11. Tam pháp ấn
Chương 11
Tam pháp ấn
Phương Pháp Thanh Lọc Cơ Thể
Có rất nhiều người trong đại chúng hỏi về phương pháp thanh lọc cơ thể và nghệ thuật nghỉ ngơi. Thanh lọc cơ thể là cơ hội để cho cơ thể ta được nghỉ ngơi và trị liệu. Thanh lọc cơ thể là một phần của sự thực tập trong tất cả các truyền thống tâm linh. Phương pháp này đem lại rất nhiều lợi ích vì nó cho phép thân thể ta có cơ hội làm mới trở lại, được thanh lọc và trị liệu. Chúng ta cần phải học hỏi về nghệ thuật thanh lọc cơ thể từ các bạn đã có kinh nghiệm thực tập nhiều năm. Tại Đức quốc, có những dưỡng đường nơi người ta có thể tới để thực tập thanh lọc cơ thể dưới sự hướng dẫn và chăm sóc của các bác sĩ, y tá. Nếu quý vị khỏe mạnh, quý vị có thể thực tập thanh lọc cơ thể từ mười tới mười bốn ngày, chỉ uống nước lọc thôi, thì không thành vấn đề. Nhưng nếu cơ thể quý vị yếu, khả năng bài trừ những độc tố cũng yếu, quý vị nên tham khảo với bác sĩ trước và phải có sự hướng dẫn và chăm sóc của bác sĩ, y tá trong suốt thơi gian thanh lọc cơ thể, bởi vì nhiều độc tố sẽ được bài tiết và có thể làm cho quý vị mệt, xỉu hoặc biến chứng. Thỉnh thoảng quý vị sẽ thấy mệt mỏi, kiệt sức vì những độc tố đang được bài tiết trong cơ thể. Nếu quý vị cảm thấy mệt, nhất là tới ngày thứ ba hoặc thứ năm của quá trình thanh lọc, thì đó không phải là vì thiếu thức ăn (quý vị đã dự trữ trong cơ thể từ hai đến ba tuần trước), mà là do những độc tố đi vào trong máu của cơ thể quý vị.
Trong thời gian thanh lọc ruột, quý vị phải uống ít nhất là ba lít nước ấm mỗi ngày cho cơ thể có đủ nước để thanh lọc. Quý vị có thể uống trà thảo mộc, nên thay đổi các loại trà. Trong thời gian thanh lọc, quý vị nên thực tập buông thư, tập thể dục, yoga và nhờ người thân xoa bóp để cho những độc tố trong các cơ bắp được tống vào máu và đi ra ngoài qua đường tiểu tiện, tuyến mồ hôi. Chỉ uống nước trong thời gian thanh lọc ruột, ta giúp cho những mảng độc tố trong các bộ phận khác của hệ thống tiêu hóa được phân tán ra. Một số các độc tố sẽ được bài tiết ra, nhưng phần nhiều số lượng độc tố sẽ đi vào máu, vì vậy quý vị phải giúp cho những độc tố này bài tiết ra khỏi cơ thể. Quý vị cũng có thể pha nước với một ít chanh, cam, muối và mật ong để không bị kiệt sức. Tuy nhiên nên tham khảo thêm nhiều phương cách thanh lọc cơ thể khác nhau để xem phương pháp nào thích hợp cho cơ thể và tình trạng sức khỏe của mình.
Trong thời gian thanh lọc cơ thể, những bộ phận của cơ thể ta làm việc cực nhọc hơn bình thường để bài tiết độc tố. Có những loại thuốc bổ và thuốc trợ tim, trợ thận giúp cho các bộ phận trong cơ thể giữ được sức trong thời gian bài tiết. Nếu thận của quý vị yếu và gặp khó khăn trong khi thanh lọc, thì an toàn nhất là nên đi khám thận trước khi thanh lọc để xem thử thận của mình có hoạt động bình thường hay không và có thể bài tiết độc tố hữu hiệu hay không. Chất độc tố cũng được bài tiết qua đường phổi, vì vậy hơi thở sâu, dài rất quan trọng. Độc tố cũng được bài tiết qua đường hô hấp, tống hơi và qua đường lỗ chân lông. Vì vậy trong thời gian thanh lọc cơ thể, quý vị nên uống nước và tắm gội mỗi ngày. Sau hai hoặc ba tuần, quý vị sẽ cảm thấy cơ thể mình trở nên mới mẻ, nhẹ nhàng hơn, bởi vì quý vị đã bài tiết nhiều độc tố trong hệ thống tiêu hóa và nhiều cơ quan khác của cơ thể. Các tế bào đã được làm mới trở lại, máu huyết cũng được làm mới trở lại… Tôi thực tập thanh lọc cơ thể vài lần trong một năm và mỗi lần tôi thanh lọc từ hai tới ba tuần. Trong thời gian thanh lọc, tôi vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường.
Vị Thầy Của Chính Mình
Hôm qua tôi có nói về khả năng hiểu người thương của ta. Tôi có đề nghị quý vị thực tập một câu như thế này: ”Em ạ! Em nghĩ là anh hiểu em không? Nếu không, xin em giúp anh để anh có thể hiểu em sâu hơn bởi vì anh rất thương em và muốn em hạnh phúc. Anh không muốn làm em khổ. Nếu anh lỡ làm em khổ, thì đó không phải do sự cố ý mà do sự thiếu hiểu biết, thiếu khéo léo của anh.” Nếu thật sự thương nhau, ta có thể nói chuyện với nhau bằng loại ngôn ngữ chân thật như thế và ta nói với tất cả trái tim và niềm tin cậy của ta. Nếu người thương của quý vị không có mặt trong khóa tu, quý vị có thể viết thư hoặc gọi điện thoại. Nếu người thương đang có mặt đây, quý vị có thể hỏi trực tiếp hoặc có thể nói chuyện với người thương đang có mặt trong tự thân. Nói chuyện với người thương của mình và đặt câu hỏi như thế sẽ làm cho quý vị cảm thấy rất dễ chịu.
Tôi rất thương kính và biết ơn các đệ tử của tôi. Tôi biết ơn họ vì họ đã lắng nghe, tiếp nhận và hiểu được những lời dạy của tôi một cách dễ dàng và đem áp dụng vào trong đời sống tu tập hàng ngày của họ. Liên hệ giữa thầy trò tốt đẹp là ở điểm này. Mối quan hệ và tình thương sâu giữa thầy trò chúng tôi có được là nhờ tôi đã trao truyền hết lòng và các đệ tử của tôi đã tiếp nhận và thực tập hết lòng. Nhớ lại có một lần tôi sắp làm lễ cưới cho một cặp hôn phối tại Làng Mai và họ đã hỏi tôi như thế này: ”Thưa Thầy, chúng con có khoảng hai mươi bốn giờ trước giờ lễ thành hôn; chúng con nên làm gì để chuẩn bị cho buổi lễ?” Tôi đã chia sẻ với họ rằng nếu bây giờ cả hai người còn giận ai, còn những điều gì chưa thông thì nên thực tập đến với nhau bằng nhiều phương tiện để hòa giải, để Làm Mới.
Thấy họ cố gắng hết khả năng của mình để thực tập theo lời hướng dẫn, tôi rất cảm động. Tình thương và niềm tin cậy trong tôi đối với họ rất lớn. Đối với tôi, một vị thầy giỏi là người có khả năng giúp các đệ tử của mình khám phá ra được người thầy trong chính tự thân của mình. Sự liên hệ giữa mình và thầy mình sẽ tiếp tục tiến triển tốt đẹp khi cả hai người có tự do, cả hai người kính trọng nhau, không vướng mắc và hệ lụy với nhau. Mối liên hệ như thế rất sâu sắc, chân thật, tốt đẹp và làm chỗ nương tựa cho rất nhiều người. Không nên lúc nào cũng bám lấy vị thầy bên ngoài của mình. Quý vị cũng có một vị thầy tài ba bên trong, vị thầy ấy sẽ phát triển và lớn lên; quý vị nên trở về nương tựa nơi vị thầy của chính mình. Trong khóa tu này, tôi sẽ không trao cho quý vị những mớ lý thuyết hoặc khái niệm mà chỉ trao cho quý vị những phương pháp tu tập thực tế mà thôi. Tôi hy vọng quý vị có thể tiếp nhận, hiểu và đem áp dụng vào đời sống hàng ngày để chuyển hóa khổ đau, đem lại an lạc, vững chãi và hạnh phúc cho tự thân và cho những người chung quanh.
Vô Thường Quán
Trong khóa tu này có rất nhiều bậc thiện tri thức và các nhà tâm lý trị liệu với trái tim đầy ắp tình thương, họ đang giúp đỡ cho rất nhiều người. Phẩm chất của công việc và hành động cứu độ của ta tùy thuộc vào khả năng trị liệu và chuyển hóa của bản thân ta. Vì thế ta cần phải áp dụng những lời dạy mà ta đã tiếp nhận được vào trong đời sống hàng ngày. Với năng lượng chánh niệm, ta có thể nhận diện và ôm ấp những khổ đau, phiền não của ta và chuyển hóa chúng. Ta có thể làm công việc này bằng phương pháp thực tập thiền đi, thiền thở, nghệ thuật lắng nghe sâu và sử dụng ngôn từ hòa ái.
Tôi thường nói với các thầy, các sư cô giáo thọ và các vị giáo thọ cư sĩ rằng họ phải tu tập như thế nào để có hạnh phúc và phải biết cách chuyển hóa khổ đau của chính mình thì mới có thể giúp đỡ người khác được. Đây là nguyên tắc tự độ và độ tha. Nếu họ không hạnh phúc trong đời sống tu tập, không có khả năng sống hài hòa với Tăng thân hoặc gia đình mình thì không nên đi hướng dẫn khóa tu, hay thuyết pháp, bởi vì như thế họ sẽ không có gì để cống hiến cả. Trong trường hợp đó, họ nên ở nhà, ở lại tu viện để tu luyện thêm. Trước hết, quý vị phải áp dụng lời dạy vào đời sống hàng ngày của mình. Phải học cách ôm ấp niềm đau nỗi khổ của mình và chuyển hóa mình trước cho tới khi nào mình có đủ sự vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc rồi mới đi ra ngoài để độ đời, hướng dẫn các khóa tu, thuyết pháp. Tôi đề nghị các giáo viên và các nhà tâm lý trị liệu cũng nên thực tập như thế và chính tôi cũng đã và đang thực tập theo nguyên tắc đó. Tất cả những gì tôi chia sẻ cho quý vị đều phát xuất từ kinh nghiệm tu tập của tôi. Khóa tu này là môi trường tốt cho chúng ta làm công việc đó. Trong số chúng ta, có nhiều vị đang có rất nhiều khổ đau. Quý vị không cần phải đi vào các nhà thương, các trại tù để tìm họ; họ đang có mặt ngay ở đây. Chúng ta phải làm hết khả năng của mình để giúp những người bạn đồng tu chuyển hóa để họ bớt khổ. Một bước chân đi trong chánh niệm của ta đã có thể đóng góp rất nhiều cho sự làm vơi nỗi khổ nơi người khác. Một nụ cười tươi mát, hiểu biết và thương yêu của ta đã có thể đem lại sự trị liệu lớn cho người khác. Ta phải chăm sóc bản thân cho thật đàng hoàng. Tả phải để hết tâm lực và thì giờ vào sự thực tập. Cùng nhau, chúng ta sẽ chế tác năng lượng chánh niệm, khả năng ôm ấp và trị liệu để có thể nuôi dưỡng nhau. Vào ngày đầu của khóa tu, tôi đã hứa với quý vị rằng tôi sẽ làm hết khả năng của mình để đi, đứng, nói cười và thở cho thật chánh niệm để góp phần nâng cao phẩm chất tu tập của chúng ta. Chúng ta hãy thực tập như một Tăng thân. Sự hành đạo của ta có thể được thực hiện ngay tại đây trong khóa tu này. Khi chuyển hóa được tự thân, thì ta sẽ chuyển hóa được những người khác.
Ngày hôm qua tôi có nói về tuệ giác Vô thường. Nhiều bậc đạo sư trong đó có những bậc cổ nhân hiền đức, như ngài Heraclitus người Hy Lạp và ngài Khổng Tử người Trung Hoa v.v… đã nói về lý Vô thường. Trong truyền thống đạo Bụt, Vô thường không phải chỉ là giáo lý miêu tả về thực tại mà Vô thường là một khí cụ giúp ta đạt tới cái thấy xác thực về thực tại. Quý vị không thể hiểu được giáo lý Vô thường nếu không có cái hiểu rạch ròi về giáo lý Tương tức và Vô ngã. Ngày hôm qua tôi có nói đến Vô thường như là chìa khóa thứ nhất để mở cửa thực tại. Tôi đã nói về vô thường như là một loại Định – samadhi, một hình thái của sự chuyên chú về tính Vô thường, gọi là Vô thường tam muội. Trên bình diện lý trí, quý vị có thể đồng ý rằng các pháp đều Vô thường, nhưng khi va chạm với thực tế thì quý vị vẫn hành xử như thể thực tại là thường. Chúng ta phải tập luyện để duy trì cái thấy về Vô thường, để thực chứng về Vô thường trong từng giây phút của đời sống hàng ngày và đừng để bị gián đoạn. Có như vậy ta mới mong đạt tới trí tuệ và hạnh phúc.
Nhiều người trong chúng ta thường cảm thấy bất an. Chúng ta không biết tương lai mình sẽ ra sao. Ta biết tai nạn có thể xảy ra cho ta và cho người thân của ta bất cứ lúc nào. Người thân của ta có thể đột nhiên bị lâm bệnh nan y, rồi chết. Không ai có thể đảm bảo là mình sẽ sống được tới ngày mai hay không. Đây là bản chất của Vô thường. Cái cảm giác bất an ấy làm ta sợ hãi, đau khổ. Vậy thì làm thế nào để đối trị với tâm hành sợ hãi, bất an đó? Khi nhà thi hào người Pháp – Victor Hugo mất đứa con gái cưng của ông tên là Léopoldine, ông ta đau khổ vô cùng. Ông ta than với Thượng Đế rằng: ”Tại sao? Tại sao Ngài đã nhẫn tâm làm vỡ trái tim của con? Tạo sao Ngài lại nhẫn tâm làm con đau khổ như thế này?” Ông ta đã bị chìm đắm trong biển khổ trầm luân. Ông đã sống với tâm trạng đau khổ như thế trong nhiều tuần lễ. Sau đó ông viết một bài thơ với tựa đề ”A Villequiers.” Trong bài thơ ấy, ông nói: ”Hỡi Thượng Đế, con đang dâng lên Ngài những mảnh vụn của trái tim con. Ngài đã làm vỡ trái tim của con. Ngài đã làm con đau xót vô hạn. Ngài đã cướp mất đứa con gái thân yêu của con. Con người mong manh giống như một cành lau rung động mỗi khi có luồng gió thổi qua. Mọi vật quá vô thường. Chúng con mong manh quá. Chúng con không thật sự thấy bản chất của thực tại. Chúng con chỉ thấy một mặt của thực tại mà thôi. Mặt kia của thực tại bị vùi sâu trong đêm tối của huyền bí kinh hãi. Thượng Đế ơi, Ngài là người duy nhất biết được sự thật. Chúng con là những con người còn quá u mê. Khi khổ, chúng con không biết tại sao mình khổ. Điều duy nhất mà chúng con có thể làm được là đầu hàng, là giao phó thân mạng cho Ngài, bởi vì Ngài là người duy nhất biết được mà thôi.”
Làm thế nào để đối diện với cảm thọ đau buồn và tuyệt vọng như thế? Có con đường thực tập nào giúp ta thoát khỏi nỗi sợ hãi không? Bởi vì sự sống Vô thường, Vô thường quá làm cho ta cảm thấy sợ hãi, bất an và hụt hẫng. Giáo pháp Hiện pháp lạc trú, tức là sống sâu sắc, an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại là con đường thoát, là giáo pháp ta có thể học hỏi và thực tập để đối diện với cảm thọ sợ hãi và bất an này. Chúng ta phải học xử lý giây phút hiện tại cho thật đàng hoàng, cẩn trọng. Ta phải sống cho thật sâu sắc trong giây phút hiện tại để sau này không nuối tiếc. Ta ý thức rằng ta và người thương của ta đều đang sống bên nhau trong giây phút này. Ta trân quý giây phút của sự có mặt bên nhau và cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để đem lại an vui, hạnh phúc cho người kia và làm cho sự sống càng thêm có ý nghĩa.
Ngày hôm qua tôi có chia sẻ về phép thực tập thiền ôm mỗi khi giận nhau. Ta nhắm mắt lại, thở vào thở ra ba hơi cho thật sâu và quán tưởng ta và người thương của ta trong ba trăm năm nữa. Sau vài chục giây quán tưởng như thế, ta sẽ thấy rằng điều duy nhất và có ý nghĩa nhất mà ta có thể làm ngay bây giờ là giang hai cánh tay ra để ôm lấy người thương của ta vào lòng. Khi quý vị thiền ôm với người nào, trước hết, quý vị thực tập thở vào và thở ra để chế tác tuệ giác về vô thường của sự sống. ”Thở vào, tôi ý thức rằng sự sống rất quý giá trong giây phút này. Thở ra, tôi trân quý sự sống.” Quý vị tới trước người kia, chắp tay búp sen, thở vào và thở ra thật chánh niệm, thân tâm hợp nhất, mỉm cười với người kia và tỏ lộ ước muốn được ôm người kia vào lòng. Khi người kia chấp thuận rồi, ta chắp tay xá người kia và ôm người kia vào lòng. Trong khi ôm, ta tiếp tục duy trì hơi thở vào, hơi thở ra trong chánh niệm và ý thức rằng bản chất của mình và người kia là Vô thường, và ta trân quý sự có mặt quý giá của người kia trong suốt thời gian thiền ôm. Đây đích thực là sự thực tập, đích thực là một nghi lễ. Khi quý vị đưa thân và tâm trở về một mối, có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, có chánh niệm, thì đó là một nghi lễ. Khi uống một ly nước hay một tách trà, tôi đầu tư trọn vẹn thân và tâm vào hành động uống nước hay uống trà. Quý vị nên tự tập luyện để sống cho sâu sắc trong từng giây phút của đời sống mình. Thiền ôm là phép thực tập rất sâu sắc, nó có công năng đem lại sự hòa giải và phục hồi lại tình yêu thương cho nhau. Khi thực chứng được tính chất Vô thường của thực tại rồi, ta sẽ buông bỏ được nỗi hiềm hận nơi nhau mà không cần điều kiện nào hết. Muốn thực tập đúng và thành công, quý vị phải chế tác chánh niệm, có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Khi quý vị giang hai tay ra để ôm người kia vào lòng, quý vị thở vào và thở ra ba hơi thật chánh niệm. ”Thở vào, ý thức rằng người thương của tôi đang còn sống trong vòng tay của tôi. Thở ra, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.” Trong giây phút thiền ôm, sự sống trở nên rất thật, sống động và ý nghĩa. Theo tôi, các nhà kiến trúc sư nên thiết kế các phi trường và nhà ga xe lửa như thế nào để có đủ không gian để người ta có thể thực tập thiền ôm. Quý vị cũng có thể thực tập theo cách như sau: trong suốt hơi thở vào và hơi thở ra thứ nhất, quý vị ý thức rằng mình và người thương của mình đều đang còn sống; hơi thở vào và hơi thở ra thứ hai, quý vị quán tưởng trong ba trăm năm nữa mình sẽ ở đâu và người thương của mình sẽ ở đâu; và trong hơi thở vào và hơi thở ra thứ ba, quý vị trở về với tuệ giác vô thường để ý thức rằng hai người thực sự đang còn sống trong giây phút hiện tại. Cái thấy ấy sẽ làm cho sự thực tập thiền ôm trở nên sâu sắc hơn và hạnh phúc sẽ lớn hơn rất nhiều.
Hạnh Phúc Và Khổ Đau Tương Tức
Hạnh phúc không thể tách rời khỏi khổ đau. Hạnh phúc lớn chỉ có thể tìm thấy từ chất liệu của khổ đau. Nếu ta chưa biết đói khát là gì, thì ta không thể ý thức được có thức ăn để ăn là một hạnh phúc lớn. Chúng tôi, là những người đến từ quốc gia có nhiều chiến tranh và đã chịu rất nhiều cảnh tang thương, nghèo khổ, nên chúng tôi biết thế nào là đói khát. Khi giờ ăn bị trễ khoảng nửa tiếng, một tiếng hoặc hai tiếng, ta cảm thấy bị đói bụng, khó chịu khổ sở; nhưng cái đói đó chỉ mới là cơn đói sơ sơ chứ chưa phải gọi là đói thật sự. Vì sao? Vì tuy đói như thế, nhưng quý vị biết chắc rằng trong chốc lát quý vị sẽ có cơm để ăn. Nhờ khổ một chút mà quý vị biết trân quý những điều kiện của hạnh phúc. Nếu không biết gì về khổ, thì quý vị sẽ không biết thế nào là hạnh phúc. Giáo lý Vô thường phải được thực tập trong tinh thần này. Khi ta biết thực tập an trú trong hiện tại, biết rằng mọi vật đều vô thường thì hạnh phúc sẽ được phát sinh. Tại Làng Mai, có một sư cô trẻ, sau một năm tu tập, đã chia sẻ với tôi rằng sư cô thấy hạnh phúc và khổ đau đều nằm trong nhau, chúng làm ra nhau. Sư cô không phải chỉ lặp lại những điều tôi đã nói trong Pháp thoại; mà đó là tuệ giác đích thực của sư cô. Khi còn trẻ, sư cô từng đau khổ rất nhiều và chỉ mới đây thôi sư cô đã tìm lại được niềm hạnh phúc thực sự nhờ thực tập chánh niệm. Sư cô biết nếu sư cô không đi qua những khổ đau trong đời thì sư cô không thể hạnh phúc như bây giờ được. Đôi khi ta có đủ các điều kiện để hạnh phúc, nhưng ta vẫn không hạnh phúc. Đây là trường hợp của rất nhiều người trong chúng ta. Những người khác có thể muốn được như ta, còn ta thì có đủ điều kiện để hạnh phúc, nhưng ta vẫn không hạnh phúc, đó là do ta không có khả năng thấy được sự tương phản giữa hạnh phúc và khổ đau.
Hạnh phúc và khổ đau tương tức, cả hai nương nhau mà biểu hiện. Hạnh phúc có thể có mặt chỉ khi nào khổ đau có mặt và ngược lại. Giống như hoa và rác. Nếu không có rác thì sẽ không có hoa. Nếu không có hoa thì sẽ không có rác. Ta phải thực tập để thấy tính tương tức của rác và hoa. Nếu biết cách chăm sóc, ta có thể chuyển rác thành hoa. Nếu không biết cách, thì hoa sẽ chóng úa tàn, hoa sẽ biến thành rác và ta sẽ sinh tâm buồn phiền, tiếc nuối. Chăm sóc rác và hoa là một nghệ thuật, cần sự khéo léo của ta. Sự khéo léo luôn đi đôi với chánh niệm. Nếu sống có chánh niệm thì quý vị sẽ rất khéo léo trong sự nói năng, lắng nghe, truyền thông, quán sát và hành xử.
Đôi khi vì thiếu chánh niệm, thiếu sự khéo léo mà ta tạo ra rất nhiều khổ đau. Ta phải học cách nhìn để thấy sự vật với con mắt khách quan, bất nhị mà không bị kẹt vào vấn đề đúng – sai, tốt – xấu, thiện – ác; nhìn để thấy rằng vấn đề là có khéo léo và khéo léo nhiều hay ít mà thôi. Tại Làng Mai, chúng tôi gọi tâm hành sân hận và thèm khát là khả năng thiếu khéo léo của tâm thức. Ta có thể nói: ‘‘Trong thời gian qua, nếu tôi có lỡ làm cho anh khổ, thì đó không phải là vì tôi có ác ý, mà đó là vì tôi không khéo. Xin anh thứ lỗi cho tôi. Xin anh soi sáng cho tôi để lần sau tôi có thể hành xử khéo hơn.’’ Nếu tập nhìn sự việc theo cách này, ta sẽ không khởi tâm phán xét, trách móc và trừng phạt. Sự thật là không ai muốn làm cho ai buồn khổ cả. Chúng ta có thể nói như thế này: ”Em thương kính, nếu em thật sự thương anh, thì xin em giúp anh hành xử khéo léo hơn để anh tránh làm những lỗi lầm và gây thêm nhiều khổ đau cho em. Anh biết nếu anh làm cho em khổ thì anh cũng khổ. Em hãy giúp anh đi.”
Tuệ Giác Tương Tức
Niết bàn là đối tượng quán chiếu trong hơi thở thứ mười lăm của kinh Quán Niệm Hơi Thở: ”Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh không diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh không diệt của vạn pháp.” Nhiều người trong chúng ta không biết thế nào gọi là quán chiếu về bản chất không sinh không diệt của vạn pháp, tức là quán chiếu về Niết bàn. Quán chiếu về bản chất của Niết bàn cũng dễ giống như quán chiếu về bản chất của Vô thường và Vô ngã. Nếu tiếp xúc được sâu sắc với bản chất của Vô thường, thì quý vị cũng tiếp xúc được với bản chất Niết bàn của vạn pháp. Vô thường là bản chất của thực tại đứng về phương diện thời gian mà nói. Chư hạnh vô thường, tức là các pháp đều Vô thường; từ Sắc đến Thọ, Tưởng, Hành và Thức đều Vô thường. Tiếp xúc với Vô thường trong khi thở vào, ta sẽ tiếp xúc được với bản chất Vô thường của vũ trụ. Tiếp xúc được với một pháp, ta đồng thời tiếp xúc với tất cả các pháp. Đó là giáo lý Cái một chứa đựng cái tất cả của kinh Hoa Nghiêm.
”Thở vào, tôi ý thức về thân thể tôi.” Thân thể ta cũng Vô thường, sinh và diệt xảy ra từng giây từng phút. Không có một tế bào nào có thể tồn tại hoài hoài, thường hằng và bất biến dù chỉ trong một sát na; chúng đều đi qua quá trình sinh diệt biến đổi không ngừng. Khi quán chiếu vào các bộ phận của cơ thể và tâm hành của mình, ta sẽ thấy rằng tất cả đều Vô thường – thay đổi không ngừng, nhất là cái mình cho là ”ngã.” Trên lý trí ta biết như vậy, nhưng trong đời sống hàng ngày ta vẫn sợ rằng mình sẽ trở thành hư vô nếu không có cái tôi (cái ngã) thường hằng, bất biến. Vì vậy ta vẫn tin rằng ta có một cái ngã, một linh hồn bất biến, vĩnh hằng. Ta không yêu thích cái hợp thể ngũ uẩn hiện tại của ta. Ta muốn chối từ cái hợp thể ngũ uẩn của ta để đi tìm cái linh hồn bất biến, vĩnh hằng mà ta tin là nằm ngoài ngũ uẩn này.
Theo cái nhìn khoa học, ta không thể tìm thấy được một hiện tượng nào gọi là thường hằng, bất biến cả. Các pháp đều vô thường, sinh diệt biến chuyển không ngừng trong từng sát na. Không có pháp nào gọi là thường hằng, bất biến. Cơ thể của tôi trong giây phút này không giống như cơ thể của tôi trong giây phút trước, nhưng cũng không khác. Ta phải đối diện và chấp nhận sự thật là tất cả các pháp đều vô thường. Ngay cả những khối sầu khổ, giận hờn và tuyệt vọng ẩn náu trong chiều sâu tâm thức ta cũng vô thường. Nếu biết cách tu tập, ta có thể chuyển hóa chúng ngay ở tận gốc, gọi là chuyển căn. Có hai cách thực tập để chuyển hóa khổ đau. Cách thứ nhất là mời khổ đau của ta lên trên bề mặt của ý thức, với năng lượng chánh niệm ta có thể nhìn sâu vào bản chất đích thực của nó để hiểu và để chuyển hóa. Cách thứ hai là bằng cách thực tập tưới tẩm những hạt giống tốt, những yếu tố lành mạnh, tích cực trong đời sống hàng ngày; biết rằng cách này tuy chậm hơn, nhưng nó sẽ đem lại sự chuyển hóa ở tận chiều sâu tâm thức ta.
Trong văn học giáo lý đạo Bụt, đơn vị thời gian ngắn nhất gọi là ksana – tiếng Việt gọi là sát na. Nếu quý vị chia một giây đồng hồ ra thành một ngàn lần, rồi tiếp tục chia một ngàn lần ấy ra thành một ngàn lần nữa cho đến khi nào quý vị không thể chia thêm được nữa, thì cái đơn vị nhỏ nhất đó gọi là sát na. Vô thường là sự biểu hiện của thực tại đứng về phương diện thời gian. Thời gian không phải là một thực thể biệt lập. Nó tương tức với những điều kiện khác để thành lập như: không gian, tâm thức và nhiều điều kiện khác. Nhà khoa học vật lý Einstein đã chứng minh rằng thời gian không thể thành lập được nếu không có yếu tố không gian. Vì vậy, thời gian tức là không gian, không gian tức là thời gian. Giống như sóng và hạt trong lĩnh vực vật lý học. Thỉnh thoảng thực tại biểu hiện như là sóng và thỉnh thoảng nó biểu hiện như là hạt – chất điểm. Các nhà vật lý đã nghiên cứu và thấy rằng có khi thực tại biểu hiện như là thời gian và có khi thực tại biểu hiện như là không gian. Đứng về phương diện hiện tượng, ta thấy chúng như là hai yếu tố khác nhau, nhưng đứng về phương diện bản chất thì kỳ thực hai yếu tố chỉ là một, hai yếu tố mang cùng một thực tại. Vậy thì chúng là một hay là khác? Thực ra chúng không phải một cũng không phải khác. Đó là tuệ giác Phi nhất phi dị. Hai yếu tố nương nhau mà thành lập. Đó gọi là tuệ giác Tương tức, Vô ngã. Ý niệm về một và khác không thể áp dụng được đối với thực tại. Thực tại vượt thoát những cặp ý niệm như một/khác, có/không, tới/đi, còn/mất v.v… Đó gọi là Niết bàn. Niết bàn nghĩa là sự tắt ngấm của tất cả các khái niệm, ý niệm.
Chúng ta hãy quán tưởng về khía cạnh của thực tại gọi là không gian. Vô thường cũng chính là Vô ngã đứng về phương diện không gian mà nói. Vô ngã tức là Vô thường. Không có cái gì có thể giống nhau trong hai giây liên tiếp. Không có cái gì có một thực thể độc lập, thường hằng, bất biến, nghĩa là không có ngã. Ngã được định nghĩa như là một thực thể thường hằng, bất biến, là linh hồn vĩnh cửu, sống hoài sống mãi không thay đổi. Nếu nhận thấy rằng các pháp đều Vô thường thì quý vị cũng sẽ thấy rằng các pháp vốn không có một thực thể riêng biệt, thường hằng, bất biến. Vô ngã không có nghĩa là không có gì hết (hư vô). Trong Tâm Kinh Bát Nhã, đức Bồ Tát Quán Tự Tại ( Quán Thế Âm) nói rằng bản chất của tất cả các pháp đều không – trống rỗng. ”Bồ Tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu, Bát Nhã Ba La Mật, tức Diệu Pháp Trí Độ, bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh, thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn…” Chữ không hay không có tự tánh có nghĩa là gì? Không ở đây nghĩa là không có một thực thể biệt lập, không có tự tánh. Thí dụ như một bông hoa, nhìn vào ta thấy rằng bông hoa là sự biểu hiện của thực tại. Nếu nhìn kỹ và tiếp xúc sâu sắc vào bông hoa, ta sẽ tiếp xúc được với cả vũ trụ trong bông hoa ấy như đám mây, ánh nắng mặt trời, đất, mưa, nước, thời gian, không gian, tâm thức v.v… Ta có thể nói rằng bông hoa chứa đựng tất cả mọi cái, chứa đựng cả sơn hà đại địa. Nhưng tại sao ta gọi nó là không – trống rỗng? Bởi vì bông hoa tràn đầy tất cả mọi cái, trừ một cái nó không chứa đựng mà thôi, đó là một thực thể riêng biệt, gọi là cái tự ngã, tự tánh. Điều này có nghĩa là bông hoa không thể tự nó mà biểu hiện được. Bông hoa phải nương vào các yếu tố không phải hoa mới biểu hiện được. Vì vậy bông hoa tương tức tương nhập với đám mây, mặt trời và đất v.v… Nếu quý vị lấy yếu tố đất, đám mây, mặt trời và nước v.v… ra khỏi bông hoa thì bông hoa sẽ không còn là bông hoa nữa, bông hoa ẩn nấp dưới hình dạng khác. Ta cũng vậy, bản tính chân thực của ta là trống rỗng, Tương tức và Vô ngã. Tương tức là một danh từ rất hay, rất quan trọng. Chúng ta hy vọng danh từ này sớm được xuất hiện trong tự điển.
Bản tính tương tức được áp dụng đối với tất cả các pháp. Nhìn vào thân thể mình, ta thấy rằng thân thể mình không thể tự nó mà có được. Thân thể mình phải nương vào (Tương quan tương duyên) các yếu tố khác như cây cỏ, cầm thú, đất đá, cha mẹ và các thế hệ ông bà tổ tiên, văn hóa v.v… của ta để tồn tại. Nói một cách khác là cơ thể ta chứa đựng tất cả vũ trụ. Khi tiếp xúc sâu sắc với cơ thể, ta tiếp xúc được với cả vũ trụ càn khôn. Không những ta chỉ tiếp xúc được với ông bà tổ tiên ta, mà ta còn tiếp xúc được luôn với các thế hệ tương lai của ta và các nền văn minh, văn hóa, tập quán nơi ông bà tổ tiên ta lớn lên. Cơ thể của ta giống như một bông hoa. Trong cơ thể tôi có yếu tố mây. Nếu anh lấy đi yếu tố mây trong tôi thì tôi sẽ ẩn tàng. Tôi và mây tương tức. Tôi không phải chỉ là đám mây trong kiếp trước, tôi vẫn tiếp tục là đám mây trong giây phút này. Anh không thể lấy đám mây ra khỏi cơ thể tôi được. Tôi tương tức với đám mây, với mưa, với mặt trời và rừng cây v.v…
Trong khi thở vào và thở ra, tôi cảm thấy rất thích thú, hạnh phúc. Tiếp xúc sâu sắc với hơi thở vào và hơi thở ra, tôi biết rằng hơi thở vào của tôi không thể có được nếu không có sự có mặt của tất cả các yếu tố cây cỏ trong thiên nhiên. Như trước kia tôi có nói rằng sông núi, cây cỏ và mặt trời v.v… là những lá phổi bên ngoài của cơ thể tôi. Tôi có hai lá phổi bên trong, nhưng tôi cũng có nhiều lá phổi bên ngoài. Nếu quý vị ở thành phố Nữu Ước, quý vị biết rằng khu Công Viên Trung Tâm (Central Park) là hai lá phổi của quý vị. Quý vị phải chăm sóc lá phổi bên ngoài quý vị cho lành mạnh. Không có những lá phổi bên ngoài, quý vị không thể sống được vì sẽ không có dưỡng khí để thở. Trong cơ thể tôi có một trái tim và nếu trái tim ấy ngưng hoạt động thì tôi sẽ chết liền lập tức. Nhìn sâu vào mặt trời, tôi thấy mặt trời là trái tim thứ hai của tôi. Nếu mặt trời ngưng hoạt động, tan biến, tôi sẽ chết ngay. Chúng ta có nhiều hơn là một trái tim. Cái thấy này đã tạo cảm hứng cho tôi viết cuốn sách Trái Tim Mặt Trời (The Sun My Heart). Đây là hoa trái của quá trình thực tập nhìn sâu. Khi nhìn vào cây cỏ và thực tập thở vào, thở ra trong chánh niệm, quý vị sẽ thấy rằng mình tương tức với cây cỏ. Trong kinh, Bụt nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: ”Cái này có vì cái kia có – Thử hữu tức bỉ hữu.” Điều này rất đơn giản, không có gì khó hiểu. Nếu có ai hỏi quý vị cái nhìn của đạo Bụt về Đấng Sáng Tạo (Genesis – kinh Cựu Ước) như thế nào? Thế giới này hình thành như thế nào?… thì quý vị chỉ cần lặp lại câu nói rất đơn giản ấy của Bụt rằng: ”Cái này có vì cái kia có.” Câu nói ấy nghe thật đơn giản, nhưng vô cùng thâm sâu. Đó là giáo lý Tương tức – mọi vật nương vào nhau mà biểu hiện, mọi vật nằm trong nhau, gọi là Tương nhập. Tôi muốn thêm vào một câu khác: ”Vì cái này như thế này nên cái kia như thế kia.” Nếu người thương của mình đau khổ, có lẽ một phần vì mình đã hành xử như thế nào đó. Mình phải chịu trách nhiệm một phần về hạnh phúc hay khổ đau của người thương của mình. ”Cái này có vì cái kia có. Cái này không vì cái kia không. Cái này sinh vì cái kia sinh. Cái này diệt vì cái kia diệt. Cái này như thế này vì cái kia như thế kia.” Đó là giáo lý Tương tức tương nhập của đạo Bụt.
Ta tương quan tương duyên với tất cả mọi sự mọi vật. Ta không thể biến một vật từ có trở thành không. Nếu ta có khả năng biến một hạt bụi thành không (hư vô), thì ta cũng có thể biến cả vũ trụ thành không (hư vô). Có những người nghĩ rằng họ có thể biến mọi vật từ có trở thành không, tức là họ có thể loại trừ hoặc thủ tiêu những đối tượng mà họ không ưa thích; họ giết người, thủ tiêu phe đối lập, muốn biến một người, một đảng phái đối lập từ có trở thành không. Ví dụ như Tổng thống John F. Kennedy, Ông Mục sư Martin Luther King Jr. hoặc Thánh Mahatma Gandhi và vô số các vị khác đã bị người ta thủ tiêu, và họ nghĩ rằng những nhân vật này sẽ vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện nữa. Nhưng sự thật là khi người ta thủ tiêu một nhân vật nào đó, thì nhân vật đó càng trở nên hùng mạnh hơn trước. Nhìn sâu vào lòng thực tại, ta khám phá ra bản chất không sinh không diệt của các pháp. Trước hết ta tiếp xúc được với bản chất của vô thường. Nếu tiếp tục nhìn sâu, ta sẽ tiếp xúc được với tính Tương tức của các pháp. Tương tức là tên gọi khác của Vô ngã. Vô ngã nghĩa là sự trống rỗng, là không có một thực thể biệt lập.
Hãy quán chiếu vào thân thể ta để thấy rằng thân thể ta đã được trao truyền lại từ tổ tiên, ông bà và cha mẹ của ta. Đây là sự trao truyền về tánh không. Cái không ở đây không phải là cái không đối với cái có, mà không nghĩa là không có tự tánh, không có thực thể riêng biệt. Nếu nhìn cho thật sâu, chúng ta có thể thấy rằng khi tổ tiên của ta đã trao truyền hình hài này cho ta, họ đã trao truyền cả con người, cả thân tâm của họ. Giữa người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận sự trao truyền không có một môi giới phân chia nào cả. Mỗi tế bào của cơ thể ta chứa đựng tất cả các dữ kiện di thể (genetic code) ta cần biết về các thế hệ ông bà, tổ tiên, xã hội, văn hóa và nền tảng đạo đức của ta. Do đó ta thấy rằng không có một cái ngã biệt lập giữa người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận. Cái thực tại mầu nhiệm đó gọi là không, là trống rỗng. Ta là người tiếp nhận sự trao truyền chứ không phải là một thực thể biệt lập. Ta vừa là người tiếp nhận sự trao truyền, vừa là đối tượng của sự trao truyền và vừa là người trao truyền cùng một lúc. Đó là giáo lý Tam luân không tịch.
Khi ta tiếp xúc với thân và tâm của ta, ta đồng thời tiếp xúc được với thân và tâm của các thế hệ tổ tiên ta. Với cái thấy này, ta tiếp xúc được với thực tại vô ngã, tương tức của sự sống. Thực tại này vượt thoát ngôn từ và khái niệm. Nếu sống được liên tục với tuệ giác này, ta sẽ không gây khổ đau cho ta và cho những người quanh ta. Ta thương yêu hết tất cả, ôm lấy hết tất cả, dù người đó là kẻ thù của ta. Vì vậy tuệ giác về Tương tức và về Vô thường phải được thực chứng và trở thành tuệ giác sống trong ta trong từng giây từng phút, mà không phải là một hệ thống tư tưởng có tính cách triết lý, một chủ thuyết hay một ý thức hệ để tranh luận và tự hào, tôn thờ hay sống chết với nó.
Nếu ta tập nhìn thật sâu vào lòng thực tại, ta sẽ hiểu được nghĩa lý của tánh không, của tuệ giác Vô ngã. Những ngôn từ này không còn làm cho ta sợ hãi nữa. Ta lìa bỏ được ảo tưởng rằng ta là một thực thể biệt lập, là một thực tại thường hằng, không biến đổi mà ta đã mang trong lòng từ bao nhiêu kiếp nay. Cũng vì cái thấy sai lầm đó (vọng tưởng) mà ta đã trôi lăn trong biển sinh tử không biết bao nhiêu lần. Nếu cái thấy này luôn có mặt trong ta thì ta biết tuệ giác của Bụt đang có mặt. Nếu ta nói năng, suy tư, lắng nghe và hành xử căn cứ trên tuệ giác Vô thường, Vô ngã và Tương tức thì chắc chắn ta sẽ tái lập lại được sự truyền thông, đem lại an vui, hòa bình và hạnh phúc cho ta, cho những người quanh ta, cho xã hội và thế giới; ta chấm dứt được sự tạo tác thêm khổ đau và hiểu lầm (vọng tưởng) giữa ta và người.
Tuệ giác này có thể được chế tác trong từng bước chân có chánh niệm, từng hơi thở có ý thức. Ta phải sống đời sống của ta thật sâu sắc, điềm tĩnh để cho tuệ giác ấy trở thành chân thực và sống động trong từng giây từng phút, chứ không ôm lấy nó như một mớ khái niệm, một mớ lý thuyết trừu tượng. Trong khi nói pháp, tôi thường nhìn vào các đệ tử của tôi và thấy rằng họ cũng là tôi, họ là sự tiếp nối của tôi. Tôi cố gắng trao truyền cho họ những chất liệu nuôi dưỡng, có lợi ích cho sự thực tập như tôi đã cống hiến cho chính mình. Với cái nhìn ấy, sự phân biệt giữa thầy và trò tự nhiên tan biến. Ta hãy sống đời sống hàng ngày của ta như thế nào để có thể tiếp xúc được với tuệ giác Tương tức, Vô thường và Vô ngã trong mỗi giây mỗi phút của đời sống hàng ngày. Sống được như thế, ta sẽ tránh gây ra lỗi lầm và khổ đau cho nhau. Đó là nội dung của bài tập thở có ý thức thứ mười ba: ”Thở vào, tôi quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp. Thở ra, tôi quán chiếu về tính tương tức của vạn pháp.” Đây là phép thực tập rất thâm sâu, là tinh hoa của giáo lý đạo Bụt.
Tiếp Xúc Với Niết Bàn
Vô thường, Vô ngã và Niết bàn là ba chiếc chìa khóa giúp ta mở cửa thực tại, gọi là Tam Pháp Ấn. Tại sao gọi là Pháp Ấn? Bởi vì những Pháp Ấn ấy xác nhận được những lời dạy là giáo lý chính thống của Bụt. Những giáo lý nào không phản chiếu được các dấu ấn Vô thường, Vô ngã và Niết bàn, thì đó chưa phải là giáo lý chính thống của Bụt. Ví dụ đồng tiền xu này tượng trưng cho Ba Pháp Ấn. Mặt phải và mặt trái tượng trưng cho Vô thường và Vô ngã, còn chất kim loại tượng trưng cho Niết bàn. Ta không thể tách rời niết bàn ra khỏi Vô thường và Vô ngã. Vô thường tự nó là Vô ngã; chúng tuy hai nhưng lại mang cùng một bản chất. Nếu tiếp xúc với Vô thường một cách sâu sắc, ta đồng thời tiếp xúc được với tính Không, với Vô ngã và Tương tức. Những danh từ này đều mang cùng một nghĩa. Không nghĩa là không có thực thể biệt lập, là trống rỗng. Tương tức nghĩa là một pháp không thể tự nó biểu hiện mà phải nương vào những điều kiện khác để biểu hiện, cho nên bản chất của nó là Vô ngã. Tiếp xúc một mặt của thực tại sâu sắc, ta đồng thời tiếp xúc được với mặt kia. Ta chỉ có thể hiểu được nghĩa lý của Vô thường khi nào ta hiểu được nghĩa lý của Vô ngã và Tương tức.
Ta có thể thắc mắc: Niết bàn nghĩa là gì? Khi ta tiếp xúc được với thực tại của Vô thường và Vô ngã, ta đồng thời cũng đang tiếp xúc với Niết bàn. Tạo sao? Cũng như sóng và nước. Sóng thì có cao có thấp, có lớn có bé, có lên có xuống, có tới có đi, có đẹp có xấu v.v… không có con sóng nào giống con sóng nào và ta có thể diễn tả sóng theo nhiều hình tướng khác nhau tùy theo nhận thức của ta. Mỗi con sóng có điểm bắt đầu và điểm chấm dứt. Nhưng khi tiếp xúc được với sóng một cách sâu sắc thì đồng thời ta cũng tiếp xúc được với nước. Con sóng có thể chưa ý thức được rằng mình chính là nước. Và đó là tri giác sai lầm của sóng, là vọng tưởng, vô minh, là cội nguồn của tất cả khổ đau. Giống như con sóng kia, ta không biết bản chất đích thực của ta là gì. Ta không biết rằng Tịnh Độ hay Nước Chúa đều đang có mặt trong ta và quanh ta ngay bây giờ và ở đây. Ta đánh mất khả năng tiếp xúc với Niết bàn ngay trong chính tự thân của ta, chính vì vậy mà ta khổ đau triền miên, trôi lăn trong biển sinh tử không biết bao nhiều lần cũng vì tri giác sai lầm (vọng tưởng) đó của ta về thực tại. Chỉ khi nào tiếp xúc được với Niết bàn thì ta mới hoàn toàn tự do, giải thoát. Niết bàn không phải là vấn đề lý thuyết, khái niệm; Niết bàn là vấn đề thực chứng. Theo lời Bụt dạy, ta có thể tiếp xúc được với Niết bàn ngay trong giây phút hiện tại. Đó gọi là Hiện Pháp Niết Bàn. Khi tiếp xúc sâu sắc với sóng, ta đồng thời tiếp xúc được với nước. Đã nhiều lần ta tiếp xúc với đám mây, với bông hoa hoặc với thân thể của ta, nhưng có lẽ ta chưa tiếp xúc với chúng đủ sâu để chạm tới được bản tính chân thật của chúng. Với năng lượng của Niệm, Định và Tuệ, ta có thể chọc thủng được màn vô minh và chạm tới được bản tánh chân thực của ta vốn không sinh không diệt, không tới không đi, không một không khác v.v…
Bây giờ tôi sẽ giải thích câu cuối của bài kệ Đã về/đã tới mà tôi đã hướng dẫn vào ngày đầu của khóa tu. ”Đã về đã tới. Bây giờ/ở đây. Vững chãi/thảnh thơi. Quay về/nương tựa. Nay tôi đã về/nay tôi đã tới. An trú bây giờ/an trú ở đây. Vững chãi như núi xanh/thảnh thơi dường mây trắng. Cửa vô sinh mở rồi/trạm nhiên và bất động.”
Ta không thể hiểu được câu cuối của bài kệ nếu không tiếp xúc được với bản tính chân thực của ta. Ta có thể hiểu thực tại trên hai bình diện: bình diện Tích môn và bình diện Bản môn. Ta sống trong bình diện Tích môn. Trong bình diện Tích môn, ta thấy có sinh có diệt, có sự bắt đầu và có sự chấm dứt, có có có không, có cao có thấp, có thành có hoại. Ta đã quen sống trong thế giới của Tích môn như thế. Tuy nhiên ta chưa có cơ hội tiếp xúc sâu sắc với thế giới Tích môn để có thể chạm tới thế giới Bản môn. Mặc dầu hai thế giới này có cùng một bản chất, chúng nương vào nhau mà biểu hiện. Cái này nằm trong cái kia. Đó gọi là giáo lý Tương tức tương nhập. Ta không thể tách rời thế giới Tích môn ra khỏi thế giới Bản môn hoặc ngược lại. Cũng như sóng và nước. Ta không thể lấy sóng ra khỏi nước, mà cũng không thể lấy nước ra khỏi sóng. Sóng và nước tương tức tương nhập. Ta không nên vứt bỏ Vô thường và Vô ngã để tiếp xúc với Niết bàn. Nếu vứt bỏ Vô thường và Vô ngã thì Niết bàn cũng không còn. Cũng như nếu ta vứt bỏ nước thì ta sẽ không có sóng và ngược lại. Vì vậy, khi tiếp xúc sâu sắc với thế giới Tích môn, ta đồng thời tiếp xúc được với thế giới Bản môn. Đó gọi là tùng tướng nhập tánh. Đây là giáo lý rất thâm sâu của đạo Bụt. Trong đời sống tu tập hàng ngày, ta có thể làm vơi nhẹ một ít khổ đau của ta bằng phương pháp nhận diện, tiếp xúc với những gì lành mạnh, tươi mát, ôm ấp, làm lắng dịu, nhưng đó chưa phải là đỉnh cao của sự chứng ngộ, mà đỉnh cao của sự chứng ngộ là phải chạm tới cho được Niết bàn. Phải dứt hết mọi khái niệm, ý niệm như ý niệm một và khác, ta và người, có và không, đến và đi, chúng sinh và thọ giả v.v…
Bản Chất Của Sóng Và Nước
Ta hãy quán tưởng bản thân mình như một đợt sóng trên đại dương. Là đợt sóng, ta bị khống chế bởi những tâm hành sợ hãi, ghen tỵ, tuyệt vọng và giận hờn vì ta chưa có khả năng tiếp xúc được với bản chất chân thực của ta, đó là nước. Ta bị kẹt vào những khái niệm về thường và đoạn, có và không, đến và đi, đẹp và xấu, cao và thấp, hơn và thua v.v.. và ta sinh tâm kỳ thị, ghen tỵ với những đợt sóng khác, ta muốn loại trừ những đợt sóng khác. Đợt sóng cho rằng Thượng Đế đã nhào nắn, đã tạo ra nó; nó thấy nó có sự bắt đầu, dâng lên vài phút, kéo dài một lúc, rồi chìm xuống. Nó biết rằng nó sẽ chấm dứt vào một điểm nào đó. Nó không thấy rằng nó tương tức với những con sóng khác, nó chia sẻ cùng một nền tảng của thực tại, đó là nước. Nó bị giam hãm trong ý niệm rằng nó là một thực thể biệt lập tồn tại ngoài các con sóng khác, là tự ngã; trong khi đó, sự thực, nó có mặt là nhờ những đợt sóng kia có mặt và hình dáng của nó được tạo ra bởi những con sóng khác. Nếu nó buông bỏ được ý niệm nó là một thực thể biệt lập – có ngoài những con sóng khác và cúi xuống để tiếp xúc với bản chất đích thực của mình – là nước, thì tất cả những tâm hành như sợ hãi, kỳ thị, ghen tỵ, khổ đau đột nhiên tan biết, và thể nhập, chứng nhập được với niết bàn, với thực tại nhiệm mầu của sự sống, thực tại của tương tức tương nhập của nó với những con sóng khác.
Sự Sống Là Quá Trình Của Sự Tiếp Nối
Chúng ta không cần phải từ bỏ thế giới Tích môn mới có thể đi vào thế giới của Bản môn. Thực ra ta phải tiếp xúc với thế giới Tích môn, tức là thế giới của hiện tượng cho thật sâu sắc thì ta đồng thời tiếp xúc được với thế giới của Bản môn, tức là thế giới của không sinh không diệt, không tới không đi, không một không khác. Đó gọi là Tùng tướng nhập tánh. Bản chất của sóng tức là nước. Nếu bỏ sóng để đi tìm nước thì sẽ không bao giờ gặp được nước. Tiếp xúc sâu sắc với sóng thì tự dưng ta tiếp xúc được với nước. Bởi vì bản chất của sóng chính là nước. Tờ giấy này là một hành, một hiện tượng thuộc thế giới Tích môn. Ta tin rằng tờ giấy này được sinh ra từ thời điểm đó và nó sẽ bị hủy diệt vào một thời điểm đó. Nó bị điều kiện hóa, bị nhận thức bởi ý niệm có và không. Chúng ta hãy thực tập nhìn sâu vào tờ giấy này để có thể tiếp xúc được với thế giới Bản môn – thực tại không sinh không diệt, không đến không đi của tờ giấy. Nếu tiếp xúc được với thực tại không sinh không diệt, không đến không đi của tờ giấy này thì ta tiếp xúc được với thực tại của chính mình, bởi vì tờ giấy cũng chính là một phần của thực tại mình. Nhìn sâu vào tờ giấy, ta thấy được đám mây đang bay lơ lửng thật đẹp. Ta không cần phải là một thi sĩ mới có thể thấy được đám mây trong tờ giấy. Nếu ta lấy đám mây ra khỏi tờ giấy, thì tờ giấy sẽ bị tan rã liền lập tức. Bởi vì không có mây thì sẽ không có mưa; không có mưa (vốn là một trong những điều kiện thiết yếu để nuôi cây) thì cây sẽ không mọc lên được và như vậy ta sẽ không có gỗ để làm giấy. Bản chất của tờ giấy là Tương tức, là Vô ngã, là trống rỗng (không – sunyata). Tờ giấy cũng tương quan tương duyên với ánh sáng mặt trời, với các chất khoáng, với đại địa, với hãng làm giấy, với những người công nhân trong hãng giấy và với thức ăn mà những người công nhân tiêu thụ hàng ngày trong sở làm v.v… Nếu tiếp xúc sâu sắc với tờ giấy, ta sẽ tiếp xúc được với tất cả vạn pháp trong vũ trụ.
Ban đầu quý vị có thể nghĩ rằng trước khi tờ giấy này được phát sinh thì nó chưa có. Quý vị có thể cho rằng sinh nghĩa là từ không mà trở thành có và cho rằng ngày tháng được ghi lại trên tờ giấy khai sinh là ngày mình bắt đầu sinh ra, bắt đầu có. Trước khi tờ giấy này sinh ra, nó đã có chưa hay nó từ không mà tự nhiên trở thành có? Câu trả lời là không. Không có cái gì từ không mà trở thành có; không có người nào từ không mà tự nhiên trở thành có. Quý vị có phải từ hư không mà đến chăng? Câu trả lời là không! Không bao giờ! Giây phút mà ta được sinh ra thực ra chỉ là giây phút của sự tiếp nối mà thôi, bởi vì ta đã có mặt trong bào thai của mẹ ít nhất là chín tháng mười ngày. Ngày sinh được ghi lại trên tờ giấy khai sinh của ta thật ra không đúng, phải tính thêm chín tháng và mười ngày trước đó nữa kể từ giây phút ta bắt đầu tượng hình trong bào thai của mẹ thì mới tạm gọi là đúng. Nhưng đó cũng chỉ là ngày tháng ước lệ. Ta tiếp tục đặt câu hỏi: ”Vậy thì trước giây phút tượng hình, ta đã ở đâu? Ta có mặt chưa? Hay ta hoàn toàn không có, là hư vô? Có phải ta là hư vô chăng? Ta không là ai cả chăng?” Nếu quán chiếu sâu sắc, ta sẽ thấy rằng trước giây phút tượng hình, ta đã có mặt rồi dưới hình tướng của cha ta, mẹ ta, cây cỏ và đất đá, văn hóa, lịch sử v.v… Ngay cả giây phút của sự tượng hình cũng là giây phút của sự tiếp nối. Cũng giống như tờ giấy này, nó đã có mặt từ lâu lắm rồi dưới nhiều hình dạng của sự sống. Trước khi tờ giấy này biểu hiện trong xưởng giấy, nó đã là nắng, là mưa, là cây rừng, là núi sông, là người chăm sóc rừng v.v… Quán chiếu thâm sâu hơn nữa ta sẽ thấy ta chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt. Giây phút nào cũng là giây phút của sự tiếp nối, giây phút nào cũng là giây phút của sự biểu hiện. Chúng ta chỉ tiếp tục biểu hiện trong hình thái mới của sự sống mà thôi. Bây giờ hãy thử xem chúng ta có thể biến tờ giấy này từ có mà trở thành không được không? Khi đám mây sắp sửa biến thành mưa, đám mây không có chút sợ hãi nào cả, bởi vì nó biết rằng tuy nó rất thích được làm mây bay thong dong giữa trời, nhưng khi phải đổi thân làm mưa, thì mây vẫn sung sướng, hạnh phúc được làm mưa rơi xuống giữa những cách đồng lúa xanh tươi, giữa những đại dương mênh mông và giữa những núi rừng trùng điệp. Làm mây cũng hạnh phúc, mà làm mưa cũng hạnh phúc không kém. Khi mây biến thành mưa, thì đó không phải là giây phút của sự kết thúc – tử, mà đó là giây phút của sự tiếp nối. Mây không bị kẹt vào cái tướng của chính mình, không vướng mắc hay bám víu vào cái tướng của mình. Mây hoàn toàn tự do vì mây thấy mình đang được tiếp nối dưới hình tướng của mưa. Vì vậy, thay vì hát ‘‘Mừng ngày sinh nhật của em;’’ tôi xin đề nghị các bạn nên hát ”Mừng ngày tiếp nối của em;” thì phù hợp với thực tại hơn. Ngày mất (tử) cũng đồng thời là ngày của sự tiếp nối. Ngày nào cũng là ngày của sự tiếp nối. Chúng ta nên ăn mừng sự tiếp nối của ta mỗi ngày, mỗi giây, mỗi phút.