Lời dẫn nhập

Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu

Vào năm 1998, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai đã hướng dẫn một khóa tu hai mươi mốt ngày về kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anãpãnasati) tại thành phố Burlington, tiểu bang Vermont, miền Đông Hoa Kỳ. Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một bản kinh thiền tập căn bản của đạo Bụt. Ngoài ra chúng ta còn có những kinh thiền tập căn bản khác như kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Tứ Niệm Xứ) và kinh Người Biết Sống Một Mình (Nhất Dạ Trú Giả). Đây là những bản kinh được xem là cốt lõi của thiền tập, là các kinh gối đầu giường để thực tập phát triển Niệm, Định, Tuệ của các thầy và các sư cô. Thời Bụt còn tại thế, các thầy và các sư cô đều phải học thuộc lòng các kinh này để ghi nhớ và hành trì. Đây là khóa tu 21 ngày được tổ chức lần đầu tại Bắc Mỹ và có trên bốn trăm thiền sinh tham dự, đa số là những người tham dự khóa tu chánh niệm lần đầu. Các thầy, các sư cô và các vị thiền sinh đã tham gia các thời khóa sinh hoạt rất hết lòng như ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm trong chánh niệm, nghe pháp thoại, pháp đàm và thực tập im lặng hùng tráng… Các vị thiền sinh đã được Thầy khéo léo dẫn dắt trong quá trình thực tập và giúp họ nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa những khổ đau, khó khăn, bế tắc, căng thẳng và vướng bận trong đời sống hàng ngày và cuối cùng giúp họ nếm được trạng thái an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc của nội tâm.

Trong truyền thống đạo Bụt, Niệm, Định, Tuệ (Tam Vô Lậu Học) được xem là nền tảng, là cốt lõi của sự tu tập. Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anãpãnasati sutta) cùng với kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm là các bản kinh trong đó đức Thế Tôn trình bày rất khéo léo, có hệ thống và thực tiễn cho sự thực tập phát triển ba nguồn năng lượng mầu nhiệm ấy. Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, hơi thở chánh niệm được sử dụng như là một sợi dây có công năng nối kết thân tâm lại một mối. Hơi thở là một khí cụ tuyệt vời giúp hành giả thiết lập chánh niệm và an trú thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong ta và quanh ta. Chánh niệm giúp ta biết được những gì đang xảy ra trong ta và quanh ta.

Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một hệ thống thiền tập rất căn bản của đạo Bụt, là một nghệ thuật vun trồng và điều phục thân tâm tuyệt vời. Do đó Bụt giảng dạy kinh này nhiều lần cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia để nắm vững mà thực tập. Trên 2.600 năm qua, lời dạy và sự thực tập này được duy trì và truyền lại cho nhiều thế hệ như là cốt lõi và kim chỉ nam của thiền tập. Lời dạy và sự thực tập của kinh Quán Niệm Hơi Thở vẫn luôn được xem là phần quan trọng và căn bản của nền tảng pháp hành. Nếu nghiên cứu rộng vào kinh điển nguyên thỉ, ta sẽ thấy chính đức Thế Tôn đã giảng dạy kinh Quán Niệm Hơi Thở rất nhiều lần và mỗi lần giảng dạy, Ngài đều có cơ hội làm mới, bổ túc để cho lời dạy và sự thực tập trở nên phong phú, thực tiễn để đáp ứng đúng vào tình trạng tâm lý, nhu cầu và hoàn cảnh xã hội đương thời và hoàn thiện giáo pháp thâm sâu, vi diệu mà Ngài đã khám phá. Như vậy, kinh Quán Niệm Hơi Thở qua Mười Sáu Phép Quán Niệm Hơi Thở đã được đức Thế Tôn trình bày có công năng hướng dẫn chúng ta đạt tới khả năng nuôi dưỡng, trị liệu, chuyển hóa và cuối cùng đạt tới giác ngộ, giải thoát tự thân ngay trong kiếp sống hiện tại.

Kinh Quán Niệm Hơi Thở gồm có mười sáu phép thực tập thở mà chánh niệm là trái tim của sự thực tập. Bốn phép thở đầu là để chăm sóc thân (thân thể) trong đó hơi thở là một phần thuộc về thân, bốn phép thở kế là để chăm sóc về lĩnh vực cảm thọ, bốn phép thở kế nữa thuộc về lĩnh vực tâm hành hay tâm ý và bốn phép thở cuối cùng thuộc về pháp, tức là những đối tượng của tri giác. Hai phép thở đầu là thực tập nhận diện sự có mặt của hơi thở và quá trình dài hoặc ngắn của hơi thở; hai phép thở kế tiếp là thực tập nhận diện sự có mặt của thân thể và làm lắng dịu, buông thư thân thể nhằm đem lại sự an bình, thư thái và nhẹ nhàng cho thân thể. Ngay ở bốn phép thở đầu tiên của kinh Quán Niệm Hơi Thở, ta thấy đức Thế Tôn cống hiến cho ta một phương thuốc thần diệu để đối trị những vấn đề đau nhức về thân bệnh như căng thẳng (stress) – một căn bệnh lớn và phổ biến của thời đại và những triệu chứng khác của thân như huyết áp cao, lở loét nội tạng, ung thư, sự nóng nảy, bồn chồn và bất an…

Tuy lời dạy của Bụt đã nói cách đây hơn 2600 năm, nhưng pháp âm của Ngài vẫn còn rất thiết thực đối với thời đại của chúng ta. Đó là đặc tính vượt thoát thời gian (akalika) của giáo pháp. Hiện nay các ngành tâm lý trị liệu, y khoa tại các trung tâm điều trị, bệnh viện trên thế giới đều đang học hỏi kinh Quán Niệm Hơi Thở và đem áp dụng vào lĩnh vực trị liệu để điều trị cho các bệnh nhân và nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, môi trường, chính trị, học đường…

Nếp sống chánh niệm không chỉ được thực hiện tại thiền đường, tu viện, tự viện mà có thể được áp dụng ở mọi nơi mọi lúc. Khi thân tâm ta được thiết lập vững chãi trong chánh niệm thì những hành động (thân, khẩu và ý) của ta sẽ trở nên khéo léo, đẹp đẽ và chuyên chở được tình thương yêu đích thực. Chánh niệm mang trong nó năng lượng của Định và của Tuệ và khi Niệm, Định và Tuệ hùng hậu thì ta tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu của sự sống trong ta và quanh ta. Ta thường sống trong sự quên lãng, sống trong ngục tù của ý niệm, khái niệm, dự tính, nghi kỵ, suy nghĩ miên man, trong sự tiếc nuối về quá khứ, lo lắng và sợ hãi đối với tương lai; ta đánh mất khả năng sống an vui và hạnh phúc trong giây phút hiện tại, đánh mất khả năng trở về với thân tâm, làm quen với thân tâm và ý thức những gì đang xảy ra nơi thân và tâm mình. Thực tập hơi thở chánh niệm, ta có cơ hội quán sát thân tâm mình, biết được những gì đang xảy ra trong thân tâm qua bốn lĩnh vực: thân thể, cảm thọ, tâm hành, và đối tượng của tâm hành – tức là nhận thức để ôm ấp, làm lắng dịu, nhìn sâu, chuyển hóa và trị liệu. An lạc, hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu phải bắt đầu với chính mình. Đây là nguyên tắc căn bản của tình thương.

Thực tập quán niệm hơi thở, ta tạo cho bản thân khả năng sống vững chãi và hạnh phúc trong giây phút hiện tại, không nuối tiếc quá khứ, không lo lắng và sợ hãi về tương lai. Đức Thế Tôn có dạy: ‘‘Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút hiện tại là đáng để ta đầu tư và thật sự sống mà thôi.’’ Giây phút hiện tại là địa chỉ của Bụt, là Tịnh Độ hiện tiền, là Thiên Quốc. Đánh mất hiện tại là đánh mất sự sống. Tại sao chúng ta phải hối hả chạy về phía tương lai trong khi đó ta biết rất rõ đó là phía của nghĩa địa, là nơi chôn cất hình hài ta!

Bốn phép thở kế (5-8) là để giúp ta thực tập chế tác niềm vui, nhận diện và ôm ấp những cảm thọ, làm cho chúng lắng dịu xuống và chuyển hóa thành cảm giác an lạc (lạc thọ). Ý thức được từng hơi thở tức là ta đang thật sự sống, đang tham dự trọn vẹn vào thực tại của sự sống và biết rõ cái gì đang xảy ra trong ta và quanh ta. Ta không còn sống như một bóng ma nữa. Mỗi hơi thở là thực tại của sự sống, nó vượt thoát thời gian và không gian.

Phép thở thứ 9-12 là những bài thực tập giúp ta nhận diện những tâm hành mỗi khi chúng biểu hiện lên trên vùng ý thức. Trước hết chúng ta chỉ nhận diện đơn thuần những tâm hành mỗi khi chúng phát khởi, không trốn chạy, xua đuổi, nắm bắt, ghì lấy hoặc vướng mắc. Với hơi thở có ý thức, ta thắp lên ánh sáng chánh niệm để ôm ấp và chăm sóc nó, sống hài hòa với nó. Có nhiều người trong xã hội chúng ta đã đánh mất khả năng trở về với nội tâm vì trong nội tâm có quá nhiều niềm đau nỗi khổ và xung đột…, trở về đó ta cảm thấy không thoải mái nên thường tìm cách trốn chạy. Thực tập bốn phép thở này ta có thể trở về với vương quốc (thân và tâm) của ta để chăm sóc và làm cho lãnh thổ của ta yên bình trở lại và chánh niệm là khí giới để cho ta thực hiện cuộc trở về. Đức Thế Tôn không bao giờ bảo chúng ta trốn tránh khổ đau, Ngài bảo chúng ta trở về chăm sóc, sống hài hòa với khổ đau, rồi nhìn sâu để chuyển hóa. Đó là giáo lý tương tức, duyên khởi của đạo Bụt; là nguyên tắc “Phiền não tức bồ đề; rác và hoa không hai”.

Bốn phép thở cuối cùng (13-16) là chìa khóa giúp ta mở cửa thực tại, buông bỏ ngã chấp và những tri giác sai lầm về ta và về thế giới để đạt tới tự do lớn. Bối cảnh gia đình đang bị đổ vỡ, xã hội, nền đạo đức của nhân loại đang trên đà băng hoại, hành tinh của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng, trái đất nóng lên mỗi ngày, đó là vì thiếu chất liệu an lạc, trí tuệ và tình thương trong mỗi chúng ta. Những vấn đề lớn này đều do vô minh, tri giác sai lầm của cá nhân và cộng đồng tạo ra. Chúng ta chấp vào cái ngã như một cá nhân, như một chủng tộc… và ta tranh đấu để phục vụ cho cái ngã ấy, do đó tạo ra nhiều khổ đau cho chính bản thân và cho mọi người và mọi loài khác. Bốn hơi thở cuối của kinh Quán Niệm Hơi Thở hướng dẫn chúng ta thực tập buông bỏ ngã chấp, buông bỏ tri giác sai lầm, buông bỏ những cái không đáng tham cầu và vướng mắc để chứng nhập vào nguồn tuệ giác thâm sâu của Vô thường, Vô ngã, Tương tức, Duyên khởi, Tánh không và Niết bàn. Khi đạt tới được những nguồn tuệ giác này thì ta hoàn toàn tự do; ta sống có trách nhiệm, hài hòa và thương yêu hơn với mọi loài quanh ta.

Nếu học hỏi và thực tập kinh Quán Niệm Hơi Thở một cách sâu sắc và quán chiếu dưới lăng kính của tuệ giác đại thừa, ta sẽ khám phá ra rằng kinh Quán Niệm Hơi Thở là bản kinh tóm thâu tất các các giáo lý thâm sâu như giáo lý Duyên Khởi, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v… Khi thực tập kinh Quán Niệm Hơi Thở, chúng ta sẽ thấy rằng những giáo lý thâm sâu của đại thừa được áp dụng một cách thực tiễn vào đời sống hàng ngày để chuyển hóa khổ đau, đem lại sự nuôi dưỡng và trị liệu rất lớn.

Thưa các bạn, kinh Quán Niệm Hơi Thở là một bản đồ tu tập rất mầu nhiệm, rõ ràng và thiết thực mà Bụt đã khám phá và cống hiến cho chúng ta. Người nào cầm được bản đồ này trên tay, thì khi tu tập chắc chắn sẽ không sợ bị lạc đường. Những chỉ dẫn trong kinh Quán Niệm Hơi Thở được trình bày trong cuốn sách này rất đơn giản, dễ hiểu, thực tiễn và khoa học. Qua cuốn sách này, các bạn sẽ thấy rằng đạo Bụt không chỉ đơn giản là một tôn giáo mang tính tín ngưỡng, mê tín, mà là một nguồn tuệ giác rất thâm sâu. Chạm tới được nguồn tuệ giác ấy thì tất cả những niềm đau nỗi khổ, phiền não trong ta đều tan biến và ta sẽ đạt tới hạnh phúc và tự do lớn. Thưa các bạn, để cho sự học hỏi và thực tập có hiệu quả, các bạn không nên ngấu nghiến hết quyển sách mới đem ra thực tập, mà đọc tới đâu bạn hãy đem ra áp dụng liền vì như thế các bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi lạc và sẽ tạo dựng được niềm tin vững bền nơi khả năng sống hạnh phúc của chính mình.

Những gì ta muốn tìm kiếm đã sẵn có nơi tự thân; ta đã là cái ta muốn trở thành. Chỉ cần thắp lên ánh sáng chánh niệm để nhận diện nó (tính Bụt) mà thôi. Chúc các bạn thực hiện thành công cuộc trở về với quê hương đích thực của mình và gặt hái được nhiều niềm vui, hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi.

 

Thích Chân Pháp Niệm, người dịch