Chương 3: Tư liệu
Chúng ta ghi chép lại tư liệu cần có nếu sau này muốn nghiên cứu về sự diễn biến của tư tưởng Phật giáo trong thời kỳ phân phái, trước hết là từ hai bộ phái, Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ rồi từ từ tới 18 bộ phái khác.
1. Luận Sự (Kathā-vatthu)
Points of Controversy translated by Shwe Zan Aung & Rhys David, The Pali Text Society, Oxford 1997.
Hiện giờ chúng ta có Luận Sự bằng tiếng Pali trong Luận tạng Pali. Luận Sự đã được dịch ra tiếng Anh, Points of Controversy (Những điểm tranh chấp giữa các bộ phái) do The Pali Text Society ấn hành. Tại Làng Mai, chúng ta đã có một tập “Points of Controversy”, tiếng Pali là Kathā-vatthu. Đây là một tài liệu của Thượng Tọa Bộ nên cái nhìn cũng có tính cách chủ quan. Chúng ta phải so sánh với những tác phẩm của các bộ phái khác mới có thể suy xét và tìm ra sự thật gần nhất, vì mỗi bộ phái đều có tính chủ quan riêng. Tài liệu thứ hai là:
2. Đảo Sử (Dīpavaṃsa)
Đảo Sử là một tài liệu của Tích Lan, được viết vào thế kỷ thứ tư, 300 năm sau Thiên Chúa giáng sinh. Đây cũng là một tài liệu của Theravāda. Dipa là hải đảo, tức là nước Tích Lan. Theo tài liệu này, tất cả sự hình thành 18 bộ phái đều xảy ra trong thế kỷ thứ 2 sau ngày Đức Thế Tôn nhập diệt.
Luận Sự và Đảo Sử là những tác phẩm thuộc truyền thống miền Nam. Sau đây là những tác phẩm thuộc truyền thống miền Bắc.
3. Xá Lợi Phất Vấn Kinh
(Śāriputraparipṛcchāsūtra) T.1465.
Trong kinh này Đức Thế Tôn nói, sau khi ta nhập diệt mấy trăm năm thì tăng đoàn sẽ có sự phân chia ra làm mấy phái, ai làm chủ phái nào và có những chủ trương gì. Bụt tiên đoán trước hết tất cả, điều này chứng tỏ tác phẩm này được viết sau khi Bụt nhập diệt.
Ký hiệu của tác phẩm là T.1465, nếu mở Đại Tạng Tân Tu chúng ta sẽ thấy quyển kinh mang số 1465. T. là chữ viết tắt của Taisho tức Đại Chánh, một tạng kinh do hai nhà học giả người Nhật sưu khảo và biên tập một cách rất khoa học (Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh). Tân tu là mới tu bổ lại, làm cho hoàn chỉnh trở lại.
Khi nghiên cứu Kinh, chúng ta biết kinh này là sản phẩm của Đại Chúng Bộ (Mahāsāṃghika). Tuy đây là tài liệu của Đại Chúng Bộ nhưng đã được cất giữ, tàng trữ và sử dụng bởi Phật giáo miền Bắc (tức Hữu Bộ), và địa bàn là miền Bắc Kashmir. Kashmir của Hữu Bộ tồn tại được hơn 1000 năm. Từ Kashmir, đạo Bụt được truyền qua Trung Á và Trung Hoa theo “con đường tơ lụa”. Thầy Huyền Trang ngày xưa cũng đã đi qua con đường tơ lụa (the silk road) này. Chúng ta bắt đầu học tới tư liệu sử dụng trong khóa tu này:
4. Dị Bộ Tông Luân Luận
(Samayabhedoparacanacakra) của thầy Thế Hữu (Vasumitra) T. 2031, Huyền Trang dịch, Việt bản: Thích Trí Quang.
Chúng ta sử dụng bản dịch bằng chữ Hán của thầy Huyền Trang và hòa thượng Trí Quang dịch ra tiếng Việt. Khi nghiên cứu, chúng ta thấy giữa hai tác phẩm thứ ba và thứ tư có sự liên hệ với nhau. Xá Lợi Phất Vấn Kinh đã được dịch ra tiếng Hán vào khoảng năm 317-420. Kinh này có thể ra đời vào đầu thế kỷ thứ tư hoặc là vào thế kỷ thứ ba, thứ hai hay thứ nhất, chưa có bằng chứng gì chắc chắn cả. Nhưng có một điều chắc chắn là tác phẩm này đã được viết trước thế kỷ thứ tư. Khi nghiên cứu Dị Bộ Tông Luân Luận của thầy Thế Hữu thì chúng ta thấy có một sự liên hệ nội dung giữa hai tác phẩm này. Thầy Thế Hữu đã sử dụng tư liệu trong Xá Lợi Phất Vấn Kinh để viết Dị Bộ Tông Luân Luận. Thầy Thế Hữu sống vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Thiên Chúa. Xá Lợi Phất Vấn Kinh có thể đã xuất hiện trước thầy Thế Hữu tức là vào đầu thế kỷ thứ nhất sau Thiên Chúa hay trước đó nữa.
Đây là một tư liệu rất quí. Thầy Thế Hữu là một luận sư rất nổi tiếng và là một học giả rất vững chãi của phái Hữu Bộ. Có những chứng cớ cho chúng ta biết là thầy Thế Hữu đã tham gia và đóng góp rất tích cực vào công trình biên tập bộ Tỳ Bà Sa Luận (Mahāvibhaṣa-śāstra). Đây là một tác phẩm Abhidharma vĩ đại của Hữu Bộ ở Kashmir. Câu Xá Luận của thầy Thế Thân là sự đúc kết lại của bộ Đại Tỳ Bà Sa. Thầy Thế Thân sinh vào thế kỷ thứ tư sau Thiên Chúa. Bộ Tỳ Bà Sa được chế tác vào đầu thế kỷ thứ nhất Tây lịch. Thầy Thế Hữu là một học giả rất nghiêm chỉnh, thầy đã tham dự vào việc biên tập bộ Tỳ Bà Sa Luận và sáng tác Dị Bộ Tông Luân Luận để ghi lại những điều thầy đã thấy và đã nghe về sự phân phái của Phật giáo bắt đầu vào thế kỷ thứ hai sau khi Bụt nhập diệt. Tài liệu này là của Hữu Bộ và do đó nó cũng mang tính cách chủ quan của những người lãnh đạo Hữu Bộ.
5. Phật giáo sử của Tāranātha – Thanh Biện ①
Tāranātha là một học giả Tây Tạng sống vào khoảng thế kỷ thứ 12. Cuốn sử này rất có giá trị, nhưng chúng ta không có bản dịch bằng tiếng Anh mà chỉ có bản dịch bằng tiếng Đức.
Trong Phật giáo sử của Tāranātha có trích dẫn tài liệu của thầy Thanh Biện (Bhavya). Theo Tāranātha thì thầy Thanh Biện là người của Thượng Tọa Bộ, nhưng khi nghiên cứu nội dung những điều thầy Thanh Biện kể thì chúng ta biết thầy đã có quan điểm của Hữu Bộ. Ba tác phẩm Xá Lợi Phất Vấn Kinh, Dị Bô Tông Luân Luận, và Phật Giáo Sử của Tāranātha đi với nhau.
6. Văn Thù Sư Lợi Vấn Kinh
(Mañjuśrīparipṛcchāsūtra), T. 468, thầy Tăng già ba la (Saṅghapāla) đời Lương dịch.
Thầy Thanh Biện đưa ra hai lược đồ của 20 bộ phái. Lược đồ đầu của thầy Thanh Biện đã chép lại lược đồ của Văn Thù Sư Lợi Vấn Kinh. Theo Văn Thù Sư Lợi Vấn Kinh thì tăng đoàn của Bụt sau khi phân chia ra theo Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ thì những bộ phái khác được sinh ra theo chiều dọc mà thôi. Điều này không có tính cách khoa học!
Tuy gọi là kinh nhưng không phải do Bụt nói, không có giá trị của kinh. Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn là Văn Thù Sư Lợi Vấn Kinh đã mô phỏng theo Dị Bộ Tông Luân Luận để đưa ra một lược đồ của sự phân phái. Nhưng tác giả đọc không kỹ, không hiểu rõ lắm nên đưa ra một lược đồ rất buồn cười.
Chúng ta đã có một số tài liệu do hai học phái Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ cung cấp. Bây giờ chúng ta đi sang những tài liệu thuộc về Đại Chúng Bộ.
7. Phật giáo sử Tāranātha – Thanh Biện ②
Đây cũng là tài liệu của thầy Thanh Biện, nhưng là lược đồ thứ hai tìm thấy trong Phật giáo sử của Tāranātha. Theo Thanh Biện thì đây là tư liệu của Đại Chúng Bộ.
Theo tài liệu này thì các bộ phái xuất phát từ ba phái: Thượng Tọa Bộ, Đại Chúng Bộ và Phân Biệt Thuyết Bộ.
Thượng Tọa Bộ về sau đổi thành Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavāda), rồi Phân Biệt Thuyết Bộ chia ra làm bốn nhóm: Hóa Địa Bộ (Mahīśāsaka), Ca Diếp Di Bộ (Kāśyapīya), Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka) và Xích Đồng Diệp Bộ (Tāmraśāṭīya) tức Theravāda ở Tích Lan bây giờ.
Các thầy, các sư cô ở Việt Nam, khi tụng giới lớn là tụng Tứ phần luật của Pháp Tạng Bộ. Chúng ta đang sử dụng rất nhiều kinh điển của Xích Đồng Diệp Bộ.
Tài liệu thứ bảy cũng lấy từ Phật giáo sử của Taranathā do thầy Thanh Biện cung cấp. Tư liệu Thanh Biện ① có hơi sai lạc nhưng tư liệu Thanh Biện ② của Đại Chúng Bộ thì gần với sự thật hơn. Ngoài ra chúng ta còn hai tài liệu trong Đại Tạng là:
8. Thập Bát Bộ Luận
T. 2032, thầy Chân Đế (Paramārtha) đời Trần dịch.
Thập bát bộ luận nằm dưới hình thức kinh nhưng nói về việc phân phái. Đó là “Phân biệt bộ phẩm” trong quyển hạ của kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn.
9. Bộ Chấp Dị Luận
T. 2033, Bộ Chấp Dị Luận trong Đại Tạng kinh mang số 2033 do thầy Chân Đế (đời Trần) dịch.
Có tài liệu bằng tiếng Anh hay bằng tiếng Pháp. Chúng ta đã có một bản Dị Bộ Tông Luân Luận bằng tiếng Anh do một tác giả người Nhật thực hiện.