of greed, anger and harming others.

Les Bodhisattvas ne produisent ni notion de concupiscence, ni notion de malvaillance, ni notion de nuisance.

Tất cả các Bồ tát đều không phát khởi ra những tư tưởng đam mê, sân si và hận thù.

20. Bồ tát vi dục nhiêu ích hữu tình, nguyện sinh ác thú tùy ý năng vãng.

Bồ tát vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh mà nguyện sanh vào những con đường dữ thì có thể tùy ý mà sinh đến.

For the benefit of sentient beings, the Bodhisattvas are born into bad states at will and they can be born as they like.

Les Boddhisatvas, parcequ’ils désirent aider les êtres, font le vœu de renaȋtre dans les mauvaises destinations où ils peuvent séjourner selon leur propre volonté.

Các vị Bồ tát muốn làm lợi cho chúng sinh nên có thể sinh vào những con đường ác như ác thú, ngạ quỷ, súc sanh. Đó là do sự tự nguyện của các vị chứ không phải là vì nghiệp báo. Tùy ý năng vãng là tự mình muốn sinh vào những nẻo đường đó, đi vào cõi địa ngục để cứu chúng sanh, đi vào cõi ngạ quỷ để cứu các loài ma đói mà không có ai bắt buộc.

Chúng ta thấy lý tưởng Bồ tát đã hiện ra rõ ràng trong câu này, chống đối lại với lý tưởng Thanh văn chỉ lo giải thoát cho mình. Chữ thú, ở Làng Mai dịch là nẻo về (những nẻo về xấu ác). Sống trong địa ngục mà vẫn an lạc, sống trong giới cầm thú mà vẫn an lạc, sống trong giới quỷ đói mà vẫn không đói tại vì mình đã có bồ đề tâm. Đã có hiểu và có thương nên không đau khổ như những người khác và trái lại mình có thể giúp được cho những người khác. Đó là Đạo Bụt dấn thân (Engaged Buddhism), đó là tư tưởng của đạo Bụt nhập thế. Xin cùng con đi vào vùng khổ nạn, đem theo linh dược cam lộ thanh lương; xin cùng con đi vào cõi ma đói, đem theo pháp lực của hiểu và thương, đó là lời nguyện của các vị Bồ tát.

21. Dĩ nhất sát na hiện quán biên trí, biến tri tứ đế chư tướng sai biệt.

Cái trí ngoại biên hiện quán trong một sát na có thể biến tri mọi sự sai biệt của bốn Thánh đế.

Through the possession of the “after knowledge” which follows the comprehension of the truth for one moment, one perceives in their full significance the

Four Truths with their specific differences.

Dans la connaissance consécutive à la comprehension claire dans l’instant, on connait intégralement les différents aspects des Quatre Vérités.

Chỉ cần một sát na, một đơn vị thời gian rất ngắn, với trí hiện quán, các Đức Thế Tôn có thể thấu hiểu được tất cả những khía cạnh và chi tiết khác nhau của bốn sự thật.

Có một danh từ chuyên môn là hiện quán 現 觀 (abhisamaya). Hiện quán nghĩa là trong giây phút hiện tại, nhìn thẳng vào sự vật đang xảy ra. Hiện là hiện pháp, là những gì đang xảy ra ở đây và bây giờ. Quán là nhìn sâu. Biên trí (connaissance consécutive) là trí tuệ theo liền lúc đó, trí tuệ phát khởi liền lúc đó. Với trí tuệ đó, cái nhìn của chúng ta chĩa thẳng vào thực tại và chỉ cần một sát na là ta có thể thấy tất cả các chi tiết của Bốn sự thật.

Trong bốn sự thật của Tứ diệu đế mỗi sự thật đều có ba mặt. Thứ nhất là nhận diện sự có mặt của khổ đau, thứ hai là thấy phiền não đang biểu hiện và thứ ba là hiểu được sự thật đó. Như vậy 4 lần 3 là 12. Tất cả những chi tiết về Tứ diệu đế đều hiện rõ ra cho ta thấy, và điều đó xảy ra trong một sát na, nên gọi cái ấy là sát na hiện quán biên trí. Hiện quán biên trí là trí tuệ hiện quán làm cho những chi tiết về bốn sự thật hiện rõ ràng cùng một lúc mà không cần phải đi qua những giai đoạn khác nhau. Không cần phải hiểu về khổ rồi mới hiểu về tập, không cần phải hiểu về tập rồi mới tiến một bước để hiểu về diệt, không cần hiểu diệt xong rồi mới tiến tới để hiểu được đạo. Với hiện quán biên trí ta chỉ cần nhìn vào một trong bốn sự thật là có thể hiểu sâu được tất cả các chi tiết của bốn sự thật. Đây là hạt giống của tư tưởng đốn ngộ sau này. Chúng ta biết có hai loại giác ngộ: giác ngộ đi từng bước (tiệm ngộ) hay giác ngộ lập tức không cần nhiều thời gian (đốn ngộ).

22. Nhãn đẳng ngũ thức thân hữu nhiễm hữu ly nhiễm.

Năm thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân có thể bị ô nhiễm mà cũng có thể xa lìa ô nhiễm.

The five conciousness, the eye and so forth conduce both to passion and to freedom from passion.

Les cinq consciences sensorielles, de l’œil etc., sont à la fois pourvues de passion et dépourvues depassion.

Năm thức cảm giác là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức có khi bị nhiễm ô và có khi không bị nhiễm ô. Nhiễm ô nghĩa là bị vướng vào thèm khát, giận hờn và ganh tị. Câu này có nghĩa: Nhãn thức nhiễm ô hay không nhiễm ô là do thức thứ sáu tức là ý thức. Ý thức chen vô thì có thể làm cho cái thấy, cái nghe của ta bị nhiễm ô. Ý nhiễm ô làm cho năm thức bị nhiễm ô. Nếu cái thấy của Ý có hiện quán, có tuệ giác thì năm thức không bị nhiễm ô. Năm thức cảm giác có bản chất ngây thơ, trong sáng, vô ký, nhưng khi ý thức có phiền não, có nhiễm ô thì năm thức cũng có nhiễm ô. Nếu ý không can thiệp vào thì năm thức sẽ có thể tiếp tục vô tư, không nhiễm ô. Tư tưởng này sẽ có ảnh hưởng trong Duy Biểu học sau này.

23. Sắc, vô sắc giới, cụ lục thân thức.

Ở các cõi sắc và vô sắc đều có đủ cả sáu thức.

The world of form and the formless world, both possess a complete set of six consciousnesses.

Dans le monde matériel et dans le monde immatériel, les six consciences existent ensemble.

Trong cõi sắc và cõi vô sắc chúng sanh có đủ sáu thức.

24. Ngũ chủng sắc căn nhục đoàn vi thể, nhãn bất kiến sắc, nhĩ bất thanh văn, tị bất khứu hương, thiệt bất thường vị, thân bất giác xúc.

Thể chất của năm loại sắc căn là những khối thịt nên không phải là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm mùi, thân biết xúc.

The sense-organs of five kinds are nothing but lumps of flesh. The eyes do not see colours; the ears do not hear sounds; the nose does not smell odours; the tongue does not taste flavour; the body does not feel touch.

Les cinq facultés sensorielles sont constituées par des boules de chair. L’oeil ne voit pas les formes, l’oreille n’entend pas les sons, le nez ne sent pas les odeurs, la langue ne sent pas saveurs, le corps ne perçoit pas les tangibles.

Năm loại sắc căn là năm cơ quan cảm giác. Căn là căn cứ phát sinh ra thức, những căn này được làm bằng thịt, xương, da, tức là nhục đoàn. Thể chất của năm căn là sinh lý nên mắt không thấy được sắc, tai không nghe được tiếng, v.v. tại vì chúng đều mới là vật chất mà chưa là thức. Mắt chưa phải là cái thấy, mắt chỉ là một cục thịt (mắt thịt). Chúng ta nghĩ mắt có thể thấy được là sai. Cái có thể thấy được không phải là căn mà là thức. Mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, mũi không ngửi hương, lưỡi không thưởng thức vị, thân không có xúc, chúng phải cần có thức. Đây là sự sắp đặt trước để sau này chúng ta có chủ trương căn, trần thức là ba cái khác nhau. Căn tiếp xúc với trần làm phát hiện ra thức. Chính thức mới là cái thấy, là cái nghe, v.v. Chúng ta nói mắt thấy trời xanh, là sai.

Trong tác phẩm Bát thức quy củ tụng của thầy Huyền Trang có câu: Ngu giả nan phân thức dữ căn. Câu đó có nghĩa là những người dại dột không phân biệt được giữa căn và thức. Họ nói căn là cái thấy, cái nghe, cái ngửi v.v… Căn thiệt ra chỉ là nhục đoàn, là sinh lý.

25. Tại đẳng dẫn vị hữu phát ngữ ngôn diệc hữu điều phục tâm diệc hữu tịnh tác ý.

Trong giai đoạn đẳng dẫn, vẫn có sự phát ra ngôn ngữ, vẫn có cái tâm thuần hóa, vẫn có cái ý tản mạn.

Even in the state of samādhi (samāhita) one can utter words, there is also a subdued mind and also a quarrelsome mind.

Quand on se trouve en état de contemplation, il y a emission vocale, pensée disciplinée et attention à la discussion.

Đẳng dẫn có nghĩa là trạng thái có định. Trong trạng thái có định thì vẫn phát ra được ngôn ngữ, vẫn có thể có tâm điều phục và cũng có thể có tâm còn tác ý. Thiền định có nhiều cấp bậc. Trong trạng thái thiền định lúc ban đầu (samāhita), người hành giả có thể phát ra lời nói, tâm của hành giả vẫn có thể được điều phục, im lặng, nhưng tâm của hành giả cũng có thể phát ra ý kiến.

Có những tông phái chủ trương rằng trong thiền định, người hành giả hoàn toàn bị thu nhiếp. Ở đây, Đại Chúng Bộ chủ trương rằng trong trạng thái thiền định chúng ta vẫn có thể nói, có thể thốt ra những lời như: Ô, hạnh phúc! Thiệt là khổ! Thiệt là tội nghiệp! Đang quán chiếu về khổ, thấy chúng sanh đang lăn lộn, chìm ngập trong khổ đau, trong trạng thái thiền định đó chúng ta có thể thốt lên: Khổ thiệt! Khổ thiệt! Trong khi có định, có an lạc, chú tâm vào hơi thở, chú tâm vào thân thể, tự nhiên chúng ta thấy khỏe quá, vui quá, tự do quá và chúng ta có thể thốt lên: Hạnh phúc quá! Hạnh phúc quá!

Đây chỉ là chủ trương của Đại Chúng Bộ: Trong giai đoạn đầu của thiền định thì miệng của hành giả có thể phát ra lời nói, tâm hành giả có thể được điều phục hoặc dấy lên những ý niệm, có tầm, có từ, tuy không vọng động nhưng vẫn có thể có ngôn ngữ ở bên trong. Đẳng là bằng như nhau. Đẳng trì có nghĩa là duy trì cho đều đặn, đừng lên xuống. Đó là định, là duy trì thật đều sự chú ý vào một đối tượng. Giữ cho đối tượng còn lại lâu dài thì gọi là đẳng. Đẳng cũng có nghĩa là bằng nhau.

26. Sở tác dĩ biện, dĩ biện vô dung thọ pháp.

Việc làm đã được hoàn tất thì không còn có sự chấp thủ.

One, who has accomplished what ought to be done, does not take anything to himself.

Ce qui devait être fait étant fait, il n’y a plus de prise.

Sau khi làm xong việc mình cần làm thì vị A la hán không cần phải tiếp nhận pháp nào nữa. Cụm từ sở tác dĩ biện (việc cần làm đã làm) là để chỉ cho vị A la hán, vị vô học, tức là người không cần phải cố gắng rèn luyện gì nữa. Đối với những vị vô học, những vị đã làm xong những gì cần phải làm (diệt trừ được phiền não) thì không cần phải tiếp nhận thêm gì nữa, không cần nhận nhân quả cho một đời sau. Việc làm của một vị thầy tu đã làm xong thì không cần phải lo làm một cái gì nữa, không còn phải thao thức về những liên hệ nhân quả về sau. Chủ trương này chúng ta sẽ xét lại khi đi tới phần của những tư tưởng Đại thừa sau này.

27. Chư Dự lưu giả, tâm, tâm sở pháp năng liễu tự tánh.

Các vị đã chứng quả Dự lưu có thể biết được đặc tính của tâm và tâm sở của mình.

The stream enterers (Śrotāpannas) are capable of understanding the nature of their mind and their mental formations.

Les entrés dans le courant peuvent comprendre la nature propre de leur conscience et de leurs formations mentales.

Những người đã chứng đạt quả Dự lưu (đã đi vào dòng) thì có khả năng hiểu được, nếu họ muốn, bản chất của tâm và các tâm sở của họ. Tâm là sáu thức, tâm sở là những tâm hành. Đi vào dòng rồi thì chúng ta có cơ duyên thấy được bản chất của tâm thức và bản chất của những tâm hành của ta. Śrotāpanna là Dự lưu.

28. Hữu A la hán vi dư sở dụ, do hữu vô tri diệc hữu do dự, tha linh ngộ nhập, đạo nhân thanh khởi.

Có những vị A la hán còn bị kẻ khác dẫn dụ, còn mang theo sự không biết, còn mang theo điều hoài nghi, còn nhờ người khác giúp cho đi vào đạo và thành đạo là nhờ tiếng nói.

Arhats can still be tempted by others, they can still have ignorance, they can still have doubt and they can still rely on the help of others to show them the Path and they can also realize the Path by utterances.

Il y a des Arhats qui sont séduits par autrui, qui sont sujets à l’ignorance, qui ont des doutes, qui sont sauvés par autrui et qui émettent les paroles quand ils sont sur la voie.

Có những vị A la hán còn bị thiên ma dụ dỗ, còn có những cái không biết, còn có những nghi ngờ, do dự và còn phải do người khác nói cho mình biết là mình đã ngộ nhập, còn vẫn phải nhờ tiếng nói mà ngộ đạo.

29. Khổ năng dẫn đạo.

Khổ đau có công năng dẫn tới thánh đạo.

Suffering leads man to the Path.

La douleur peut nous conduire à la voie.

Khổ đau có thể đưa chúng ta vào con đường đạo. Nhờ có đau khổ nên mình mới đi tìm con đường thoát khổ.

30. Khổ ngôn năng trợ.

Nói và nhắc về cái khổ cũng có thể giúp ta ngộ đạo. The word of suffering can help the process of the realization of the Path.

Les paroles sur la douleur peuvent être une aide.

Lời nói về khổ có thể có ích lợi cho việc thực tập.

31. Tuệ vi gia hạnh, năng diệt chứng khổ, diệc năng dẫn lạc.

Tuệ giác là động cơ có năng lực loại trừ khổ đau, lại có năng lực dẫn tới yên vui.

Through the instrumentality of wisdom, one annihilates suffering and is also capable of obtaining the final beatitude.

La sagesse est un moyen qui peut faire cesser la douleur et qui peut aussi préparer le bonheur.

Tuệ là một yếu tố đẩy sự thực tập đi tới. Tuệ có thể giúp chúng ta diệt trừ khổ đau và đem lại an lạc. Câu này xác nhận con đường của đạo Bụt là con đường tuệ giác chứ không phải con đường của sự cầu xin, của sự tín mộ. Tất cả những thực tập của ta là để đạt tới tuệ giác. Tuệ giác chuyển hóa đau khổ của ta. Vì vô minh nên ta hệ lụy, ta vướng mắc, ta đau khổ. Khi có tuệ giác thì ta không còn hệ lụy, giận hờn và đau khổ nữa. Sự thực tập quan trọng nhất là sự thực tập để đưa tới tuệ giác. Chế tác an và lạc giúp ta nuôi dưỡng và trị liệu, nhưng ta phải thực tập tuệ giác thì mới cởi trói được cho ta, làm cho ta hết khổ. Tuệ giác cũng đem lại hạnh phúc, an lạc cho ta tại vì nó đưa tới vô úy (không sợ hãi) và tự do. Còn sợ hãi, còn hệ lụy thì làm sao có hạnh phúc chân thực được?

32. Khổ diệc thị thực.

Khổ cũng là một thức ăn.

Suffering is also a kind of food.

La douleur est aussi un aliment.

Nếu không tiếp xúc với khổ đau, không nhận diện được sự có mặt của khổ đau thì chúng ta không làm lớn lên được ý chí tu tập của mình. Chúng ta không phát khởi được lòng từ bi và sự hiểu biết của mình. Phải tiếp xúc với khổ đau, phải tiêu thụ một lượng khổ đau nào đó trong đời sống hàng ngày thì chúng ta mới có thể lớn lên được. Trong bài hát “Quê hương đi về trên những bàn chân” của sư cô Giải Nghiêm có câu: Khổ đau từng nuôi ta lớn lên. Người nào chưa khổ thì người đó chưa lớn. Đừng nên sợ khổ, mỗi người nên tập uống một liều thuốc khổ đau đủ để lớn lên. Thuốc đắng đả tật! “Người lái thuyền sáng nay đang ngắm trời mây và thản nhiên cười trước sóng. Đã không nguyện cho trời yên bể lặng mà nguyện cầu cho chân cứng đá mềm.˝ (những câu này được trích từ bài thơ Hãy Nguyện Cầu Cho Bóng Tối Thêm Sâu, Hỡi Ngàn Sao Lấp Lánh, trong thi phẩm Hãy Gọi Đúng Tên Tôi).

Đừng sợ khổ đau vì khổ đau có thể nuôi mình lớn lên, khổ là thực phẩm. Thái độ chạy trốn khổ đau là một thái độ không Phật tử lắm.

33. Đệ bát địa trung, diệc đắc danh trụ.

Đến địa thứ tám cũng có thể trú lại trong một thời gian lâu dài.

In the eighth stage one can also remain for a long time.

Sur la huitième terre on peut aussi séjourner longtemps, très longtemps.

Trong lãnh vực thứ tám thì có thể ở lâu được. Chúng ta có nghe nói về tám quả, từ quả Dự lưu (đi vào dòng) cho tới quả A la hán:

1. Dự lưu hướng

2. Dự lưu quả

3. Nhất lai hướng

4. Nhất lai quả

5. Bất lai hướng

6. Bất lai quả

7. La hán hướng

8. La hán quả

Chúng ta tưởng La hán quả là địa thứ tám và Dự lưu hướng là địa thứ nhất. Nhưng ở đây thì ngược lại, đứng về phương diện cao thấp thì Dự lưu hướng đứng hàng thứ tám (đệ bát địa). Chúng ta có thể ở lâu lắm trong địa thứ tám (có thể ở đến bảy kiếp).

34. Nãi chí thánh địa pháp giai khả thuyết hữu thối.

Có thể nói được là trên đường đi tới Thế đệ nhất cũng vẫn còn có sự rơi rụng.

From conversion onwards to the gotrabhūmidharma or “the stage of transformation of personality”, there is in all stages the possibility of retrogression for those who are on the path of progressive sanctification.

Jusqu’à ce qu’on soit parvenu à l’élément de la terre de la lignée, on peut dire qu’il y a partout recule.

Trước khi đi đến giai đoạn Thế đệ nhất (Thánh địa pháp) người ta còn có thể bị rơi rụng trở lại. Có bốn giai đoạn của sự thực tập:

  • Giai đoạn đầu là chế tác được sức ấm (noãn). Noãn là sức ấm (la chaleur). Phải có sức ấm thì mới có năng lượng để đi tới trên con đường thực tập.
  • Giai đoạn thứ hai là đỉnh (le sommet), tức là đi tới đỉnh cao. Năng lượng này đưa chúng ta tới chỗ cao như trên đỉnh núi.
  • Giai đoạn thứ ba là nhẫn. Nhẫn là chịu đựng,là ôm ấp được. Chịu đựng gì? Chịu đựng hạnh phúc, tại vì khi có hạnh phúc nhiều quá chúng ta có thể chịu đựng không nổi. Cái năng lượng kia, cái thao thức kia, chúng ta nắm chưa vững.
  • Cuối cùng là Thế đệ nhất. So sánh với người đời thì mình thấy mình đã vượt thoát ra khỏi những hệ lụy, những trầm luân. Đạt đến giai đoạn thứ tư này, giai đoạn của bốn năng lượng đưa mình đi tới, thì chúng ta mới không bị rơi rụng trở lại. Nhưng trong ba giai đoạn đầu thì ta vẫn có thể còn bị rơi rụng.

Thánh địa pháp là gotrabhūmidharma (élément de la terre de la lignée), gotra là thánh, bhūmi là địa, dharma là pháp. Thánh địa pháp tức là Thế đệ nhất. Tới đây ta được xem như đã nhập lưu, đi vào dòng. Đi vào dòng rồi thì không trôi trở lại được.

35. Dự lưu giả hữu thối nghĩa, A la hán vô thối nghĩa.

Dự lưu có thể thối chuyển chứ A la hán thì không thể thối chuyển.

The Śrotāpanna has a chance of retrogression while an Arhat does not.

L’ entré dans le courant peut avoir des éléments de recule mais un Arhat n’a pas d’élément de recule.

Đi vào Dự lưu thì vẫn còn nguy cơ thối thất nghĩa là nguy cơ đánh mất những gì mình đã đạt được. Nhưng khi đã đạt tới quả A la hán rồi thì không còn nguy cơ đó nữa. Tới nhập lưu thì mới có kiến đạo mà chưa có tu đạo nên có thể bị rơi rụng.

36. Vô thế gian chánh kiến, vô thế gian tín căn.

Không có cái gọi là chánh kiến thế gian, không có cái gọi là tín căn thế gian.

There is neither worldly “right view” nor worldly “power of faith”.

Il n’y a pas de vue correcte mondaine ni de faculté de foi mondaine.

Những người sống trong thế gian mà không thực tập chánh pháp thì chưa thật sự có chánh kiến, chưa thật sự có tín căn. Chánh kiến và tín căn không có mặt nơi những con người không thực tập. Chỉ khi nào chúng ta đi vào con đường tâm linh này thì ta mới có khả năng, có cơ hội có chánh kiến và tín lực. Có những tông phái chủ trương rằng ngoài đời có những người tuy không đi vào con đường tâm linh này nhưng cũng có thể đạt được chánh kiến và tín căn. Có sự bất đồng ý kiến ở điểm này, và đây là một trong những chủ trương của Đại Chúng Bộ.

37. Vô vô ký pháp.

Không có cái gọi là pháp vô ký.

There is nothing that is indeterminate.

Il n’a pas de choses indéterminées.

Không có cái gọi là vô ký pháp. Một là thiện, hai là ác, không thể có cái gọi là vô thưởng vô phạt. Đây là một chủ trương của Đại Chúng Bộ. Khi ta nói ra một câu thì câu đó chỉ có thể là thiện hoặc là ác chứ không thể là vô ký. Khi ta có một động tác thì động tác đó chỉ có thể là thiện hay là ác chứ không thể là vô ký. Một bước chân của ta là bước chân có thể đưa tới giải thoát hay đưa tới chỗ mê mờ nhưng không có bước chân nào được gọi là vô ký. Ta có thể có cảm tưởng là nó vô ký nhưng thật ra nó hơi thiện hay hơi ác một chút, nó có tính cách hướng thượng hay hướng hạ. Đại Chúng Bộ không công nhận cái gọi là vô ký (vô thưởng vô phạt), một là tốt hai là xấu. Đứng về phương diện tư tưởng, lời nói hay hành động cũng vậy.

38. Nhập chánh tánh ly sanh thời, khả thuyết đoạn nhất thiết kết.

Có thể nói rằng khi vào chánh tánh ly sanh thì cắt đứt được hết thảy mọi sự kết buộc.

When one enters into the samyaktva-nyāma one may be said to destroy all the Sayojanas fetters.

Quand on entre dans la fixation sur la correction, on peut dire que l’on a abandonné tous les liens.

Tánh (gotra) là bản chất của tự thân (true nature), ly sanh là không còn bị sanh khởi trở lại trong cõi hệ lụy, tiếng Phạn là samyaktva-nyāma. Vào chánh tánh ly sanh là đạt tới quả vị A la hán, đã tiêu diệt hết mọi nội kết (Saṃyojanas) 内 結 , những niềm đau nỗi khổ, những nút thắt trong tâm lý và thân thể của mình, mọi tham dục, si mê và sân hận. Chúng ta tu học để làm nhẹ đi những nội kết, nhưng khi chưa đạt tới quả chánh tánh ly sanh thì những nội kết vẫn còn một phần nào đó. Chỉ khi nào đạt tới quả vị A la hán thì các nội kết trong tâm mình mới hoàn toàn được chuyển hóa.

39. Chư Dự lưu giả, tạo nhất thiết ác duy trừ vô gián.

Các vị Dự lưu có thể còn gây nhiều tội lỗi, nhưng không còn gây ra năm tội vô gián nữa.

The strotāpannas can commit all source of sins except the five capital offences which incur punishment immediately.

Les entrés dans le courant peuvent commettre tous les méfaits sauf les crimes irrémissibles.

Khi đi vào dòng rồi thì chúng ta vẫn còn có thể làm những điều tội lỗi. Tuy nhiên chúng ta sẽ không còn tạo ra những tội ác lớn như giết cha, giết mẹ, giết A la hán, hoặc làm xuất huyết một vị Thế Tôn. Những tội lớn đó gọi là tội vô gián, là những tội có quả báo liền lập tức. Đi vào dòng rồi thì chúng ta không có nguy cơ phạm vào những tội vô gián ấy nữa.

40. Phật sở thuyết kinh giai thị liễu nghĩa.

Kinh của Phật nói toàn là liễu nghĩa.

The sutra preached by the Buddha are all perfect in themselves.

Tous les soutras énoncés par le Bouddha ont un sens entièrement intelligible.

Tất cả các kinh Bụt nói đều là liễu nghĩa (chân lý tuyệt đối). Thông thường chúng ta nghĩ rằng trong những kinh dạy cho người sơ cơ, Bụt không nói tới sự thật tuyệt đối, chỉ nói tới sự thật tương đối để đưa người ta từ từ vào đạo tại vì căn cơ của mỗi người khác nhau. Chúng ta tin có hai loại kinh: Kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa là kinh diễn bày chân lý tuyệt đối. Kinh không liễu nghĩa là kinh diễn bày chân lý tương đối để người ta có thể nắm được rồi từ từ đưa người đó đi tới.

Theo Đại Chúng Bộ thì Bụt không bao giờ nói loại kinh chân lý tương đối. Khi Bụt mở miệng nói, Ngài chỉ diễn bày chân lý tuyệt đối thôi, nhưng tại vì căn cơ của mỗi người nghe nên người ta thấy đó là liễu nghĩa hay không là liễu nghĩa. Đây cũng là một điều biểu lộ khuynh hướng tuyệt đối hóa Đức Thế Tôn.

Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo. Thương như vậy thì khá nguy hiểm! Bất cứ những gì thuộc về người mình thương, mình cũng làm thành tuyệt đối. Như vậy là có một cái nhìn bóp méo về người đó, bắt người đó làm thần thánh, không cho người đó được làm người, không cho người đó hiện rõ chân tướng của họ. Mình buộc người thương của mình phải như ý mình muốn. Đức Thế Tôn cũng có thể là nạn nhân của cái thương, huống hồ chúng ta!

41. Vô vi pháp hữu cửu chúng: Nhất, trạch diệt; nhị, phi trạch diệt; tam, hư không; tứ, không vô biên xứ; ngũ, thức vô biên xứ; lục, vô sở hữu xứ; thất, phi tưởng phi phi tưởng xứ; bát, duyên khởi chi tánh; cửu, thánh đạo chi tánh.

Các pháp vô vi có chín thứ, đó là trạch diệt, phi trạch diệt, hư không, không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng, duyên khởi tánh và thánh đạo tánh.

There are nine kinds of unconditioned dharmas:

  1. extinction realized by wisdom, 2. extinction not realized by the practice, 3. space, 4. the realm of infinite space, 5. the realm of infinite consciousness, 6. the realm of nothingness, 7. the realm of neither perception nor non-perception, 8. the principle of interdependence, 9. the principle of the nature of the āryan path.

Il y a neuf sortes de choses incomposées: la cessation par la connaissance discriminative, la cessation sans connaissance discriminative, l’espace, le domaine de l’infinité de l’espace, le domaine de l’infinité de la conscience, le domaine du néant, le domaine sans perception ni non-perception, la nature propre des membres de la production en relation mutuelle et la nature propre des membres de la voie.

Văn học đạo Bụt có nói đến hai loại pháp: Pháp vô vi và pháp hữu vi. Pháp hữu vi là những hiện tượng có sinh, có diệt, có thành, có hoại, như bông hoa, như cái nhà. Có những pháp vô vi không do những cái khác tập hợp lại và làm ra như hư không. Hư không không do cái gì làm ra, nó còn đó hoài, không có sinh, không có diệt. Theo Đại Chúng Bộ thì có 9 pháp vô vi:

  1. Trạch diệt: Trạch diệt là dùng trí tuệ để đi tới sự chấm dứt tất cả những khổ đau, đạt tới Niết bàn. Vô vi do trí tuệ làm phát lộ ra là trạch diệt vô vi.
  2. Phi trạch diệt: Phi trạch diệt vô vi là cái vô vi luôn luôn có mặt đó. Dù chúng ta có hay không có trí tuệ thì nó vẫn có đó. Nhờ chánh niệm mà ta thấy được trời xanh, trời xanh đó do chánh niệm mà có. Nhưng có một thứ trời xanh khác mà dù ta có hay không có chánh niệm, dù ta đang sống hay đã chết, thì nó vẫn có mặt như thường.
  3. Hư không: Hư không (space) là một pháp vô vi, không sinh, không diệt, không do sự tập hợp của các điều kiện (duyên) mà có. Đây là ý của Đại Chúng Bộ. Nhưng chúng ta có thể không đồng ý. Hư không hay không gian có thể chỉ là một sáng tạo phẩm của tâm thức. Nếu không có vật thể thì không gian không thể biểu lộ ra được. Không gian, tốc độ và vật thể dính liền với nhau. Ý niệm về không gian phát sinh cùng ý niệm về vật thể, về thời gian và về tốc độ. Cho không gian là một pháp vô vi điều này chưa chắc đã đúng, mà có thể là rất sai.
  4. Không vô biên xứ: Xứ sở của không gian vô biên.
  5. Thức vô biên xứ: Xứ sở của tâm thức vô biên.
  6. Vô sở hữu xứ: Xứ sở mà trong đó không có gì tồn tại, xứ sở của cái hoàn toàn không.
  7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ: Xứ sở của cái không phải là tri giác mà cũng không phải là không tri giác.
  8. Duyên khởi tánh: Chân lý của 12 duyên khởi tự nó có mặt, không do chúng ta đặt ra, không có sinh, không có diệt. Bản chất của thập nhị nhân duyên là vô vi, không sinh, không diệt, không tới, không đi, không thành, không hoại.
  9. Thánh đạo tánh: Bản chất của Bát chánh đạo tự nó tồn tại, chúng ta không thể tạo tác ra được. Đó là quan điểm của Đại Chúng Bộ.

Chủ trương thứ 42 là một chủ trương rấtquan trọng, sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử tư tưởng Phật giáo sau này.

42. Tâm tánh bản tịnh, khách tùy phiền não chi sở tạp nhiễm, thuyết vi bất tịnh.

Bản chất của tâm vốn là thanh tịnh, nói bất tịnh là tại vì bụi bặm phiền não làm cho ô nhiễm.

The nature of mind is pure in its origin, they become impure when they are polluted by the dust of afflictions.

La nature propre de la pensée est originellement pure, ce sont des impuretés adventices qui la souillent.

Bản chất của tâm vốn là trong sáng nhưng vì bị phiền não xâm nhập làm nhiễm ô nên mới gọi là tâm nhiễm ô. Người ta sẽ đặt câu hỏi: Phiền não từ đâu tới? Chúng ta thấy rõ đây là khuynh hướng nhị nguyên đang còn tồn tại trong cách suy tư. Khách trần thật ra chỉ là những đối tượng (object) của căn. Khách trần là đối tượng bên ngoài. Tâm thức là chủ, đối tượng là khách. Phiền não là do đối tượng tạo ra, còn bản chất của tâm thức thì từ xưa đến nay vốn là trong sáng.

Học Duy biểu chúng ta thấy sự phát triển của tư tưởng Phật giáo bắt nguồn từ tư tưởng này, và tư tưởng này cũng bắt nguồn từ trong kinh tạng. Trong Tăng Nhất A Hàm Đức Thế Tôn có nói: “Tâm thức mình vốn là trong sáng”. Đọc Lâm Tế Lục chúng ta cũng nghe lại lời nói đó: “Tâm của ta trong sáng”. Tổ có nói tới lục đạo thần quang tức sáu luồng ánh sáng của tâm thức có thể làm ra những phép lạ. Đây là một đề tài rất quan trọng trong tư tưởng Phật giáo.

Vậy cái chủ trương thứ 42: “Tâm tánh bổn tịnh, khách tùy phiền não chi sở tạp nhiễm, thuyết vi bất tịnh”, có nghĩa là bản tánh của tâm vốn là trong sáng, nhưng vì những phiền não ô nhiễm bên ngoài (khách) tới làm cho tâm bị ô nhiễm nên gọi là tâm bất tịnh, kỳ thực tâm ta vẫn trong sáng. Đó là một điểm rất quan trọng mà sau này chúng ta thấy các vị tổ sư khai thác trong Duy Biểu học.

43. Tùy miên phi tâm, phi tâm sở pháp, diệc vô sở duyên.

Tùy miên không phải tâm, không phải tâm sở, không có đối tượng.

The tendencies are neither consciousness nor mental formations and they do not have objects of perceptions.

Les tendances ne sont ni pensée, ni formations mentales et sont dépourvues d’objets.

Tùy miên (anuśaya) là những khối phiền não, những khối ràng buộc, những tập khí, những thói quen được ngủ yên trong đáy tâm thức của mình. Tùy miên, tiếng Pháp là les tendances dormantes, tiếng Anh là dormant passions. Đây là một quan điểm về tâm, về tâm sở và về tùy miên của Đại Chúng Bộ. Có sự phân biệt giữa tâm (sau này gọi là tâm vương) và tâm sở. Ban đầu chúng ta có sáu tâm và sáu thức, thứ nhất là nhãn thức tức là cái thấy và thứ sáu là ý thức tức là cái suy tư hay tri giác. Sau này chúng ta có tám thức, dưới thức thứ sáu người ta còn tìm ra thức thứ bảy và thức thứ tám.

Trong truyền thống Pháp tướng Duy Thức có 51 tâm sở. Có những truyền thống nói tâm và tâm sở là một, không thể chia hai ra được. Nhưng cũng có truyền thống cho rằng, tâm khác với tâm sở. Cũng như ta nói, dòng sông và những giọt nước là hai cũng được, không thể lầm dòng sông với những giọt nước; nhưng cũng có thể nói, dòng sông chỉ là những giọt nước làm thành. Số lượng tâm sở cũng khác nhau trong nhiều trường phái Phật giáo, nhưng nhìn chung cũng gần gần như nhau, trên dưới 50.

Đại Chúng Bộ nói tùy miên không phải tâm cũng không phải tâm sở và chúng không có đối tượng. Đây là một quan điểm và khi các vị này chủ trương như thế, họ có lý của họ. Nhưng các vị chủ trương ngược lại cũng có lý của họ. Chúng ta không cần phải theo hẳn bên này hay bên kia, chúng ta có thể đứng trung lập để có thể thấy ý kiến của từng phía.

Sở duyên, tiếng Phạn là Ālambana tức là đối tượng của nhận thức (objet de la perception). Trong nhận thức có hai phần: chủ thể và đối tượng. Phần chủ thể gọi là kiến phần (Darśana-bhāga), phần đối tượng là tướng phần (Nimitta-bhāga). Trong mỗi tri giác, mỗi nhận thức đều có hai phần, chủ thể và đối tượng, hay kiến phần và tướng phần. Tướng phần tức là sở duyên.

Tùy miên không phải tâm, không phải tâm sở, nó không cần đối tượng. Tâm và tâm sở mới cần đối tượng, tùy miên không phải tâm cũng không phải tâm sở, chúng không phải là chủ thể thì làm sao có đối tượng. Chúng là những khối nội kết nằm đó, ta chỉ cần chuyển hóa thôi. Chúng ta chưa cần phải bàn, phê bình và phân tích quan điểm này. Chúng ta chỉ cần ý thức như vậy thôi.

44. Tùy miên dị triền, triền dị tùy miên, ưng thuyết tùy miên dữ tâm bất tương ứng, triền dữ tâm tương ứng.

Tùy miên khác với triền phược, triền phược khác với tùy miên. Nên nói tùy miên không thích ứng với tâm, triền phược mới cùng tâm thích ứng.

The anuśaya (dormant passions) is different from the paryavasthāna (pervading passions) and the paryavasthāna is different from the anuśaya. It must be said that the anuśaya does not combine with the citta, whereas the paryavasthāna does.

Les tendances sont différentes des obsessions et les obsessions sont différentes des tendances, car il faut dire que les tendances sont disjointes de la pensée, alors que les obsessions sont conjointes avec la pensée.

Tùy miên là những khối khổ đau, phiền não, những thói quen, tật xấu nằm ngủ trong chiều sâu tâm thức mình. Chúng nằm ngủ ở đó, không khuấy rối mình. Nhưng chúng có đó, mai mốt khi chúng thức dậy thì mình mới biết. Tùy là đi theo, miên là ngủ, nó ngủ nhưng mình đi đâu nó cũng đi theo mình. Tùy miên dị triền có nghĩa là tùy miên khác với triền.

Triền là ràng buộc, trói lại. Chữ triền được dịch ra từ chữ Saṃyojana. Có 10 sợi dây trói mình lại gọi là thập triền. Chúng sai sử, xúi đẩy ta làm những cái mà ta không muốn làm. Sử là thúc đẩy. Thập triền, thập sử là những sợi dây trói buộc và kéo ta đi, đẩy ta làm những cái ta thật sự không muốn làm. Thí dụ ta biết nói câu đó ra là sẽ gây ra đổ vỡ mà ta cũng vẫn nói như thường, ta biết làm việc đó là sẽ gây ra đổ vỡ mà ta vẫn làm như thường tại vì “cái đó” mạnh hơn ta, nó sai sử ta, nó làm chủ ta. Sử với triền gần với nhau, giống như nhau. Mười sợi dây là thập triền, chúng trói ta lại. Mười ông chủ là thập sử, chúng đẩy ta làm những cái mà ta không muốn làm. Ta phải nhận diện những sợi dây ràng buộc trong ta để từ từ tìm cách tháo gỡ và phải nhận diện được những lập luận thúc đẩy mình làm những chuyện không nên làm.

Theo chủ trương này, tùy miên khác với triền và sử vì chúng không tương ứng với tâm nhưng triền và sử thì tương ứng với tâm. Tương ứng là đi đôi, là cộng tác với nhau. Tâm đi đôi với tâm sở. Tương ưng tâm sở ngũ thập nhất (Bát Thức Quy Củ Tụng – Huyền Trang) tức là 51 tâm sở tương ứng với ý thức. Tương ứng, tiếng Phạn là Saṃprayukta, là đi đôi với nhau vì có cùng một bản chất như đất đi đôi với cây. Nếu trồng cây vào trong một khối nylon thì không có sự đi đôi, không có sự tương ứng (Visaṃprayukta).

Có những pháp tương ứng với tâm gọi là tâm tương ứng pháp và những pháp không tương ứng với tâm gọi là tâm bất tương ứng pháp tại vì chúng không cùng một chất với tâm. Những lãnh vực này thuộc về tâm lý học thâm sâu của đạo Bụt, sau này được gọi là Duy Biểu học.

Chúng ta có những tâm thức như nhãn thức, ý thức và những tâm sở (còn gọi là tâm hành) như thọ, tưởng, tác ý, niệm. Tâm (sau này được gọi là tâm vương) là dòng sông, tâm sở là những giọt nước tương ứng với dòng sông nên được gọi là tâm tương ứng. Chúng tương ứng với tâm, làm việc với tâm (Citta-saṃprayukta). Có những pháp không tương ứng với tâm. Những pháp đó được gọi là tâm bất tương ứng pháp tại vì chúng không đồng bản chất với tâm như đắc, văn cú, số hay tốc độ. Đắc là nắm, đoạt được, chiếm hữu được. Ngược lại với đắc là thất (mất). Đó là những pháp có thật. Thi đậu giật được một bằng cấp thì gọi là đắc, thi hỏng không có bằng thì gọi là thất. Những pháp đó không tương ứng với tâm, không cùng bản chất với tâm. Trong khi các pháp như xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, dục, thắng giải, niệm, định, tuệ, vô tàm, vô úy, trạo cử, hôn trầm, thất niệm, bất phóng dật, bất chánh tri, v.v… đều là những tâm sở có cùng một bản chất với tâm như những giọt nước cùng một bản chất với dòng sông. Một cái bọc nylon, ta có thể dùng để chứa 2 hay 3 lít nước nhưng bọc nylon không cùng bản chất với nước, nylon không tương ứng với nước.

Văn chương, những câu văn, những chấm phết, dấu hỏi, chấm than, những danh từ, không phải là tâm, không phải là tâm sở và chúng không tương ứng với tâm. Những con số như số 10, số 100, số 1000 đều là pháp nhưng chúng không cùng bản chất với tâm nên gọi là tâm bất tương ứng pháp. Tốc độ cũng vậy, nó là một pháp nhưng không tương ứng với tâm.

Dưới đây là 5 phạm trù của 100 pháp theo Pháp tướng tông, được liệt kê như sau:

  1. Sắc, như mắt, tai, mũi, lưỡi, v.v.
  2. Tâm, số lượng của những pháp đó khác nhau trong mỗi tông phái. Đối với Hữu Bộ thì tâm chỉ có một thôi trong khi với Pháp tướng duy thức tông có tới 8 tâm.
  3. Tâm sở, số lượng các pháp này cũng khác nhau trong các tông phái, tông phái này nói có 51 tâm sở, tông phái kia nói chỉ có 47 thôi.
  4. Tâm bất tương ứng pháp.
  5. Pháp vô vi (dharma non composé). Có tông phái nói chỉ có một pháp vô vi là Niết bàn, trong khi Đại Chúng Bộ nói có 9 pháp vô vi.

Tâm và tâm sở đều có kiến phần và tướng phần, nghĩa là chủ thể và đối tượng. Theo chủ trương của Đại Chúng Bộ thì tùy miên không phải tâm cũng không phải tâm sở cho nên không có đối tượng, không có sở duyên (alambana). Chúng chỉ là những khối phiền não thôi.

45. Quá khứ vị lai phi thật hữu thể.

Quá khứ và vị lai không có bản thể chân thật.

The past and future do not have the nature of reality.

Le passé et le future n’existent pas réellement.

Quá khứ và vị lai không có thực thể chân thật. Đây là lập trường của Đại Chúng Bộ khi Hữu Bộ đã trở thành một tông phái rất hùng mạnh. Đây cũng là một phản ứng ngược lại, vì theo Hữu Bộ thì tất cả đều hiện hữu. Không những hiện tại đang có mặt mà quá khứ và tương lai cũng đang có mặt.

Làng Mai thường nhắc một câu trong kinh Người biết sống một mình: “Quá khứ đã không còn và tương lai thì chưa tới, hãy quán chiếu sự sống trong giây phút hiện tại.” Đó là một lời trực tiếp của Đức Thế Tôn. Căn cứ trên những câu kinh như câu ấy, chúng ta xác nhận chỉ có hiện tại là hiện hữu. Vì quá khứ không còn và tương lai thì chưa tới, nên chúng được coi như không có. Đại Chúng Bộ bám vào những câu như thế để chứng tỏ cho Hữu Bộ biết là họ sai khi họ nói quá khứ và tương lai đều hiện hữu.

Vào thế kỷ thứ 3 trước Thiên Chúa, trong thời A Dục vương, Hữu Bộ đã có thế đứng rất vững, là một trong ba tông phái mạnh nhất ở Ấn Độ thời đó. Đó là Đại Chúng Bộ, Hữu Bộ và Thượng Tọa Bộ. Hữu Bộ đang phát triển rất mạnh. Theo tư liệu của Phật giáo Therevāda thì vua A Dục có thiện cảm với Thượng Tọa Bộ hơn, vì vậy Hữu Bộ đã dời đại bản doanh lên miền Bắc, ở Kashmir. Hữu Bộ còn một trung tâm lớn khác ở miền Tây (Gandhāra). Thầy Thế Thân lớn lên và tu tập ở trung tâm miền Tây này. Chủ trương của Hữu Bộ miền Tây có hơi khác với chủ trương của Hữu Bộ miền Đông Bắc nên thầy Thế Thân quyết định lên Kashmir để học thêm về giáo lý gốc của Hữu Bộ. Thầy tới mà không để lộ ra cho biết tông tích của mình và sau đó đã học được hết tinh hoa của giáo lý Hữu Bộ. Học xong, trở về trung tâm miền Tây, thầy viết một tác phẩm tên là A tỳ đạt ma Câu Xá Luận (Abhidharmakośa-śāstra), có nghĩa là kho tàng của A tỳ đạt ma.

Tác phẩm A tỳ đạt ma Câu Xá Luận, trên phương diện hình thức được xem như là thâu tóm tất cả những tinh hoa của Hữu Bộ nhưng kỳ thực không hẳn như vậy. Những gì thầy Thế Thân cho là còn khiếm khuyết của Hữu Bộ thì thầy đã loại ra hoặc chỉnh đốn lại. Thầy có cảm tình với kinh Lượng Bộ. Kinh Lượng Bộ có khuynh hướng nương vào những lời kinh của Bụt hơn là nương vào Luận tạng. Trong các truyền thống Hữu Bộ và Thượng Tọa Bộ, Luận tạng dần dần trở thành quan trọng hơn cả Kinh tạng, vì Luận tạng được xem là công trình hệ thống hóa những giáo lý trong Kinh. Cũng vậy nên người ta đã sử dụng danh từ Abhidharma. Abhidharma được dịch là Thắng pháp, tức là Superdharma. Cũng như ở Trung Quốc, người ta nói Như Lai thiền không bằng Tổ sư thiền. Vì vậy Kinh Lượng Bộ, một tông phái xuất hiện sau Hữu Bộ đã phản ứng lại: “Các anh đi xa quá! Tôi không dựa vào Luận, tôi chỉ tin vào Kinh thôi. Tôi muốn bám chặt lấy những lời dạy trực tiếp của Đức Thế Tôn.”

Thầy Thế Thân tuy học theo Hữu Bộ nhưng cũng có khuynh hướng của Kinh Lượng Bộ. Tác phẩm Câu Xá Luận ban đầu người ta tưởng là một tập đại thành trung thực của Hữu Bộ, không ngờ thầy đã vượt lên cả Hữu Bộ. Ban đầu có sự chống đối của các luận sư trong Hữu Bộ, nhưng rốt cuộc thì thầy Thế Thân đã thắng. Tác phẩm A tỳ đạt ma Câu Xá Luận sau đó được toàn cõi Ấn Độ chấp nhận, coi như một bảo vật và đã được dịch ra tiếng Hán.

Hữu Bộ chủ trương rằng bản chất của tất cả các pháp đều có thật, không những hiện tại có thật mà quá khứ và tương lai cũng có thật. Đó là một điểm mà sau này Đại thừa cực lực chống đối. Vì Hữu Bộ chủ trương hữu nên Đại thừa chủ trương không. Hữu Bộ chủ trương ngã không pháp hữu, chỉ có ngã là không còn tất cả các pháp đều có. Đại thừa thì nói ngã đã không mà pháp cũng không. Chúng ta đã từng nói rằng Hữu Bộ đã đóng góp cho Đại thừa rất nhiều, trong đó có sự kích thích Đại thừa phát triển giáo lý không.

Chủ trương 45 này là một phát súng thần công bắn vào Hữu Bộ: Quá khứ vị lai phi thật hữu thể. Chúng ta sẽ có cơ hội trở lại điểm này, một điểm rất sâu sắc.

46. Nhất thiết pháp xứ phi sở tri, phi sở thức lượng, phi sở thông đạt.

Tất cả các pháp xứ đều không phải là đối tượng của tri giác, không phải là đối tượng của nhận thức so sánh, mà chỉ có thể được thông đạt.

None of the dharma-āyatanas are objects of perceptions or objects of consciousness that can be compared to but they can only be attained through understanding.

Le domaine des phénomènes mentaux (dharma- āyatanas) n’est ni connaissable ni perceptible à la conscience, mais il est compréhensible.

Tất cả các pháp xứ không phải là đối tượng của thức, không phải là những gì mà tâm thức có thể nắm bắt và có thể thông đạt được. Pháp xứ là đối tượng của ý thức. Xứ (āyatana) có nghĩa là lãnh vực, như Tứ niệm xứ là bốn lãnh vực của chánh niệm: thân, thọ, tâm và pháp.

Đạo Bụt có nói đến 12 lãnh vực gọi là thập nhị xứ. Chúng ta có mắt (nhãn xứ), tai (nhĩ xứ), mũi (tỷ xứ), lưỡi (thiệt xứ), thân (thân xứ), ý (ý xứ) gọi là sáu căn. Có căn thì có đối tượng của căn, mắt có sắc, tai có thanh, mũi có hương, lưỡi có vị, thân có xúc và ý có pháp. Tất cả các sắc nằm trong lãnh vực sắc xứ, tất cả các âm thanh nằm trong lãnh vực thanh xứ, tất cả các mùi hương nằm trong lãnh vực của hương xứ, tất cả các vị nằm trong lãnh vực của vị xứ, tất cả các cảm giác nằm trong lãnh vực của xúc xứ, tất cả các đối tượng của ý thức (tư duy) nằm trong lãnh vực của pháp xứ. Pháp xứ là đối tượng của ý (manas). Ví dụ khi mình suy nghĩ và hình dung về núi Pyrénées thì hình ảnh của núi Pyrénées hiện lên trong tâm mình. Đó là một pháp xứ. Khi mình suy nghĩ về cha mình thì hình ảnh cha hiện lên trong đầu mình. Đó là một pháp xứ. Đang ở Loubès-Bernac nhưng mình nghĩ tới Paris thì hình ảnh Paris là pháp xứ, là đối tượng của tâm thức. Một bên là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; còn một bên là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; sáu căn đối với sáu trần họp lại thành mười hai xứ. Pháp xứ như vậy là 12 lãnh vực gồm có 6 căn và 6 trần, tất cả đều là đối tượng của tâm thức.

Theo chủ trương 46 này của Đại Chúng Bộ thì tất cả các pháp xứ đều không phải là đối tượng của nhận thức, của sự suy đạt, đo lường, hiểu biết, hay thông đạt. Các học giả hiểu câu này một cách khác nhau. Trước hết ta có thể hiểu như thế này: Khi nhìn Paris hay nhìn núi Alpes ta tưởng là ta đã nắm được Paris, nắm được núi Alpes, ta biết được chúng là gì rồi. Nhưng kỳ thực ta chưa nắm được gì hết. Chúng là pháp xứ nhưng ta chỉ tạo ra được một hình ảnh về chúng trong đầu ta mà thôi. Hình ảnh của chúng không phải là chúng. Chỉ khi nào ta đạt tới một quả vị nào đó, ta có tuệ giác nào đó thì chúng mới trở thành đối tượng thật của sự thông đạt, của sự hiểu biết của ta. Cũng như khi hai người trẻ yêu nhau thì họ tạo ra một hình ảnh rất đẹp về nhau. Họ tưởng họ yêu người kia thiệt, nhưng thật ra họ chỉ yêu cái hình ảnh đẹp mà họ tạo ra trong đầu thôi. Giữa người yêu và hình ảnh của người yêu mà ta có, có một sự khác biệt lớn. Chỉ cần về sống với nhau chừng sáu tháng thì biết.

Nói về yêu ghét hay nhận thức cũng vậy. Ta không nắm được pháp xứ đích thực, ta tạo ra hình ảnh của pháp xứ cho ta mà thôi. Ta sống với ảo tưởng, nói theo Duy Biểu học thì ta sống với biến kế sở chấp, ta không đạt được tới viên thành thật.

Có khi sống với cha mấy mươi năm mà mình cũng chưa thấy được và hiểu được. Sống với cha nhưng mình có một hình ảnh rất sai lạc về cha. Mình có thể cứ sống với hình ảnh sai lạc đó suốt đời, rồi mình giận hờn, rồi mình thất vọng. Mình chưa thực sự biết cha mình là ai. Có những em bé mồ côi, lớn lên buồn khổ, nghĩ rằng mình đau khổ vì chưa bao giờ được sống với cha. Nhưng có những người không mồ côi, đã từng sống với cha ba bốn chục năm mà vẫn buồn khổ. Cha làm mình khổ, mình làm khổ cha, mình không hiểu cha, cha không hiểu mình. Mỗi người có một hình ảnh về người kia, cứ sống với hình ảnh đó rồi giận và ghét cái hình ảnh đó. Vì vậy pháp xứ không phải là đối tượng của nhận thức. Đối tượng đó không phải là tự thân thực tại, mà chỉ là những bóng ma. Ta hãy cứ tạm hiểu chủ trương này như vậy. Sau này đi sâu vào lịch sử tư tưởng Phật giáo ta sẽ thấy rõ hơn.

47. Đô vô trung hữu.

Không có gì gọi là trung hữu.

There is no intermediate existence.

Il n’y a pas d’existence intermédiaire.

Không có trung ấm thân. Khi chết rồi thì ta tiếp tục sanh ra trong một hình thức khác mà không cần phải đi qua thời gian 49 ngày, không cần cứ bảy ngày thì cúng thất một lần. Trung ấm thân, tiếng Tây Tạng là bardo. Sau khi chết, trước khi đi đầu thai thì mình sống với thân trung ấm, nó nhỏ hơn thân của mình chút xíu và thân ấy không ăn uống những thức ăn thường, chỉ ngửi mùi hương mà sống và cứ bảy ngày nó biến chuyển một lần. Theo tín ngưỡng nhân gian là phải cầu nguyện, phải cúng cho người đó được nhẹ nghiệp để đi qua 49 ngày, cuối cùng người đó được tái sanh vào những hình thái đẹp đẽ hơn. Chủ trương của Đại Chúng Bộ là không tin vào trung ấm thân.

48. Chư Dự lưu giả diệc đắc tĩnh lự.

Các vị Dự lưu cũng có tịnh lự.

The Strotapānnas can also attain the dhyāna.

Les “Entrés dans le courant” obtiennent aussi les méditations.

Những người đắc được quả vào dòng cũng có thể có khả năng đi vào thiền định dù cho thiền định của họ còn là thiền định sơ khởi. Đó cũng là chủ trương của Đại Chúng Bộ. Giờ đây chúng ta hãy đi sang những tông phái có liên hệ tới Đại Chúng Bộ trước khi tìm hiểu Hữu Bộ.