05. Quán thân trong thân
Chương 5
Quán thân trong thân
Trong những bài pháp thoại trước, chúng ta đã được học về quán niệm thân thể trong thân thể: ”Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi.” Khi thực tập thở vào, thở ra và có ý thức về toàn thân, tức là mình đang ôm ấp thân thể mình với năng lượng của chánh niệm. Mình có mặt cho thân thể mình và nhìn sâu vào bản chất chân thực của nó. Với sự quán chiếu sâu sắc, mình sẽ khám phá những điều mầu nhiệm của thân thể, thấy được bản chất tương quan tương duyên của sự sống và chết của thân thể mình. Sự sống không thể nào có được nếu không có sự chết và ngược lại. Mình cũng sẽ khám phá ra rằng mỗi tế bào trong cơ thể mình chứa đựng tất cả những tài ba cũng như những hạn chế của dòng họ tổ tiên, ông bà, văn hóa và xã hội mình. Một tế bào đơn cũng có thể cung cấp cho chúng ta tất cả những dữ kiện liên hệ đến nhiều thế hệ tổ tiên của chúng trong quá khứ mà chúng ta muốn tìm hiểu. Pháp đường này tuy rất lớn, nhưng nó không thể chứa đựng được tất cả những dữ kiện lưu trữ của tổ tiên mình. Khoa học đã có thể lấy một tế bào đơn để tạo ra một sinh mạng mới gọi là Nhân Bản Vô Tính. Điều này rất phù hợp với giáo lý đạo Bụt – Cái một chứa đựng cái tất cả. Ý niệm về lớn và nhỏ, một và khác của mình chỉ là ý niệm, nó không phù hợp với thực tại. Cái vô cùng lớn được tìm thấy trong cái vô cùng nhỏ. Mỗi tế bào trong cơ thể mình là sự biểu hiện nhiệm mầu của sự sống, của tâm thức cá nhân và cộng đồng. Mình biết rằng cái chết xảy ra từng giây phút trong cơ thể và tâm thức mình, nhưng mình không có can hệ gì. Khi có một tế bào đang chết, mình không than khóc, cũng không tổ chức đám tang. Nếu tổ chức đám tang mỗi khi có một tế bào chết thì mình sẽ không còn có thì giờ để sống vì phải bận rộn lo việc ma chay. Nhờ sự chết xảy ra liên tục mà sự sống có mặt. Tuy rằng đã thấy được bản chất của sống và chết là tương tức, nhưng mình vẫn bám vào sự vô minh của mình và nói rằng: ”Tôi chỉ muốn sống. Tôi không muốn chết.” Đó là thái độ hết sức ngây thơ, không có trí tuệ.
Trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Satipatthana sutta), Bụt dạy chúng ta thực tập nhìn sâu, quán tưởng vào hình hài của ta trong khi nó còn linh hoạt và cả khi nó bị tan rã. Ta bắt đầu ôm lấy hình hài ta với năng lượng chánh niệm và thực tập nhìn sâu vào thân thể ta. Ta cần khám phá tâm thức của ta và nhiều điều mầu nhiệm khác mà ta chưa biết về hình hài như là một hợp thể ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Thiền là một quá trình thực tập rất thích thú giúp ta tiếp xúc, khám phá và quán chiếu để thấy được bản chất đích thực của thực tại một cách trực tiếp. Thiền tập giúp ta an trú trong giây phút hiện tại để nhận diện và trân quý những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt trong ta và quanh ta. Nhưng vì quá bận rộn nên ta không có thì giờ để sống; ta đánh mất ước hẹn với sự sống, mà đánh mất sự sống là đánh mất tất cả.
Làm Lắng Dịu Thân
Chúng ta hãy đọc lại phép thực tập quán niệm hơi thở thứ tư mà Bụt đã chỉ dạy về phép an tịnh thân hành. Ta thở vào, thở ra và ôm ấp thân thể ta với năng lượng chánh niệm và làm cho thân thể ta an tịnh, lắng dịu và buông thư trở lại. Chánh niệm có công năng làm an tịnh và trị liệu thân tâm. Trong kinh Bụt có nói: ”An tịnh thân hành, tôi thở vào” (kayasankhara). Hành là một hiện tượng biểu hiện nhờ vào các điều kiện, như một bông hoa. Khi các điều kiện hội tụ đầy đủ thì một hiện tượng biểu hiện. Thân thể ta là một hành được biểu hiện khi các điều kiện hội tụ đầy đủ. Một thời điểm nào đó, khi có vài điều kiện thiếu vắng thì thân thể ta sẽ ẩn tàng. Điều đó không có nghĩa là thân thể ta đột nhiên từ có mà trở thành không. Khi các nhân duyên hội tụ đầy đủ và thân thể ta biểu hiện, ta gọi là sinh, là có. Khi có một vài điều kiện thiếu vắng và thân thể ta ngưng biểu hiện thì ta gọi là diệt, là không, là hư vô. Thực tập nhìn sâu giúp ta vượt thoát những ý niệm về có và không, sinh và diệt… Khi ta quẹt cây diêm và những điều kiện tụ hội đầy đủ, thì ngọn lửa biểu hiện. Ta nói rằng ngọn lửa có mặt. Sau đó ta thổi tắt ngọn lửa, ngọn lửa không có đó nữa và ta cho là ngọn lửa không có. Thực ra ngọn lửa luôn luôn có mặt đó trong hình thái khác, nhưng vì ta bị kẹt vào tướng nên không thấy mà thôi. Khi điều kiện hội tụ đầy đủ thì ngọn lửa biểu hiện và khi các điều kiện không hội tụ đầy đủ thì ngọn lửa ẩn tàng; ta không thể nói rằng ngọn lửa có hoặc không có. Ta chỉ có thể nói rằng khi các điều kiện hội tụ đầy đủ thì ngọn lửa biểu hiện và khi điều kiện thiếu vắng thì ngọn lửa ẩn tàng, thế thôi. Khi không thấy ngọn lửa, ta cho rằng ngọn lửa không có. Theo lời Bụt dạy, thì vấn đề không phải là có hay không có, mà vấn đề chỉ là biểu hiện hoặc không biểu hiện mà thôi. Khi ôm ấp thân thể ta và nhìn sâu vào nó như một hành, ta khám phá ra được rất nhiều điều, như thân thể ta đang bị sốt hoặc thiếu sự bình an hay đang hoạt động một cách hòa điệu. Chúng ta không biết cách chăm sóc đàng hoàng thân thể ta, nên thân thể ta bị bệnh, bất an và không có sự hài hòa. Với năng lượng chánh niệm, ta trở về với thân thể ta, nâng niu thân thể ta với tất cả sự trìu mến và làm cho nó lắng yên, êm dịu trở lại. Ta phải biết thương yêu và chăm sóc thân thể ta trước khi thương yêu và chăm sóc người khác.
Bảy Phép Mầu Của Chánh Niệm
Chánh niệm có nhiều chức năng và phép mầu. Một trong những chức năng của chánh niệm là làm cho thân tâm an tịnh, êm dịu trở lại. Thiền tập trước hết là chế tác và vun trồng năng lượng chánh niệm.
Phép mầu thứ nhất của chánh niệm là có mặt đích thực và sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Thông thường thân mình thì ở đây, nhưng tâm mình lại ở chỗ khác. Trong đời sống hàng ngày, thân và tâm của mình ít khi hợp tác chung với nhau. Chánh niệm có công năng đưa ta trở về có mặt trong giây phút hiện tại, làm cho thân tâm trở nên hợp nhất. Vì vậy thiền tập không phải chỉ dành riêng cho những người gọi là thiền giả – người tu thiền, mà nó được áp dụng cho tất cả mọi người. Muốn sống như một con người có hạnh phúc, tự do, ta phải áp dụng nếp sống chánh niệm vào trong các sinh hoạt như lái xe, ăn cơm, đi, đứng và làm việc… Chánh niệm giúp ta thực hiện những sinh hoạt, công việc hàng ngày một cách tốt đẹp và tránh được tai nạn. Nếp sống chánh niệm rất cần thiết cho mọi người trong đời sống hàng ngày. Người nào cũng có khả năng chế tác chánh niệm. Chúng ta thở, mỉm cười, đem thân và tâm trở về một mối. Chúng ta nên thực tập như vậy và giúp con em của chúng ta thực tập; như thế chúng ta mới có thể cống hiến sự có mặt cho nhau đích thực. Khi mình thương người nào, món quà quý nhất mình có thể hiến tặng cho người thương là sự có mặt đích thực của mình. Làm sao thương được nếu không có mặt? Có mặt không phải là vấn đề khó. Chỉ cần thở vào, thở ra, mỉm cười thì tự nhiên mình trở nên hoàn toàn có mặt. Rồi mình thanh thản đi tới với người thương của mình và nói: ”Anh yêu quý, em đang có mặt đây cho anh.” Đó là món quà quý giá nhất mà mình có thể hiến tặng cho người thương của mình. Đó là thiền.
Phép mầu thứ hai của chánh niệm là khả năng nhận diện; nhận diện để thấy rằng sự sống đang có mặt đích thực ngay bây giờ và ở đây. Ta có thể tiếp xúc và làm cho sự sống trở nên sâu sắc và có ý nghĩa. Khi mình có mặt thì sự sống cũng có mặt cho mình. Ví dụ mình đang ngắm cảnh mặt trời huy hoàng đang lặn với nhóm bạn thân và dường như mọi người đều đang thưởng thức một cách trọn vẹn. Nhưng có một vài người trong nhóm bị trấn ngự bởi những nỗi lo buồn và sợ hãi, tuy họ đang có đó nhưng họ không thật sự có mặt đó. Do đó họ không có khả năng tiếp xúc được với cảnh mặt trời huy hoàng đang lặn như những người khác. Vì thế nên Bụt mới nói rằng khi ta thật sự có mặt thì sự sống có mặt. Chúng ta có một ước hẹn với sự sống trong giây phút hiện tại. Chúng ta phải an trú trong giây phút hiện tại để không bị lỡ hẹn với sự sống.
Khi mình thật sự có mặt thì mình có thể nhận diện được sự có mặt của người mình thương. Được thương có nghĩa là được nhận diện, được chú ý tới, được lắng nghe và được hiểu. Phép thực tập này rất đơn giản. Trong khi lái xe, mình có thể đang suy nghĩ miên man về chuyện này chuyện nọ và quên bẵng người đang ngồi bên cạnh mình. Mình có thể đang không để ý gì tới người kia. Mình đang sống trong sự quên lãng – danh từ chuyên môn gọi là thất niệm; thất niệm tức là ngược lại với chánh niệm. Người mà bị bỏ lơ, không được ngó ngàng tới là người khổ đau nhất trên đời, người ấy sẽ bị héo mòn từ từ. Chỉ có chánh niệm mới có khả năng đưa người ấy trở về với sự sống. Vì vậy khi mình có mặt đích thực thì mình có thể nhìn vào người thương của mình và nói: ”Em yêu quý! Anh biết em có mặt đó, anh hạnh phúc quá chừng.” Khi mình nói lên được một câu như thế với chánh niệm và sự trân quý, thì người thương của mình sẽ nở tươi như một bông hoa. Khi hai đối tượng có mặt đích thực thì sự tiếp xúc trở nên rất thực. Tôi có thể tiếp xúc với cái hoa này bằng tất cả sự có mặt của tôi, nghĩa là với năng lượng chánh niệm hùng hậu. Bông hoa sẽ mỉm cười với tôi và tôi cũng mỉm cười đáp lại. Sự sống là cái gì rất thực và đang có mặt trong mỗi giây phút.
Phép mầu thứ ba của chánh niệm là tiếp xúc và ôm ấp. Nếu thực tập đúng mức, phép mầu này sẽ đem lại hai hiệu quả: hiệu quả thứ nhất là tiếp nhận sự nuôi dưỡng và trị liệu và hiệu quả thứ hai là cung cấp sự chữa trị và làm an tịnh thân tâm. Theo sự thực tập này, mình và người thương của mình đều được nuôi dưỡng. Nếu người kia có chánh niệm, thân tâm nhẹ nhàng, an vui và tươi mát, thì mình cũng được thừa hưởng khi tiếp xúc với người đó và ngược lại. Trong Tân Ước có nói rằng người nào được Chúa Ki Tô chạm đến thì người đó tự nhiên được chuyển hóa, trị liệu, vì trong Chúa Ki Tô có năng lực của thánh thần, nên gọi là Chúa Thánh Thần. Đối với tôi, Chúa Thánh Thần là nguồn năng lượng của sự có mặt đích thực, của sự sống, của khả năng hiểu và thương. Cũng vậy, nơi nào có năng lượng chánh niệm thì nơi ấy có sự sống, có sự bảo hộ và an vui, có khả năng nhận diện, tiếp xúc, nuôi dưỡng, hiểu biết và thương yêu, có Bụt và Bồ Tát.
Tiếp xúc với sự sống giúp ta trở nên linh hoạt và ta làm cho sự sống phong phú, có thực chất và hoàn thiện. Ta thử thực tập ăn cam trong chánh niệm; nếu trong khi ăn mà ta có mặt một trăm phần trăm, tiếp xúc sâu sắc với trái cam, thì trái cam sẽ phản chiếu thực tại mầu nhiệm của nó cho ta. Ta sẽ thấy trái cam là một phép lạ, là một tặng phẩm tuyệt vời của vũ trụ. Và ta thấy mình cũng là một biểu hiện nhiệm mầu như trái cam. Đây gọi là phép thực tập ăn cam trong chánh niệm (thiền cam). Ăn cam như thế tức là ta làm cho lời dạy của Bụt trở thành pháp sống. Và mỗi giây phút của đời sống ta trở nên rất sâu sắc và có phẩm chất. Ta được nuôi dưỡng rất nhiều khi ta biết tiếp xúc với những chất liệu lành mạnh, đẹp đẽ, tươi mát và trị liệu trong đời sống. Muốn làm được điều đó, ta phải thực tập có mặt đích thực cho sự sống. Cả hai đều được nuôi dưỡng từ những chất liệu tươi mát và trị liệu trong nhau. Nếu người kia đang khổ, thì sự có mặt đích thực của mình sẽ giúp cho người kia an tịnh, tươi mát trở lại và làm cho người kia đỡ khổ ngay lập tức. Cho nên phép quán niệm hơi thở thứ tư trong kinh Quán Niệm Hơi Thở là: ”Thở vào, tôi làm cho toàn thân an tịnh. Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh.” Ta thực tập ôm ấp niềm đau nỗi khổ, sự bất an và vọng động của thân thể ta bằng năng lượng chánh niệm. Tiếp xúc sâu sắc và ôm ấp thân thể ta bằng năng lượng chánh niệm, ta làm cho thân thể được an tịnh trở lại và tự nhiên thân thể ta sẽ bớt khổ ngay. ”An tịnh thân hành, tôi thở vào. An tịnh thân hành, tôi thở ra.” Đây là giây phút của sự trị liệu. Nếu ta không thật sự có mặt, thì ai sẽ làm công việc trị liệu cho ta? Ta phải biết thân thể ta đang cần gì. Nếu ta có bác sĩ trị liệu, bác sĩ trị liệu có thể yểm trợ ta với năng lượng chánh niệm của họ, nhưng cũng cần cộng tác thêm năng lượng chánh niệm của ta. Cho nên nếu được Tăng thân, các bạn đồng tu yểm trợ thì sự tiếp xúc của ta sẽ trở nên sâu sắc và quá trình trị liệu sẽ xảy ra rất mau chóng.
Khi thực tập đi trong chánh niệm (thiền hành) với Tăng thân, ta dùng năng lượng chánh niệm mà ta đã chế tác ra để tiếp xúc với trái đất, như vậy cả ta và trái đất đều được trị liệu. Trái đất đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi chính bàn tay thiếu trách nhiệm và thiếu tình thương của ta. Trái đất đang bị thương tích và đang cần được trị liệu như ta. Vì vậy, khi tiếp xúc trái đất với năng lượng bình an và thương yêu, có nghĩa là ta đang trị liệu trái đất. Đồng thời ta cũng tiếp nhận khả năng tự chữa mầu nhiệm của đất. Đây là sức mạnh của thiền đi. Với một đại chúng gồm trên bốn trăm người cùng đi thiền với nhau, chúng ta sẽ chế tác ra nguồn năng lượng tập thể hùng hậu và nguồn năng lượng ấy làm cho bước chân của ta trở nên vững chãi và bình an hơn. Phong thái vững chãi và thảnh thơi của một sư chú hay một sư cô đang đi trước mặt ta có công năng giúp ta trở về với chính mình. Không có sự yểm trợ của Tăng thân thì sự tu tập của ta sẽ trở nên khó hơn rất nhiều. Vì vậy, Con về nương tựa Tăng là một sự thực tập rất quan trọng.
Phép mầu thứ tư của chánh niệm là khả năng chuyên chú vào một đối tượng, danh từ chuyên môn gọi là Định. Nếu ta có chánh niệm về một đối tượng, tức là ta chuyên chú vào đối tượng đó một trăm phần trăm và lâu bền. Nếu ta thành công trong quá trình ăn cam trong chánh niệm, thân tâm an trú vững chãi trong suốt thời gian ăn cam, tức là ta đang có mặt trọn vẹn với trái cam. Ta không để cho tâm ta phóng đi chỗ khác, tán loạn – nuối tiếc về quá khứ, mơ tưởng, lo lắng và sợ hãi về tương lai hay bị lôi cuốn theo những dự án, giận hờn, nghi kỵ và buồn chán trong hiện tại… Ta chỉ làm một việc thôi, đó là tiếp xúc với trái cam. Năng lượng chánh niệm mang trong nó năng lượng của Định, giống như bông hoa mang trong tự thân của nó màu sắc và mùi hương đặc biệt. Lúc bấy giờ ta là năng lực của Định. Sự sống chỉ có thể trở nên sâu sắc khi nào tâm ta ở trong trạng thái chuyên nhất, an định. Nếu năng lượng Định được duy trì bền bĩ trong đời sống hàng ngày thì ta sẽ phát khởi được tuệ giác, ta có cái nhìn sâu sắc vào lòng sự vật đang có mặt trong ta và quanh ta. Đây gọi là phép thực tập nhìn sâu (quán chiếu); nhìn sâu vào bản chất của mọi sự mọi vật đang xảy ra trong hiện tại – cụ thể là năm uẩn của ta: hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Với sự thực tập nhìn sâu, ta làm phát sinh tuệ giác, tức là sự hiểu biết lớn và sự hiểu biết lớn ấy có công năng giải phóng ta ra khỏi ngục tù của sợ hãi, tuyệt vọng, hận thù và sầu đau.
Phép mầu thứ năm của chánh niệm là khả năng an trú. Khi ta an trú trong Định, thì sự sống trở nên rất sâu sắc.
Phép mầu thứ sáu của chánh niệm là nhìn sâu.
Phép mầu thứ bảy của chánh niệm là giải thoát, nghĩa là cái thấy (tuệ giác) mà ta đạt được có công năng cởi trói ta ra khỏi những ràng buộc và hệ lụy.
Bảy phép mầu của chánh niệm nếu thực tập và chế tác liên tục sẽ đem lại cho ta rất nhiều lợi lạc. Năng lượng chánh niệm là năng lượng của Bụt, vì Ngài luôn an trú trong Định, trong sự tỉnh thức. Người nào cũng có năng lượng chánh niệm trong tự thân, nhưng vì chúng ta thường sống trong sự quên lãng nên năng lượng chánh niệm trong ta còn kém hoặc không có cơ hội biểu hiện. Chúng ta biết rằng năng lượng của Bụt không phải là cái gì trừu tượng. Mỗi người trong chúng ta đều có sẵn hạt giống chánh niệm. Ta tu tập như thế nào để hạt giống này được phát triển mỗi ngày trong đời sống, vì mỗi khi hạt giống chánh niệm được phát khởi thì nó cung cấp cho ta rất nhiều năng lượng. Nếu ta chưa có cơ hội để thực tập thì hạt giống ấy vẫn còn nằm yên trong chiều sâu tâm thức của ta. Ta có thể gọi năng lượng ấy là Bụt tí hon (Bụt Sơ Sinh). Nếu ta thực tập thì đức Bụt tí hon trong ta sẽ có cơ hội biểu hiện và phát triển. Mỗi khi ta thở vào và mỉm cười, thì Bụt tí hon trong ta lớn lên thêm một tí. Còn nếu ta quá bận rộn và luôn bị khống chế bởi năng lượng của tập khí, chạy theo hướng thỏa mãn ngũ dục, thì Bụt tí hon trong ta sẽ càng ngày càng ốm o, gầy mòn. Bụt tí hon không có cơ hội để phát triển và giúp ta chuyển hóa. Nơi nào có chánh niệm thì nơi ấy có sự sống, có hiểu biết và thương yêu, có Bụt. Do đó ta có thể nói rằng năng lượng chánh niệm tương đương với năng lượng của chúa thánh thần trong giáo lý Ki Tô. Theo giáo lý Ki Tô, thì thánh thần là năng lượng của thương yêu. Tất cả chúng sinh đều có hạt giống chánh niệm, chất thánh trong lòng. Khi ta nói: ”Thượng Đế có mặt trong lòng con”; tức là có hàm ý đó. Hạt giống chánh niệm đã có sẵn trong ta. Nếu ta biết cách nuôi dưỡng và phát triển thì hạt giống ấy càng ngày càng lớn mạnh lên như một vùng năng lượng. Ta biết rằng ta có nguồn ánh sáng của Bụt, của Thượng Đế trong tự thân và nguồn ánh sáng ấy có thể giúp ta trị liệu, chuyển hóa, đem lại hạnh phúc và tình thương cho chính ta và cho mọi người, mọi loài quanh ta.
Chế Tác Hỷ Lạc
Phép quán niệm hơi thở thứ năm: ”Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui. Thở ra, tôi cảm thấy mừng vui.”
Phép quán niệm hơi thở thứ sáu: ”Thở vào, tôi cảm thấy hoan lạc. Thở ra, tôi cảm thấy hoan lạc.”
Những bài thực tập này có liên quan đến thân thể và những cảm thọ của ta. Bản chất của thân và thọ là tương tức. Ta không thể lấy thân thể ra khỏi cảm thọ hoặc cảm thọ ra khỏi thân thể. Không có cái này thì cái kia không thể thành lập được. Trước khi thái tử Tất Đạt Đa thành Bậc Toàn Giác, Ngài cũng đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm, đã đi qua nhiều thất bại, lỗi lầm trước khi tìm ra chân lý. Có lần Ngài đã xém chết vì những đường lối thực tập sai lầm của mình. Vì vậy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, Ngài đã chỉ dạy cho chúng ta những phương pháp chăm sóc thân thể một cách hết sức cẩn trọng, có tính khoa học để ta có thể đi xa trong quá trình tu tập. Ta phải học cách nuôi dưỡng thân thể ta với những niềm vui và an lạc, chứ không tu theo cách ép xác, khổ hạnh. Qua những bài thực tập thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu, ta thấy lòng từ bi của Bụt rất lớn. Bụt dạy rằng mình không nên xem thân thể mình chỉ là một dụng cụ, không nên đối xử với thân thể mình một cách khinh suất, mà nên chăm sóc thân thể mình thật cẩn trọng để có thể tiến xa trên con đường tu tập giải thoát.
Trong truyền thống tu tập của thiền tập đạo Bụt, yếu tố hỷ lạc là thức ăn hàng ngày rất quan trọng – gọi là thiền duyệt. Thiền tập trước hết phải có công năng đem lại cho ta niềm an vui và hạnh phúc ngay trong khi thực tập. Nếu trong khi thực tập mà không nếm được chất liệu hỷ và lạc thì có thể ta đang thực tập chưa đúng phương pháp hoặc ta đang bị kẹt vào một ý niệm tu tập nào đó, ví dụ như phải hành khổ, ép xác mới đạt tới giải thoát… Thiền tập là nguồn thức ăn nuôi dưỡng thân tâm của ta và do đó tu tập thiền định không phải là sự lao tác cực nhọc. Thiền tập là quá trình nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm. Thông điệp của Bụt rất rõ ràng nhưng nhiều người trong chúng ta chưa nắm được điều đó. Ta vẫn cứ làm tình làm tội thân thể ta, cho rằng tu là phải khổ hạnh, phải ép xác mới có thể đạt tới giác ngộ – làm như thân thể ta chưa khổ đủ vậy. Thân thể ta có thể đã khổ quá nhiều rồi, không cần làm cho nó khổ thêm. Cho rằng tu là phải lao tác, phải ép xác, phải khuôn khổ, kỷ luật mới đạt Đạo; đó là quan niệm sai lầm rất căn bản mà ta phải lấy đi. Thiền tập có công năng giúp ta chuyển hóa khổ đau, phục hồi lại niềm an lạc, vững chãi và hòa điệu với thân thể ta để ta có thể tiến xa trên con đường tâm linh của mình.
Hỷ và lạc là hai yếu tố quan trọng trong quá trình tu tập. Chúng làm cho ta vững bền và có nhiều sức sống. ”Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui. Thở ra, tôi cảm thấy mừng vui.” Đây không phải là vấn đề mong ước hay tự kỷ ám thị, mà chính là sự thực tập. Bụt dạy rằng chúng ta cần chế tác niềm vui, an lạc và hạnh phúc để nuôi dưỡng ta trong quá trình tu tập. Chúng ta cần vài điều kiện để có thể chế tác được niềm vui và hạnh phúc chân thật. Nếu chúng ta không có niềm vui và hạnh phúc trong quá trình tu tập, thì câu nói, ”Thở vào, cảm thấy mừng vui” không có nghĩa. Có thể ta ngồi thiền như một sự khổ sai, ngồi thiền một cách cứng nhắc, chẳng có chút niềm vui, an lạc nào cả. Chúng ta phải học nghệ thuật chế tác niềm vui trong quá trình tu tập chánh niệm và làm cho năng lực của Định và Tuệ càng ngày càng tăng trưởng.
Ly Sinh Hỷ Lạc
Hạnh phúc và niềm vui đến từ sự thực tập buông bỏ, gọi là Ly sinh hỷ lạc. Ly là xa lìa, là bỏ lại đằng sau… Ví dụ, ta đang cảm thấy khó chịu, bức bách với sự náo nhiệt, căng thẳng và không khí ô nhiễm của nếp sống đô thị. Và hôm nay là ngày thứ Sáu, ta muốn thoát ra khỏi cái môi trường ngột ngạt ấy. Ta chuẩn bị một ít đồ đạc và lên xe đi về phía ngoại ô để nghỉ ngơi vài ngày. Khi tới vùng ngoại ô, ta tiếp xúc được với những rừng cây tươi mát, với bầu trời xanh lồng lộng và tiếng chim hót líu lo, tự nhiên lòng ta cảm thấy lâng lâng niềm an vui. Niềm an vui mà ta cảm nhận được là nhờ ta xa lìa, bỏ lại sau lưng nếp sống ồn náo của đô thị.
Có rất nhiều thứ ta không có khả năng buông bỏ; những cái đó trói buộc ta, làm cho ta mất hết tự do. Ta nên thực tập nhìn sâu vào bản chất của những thứ ấy để xem chúng có phải là những điều kiện tất yếu của hạnh phúc hay không. Ban đầu ta nghĩ rằng những thứ ấy là nguồn hạnh phúc đích thực của ta, nhưng nếu nhìn kỹ lại, những thứ ấy có thể là những chướng ngại rất lớn cho hạnh phúc chân thật của ta, chúng có thể có tác dụng gây khổ đau cho ta, làm cho ta mất hết tự do. Nếu ta không có khả năng sống hạnh phúc là tại vì ta đang bị những thứ ấy trói buộc và ta trở thành nô lệ cho những thứ ấy. Buông bỏ những thứ ấy đi có lẽ sẽ là nguồn an vui và hạnh phúc cho ta. Bụt và các đệ tử của Ngài đã đi qua kinh nghiệm này và đã truyền lại cho chúng ta kho tàng của tuệ giác để giúp ta tránh đi lầm đường lạc lối như các Ngài đã đi qua. Hãy nhìn sâu vào những điều kiện mà ta nghĩ là cần thiết cho hạnh phúc và an lạc của ta và xét xem chúng có thật sự đem lại an lạc và hạnh phúc cho ta hay không, hay chúng đang hủy hoại ta. Một hôm đức Thế Tôn ngồi thiền với các đệ tử của Ngài tại một khu rừng gần thành Vương Xá (Sravasti). Hôm đó các thầy cùng với Bụt vừa mới dùng cơm trưa trong chánh niệm xong và các thầy sắp sửa chia thành những nhóm nhỏ để pháp đàm – chia sẻ kinh nghiệm tu tập. Bất chợt có một bác nông dân xuất hiện. Ông ta trông rất buồn khổ và tuyệt vọng. Ông hỏi các thầy: ”Thưa các thầy, các thầy có thấy những con bò của tôi đi ngang qua đây không?”
Bụt nhìn ông ta với cái nhìn thương cảm và trả lời: ”Thưa bác, không. Chúng tôi không thấy có con bò nào đi ngang qua đây cả.”
Ông nông dân than thở: ”Các thầy có biết không, tôi bây giờ là người khốn khổ nhất, tội nghiệp nhất trên đời. Gia tài của tôi chỉ có hai sào mè và năm nay chúng bị sâu ăn hết sạch sành sanh. Đã thế, sáng nay không biết vì lý do gì mà đột nhiên mười hai con bò của tôi cũng chạy đâu mất hết. Tôi nghĩ tôi không thể sống nổi. Chắc tôi chết mất thôi.” Nét mặt ông lộ vẻ tuyệt vọng, đau khổ cực kỳ.
Nghe bác nông dân than thở như thế, Bụt thấy rất tội nghiệp cho ông ta, Ngài nói: ”Thưa ông, chúng tôi không thấy có con bò nào đi ngang qua đây cả. Có lẽ ông nên đi tìm ở một hướng khác.”
Khi ông nông dân vừa rời khỏi khu rừng, Bụt quay lại phía các thầy, nhìn kỹ các thầy, mỉm cười rồi nói: ”Này các thầy, các thầy có biết rằng các thầy là những người hạnh phúc nhất trên đời không? Vì sao? Vì các thầy không có con bò nào để mất cả.”
Vậy thì thưa quý vị, nếu quý vị đang có những con bò, tức là những sợi dây ràng buộc, thì quý vị nên nhìn sâu vào bản chất của những con bò ấy để xét xem chúng có đang thật sự đem lại hạnh phúc cho mình hay không, hay chúng chỉ đem lại lo lắng, sầu khổ và sợ hãi! Quý vị nên học nghệ thuật thả bò. Cốt yếu của sự thực tập là buông bỏ và giải phóng ta ra khỏi xiềng xích của khổ đau. Một thầy hay một sư cô phải thực tập buông bỏ mọi thứ thì mới trở thành một người tự do hoàn toàn. Một thầy hay một sư cô chỉ được phép mang theo mình ba chiếc y và một bình bát, vì tự do là gia tài quý giá nhất của người tu. Bụt dạy: ”Trí tuệ, tình thương và tự do là sự nghiệp duy nhất của người tu – Duy tuệ thị nghiệp.” Có bài kệ xưng tán đức Thế Tôn như sau:
Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sinh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần.
Bụt có rất nhiều không gian bên trong cũng như bên ngoài, vì Ngài không chiếm hữu thứ gì cả: tài lợi, danh vọng, quyền hành, địa vị, sắc dục v.v… Bụt không có con bò nào cả. Do đó hạnh phúc của Ngài rất lớn. Là đệ tử của Bụt, chúng ta nên học theo đức hạnh của Ngài, nghĩa là không nên chiếm hữu một thứ gì làm của riêng cho mình, không nên ôm quá nhiều bò. Có một nhà sư Việt Nam vào thời nhà Lê, thầy rất bận rộn trong công việc xây dựng chùa chiền. Thầy muốn xây một ngôi chùa thật lớn, đúc những tôn tượng thật đẹp và ưa chưng bày những đồ vật cổ kính, sang trọng như bàn, ghế… Thầy là một nhà nghệ sĩ. Một hôm trong buổi uống trà họp mặt với các bạn văn nghệ sĩ, thầy đã than với họ rằng: ”Lúc chưa xuất gia, mình là người rất bận rộn. Mình nghĩ rằng khi nào xuất gia rồi, mình sẽ ít bận rộn hơn. Thế nhưng khi đã xuất gia tu hành, thấy mình lại càng bận rộn hơn.” Điều đó chứng tỏ rằng ngôi chùa của thầy đã trở thành con bò, đã ngấu nghiến hết thì giờ của thầy để sống, để đi từng bước an lạc và thảnh thơi. Sau khi nghe thầy than thở như thế, các bạn văn nghệ sĩ của thầy cười và nói đùa với thầy rằng: ”Thế sao thầy không xuất gia lại và trở thành một vị thầy tu thật sự đi?”
Tự do là chất liệu căn bản của hạnh phúc đích thực. Mình không thể hạnh phúc được nếu còn bị rơi vào cạm bẫy của ngũ dục, của sự bận rộn. Vững chãi (bất động) và thảnh thơi (tự tại) là nền tảng hạnh phúc chân thật của người tu. Đó là hai đặc tính chân thực của Niết bàn. Vì vậy mình phải thực tập để phục hồi lại tự do trong tự thân và tạo ra không gian quanh mình. Cũng vậy, khi mình thương hoặc được thương, nếu không có chất liệu của vững chãi và thảnh thơi thì tình thương ấy sẽ bóp chết mình vào đối tượng thương yêu của mình. Mình không thể hạnh phúc với loại tình thương khi tình thương ấy tước đoạt đi tự do của mình, làm cho mình mất hết không gian và mình không còn là mình nữa. Đó không phải là tình thương đích thực; đó là sự ràng buộc, là sự chiếm hữu, là con bò cần phải buông bỏ. Mình phải có khả năng và sự can đảm thả bò.
Tự do là chất liệu cao quý nhất của người tu. Các thầy và các sư cô không thể đổi lấy chất liệu tự do của mình với bất cứ một thứ gì, dù đó là một ngôi chùa đồ sộ, một chức vụ quan trọng có nhiều quyền uy. Niềm vui và hạnh phúc phát sinh khi mình buông bỏ được những con bò của mình. Đây là hạnh phúc chân thực. Mình phải nhìn vào bản chất của những con bò để xét xem chúng có thật sự đem lại hạnh phúc cho mình hay không, hay chúng chỉ làm cho đời sống của mình càng ngày càng trở nên khó khăn, ngột ngạt. Sau khi đã nhìn sâu thấy kỹ được bản chất của chúng, mình có thể làm quyết định thả bò. Khi đã thả được bò, thì sự thảnh thơi tự nhiên có mặt và mình bắt đầu nếm được niềm an lạc chân thật. Sở dĩ mình hạnh phúc và vui sướng vì mình đã có khả năng buông bỏ được những con bò của mình. Tôi có một người đệ tử cư sĩ ở Đức, ông ta là một nhà doanh thương. Ông có rất nhiều bò. Ông đã tham dự một khóa tu do tăng thân Làng Mai hướng dẫn. Ông rất thích. Khi tôi được mời sang Đức để hướng dẫn khóa tu thứ hai, ông đã ra phi trường đón tôi. Trên đường lái xe đưa tôi đến địa điểm của khóa tu, ông ta nói với tôi rằng kỳ này ông không thể tham dự khóa tu được vì phải đi dự một buổi hội họp tại Frankfurt. Tôi nói đùa với ông ta rằng: ”Ông phải coi chừng những con bò của ông đó.” Theo lệ tối hôm đó ông phải đi họp như đã sắp đặt, vậy mà trong buổi ngồi thiền tại khóa tu, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ông đang ngồi thiền trong thiền đường với đại chúng. Sau thời ngồi thiền, tôi tới cạnh ông ta và hỏi: ”Tại sao ông còn ở đây? Không phải ông đã đi họp rồi sao? Ông ta nói: ”Thưa Thầy, nữa đường đến Frankfurt, con đã nhìn lại lời thầy nhắc nhở và con bắt đầu buông bỏ những con bò của con và quay xe trở về tham dự khóa tu.” Tôi nói: ”Chúc mừng ông! Ông giỏi quá. Ông đã buông bỏ được những con bò của ông.”
Bây giờ là lúc chúng ta nên ngồi xuống và thực tập nhìn sâu vào những đối tượng hạnh phúc của ta. Tôi tin rằng nếu quý vị thả được nhiều bò thì hạnh phúc và tự do của quý vị sẽ tăng trưởng rất nhiều. Đây là thứ niềm vui và hạnh phúc mà đức Thế Tôn muốn ta thực hiện. Bụt đã cống hiến cho chúng ta những giáo pháp thực tập rất mầu nhiệm, thực tiễn có công năng giúp ta giải phóng khỏi sự ràng buộc và mê mờ của cuộc sống, đạt tới niềm vui lớn.
Năng Lực Của Niệm Và Định
Một số người trong chúng ta cảm thấy rằng đời sống của họ không có ý nghĩa, không đáng sống. Họ đau khổ vì không có hướng đi. Dầu ta giàu có cách mấy, có nhiều quyền uy trong tay, nhưng nếu tâm trí ta bị rối loạn, không có hướng đi rõ ràng thì ta là người đau khổ nhất trên đời. Nếu ta có hướng đi ý nghĩa cho cuộc sống, hướng đi ấy thể hiện được lòng từ bi của ta, thì ta sẽ biết cách giúp cho chính mình và mọi người quanh mình bớt khổ. Ta có cơ duyên tiếp nhận giáo pháp, có kinh nghiệm tu tập và biết rằng mỗi khi có những giây phút khó khăn thì giáo pháp có thể cứu giúp ta và mọi người ra khỏi tình huống khó khăn và tuyệt vọng. Giáo pháp có công năng đưa ta tới bến bờ của an lạc và giải thoát. Chỉ cần trở về tiếp xúc với khả năng tỉnh thức trong ta, có niềm tin nơi bản thân, thì an lạc, hạnh phúc tự nhiên phát sinh và điều đó làm cho ta hạnh phúc thật sự. Ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể có được khi ta có thật nhiều tiền, vợ đẹp, danh tiếng, quyền uy và địa vị trong xã hội, thỏa mãn được sự thèm khát về tình dục… Nhiều người trong chúng ta đã chạy theo con đường hưởng thụ dục lạc và họ nhận thấy rằng càng vướng vào sự thèm khát của ngũ dục như tiền tài, danh vọng, quyền hành, sắc dục, thức ăn cao lương mỹ vị và ngủ mê bao nhiêu thì họ càng khổ bấy nhiêu. Ta thường cho rằng năm thứ dục lạc là những yếu tố tất yếu của hạnh phúc, nhưng bây giờ ta đã giác ngộ rằng hạnh phúc chân thực chỉ có thể có được khi mình có khả năng buông bỏ và thiết lập lại được tự do của nội tâm. Do đó đức Thế Tôn đã khuyên chúng ta phải thường xuyên thực tập nhìn sâu để hiểu bản chất chân thực của ngũ dục và học cách chế tác niềm vui và hạnh phúc lành mạnh để tự nuôi dưỡng mình. ”Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui.” Đây không phải là sự mơ tưởng hão huyền mà là kết quả ta đạt được từ sự thực tập nhìn sâu vào ý niệm hạnh phúc của ta và tập tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, an vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Niềm vui được phát sinh là nhờ ta biết thực tập buông bỏ – Ly sinh hỷ lạc. Rồi đến Định sinh hỷ lạc, tức là niềm vui và hạnh phúc được phát sinh nhờ khả năng chuyên chú, an trú trong Định. Ta đã được học về sự lợi lạc do Định đưa tới. Ví dụ khi ăn cam, ta ăn cam có hạnh phúc nhiều hay ít, điều đó tùy thuộc vào khả năng Niệm và Định của ta. Trong khi ăn cam, nếu ta an trú vững chãi, thiết lập Niệm, Định hùng hậu thì niềm vui và hạnh phúc sẽ rất lớn. Những điều kiện của hạnh phúc luôn có đó trong ta và quanh ta, nhưng vì tâm ta không an trú, không có Định nên ta không nhận diện được chúng. Có một cô thiền sinh sống ở Paris, cô rất thích pháp môn thiền đi. Nhưng sống trong một môi trường bận rộn, trong đó hầu hết mọi người đều chạy như bị ma đuổi nên cô cũng bị cuốn hút theo. Một hôm cô đi lên cầu thang máy cùng với một bà cụ; thấy bà cụ đi chậm rãi, không có vẻ gì vội vã; trông thấy cụ, tự nhiên cô ngẫm lại mình và nói: ”Mình có đang thật sự sống hay không? Sao mình cứ chạy hoài như vậy nè? Hình như mình đang sống như một người chết.” Bà cụ nhìn cô ta và nói: ”Đúng vậy. Nhưng cô còn trẻ, hai chân còn khỏe mạnh, còn có thể chạy nhảy mà. Còn tôi thì khác; tôi già rồi. Tôi không thể chạy nhảy như cô được nữa. Nếu tôi chạy như cô thì e sẽ té nhào về phía trước mất.” Còn có đôi chân khỏe mạnh để đi, để chạy là một điều kiện của hạnh phúc. Có nhiều người muốn chạy nhưng họ không thể chạy được. Vậy thì, thay vì than phiền, quý vị nên vui mừng mới phải chứ. Chánh niệm làm phát sinh cái thấy và cái thấy ấy đem lại hạnh phúc. ”Thở vào, tôi biết hai chân còn khỏe, còn có thể chạy nhảy, đi đây đi đó. Thở ra, tôi mỉm cười hạnh phúc.” Niệm và Định là nền tảng làm phát sinh hạnh phúc.
Người lớn tuổi cũng có sự thuận lợi với tuổi già của họ. Nếu họ ý thức được những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong họ và chung quanh họ trong giây phút hiện tại thì họ sẽ rất hạnh phúc, vì họ chứng kiến được đời sống đi qua quá nhanh. Họ rất chín chắn, có khả năng thưởng thức từng giây phút của đời sống còn lại và trân quý những yếu tố tích cực trong họ. Họ không chạy ồ ạt như những người trẻ. Họ ngồi thật yên, im lặng và sống thật sâu sắc trong mỗi phút giây của đời sống còn lại. Lúc còn trẻ, ta giống như một dòng thác đổ ồ ạt từ đỉnh cao xuống tận đáy sâu của mặt đất. Và khi về già, ta trở thành một dòng sông thanh thản, nhẹ nhàng trôi chảy và phản chiếu được bầu trời xanh, mây trắng và lòng sông. Dòng suối trẻ trung đang tuôn trào như thác đổ kia không thể làm được việc phản chiếu. Nếu người lớn tuổi có khả năng nhận diện được những yếu tố tích cực trong đời sống của họ, thì họ cũng sẽ tiếp xúc được với hạnh phúc chân thực. Chúng ta cần chế tác năng lượng chánh niệm để nhận diện những yếu tố của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại và năng lượng của Định giúp ta sống sâu sắc với những yếu tố ấy. Định tức là khả năng chuyên chú lâu bền với đối tượng thiền quán, nghĩa là tâm ý không bị tán loạn. Định làm phát sinh niềm vui và an lạc và duy trì niềm hạnh phúc ấy lâu dài. Định sinh hỷ lạc là nền tảng của hạnh phúc. Nếu biết xử lý hai mươi bốn giờ đồng hồ trong ngày của ta một cách khéo léo thì ta sẽ thấy rằng một ngày để sống là nhiều lắm. Ta cảm thấy một ngày dài vô tận là nhờ khả năng an trú trong Định. Còn nếu sống trong thất niệm – thân ở chỗ này tâm ở chỗ khác thì ta đánh mất ta, đánh mất sự sống. Một ngày đi qua trong quên lãng tức là một ngày uổng phí. Và ta thấy một ngày trôi qua sao mà nhanh chóng và vô vị quá. Những người lớn tuổi thì khác, họ thường sống trong sự định tỉnh nhiều hơn những người trẻ. Với năng lượng của Niệm và Định, người lớn tuổi biết trân quý từng giây phút của sự sống đang ban tặng cho họ. Mỗi giây phút của sự sống hàng ngày có thể trở thành một câu chuyện cho con cháu của họ. Đây là một sự thật. Bụt đã làm được điều đó. Bụt đã không để lại cho chúng ta những mớ giáo lý có tính cách lý thuyết, trừu tượng, siêu hình, mà Người đã để lại cho chúng ta một gia tài kinh nghiệm sống của Người. Mỗi bước chân của Bụt tỏa chiếu sự an lạc, vững chãi và thảnh thơi. Lòng từ bi của Bụt không chỉ bao trùm đến mọi người và mọi loài trong thời đại của Người, mà còn cho cả thời đại của chúng ta nữa. Tại Á Châu, vào ngày Phật Đản hay ngày mừng tuổi ông bà, người ta thường mua chim, cá v.v… để phóng sinh. Đó là phép thực tập không giết hại của giới thứ nhất trong trong Năm Giới. Đó là nhờ lời dạy về lòng yêu thương của Bụt. Tôi đã đề nghị với các bạn thuộc tín đồ Ki Tô Giáo thực tập phóng sinh thay vì giết gà lôi để ăn mừng trong mùa Lễ Giáng Sinh. Tôi tin rằng đức Ki Tô sẽ rất hài lòng khi thấy các tín đồ của mình yểm trợ trồng thêm cây thông, trồng rừng để bảo vệ môi trường thay vì chặt những cây thông để làm cây Noel mừng Lễ Giáng Sinh. Dù là tín đồ của đức Ki Tô hay Phật tử, chúng ta nên quán chiếu để có cái thấy thật sâu sắc về giá trị của sự sống và nói lên tiếng nói yêu thương của mình để bảo vệ sự sống thay vì góp tay tàn phá sự sống. Tàn phá sự sống quanh mình tức là tự hủy diệt chính mình, là làm tổn hại đến lòng từ bi trong tự thân và cướp đi môi trường sống của kẻ khác, của các thế hệ tương lai. Người không biểu lộ được lòng từ bi là người không có hạnh phúc. Vào ngày lễ Phật Đản, ở các nước như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện và những nước Phật Giáo Á châu khác, dân chúng dâng cúng thật nhiều các thức ăn chay ở các chùa chiền, tự viện để bày tỏ niềm biết ơn đối với Tam Bảo và để bày tỏ lòng thương yêu của mình đối với mọi loài chúng sinh. Người nào tới chùa ngày hôm đó đều được thừa hưởng, không có một ai bị bỏ đói. Là đệ tử Bụt, tôi mong rằng chúng ta có thể tưởng niệm ngày Bụt Đản Sinh mỗi ngày để trên thế giới này sẽ không còn ai bị đói khổ nữa. Truyền thống này xuất phát từ lòng từ bi của Bụt. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở và mỗi lời nói của Bụt đều chuyên chở năng lượng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu. Các đệ tử của Người đã thừa kế được nguồn năng lượng thương yêu, hiểu biết và giác ngộ của Người. Nếu thực tập giỏi thì họ có thể trao truyền nguồn năng lượng từ bi, trị liệu và hạnh phúc về cho thế hệ tương lai.
Chúng ta phải tập sống cho thật sâu sắc mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Khi uống nước hay lúc ẵm em bé trong vòng tay hoặc ngồi bên cạnh người thương, nếu ta thiết lập chánh niệm vững vàng, có Định thì sự sống trở thành rất thật đối với ta và niềm vui, hạnh phúc tự dâng được phát sinh. Vì vậy Bụt mới nói rằng niềm vui và hạnh phúc được phát sinh do định lực, tức là khả năng chuyên chú hoàn toàn vào một đối tượng của ta – Định sinh hỷ lạc.
Có khi ta cần bạn để giúp ta nhận diện được những yếu tố của hạnh phúc mà ta đang có. Đó là lý do tại sao ta cần có Tăng thân. Ta biết rằng Tăng thân có thể dìu dắt và nâng đỡ ta rất nhiều trên con đường thực tập. Với sự thành tâm, ta nên thường xuyên thỉnh cầu Tăng thân soi sáng cho sự thực tập của ta. Và đây là văn thỉnh cầu: ”Kính thưa đại chúng, xin đại chúng từ bi soi sáng, dẫn dắt và nâng đỡ cho con. Con thành tâm thỉnh cầu đại chúng soi sáng cho con để con thấy được những yếu kém của con mà tu tập chuyển hóa.” Với sự thỉnh cầu tha thiết của ta, đại chúng sẽ ngồi lại và cùng nhìn sâu vào ta, chỉ cho ta thấy những yếu tố tích cực và sự yếu kém của ta để giúp ta tu tập chuyển hóa. Pháp môn Soi Sáng rất mầu nhiệm. Pháp môn này không những chỉ đem lại lợi lạc cho đương sự đang thỉnh cầu sự soi sáng mà cho cả những người đang thực tập soi sáng cho đương sự. Đại chúng thực tập nhìn sâu vào người đang được soi sáng với tình thương và lòng lân mẫn và soi sáng cho người ấy, chỉ cho người ấy biết những điểm tích cực và những yếu kém để tu tập chuyển hóa, nhờ vậy mà người ấy tiến bộ rất nhiều sau khi được soi sáng.
Ta hạnh phúc khi được đại chúng công nhận và chỉ cho ta thấy những điểm tích cực của ta. Ta nghĩ, ”Mình đang trang bị cho chính mình với những yếu tố tích cực làm niềm vui cho sự tu tập và nuôi dưỡng những ai đến trong cuộc đời của mình bằng những niềm vui ấy. Mình không chỉ thực tập cho riêng mình mà mình thực tập cho cả gia đình và xã hội.” Ta nên biết rằng mỗi khi tu tập, chuyển hóa và trị liệu được tự thân, thì ta sẽ trở thành nguồn suối an lạc và hạnh phúc cho rất nhiều người. Tiếp xúc và vun trồng năng lượng chánh niệm trong ta là quá trình thực tập hàng ngày chứ không phải là vấn đề trừu tượng hay khái niệm mơ hồ. Chánh niệm là nguồn ánh sáng có công năng soi đường chỉ lối và nuôi dưỡng ta. Pháp là những lời Bụt đã nói và được ghi chép lại thành kinh; những lời dạy của Bụt không phải là một hệ thống giáo lý mang tính trừu tượng, hay triết lý mơ hồ. Pháp là một thực chất sống động. Nương vào những lời dạy của Bụt, chúng ta thực tập và chế tác ra chất liệu gọi là Pháp sống qua cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, làm việc, nói năng và lắng nghe trong chánh niệm. Đó là loại Pháp có thực chất và có công năng nuôi dưỡng, chuyển hóa và trị liệu thân tâm. Lắng nghe trong chánh niệm, lắng nghe với tâm từ bi sẽ đưa tới sự hiểu biết chân thực và thiết lập lại được sự truyền thông. Nếu các anh và các chị của ta biết lắng nghe ta với tâm từ bi, với tâm không thành kiến, không phán xét, không phản ứng, thì ta sẽ bớt khổ rất nhiều. Nếu mọi thành phần trong Tăng thân có khả năng đi, đứng, nằm, ngồi vững chãi, thảnh thơi và bình an, chuyển hóa được những khổ đau trong lòng, thì điều đó có nghĩa là Tăng thân đang vun trồng và tỏa chiếu chất liệu Pháp của tự thân. Pháp ấy đang có mặt trong mỗi giây mỗi phút của đời sống hàng ngày trong và quanh ta; trong từng hơi thở, bước chân, làm việc, nấu bếp, rửa chén… Pháp sống là những gì mà thế giới, gia đình và xã hội của ta đang cần. Chế tác chất liệu Pháp sống như thế là giúp ta và xã hội ta trở nên vững chãi, thảnh thơi và an bình hơn. Không ai có thể lay chuyển được niềm tin của ta nơi chánh Pháp, vì niềm tin ấy được thiết lập từ kinh nghiệm trực tiếp của bản thân chứ không phải từ những mớ giáo điều hoặc giáo lý trừu tượng, siêu hình. Ví dụ như ta đã học và nắm vững được phương pháp làm đậu hũ, thì khi được giao phó công việc làm đậu hũ, ta sẽ không ngần ngại vì biết rằng ta có thể làm được. Không ai có thể lấy đi niềm tự tin ấy của ta. Niềm tin của ta đối với chánh Pháp cũng vậy. Ta đã chế tác được chất liệu Pháp sống trong ta. Ta biết rằng nhờ thực tập những lời dạy của Bụt mà ta đã vượt thắng được những khó khăn và phục hồi lại được sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc nơi tự thân. Do đó không ai có thể lay chuyển được niềm tin của ta nơi chánh Pháp, bởi vì niềm tin ấy được phát xuất từ kinh nghiệm của chính bản thân. Ta phải luôn luôn tiếp tục vun trồng chất liệu Pháp sống trong đời sống tu tập hàng ngày để tạo dựng và nuôi dưỡng hạnh phúc cho tự thân và cho Tăng thân.
Tăng thân của ta không cần phải là một Tăng thân toàn hảo ta mới hạnh phúc. Tăng thân của Bụt ngày xưa không phải là đoàn thể toàn hảo, nhưng Người rất hạnh phúc. Hẳn nhiên, trong quá trình dựng Tăng, nuôi dạy đệ tử, Người phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Người đã dùng tình thương và sự khéo léo của mình để giải quyết những khó khăn ấy một cách êm đẹp. Tôi cũng gặp những trường hợp khó khăn với các đệ tử của tôi, nhưng tôi rất hạnh phúc vì biết rằng các đệ tử của tôi, người nào cũng đang cố gắng hết khả năng của mình để tu tập chuyển hóa. Mọi người trong Tăng thân luôn luôn cố gắng thực tập thở, đi và làm việc trong chánh niệm. Tăng thân truyền cho nhau, yểm trợ nhau bằng năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm tức là chất thánh trong ta. Sở dĩ trong Tăng thân có được năng lượng thánh là nhờ mọi người cố gắng thực tập hết khả năng của mình. Vì vậy dựng Tăng là phép thực tập rất quan trọng của tất cả chúng ta. Chúng ta cần năng lượng tu tập của Tăng thân để nâng đỡ, dìu dắt và soi sáng cho nhau trên con đường thực tập. Và để cho sự thực tập của ta được duy trì lâu bền, ta phải tạo dựng một Tăng thân tại địa phương; nếu không, thì ta sẽ đánh mất sự thực tập rất mau chóng.
Có nhiều yếu tố có thể giúp ta tạo dựng một Tăng thân, ví dụ ta có thể chọn một quãng đường mòn dễ thương ở gần nhà để thực tập đi trong chánh niệm mỗi ngày hoặc chọn cái gối ngồi thích hợp và đặt tại một nơi thích ý nào đó trong nhà của mình để thực tập ngồi thiền mỗi ngày. Ta cũng có thể mời người thân của ta tu tập với ta như một Tăng thân nhỏ. Ta có thể mời các cháu, nắm tay các cháu để đi thiền ít nhất là một lần mỗi ngày. Ta nhìn quanh và nhận diện những yếu tố Tăng thân đang có mặt. Khu vườn sau nhà cũng có thể là Tăng thân của ta, bình trà cũng có thể là Tăng thân của ta… Tăng thân đang có mặt khắp mọi nơi – trong từng hạt sỏi, đám mây, cây tùng, cây bách… Khi trở về lại địa phương, quý vị nên cố gắng tạo dựng một Tăng thân để tiếp tục nuôi dưỡng sự thực tập. Các nhà tâm lý trị liệu, giáo viên, sinh viên và bác sĩ đều phải có một Tăng thân cho chính mình. ”Con về nương tựa Tăng” không phải là vấn đề tín ngưỡng hay một ý niệm trừu tượng, mà là sự thực tập đích thực. Tăng thân là sự bảo hộ và nâng đỡ cho sự thực tập và thành công của chúng ta.
Nhận Diện Cảm Thọ
Phép quán niệm hơi thở thứ bảy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở là: ”Thở vào, tôi ý thức về những hoạt động của tâm ý trong tôi. Thở ra, tôi ý thức về những hoạt động của tâm ý trong tôi.” Những hoạt động của tâm ý trước hết là những cảm thọ. Có tất cả là ba loại cảm thọ: thứ nhất là lạc thọ – tức là cảm giác dễ chịu; thứ hai là khổ thọ, tức là cảm giác không dễ chịu; thứ ba là xả thọ, tức là cảm giác trung tính – không dễ chịu cũng không khó chịu; và có thêm một loại thọ nữa mà tôi đã khám phá ra, đó là cảm thọ vừa khó chịu lại vừa dễ chịu. Ví dụ, khi có một người xoa bóp, bấm huyệt, cạo gió cho mình, thì cùng một lúc mình có thể cảm thấy vừa đau, nhưng lại vừa đã, vừa dễ chịu. Cảm giác này gọi là cảm thọ lẫn lộn. Chúng ta phải tập nhìn vào thân thể và các cảm thọ của ta như những dòng sông. Trong dòng sông của thân thể ta, mỗi giọt nước là một tế bào, luôn luôn thay đổi, chuyển biến không ngừng; sinh và diệt xảy ra trong từng sát na. Điều này cũng đúng đối với dòng sông của những cảm thọ. Những cảm thọ sinh khởi, ở lại một thời gian, rồi ra đi. Quán cảm thọ trong cảm thọ nghĩa là ta ngồi bên bờ sông của cảm thọ và quán sát những dòng cảm thọ đang trôi chảy và muốn biết được bản chất của những cảm thọ ấy, thì ta phải trở thành một với chúng. Nghĩa là lúc bấy giờ tâm ta không bị phân tán vào một suy tư, dự tính hay lo buồn nào khác. Ngồi trong thế ngồi vững chãi, giữ sống lưng thật thẳng, buông thư, thả lỏng hai vai và thiết lập chánh niệm vững vàng, sáng tỏ, không để tâm tư bị chìm đắm, cuốn hút vào dòng sông của những cảm thọ. Chánh niệm trước hết giúp ta ôm ấp và nhận diện những cảm thọ, sau đó làm êm dịu, lắng dịu cảm thọ.
Trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, về lĩnh vực cảm thọ, Bụt có dạy rằng: ”Nếu có một cảm thọ đau nhức trong thân, ta hãy nhận diện nó là cảm thọ đau nhức thuộc về thân. Nếu có một cảm thọ dễ chịu (lạc thọ) thuộc về tâm, ta hãy nhận diện nó là cảm thọ dễ chịu thuộc về tâm.” Ta gọi đúng tên của cảm thọ và nhận diện sự có mặt của nó như khi ta thực tập nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra. Phép thực tập này gọi là nhận diện đơn thuần về những gì đang xảy ra. Khi nhận diện được sự có mặt của một cảm thọ, ta có thể nói: ”Chào bạn. Lâu quá không gặp. Mời bạn ngồi chơi.” Nếu cảm thọ ấy là cảm thọ dễ chịu thuộc về thân, ta chỉ nhận diện đơn thuần rằng: Đây là cảm thọ dễ chịu thuộc về thân. Khi cảm thọ ấy là loại cảm thọ dễ chịu thuộc về tri giác – đối tượng của nhận thức, ta chỉ nhận diện đơn thuần rằng: Đây là cảm thọ dễ chịu thuộc về tri giác. Thân thể không phải là nền tảng duy nhất làm phát sinh cảm thọ. Những cảm giác, tri giác của ta và nhiều tâm hành khác nữa cũng là điều kiện làm phát sinh những cảm thọ. Sự thực tập của ta là nhận diện sự có mặt của cảm thọ, ôm ấp và nhìn sâu vào bản chất của chúng. Khi ôm ấp một cảm thọ dễ chịu, ta sẽ có cơ hội hiểu sâu hơn về bản chất của cảm thọ ấy. Nếu ở lâu với cảm thọ ấy, ta sẽ có cơ hội nhận diện được tính chất của cảm thọ ấy và thấy được rằng đây có thật là cảm thọ dễ chịu không? Hay nó đèo theo nhiều cảm thọ khó chịu khác sau đó? Ví dụ trong khi quý vị đang uống rượu và nghĩ rằng uống rượu sẽ đem lại cho quý vị cảm giác lâng lâng dễ chịu. Nếu duy trì cảm thọ dễ chịu ấy trong chánh niệm, quý vị sẽ khám phá ra nhiều điều còn ẩn nấp đằng sau nó. Nhìn sâu vào ly rượu, quý vị có thể thấy rằng muốn có một ly rượu như thế này để uống, người ta phải sử dụng hàng chục kí lô ngũ cốc. Chúng ta biết rằng có rất nhiều người, nhất là các trẻ em nghèo trên thế giới đang bị suy dinh dưỡng và chết đói vì thiếu thực phẩm. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, thì mỗi năm trên thế giới có khoảng bốn chục ngàn trẻ em chết đói vì thiếu thức ăn, suy dinh dưỡng. Mỗi khi uống bia, uống rượu, quý vị hãy ôm ấp những cảm thọ mà quý vị cho là dễ chịu, khoái lạc bằng năng lượng chánh niệm và quý vị có thể làm phát khởi những cái thấy rất sâu sắc về thực tại. Khi cái thấy như thế được phát sinh, thì chất liệu hiểu biết và thương yêu ứa ra trong lòng quý vị và thay vì đem tiền đi mua rượu để thỏa mãn sự thèm khát hay uống để giải sầu, quý vị dùng số tiền ấy để cứu giúp cho vô số các em nghèo đói trên thế giới. Đứng về phương diện thương thân, nếu tiếp tục nhìn sâu, quý vị sẽ thấy sự kháng cự của lá gan mình. Có thể cái lưỡi của quý vị cảm thấy rất khoái lạc trong khi uống rượu, bia, nhưng gan của quý vị thì đã liên tục gởi thông điệp cầu cứu và quý vị vẫn cứ làm ngơ. Với năng lượng chánh niệm, quý vị có thể lắng nghe tiếng kêu thương của lá gan và sẽ hiểu ra rằng cái gọi là cảm giác khoái lạc kia thực ra có chứa đựng trong nó rất nhiều chất liệu cay đắng, bi thương và tàn hoại; thế nào nó cũng sẽ đem lại những cảm thọ khổ đau. Chánh niệm giúp ta dừng lại và nhìn sâu vào bản chất của cái mà ta cho là những cảm thọ khoái lạc để thấy rõ bản chất của nó. Với năng lượng chánh niệm, ta có thể biến cảm thọ trung tính (xả thọ), tức là cảm thọ không phải buồn cũng không phải vui trở thành cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), tùy cách nhìn và cách xử lý của ta. Ví dụ quý vị đang ngồi chơi trong một khu vườn với cháu trai của mình và cảm thấy rất thoải mái, hạnh phúc. Quý vị có khả năng tiếp xúc được với những mầu nhiệm của thiên nhiên như trời xanh, mây trắng, cây cỏ, hoa lá, chim chóc… và cảm thấy rất hạnh phúc, trong khi đó đứa cháu trai của quý vị thì không. Ban đầu cháu chỉ có cảm thọ không phải buồn cũng không phải vui. Nhưng vì cháu không biết cách xử lý trạng thái cảm thọ ấy, nên từ từ biến thành sự buồn chán. Đầu óc của cháu lúc bấy giờ chỉ muốn tìm những cảm thọ có tính cách kích động và cháu muốn chạy vào phòng khách để xem ti vi hoặc chơi trò chơi điện tử. Ngồi ngắm cây cỏ, hoa lá, trời xanh, nghe tiếng chim hót… đối với cháu không có gì hấp dẫn, thú vị cả. Trong trường hợp này cái cảm thọ không buồn cũng không vui kia trở thành cảm thọ khó chịu.
Ta cảm thấy rất hạnh phúc trong khi ngồi yên và tiếp xúc với nguồn an lạc trong ta. Ta tiếp xúc được với năng lượng của Bụt, Pháp và Tăng trong ta và quanh ta. Ta buông bỏ được những tập khí, những ràng buộc, đam mê, những ý niệm về hạnh phúc và an trú vững chãi trong trạng thái thiền định. Niềm vui của ta đạt được nhờ thiền định, gọi là Định sinh hỷ lạc. Có lẽ người bạn đang ngồi thiền bên cạnh ta trông chờ có tiếng chuông thỉnh lên để xả thiền, anh ta không cảm thấy thoải mái, dễ chịu; anh ta không biết cách xử lý những cảm thọ khó chịu của anh để chuyển nó thành cảm thọ dễ chịu. Điều khác biệt giữa người biết tu tập và chưa biết tu tập là người biết tu tập có khả năng chăm sóc những cảm thọ của họ bằng năng lượng của Niệm và Định; họ sử dụng hai nguồn năng lượng này để nhận diện, ôm ấp, nhìn sâu và đem lại an lạc, hạnh phúc cho tự thân họ. Ví dụ tự nhiên mình bị nhức răng vào giữa đêm khuya và cố nhiên vào giờ này các nha sĩ đều nghỉ việc; mình phải chịu đựng cơn đau nhức suốt đêm cho tới sáng mai. Từ đó mình sẽ giác ngộ khi thấy rằng không bị nhức răng là một điều kiện của hạnh phúc. Khi chưa bị nhức răng, mình không biết tận hưởng cái cảm giác hạnh phúc là mình đang không bị nhức răng; trong trường hợp này, ta gọi là cảm thọ trung tính – nghĩa là không khổ cũng không lạc. Bây giờ ta biết rằng cảm thọ trung tính thực ra có thể được chuyển thành cảm thọ dễ chịu – lạc thọ, nghĩa là ý thức rằng trong giờ phút này đây mình đang không bị nhức răng. Người thực tập chánh niệm thông minh là người biết cách chuyển cảm thọ trung tính thành lạc thọ. Ta chỉ cần thực tập hơi thở chánh niệm và nhìn sâu là có thể làm được. Phép thực tập này đem lại cho ta rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và sự nuôi dưỡng. Gọi là Niệm sinh hỷ lạc.
Trước hết ta thực tập nhận diện, tiếp xúc và ôm ấp những cảm thọ đang có mặt trong ta. Rồi tiếp tục nhìn sâu vào bản chất của chúng để hiểu và chuyển hóa. Phép thực tập này rất hiệu nghiệm, nhất là khi mình phải đối phó với những cảm thọ khó chịu, đau nhức trong thân tâm. Ta phải tập đối diện và chăm sóc những cảm xúc mạnh mỗi khi chúng phát khởi từ chiều sâu tâm thức. Có một điều cần phải nhớ rằng mình không phải chỉ là những cảm xúc đó, mình vĩ đại hơn rất nhiều. Mình không nên đồng hóa mình với cảm xúc đó để sầu khổ. Mỗi khi có một cảm xúc mạnh phát khởi trong tâm, hãy trở về với hơi thở và bước chân chánh niệm, nhận diện sự có mặt của nó và tự nhủ rằng: ”Đây chỉ là một cảm xúc thôi. Mình rộng lớn hơn nhiều. Mình không nên đồng hóa mình với nó.” Ta chỉ nhận diện đơn thuần những gì đang xảy ra trong giây phút ấy. ”Thở vào, tôi biết đây chỉ là một cảm xúc, nó không phải là cái tổng thể của tôi. Tôi lớn rộng, mầu nhiệm hơn cái cảm xúc này rất nhiều. Tôi không khờ dại đồng hóa tôi với chỉ một cảm xúc bé nhỏ ấy. Cảm xúc này thế nào cũng thay đổi vì bản chất của nó là vô thường.” Đây là cái thấy rất căn bản. Cái thấy này giúp ta thấy rằng những cảm xúc phát khởi, lưu lại một lúc, rồi sẽ ra đi. Bản chất của cảm xúc là vô thường, thay đổi không ngừng. Thế thì tại sao ta phải chết chỉ vì một cảm xúc? Đó là tuệ giác về Vô thường. Chúng ta phải hướng dẫn cho những người trẻ biết thực tập mỗi khi các cháu bị những cảm xúc mạnh chi phối. Ta tập cho các cháu thở vào, thở ra, chú ý vào sự phồng xẹp của cơ bụng và giúp các cháu thấy rằng đây chỉ là một cảm xúc mà thôi, nó đến, nó ở lại một thời gian, rồi nó sẽ ra đi. Sau vài phút thực tập, cơn bão cảm xúc sẽ tan biến và ta sẽ cảm thấy thân tâm được thư thái, phục hồi lại sự bình an. Tuy nhiên ta không nên đợi khi cơn bão cảm xúc ùa đến mới thực tập, mà phải bắt đầu thực tập khi cơn bão chưa xảy đến; nếu không, tới lúc đó e rằng sẽ không nhớ để thực tập, không đủ nội lực để đối phó. Ví dụ, mình đã thực tập được ba tuần, đến tuần thứ tư đột nhiên có những cảm xúc mạnh phát khởi do một nguyên do gì đó, nhưng nhờ đã thực tập được ba tuần, nên mình nhớ sự thực tập và đứng vững được trong cơn bão cảm xúc. Nếu thực tập giỏi, ta sẽ có đủ năng lượng chánh niệm để nhận diện, ôm ấp và làm chủ được tình trạng của tâm mình – không bị cơn bão cảm xúc cuốn hút đi. Nếu không thực tập đàng hoàng, ta sẽ không nhớ sự thực tập và mỗi khi có cơn bão của giận hờn, bực bội, tuyệt vọng kéo đến, ta sẽ bị cuốn đi một cách dễ dàng. Vì vậy thực tập miên mật trong đời sống hàng ngày là điều rất quan trọng. Trong những lúc gặp khổ nạn, mình cũng cần sự có mặt của các bạn đồng tu để yểm trợ mình vượt qua cơn khổ nạn. Sau khi đã thành công trong sự thực tập đối trị với những cảm xúc mạnh, biết cách thực tập nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa, ta có thể dùng kinh nghiệm của bản thân để giúp các bạn trẻ thực tập. Trước hết, ta có thể nắm tay con trai mình hoặc con gái mình và nói với con bằng tất cả tình thương và chánh niệm: ”Này con, con tập thở với ba đi con. Trong khi thở, con nhớ chỉ chú ý tới sự phồng xẹp của cơ bụng mà thôi. Đừng suy nghĩ gì cả.” Trong khi làm như vậy, mình đang yểm trợ con mình bằng năng lượng chánh niệm và sự vững chãi của mình. Sự có mặt có phẩm chất của mình sẽ giúp cho sự thực tập của con mình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Vì vậy mình đích thực là tăng thân, là bạn đồng hành của con mình. Nếu quý vị luyện tập cho người trẻ làm được như thế, thì một ngày nào đó các cháu sẽ có khả năng tự thực tập và biết cách đối trị với những cảm xúc mạnh mỗi khi chúng phát khởi. Như vậy các cháu sẽ không tìm tới cái chết (tự tử) mỗi khi bị cảm xúc mạnh trấn ngự như những người trẻ khác.
Chánh niệm giúp ta nhận diện cảm thọ hay cảm xúc mạnh như nó đang là. Chỉ nhận diện đơn thuần – không xua đuổi, không đàn áp, không phán xét cảm thọ của ta. Chánh niệm giúp ta nâng niu, ôm ấp, làm lắng dịu những cảm xúc của ta với sự trìu mến, cảm thông, và sau đó nhìn sâu vào bản chất của chúng để hiểu. Nếu con trai hoặc con gái của quý vị thực tập thành công dù chỉ mới một lần, thì đó là sự thành công rất lớn của quý vị. Sau này các cháu sẽ có niềm tự tin để đối trị với những cảm xúc mạnh mỗi khi chúng phát khởi trở lại. Đây là niềm tin nơi chánh pháp. Niềm tin này phát xuất từ kinh nghiệm thực chứng của bản thân và nó đem lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Hơi thở quán niệm thứ tám của kinh Quán Niệm Hơi Thở là: ”Thở vào, tôi làm cho các tâm hành trong tôi an tịnh. Thở ra, tôi làm cho các tâm hành trong tôi an tịnh.” An tịnh là chức năng của chánh niệm. Chánh niệm được ví như ánh sáng mặt trời. Khi ánh sáng chánh niệm soi chiếu vào và ôm lấy vật gì thì vật ấy được chuyển hóa, thay đổi và có sức sống. Các loại cây cỏ, thảo mộc rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Vậy thì tất cả các tâm hành cũng rất nhạy cảm đối với ánh sáng chánh niệm. Nếu hạnh phúc có mặt thì chánh niệm có công năng làm cho niềm hạnh phúc ấy tăng trưởng và được duy trì lâu bền. Nếu khổ đau có mặt thì chánh niệm có công năng làm vơi nỗi khổ, làm lắng dịu và chuyển hóa. Chánh niệm là năng lượng của Bụt. Người nào cũng có sẵn năng lượng của Bụt trong lòng và chúng ta cần chế tác năng lượng của Bụt mỗi ngày để cho sự sống trong ta và quanh ta có phẩm chất, có hiểu biết và thương yêu.