12. Chuyển hóa khổ đau
Chương 12
Chuyển hóa khổ đau
Quay về nương tựa
Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần.
Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thân tâm.
Năm Uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần.
Thở vào, thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang.
Bài kệ này có công năng đưa ta về với quê hương đích thực của ta. Đức Thế Tôn có dạy rằng chúng ta ai cũng có một hải đảo của tự thân và khi trở về nương tựa nơi hải đảo ấy thì ta sẽ được yên ổn, được bảo hộ. Nơi hải đảo tự thân, ta tiếp xúc được với năng lượng của Bụt, tức là ánh sáng của Niệm, Định, Tuệ và tình thương; những nguồn năng lượng này chiếu soi vào mọi hoàn cảnh, ngõ ngách và giúp ta thấy được sâu sắc gốc rễ của mọi sự mọi vật, giúp ta ý thức được điều gì nên làm và điều gì không nên làm để xây dựng hạnh phúc, đem lại tình thương yêu cho nhau. Thực tập thở trong chánh niệm, ta có thể tiếp xúc được với chất liệu pháp sống ngay nơi hải đảo tự thân. Nếp sống chánh niệm cụ thể được thể hiện qua hơi thở, bước chân, ăn cơm, mỉm cười, v.v… là những pháp sống đích thực. Chánh niệm là nguồn năng lượng có công năng bảo hộ thân tâm. Chánh niệm là Bụt có khả năng soi sáng xa gần, giúp ta ý thức được cái gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta.
Ta có thể tiếp xúc được năng lượng của Tăng ngay trong năm uẩn của ta, tức là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Năm uẩn thường xung khắc với nhau, nhưng với hơi thở chánh niệm, ta có thể làm cho năm yếu tố này phối hợp một cách nhịp nhàng, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, sợ hãi và xung đột, đem lại an bình cho thân tâm. Khi ta đã tiếp xúc được với năng lượng của Bụt, Pháp và Tăng, thì tự nhiên ta được yên ổn, được bảo hộ, ta không còn bị trấn ngự bởi năng lượng tiêu cực của sự bất an, bối rối, tuyệt vọng và sầu khổ nữa. Hơi thở chánh niệm có công năng rất mầu nhiệm, nó có thể đưa ta trở về nương tựa nơi hải đảo tự thân. Mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc, tôi thực tập theo bài kệ này và tôi luôn luôn thấy rất hữu hiệu. Ngồi trên phi cơ, tôi thực tập thở vào và thở ra theo bài kệ này vì nghĩ rằng chiếc máy bay này có thể bị trục trặc bất cứ lúc nào. Tôi thấy đó là điều quan trọng nhất tôi cần phải làm. Phép thực tập này rất thực tiễn và mầu nhiệm. Nó đã cứu được rất nhiều người. Nó là Pháp bảo. Quý vị có thể học thuộc lòng bài kệ này để thực tập trong khi lái xe, nấu ăn, ăn cơm hoặc rửa dọn v.v… Trong khi nhai thức ăn, quý vị cũng có thể nhai theo bài kệ nầy và an trú nơi hải đảo tự thân của chính mình. Thân, tâm và thức ăn trở thành một mối. Quý vị có thể thực tập Đã về đã tới trong từng giây phút trong suốt bữa ăn, về với quê hương đích thực, về với Tịnh Độ hiện tiền. Nơi đây, quý vị sẽ cảm thấy mình đang được bảo bọc bởi Tăng thân và đang được thấm nhuần bởi năng lượng chánh niệm của Tăng thân. Đồng thời, quý vị cũng đang chế tác ra năng lượng chánh niệm hùng hậu và cống hiến cho Tăng thân làm cho phẩm chất tu tập của Tăng thân được nâng cao.
Bài kệ này đã được phổ nhạc bằng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác. Trong chuyến đi Trung Quốc năm 1995, chúng tôi đã dịch bài kệ này ra chữ Hán. Ở Đài Loan, chúng tôi đã dạy cho các em thiếu nhi hát. Tôi cũng dạy những câu thần chú (mantras) thực tập chánh niệm cho các cháu thiếu nhi ở Nhật Bản. Các cháu thiếu nhi Trung Hoa đã viết những câu thần chú bằng tiếng Trung Hoa và treo lên tường để thực tập. Đây là những câu thần chú mà tôi đã dạy cho các cháu:
1. “Mẹ ơi, con đang có mặt đây cho mẹ nè.”
2. “Mẹ ơi, con biết mẹ đang có mặt đó với con và con rất sung sướng, hạnh phúc.”
3. “Mẹ ơi, con biết mẹ đang khổ. Con có mặt cho mẹ đây.”
4. “Mẹ ơi, con đang khổ. Xin mẹ giúp con.”
Quý vị có thể viết bốn câu thần chú này vào một mảnh giấy theo lối viết thư pháp với những nét chữ thật đẹp rồi treo lên trên tường tại phòng khách để nhớ mà thực tập mỗi ngày.
Chúng ta đã được học về giáo lý Vô thường, Vô ngã, Tương tức và Niết bàn. Tiếp xúc với Niết bàn không phải là một ý niệm mơ hồ, trừu tượng. Theo giáo lý này thì ta có thể tiếp xúc được với Niết bàn ngay trong đời sống hàng ngày của ta. Đức Thế Tôn có nói rằng chúng ta có thể tiếp xúc được với Niết bàn ngay nơi tự thân của ta. Chúng ta có thể chứng nghiệm bản chất vô thường ngay trong khi ta thở vào và thở ra. Chúng ta cũng có thể tiếp xúc được với thực tại của Niết bàn ngay trong hơi thở vào và hơi thở ra; điều này cũng dễ như khi ta chứng nghiệm bản chất Vô thường với hơi thở vào và hơi thở ra của ta. Cũng giống như khi tiếp xúc với sóng và nước. Khi tôi mời quý vị thở vào và tiếp xúc với đợt sóng, thì quý vị tự tin rằng mình có thể làm được. Nhưng khi tôi mời quý vị thở vào và tiếp xúc với nước trong đợt sóng, thì có thể quý vị sẽ cảm thấy hơi khó. Sự thực là sóng và nước là một; sóng chính là nước và nước chính là sóng. Sóng và nước tương tức. Vô thường và Niết bàn là một. Bản chất của các pháp là Vô thường, Vô ngã và Tương tức. Nếu quý vị tiếp xúc sâu sắc với thế giới Tích môn – thế giới hiện tượng, thì đồng thời quý vị sẽ tiếp xúc được với thế giới Bản môn – nền tảng của tất mọi sự biểu hiện.
Trong các kinh đại thừa, đặc biệt trong kinh Đại Bát Niết Bàn hoặc trong kinh Pháp Hoa, chúng ta thường tìm thấy những lời dạy rất thâm sâu như câu: Tất cả các pháp thường an trú trong bản tính Biết bàn của nó, bản tính không sinh không diệt của nó – Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng. Ta đang an trú trong bản tính niết bàn. Bản tính niết bàn là bản tính không sinh không diệt, không có không không, không đến không đi, không một không khác, bởi vì Niết bàn nghĩa là sự tắt ngấm, là sự vắng lặng của tất cả các ý niệm. Tất cả các pháp đều mang cùng một bản chất của không sinh không diệt. Sinh và diệt chỉ là những tri giác, những ý niệm chứ không phải là thực tại. Chúng ta biết rằng không có gì từ không mà trở thành có, không có người nào tự mình mà có được. Và không có cái gì tự nó biến thành không, thành hư vô; cái có không thể trở thành cái không. Như tôi đã nói lần trước: ”Có (hữu) hay Không (vô) không phải là vấn đề”; vấn đề là ta phải có khả năng tiếp xúc cho được với bản chất Tương tức, Vô ngã, Không sinh không diệt của các pháp, như vậy ta mới vượt thoát được ý niệm về sinh diệt, có không, còn mất v.v…
Chúng ta có ý niệm về đến và đi. Ta thường tự hỏi: Ta từ đâu đến? Ta có mặt ở đây để làm gì? Ta sẽ đi về đâu? Đây là những câu hỏi khó. Theo giáo lý Niết bàn thì ta không từ đâu tới cả và ta sẽ không đi về đâu cả. Khi nhân duyên hội tụ đầy đủ thì ta biểu hiện; khi nhân duyên thiếu vắng thì ta ẩn tàng. Ta không còn có khái niệm, nhận thức về có hay không nữa. Có thể ta cho rằng ta thật sự không còn nữa, ta đoạn diệt. Trong nhiều kinh, Bụt có nói rằng khi nhân duyên hội tụ đầy đủ thì các pháp biểu hiện. Ta nghĩ rằng khi một pháp sinh khởi thì ta cho là có. Và khi có một điều kiện thiếu vắng, pháp ấy ẩn tàng, thì ta cho là không, là hư vô, đoạn diệt. Ví dụ trong không gian của thiền đường này hiện có rất nhiều tín hiệu (sóng), có rất nhiều làn sóng như chương trình vô tuyến truyền hình, màu sắc, hình ảnh và âm thanh v.v… Bởi vì ta không có các loại khí cụ máy móc để bắt những làn sóng, những tín hiệu này và ta cho rằng trong thiền đường này không có gì hết. Nếu có cái máy vô tuyến truyền hình ở đây, ta mở lên thì sẽ thấy chương trình truyền hình, phim ảnh, màu sắc và âm thanh vang dội khắp thiền đường. Ta không thể nói rằng những tín hiệu không có chỉ vì ta không thấy chúng biểu hiện. Nhận thức của ta luôn luôn là như vậy, rất giới hạn. Đó là nhận thức sai lầm cần phải lấy đi. Những danh từ như có/không, sinh/diệt, đến/đi chỉ là những ý niệm. Chúng không phù hợp với thực tại. Thực tại vượt thoát những ý niệm ấy.
Cặp ý niệm đối đãi khác là một/khác, nhất/dị. Ta cho rằng thực tại được làm bằng hai chất liệu một và khác, nhưng theo tuệ giác Tương tức và Vô ngã, thì thực tại vượt thoát ý niệm ấy. Tâm thức ta được làm bằng hai đặc tính: tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Có thể ta nghĩ rằng tâm thức cộng đồng hoàn toàn đứng biệt lập với tâm thức cá nhân, nhưng sự thật là cả hai đều tương quan tương duyên với nhau. Có thể ta phân vân rằng không biết sự chuyển hóa tận gốc (chuyển căn) là chuyển tâm thức cá nhân hay chuyển tâm thức cộng đồng, trong khi sự thực là hai cái tương tức với nhau, chúng không thể tách rời nhau. Vì vậy khi tâm thức cá nhân được chuyển hóa thì tâm thức cộng đồng cũng được chuyển hóa và ngược lại. Cái này chuyển thì cái kia chuyển. Cái kia chuyển thì cái này chuyển. Do đó ta đi tới tuệ giác là không phải một cũng không phải khác – Phi nhất phi dị.
Cái Nhìn Bất Nhị
Chúng ta hãy nhìn lại ý niệm trái và phải của ta. Ta không thể cho rằng phải không phải là trái. Phải là phía đối lập của trái. Thậm chí chúng ta còn dùng những từ ngữ như ”cực phải” và ”cực trái.” Những nhà chính trị thuộc phái tả thường muốn phái hữu bị tiêu diệt và ngược lại. Nhưng nếu một bên bị tiêu diệt, thì bên kia cũng không thể tồn tại. Khi chúng ta cắt cái bánh ra làm hai phần, thì hai đầu ở điểm cắt tự khắc trở thành bên trái và bên phải. Vậy thì đâu thật sự là phải và đâu thật sự là trái? Chúng ta nghĩ rằng trái và phải bị tách rời nhau bởi một đường cắt. Nhưng trên thực tế thì trái và phải lúc nào cũng có mặt bên nhau. Nếu nhìn cho kỹ, ta thấy rằng không có con đường cắt nào cả, bởi vì nếu nó tiếp tục di chuyển qua bên trái hoặc qua bên phải, thì hai bên sẽ gặp nhau ở một điểm trong không gian. Để cho cái thấy của ta gần đúng với sự thật hơn, ta nên nhìn để thấy cho được rằng điểm nào trên đường cắt cũng chứa đựng trái và phải. Nhưng nếu quán chiếu sâu hơn nữa, ta sẽ khám phá ra rằng thực ra không có trái cũng không có phải. Trái và phải chỉ sinh khởi do nhận thức sai lầm của ta mà thôi. Bởi vì nhìn sâu vào phải ta thấy trái, vì trái được làm bằng yếu tố của phải và ngược lại. Đó gọi là cái nhìn Tương tức, cái nhìn Bất nhị. ”Cái này có vì cái kia có. Cái này không vì cái kia không. Cái này sinh vì cái kia sinh. Cái này diệt vì cái kia diệt.” Thực tại vượt thoát ý niệm trái và phải, có và không, sinh và diệt. Mỗi điểm trên con đường từ thành phố Boston đến thành phố New York đều chứa đựng cả hai thành phố Boston và New York. Nếu chúng ta nhìn về hướng thành phố Boston, thì nơi mình đang đứng đã chứa đựng thành phố Boston. Và nếu mình quay về phía thành phố New York, thì thành phố New York đã có mặt ngay nơi chỗ mình đang đứng rồi. Cũng như sinh và diệt; nếu nhìn sâu vào bản chất của diệt, ta thấy được sinh. Sinh và diệt làm ra nhau. Nhưng trong đời sống hàng ngày ta có khuynh hướng chia chẻ thực tại ra làm nhiều mảnh dẫn đến những cái thấy sai lạc (điên đảo, vọng tưởng); vì có cái thấy sai lạc nên ta đi tới những hành động sai lạc và gây ra rất nhiều khổ đau cho ta và cho mọi người, mọi loài quanh ta. Chúng ta phải thay đổi cách nhìn của ta về thực tại; tập nhìn với con mắt bất nhị, tương tức, vô ngã để vượt thoát những cặp đối đãi, những ý niệm không phù hợp với thực tại. Cái thấy như thế gọi là cái thấy chân chính (chánh kiến), cái thấy vô phân biệt; cái thấy này có công năng giúp ta tiếp xúc được với thực tại như chính nó, tức là chân như của ta.
Mắt Tăng
Dưới đây là những câu hỏi rất hay, rất thực tế mà tôi đã nhận được từ các vị thiền sinh có mặt trong khóa tu này, có thể dùng để nói lên vai trò và tầm quan trọng của Tăng.
Câu hỏi: ”Có một công nhân trong công ty nhỏ trở nên hoàn toàn vô dụng. Sự vô dụng của ông sẽ ảnh hưởng tới sự tụt lùi trong quá trình phát triển của công ty và có thể dẫn tới thất bại. Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để giúp ông ấy làm việc hiệu quả hơn, nhưng không thành công. Chúng tôi có nên đuổi việc ông ấy hay không?
Trả lời: Các câu trả lời cho những vấn đề này được xuất phát từ kinh nghiệm tu tập của tôi trong đời sống Tăng thân. Tôi thường dạy các đệ tử của tôi tập làm các quyết định như một Tăng thân. Trong truyền thống đạo Bụt, tất cả mọi sự việc đều phải được giải quyết bởi Hội đồng Tỳ kheo – những người đã thọ giới Lớn. Đại chúng của những người đã thọ giới Lớn làm quyết định tối hậu tất cả mọi sự việc theo thể thức Yết ma. Tăng thân là một đại gia đình trong đó gồm có bốn chúng: chúng xuất gia nam, chúng xuất gia nữ, chúng cư sĩ nam và chúng cư sĩ nữ. Theo sự khám pháp của khoa học cận đại, các nhà khoa học đã thấy rằng nguyên tử là một nhóm gia đình nhỏ và ta có thể tách các vật chất ra thành từng phần riêng lẻ. Ta tự giải quyết những vấn đề mà không cần sự giúp đỡ, can thiệp của các thành phần khác trong gia đình. Ta xem những ý kiến, tuệ giác và sự yểm trợ của các thành phần khác trong gia đình, cộng đồng, Tăng thân không có liên quan gì tới ta cả. Thời xưa, khi người con trai và người con gái cưới nhau, lễ cưới thường được các bậc cha mẹ của hai bên sắp đặt chứ không phải chỉ hoàn toàn sắp đặt bởi hai người trẻ. Và hôn lễ của hai người trẻ được gia đình, họ hàng thân quyến của hai bên tham gia, yểm trợ. Chúng ta cần sự nâng đỡ như thế; chúng ta cần sự nâng đỡ của Tăng thân, của cộng đồng, của gia đình. Chúng ta không nên hành động, quyết định theo tinh thần cá nhân, bởi vì con mắt – tức là cái thấy của nhiều người, ý kiến của nhiều người lúc nào cũng sáng hơn và vững vàng hơn cái thấy, ý kiến của một người.
Thời Bụt còn tại thế, một hôm có người huấn luyện ngựa (điều mã sư) tới nghe Bụt thuyết pháp. Bụt gặp gỡ và trò chuyện với ông ta và Người hỏi về phương cách điều phục ngựa của ông. Ông ta giải thích với Bụt rằng có những con ngựa thích ứng với những biện pháp nhẹ, ngọt ngào, thì con sử dụng phương pháp nhẹ nhàng, ngọt ngào; có những con ngựa thích ứng với những biện pháp mạnh – ví dụ như phải dùng đến roi vọt mới thuần thục, thì con sử dụng những biện pháp mạnh; nhưng cũng có những con ngựa khi thì cần phải sử dụng biện pháp nhẹ, lúc thì cần phải sử dụng biện pháp mạnh nó mới thuần.
Rồi Bụt hỏi tiếp: ”Thưa ông, nhưng nếu cả ba biện pháp nói trên đều không có hiệu quả, thì ông làm sao?”
Người huấn luyện ngựa trả lời một cách rất mạnh bạo: ”Trong trường hợp đó, thưa đức Thế Tôn, con đành phải giết con ngựa chướng ấy đi. Vì nếu để nó sống chung với những con ngựa khác, thì những con khác sẽ bị ảnh hướng và chúng sẽ trở nên khó điều phục.”
Sau khi chia sẻ xong phương pháp huấn luyện ngựa, ông ta hỏi đức Thế Tôn: ”Thưa đức Thế Tôn, con cũng muốn biết Ngài thường ứng xử và dạy dỗ các đệ tử của Ngài như thế nào? Ngài thường sử dụng những phương pháp nào để huấn luyện họ?
Đức Thế Tôn nhìn ông ta mỉm cười và nói: ”Thì tôi cũng huấn luyện các đệ tử của tôi giống như những phương pháp điều phục ngựa của ông mà thôi.” Bụt nói với ông ta rằng có những người đệ tử cần phương pháp ngọt ngào, nhẹ nhàng, thì tôi sử dụng phương pháp nhẹ nhàng, ngọt ngào; có những người đệ tử khác cần phương pháp mạnh, thì tôi sử dụng những phương pháp mạnh; và có những người đệ tử cần phải sử dụng cả hai phương pháp vừa nhẹ vừa mạnh, thì tôi sử dụng cả hai.”
Sau đó người huấn luyện ngựa lại hỏi: ”Nhưng nếu cả ba phương pháp ấy không hiệu nghiệm thì sao? Ngài sẽ hành xử như thế nào với những người đệ tử ương nghạnh, khó dạy bảo?”
Bụt trả lời: ”Trong trường hợp đó, tôi cũng sẽ sử dụng cái biện pháp giống như ông sử dụng đối với những con ngựa chướng của ông.”
Người huấn luyện ngựa nói: ”Ý Ngài nói là Ngài sẽ giết đệ tử của Ngài?”
Bụt trả lời: ”Đúng vậy.”
Người huấn luyện ngựa: ”Nhưng thưa đức Thế Tôn, Ngài là bậc Đạo Sư hướng dẫn nhân loại sống theo tinh thần từ bi bác ái, bất bạo động, không sát hại sinh mạng, làm sao Ngài có thể giết đệ tử của Ngài được?
Đức Thế Tôn trả lời: ‘‘Khi có một người đệ tử sống không hòa hợp với Tăng thân, gây nhiều khó khăn và sự rối loạn, bất hòa trong đời sống tu tập của Tăng thân, Tăng thân đã bao phen tìm cách khéo léo đầy tình thương để dạy dỗ, khuyên bảo và soi sáng cho vị ấy mà không có hiệu quả, vị ấy không chịu nghe lời khuyên bảo, dạy dỗ, soi sáng, không chịu cố gắng tu tập để sửa đổi thì Tăng thân sẽ quyết định sự đi hay ở của vị ấy theo tinh thần Yết ma. Nếu Tăng thân quyết định mời người đó rời khỏi Tăng thân, thì điều đó, đối với một vị đệ tử xuất gia, là hình thức của sự bị giết. Nghĩa là nếu vị đệ tử ấy không còn có cơ hội để được sống trong Tăng thân, không được cơ hội nghe pháp, tiếp nhận sự nâng đỡ và dìu dắt của Tăng thân, không có cơ hội để thực hiện sự nghiệp độ đời của Bụt thì vị ấy tự hủy hoại đời sống tâm linh, tự hủy hoại Bồ Đề Tâm của mình. Pháp thân và tuệ mạng của vị đó sẽ từ từ khô héo, chết mòn. Và đó là sự mất mát lớn nhất của một người tu. Sự mất mát của thể xác còn có thể chịu đựng được, chứ Bồ Đề Tâm, lý tưởng, niềm tin của mình một khi đã bị hủy hoại thì không còn gì nữa cả và người đó sẽ là người đau khổ, bơ vơ, lạc lõng nhất trên đời. Đó là ý của câu nói giết đệ tử.’’
Sở dĩ Tăng thân làm như thế là để bảo hộ sự thực tập và sự hòa hợp của Tăng. Thời Bụt còn tại thế, có một thầy đã không được phép tiếp tục tu tập và tham dự vào các sinh hoạt của Tăng đoàn nữa vì vị ấy phá hòa hợp Tăng, làm gương xấu cho các thầy, các sư chú trẻ. Không cho vị ấy ở lại để tiếp tục sự tu tập không có nghĩa là vị ấy hoàn toàn bị ly khai và bị đối xử không có từ bi, độ lượng. Tăng thân giải thích cho vị ấy rằng: ”Xin lỗi thầy/sư chú, không phải là Tăng thân không muốn thầy/sư chú ở lại để tiếp tục tu tập, nhưng vì Tăng thân thấy thầy/sư chú không tha thiết gì trong sự tu tập, đánh mất lòng biết ơn và sự trân quý của mình, không chịu thực tập giới luật và uy nghi mà toàn chúng đang thực tập, lại thường tạo ra sự bất hòa trong chúng cho nên thầy/sư chú không thể tiếp tục ở chung với Tăng thân được. Chúng ta đã phát nguyện đến đây là vì chúng ta muốn thực tập giới luật và uy nghi, thực tập theo lời dạy của Bụt để chuyển hóa khổ đau, đạt tới an lạc, giải thoát và cùng nhau xây dựng hạnh phúc chung. Nhưng vì thầy/sư chú không chịu sống theo tinh thần và lời dạy ấy của Bụt, lại không chịu vâng lời thực tập theo những lời soi sáng của tăng thân thì thầy/sư chú tự ly khai mình ra khỏi tăng thân. Tuy nhiên Tăng thân lúc nào cũng mở rộng hai cánh tay để đón nhận thầy/sư chú trở lại khi nào thầy/sư chú thấy rằng mình sẵn sàng chấp nhận tiếp nhận và thực tập theo giới luật và uy nghi đã được truyền trao. Cánh tay của Tăng thân luôn rộng mở, khi nào thầy/sư chú thấy sẵn sàng thì mời thầy/sư chú trở lại.”
Có một kinh ghi lại rằng có một thầy xin bỏ tu để về sống lại đời sống của một người cư sĩ tại gia và lời thỉnh cầu của thầy ấy được chấp thuận. Sáu tháng sau vị ấy trở lại tu viện thỉnh cầu đức Thế Tôn và Tăng đoàn để được xuất gia trở lại; Ngài và Tăng đoàn đã chấp thuận. Ấy vậy mà thầy ấy đã cứ xuất gia rồi hoàn tục như vậy tới bảy lần. Và mỗi lần vị ấy thỉnh cầu để được xuất gia trở lại thì đều được đón nhận. Điều này cho chúng ta thấy rằng lòng từ bi của Bụt và Tăng đoàn thật lớn rộng. Nếu quý vị có ý chí dũng mãnh, có Bồ Đề Tâm kiên cố thì quý vị chắc chắn sẽ được thâu nhận trở lại một cách dễ dàng. Tất cả đều tùy thuộc nơi mình.
Tăng nhãn – tức là con mắt của Tăng; con mắt của Tăng luôn luôn sáng hơn con mắt của một cá nhân. Theo truyền thống Làng Mai, nếu quý vị muốn ở dài hạn để nương vào chúng tu tập hoặc muốn được xuất gia, thọ nhận mười giới sa-di hay sa-di-ni, thì Tăng thân sẽ làm quyết định được hay chưa được chứ không phải chỉ do Thầy quyết định. Thầy cũng nương tựa và tin tưởng vào cái thấy của Tăng thân. Nếu quý vị có một Tăng thân trong đó quý vị tin cậy vào những tuệ giác chung (collective insight) của các thành phần trong Tăng thân ấy, thì quý vị có thể đi đến những quyết định căn cứ trên tình thương, lòng từ bi, chứ không phải từ sự giận hờn hoặc loại trừ.
Câu hỏi: ”Kính bạch Thầy, đây là câu hỏi về vai trò của người tu tại gia trong đời sống hàng ngày. Theo lời dạy của Bụt, chúng ta phải tập thương trong tinh thần không điều kiện, nhưng nếu mối liên hệ giữa mình và người mình thương bị bế tắc, khó khăn, và đang bị đe dọa, thì mình có thể chấm dứt mối liên hệ được không? Làm như thế có phải là đi ngược với sự thực tập chánh nghiệp trong đạo Bụt không? Giáo pháp của đức Thế Tôn có thể cống hiến những lối thoát cho tình trạng bế tắc ấy như thế nào? Khi mối liên hệ đang lâm vào tình trạng nguy hại, bị đe dọa, thì chúng ta có thể ly dị được không? Làm như vậy có trái với lời dạy của đạo Bụt không?
Trả lời: Tại đạo tràng Mai Thôn, vào những khóa tu mùa Hè, thỉnh thoảng chúng tôi có làm lễ cưới cho các vị thiền sinh dưới sự hướng dẫn và chứng minh của bốn chúng (tứ chúng) trong đó gồm có chúng xuất gia nam, chúng xuất gia nữ, chúng cư sĩ nam và chúng cư sĩ nữ. Lễ thành hôn được tổ chức rất đơn giản, nhưng thật sâu sắc và trang nghiêm. Đôi tân hôn được yểm trợ bởi năng lượng hùng hậu của Tăng thân.
Muốn được tổ chức lễ cưới tại Làng Mai hoặc các đạo tràng khác thuộc truyền thống tu tập Làng Mai, cặp hôn nhân trẻ được đề nghị là phải về tu viện trước ngày lễ thành hôn ít nhất là một tuần để tu tập, học phương pháp truyền thông, Làm Mới thân tâm, học phương pháp sống chung an lạc và Làm Mới với nhau trước khi đám cưới. Sau đó hai người viết những bức thư cam kết sống chung hòa hợp, an lạc, nguyện chấp nhận và yểm trợ nhau về tất cả mọi mặt để đọc lên trước sự hiện diện của bốn chúng trong buổi lễ thành hôn. Trong buổi lễ, hai người quỳ trước bàn thờ tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống để phát nguyện thực tập Năm Lời Phát Nguyện và mỗi tháng ôn tụng ít nhất là một lần vào đêm trăng tròn để nhớ rằng đời sống và sự thực tập của mình là xây dựng hạnh phúc không phải cho riêng cá nhân mình, mà cho cả đại gia đình, xã hội, tổ tiên và những thế hệ tương lai. Nếu họ gặp khó khăn trong quá trình sống chung với nhau, thì họ sẽ nhớ về Tăng thân và biết rằng Tăng thân đang yểm trợ, nâng đỡ họ và tự dưng họ biết mình nên làm gì và không nên làm gì để hàn gắn lại những đổ vỡ, khó khăn. Họ đã cam kết làm những quyết định không phải chỉ cho riêng họ. Cho nên vấn đề không phải là nên li dị hay không nên ly dị, mà vấn đề là cùng ngồi lại để lắng nghe nhau, hiểu nhau và làm mới lại tình thâm. Còn nếu chưa thực tập những phương pháp được chỉ dẫn, đặc biệt là phương pháp lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái mà đã muốn quyết định ly dị, như vậy quý vị sẽ không giải quyết tận gốc của vấn đề. Vì sau này quý vị lập gia đình lại với người khác và khi gặp vấn đề thì quý vị cũng muốn ly dị nữa và như vậy đời sống của quý vị chẳng khác gì một bi kịch và con cái quý vị sẽ lãnh đủ, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ bị thương tích và chúng sẽ đóng góp vào vấn đề làm băng hoại nền đạo đức của nhân loại. Nếu cần phải đi tới sự ly dị, thì vấn đề phải được đem ra bàn luận và cùng đi tới quyết định chung của cả hai gia đình nội ngoại và con cái của họ. Như vậy quý vị mới cảm thấy được nâng đỡ, yểm trợ.
Câu hỏi: ”Có một người con trai lớn trong một gia đình nọ không chịu làm việc, chỉ biết ăn chơi. Cậu ta nghiên ngập xì ke ma túy và không chịu nghe lời gia đình để từ bỏ thói hư tật xấu ấy đi; cậu ấy cũng không màng cầu sự giúp đỡ. Trong khi đó trong nhà thì có nhiều em nhỏ, cha mẹ của cậu sợ chúng sẽ bị ảnh hưởng. Vậy thì trong trường hợp này, cha mẹ của cậu có nên đuổi cậu ta ra khỏi gia đình hay không? Đó có phải là điều tốt hay không?
Câu hỏi: ”Một người vợ thường bị chồng của mình đánh đập, lạm dụng. Cô ấy càng ngày càng trở nên rất khiếp sợ ông ta và luôn luôn sống trong sự sợ hãi. Ông chồng tìm đủ cách khéo léo để che giấu vấn đề. Vậy thì người bị lạm dụng kia có nên từ bỏ ông ta hay không?
Trả lời: Là một Tăng thân, chúng ta hãy cùng nhìn vào (quán chiếu) câu hỏi về anh chàng thanh niên kia không chịu đi làm, đang bị vướng vào vòng ma túy và đang là gương xấu cho các em của mình. Nếu quý vị có một gia đình lớn trong đó có sự có mặt của các chú, các cô và ông bà nội, ngoại, thì sự tình sẽ dễ giải quyết hơn. Tình thương đích thực cần có yếu tố của sự kiên nhẫn và hiểu biết. Chúng ta phải giúp người thanh niên ấy bằng nhiều phương cách khéo léo, chứ không nên sử dụng những điều kiện, luật lệ và nguyên tắc. Chúng ta phải sử dụng tình thương, niềm ưu ái và ngôn ngữ nhẹ nhàng để khuyến khích cậu ta xa lìa tình trạng nghiện ngập ma túy, giúp người ấy tìm việc làm và trở thành tấm gương tốt cho các anh em trẻ trong họ hàng noi theo. Chúng ta phải tìm đủ mọi cách có thể để giúp cho cậu ấy. Nếu cần phải làm quyết định như thế nào đó và là một quyết định tối hậu, thì quyết định ấy phải được dựa trên nền tảng của những cố gắng mà gia đình đã làm và với tuệ giác chung của cả gia đình hoặc của Tăng thân. Nếu cậu thanh niên kia không được phép ở trong nhà nữa, thì chúng ta nên nói cho cậu ấy biết rằng cậu luôn luôn được đón nhận trở về lại gia đình nếu cậu ấy hứa sẽ làm mới trở lại và sống một nếp sống lành mạnh, tích cực như những thành phần khác trong gia đình. Chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này với sự hiểu biết, có phương pháp, tình thương và lòng bao dung, chứ không giải quyết vấn đề vì tâm niệm giận hờn, trừng phạt hay ghét bỏ. Loại trừ không phải là giải pháp. Nhiều người nghĩ rằng mình có thể loại trừ người khác bằng cách tiêu diệt họ, những vị như Thánh Gandhi hay Mục Sư Dr. Martin Luther King, Jr., nhưng khi thủ tiêu họ rồi, thì họ càng trở nên hùng mạnh hơn. Ý niệm loại trừ không có giá trị. Nhưng còn ông Hitler thì sao? Chúng ta đã thật sự tiêu diệt ông chăng? Tôi nghĩ đó cũng chỉ là một nguyên tắc như nhau. Nếu quý vị tiêu diệt Hitler và những người giống như ông ta, thì họ sẽ biểu hiện trong những hình thái khác. Ở nước Đức, có rất nhiều người trẻ đang theo tân chủ nghĩa Đức Quốc xã – chủ nghĩa phát xít. Vì thế sự thực tập bao dung và tình thương rất quan trọng. Chúng ta phải làm hết khả năng của mình để giúp những người đang bị vô minh che lấp, ngững người không có đủ hiểu biết và thương yêu, họ đang tạo ra tình trạng chia rẽ và hiểm nguy cho nhân loại. Nếu cần thì chúng ta có thể giam họ lại, nhưng không phải đối xử với họ bằng phương pháp trừng phạt hoặc loại trừ, cả hai phương pháp đều không phải là giải pháp.
Có hai yếu tố làm cho người ta bắt giam một người nào đó mà họ cho là kẻ thù, là kẻ gây rối: yếu tố thứ nhất là sợ hãi, hận thù và ước muốn trừng phạt; yếu tố thứ hai là vì lòng từ bi mà làm. Trừng phạt sẽ không bao giờ giúp người kia sửa đổi và trở thành người tốt. Chúng ta phải đối xử với họ bằng tình thương. Những người còn bị kẹt trong tình huống khó khăn, nghèo khổ phải được chăm sóc và thương yêu nhiều hơn là những người đã có được đời sống tốt đẹp, không bị kẹt vào tình huống khó khăn, bế tắc và tuyệt vọng. Chúng tôi cố gắng liên lạc với những người trong các trại tù và tìm cách giúp họ biết cách thực tập tiếp xúc với niềm vui và chỉ cho họ những phương pháp tu tập chuyển hóa khổ đau. Chúng tôi đã gởi rất nhiều sách hướng dẫn về phép thực tập chánh niệm vào cho các tù nhân. Nhiều tù nhân đã thực tập và thấy rằng họ có thể sống an lạc và thảnh thơi ngay trong trại tù. Có những tù nhân đã viết sách kể về kinh nghiệm tu tập của mình. Chỉ có tình thường mới xóa bỏ được hận thù, bạo động và khổ đau nơi con người. Những người cai tù thấy rõ rằng trừng phạt không phải là giải pháp. Càng trừng phạt thì con số tù nhân trong nhà tù càng tăng nhanh hơn. Chính sách trừng phạt chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ cần thêm nhiều nhà tù trong hiện tại và trong tương lai. Chúng ta hãy đem lòng thương và sự bao dung để giúp đỡ các tù nhân, chứ không phải bằng sự trừng phạt. Chúng ta cũng cần phải tha thứ cho ông Hitler, đó mới gọi là tình thương đích thực theo tinh thần Xả của giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm. Nếu cần bắt giam ông ta, thì hãy hành động với tâm từ bi và với ước muốn giúp đỡ ông ta, chuyển hóa ông ta thành một người hiền thiện trở lại. Nếu hành động của ta bị thúc đẩy bởi ước muốn tiêu diệt, thì ông ta sẽ tiếp tục sinh ra trở lại trong nhiều hình thái khác.
Tha Thứ – Bao Dung
Tha thứ và bao dung là sự thực tập rất thâm sâu của giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm, tức là bốn tâm không biên giới: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Tâm Xả là tâm có khả năng tha thứ, bao dung, là tâm không kỳ thị, không phân biệt. Khi có khó khăn, khổ đau với người thương của ta, ta có khuynh hướng nghĩ rằng nếu không có người kia thì đời sống của ta sẽ thoải mái, dễ thở hơn và ta tính đến giải pháp loại trừ, ly dị người kia ra khỏi trái tim của ta. Nhưng vấn đề không phải là ly dị hay không ly dị; vấn đề là chuyển hóa. Nhiều cặp vợ chồng sau khi đã ly dị với nhau, họ vẫn tiếp tục đau khổ vì họ không biết chăm sóc và chuyển hóa khổ đau ở trong tự thân của họ. Vì thế họ tiếp tục vung vãi năng lượng khổ đau, tập khí ấy lên người bạn mới của mình và gây đau khổ cho người ấy. Thực ra người bạn mới mà mình tìm tới cũng có tâm trạng đau khổ như mình, vì vậy hai tâm trạng khổ đau gặp nhau thì nỗi khổ càng trở nên trầm trọng hơn. Đó là thực trạng bi thương của xã hội. Theo cái thấy của tôi, quý vị có thể tạm xa nhau một thời gian để cả hai bên có cơ hội thực tập nhìn lại chính mình để hiểu rõ vấn đề, để thương, thông cảm, tha thứ và bao dung cho nhau. Trong tình thương chân thật, ta không loại bỏ bất cứ một yếu tố khó khăn nào, hay một người nào, dù người đó rất khó thương, khó chấp nhận; vì chỉ có thái độ và sự thực tập thương yêu không điều kiện như thế ta mới chuyển đổi được tình trạng của ta. Nhưng tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của Tăng thân và nếu cần ta cũng có thể làm quyết định như một Tăng thân. Sự thực tập và cái nhìn của ta còn rất yếu, rất hạn hẹp, vì vậy ta cần sự nâng đỡ của Tăng thân. “Con về nương tựa Tăng” là sự thực tập của tất cả chúng ta. Dù ta là Phật tử hay không phải là Phật tử, chúng ta luôn luôn cần Tăng thân, cần nương tựa vào Tăng thân. Vì vậy cho nên dựng Tăng là sự nghiệp rất quan trọng. Quý vị phải biết nương tựa vào Tăng thân của mình và sử dụng con mắt của Tăng để giải quyết mọi vấn đề. Mắt Tăng bao giờ cũng sáng và độ lượng hơn mắt của một cá nhân. Nhờ cái nhìn sâu sắc và sáng của Tăng thân mà ta thực tập mở lòng để tha thứ và bao dung người khác một cách dễ dàng.
Một hôm đức Thế Tôn dạy sư chú Rahula (một sư chú trẻ nhất trong giáo đoàn lúc bấy giờ) về tính mầu nhiệm của đất. Bụt nói cho Rahula về khả năng tiếp nhận, chứa đựng, ôm ấp và chuyển hóa phi thường của đất. Người nói: Đất có khả năng ôm ấp và chuyển hóa tất cả các chất nhơ bẩn, độc hại, ô uế, hôi hám mà con người đổ xuống. Có tất cả bốn yếu tố lớn (tứ đại – mahabhuta) gồm: đất, nước, lửa và không khí. Bốn yếu tố này có khả năng tiếp nhận, ôm ấp và chuyển hóa rất lớn và kỳ diệu. Bụt dạy: ”Này La Hầu La, con hãy học theo hạnh của đất. Dù con người có đổ xuống đất nào là sữa, nào là dầu thơm, hoa lá hay châu báu hoặc người ta có đổ xuống đất nước tiểu, phân dãi và nhiều chất nhơ bẩn khác, đất đều tiếp nhận tất cả mà không một chút chê bai, kỳ thị và oán thù. Tại sao? Tại vì đất có khả năng tiếp nhận, ôm ấp và chuyển hóa tất cả. Đất có khả năng tiếp nhận phân dãi, nước tiểu vì tính chất của đất rất sâu và dày. Đất có thể chuyển hóa tất cả những thứ ấy thành hoa thơm, cỏ lạ và cây xanh. Nếu con khéo thực tập vun bón và tưới tẩm cho lòng mình mở rộng, thì tâm của con sẽ trở nên sâu và dày như đất và con có thể ôm trọn tất cả mọi người và mọi loài mà không đau khổ, không loại bỏ một ai. Nếu người ta bỏ một nắm muối vào tô nước và đánh tan ra thì tô nước sẽ rất mặn và không thể uống được. Nhưng nếu người ta ném nắm muối ấy vào dòng sông, thì nước sông sẽ không bị ảnh hưởng vì lòng sông rất sâu và rộng. Nếu tâm mình sâu và rộng như sông, như biển thì những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống không thể động được tới mình, không thể làm cho mình điêu đứng, khổ đau và tuyệt vọng. Sở dĩ người ta đau khổ là vì trái tim của họ còn quá chật hẹp và không có khả năng tha thứ, bao dung, cái dung lượng của họ còn quá nhỏ bé. Trái tim của họ luôn có khuynh hướng muốn loại trừ và tiêu diệt. Bốn tâm vô lượng tức là Từ, Bi, Hỷ, Xả là những yếu tố của tình thương chân thật. Chúng ta có khả năng tiếp nhận, ôm ấp và chuyển hóa mọi vấn đề.’’ Tôi không biết sư chú La Hầu La có thấm nhuần được lời dạy của Bụt nhiều hay không; nhưng Ngài Xá Lợi Phất – thầy y chỉ của sư chú – đứng phía sau sư chú đã sung sướng tiếp nhận lời dạy thâm sâu ấy và đem áp dụng ngay vào đời sống tu tập hàng ngày của Ngài. Thầy Xá Lợi Phất rất giỏi, là vị đệ tử thông tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử của Bụt; Thầy là một vị trưởng lão trong giáo đoàn và đã giúp cho rất nhiều thầy và sư chú trẻ trong Tăng đoàn hiểu rõ thêm những lời dạy của Bụt và đem áp dụng vào đời sống hàng ngày. Thầy có nói rất nhiều bài pháp hay và đã được ghi chép lại thành kinh trong tạng kinh nguyên thủy, chẳng hạn như kinh Năm Phương Pháp Diệt Trừ Phiền Giận v.v… Thầy Xá Lợi Phất và Thầy Mục Kiền Liên là hai thầy lớn trong giáo đoàn, là hai cánh tay đắc lực của đức Thế Tôn trong việc xây dựng và giáo huấn Tăng chúng.