Chương 1: Dòng chảy
Sơ lược về các thời kỳ
Có một tư liệu quý về lịch sử Phật giáo, tên là Dị Bộ Tông Luân Luận. Thầy Thế Hữu, đã sống, hành đạo và viết ra tác phẩm này vào khoảng 400 năm sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, tức là rất gần Bụt (chúng ta cách Bụt 2600 năm hơn). Vì vậy những điều thầy nghe rất gần với sự thật. Đó là khoảng 150 năm trước khi Chúa Kitô giáng sinh. Tên của thầy là Vasumitra. Vasu là thế (cuộc đời) và mitra là hữu (bạn), Vasumitra là người bạn của cuộc đời.
Nội dung của bộ luận này nói về sự phân liệt của tăng thân thành ra nhiều bộ phái. Có khoảng 20 bộ phái. Nhờ tác phẩm này, chúng ta biết được mỗi bộ phái chủ trương những gì và có những gì khác nhau giữa niềm tin và chủ trương của các bộ phái. Dị Bộ Tông Luân Luận là tài liệu rất quí giúp chúng ta biết được quá trình diễn biến của tư tưởng đạo Phật. Đây không phải là tài liệu duy nhất mà chúng ta có được về sự phân phái và về nội dung của các bộ phái. Còn nhiều tài liệu khác, nếu muốn, chúng ta có thể tìm thấy trong Đại Tạng Kinh và cả trong những tài liệu đã được dịch ra tiếng Tây phương. Trong khi sử dụng tài liệu này chúng ta sẽ luôn luôn tham khảo những tài liệu khác vì tài liệu này cũng có những chỗ sai lầm và thiếu sót. Nhờ tham khảo các tài liệu khác nhau mà chúng ta có được một tài liệu được đúc kết gần với sự thật hơn hết.
Bản lược đồ các bộ phái mà quý vị đang có trong tay là công trình của giáo sư André Bareau của Collège de France (xem phụ lục, lược đồ 1). Ông đã nghiên cứu trong nhiều năm, đã tham khảo rất nhiều tài liệu trong đó có Dị Bộ Tông Luân Luận. Giáo sư đã so sánh, đối chiếu và cuối cùng đúc kết thành lược đồ này mà hiện nay được xem như là một tài liệu gần hơn hết với sự thật đã xảy ra.
Khi trước tác hay ghi chép lại lịch sử, người ta hay có khuynh hướng đề cao tông phái của mình là chính thống nhất, vì thế không tránh được tính chủ quan. Thầy Thế Hữu cũng vậy, thầy là người của Hữu Bộ (Sarvāstivāda), một tông phái có mặt tại Kashmir ở miền Bắc và cũng có mặt tại miền Trung Ấn Độ. Cơ sở của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đã được duy trì tại Kashmir tới hơn 1000 năm. Tông phái Hữu Bộ đã sáng tác ra một tác phẩm Abhidharma rất đồ sộ, gọi là Mahāvibhāṣa (Đại Tỳ Bà Sa Luận).
Trong kho tàng văn học Phật giáo có ba thể tài (ba thể loại): Kinh là thể tài thứ nhất của văn học Phật giáo, Luật là thể tài thứ hai (nền văn học Vinaya tức Luật, cũng rất giàu có) và phần thứ ba là Luận (Abhidharma). Mục đích của Luận là để hệ thống hóa giáo lý của đạo Bụt, nêu lên những chủ trương của tông phái mình và những chủ trương mà mình nghĩ là sai lầm của các tông phái khác.
Như đã nói, Hữu Bộ đã sáng tạo ra một nền văn học Luận tạng (Abhidharma) rất phong phú, gọi là Đại Tỳ Bà Sa Luận (Mahāvibhāṣa Śāstra). Thầy Thế Hữu đã đóng góp rất nhiều trong công trình khởi sự và sáng tạo nền văn học Luận tạng đó.
Tông phái thứ hai cũng sáng tác ra nhiều tác phẩm về Luận tạng là tông phái Thượng Tọa Bộ (Sthaviravāda). Thượng Tọa Bộ sau này được gọi là Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavāda) hay còn được gọi là Đồng Diệp Bộ, tức phái Theravāda hiện bây giờ ở Tích Lan. Đồng Diệp Bộ là những người mặc áo màu hỏa hoàng, màu lá phong mùa thu. Chữ Theravāda tiếng Pali là Thượng Tọa Bộ, tương đương với chữ Sthaviravāda (Thượng Tọa Bộ) của tiếng Phạn. Theravāda cũng là Thượng Tọa Bộ, nhưng không phải Thượng Tọa Bộ gốc, không phải Mūla Sthaviravāda (mūla là gốc). Phật giáo Nam tông thỉnh thoảng cũng tự gọi là Phân Biệt Thuyết Bộ. Chữ phân biệt ở đây có nghĩa là phân tích, chia chẻ, so sánh.
Luận tạng của Thượng Tọa Bộ cũng rất đồ sộ. Hiện bây giờ chúng ta còn có cơ duyên để có thể nghiên cứu hai nền văn học Luận tạng đồ sộ đó là Hữu Bộ và Thượng Tọa Bộ.
Thầy Thế Thân sống ở thế kỷ thứ tư sau Chúa giáng sinh, đã tới Kashmir và lưu lại trong đạo tràng của Hữu Bộ để nghiên cứu thêm và đã đúc kết lại nền văn học Đại Tỳ Bà Sa trong một tác phẩm cô đọng gọi là A tỳ đạt ma Câu Xá Luận (Abhidharmakośa-śāstra). Kośa có nghĩa là kho tàng, tức là những tinh yếu, những châu báu của nền văn học Abhidharma (Luận tạng). Bây giờ đây tác phẩm Abhidharmakośā-śāstra đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh. Bản tiếng Anh được dịch ra từ bản tiếng Pháp chứ không phải được dịch trực tiếp từ bản tiếng Hán, tuy là có tham chiếu bản chữ Hán.
Ở miền Bắc, tức là ở trung tâm Kashmir, đại bản doanh của Hữu Bộ, thầy Thế Thân đúc kết, tóm tắt nền văn học đồ sộ của Abhidharma thành tác phẩm Câu Xá. Ở Việt Nam trường Phật học nào cũng dạy Câu Xá Luận.
Ở miền Nam, tại Sri Lanka (Tích Lan) Thượng Tọa Bộ được duy trì ở đó và nền văn học Abhidharma cũng đã được tóm lược, đúc kết thành một tác phẩm. Người làm công việc đúc kết tác phẩm đó tên là Phật Âm (Budhaghoṣa). Thầy Phật Âm vào thế kỷ thứ năm đã dựng nên một tác phẩm gọi là Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhi-magga). Visuddhi là thanh tịnh, magga là con đường, là đạo. Thanh Tịnh Đạo cũng đã được dịch ra tiếng Anh bởi một thầy gốc người Anh. Ni trưởng Trí Hải của chúng ta cũng đã dịch từ bản tiếng Anh đó ra tiếng Việt, quý vị có thể thưởng thức được tinh yếu của nền văn học Abhidharma Nam phương qua tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận. Ngoài ra còn có một tác phẩm khác nữa gọi là Giải Thoát Đạo Luận (Vimutti magga).
Tác phẩm này không còn nguyên văn bằng tiếng Pali nhưng đã được dịch ra chữ Hán trong Tam Tạng Hán và một số các vị học giả đã từ tiếng Hán dịch ra tiếng Anh. Vậy là từ Nam tông chúng ta có hai tác phẩm: một là Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhi magga), hai là Giải Thoát Đạo Luận (Vimutti magga).
Quý vị là những người rất may mắn, tại vì quý vị đang có những tài liệu đó để tham khảo và học hỏi. Ngày xưa khi tôi đi học, ở Phật học viện không có những tài liệu đó, không có Đại Tạng Kinh trong Phật học viện. Khi học kinh thì phải ngồi chép tay chữ Hán, học toàn bằng chữ Hán, không có tiếng Việt. Trong Phật học viện chỉ có một bản cho nên các chú phải ngồi lại để chép. Đôi khi mình tổ chức thành từng nhóm bảy hay mười người, mỗi người chép một trang, chép bằng một thứ mực đặc biệt rồi tìm cách để in đông sương. Mình có thể in từ bảy bản tới mười bản. Mình nấu thạch, làm thành một mảnh thạch rất bằng phẳng rồi úp mặt của tờ chép tay ấy lên để cho mực thấm vào trong thạch bản. Sau đó để giấy trắng in lên mặt bản thạch. Bản in đầu rất rõ, bản in thứ hai mờ hơn, bản thứ ba mờ hơn nữa. Tới bản thứ mười thì khá mờ, phải ráng lắm mới có thể đọc được. Ngày xưa chúng tôi đã học trong điều kiện đó, không có máy vi tính, không có máy đánh chữ mà cũng không có máy photocopy. Nhưng mà học cũng được, cũng thành người, cũng thành giáo thọ được.
Bản lược đồ thứ nhất gần với sự thật hơn hết. Có thể nó vẫn còn có một vài chỗ sai lầm, nhưng nhờ sự nghiên cứu và đối chiếu tất cả các bản mà bản đó gần với sự thật hơn hết. Chúng ta hãy hồi hướng công đức này cho giáo sư André Bareau của Collège de France.
Bản lược đồ thứ hai là theo cái thấy của thầy Thế Hữu, nó có một vài cái chủ quan (xem phụ lục, lược đồ 2). Trong bản này chúng ta thấy tất cả các bộ phái khác đều từ Hữu Bộ mà ra.
Nhìn vào lược đồ của André Bareau chúng ta thấy ở trên ghi năm Bụt nhập diệt là E. N., có nghĩa là Phật lịch tính từ ngày Bụt nhập diệt (E: ère, N: Nirvāṇa). Thí dụ như 200 E.N. là 200 năm sau khi Bụt nhập diệt, chữ E.N. là tiếng Pháp. Chúng ta có thể dùng danh từ Phật lịch hay sau Niết bàn (S.N.). Sau Niết bàn 140 năm (S.N. 140) thì có sự phân phái và do đó có Đại Chúng Bộ và Thượng Tọa Bộ.
Theo tài liệu của thầy Thế Hữu thì vào khoảng 100 năm sau khi Bụt nhập diệt thì đã có sự phân phái. Nhưng khi so sánh cho kỹ rồi đúc kết thì ta thấy con số 140 năm gần với sự thật hơn.
Theo nguyên tắc thì Đại Chúng Bộ là số đông và có nhiều người trẻ hơn vì đó là phái cấp tiến, phái muốn làm cách mạng. Còn Thượng Tọa Bộ thì ít người hơn, tuổi lớn hơn và có khuynh hướng bảo thủ.
Khi chúng ta thấy hay nghe nói tăng đoàn bị tách làm hai phe thì ta cảm thấy buồn, ta cảm thấy có sự chia rẽ. Nhưng chúng ta đừng nghĩ như vậy. Chúng ta không hẳn phải đau buồn khi thấy tăng đoàn chia rẽ. Sự khác biệt về nhận thức luôn luôn có, chia ra hay không chia ra thì nó vẫn có đó. Ngay trong Làng Mai, cùng một thầy, cùng nghe một bài pháp thoại, cùng thực tập, nhưng cũng có phe bảo thủ và phe tiến bộ. Mỗi người hãy tự nhìn mình thử xem mình thuộc về phe bảo thủ hay phe tiến bộ? Có thể có những người bảo thủ hơn tôi. Tuy là đệ tử của tôi, chỉ mới hai mươi mấy tuổi mà bảo thủ hơn thầy trong cách nhận thức. Thầy thuộc về Đại Chúng Bộ còn đệ tử thuộc về Thượng Tọa Bộ.
Có những người trong chúng ta có cái nhìn phóng khoáng hơn, không câu chấp vào lời nói hay vào hình thức. Có những người trong chúng ta bị kẹt vào những danh từ, chữ nghĩa, không dám nói sai một chữ. Khuynh hướng đó có chứ không phải không có, có ngay từ bây giờ, có ngay trong Làng Mai. Chúng ta chỉ cần lấy hai người thôi để làm ví dụ thì chúng ta đã thấy rằng, trong hai người thế nào cũng có người có khuynh hướng cởi mở hơn người kia hoặc là có một người có khuynh hướng bảo thủ hơn người kia. Vì vậy cho nên chuyện có hai khuynh hướng (hai khuynh hướng là tối thiểu) trong một tập đoàn là chuyện muôn đời, luôn luôn có.
Ngay trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế, trong tăng đoàn có những người thuộc về phái thủ cựu, bảo thủ và có những người thuộc về phái cởi mở, tiến bộ. Những khuynh hướng khác nhau, những dị biệt đó được thấy rất rõ rệt trong các kinh điển.
Khi đọc các kinh Nguyên thỉ chúng ta thấy rõ ràng thầy Ca Diếp, tuy là bậc đàn anh và mọi người đều tuân phục, nhưng thuộc về phía bảo thủ, khá cứng. Cũng có lẽ vì vậy mà thầy Ca Diếp đã được tôn lên làm vị anh cả trong kỳ Đại hội Kết Tập kinh điển lần thứ nhất mấy tháng sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt. Thầy Ca Diếp đã bàn với một số các thầy khác chọn những vị đạo cao đức trọng, lớn tuổi, có khoảng 500 người (500 La hán). Hội nghị đầu tiên để ôn lại những lời Bụt dạy gọi là Ngũ Bách Kết Tập (the Five Hundred Council, The first Council of 500 Arahats) ba tháng sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt và người đứng ra triệu tập là thầy Ca Diếp.
Cố nhiên là các thầy đã chọn lựa. Không biết trong số quí thầy đó, tất cả đều là A la hán hay có thể có vài người chưa là A la hán. Sự thật rất rõ ràng, thầy A Nan không được vô tại vì thầy là biểu tượng cho phái trẻ tuy thầy cũng không còn trẻ lắm. Thầy A Nan rất muốn độ cho người trẻ, nhưng người trẻ có những yếu kém của họ như ưa giỡn, ưa cười, làm ồn hơi nhiều nên cứ bị rầy hoài. Ở đây, trong số chúng ta cũng có nhiều các thầy A Nan và cô A Nan lắm. Thầy A Nan có một trí nhớ rất kỳ diệu, Bụt nói gì thầy cũng nhớ hết. Trong thời của Bụt người ta không ghi chép những pháp thoại của Ngài cho nên họ phải hoàn toàn trông cậy vào ký ức và phải sử dụng ký ức rất nhiều. Bây giờ chúng ta có băng, có notebook khỏi phải nhớ làm gì cho cực. Chúng ta làm biếng, không chịu cố gắng, cho nên ký ức của mình tệ hơn ký ức của các thầy ngày xưa.
Trong số các thầy ngày xưa có những vị luật sư chuyên môn về Luật, có những vị kinh sư chuyên môn về Kinh và họ đọc thuộc lòng từ kinh này sang kinh khác. Nhờ vậy nên các kinh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng miệng và bằng ký ức mà thôi. Ký ức là điện não, và quí thầy có những phương pháp để nhớ cho dễ. Họ đặt ra những bài kệ tóm tắt để dễ nhớ. Trong kinh hay có việc lặp lại (Đông phương như vậy rồi mà Nam phương cũng như vậy), lặp lại rất nhiều như vậy để cho dễ nhớ.
Một trăm bốn mươi năm là nhiều lắm. Cố nhiên là trong một trăm bốn mươi năm đó đã có nhiều người, có nhiều thầy đã nắm được yếu chỉ của Phật pháp, nắm được pháp môn tu và đã đạt được những tuệ giác giải thoát an lạc. Nhưng không phải tất cả các thầy trong giáo đoàn đều làm được như vậy. Cũng như trong chúng ta đây, trong chúng ta có những thầy, những sư cô có an lạc, hạnh phúc, nhưng cũng có những thầy và những sư cô chưa đủ an lạc và hạnh phúc, vẫn còn lên còn xuống. Ngày xưa cũng vậy thôi, ngay trong thời Bụt còn tại thế cũng vậy và sau khi Bụt nhập diệt rồi thì cũng như vậy. Chúng ta biết rằng đạo Bụt thời Đức Thế Tôn còn rất ít người theo.
Nước Ấn Độ giống như chữ V. Đạo Bụt thời Đức Thế Tôn chỉ có mặt nội trong một vòng đai ở miền Trung, gồm một số mười mấy nước trong vùng này, chưa đi xuống miền Nam, chưa đi lên miền Bắc. Trong thời Đức Thế Tôn, đạo Bụt có thể chỉ có một vài vùng rất nhỏ ở miền Nam và miền Bắc. Chủ lực của đạo Bụt thời Đức Thế Tôn chỉ tập trung ở cái vòng đai miền Trung và là giới xuất gia. Có giới tại gia yểm trợ các thầy nhưng những người tại gia tu tập chưa nhiều. Họ có tụng Tam quy, có thực tập Ngũ giới để có hạnh phúc trong đời sống hiện tại và để khi sanh trở lại thì được sanh vào những cõi tốt đẹp hơn như cõi trời. Hồi đó chưa có Tịnh độ của Đức Bụt A Di Đà. Cư sĩ Cấp Cô Độc không niệm Nam Mô A Di Đà Phật, mà niệm: Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddassa, có nghĩa là: Kính lạy Đức Thế Tôn, bậc xứng đáng để được cúng dường, bậc Chánh Biến Giác.
Trong suốt một trăm bốn mươi năm này chúng ta có thể thấy được rằng, có những thay đổi xảy ra đứng về phương diện tổ chức, phương diện hành trì, phương diện học hỏi. Thời gian một trăm bốn mươi năm rất là dài.
Chúng ta nên nhớ rằng, luôn luôn có một phe bảo thủ muốn giữ lại y hệt những gì mình được nghe, được hiểu và có một phe khác cảm thấy rằng những điều được nghe được học đó cần phải thay đổi, cần phải làm mới để ngôn ngữ và cách thực tập mới đó đáp ứng trực tiếp được những khó khăn, những khổ đau trong hoàn cảnh của con người hiện đại. Có những người rất mến mộ Đức Thế Tôn và muốn giữ hết tất cả những điều Đức Thế Tôn dạy, từng chữ từng chữ một. Xưa bày như thế nào thì nay làm theo như thế đó, hoàn toàn không dám sửa đổi lấy một chữ. Cái đó có cái hay nhưng cũng có cái chưa hay của nó. Cái hay là giúp cho mình biết được ngày xưa người ta đã dùng ngôn ngữ nào, những gì đã thực sự được nói. Cái chưa hay là người đó bị kẹt, người đó chỉ truyền được cái vỏ mà không truyền được cái ruột. Cái ruột là gì? Ruột là tuệ giác, là thảnh thơi, là giải thoát và hạnh phúc. Người đó chỉ mang được cái vỏ mà không truyền được cái ruột. Điều đó chúng ta thấy rất rõ trong thế giới hiện tại.
Những người trẻ của chúng ta hôm nay ở Việt Nam và ở ngoại quốc cũng vậy. Họ thấy mẹ, thấy bà ngoại mình đi chùa và tụng những kinh mà mình hoàn toàn không hiểu gì cả. Cái gì mà Nam mô tát đát tha tô dà đa da a ra ha đế? Mình không hiểu gì cả, mà hỏi bà thì bà cũng không biết, xưa bày nay làm thôi! Người trẻ cảm thấy cái ấy không dính líu gì tới mình. Vì thế người trẻ không tham dự, không muốn đi chùa nữa. Ở Cali cũng như ở Paris, người trẻ không muốn đi chùa nữa, tại vì chùa là để dành cho má, cho bà ngoại hay bà nội. Không khí ở chùa không còn thích hợp với người trẻ. Nhưng nếu nói chùa phải làm mới lại, phải dịch kinh ra tiếng Việt để cho bọn trẻ hiểu thì không được. Kinh người xưa tụng sao thì bây giờ phải giữ như vậy, dịch ra là tội lắm, là làm mất tất cả tính chất thiêng liêng của nó. Đó là thái độ của người bảo thủ! Mà người bảo thủ là ai? Là mình chứ ai nữa.
Ở trong chúng ta có người bảo thủ và cũng có người tiến bộ. Nhưng người bảo thủ có thể nhiều hơn. Chúng ta sợ. Chúng ta sợ mất truyền thống. Sở dĩ chúng ta sợ là vì chúng ta không có nội dung. Nếu có nội dung rồi thì chúng ta không còn sợ nữa. Như một người dịch thuật, nếu như người đó nắm được nội dung của câu văn rồi thì họ có thể dùng những chữ rất lạ, rất mới mà không sợ gì hết. Còn nếu như không nắm được nội dung thì họ cứ dịch từng chữ, người ta đọc xong chẳng hiểu gì cả. Có rất nhiều dịch giả làm như vậy.
Người bảo thủ thì thời nào cũng có, và họ rất đông. Bảo thủ cho đến nỗi họ không còn hiểu được, không còn nói chuyện được với người khác. Họ làm chết đi sức sống của truyền thống. Họ nghĩ họ đang phục vụ cho truyền thống, họ trung thành với truyền thống, nhưng kỳ thực họ đang giết truyền thống. Những người đó, người Tây phương gọi là fundamentalist. Họ là những chướng ngại cho sự phát triển, cho sự đi tới, cho việc đem truyền thống đi vào cuộc đời. Họ là chướng ngại trong sự làm mới lại truyền thống để truyền thống còn được mãi mãi là một truyền thống sinh động. Bất cứ một truyền thống nào, nếu muốn xứng đáng là một truyền thống, thì nó phải có tính cách sinh động, nó phải là một cơ thể sinh động (living organism). Nó không phải là một xác ướp để ở trong Tàng cổ viện. Chúng ta muốn có một cái xác ướp giống hệt như xưa hay muốn có một sự sống, một cơ thể? Đó là cái chúng ta phải chọn lựa.
Nếu chúng ta nhìn vào thời gian 45 năm hành đạo của Đức Thế Tôn, chúng ta thấy rằng cách Thế Tôn giảng dạy và thực tập rất là linh động. Đức Thế Tôn đã từng nói rằng: Không có gì có thể sống còn được nếu không có thực phẩm. Truyền thống Phật giáo cũng vậy, nó phải có thức ăn. Mà thức ăn là gì? Thức ăn là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, những khổ đau đang xảy ra, những nhận thức của mình về khổ đau và những giáo lý, những biện pháp tu tập có khả năng giải quyết những khổ đau đó. Trả lời những câu hỏi đó của thời đại, đó là thức ăn.
Trong thời của Đức Thế Tôn, Ngài biết những gì xảy ra trong xã hội của Ngài và Ngài đã đối trị những khổ đau, đáp ứng những vấn nạn của xã hội bằng tuệ giác của Ngài. Ngài đã sáng tạo ra một truyền thống linh động (a living tradition). Nếu nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ thấy trong suốt 45 năm Đức Thế Tôn hành đạo, cách giảng dạy của Ngài có nhiều sự thay đổi. Rồi theo thời gian, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, cách thuyết pháp và những pháp môn Bụt đưa ra càng ngày càng phong phú hơn. Truyền thống ấy đích thực là một truyền thống linh động.
Kỳ trước chúng ta đã nghe nói tới những ví dụ, như ví dụ về nhân duyên. Có những kinh Bụt dạy có sáu nhân duyên, có những kinh Bụt dạy chín nhân duyên, có kinh Bụt dạy mười hai nhân duyên. Thập nhị nhân duyên là giáo lý cuối. Nếu Bụt sống thêm mười năm nữa thì mười hai nhân duyên có thể trở thành mười một hay mười ba nhân duyên, tại vì ngài không bị kẹt vào hình thức của giáo lý.
Khi nghiên cứu và áp dụng kinh Quán Niệm Hơi Thở tôi thấy rằng vào cuối đời của Đức Thế Tôn ngài đã cô đọng phương pháp thực tập hơi thở thành ra kinh An Ban Thủ Ý. Kinh An Ban Thủ Ý, Đức Thế Tôn đã dạy nhiều lần nhưng kinh An Ban Thủ Ý còn truyền lại cho chúng ta văn bản tối hậu. Trong kinh An Ban Thủ Ý có mười sáu hơi thở đối trị với mười sáu trường hợp. Thực tập mười sáu hơi thở đó mình có thể đạt được sự chuyển hóa, an lạc và giải thoát. Khi học và thực tập kinh An Ban Thủ Ý tôi rất khâm phục Đức Thế Tôn, Ngài dạy rất hay, nhưng mình vẫn có thể tiếp nối được Thế Tôn làm cho kinh An Ban Thủ Ý càng được thích hợp hơn nữa với xã hội hiện tại. Đức Thế Tôn giảng dạy trong xã hội, trong môi trường của Ngài thì Ngài phải giảng dạy như vậy. Nhưng từ thế kỷ thứ sáu trước Thiên Chúa giáng sinh cho tới thế kỷ thứ hai mươi mốt thì đã trải qua hai mươi sáu thế kỷ, chúng ta đang sống trong một xã hội hoàn toàn khác, văn hóa hoàn toàn khác thì ta có thể trình bày kinh An Ban Thủ Ý theo một cách khác. Nếu Đức Thế Tôn đang có mặt ở đây thì Ngài cũng sẽ làm như vậy.
Chúng ta phải biết rằng mình là sự nối tiếp của Đức Thế Tôn. Nếu mình có tuệ giác thì mình phải giúp Đức Thế Tôn làm chuyện đó, nếu không thì mình không phải là đệ tử thông minh của Ngài. Những gì mà cha làm chưa xong thì con phải làm tiếp. Những gì mà cha chưa làm được thì con phải làm được. Ngày xưa hoàn cảnh là như vậy nhưng bây giờ hoàn cảnh khác. Ngày xưa khi chư tổ làm chùa mình chỉ thấy toàn là cột chùa. Cột chùa choáng chỗ rất nhiều tuy chùa rất đẹp. Nếu bây giờ ta nói, ngày xưa chư tổ làm chùa có rất nhiều cột, tại sao bây giờ ta bỏ cột thì ta không phải là học trò giỏi của tổ. Mình phải là học trò thông minh của Đức Thế Tôn, mình phải biết hoàn cảnh của mình thì mới có thể tiếp tục được sự nghiệp, tiếp tục được sứ mạng của Đức Thế Tôn trao truyền.
Chúng ta có thể thấy được suốt 140 năm trong giáo đoàn của Bụt đã có tình trạng xảy ra là có những người rất bảo thủ, rất hình thức mà thiếu nội dung. Những người có nội dung thì thấy rõ ràng Đạo Bụt cần phải có hình thức mới, ngôn ngữ mới phù hợp để diễn bày tuệ giác cũ, để đưa những người trẻ đi vào, nếu không thì Đạo Bụt sẽ già, sẽ chết và truyền thống cũng chết theo. Sự thúc bách đó càng ngày càng lớn cho đến một ngày nào đó tình trạng phải bùng vỡ ra. Do đó có sự phân phái thành Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Cách thức học Phật và hành trì của chúng ta cách đây 50 năm rất là xưa, và bây giờ cũng còn xưa. Chúng ta đã không thừa hưởng được những khám phá mới của khảo cổ học (Archaeology), bác ngữ học (Philology) và của các môn học khác, trong khi các học giả đã làm việc rất nhiều, đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều tư liệu, rất nhiều sự thật mà các trường Phật học của mình đã không thừa hưởng được bao nhiêu. Năm mươi năm là quá nhiều!
Quý vị thử nghĩ, cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, cuốn Sadi Luật Nghi Yếu Lược và cuốn Uy Nghi mà mình gọi là Luật Tiểu, là sách giáo khoa của các điệu tức là các Sadi và Sadi ni, được sáng tác cách đây bốn trăm năm, vào thời của thiền sư Vân Thê, thiền sư Độc Thể. Vậy là trong suốt bốn trăm năm, trong chùa chỉ sử dụng một sách giáo khoa đó cho Sadi và Sadi ni, không chịu sáng tác sách giáo khoa mới. Trong khi đó ở ngoài đời năm nào cũng có những sách giáo khoa mới về lịch sử, về văn chương, về khoa học. Trong bốn trăm năm, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam chúng ta chỉ sử dụng mỗi một cuốn sách đó cho Sadi và Sadi ni. Đủ rồi, xưa bày nay làm, tại sao còn phải làm thêm? Đó là tinh thần thuật nhi bất tác của Nho giáo. Thuật là lập lại (repeating), nhi là mà, bất là không, tác là sáng tác. Chúng ta chỉ có quyền lặp lại thôi mà chúng ta không có quyền làm ra cái mới. Đó là tinh thần của Nho giáo!
Cách đây mười mấy năm, Làng Mai đã sáng chế ra được cuốn Bước tới thảnh thơi, một sách giáo khoa mới cho Sadi và Sadi ni. Nhưng bây giờ nhìn lại thì nó cũng đã xưa, đã cũ rồi. Vì vậy các thầy, các sư cô giáo thọ phải làm mới sách Bước tới thảnh thơi. Bước tới thảnh thơi đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoa và một số các thứ tiếng khác.
Cách đây bốn hôm tôi nhận được một lá thư của một anh chàng người Mỹ ở trong tù, anh ta bị tù chung thân và không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều. Không biết vì cơ duyên nào mà cuốn Stepping into Freedom (Bước tới thảnh thơi) đã lọt vào trong tù. Anh ta cũng đọc được một số sách khác của Làng Mai. Anh ta viết thư, nói rằng: “Ngày hôm nay là một ngày quá đẹp! Trời rất xanh, mây rất trắng. Một ngày để mình có thể sống! Một ngày để mình có thể chết! Thầy ơi, đọc xong cuốn Bước tới thảnh thơi con đã tự cạo đầu, tự làm lễ xuất gia, con đã nguyện giữ mười giới, con đã thực tập uy nghi ở trong tù. Mỗi thầy tu có một cái phòng (cell) của mình trong tu viện. Con cũng có một cái phòng gọi là prison cell. Ban đầu con thấy cuộc đời con là một niềm tuyệt vọng, một niềm tủi hổ. Nhưng sau khi đọc xong cuốn sách của Thầy con thấy được con đường mới. Con cũng như Thầy, con cũng là một người xuất gia. Con sống ở đây và con cũng thực tập mười giới, con cũng thực tập uy nghi và con cũng thực tập an trú trong giây phút hiện tại. Con tìm ra được hạnh phúc ngay trong nếp sống trong nhà tù của con. Con nhớ tới thánh Gandhi đã nói rằng nhà tù là nơi rất tốt để mình nghỉ ngơi và tu tập. Con nay đang tận dụng cơ hội đó, chưa chắc ở ngoài đời con đã làm được những cái mà con đang làm ở trong tù’’. Trong hoàn cảnh đó mà người ta tu được, người ta có hạnh phúc, còn mình ở ngoài này với biết bao nhiêu điều kiện mà mình tu học không có hạnh phúc, không thành công thì hóa ra mình thua anh chàng đó hay sao?
Chúng ta không cần lý luận ai phải ai trái. Chúng ta chỉ cần nhìn những ngôi chùa của chúng ta tại Việt Nam, nhìn những ngôi chùa của chúng ta tại Tây phương, nhìn các thầy, các sư cô, nhìn bà ngoại, bà nội, nhìn má, ba của chúng ta thì sẽ hiểu rõ. Đôi khi ba chở má tới chùa, để má xuống rồi ba đi mất, ba không muốn ở chùa. Con trai của ba tới chùa thấy không thoải mái, con gái của ba cũng vậy, tới chùa cũng không thấy thoải mái vì thấy không khí ở chùa không phải là không khí của mình. Tại vì sao? Tại vì chùa có duy trì lại một ít các truyền thống, nhưng những truyền thống đó không nói được, không còn truyền thông được với người trẻ. Một là chúng ta cứ để như vậy, để cho cái truyền thống khô dần, chết dần. Hai là ta phải vùng vẫy, phải đưa sức sống vào truyền thống lâu đời đó. Nhưng đưa sức sống vào thì người ta nói mình phá hoại truyền thống, mình bóp méo sự thật. Anh là ai mà dám sửa Luật của Bụt? Anh là ai mà dám đặt ra những pháp môn thực tập mới? Chúng ta có thể trả lời: Tôi là con của Bụt, tôi là đệ tử của Bụt, là sự tiếp nối của Bụt và tôi phải làm những điều đó cho Bụt nếu tôi không muốn làm người con bất hiếu.
Sự phân chia tăng đoàn ra Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ không phải là chuyện đáng để cho chúng ta than thở. Đó là một chuyện may mắn! Đó là cơ hội để đạo Bụt, để tăng đoàn có thể mở ra mà xét lại cách mình nói, cách mình trao truyền, cách mình thực tập. Tại vì sao? Tại vì có những người trong chúng ta chỉ giữ được cái vỏ của truyền thống mà hoàn toàn không giữ được một chút gì về nội dung của truyền thống. Có những người chỉ có hình thức bên ngoài là một vị A la hán nhưng nội dung bên trong không phải là một vị A la hán.
Thầy Đại Thiên (Mahādeva), một trong những nhân vật lãnh đạo của Thượng Tọa Bộ, đã bắn phát súng đầu. Thầy nói: Quả vị A la hán không phải là mục tiêu chính của tôi. A la hán chưa phải là con người lý tưởng. Con người lý tưởng của tôi cao hơn A la hán. Con người lý tưởng của tôi là Bụt. A la hán còn có những yếu kém:
1. Dư sở dụ
A la hán vẫn còn bị người ta dụ dỗ, gọi là dư sở dụ. A la hán không phải là con người lý tưởng vì A la hán vẫn còn là nạn nhân của sự dụ dỗ bởi người khác. Người khác ở đây tức là những loài Thiên ma. Chúng đi vào trong giấc mơ của các vị A la hán, hóa hiện ra thành những thiếu nữ rất đẹp và ôm lấy vị A la hán. Vị A la hán trong giấc mơ thấy mình đang giao hợp với vị thiên nữ đó và khi thức giấc thì thấy mình đang tiếp tục xuất tinh. A la hán vẫn chưa phải là hình ảnh tuyệt hảo. Đó là điểm yếu đầu tiên của vị A la hán.
2. Vô tri
Điểm yếu thứ hai của vị A la hán là vô tri, tức là có những cái mà vị A la hán không biết. Ví dụ như nếu hỏi vị A la hán trong thành phố mà ngài đi vào khất thực có bao nhiêu người thì vị A la hán không biết. Trong khi đó thì Đức Thế Tôn biết hết, có bao nhiêu loài chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới ngài cũng đều biết hết. Trí tuệ của một vị A la hán còn nhỏ lắm. A la hán biết được một số những điều liên hệ đến phiền não, tới nguyên nhân của phiền não và phương pháp diệt trừ phiền não. Có những vô tri gọi là nhiễm ô vô tri thì vị A la hán không còn. Nhưng có những cái vị A la hán không biết được, đó là những bất nhiễm ô vô tri. Vì vậy so với bậc Chánh đẳng Chánh giác thì kiến thức và tuệ giác của A la hán còn hạn chế, còn nhiều vô tri. Tuy những vô tri nhiễm ô không còn nữa, nhưng những vô tri không nhiễm ô thì vị A la hán vẫn còn nhiều cho nên vị A la hán chưa phải là hình ảnh lý tưởng tôi muốn đi theo.
3. Do dự
Vị A la hán thỉnh thoảng còn do dự, còn nghi ngờ. Chỉ khi nào thành một Đức Thế Tôn, một vị Toàn giác thì mới hết sự nghi ngờ. Khi chúng ta tới một vị A la hán để tham vấn thì vị ấy có thể vẫn còn có những điểm nghi ngờ. Do dự là yếu kém thứ ba của vị A la hán.
4. Tha linh nhập
Tha linh nhập là sở dĩ mình đi vào được đạo, đi vào được giải thoát, đi vào được Niết bàn là do người khác giúp. Một mình thì không làm được. Tha là người khác, linh là khiến cho, nhập là đi vào. Nếu không nhờ Bụt, nếu không nhờ sư anh, nếu không nhờ các thầy khác hướng dẫn và khai thị cho thì mình không thể nào tự đi vào giác ngộ. Trong khi đó Đức Thế Tôn tự đi một mình không cần nhờ vào ai. Tha linh nhập là yếu kém thứ tư của vị A la hán.
5. Đạo nhân thanh cố khởi
Yếu kém thứ năm là nếu không lặp đi lặp lại câu “đời là khổ, đời là khổ’’ thì vị A la hán vẫn còn bị lôi cuốn theo cái vui phàm tục như thường. Đạo nhân thanh cố khởi tức là cái thấy về đạo là do âm thanh mà phát khởi ra. Phải nghe câu đời là khổ thì mình mới dừng lại được, mình mới không đi về nẻo của đam mê, của ham muốn. Vì vậy, lặp đi lặp lại câu đời là khổ rất quan trọng!
Trong cuộc đời thực tập của một vị A la hán thì việc tụng kinh, sự nhắc nhở bằng âm thanh rất quan trọng. Vị A la hán phải luôn luôn nhờ vào những cái đó mới đi vào được trong đạo. Đó là một yếu kém. Đức Thế Tôn không cần nhắc đi nhắc lại câu đời là khổ, đời là khổ, đời là khổ mới có thể tu được. Có những người không thông minh (trong số đó có chúng ta), khi học về Tứ diệu đế (về bốn sự thật) được nghe rằng sự thật thứ nhất là khổ thì tìm tất cả mọi lý luận để chứng minh: Đời là khổ! Nhưng mục đích của Đức Thế Tôn không phải để chứng minh gì cả. Đức Thế Tôn không phải là một nhà triết học. Ngài nói: Có những khổ đau hiện thực. Ta phải nhìn vào nội dung của khổ đau để tìm ra nguyên nhân của nó. Ngài chỉ nói như vậy thôi. Ngài đâu có muốn ta tìm đủ mọi lý luận để chứng minh rằng cái gì cũng là khổ. Nhưng có những thầy đã làm như vậy. Họ đặt ra quan niệm gọi là tam khổ để nói rằng cái gì cũng khổ, không có cái gì vui hết, họ cho rằng cứ lặp đi lặp lại “cái này là khổ, cái kia là khổ, tất cả là khổ” thì mới có thể đi vào đạo được. Quan niệm về Tam khổ là:
- Khổ khổ:
Cái khổ thứ nhất gọi là khổ khổ (Duḥkha duḥkhatā). Những điều bất như ý xảy ra cho mình là khổ, ví dụ như bị đau răng, bị té, bị đụng xe, hay bị sư chị la rầy.
Những cái ấy tự chúng đã là khổ rồi, không cần phải chứng minh nữa. Cái đó gọi là khổ khổ.
- Hoại khổ:
Cái thứ hai gọi là hoại khổ (Vipariṇāma duḥkha). Tuy bây giờ cái ấy chưa gây đau khổ nhưng mai mốt khi nó tàn hoại thì nó sẽ gây khổ. Vậy nên đừng có vui làm gì! Bông hoa đó đẹp như thế nhưng rồi nó sẽ tàn, thành thử anh đừng có đánh mất mình trong bông hoa. Tuy mình còn trẻ nhưng mình biết thế nào mình cũng già, cũng chết, mình đừng nên sung sướng, đừng có hạnh phúc về cái tuổi trẻ của mình. Đó gọi là hoại khổ, một quan niệm rất là yếm thế, rất bi đát.
- Hành khổ:
Cái thứ ba là hành khổ (Saṃskāra duḥkhatā). Chữ hành ở đây là những hiện tượng. Tất cả những hiện tượng mà mình thấy như bông hoa, cái nhà, dòng sông hay trái núi… đều là hành (những hiện tượng). Tất cả các hiện tượng trên thế giới, dầu là thân thể mình hay cái nhà của mình hay là sự nghiệp của mình, tất cả đều đi ngang qua quá trình sanh-trú-dị-diệt, mà hễ có sanh có diệt là có khổ. Vì vậy cho nên cái gì cũng là khổ hết! Nhưng mục đích của Bụt đâu phải là để chứng minh cuộc đời là khổ. Mục đích của Bụt là làm cho chúng ta vượt khỏi cái khổ.
Trong Tứ diệu đế, sự thật thứ nhất là khổ nhưng sự thật thứ ba lại là hạnh phúc. Cái mà ngày xưa gọi là khổ diệt tức là sự chấm dứt của đau khổ. Đức Thế Tôn không phải chỉ dạy có khổ, Đức Thế Tôn còn dạy cái ngược lại với khổ. Đức Thế Tôn nói có bóng tối, nhưng Đức Thế Tôn cũng nói bóng tối có thể lấy đi được, lấy đi bóng tối là có ánh sáng. Khi mà bóng tối đi rồi thì có cái gì? Có ánh sáng. Khi mà khổ không còn nữa thì có cái gì? Có cái vui, cái an lạc, có Niết bàn.
Sự thật thứ hai là con đường đem tới cái khổ gọi là khổ tập. Sở dĩ có khổ là vì mình đang đi trên con đường đem tới khổ, con đường đó gọi là khổ tập.
Sự thật thứ tư là khổ-diệt-đạo, tức là con đường đưa tới sự chấm dứt đau khổ, con đường đưa tới hạnh phúc.
Giáo lý của Đức Thế Tôn chứa đầy hy vọng, chứa đầy sinh lực như thế. Những người bị kẹt thì nói vì Đức Thế Tôn đã nói đời là khổ thì bây giờ mình đừng nên vui làm chi, bởi vì khổ đã là khổ rồi, mà hoại cũng khổ và hành cũng khổ. Trong chúng ta có biết bao nhiêu người như vậy. Chúng ta rất bảo thủ, nhiều người trong chúng ta đang bị kẹt vào chữ nghĩa, vào hình thức.
Nói như vậy không có nghĩa là trong Thượng Tọa Bộ chỉ có toàn là người bảo thủ và trong Đại Chúng Bộ chỉ có toàn là người tiến bộ. Nhìn trong nội chúng thì mình biết: Có nhiều người sẵn sàng lo cho hạnh phúc chung, lo cho an vui chung nhưng cũng có những người lo cho mình nhiều hơn. Trong Đại thừa có rất nhiều người Tiểu thừa và trong Tiểu thừa cũng có rất nhiều người Đại thừa. Chia ra như vậy không phải để nói một bên chỉ hoàn toàn là bảo thủ còn một bên chỉ hoàn toàn là cởi mở. Thầy Đại Thiên (Mahādeva) đã bắn phát súng thần công đầu tiên vào thành trì của sự bảo thủ, và phản ứng của bên kia rất mạnh. Sách vở còn chép lại, họ nói xấu thầy Đại Thiên là một người rất tệ, ngày xưa trước khi đi tu đã từng ăn trộm, ăn cướp, ở tù và đã từng có liên hệ bất chính với mẹ của mình. Họ tìm cách nói xấu đủ thứ về người đó, mục đích là để cho những lời tuyên bố của thầy không có giá trị nữa.
Chúng ta thấy trong thời đại chúng ta cũng có người như vậy. Mỗi khi chúng ta muốn tấn công bên kia thì chúng ta đặt ra những điều là người đã phát ngôn ra như vậy, cho người đó có cái xấu này, cái tệ kia v.v… Đó là chuyện muôn đời. Trong khi đó thầy Đại Thiên là một người rất thông minh, một người rất can đảm. Thầy là một trong những nhân vật tiền tiến trong phong trào cải cách làm mới lại Đạo Bụt. Thầy biết nếu không được làm mới thì Đạo Bụt sẽ chết.
Trong Cơ Đốc giáo đang xảy ra chuyện đó. Người Cơ Đốc giáo đang trăn trở vì họ biết, nếu không làm mới lại thì Cơ Đốc giáo sẽ tàn lụi và chỉ còn lại thành phần gọi là fundamentalist mà thôi. Có một vị giám mục đã viết một cuốn sách với tựa là Christianity has to change or die và một vị giám mục ở Ireland viết một cuốn sách tựa là Saving Christianity. Đại Chúng Bộ của Cơ Đốc giáo cũng đang hoạt động với mục đích cứu truyền thống Thiên Chúa giáo. Rất nhiều người trẻ, người trí thức nghĩ rằng, trong thời đại này mà vẫn còn tin có một người ở trên mây quyết định tất cả, thời đại này mà nói rằng, vũ trụ chúng ta mới thành lập chưa tới 10.000 năm theo thánh kinh, trong khi hành tinh của chúng ta được lập nên từ hàng tỷ năm về trước. Thời buổi này mà còn bảo họ tin rằng, con người buổi đầu được tạo dựng giống hệt như bây giờ, không khác gì hết, trong khi đó thuyết tiến hóa cho biết là con người từ những chủng loại khác mà tiến thành. Lịch sử của sự sống cũng như lịch sử của loài người không phải là mười ngàn năm như trong Thánh kinh đã nói. Bây giờ mà bắt người ta tiếp tục tin như vậy thì người ta sẽ bỏ đạo mà đi.
Những người giác ngộ trong Cơ Đốc giáo đã thấy được điều đó. Họ nghĩ phải có một ngôn ngữ mới, một giáo lý mới, một sự hành trì mới để diễn bày lại tuệ giác của Kitô, nếu không thì Kitô giáo sẽ chết. Điều này đã xảy ra cho Phật giáo. Đạo Bụt đã trải qua nhiều lần làm mới, sau mỗi lần làm mới Đạo Bụt lại có sinh khí mới và chúng ta làm sống dậy cái truyền thống đẹp đẽ của chúng ta.
Chúng ta đã biết khái quát về thời kỳ đầu gọi là Tiểu thừa sơ kỳ. Chúng ta cũng đã biết khái quát về thời kỳ thứ hai gọi là Tiểu thừa bộ phái. Tôi sẽ nói sơ lược về thời kỳ thứ ba tức thời kỳ xuất hiện và thành lập Đại thừa. Thời kỳ này kéo dài từ năm 100 trước Thiên Chúa giáng sinh cho đến năm 300 sau Thiên Chúa giáng sinh.