13. Buông bỏ tri giác sai lầm
Chương 13
Buông bỏ tri giác sai lầm
Hôm nay chúng ta học về phép quán niệm hơi thở thứ mười sáu về sự thực tập buông bỏ. ”Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ.” Ngày mai chúng ta sẽ học phép quán niệm thứ mười bốn về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.
Tiếp Xúc Với Nguồn Cội
Thực Tập Ba Cái Lạy
Đạo tràng Mai Thôn đã chế tác ra Ba Cái Lạy để giúp chúng ta thực tập tiếp xúc với thực tại Vô ngã, Tương tức của các pháp. Ba cái lạy này có công năng giúp ta mở lòng để ôm ấp, tha thứ, bao dung chính mình, những người thương của mình và những người mình cho là đã làm mình khổ đau, điêu đứng. Nếu thực tập Ba Cái Lạy này cho sâu sắc thì những niềm đau nỗi khổ trong ta sẽ được chữa trị và chuyển hóa rất mau chóng; trái tim của ta sẽ bao la, sâu dày như đất, ta có thể ôm lấy, chấp nhận và chuyển hóa tất cả mọi khó khăn, khổ đau và bất công trong cuộc sống. Ba Cái Lạy này giúp ta hiểu sâu sắc về giáo lý Tam Pháp Ấn – Vô thường, Vô ngã và Niết bàn. Thực tập thành công Ba Cái Lạy này, ta sẽ chạm tới được bản tính không sinh không diệt, không một không khác, không đến không đi của ta.
Buông bỏ nhận thức của mình, nhất là nhận thức sai lầm là sự thực tập rất quan trọng trong truyền thống đạo Bụt. Kinh Tam Pháp Ấn và sự thực tập Ba Cái Lạy là những phương pháp tu tập rất cụ thể của các phép quán niệm hơi thở thứ mười ba, thứ mười lăm và thứ mười sáu mà đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Trong cái Lạy Thứ Nhất, chúng ta thực tập buông bỏ hết tất cả những gì ta nghĩ là ta (ngã), là của ta (ngã sở) để có thể hòa nhập vào dòng sinh mệnh của tổ tiên trong đó có ta. Ta tiếp xúc với các thế hệ tổ tiên, con cháu và cả những thế hệ tương lai ngay trong giây phút hiện tại và trở thành một với họ. Cái Lạy Thứ Hai giúp ta thiết lập mối liên hệ giữa ta với mọi người và mọi loài trong đó bao gồm các loài cỏ cây, cầm thú và đất đá có mặt cùng thời với ta ngay trong giờ phút hiện tại. Trước hết, ta tiếp xúc với các bậc đại nhân, các vị Bồ Tát đang có mặt khắp nơi trên thế giới, đang có mặt quanh ta trong giây phút hiện tại để tiếp nhận năng lượng vững chãi, thảnh thơi, an lạc và tình thương để có đủ sức mạnh mà ôm lấy và chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ trong ta, trong gia đình ta, xã hội và thế giới.
Cái Lạy Thứ Nhất
Cái lạy thứ nhất là nói về bản chất Vô thường của các pháp, tượng trưng cho bình diện thời gian. Ta đứng nghiêm trang trước bàn thờ, theo dõi hơi thở chánh niệm và thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại. Khi thân tâm đã trở thành một mối, ta quán tưởng về ông bà, tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh của ta. Ý thức rằng các thế hệ tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh của ta đều đang có mặt trong ta, vì vậy ta thực tập không loại bỏ bất cứ một ai dù người đó còn có nhiều yếu kém, dù người đó làm cho ta tuyệt vọng, khổ đau. Và nhìn sâu hơn nữa thì sẽ thấy rằng tuy con cháu của ta (thế hệ tương lai) chưa biểu hiện, nhưng họ cũng đang có mặt trong ta. Nếu ta vì giận ba, hận mẹ và tuyên bố những câu động trời như: “Tôi không muốn dính líu gì với cha tôi hoặc với mẹ tôi hết.” Nói như vậy tức là không có trí tuệ; vì dù muốn hay không muốn thì cha mình hoặc mẹ mình vẫn có mặt trong mình. Đây là một sự thật rất khoa học. Mình là sự tiếp nối của cha mình; mình chính là cha mình. Khi nào ta thấy và chấp nhận được sự thật ấy, thì tất cả những buồn khổ, giận hờn và trách móc trong ta tự khắc tan biến. Nguyên nhân của khổ đau là vô minh và vô minh dẫn tới hành động phóng thể – tức là tình trạng bị bứng gốc ra khỏi dòng sinh mệnh biểu hiện của ta. Nếu ta trở thành những con ma đói, sống đơn độc, vất vưởng, không nơi nương tựa, không biết đâu là quê hương đích thực của mình, đó là vì ta đã bị bứng ra khỏi dòng sinh mệnh biểu hiện của ta. Lạy Thứ Nhất có thể được diễn tả theo trục tung (trục dọc). Trong nội dung của cái Lạy Thứ Nhất, ta thể nhập vào dòng sinh mệnh của ông bà tổ tiên ta. Sau khi chạm tới được nguồn tuệ giác Vô ngã (tương tức), ta lạy xuống, năm vóc sát đất, hai bàn chân duỗi ra trong tư thế phủ phục, buông thư, hai cánh tay đưa song song ra quá đầu một chút và hai lòng bàn tay lật ngửa ra. Lạy xuống với tất cả lòng thành kính và quán tưởng đến hai dòng sinh mệnh thuộc về tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh của ta và thấy được sự có mặt của họ trong ta.
Trước hết ta quán tưởng về tổ tiên tâm linh của ta trong đó có Bụt, có Tổ, có các vị Thánh Tăng, có Thầy Bổn sư của ta, các sư anh, sư chị, sư em của ta… Có thể ta có hờn giận, trách móc một số thành phần nào đó trong gia đình tâm linh của ta và ta đang trốn chạy họ, không muốn chấp nhận họ hoặc muốn loại trừ họ. Nhưng dù muốn hay không muốn thì họ vẫn luôn luôn là tổ tiên tâm linh của ta. Biết rằng trong gia đình tâm linh của ta, có những vị mà giới hạnh, trí tuệ, đức độ và từ bi gần như toàn hảo – họ có nhiều chất liệu hiểu biết và thương yêu, họ có khả chấp nhận, tha thứ và bao dung rất lớn; nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, đức độ, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết, họ còn nhiều vụng về nên họ đã làm cho bản thân họ và người thương của họ khổ đau; nhưng dù họ như thế nào đi nữa, thì họ vẫn là tổ tiên của ta. Ta phải thực tập mở lòng để ôm lấy, chấp nhận tất cả.
Kế đến, ta quán tưởng về gia đình huyết thống của ta trong đó có cha ta, mẹ ta, anh, chị, em và họ hàng thân quyến của ta. Có những người trong gia đình huyết thống của ta mà giới hạnh, đức hạnh, trí tuệ và từ bi gần như toàn hảo, nhưng cũng có những người còn nhiều khiếm khuyết, nhưng họ đều là tổ tiên của ta. Nhìn lại ta thấy rằng trong ta cũng có những yếu tố tích cực như trí tuệ, lòng thương, giới hạnh… gần như toàn hảo, nhưng trong ta cũng còn có nhiều yếu kém, vụng dại. Vậy thì, ta là ai mà không thể ôm lấy, chấp nhận và thông cảm cho tổ tiên của ta? Ta phải thực tập nhìn sâu để thấy, để hiểu, vì khi hiểu được bản chất đích thực của ta rồi, thì ta sẽ ôm lấy, chấp nhận tất cả các thành phần của tổ tiên ta mà không có một niềm oán hận, trách móc và căm thù nào. Có thể ta muốn loại trừ một người nào đó trong gia đình (huyết thống hoặc tâm linh) của ta vì người đó đã làm ta khổ, điêu đứng. Người đó không có tình thương, không có sự bao dung – không toàn hảo. Khi ta không chấp nhận, thông cảm và thương yêu người đó, thì ta cảm thấy bị bứng gốc ra khỏi nền tảng biểu hiện của ta. Ta bị loại trừ ra khỏi dòng sinh mệnh của tổ tiên huyết thống của ta và trở thành ma đói, lang thang, cô độc, đói khát tình thương, đói khát sự hiểu biết và đang đi tìm cái gì đó để bám víu, tin tưởng và nương tựa. Vì vậy cái Lạy Thứ Nhất giúp ta thắp lên ánh sáng chánh niệm, để thấy rằng tất cả những thành phần của tổ tiên ta dù họ có toàn hảo hay không toàn hảo, họ đều là tổ tiên của ta, họ đang có mặt trong ta.
Giai đoạn thứ ba là ta quán tưởng đến con cháu của ta hoặc trong trường hợp của tôi, thì tôi quán tưởng về các đệ tử của tôi. Trong gia đình của ta, có những đứa con rất dễ thương dễ mến, rất ngoan, rất hiền và có trách nhiệm; những đứa con ấy gần như toàn hảo về mọi phương diện, nhưng cũng có những đứa khác còn nhiều yếu kém, gây nhiều khó khăn, khổ đau và phiền muộn cho ta. Nhưng dù chúng có như thế nào đi nữa, chúng đều là con cái của ta. Vậy thì ta là ai mà không chấp nhận con ta với tất cả những cái hay và cái khiếm khuyết của nó; ta là ai mà tuyên bố những câu thiếu trí tuệ rằng: ”Mày không phải là con tao. Mày muốn đi đâu thì đi cho khuất mắt. Đồ bất hiếu.” Nếu ta tập nhìn với con mắt thương yêu, với tuệ giác vô ngã (tương tức), thì ta sẽ thấy rằng mình chính là con mình; con mình là sự tiếp nối của mình; và mình sẽ có khả năng mở rộng trái tim để ôm lấy con mình vào lòng. Chấp nhận tất cả tổ tiên và con cháu của ta mà không kỳ thị, loại trừ bất cứ một ai là ta đạt tới được tuệ giác tương tức và vô ngã; tuệ giác này có công năng giải phóng ta, đem lại cho ta rất nhiều an vui và hạnh phúc.
Cái Lạy Thứ Nhất giúp ta nhớ lại phép trao truyền về tính Không của thân thể. Quán sát sâu sắc vào thân thể, ta tiếp xúc được với các thế hệ tổ tiên của ta. Họ đã trao truyền hết cả con người của họ cho ta. Ta là sự tiếp nối của tổ tiên, ông bà, cha mẹ; ta với tổ tiên của ta tương tức. Như chúng ta đã được học kỳ trước, người tiếp nhận sự trao truyền, vật được trao truyền và người trao truyền là một. Tính Không của sự trao truyền tức là ba yếu tố của sự trao truyền – người trao truyền, vật được trao truyền và người tiếp nhận sự trao truyền là một, tương tức, trống rỗng – không có một thực thể riêng biệt. Khi các thầy, các sư cô đi khất thực, các thầy và các sư cô thực tập tuệ giác về tính Không trong phép khất thực. Người cúng dường, vật được cúng dường và người tiếp nhận sự cúng dường là một, là tương tức. Đây là phép thực tập hành Xả – một trong Bốn Tâm Vô Lượng, nghĩa là không kỳ thị, không phân biệt, là khả năng ôm lấy hết tất cả, không loại trừ một ai. Đó là phép cúng dường và tiếp nhận rất cao thâm của đạo Bụt. Ta phải tập thương theo tinh thần ấy, nghĩa là thương như thế nào để người thương và người được thương trở thành một.
Khi người cha thương người con trai hoặc người con gái, người cha không kể lể rằng: ”Tao đã cho mày tất cả mọi thứ, đã vất vả nuôi mày ăn học thành tài. Thế mà mày không đáp lại tình thương ấy, ngược lại mày đối xử tệ với tao, không biết vâng lời… Mày là đứa con bất hiếu.” Đó không phải là tình thương theo tinh thần Xả của Bụt. Tình thương ấy còn mang tính chất có điều kiện. Khi ta hiến tặng theo tinh thần Xả – tức là lòng ta bao dung, độ lượng, không tính toán, so đo, đòi hỏi… tức là ta đang hiến tặng một món quà quí giá nhất. Khi thương theo tinh thần Xả (upeksha), thì thân tâm ta cảm thấy nhẹ nhàng, tự do mà người thương của ta cũng được nhẹ nhàng, tự do, có nhiều không gian. Đó là tình thương cao đẹp và chân thật nhất. Thương là thương thôi, không cầu mong sự đền đáp, trả ơn. Nếu có sự mong cầu đền đáp thì đó không phải là tình thương đích thực, không phải tình thương theo tinh thần Xả. Tình thương như thế còn bị kẹt vào ý niệm ta và người, một và khác, ý niệm về ngã và phi ngã. Ta cần phải học hỏi thêm nghệ thuật thương yêu theo tinh thần Từ, Bi, Hỷ và Xả, vì nếu không biết thương yêu theo tinh thần của bốn tâm không biên giới (Tứ Vô Lượng Tâm), thì tình thương của ta sẽ trở thành ngục tù cho người khác, sẽ trở thành thù hận.
Khi lạy xuống trước bàn thờ tổ tiên, ta đem hết sự thông minh, trí tuệ và trái tim của ta để lễ lạy, để tiếp xúc với đất. Ta thực tập nương tựa vào tính sâu dày và kiên trì của đất và trút hết những niềm đau nỗi khổ, tuyệt vọng của ta vào lòng đất. Đất có khả năng tiếp nhận tất cả và chuyển hóa thành hoa thơm cỏ lạ. Khi lạy xuống trong tư thế phủ phục, năm vóc sát đất, ta tiếp xúc sâu sắc với đất, trở thành một với đất và tự nhiên trái tim của ta được mở ra, vì lúc ấy trái tim của ta và lòng đất bao la, sâu dày là một. Ta tiếp nhận, ôm ấp tất cả mọi thứ để chuyển hóa. Trong tư thế phủ phục như thế, có thể ta sẽ rơi lệ vì thấy rằng lâu nay mình quá khờ dại, vì thiếu hiểu biết, thiếu thương yêu nên mình đã tự làm khổ chính mình và làm khổ những người mình thương. Có lẽ ta đã khóc nhiều lần rồi, nhưng những dòng nước mắt ấy, ta đã kín đáo giấu lại vào tim như những dòng lệ đá. Từ trước tới giờ ta không có khả năng khóc thành tiếng. Ta đã từng sống trong cô đơn, không có khả năng tiếp xúc và ôm lấy tổ tiên và con cháu của ta. Ta luôn tìm cách trốn chạy họ. Bây giờ là lúc cần phải trở về để nhận diện và chấp nhận họ vào lòng với tuệ giác và tình thương yêu mà ta đã được khai mở qua sự thực tập. Khi lạy xuống, ta thực tập buông bỏ những hiềm hận, giao phó và phơi bày hết thân tâm của ta cho ông bà tổ tiên. Ta không che giấu bất cứ điều gì. Trong lúc ấy, tâm ta không còn một chút mảy may chống đối, phản kháng hoặc che giấu; ta trở thành một với dòng sinh mệnh tâm linh và huyết thống của ta. Làm được như thế thì những vết thương, những niềm đau nỗi khổ trong ta mới được chữa trị. Có những thiền sinh đã chia sẻ với tôi rằng sau một giờ thực tập thiền lạy như thế, họ đã chuyển hóa và bớt khổ rất nhiều. Họ đã trút được nhiều gánh nặng của khổ đau, cô đơn, tuyệt vọng và cay đắng vào lòng đất và đem lại sự chuyển hóa và trị liệu rất mau chóng.
Quý vị thực tập lạy xuống trong tư thế phủ phục cho đến khi nào quý vị trút hết được những niềm đau nỗi khổ và tuyệt vọng vào lòng đất mới đứng dậy. Làm được như thế thì ông bà, tổ tiên và con cháu trong quý vị sẽ mỉm cười, vì quý vị có khả năng nối lại được sự cảm thông, có khả tha thứ, hiểu biết và thương yêu. Biết rằng chúng ta vẫn còn là con người phàm phu. Chúng ta còn vụng dại nên đã gây nhiều lầm lỗi và tạo ra nhiều khổ đau cho nhau. Khi chúng ta biết thở trong chánh niệm, an trú trong hiện tại, trong từng hơi thở, từng bước chân và tiếp xúc được với thực tại sâu sắc, thì trí tuệ phát sinh. Trí tuệ ấy có công năng giải phóng ta ra khỏi ngục tù của khổ đau, tuyệt vọng. Lúc ấy những dòng nước mắt của hạnh phúc và của niềm tha thứ trong ta tuôn trào. Cơ thể của ta cũng được nhẹ nhàng, dễ chịu ra. Khổ đau của ta đã gây ra những căn bệnh trong thân thể mà ta nghĩ là không thể chữa trị được. Nhưng nếu ta thực tập Thiền Lạy, cho phép thân thể ta tiếp xúc và nối lại nhịp cầu cảm thông với ông bà, tổ tiên và trải hết lòng ra, phơi bày hết những nỗi khổ niềm đau của ta lên tổ tiên và cầu sự nâng đỡ, thì niềm đau của ta sẽ được chuyển hóa và trị liệu.
Cái Lạy Thứ Hai
Cái Lạy Thứ Hai được diễn tả theo trục hoành (chiều ngang) – bây giờ và ở đây, biểu trưng cho bình diện không gian. Ta đứng nghiêm trang trước bàn thờ, chắp tay búp sen, thở vào, thở ra thật chánh niệm và quán tưởng vào chính mình. Với sự thực tập nhìn sâu, ta thấy được bản tính tương quan tương duyên (vô ngã) của các pháp. Ta trở thành một với các vị Bồ Tát sống đang có mặt chung quanh ta. Sự có mặt của họ đã làm cho mọi vật trên thế gian này trở nên mát mẻ, dễ chịu, tràn đầy tình thương và niềm khích lệ. Nhìn cách họ đi, đứng, nằm, ngồi, phụng sự, mỉm cười, ta tiếp xúc và thừa hưởng được sự vững chãi, thảnh thơi, tình thương và hiểu biết nơi họ. Chúng ta không cần phải sinh về cõi Tịnh Độ mới có thể gặp được các vị Bồ Tát như thế; hiện tại họ đang có mặt chung quanh ta và khắp nơi trên hành tình này. Có thể các vị Bồ Tát đang biểu hiện dưới hình thức của những vị bác sĩ, y tá, tác viên xã hội đang hành động tích cực cho hòa bình, cho nhân quyền như Mẹ Teresa đang làm việc cứu đời ở các nước nghèo khổ. Họ không phải là những ý niệm, những hình ảnh trừu tượng. Chúng ta rất sung sướng và hạnh phúc khi biết rằng họ đang có mặt đó quanh ta. Thở vào và thở ra cho sâu sắc, chánh niệm và ý thức rằng họ luôn có mặt đó cho ta và ta có thể tiếp nhận được năng lượng thương yêu, hiểu biết của họ bất cứ lúc nào. Nếu khi nào cảm thấy không có năng lượng, nản chí, ta có thể thực tập trở về với hơi thở chánh niệm và tiếp xúc với sự có mặt của các vị Bồ Tát như thế, ta sẽ được khôi phục ngay. Họ là những người đang làm đẹp, đang trang nghiêm cõi nước của ta bằng năng lượng chánh niệm, vững chãi, niềm vui và tình thương của họ. Chúng ta nguyện thực tập để trở thành một với họ. Nếu ta không tiếp xúc được với họ, không mở lòng ra để cho năng lượng thương yêu trong ta được khơi dậy, thì đó là sự mất mát rất lớn. Nếu cứ để cho ta bị chôn vùi trong niềm đau nỗi khổ, trong sự chán chường, tuyệt vọng, sợ hãi hoặc chìm đắm trong nếp sống tiện nghi, hưởng thụ thì ta sẽ không có cơ hội tiếp nhận năng lượng của họ. Vì thế cho nên cái Lạy Thứ Hai này được chế tác ra để giúp ta thực tập nối lại sự cảm thông của ta với các vị Bồ Tát. Khi ta lạy xuống và tiếp xúc với mặt đất trong tư thế phủ phục, ta tiếp xúc được với tất cả mọi loài chúng sinh đang có mặt với ta trong giây phút này.
Trong khi thực tập cái Lạy Thứ Hai, ta thở vào và thở ra trong chánh niệm, cảm nhận sự có mặt của chư vị Bồ Tát và trở thành một với các vị. Quán chiếu để thấy rằng ta và chư vị không phải là hai thực thể riêng biệt; để thấy rằng bản tính của ta và của chư vị thường rỗng lặng, tương tức. Cây cổ thụ đứng sừng sững ở sau vườn kia cũng là một vị Bồ Tát. Cây cổ thụ ấy đã đứng vững, can trường suốt cả một mùa Đông băng giá. Khả năng chịu đựng của nó trải qua bao mùa băng giá, nóng bức và khắc nghiệt của thời tiết rất vĩ đại. Mỗi khi mùa Đông sắp đến, nó phải trút bỏ hết lá xuống để có đủ sức mạnh sống sót qua mùa giá lạnh. Khi mùa Xuân về, nó cho ra những cành lá xanh mơn mởn, cống hiến cái đẹp nhất của nó cho sự sống. Nhìn vào thân cây, ta thấy cây đích thực là một vị Bồ Tát. Sự có mặt xanh tươi, mát mẻ của cây nâng đỡ, che chở và đem lại sự tươi mát cho ta, cho ta dưỡng khí để thở. Ta có thể nhận diện ra được rất nhiều vị Bồ Tát như thế quanh ta – trong đó bao gồm cả các loài thực vật, khoáng vật và động vật. Nếu mở lòng ra để cho những vị Bồ Tát như thế đi vào và trở thành một với ta, thì ta sẽ có rất nhiều năng lượng, nhiều sức sống. Với nguồn năng lượng vô biên ấy, ta có thể tiếp xúc và nâng đỡ những ai đang bị đàn áp, bế tắc, đói khổ và bệnh tật, những ai đang bị giam hãm trong địa ngục không có cơ hội cất tiếng kêu gọi công bình. Thế giới con người, cầm thú và thiên nhiên – thực vật và khoáng vật đang bị tàn phá trầm trọng. Vậy thì ai đang khổ? Con người đang khổ, mạng sống của con người đang ở trong tình trạng hiểm nguy, báo động và đe dọa vì con người tương quan tương duyên với mọi loài khác. Con người được làm bằng những yếu tố không phải con người. Đó là giáo lý của kinh Kim Cương – là giáo lý Vô ngã, Tương tức, Duyên khởi. Nếu con người tiêu diệt các loài khác, trong đó có các loài cầm thú, cỏ cây và đất đá tức là con người đang tự hủy diệt chính mình. Chúng ta là những quốc gia hùng mạnh đã và đang chế tạo vũ khí bom đạn tối tân và luôn luôn sản xuất kịp thời để bán cho các nước chậm tiến. Để những vũ khí ấy được tiêu thụ, chúng ta phải tạo ra những gây cấn, mâu thuẫn… giữa các nước lân cận để có lý do đi tới chiến tranh, tàn sát lẫn nhau. Chúng ta là những em bé nghèo Uganda chỉ còn da bọc xương. Chúng ta là những em bé gái chưa tới tuổi thành niên đã bị hải tặc hãm hiếp rồi quăng xuống biển sâu. Nếu không tiếp nhận được năng lượng vô biên của các vị Bồ Tát thì làm sao ta có thể ôm lấy được nỗi khổ lớn lao ấy? Làm sao ta có thể cứu độ được những nạn nhân này, những người đang khổ đau cực kỳ như thế ngay trong giây phút này? Ta thấy mình là những bậc đại nhân, là những vị Bồ Tát xuất hiện trên thế gian và thấy mình cũng là những nạn nhân kia đang đau khổ cực kỳ và cũng là kẻ gây ra khổ đau. Ta lạy xuống, năm vóc sát đất, tiếp xúc với đất và duy trì tư thế ấy cho đến khi nào ta trở thành một với đất. Chỉ khi nào ta trở thành một với đất, thể nhập được với khả năng tiếp nhận, ôm ấp và trị liệu vô biên của đất, ta mới chuyển hóa được khối khổ đau cực kỳ ấy mà thôi; ta mới có khả năng ôm lấy tất cả vào vòng tay thương yêu không kỳ thị của ta.
Khi thực tập cái Lạy Thứ Hai, ta nhìn sâu vào bản tính tương tức của các pháp để thấy rằng ta là một, ta tương tức với cây cỏ quanh ta, ta là một với đám mây đang bay lơ lửng trên trời, ta là một với ánh sáng mặt trời đang thể nhập vào cây cỏ, ta là một với tổ tiên ta và với các vị Bồ Tát, đại nhân, các bậc thiện tri thức đang có mặt khắp nơi trong giây phút hiện tại. Chúng ta cần thực tập tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, vững chãi trong ta và quanh ta. Có rất nhiều người đã để cho tâm mình bị xâm chiếm, trấn ngự bởi những tâm hành lo buồn, sợ hãi và tuyệt vọng. Niềm tuyệt vọng trong ta có thể dẫn ta tìm tới cái chết. Ta phải thực tập tiếp xúc với những hạt giống lành mạnh trong tâm thức ta và quanh ta như hạt giống của niềm tin, hy vọng, vững chãi và tình thương. Không nên tìm tới cái chết chỉ vì một tâm hành, một cảm thọ, một cảm xúc không dễ chịu. Làm được như thế, ta sẽ trở nên vững chãi và mạnh mẽ hơn. Ta hãy thực tập tiếp xúc với chư vị Bồ Tát đang có mặt quanh ta và đừng để cho những yếu tố tiêu cực xâm chiếm, trấn ngự. Nhiều người trong thời đại chúng ta, nhất là những người trẻ thường bị lâm vào nạn xì ke ma túy, á phiện, dâm dục, ăn chơi trác táng, chán ghét cuộc đời và trở nên rất bạo động. Họ đang bị chìm đắm trong biển khổ. Nhưng cũng có nhiều người vẫn còn rất khỏe mạnh, vững chãi và tràn đầy năng lượng thương yêu, lý tưởng, họ sẵn sàng có mặt để giúp đỡ bất cứ nơi nào cần cứu giúp. Mỗi khi bước được một bước chân có an lạc, vững chãi và thảnh thơi hoặc thở được một hơi thở có chánh niệm thì ta đã có khả năng chuyển đổi được tình trạng.
Cái Lạy Thứ Ba
Buông Bỏ Hình Hài Và Thọ Mạng
Cái Lạy Thứ Ba có công năng giúp ta vượt thoát sinh tử, buông bỏ ý niệm về hình hài và thọ mạng, chứng nhập Niết bàn. Nếu thực tập thành công hai cái lạy đầu, thì ta đã chạm được thế giới Niết bàn rồi. Nếu thực tập không thành công trong hai cái lạy đầu thì khó mà thành công được trong sự thực tập cái Lạy Thứ Ba. Khi buông bỏ được bản ngã – cái ta và cái của ta (ngã và ngã sở), hòa nhập được vào dòng sinh mạng của tổ tiên, là ta đã chạm tới được Niết bàn. Đây là phép quán niệm hơi thở thứ mười sáu của kinh Quán Niệm Hơi Thở: ‘‘Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ.” Buông bỏ nghĩa là không vướng mắc, bám víu vào bất cứ một đối tượng, một ý niệm nào, nhất là tri giác sai lầm (vọng tưởng) của ta về thực tại. Ta phải buông bỏ tri giác sai lầm của ta đi thì lúc đó mới có cơ hội thấy được sự thật về thực tại. Có một vị Thiền Sư Việt Nam vào thế kỷ thứ ba, tên là Tăng Hội – Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam, đã dạy rằng ta phải thực tập buông bỏ tri giác sai lầm cho rằng hình hài này là tôi, là của tôi; tôi là hình hài này; ngoài hình hài này tôi không có gì hết, tôi là không, là hư vô. Đó là sự thực tập buông bỏ mà Ngài đã nói bằng ngôn ngữ Hán Việt, gọi là Phóng khí xu mạng. Chúng ta đã có cơ hội nhìn sâu và thấy rằng bản chất của ta mênh mông, rộng lớn hơn cái hình hài bé nhỏ này. Những hiện tượng mà ta đang tiếp xúc đều là những biểu hiện của pháp thân ta. Ta là hình hài này, nhưng ta cũng là mây đang bay giữa trời, là con chim non đang hót lảnh lót trên cành cây, là muôn vàn tinh tú xa tít trên trời v.v… Ta là cả vũ trụ bao la. Thấy được như vậy thì tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh chỉ là trò chơi đi trốn đi tìm, không thể động được tới ta.
Có lẽ chúng ta còn nhớ kinh Độ Người Hấp Hối – một bản kinh được ghi chép lại những lời hướng dẫn của Ngài Xá Lợi Phất cho cư sĩ Cấp Cô Độc thực tập trong khi Ông lâm bệnh nặng. Trong kinh, Thầy Xá Lợi Phất mời ông cư sĩ Cấp Cô Độc thực tập thiền quán cùng với thầy: ”Này cư sĩ Cấp Cô Độc, chúng ta hãy cùng thực tập chung với nhau. Thở vào, tôi ý thức rằng thân này không phải là tôi, là của tôi. Thở ra, tôi không bị kẹt vào thầy này. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt.” Thực tập theo lời hướng dẫn như thế, ta tiếp xúc được với Niết bàn, với thế giới không sinh không diệt của ta. Ta thấy bản chất của ta là không sinh không diệt. Hình hài của ta cũng giống như các pháp (đối tượng của nhận thức) khác. Khi các điều kiện (nhân duyên) hội tụ đầy đủ và sự vật biểu hiện thì ta cho là có. Khi có một điều kiện thiếu vắng và sự vật ấy ngưng biểu hiện, ta cho là không. Thực tại vượt thoát cả hai ý niệm: có và không, sinh và diệt. Khi quán chiếu thâm sâu vào lòng thực tại và tiếp xúc được với bản chất Vô thường, Vô ngã và Tương tức của các pháp thì ta được giải thoát, tự do. Khi nhìn vào đám mây và cây cỏ, ta phải nhìn để thấy cho được ta và các pháp ấy không phải là hai thực thể tách rời nhau. Phải thấy rằng ta là một, tương tức với tất cả các pháp. Đó là ý nghĩa của giáo lý mà đức Thế Tôn đã dạy: ”Thử hữu tức bỉ hữu – cái này có vì cái kia có.” Phải tập nhìn mọi sự vật với con mắt Vô thường, Vô ngã, Tương tức, Vô tướng mới chạm tới được bản chất chân thực của thực tại. Tôi đang đứng trên vùng đất của tiểu bang Vermont, miền Đông nước Mỹ, nhưng tôi thấy rằng mình cũng đang đứng trên toàn cõi nước Mỹ mà không cần phải di chuyển đi đâu hết, bởi vì Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Tây Mỹ và Đông Mỹ… tuy tên gọi có khác nhưng tất cả đều dính liền một khối. Tôi đang đứng đây, nhưng tôi cũng đang đứng trên khắp hành tinh này. Cái nhận thức của tôi đã thay đổi. Nếu quý vị vướng vào khái niệm về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa sô-vanh, niềm tin cho rằng đất nước mình là cao hơn các nước khác, giá trị, văn minh hơn các nước khác, thì quý vị chỉ tiếp xúc được với một phần nhỏ của thực tại thôi. Nếu người Do Thái và người Pa-lex-tin thấy rằng vùng đất nơi họ đang sinh sống là của chung, thuộc về tất cả mọi người, thì với tuệ giác đó, họ sẽ đem lại hòa bình, hòa giải, hiểu biết và thương yêu cho nhau. Ta không thể tiếp xúc được với Niết bàn nếu ta hành xử theo thái độ độc quyền, loại trừ, theo cái nhìn nhị nguyên. Chỉ có hành xử với tấm lòng bao dung, thương yêu, ôm lấy tất cả mọi người, ta mới tiếp xúc được với niết bàn, với hạnh phúc chân thật và đem lại hòa bình cho nhau. Nhìn sâu vào lòng sự vật, ta thấy sự Tương quan tương duyên (Tương tức) của chúng. Quý vị không thể loại trừ người Pa-lex-tin ra khỏi người Do Thái và ngược lại. Hạnh phúc và hòa bình chỉ có thể có được khi ta đạt tới tuệ giác Tương tức. Hòa bình chân thực không thể thực hiện được nếu không đạt tới tuệ giác này.
Niết bàn là nền tảng biểu hiện của ta. Giống như nước là nền tảng của sóng. Trong truyền thống giáo lý Cơ Đốc, có giáo lý Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bản chất của Ba Ngôi thực ra chỉ là một. Đó là giáo lý Không (sunyata) – sự trống rỗng của Ba Ngôi. Ngôi này không thể có được nếu không có hai Ngôi kia. Vì thế, đức Ki-Tô vừa là con của Thượng Đế, nhưng cũng vừa là con của con người. Tất cả các pháp đều an trú trong tự tính Niết bàn của nó, tức là trống rỗng, không có thực thể biệt lập. Đó là sự thật của thực tại. Hòa bình, hạnh phúc, hiểu biết và thương yên chân thực không thể có được nếu chúng ta không có khả năng tiếp xúc được với bản chất Vô thường, Vô ngã (tương tức) và Niết bàn. Niết bàn là gì? Niết bàn là sự tắt ngấm tất cả các ý niệm trong đó có các ý niệm về ngã và phi ngã, về ta và về của ta. Khi sử dụng danh từ ”ngã”, ta ý thức rằng cái ngã ấy chỉ được làm bằng những yếu tố không phải ngã – tức là phi ngã; thế giới phát triển được tạo nên bởi thế giới chậm tiến. Các pháp đều tương tức nhau. Tuy ta sử dụng những chữ ‘‘tôi, anh…’’, nhưng ta không bị kẹt vào những từ ngữ và khái niệm ấy; chúng chỉ là những giả danh. Không có cái gì tự nó mà thành lập được. Bước đầu của sự thực tập là buông bỏ ý niệm cho rằng thân này là tôi, là của tôi.
Hòa Vào Dòng Sinh Mạng Của Tổ Tiên
Khi thực tập Ba Cái Lạy, xin quý vị nhớ quán tưởng trong mình có một đứa bé năm tuổi rất mong manh, đã bị thương tích. Đứa bé ấy cũng có thể là cha mình hoặc mẹ mình đã bị thương tích lúc còn nhỏ; những vết thương ấy chưa được chữa trị và họ đã truyền lại cho ta. Bây giờ ta được may mắn gặp chánh pháp, gặp Thầy hay, bạn hiền hướng dẫn, ta biết cách chăm sóc đứa bé bị thương ấy trong ta. Trong trường hợp này, không những ta chữa trị được vết thương cho ta, mà ta chữa trị luôn cho tất cả các thế hệ ông bà, tổ tiên của ta. Các thế hệ tổ tiên của ta vì không may mắn gặp được chánh pháp, gặp được Thầy hay, bạn tốt, nên đã không biết cách chăm sóc, chuyển hóa và chữa trị những niềm đau nỗi khổ của họ và vì vậy họ đã trao truyền lại cho ta. Bây giờ ta có thể nói chuyện với đứa bé bị thương ấy, mỉm cười, ôm ấp và chăm sóc nó mỗi ngày.
Nếu thấy mình có những tâm hành phán xét chính mình và người khác thì nên thực tập nhìn sâu và tiếp xúc với tổ tiên của mình để thấy rằng hạt giống này không phải của riêng mình. Hạt giống này đã được trao truyền lại cho mình qua nhiều thế hệ. Nếu vì thiếu khéo léo mà mình đã gây ra khổ đau thì phải thấy rằng mình không nên gánh chịu trách nhiệm một mình. Tổ tiên của mình cũng chịu trách nhiệm về nỗi khổ niềm đau ấy. Tâm hành tiêu cực là đối tượng của sự trao truyền. Khi ta có khả năng thấy được những hành động không khéo léo ấy là trách nhiệm chung của cả dòng họ tổ tiên, gia đình, xã hội v.v…, thì ta sẽ không tự đày đọa tấm thân của ta như thế. Ta có thể nói: ”Mình biết mình đã gây ra lầm lỗi này cùng với tổ tiên của mình. Bây giờ mình đã được tiếp xúc với giáo pháp của Bụt nên biết cách chăm sóc, ôm ấp và trị liệu. Mình sẽ thực tập hết khả năng của mình để chuyển hóa những năng lượng tập khí này và giải phóng cho mình và cho tất cả các thế hệ tổ tiên của mình.” Ta nguyện sẽ làm hay hơn tổ tiên của ta. Bằng sự thực tập hơi thở, bước chân và nụ cười chánh niệm, bằng phương pháp nhận diện, chăm sóc và ôm ấp, ta có thể chuyển hóa những tập khí chưa hay của ta và của ông bà, tổ tiên ta.
Ta chuyển hóa những vụng về, lầm lỗi trong tâm thức ta. Biết rằng tất cả những lầm lỗi, khổ đau đều do tâm tạo – Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm, đó là câu kệ trong bài kệ Sám Hối. Tâm là một họa sĩ có thể vẽ vời ra tất cả mọi chuyện trên đời. Đây là lời đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Hoa Nghiêm. Trong khi thực tập cái Lạy Thứ Nhất, chúng ta vận dụng tuệ giác về phép trao truyền của tính Không để chọc thủng màng vô minh. Nếu ta có một chứng bệnh nào đó, ta có thể thực tập trở về tiếp xúc với tổ tiên của ta, bởi vì có thể trong dòng họ tổ tiên của ta có những người rất khỏe mạnh, không bị ốm đau, tuổi thọ rất cao, ta có thể cầu cứu họ, xin họ yểm trợ cho ta. Quý vị có thể nói: ”Bà nội ơi, xin bà giúp cháu. Cháu biết bà rất khỏe mạnh.” Thở vào, thở ra cho thoải mái, có chánh niệm và mời gọi những tế bào mạnh khỏe trong cơ thể mình hoạt động mạnh mẽ trở lại để chúng có thể đi tới ôm lấy và chăm sóc những tế bào ốm yếu trong cơ thể. Trong tư thế nằm, ta trở về với hơi thở và cho phép các bắp thịt của cơ thể ta buông thư hoàn toàn để nó có cơ hội được nghỉ ngơi, tự chữa trị, để cho các tế bào khỏe mạnh chăm sóc và chữa trị các tế bào đang ốm đau.
Nếu trong khi thực tập mà cảm thấy mình đã trở thành một, đã hòa nhập vào được dòng sinh mạng của tổ tiên và các thế hệ tương lai, thì sự thực tập của ta đã thành công. Cảm giác cô đơn, cảm giác bị loại trừ trong ta sẽ được tan biến. Đất sẽ ôm lấy tất cả vì ta đã trở thành một với đất. Tất cả chúng ta đều là con trai, con gái của đất. Ta với đất là một và ta thừa hưởng được sức mạnh vô biên của đất. Đất là tổ tiên của ta.
Sống Tỉnh Thức
Ba mươi năm về trước, Hiệp Hội Hòa Giải tổ chức một cuộc họp mặt gồm một số các nhà khoa học trên một ngọn núi thuộc miền nam nước Pháp. Sư Cô Chân Không, nhà nghiên cứu sinh học đã có mặt trong cuộc họp ấy. Họ đã thực tập ngồi thiền, đi thiền và đàm luận với nhau về đề tài môi trường sinh thái. Thời bấy giờ ít có những tổ chức đề cập đến vấn đề môi trường sinh thái. Họ cố gắng gây ý thức về tình trạng nguy hại của môi trường và gởi bản báo cáo tới cho hàng ngàn các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới. Vài tháng sau, họ nhận được trên bốn ngàn chữ ký của các nhà khoa học và đệ trình lên Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc và Hiệp Hội Hòa Giải đã lập ra một tổ chức lấy tên là Đại Đồng và bắt đầu cùng nhau làm việc để gây ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường. Hai năm sau, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức cuộc hội thảo thế giới về vấn đề môi trường tại thành phố Stockholm. Thời gian ấy chúng tôi không thể mường tượng được một ngày nào đó sẽ có những hãng máy bay cấm hành khách hút thuốc trên máy bay. Mỗi khi đi máy bay hoặc đi xe lửa, tôi cảm thấy rất khó chịu khi bị ngồi trong toa xe có những người hút thuốc. Bây giờ ước mơ đó đã được thực hiện, người ta đã giác ngộ. Đã có quá nhiều phi hành khách yêu cầu các hãng máy bay nên cấm hút thuốc và sự yêu cầu đã được thực hiện. Tỉnh thức là điều có thể thực hiện được nếu chúng ta quyết tâm thực tập. Chúng ta thực tập tự giác và giác tha, nghĩa là tự thức tỉnh mình trước, sau đó giúp người khác thức tỉnh. Đây là con đường duy nhất để trả lời, giải quyết cho tình trạng khó khăn, bế tắc. Bây giờ con người đầu tư quá nhiều thì giờ vào vấn đề sản xuất những sản phẩm tiêu thụ. Hiện nay trên các bao thuốc lá người ta đã ghi những câu cảnh báo cho những người hút thuốc ý thức để tự bảo vệ sức khỏe. Đây là hoa trái của sự giác ngộ. Mỗi một cá nhân chúng ta phải tỉnh thức, mỗi một cộng đồng chúng ta phải tỉnh thức và mỗi một dân tộc chúng ta phải tỉnh thức. Chúng ta có thể tiến hành việc thành lập những đạo luật mới để ngăn cấm sản xuất những sản phẩm có tính chất độc hại như vũ khí, súng đạn, phim ảnh và sách báo có chứa đựng đầy dẫy chất liệu thèm khát, tình dục, bạo động và hận thù để bảo vệ cho ta và cho con em của ta, để xây dựng một môi trường sống có hòa bình và an ninh cho bản thân, gia đình, dân tộc và nhân loại.
Tỉnh thức tiếng Phạn là bodhi hay budhi. Bụt là Người Tỉnh Thức – Buddha. Trong ta người nào cũng có hạt giống tỉnh thức, người nào cũng có khả năng hiểu và thương. Cái Lạy Thứ Hai giúp ta tiếp xúc với những yếu tố tích cực, lành mạnh và thánh thiện ấy. Khi tiếp xúc được với những hạt giống tốt, ta sẽ gây được niềm tin cho rất nhiều người quanh ta. Chúng ta phải nâng đỡ nhau, phải thực tập như một tăng thân. Nhìn thấy một tăng thân, một cộng đồng cùng sống chung hòa hợp, tu tập chánh niệm tinh chuyên, ta có niềm tin, niềm hy vọng cho tương lai. Chúng ta không thể để cho các thế hệ tương lai mất đi niềm tin và hy vọng. Họ là sự tiếp nối của chúng ta. Nếu họ mất niềm tin, niềm hy vọng thì chúng ta sẽ mất hết gia tài tâm linh cao quý mà Bụt, Tổ đã gầy dựng qua mấy ngàn năm. Chúng ta phải sống đời sống hàng ngày của ta như thế nào để cho con cháu của chúng ta có một tương lai tươi sáng, đẹp đẽ và an bình.
Chúng ta biết con em của chúng ta đa số xem truyền hình hàng giờ mỗi ngày và tiếp xúc rất nhiều chất liệu bạo động, sợ hãi, thèm khát, hận thù và tuyệt vọng. Công việc của các nhà giáo dục là tạo ra một hoàn cảnh, một môi trường sống nơi mà các em có cơ hội được tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, tươi mát và trị liệu trong tự thân của các em và chung quanh các em. Trong đại chúng đây có rất nhiều giáo chức. Chúng ta nên đến với nhau, pháp đàm cùng nhau; dùng sự thông minh, khôn khéo và khả năng sáng tạo của mình để thực hiện công trình, đồ án nhằm tạo dựng một môi trường học đường có an ninh, hòa bình, nơi mà các em biết sống an lạc, hạnh phúc, thương yêu và nâng đỡ nhau như anh chị em một nhà. Đây cũng là một khía cạnh thực tập về cái Lạy Thứ Hai. Chúng ta phải đề nghị các vị đại diện trong quốc hội của ta thực tập chung với chúng ta và đưa ra những đạo luật để bảo vệ an ninh, hòa bình cho ta và cho con em của chúng ta. Bây giờ là lúc chúng ta cần tới với nhau và tu tập chung trong một nhóm nhỏ, một cộng đồng, một Tăng thân, một thành phố và một dân tộc. Chúng ta không chỉ thực tập riêng rẻ như một cá nhân nữa. Tuệ giác chung (tuệ giác cộng đồng) được làm bằng tuệ giác của từng cá nhân và ngược lại. Cả hai đều phải nương vào nhau mới có đủ sức mạnh, hiểu biết để thấy cho rõ điều gì nên làm và điều gì không nên làm trên bình diện cá nhân, gia đình, quốc gia và quốc tế. Chúng ta cần sự thức tỉnh của cả cộng đồng, dân tộc… Chánh niệm là khí giới của ta. Nếu không có ánh sáng chánh niệm thì những năng lượng tiêu cực như chiến tranh, giết hại, trộm cắp, tà dâm, bạo động và kỳ thị v.v… sẽ tiếp tục xảy ra triền miên khắp mọi nơi. Chánh niệm có công năng giúp ta ý thức được hành động nào cần phải dừng lại và hành động nào cần được tiếp tục phát triển để đem lại an ninh, hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại.
Thế Giới (Lokadhatu) và Pháp Giới (Dharmadhatu)
Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Nếu người thương của ta không có hạnh phúc thì ta cũng không thể hạnh phúc được. Hạnh phúc hay khổ đau đều được tạo tác bởi tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Danh từ thế giới (lokadhatu) và pháp giới (dharmadhatu) diễn tả được thực tại. Lokadhatu diễn tả thế giới của sự tương đối, phân chia, hạn hẹp và những khác biệt; nó thuộc về thế giới Tích môn; trong khi đó, dharmadhatu là thế giới Bản môn, thế giới của Chân như, Bản thể, Tương tức, Vô thường và Vô ngã. Nếu ta bị kẹt vào sự phân biệt, thì thế giới tích môn sẽ có mặt liền lập tức. Trong thế giới tích môn, các pháp trông như có mặt ngoài nhau, riêng lẻ và đơn điệu; ví dụ như mây có mặt ngoài bông hoa, anh có mặt ngoài tôi v.v… Đây là thế giới mà chúng ta đang sống, nếu không khéo nhìn, không có tuệ giác, bị vô minh che lấp, thì ta bị đánh lừa bởi thế giới của tướng trạng – thế giới Tích môn. Chúng ta chia chẻ thực tại ra thành nhiều mảnh nhỏ và cho rằng mình chỉ là một mảnh nhỏ đứng riêng lẻ, đơn điệu, không dính dáng gì đến mọi vật chung quanh. Sở dĩ ta đau khổ vì ta phân biệt, kỳ thị nhau, vì ta bị kẹt vào nhận thức sai lầm mang tính cách đối đãi như: có và không, sinh và diệt, ngã và phi ngã, da trắng và da đen, người theo đạo Hồi và người theo đạo Ấn Độ v.v… Nhà vật lý nguyên tử David Bohn đã sử dụng hai danh từ để diễn tả về sự Tương quan tương duyên của điện tử rất giống với hai danh từ thế giới và pháp giới. Ông ta nói rằng điện tử biểu hiện trên hai bình diện: Tích môn (explicate order), tức là bình diện trong đó mỗi hạt điện tử trông giống như có mặt ngoài những hạt điện tử khác và bình diện Bản môn (implicate order) tức là bình diện trong đó mỗi hạt điện tử đều chứa đựng tất cả các hạt điện tử khác. Cách đây không lâu, một nhóm các nhà khoa học đã khám phá ra rằng hạt nguyên tử (sub-atomic particle) có khối lượng. Từ xưa tới nay chúng ta nghĩ rằng neutrino không có khối lượng. Nhưng với sự thử nghiệm, các nhà khoa học thời bây giờ đã cho thấy rằng neutrino có thể thay đổi và phát ra năng lượng, vì thế nó có khối lượng. Các nhà khoa học rất phấn khởi về sự khám phá này. Tôi nghĩ rằng tuệ giác này đáng lý có thể được khám phá sớm hơn. Nếu quý vị có học giáo lý cái một chứa đựng cái tất cả, thì tại sao neutrino không thể chứa đựng khối lượng và các yếu tố khác được? Theo khái niệm của đạo Bụt về mahabhuta – bốn đại, thì mỗi yếu tố như đất, nước, không khí, lửa, không gian và thức đều chứa đựng tất cả các yếu tố khác trong nó. Khi đạt được cái thấy Tương tức, Vô ngã, về cái một chứa đựng cái tất cả, thì ta tiếp xúc được với pháp giới mầu nhiệm tràn đầy ánh sáng, tình thương và hiểu biết trong ta và chung quanh ta. Pháp giới mầu nhiệm ấy cũng chính là cõi Tịnh Độ hay Nước Chúa. Pháp giới là thực tại trong đó các pháp có mặt trong nhau. Bông hoa được cất chứa trong ánh sáng mặt trời và ánh sáng mặt trời được cất chứa trong bông hoa; cha có mặt trong con và con có mặt trong cha. Cho nên thế giới của pháp giới có rất nhiều ánh sáng. Khi ta bước được từng bước trong pháp giới, thì mỗi bước chân của ta đem lại rất nhiều an lạc và hạnh phúc. Ta phải buông bỏ ý niệm cho rằng thân này là tôi, là của tôi, còn những thân khác không phải là tôi, họ là kẻ thù của tôi. Ta có thể bước vào pháp giới ngay bây giờ và ở đây nếu ta chạm tới được tuệ giác Tương tức và Vô ngã. Khi ta tiếp xúc được với bản chất của Tương tức nơi mỗi người, ta sẽ chuyển hóa được khổ đau và chấm dứt được cái cảm giác cô đơn, trống vắng. Chỉ cần quán chiếu cho sâu sắc là ta thấy được ngay. Nếu ta cứ giam mình trong thế giới của Tích môn, tướng trạng (lokadhatu), cái thế giới mà trong đó các pháp có mặt ngoài nhau, thì đó là điều hết sức đáng tiếc; ta sẽ không bao giờ chạm tới được thế giới của Bản môn – tức là pháp giới (dharmadhatu).
Tâm Hành Xả (upeksha)
Xả là yếu tố thứ tư của bốn tâm thương yêu rộng lớn, là tình thương không điều kiện, không phân biệt, là khả năng ôm lấy tất cả mà không có ý muốn loại trừ. Nhìn vào hai bàn tay này ta thấy hình như bàn tay phải làm hầu hết mọi việc; bàn tay phải đã viết hàng trăm bài thơ, thư pháp, và thỉnh chuông v.v… nhưng nó không bao giờ tự hào. Nó không bao giờ nói với bàn tay trái rằng: ”Mày là đồ vô tích sự. Mày không biết làm thơ, viết thư pháp như tao.” Bàn tay phải có trí tuệ Vô phân biệt, tức là trí tuệ của Xả – upeksha. Nó biết rằng nếu không có bàn tay trái thì nó cũng không làm được gì. Những gì nó thực hiện được cũng nhờ có sự đóng góp, giúp đỡ của bàn tay trái và nó luôn luôn hành xử theo cái thấy ấy. Có một lần tôi muốn treo khung hình lên tường; tay trái của tôi cầm đinh, tay phải cầm búa, thay vì đóng vào đinh, tôi đã đóng nhầm vào bàn tay trái, đau điếng. Lúc đó tay phải lập tức buông búa xuống và ôm lấy bàn tay trái để chăm sóc. Bàn tay phải không cần phải nói một câu xin lỗi nào cả. Đó là cách hành xử rất đẹp. Bàn tay phải thấy mình là một với bàn tay trái và chăm sóc bàn tay trái là phản ứng rất tự nhiên. Trong khi chăm sóc, bàn tay phải không có một mảy may phân biệt và nghĩ rằng: ”Tao là bàn tay phải. Tao đang chăm sóc, giúp đỡ mày đấy. Mày phải nhớ để sau này trả ơn cho tao.” Bàn tay phải đã thực tập tình thương không điều kiện, không phân biệt, tình thương theo tuệ giác Vô ngã, Tương tức. Rất mầu nhiệm. Cơ thể của ta vốn có sẵn trí tuệ vô phân biệt – nirvikalpajnana. Chúng ta có thể phát triển trí tuệ Vô ngã, Tương tức, Vô phân biệt để làm hướng đạo cho ta trong đời sống hàng ngày. Chúng ta phải tập nhìn bằng con mắt thương yêu, bằng con mắt không phân biệt, không kỳ thị như cách hành xử của bàn tay phải đối với bàn tay trái. Chúng ta hãy hành xử theo tinh thần vô phân biệt đối với anh chị em, đối với cha mẹ, con cái và bè bạn của ta. Người Ấn Độ Giáo và người Hồi Giáo, người da trắng và người da đen, người Do Thái và người Pa-lex-tin phải đối xử với nhau theo tinh thần của trí vô phân biệt. Chỉ có trí tuệ Vô phân biệt mới có khả năng lấy đi nỗi sợ hãi, nghi kỵ và đem lại hòa bình, tình thương chân thật cho cả hai nước và cho nhân loại. Bàn tay phải và bàn tay trái không hề chống đối, sợ hãi hay hận thù nhau. Với trí tuệ Vô phân biệt, bàn tay phải và bàn tay trái biết là chúng tương quan tương duyên với nhau, có mặt trong nhau. Những gì xảy ra cho bàn tay phải cũng đồng thời xảy ra cho bàn tay trái. Phép thực tập chánh niệm – dừng lại và nhìn sâu là con đường duy nhất để giúp ta tiếp xúc với bản chất Tương tức, Tương nhập của các pháp, cái thấy này làm phát khởi trí tuệ Vô phân biệt trong ta. Nếu hành xử theo tinh thần Vô phân biệt trí, ta sẽ tạo dựng được an lạc và hạnh phúc cho ta, cho gia đình ta, cho xã hội và thế giới.
Mười lăm năm trước tại trung tâm Thiền Tassajara, lần đầu tiên tôi được nếm cái bánh qui làm bằng bơ đậu phụng. Tôi rất thích. Vì thích quá nên tôi đã học cách làm bánh qui đậu phụng. Tôi tưởng tượng khi những chiếc bánh qui đang được nướng trong lò, chúng có thể so đo, kỳ thị nhau và xô đẩy nhau như muốn nói với nhau rằng: ”Tránh ra để tao đi vào giữa. Mày không xứng đáng được đứng ở vị trí đó.” Chúng không biết rằng chúng vốn có cùng một bản chất, chúng có mặt trong nhau. Không phải chỉ có những chiếc bánh qui hành xử với nhau như vậy, mà có thể chúng ta cũng hành xử với nhau không khác gì những chiếc bánh qui kia. Đó là vì chúng ta không tiếp xúc được với bản chất đích thực của mình. Bản chất đích thực của chúng ta là Tương tức, Vô ngã. Nhưng chúng ta đã không biết sử dụng trí tuệ Vô phân biệt trong ta để nhìn mọi sự mọi vật đúng như thật.
Có bốn yếu tố của tình thương chân thật, gọi là Tứ vô lượng tâm. Yếu tố thứ nhất là Từ – maitri, khả năng hiến tặng niềm vui và hạnh phúc. Yếu tố thứ hai là Bi – karuna, khả năng làm vơi nhẹ, chuyển hóa khổ đau và u sầu. Yếu tố thức ba là Hỷ – mudita, khả năng sống an vui, tươi mát và giúp người khác sống tươi vui, nhẹ nhàng, lấy cái vui của người làm cái vui của mình. Tình thương chân thật phải có khả năng đem lại niềm vui cho chính mình. Nếu khóc lóc, than trách suốt ngày suốt đêm thì ta biết rằng đó không phải là tình thương đích thực. Yếu tố thứ tư là Xả – upeksha, khả năng thương yêu đồng đều, không phân biệt, không loại bỏ một ai. Khi ta thật sự thương người nào, thì trong tâm ta không có chất liệu phân biệt, kỳ thị giữa ta và người ta thương; ta trở thành một với người đó. Chỉ có trí tuệ Vô phân biệt, trí tuệ bình đẳng ta mới thương được một cách toàn hảo, chân thật và tẩy sạch được những cấu uế của khổ đau, tri giác sai lầm và sự kỳ thị, phân biệt trong ta. Càng thương ta càng có nhiều không gian và người thương của ta cũng có nhiều không gian. Nếu trong bản chất thương yêu của ta không có chất liệu Xả thì đó chưa phải là tình thương đích thực, ta cần phải nhìn lại và thực tập thêm. Tình thương được căn cứ trên những ý niệm về ngã, nhân, chúng sanh, về trong và ngoài, một và khác v.v… thì tình thương ấy chưa phải là tình thương đích thực, chưa phải là tình thương sâu sắc và độ lượng theo tinh thần của Tứ vô lượng tâm.
Buông Bỏ Ý Niệm Ngã
Các nhà tâm lý trị liệu có thể học được rất nhiều về giáo lý này. Mục tiêu của ngành tâm lý trị liệu là khôi phục lại một con người cường tráng, khỏe mạnh từ thể chất đến tinh thần. Mặc dầu quý vị có một thể chất và tinh thần khỏe mạnh, cường tráng, quý vị cũng sẽ khổ nếu bị kẹt vào ý niệm về ngã. Hạnh phúc chân thật chỉ có thể có mặt khi quý vị buông bỏ được ý niệm về ngã. Nếu ý niệm về ngã của quý vị còn mạnh mà quý vị đang thương yêu và sống chung với người nào thì càng thương, quý vị càng tạo ra nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa ta và người. Khi buông bỏ được cái bản ngã và trở thành một với người ta thương, tức là ta đang thực tập Vô ngã. Thực chứng được Vô ngã thì hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu trong ta sẽ tăng tiến không thể lường được. Ta phải thực tập nhìn sâu để thấy cho được bản chất Tương tức, Vô ngã của các pháp và để thấy rằng ngã chỉ được làm bằng những yếu tố không phải ngã – tức là Vô ngã. Tuệ giác Vô ngã sẽ nâng cao phẩm chất của sự trị liệu và chuyển hóa rất lớn cho đời sống, giúp ta vượt thoát sinh tử và đạt tới tự do lớn. Thiền sư Tăng Hội có dạy rằng ta phải thực tập buông bỏ ý niệm về thọ mạng (Phóng khí xu mạng). Ta tin rằng mình bắt đầu sinh vào giờ đó, ngày đó, năm đó, rồi người ta cấp cho tờ giấy khai sinh và sau này khi ra đi (chết), người ta cấp cho tờ giấy khai tử. Ta phải buông bỏ khái niệm cho rằng mạng sống của ta chỉ kéo dài khoảng bảy mươi, tám mươi hoặc chín mươi năm, hoặc vì ta mắc bệnh nan y và bác sĩ cho biết rằng ta chỉ có thể sống thêm hai năm nữa, sau đó ta sẽ không còn, sẽ trở thành hư vô, đoạn diệt. Chúng ta phải buông bỏ ý niệm rằng ta từ không mà trở thành có và tới một thời điểm nào đó ta sẽ từ có mà trở thành không, thành hư vô, đoạn diệt. Những ý niệm này không thể áp dụng được vào thực tại. Thực tại vượt thoát ý niệm có – không, còn – mất, đến – đi, sinh và diệt.
Chúng ta đã thực tập quán chiếu vào bản chất của một tờ giấy và thấy rằng tờ giấy không phải từ không mà trở thành có, nói cách khác tờ giấy không thể tự nó mà có mặt. Trước khi trở thành tờ giấy, nó đã biểu hiện dưới nhiều hình thái khác của sự sống rồi như cây rừng, ánh nắng mặt trời, đám mây, đất, nước, mưa, thời gian, không gian, tâm thức v.v… Nếu ta lấy một trong những yếu tố ấy ra khỏi tờ giấy, thì tờ giấy không biểu hiện được. Tờ giấy có tràn đầy tất cả mọi yếu tố, trừ một yếu tố mà thôi, đó là thực thể riêng biệt, là tự ngã. Ta đã đốt tờ giấy với hy vọng là có thể biến tờ giấy thành không, thành hư vô, nhưng không thể làm được. Tờ giây đã chuyển thành những hình thái khác của sự sống như khói, hơi ấm hòa nhập vào vũ trụ và tro giấy sẽ được ủ thành phân xanh, rồi một ngày kia sẽ biến thành đóa hoa nở tươi trước sân nhà… Những ý niệm của ta về có và không, sinh và diệt đều chỉ là những ý niệm và ta phải thực tập buông bỏ. Chúng không thể áp dụng được vào thực tại. Thiền Sư Tăng Hội đã nói rằng bản chất của ta chưa bao giờ từng sinh và cũng sẽ không bao giờ diệt. Sự sống chỉ là sự biểu hiện và tiếp nối.
Ta biết rằng sức nóng làm cho nước bốc hơi tạo thành mây; vì vậy mây không phải từ không mà trở thành có, không thể tự nó mà có được. Nhìn kỹ vào đám mây đang bay lơ lững giữa trời, ta có thể thấy được kiếp sống trước (tiền kiếp) của mây. Khi gặp khí lạnh, mây chuyển sang đời sống mới, đó là mưa. Mây không thật sự chết, mây chỉ chuyển thành mưa và tiếp tục đời sống mưa. Làm mây đã đẹp, mà làm mưa cũng đẹp, mầu nhiệm không kém. Mây không kinh sợ, hoảng hốt tí nào khi chuyển thành mưa, ngược lại mây tấu lên khúc nhạc trầm hùng hoặc nhẹ nhàng, thanh thoát trong khi thấy mình đang chuyển thành mưa. Làm mây bay thảnh thơi trên không gian cũng mầu nhiệm, hạnh phúc, mà làm mưa rơi xuống đất và hòa nhập vào thành một với những dòng sông, ruộng đồng, cây cỏ cũng mầu nhiệm, đẹp đẽ và hạnh phúc không kém. Không có gì sinh, không có gì diệt. ”Xá Lợi Tử nghe đây, Thể mọi pháp đều Không, không sinh cũng không diệt, không nhơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt…” Đó là những câu kinh trong Tâm Kinh Bát Nhã mà chúng ta tụng đọc mỗi ngày. Những khái niệm về tạo sinh và đoạn diệt đều bị bốc cháy. Không phải chỉ có đức Bồ Tát Quán Tự Tại mới thốt lên những lời như thế, mà các nhà khoa học qua sự khám phá cũng đã nói lên tuệ giác ấy bằng một loại ngôn ngữ tương tự. Nhà khoa học người Pháp tên Lavoisier đã nói như thế về bản chất của vật thể và năng lượng. Ông ta nói rằng: ”Không có gì sinh, không có gì diệt.” Tuy ông ta có thể chưa bao giờ học Phật, nhưng ông ta đã nói lên những khám phá của mình không khác gì những lời trong Tâm Kinh Bát Nhã. Các pháp vốn không sinh, không diệt, mà chỉ có sự biểu hiện. Đôi khi ta gọi là tái sinh hoặc sinh ra trở lại, nhưng kỳ thực danh từ biểu hiện là chính xác nhất.
Thấy được như vậy thì sinh và diệt không động được tới ta, ta hoàn toàn tự do. Bản chất của ta là không sinh, không diệt. Ta thực chứng được bản chất chân thực của ta bằng sự thực tập quán chiếu và tiếp xúc sâu sắc với thực tại. Đây là con đường thực tập duy nhất để chuyển hóa những tâm hành sợ hãi của ta. Nếu có cái thấy chân chính và xác thực như thế về thực tại, ta sẽ được giải phóng từ những buồn khổ, sợ hãi về có và không, sinh và diệt, đến và đi, còn và mất, thành và hoại. Đức Thế Tôn đã nói tất cả các tâm hành sợ hãi và thèm khát đều phát sinh từ vô minh – tức là không có sự sáng suốt – tuệ giác. Nhờ có sự sáng suốt mà ta đạt được giải thoát, tự do. Nhưng sự sáng suốt không thể có được nếu ta không thực tập nhìn sâu (quán chiếu). Nhìn sâu là khía cạnh thứ hai của thiền tập, gọi là thiền quán. Xin nhắc lại, thiền được làm bằng hai yếu tố: Chỉ và Quán. Trước hết ta thực tập dừng lại – Chỉ; ta làm cho những hoạt động của thân và tâm ta lắng yên trở lại, thiết lập chánh niệm và chánh định vững vàng và sau đó thực tập nhìn sâu – quán chiếu để thấy được bản chất đích thực của thực tại. Nếu quá bận rộn trong đời sống hàng ngày, không có thì giờ, cơ hội để thực tập chánh niệm, vun trồng định lực để có khả năng tiếp xúc sâu sắc với thực tại mầu nhiệm – thực tại của không sinh không diệt, không có không không, không tới không đi… vốn là những lời dạy cao thâm của truyền thống đạo Bụt, thì thật là thiệt cho ta.
Buông Bỏ Hình Hài và Thọ Mạng
(Phóng Khí Xu Mạng)
Thiền Sư Tăng Hội có dạy chúng ta về sự thực tập buông bỏ (Phóng khí xu mạng), buông bỏ ý niệm rằng mình chỉ giới hạn trong hình hài này. Buông bỏ ý niệm cho rằng thọ mạng của mình chỉ kéo dài khoảng năm mươi năm. Phải thực tập nhìn sâu để thấy rằng mình không chỉ giới hạn trong cái hình hài một thước mấy này, mấy chục kí lô này, mình cũng là đám mây đang bay thong dong giữa trời, là mưa, là ánh nắng mặt trời, là bông hoa, rừng cây, là thời gian, không gian vô tận, là tâm thức v.v… và tiếp xúc với thực tại không sinh không diệt của mình. Phải khéo sử dụng trí thông minh trong đời sống hàng ngày, nương tựa Tăng thân và sự thực tập nhìn sâu để tiếp xúc được thực tại nhiệm mầu ấy của chính tự thân. Tôi biết có những người đã thực tập quán chiếu, tiếp xúc với giây phút lâm chung (hấp hối) của họ với tâm niệm hoan hỷ, hiểu biết và an vui.
Khi còn là một sư chú sa di trẻ, trong khi thiền quán về cây chuối tôi khám phá ra một điều rất lý thú. Nếu muốn, quý vị có thể quán tưởng về một cây chuối non có ba tàu lá. Tôi nhìn sâu vào tàu lá thứ nhất và thấy nó bung ra toàn vẹn; tàu lá thứ hai vẫn còn cuộn tròn; tàu lá thứ ba còn nhỏ xíu nằm trong lòng hai tàu lá kia, tôi gọi là tàu lá chuối út. Tàu lá lớn nhất là tàu lá chị đã phơi bày toàn thân lá của mình giữa nắng, mưa và vui sống, tận hưởng trọn vẹn đời sống của mình như một chiếc lá. Trong khi phơi bày toàn diện thân lá của mình như thế thì lá chị cũng đang làm một điều rất có ý nghĩa, đó là tiếp nhận ánh sáng mặt trời (quang tử), nước mưa, nhựa sống, chất khoáng để nuôi lớn các lá em và thân cây chuối. Lá chị thấy rằng mình và các lá em của mình là một. Tuy ba lá biểu hiện lớn bé khác nhau, nhưng tất cả đều sinh ra từ một thân cây chuối. Chiếc lá thứ nhì cũng làm như thế đối với lá em út của mình. Nó cố gắng phơi bày toàn diện thân lá của nó để tiếp nhận ánh sáng mặt trời, nước mưa và tận hưởng sự sống như lá chị của mình. Nó ca hát, múa reo mỗi khi có gió lay động. Nó cũng giúp cho lá em út phát triển và lớn lên. Với trí tuệ Vô phân biệt, chiếc lá đầu và chiếc lá thứ nhì đều thấy mình có mặt trong chiếc lá út, mình và lá út là một, tương tức. Tới khi chiếc lá đầu sắp bị tàn úa, khô héo, nó không than khóc, ưu sầu, khổ não bởi vì nó thấy rằng bây giờ nó đang sống trong hai chiếc lá em. Lá em đang tiếp nối sự sống của mình. Phần khô héo của thân lá sẽ trở về lại với đất, làm màu mỡ cho đất và biến thành phân xanh, chất dinh dưỡng để nuôi thân cây chuối và nuôi các lá chuối non khác trong đó có hai lá chuối em. Lá chuối chị hoàn toàn tự do.
Cũng như chiếc lá chuối chị, đời sống của ta cũng có một ý nghĩa nào đó. Chúng ta có mặt trên cõi đời này để thực hiện một điều gì đó rất sâu xa. Trong khi tận hưởng đời sống của mình, chiếc lá đồng thời nuôi dưỡng các em của mình và trao truyền tất cả niềm vui, niềm hy vọng, hạnh phúc, những yếu tố tốt đẹp nhất hay nói cách khác, toàn thể bản chất, tinh anh của mình cho các em. Rồi các em tiếp tục công việc của mình, giúp mình chăm sóc, nuôi dưỡng các em trong thế hệ kế tiếp. Nhờ trí tuệ Vô phân biệt mà chúng ta biết thương yêu, chăm sóc nhau, không ghen tỵ, đấu tranh, hận thù và loại trừ lẫn nhau. Chúng ta không bị kẹt vào ý niệm ngã; nhờ vậy mà có thể sống hòa điệu với nhau như anh chị em một nhà. Khi tôi hướng dẫn cho em gái của tôi tu tập, tôi không tự đặt mình vào cương vị của một vị thầy và xem em gái tôi là học trò. Tôi có thể trao truyền những cái đẹp nhất của đời mình cho em gái tôi bởi vì tôi thực tập giáo lý buông xả, bao dung, không phân biệt, giáo lý về Không, Vô ngã, Tương tức trong sự trao truyền. Theo giáo lý này, ta thấy không có người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận. Sự trao truyền xảy ra một cách tự nhiên, âm thầm bởi nó được thực hiện trong tinh thần Xả – tức là không phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. Cái đó gọi là Vô phân biệt trí hay Bình đẳng tánh trí. Mỗi tế bào của cơ thể ta chứa đựng tất cả các thông tin mà ta cần biết về vũ trụ. Mỗi tế bào chứa đựng tất cả các thông tin, dữ kiện về gốc gác của dòng họ tổ tiên ta trong đó gồm có con người và những yếu tố không phải con người như cỏ cây, cầm thú, đất đá, xã hội, văn hóa, văn minh. Đó là giáo lý cái một chứa đựng cái tất cả. Chúng ta phải buông bỏ ý niệm về một và khác. Đây là bài tập của phép quán niệm hơi thở thứ mười sáu trong kinh Quán Niệm Hơi Thở mà Bụt đã chỉ dạy. Chúng ta phải thực tập buông bỏ những khái niệm, ý niệm và những tri giác sai lầm của ta để chạm tới cho được cái thực tại của chính nó. Niết bàn là sự tắt ngấm của tất cả các ý niệm, khái niệm. Tất cả mọi khổ đau đều phát sinh từ những tri giác sai lầm (vọng tưởng) của ta. Chúng ta tuyệt vọng, thù hận nhau là do vô minh. Ta không hiểu bản chất của ta và người là Vô ngã, Tương tức, do đó cứ sống trong sự hẹp hòi, kỳ thị và phân biệt. Thiền tập trước hết là ngồi cho thật yên, chánh niệm tỉnh giác bên bờ sông của tri giác và quán sát những dòng chảy của tri giác. Nếu hiểu được bản chất của những tri giác ta sẽ được giải thoát, tự do. Nếu ta có khả năng buông bỏ những tri giác sai lầm của ta, thì thực tại sẽ hiển lộ một cách tròn đầy và mầu nhiệm. Ta sẽ thấy rằng mình thuộc về thực tại mầu nhiệm, thuộc về thế giới không sinh không diệt. Chúng ta sẽ tiếp tục học về phép quán niệm hơi thở thứ mười bốn của kinh Quán Niệm Hơi Thở – quán chiếu về sự không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Đây là phép thực tập rất quan trọng. Khi biết được bản chất đích thực của đối tượng tham cầu, thèm khát của ta, ta sẽ ngưng được mọi sự tham cầu và vướng mắc; ta hoàn toàn tự do và đạt tới hạnh phúc lớn.