Đối trị căn cơ
Quan Phủ Thường Thị họ Vương cùng với các quan thỉnh thiền sư lên pháp tọa. Thiền sư bước lên nói: ‘Hôm nay vì việc bất đắc dĩ thuận theo nhân tình cho nên tôi mới lên ngồi trên pháp tòa này. Nếu nói đến chuyện chính thức đề xuống việc lớn của truyền thống tổ tông Thiền, tôi sẽ không thể mở miệng ra được và quý vị cũng sẽ không biết đặt chân vào đâu. Nhưng hôm nay vì quan Thường Thị cứ thỉnh cầu mãi thì làm sao tôi còn có thể dấu kín được tông chỉ cương yếu của Thiền? Vậy thì có vị chiến tướng nào muốn phất cờ mở trận thì hãy xin ra đối diện với đại chúng đây để nêu ra vài chứng cứ xem sao?
Có một vị xuất gia bước ra hỏi:
– Đại ý của Phật pháp là gì?
Thiền sư hét.
Vị xuất gia kia lạy.
Thiền sư nói:
– Ông thầy này có thể nói chuyện được đấy.
Một vị khác hỏi:
– Thiền sư xướng lên khúc hát của truyền thống nào, và tiếp nối tông phong của ai?
Sư đáp:
– Ngày xưa hồi tôi còn ở với thầy Hoàng Bích, ba lần tôi đặt câu hỏi, ba lần bị đánh.
Vị này suy nghĩ. Sư liền hét. Sau đó sư còn đánh thêm cho một cái và nói:
– Thầy đừng có mong đóng cọc trong hư không.
Có vị tọa chủ lên hỏi:
– Giáo lý của ba thừa và của mười hai thể tài không lý không làm sáng lên được tính Bụt trong ta?
Thiền sư nói:
– Cỏ hoang của (vườn tâm) thầy, thầy chưa từng xới.
Tọa chủ thưa:
– Không có lý Bụt lại đánh lừa người?
Sư hỏi:
– Bụt ở đâu?
Vị tọa chủ không nói được.
Sư bảo:
– Có quan Thường Thị ở đây mà thầy lại muốn gạt ông thầy tu già này hả? Rút lui mau, rút lui mau! Để chỗ cho người khác hỏi.
Thiền sư lại nói:
– Vì việc lớn cho nên chúng ta mới thiết lập ra buổi tiệc pháp hôm nay. Còn ai muốn hỏi hay nói gì nữa không? Hãy mau ra đây. (Tôi nói trước cho quý vị biết) khi quý vị vừa mở miệng ra, thì quý vị đã đánh mất cái liên hệ rồi. Tại sao? Quý vị có nghe đức Thế Tôn nói rằng ‘pháp không dính tới văn tự, không thuộc nhân cũng không do duyên’ hay không? Chỉ vì đức tin của quý vị nơi tự thân còn chưa tới, cho nên hôm nay chúng ta chỉ có được những giây leo ký sinh (những lời nói lẻ), chỉ có tác dụng làm ủng trệ cái tâm của quan Thường Thị và của các quan khác, và làm cho Phật tính của quý vị ấy thêm lu mờ. Tốt hơn là nên rút lui.
Rồi thiền sư hét lên và nói: ‘Những người niềm tin bạc nhược kia ơi, bỏ ra cả ngày để chỉ nói qua nói lại như vậy cũng vô ích thôi! Quý vị đứng lâu mỏi chân rồi, vậy xin tạm biệt!’
Có lần thiền sư đến Hà phủ. Quan Thường Thị họ Vương thỉnh thiền sư lên pháp tòa.
Lúc bấy giờ có thầy Ma Cốc bước ra hỏi:
– Trong ngàn mắt ngàn tay của đức Đại Bi, con mắt nào là con mắt chính?
Thiền sư nói:
– Trong ngàn mắt ngàn tay của đức Đại Bi, con mắt nào là con mắt chính? Nói mau, nói mau!
Ma Cốc kéo thiền sư xuống tòa rồi tự ngồi lên trên tòa. Thiền sư đến gần, nói: ‘Thầy có khỏe không?.’ Ma Cốc còn đang lưỡng lự thì thiền sư kéo Ma Cốc xuống, rồi tự ngồi lên. Ma Cốc đi ra khỏi pháp đường. Thiền sư cũng đi xuống.
Một hôm thiền sư lên pháp đường nói:
– Trên đống thịt đỏ au này có một con người thật không có vị trí, thường đi ra đi vào ngay trước cửa mặt của quý vị. Ai chưa thấy được thì hãy nhìn kỹ xem, nhìn kỹ xem!
Lúc bấy giờ có một vị xuất gia đi lên, hỏi:
– Con người thật không có vị trí là gì?
Thiền sư từ thiền sàng bước xuống, nắm lấy vị ấy, bảo:
– Thầy nói đi, thầy nói đi (con người thật không có vị trí là gì?)
Vị ấy lưỡng lự. Thiền sư bèn thả vị ấy ra rồi nói:
– Con người thật không có vị trí là cái cọng cứt khô gì?
Nói xong liền quay về phương trượng.
Thiền sư vừa lên pháp đường thì có một vị xuất gia ra lạy. Sư hét. Vị xuất gia nói:
– Xin lão hòa thượng đừng thử con.
Thiền sư hỏi:
– Thầy nói tôi nghe đi, cái (tiếng hét) ấy đã rơi vào đâu?
Vị xuất gia liền hét.
Có một vị thầy khác lên hỏi:
– Đại ý của Phật pháp là gì?
Thiền sư hét. Thầy ấy lạy. Thiền sư hỏi:
– Khuyết điểm là ở chỗ nào?
Thầy ấy nói:
– Nếu tái phạm sẽ không tha thứ lần nữa.
Thiền sư liền hét.
Hôm ấy hai vị thủ tọa của hai thiền đường vừa thấy nhau thì đồng thời cùng hét. Có một thầy hỏi thiền sư:
– Trong trường hợp này có chủ có khách đàng hoàng không?
Thiền sư nói:
– Chủ khách rõ ràng đó.
Và thiền sư nói:
– Đại chúng, nếu quý vị muốn biết về nguyên tắc tứ tân chủ thì hãy tới hỏi hai vị thủ tọa hai thiền đường.
– Nói xong thiền sư bước xuống.
Thiền sư lên pháp đường, có một vị xuất gia hỏi:
– Đại ý Phật pháp là gì?
Thiền sư đưa phất trần lên. Vị ấy hét và bị thiền sư đánh cho một cái. Lại có một vị xuất gia khác lên hỏi:
– Đại ý Phật pháp là gì?
Thiền sư cũng đưa phất trần lên. Vị ấy hét. Thiền sư cũng hét. Vị ấy do dự, liền bị thiền sư đánh. Thiền sư mới bảo:
– Này đại chúng, người vì pháp thì không sợ táng thất thân mạng. Hai mươi năm về trước hồi còn ở với tiên sư Hoàng Bích, ba lần tới hỏi về đại ý Phật pháp ba lần tôi được ban cho một gậy, cũng giống như được tiên sư sờ đầu bằng một cành ngãi cứu (armoise) vậy. Đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ đến lần được Ngài đánh. Vậy thì ai có thể lên đây giúp tôi sống lại giây phút ấy?
Lúc bấy giờ có một vị xuất gia rời chỗ ngồi trong chúng đi lên, nói:
– Con đây có thể làm được việc ấy.
Thiền sư cầm gậy đưa cho vị kia. Vị kia ngần ngại khi tiếp nhận cây gậy. Thiền sư liền đánh cho vị ấy một gậy.
Thiền sư lên pháp đường, có vị xuất gia hỏi:
– Chuyện đầu lưỡi gươm bén là chuyện gì vậy?
Thiền sư nói:
– Nguy rồi! Nguy rồi!
Vị kia lưỡng lự, liền bị thiền sư đánh cho một cái.
Lại có người hỏi:
– Trong trường hợp người hành giả Thạch Thất giả gạo, giây phút anh ta quên mất việc dậm chân xuống chày thì anh ta đi đâu?
Thiền sư nói:
– Chìm xuống suối sâu.
Thiền sư lại nói:
– Dù có ai tới với tôi đi nữa thì tôi cũng không phụ lòng người ấy. Luôn luôn tôi biết kẻ ấy từ đâu tới. Nếu người ấy tới với tư thế ấy, thì người ấy cũng giống như tự đánh mất mình, nếu người ấy không tới với tư thế ấy, thì cũng như không có dây mà người ấy tự trói mình. Này quý vị, bất cứ lúc nào cũng vậy, đừng có đắn đo suy nghĩ loạn lên như thế. Hiểu hay không hiểu đều là sai lầm. Tôi nói huỵch toẹt ra như thế đó. Thiên hạ có nói hành tôi thì cứ nói, không sao. Quý vị đứng lâu mỏi chân rồi, xin hẹn dịp khác!
Thiền sư lên pháp đường, và khai thị:
– Một người đứng trên chót vót đỉnh cô phong không có đường ra, còn một người đứng giữa ngã tư không tiến thối được. Giữa hai kẻ ấy, ai tới trước, ai tới sau? Đừng giả bộ làm Duy Ma Cật cũng đừng đóng vai Phó đại sĩ. Xin chào quý vị.
Thiền sư lên pháp đường, nói:
– Có một người đang mãi mãi ở ngoài đường mà chưa hề lìa khỏi nhà cửa, có một người đã lìa nhà cửa, nhưng mà không đang ở ngoài đường. Trong hai người ấy, ai là kẻ đáng được thiên và nhân cúng dường?
Nói xong liền bước xuống.
Thiền sư lên pháp đường. Có vị xuất gia hỏi:
– Câu nói thứ nhất là gì?
Thiền sư đáp:
ấn tam yếu nhấc ra, điểm son rõ
Không hề lưỡng lự, chủ khách phân.
– Còn câu nói thứ hai?
Diệu giải ngại gì câu vấn đáp
Cơ quan thi thiết chẳng ngăn dòng.
– Còn câu nói thứ ba?
Hãy nhìn con rối đang trình diễn
Có người dây kéo núp bên trong.
Thiền sư lại nói:
– Một câu nói phải có đủ ba huyền môn. Một huyền môn phải có đủ ba yếu lĩnh. Phải có quyền phải có dụng. Các vị hiểu như thế nào?
Nói xong, thiền sư bước xuống.
Tổ Hoàng Bích vào nhà bếp, hỏi thầy đầu bếp:
– Thầy làm gì đó?
Thầy đầu bếp trả lời:
– Con đang nhặt gạo cho chúng tăng.
Tổ Hoàng Bích hỏi:
– Mỗi ngày ăn nhiều ít?
Thầy đầu bếp nói:
– Hai thạch rưỡi.
Tổ Hoàng Bích:
– Như thế có nhiều quá hay không?
Thầy đầu bếp:
– Vậy mà còn sợ thiếu đấy.
Tổ Hoàng Bích liền đánh thầy đầu bếp một cái.
Thầy đầu bếp thuật chuyện này cho thiền sư Lâm Tế nghe. Thiền sư nói:
– Tôi sẽ hỏi ông già cho thầy về việc này.
Thiền sư vừa đến đứng bên tổ Hoàng Bích thì tổ liền kể lại câu chuyện. Thiền sư nói:
– Thầy đầu bếp không hiểu, xin hòa thượng cho một câu trả lời để con chuyển lại cho thầy ấy.
Rồi thiền sư hỏi:
– Như thế có nhiều quá hay không?
Tổ Hoàng Bích nói:
– Tại sao (thầy ấy) không nói ngày mai lại phải ăn thêm một bữa nữa?
Thiền sư nói:
– Nói ngày mai mà làm gì? Phải ăn ngay ngày hôm nay chứ!
Nói xong thiền sư đánh tổ một cái. Tổ Hoàng Bích nói:
– Cái thằng điên này hôm nay dám tới đây vuốt râu hùm hả?
Thiền sư liền hét và đi ra.
Sau đó có dịp Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn về chuyện này:
– Hai vị tôn túc kia nói với nhau như thế là có ý gì?
Ngưỡng Sơn:
– Thầy nghĩ gì?
Quy Sơn nói:
– Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.
Ngưỡng Sơn nói:
– Không phải vậy đâu.
Quy Sơn nói:
– Vậy thì sao?
Ngưỡng Sơn nói:
– Cái đó cũng nghiêm trọng chẳng khác như đưa giặc về phá nhà.
Thiền sư hỏi một vị xuất gia:
– Thầy từ đâu tới?
Vị này hét.
Thiền sư liền chào và mời vị kia ngồi xuống. Vị kia lưỡng lự, bèn bị thiền sư đánh.
Thiền sư thấy một vị xuất gia đến, liền nâng phất trần lên. Vị xuất gia làm lễ, liền bị thiền sư đánh.
Lại một vị xuất gia khác đến, thiền sư cũng nâng phất trần lên. Vị này tỏ ra không quan tâm đến. Thiền sư cũng đánh vị này luôn.
Một hôm, thiền sư cùng thiền sư Phổ Hóa đi phó trai tại nhà một thí chủ.
Thiền sư hỏi:
– Sợi lông nuốt cả biển cả, hạt cải đựng được núi Tu Di, đó là diệu dụng thần thông, hay sự thực vốn là như thế?
Phổ Hóa kéo đổ cả mâm cơm. Thiền sư nói:
– Sao mà thô tháo như thế? (Sao không có uy nghi tế hạnh gì cả?)
Phổ Hóa nói:
– Đây là đâu mà nói thô nói tế?
Ngày hôm sau thiền sư lại cùng Phổ Hóa đi phó trai. Thiền sư lại hỏi:
– Hôm nay thức ăn cúng dường cũng tương tợ như hôm qua, phải không?
Phổ Hóa cũng kéo đổ bàn cơm như hôm trước. Thiền sư nói:
– Được thì được đấy, nhưng mà thô tháo thì vẫn rất thô tháo.
Phổ Hóa nói:
– Đồ đui! Trong Phật pháp thì có gì là thô có gì là tế?
Thiền sư bèn le lưỡi.
Một hôm đó, thiền sư cùng với hai vị trưởng lão Hà Dương và Mộc Tháp ngồi sưỡi chân trong tăng đường. Thiền sư nói:
– Ngày nào Phổ Hóa cũng làm kẻ điên ngoài phố chợ. Chẳng biết ông ta là phàm hay là thánh.
Ngay lúc ấy Phổ Hóa đi vào. Thiền sư liền hỏi:
– Thầy là phàm hay là thánh?
Phổ Hóa nói:
– Thầy hãy nói đi: tôi là phàm hay là thánh?
Thiền sư hét. Phổ Hóa lấy tay chỉ ba người và nói:
– Hà Dương là cô dâu mới, Mộc Tháp là thiền lão bà, còn Lâm Tế là một đứa bé con, nhưng nó lại có được một con mắt.
Thiền sư nói:
– Tên giặc này!
Phổ Hóa vừa đi ra vừa kêu: Có giặc! Có giặc!
Một hôm Phổ Hóa đang ăn bắp cải sống ở tăng đường. Thiền sư liền nói:
– Lớn như một con lừa!
Phổ Hóa liền giả tiếng lừa kêu. Thiền sư nói:
– Tên giặc này!
Phổ Hóa vừa đi ra vừa kêu: Có giặc! Có giặc!
Phổ Hóa thường đi rung chuông ngoài phố chợ và nói:
– Phía sáng tới thì đánh phía sáng, phía tối đến thì đánh phía tối, bốn phương tám hướng đến, thì xoay vần mà đánh, hư không đến thì ta đây đánh hết mình.
Thiền sư sai một vị thị giả đi, dặn khi nghe Phổ Hóa nói như thế thì níu thầy ấy lại và hỏi: ‘Nếu không có cái gì tới thì sao?’ (Vị thị giả làm y như thế). Phổ Hóa đẩy thị giả ra và nói:
– Ngày mai sẽ có trai tăng ở Đại Bi Viện.
Nghe kể lại câu chuyện, thiền sư nói:
– Xưa nay mình vẫn nghi cái anh chàng này.
Có một vị lão túc tới tham vấn, không làm lễ chào hỏi cũng không vấn an. Vị này hỏi:
– Làm lễ là phải hay không làm lễ phải?
Thiền sư hét. Vị lão túc làm lễ. Thiền sư nói:
– Hay thay, bọn giặc cỏ này.
Vị lão túc la: ‘Giặc cỏ! Giặc cỏ!’ Và đi ra.
Thiền sư nói:
– Đừng nói vô sự là tốt.
Lúc bấy giờ có một vị thủ tọa đang đứng hầu một bên thiền sư. Thiền sư hỏi:
– Có lỗi hay không có lỗi?
Vị thủ tọa đáp:
– Cả hai đều có lỗi.
Thiền sư hỏi:
– Lỗi ở chỗ nào?
Vị thủ tọa đi ra.
Thiền sư nói:
– Đừng nói vô sự là tốt.
Sau này có người kể lại câu chuyện với Nam Tuyền. Nam Tuyền phê bình:
– Ngựa quan đạp nhau.
Nhân vào phó trai ở một doanh trại của quân đội, thiền sư gặp một viên sĩ quan đứng đón ở cửa. Trỏ vào một cây cột trần, thiền sư hỏi:
– Cái này là phàm hay thánh?
Vị sĩ quan không nói được.
Thiền sư đánh vào cây cột trần và nói: ‘Dù có nói được hay không thì nó cũng chỉ là một cây cột gỗ.’ Bèn đi vào.
Thiền sư hỏi viện chủ: ‘Thầy vừa từ đâu về?’
Viện chủ: ‘Đi ra quận bán lúa về.’
Thiền sư: ‘Bán được hết không?’
Viện chủ: ‘Bán được hết.’
Thiền sư lấy gậy vạch một đường trước mặt, hỏi:
– Bán được cái này không?
Viện chủ hét. Thiền sư đánh.
Vị điển tọa tới. Thiền sư kể lại câu chuyện. Vị điển tọa nói:
– Viện chủ không hiểu được ý của hòa thượng.
Thiền sư nói:
– Còn thầy, thầy hiểu không?
Điển tọa nghiêng mình làm lễ, cũng bị thiền sư đánh luôn.
Có vị tọa chủ (giảng sư) tới thăm viếng, thiền sư hỏi:
– Tọa chủ giảng những kinh luận nào?
Tọa chủ:
– Con còn dở lắm, chỉ giảng sơ sài được luận Bách Pháp Minh Môn.
Thiền sư nói:
– Có kẻ thông suốt cả giáo lý ba thừa và mười hai thể tài, lại có kẻ không biết gì về giáo lý tam thừa và mười hai thể tài, hai kẻ ấy giống nhau hay khác nhau?
Tọa chủ nói:
– Hiểu được thì giống nhau, không hiểu được thì khác nhau.
Lúc ấy Lạc Phổ đứng sau lưng làm thị giả, nói:
– Thưa tọa chủ, ở đây là đâu mà nói giống nhau hay khác nhau?
Thiền sư quay lại hỏi:
– Thị giả, vậy thì chú nghĩ sao?
Thị giả liền hét. Sau khi tiễn tọa chủ đi, thiền sư hỏi thị giả:
– Hồi nảy chú hét tôi hả?
Thị giả nói: ‘Vâng.’ Thiền sư bèn đánh thị giả.
Thiền sư nghe Đức Sơn đời thứ hai có nói: ‘Nói được thì lãnh ba mươi gậy, không nói được cũng lãnh ba mươi gậy’, bèn sai Lạc Phổ đi đến, dặn rằng:
– Sau khi hỏi: ‘Nói được sao cũng lãnh 30 gậy?’, chú hãy đợi cho Đức Sơn đánh thì hãy giật gậy và đẩy cho ông ta một cái mạnh, xem ông ta hành xử ra sao?
Lạc Phổ làm y như lời dặn. Đức Sơn thấy thế liền rút vào phương trượng. Lạc Phổ về thuật lại cho thiền sư hay. Thiền sư nói:
– Từ trước tới nay, ta đã từng nghi ông già ấy. Tuy nhiên, chú thấy thế nào?
Lạc Phổ còn đang lưỡng lự thì bị thiền sư đánh.
Quan Thường Thị họ Vương một hôm đến thăm thiền sư. Hai người cùng đứng trước tăng đường nhìn vào. Quan hỏi:
– Các thầy ở đây có học kinh không?
Thiền sư nói: ‘Không học kinh.’
Quan hỏi:
– Vậy các thầy có học thiền không?
Thiền sư nói: ‘Cũng không học thiền.’
Quan hỏi:
– Kinh cũng không học, thiền cũng không học, thì làm cái gì nữa?
Thiền sư nói:
– Tôi chỉ dạy họ làm Bụt làm Tổ thôi.
Quan Thường Thị nói:
– Bụi vàng tuy quý, nhưng rơi vào mắt cũng xốn lắm.
Thiền sư bảo:
– Vậy mà xưa nay tôi cứ ngỡ ông là một kẻ tầm thường.
Thiền sư hỏi Hạnh Sơn:
– Thế nào là khoảng đất trống và con trâu trắng?
Hạnh Sơn rống ra tiếng trâu!
Thiền sư: ‘Thầy câm hả?’
Hạnh Sơn nói: ‘Còn hòa thượng thì sao?’
Thiền sư nói: ‘Con vật này!’
Thiền sư hỏi Lạc Phổ:
– Lâu nay, một người dùng gậy, một người dùng tiếng hét. Người nào thân thiết hơn?
Lạc Phổ:
– Cả hai đều không thân thiết.
Thiền sư hỏi:
– Thầy hiểu nghĩa chữ thân thiết thế nào?
Lạc Phổ hét, và bị thiền sư đánh.
Thấy một vị xuất gia đến, thiền sư đưa hai tay ra. Vị xuất gia không nói gì. Thiền sư hỏi: ‘Thầy có hiểu không?’
Vị xuất gia: ‘Con không hiểu.’
Thiền sư nói: ‘Núi Côn Lôn khó mở, ta cho ngươi hai đồng.’
Đại Giác đến tham vấn. Thiền sư đưa phất trần lên. Đại Giác trải tọa cụ. Thiền sư ném phất trần xuống đất. Đại Giác liền lấy tọa cụ lên, đi vào tăng đường.
Trong chúng các thầy bàn với nhau:
– Thầy này có quen thân gì với thiền sư của chúng mình không, tại sao không lễ bái mà cũng không bị ăn đòn?
Nghe nói thế, thiền sư cho gọi Đại Giác đến. Thiền sư nói:
– Đại chúng đây nói rằng thầy chưa chào hỏi tôi.
Đại Giác trả lời:
– Thiền sư mạnh giỏi không?
Rồi trở vào với chúng.
Trong thời gian hành cước, thiền sư Triệu Châu có dịp ghé lại thăm thiền sư, gặp lúc thiền sư đang rửa chân. Triệu Châu hỏi:
– Mục đích của Bồ Đề Đạt Ma qua đây là gì?
Thiền sư nói:
– Đúng vào lúc tôi đang rửa chân.
Triệu Châu tới gần ghé tai làm bộ nghe. Thiền sư nói:
– Bây giờ tôi phải lại đổ thêm một chậu nước dơ nữa hay sao?
Triệu Châu liền bỏ đi.
Có thượng tọa Định đến tham vấn, hỏi:
– Đại ý của Phật pháp là gì?
Thiền sư từ thiền sàng bước xuống, nắm lấy thượng tọa Định, đánh cho thượng tọa một cái, rồi thả thượng tọa ra. Thượng tọa Định đứng yên.
Có một vị xuất gia đứng đó nói:
– Thượng tọa Định, sao không lạy xuống đi!
Thượng tọa Định lạy xuống thì bỗng dưng đại ngộ.
Ma Cốc đến tham vấn, vừa trải tọa cụ vừa hỏi:
– Mười hai mặt của Quan Âm, mặt nào là mặt chính?
Thiền sư từ thiền sàng bước xuống, một tay nắm tọa cụ, một tay kéo Ma Cốc tới gần, hỏi:
– Quan Âm mười hai mặt bây giờ đang đi đâu?
Ma Cốc xoay mình lại, định lên thiền sàng ngồi thì thiền sư nắm lấy gậy định đánh. Ma Cốc giật gậy. Cả hai sau đó cùng nắm gậy đi vào phương trượng.
Thiền sư hỏi một thầy:
– Có lúc tiếng hét giống như lưỡi gươm báu của Kim Cương Vương ; có lúc tiếng hét giống như sư tử lông vàng đang ngồi xổm ; có lúc tiếng hét giống như chiếc sào dò bóng cỏ ; có lúc tiếng hét không có tác dụng của tiếng hét. Thầy hiểu không?
Vị xuất gia lưỡng lự, liền bị thiền sư đánh.
Thiền sư hỏi một ni sư:
– Thiện lai hay ác lai?
Ni sư hét. Thiền sư cầm gậy nói:
– Nói đi, nói đi!
Ni sư hét thêm một tiếng thứ hai nhưng vẫn bị thiền sư đánh.
Long Nha hỏi:
– Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn độ qua có mục đích gì?
Thiền sư nói:
– Đem thiền bản lại đây cho ta.
Long Nha đưa thiền bản. Thiền sư tiếp lấy thiền bản và đánh Long Nha. Long Nha:
– Đánh thì cứ đánh nhưng mục đích của tổ sư vẫn chưa thấy rõ ràng.
Sau đó, Long Nha đến thăm Thúy Vi, và hỏi:
– Tổ sư từ Ấn độ qua có mục đích gì?
Thúy Vi nói:
– Đem bồ đoàn lại đây cho ta.
Long Nha đưa bồ đoàn. Thúy Vi tiếp lấy bồ đoàn và đánh Long Nha. Long Nha nói:
– Đánh thì đánh nhưng mục đích của tổ sư cũng vẫn chưa thấy rõ ràng.
Sau này, Long Nha làm Viện chủ, có một vị xuất gia đi vào thiền thất hỏi:
– Trong thời gian hòa thượng đi hành cước có tham vấn hai vị tôn túc, vậy hòa thượng có công nhận (tuệ giác) của hai vị ấy không?
Long Nha nói:
– Công nhận thì có công nhận, nhưng mục đích của tổ sư vẫn chưa thấy rõ ràng như thường.
Đồ chúng của thiền sư Kỉnh Sơn có tới 500 vị, nhưng trong số ấy có rất ít người đến tham thỉnh thiền sư. Tổ Hoàng Bích phái thiền sư đến thăm Kỉnh Sơn. Trước khi đi, tổ hỏi:
– Con đến đấy sẽ làm gì?
Thiền sư nói:
– Đến đó con mới biết sẽ làm gì.
Đến nơi, còn mang nguyên áo nón du hành, thiền sư đi thẳng vào pháp đường để gặp Kỉnh Sơn. Kỉnh Sơn vừa ngửng đầu lên thì thiền sư liền hét. Kỉnh Sơn vừa mở miệng chưa kịp nói gì thì thiền sư đã phất tay áo đi ra.
Ngay sau đó có một thầy hỏi Kỉnh Sơn:
– Cái ông thầy kia mới tới, có nói qua nói lại gì với hòa thượng không mà hét như vậy?
Kỉnh Sơn nói:
– Thầy ấy từ đạo tràng của Hoàng Bích tới đấy. Nếu muốn biết thì đi hỏi ông ta đi.
Năm trăm đồ chúng của Kỉnh Sơn sau đó bị phân tán quá hơn một nửa.
Một hôm ngoài phố chợ, Phổ Hóa ngỏ lời xin chiếc áo một tấm. Ai cũng cho áo, nhưng Phổ Hóa không nhận. Nghe vậy thiền sư bảo viện chủ mua cho Phổ Hóa một chiếc quan tài. Lúc Phổ Hóa về, thiền sư nói:
– Tôi vừa mới may cho thầy một chiếc áo một tấm rồi đó.
Phổ Hóa liền vác chiếc quan tài đi qua phố chợ, nói:
– Lâm Tế vừa may cho tôi một chiếc áo một tấm. Bây giờ tôi sẽ đi ra cửa Đông để thoát hóa hình hài này.
Người ngoài chợ đi theo Phổ Hóa để xem. Nhưng tới nơi Phổ Hóa lại nói:
– Ngày hôm nay tôi chưa thoát hóa đâu. Ngày mai tôi sẽ thoát hóa tại cửa Nam.
Ngày hôm sau Phổ Hóa cũng nói là chưa thoát hóa, đợi ngày hôm sau nữa mới thoát hóa ở cửa khác. Ba ngày như vậy nói mà không làm nên không còn ai tin nữa. Đến ngày thứ tư chẳng có ai đi theo, Phổ Hóa một mình đi ra ngoài thành phố, tự nằm vào trong quan tài và đậy nắp lại, nhờ một người qua đường đóng đinh áo quan. Tin tức chuyền đi, lập tức người trong thành phủ đổ ập tới rất đông. Họ đòi mở quan tài ra. Nắp quan tài mở ra thì không thấy Phổ Hóa trong ấy nữa. Người ta chỉ nghe tiếng chuông rung trong hư không càng lúc càng xa.
Trong một buổi tham vấn chiều, thiền sư khai thị: ‘Có lúc đoạt người không đoạt cảnh, có lúc đoạt cảnh không đoạt người, có lúc đoạt cả người cả cảnh, có lúc không đoạt người cũng không đoạt cảnh.’
Lúc bấy giờ có một vị xuất gia hỏi: ‘Đoạt người không đoạt cảnh là sao?’
Thiền Sư đáp: ‘Nắng dậy gấm thêu đầy mặt đất
Hài nhi tóc rủ bạc như tơ.’
Hỏi tiếp: ‘Đoạt cảnh không đoạt người là sao?’
Thiền Sư đáp: ‘Lệnh vua truyền khắp trong thiên hạ
Biên thùy tướng sĩ khói mây tan.’
Hỏi: ‘Còn đoạt cả người cả cảnh là sao?’
Thiền Sư đáp: ‘Hai quận Biện Phần không liên lạc
Dân chúng một mình một cõi riêng.’
Hỏi: ‘Còn không đoạt người cũng không đoạt cảnh là sao?
Thiền Sư đáp: ‘Vua bước lên điện báu
Ông già quê hát ca.’