04. Câu hỏi và trả lời
Chương 4
Vấn đáp
Hôm nay quý vị có cơ hội để đặt những câu hỏi, những thắc mắc, khó khăn về sự tu tập. Xin quý vị đặt những câu hỏi có liên quan đến các buổi pháp thoại vừa qua, những câu hỏi có liên hệ tới những phép thực tập căn bản như thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm và ăn cơm trong chánh niệm. Chúng tôi có nhận được một số câu hỏi ghi trên giấy, tôi đã xem qua và nhận thấy rằng phần nhiều những câu hỏi ấy sẽ được đề cập đến trong các buổi giảng tới. Khi đến tham dự khóa tu, sự thực tập im lặng hùng tráng và ngồi thiền trong trạng thái yên tĩnh, thì những hạt giống của niềm đau nỗi khổ được chạm đến và biểu hiện lên trên vùng ý thức của ta và ta phải đối diện với chúng. Đã nhiều năm ta có thói quen chạy trốn những niềm đau nỗi khổ trong ta, bây giờ phải trở về đối diện với chúng quả là một việc khó làm; tôi rất thông cảm. Khoảng mười lăm năm về trước, trong khóa tu tại thành phố Denver, có một ông thiền sinh thường phản kháng với sự thực tập và những lời pháp thoại cho tới ngày cuối của khóa tu. Sáu tiếng đồng hồ trước khi khóa tu chấm dứt, ông ta phó thác thân mạng mình cho Tăng thân, hoàn toàn quay về nương tựa Tăng thân và kể từ giây phút đó ông mới thật sự nếm được mùi vị của hạnh phúc.
_______________
Hỏi: Kính thưa Thầy, con thấy sự thực tập dừng lại và an trú trong giây phút hiện tại đối với con khó quá. Xin Thầy hướng dẫn thêm cho con để con có thể thực tập thành công.
Thầy: Trong ta có một nguồn năng lượng luôn thúc đẩy ta đi về phía trước, đó là năng lượng của tập khí. Năng lượng này rất mạnh, nó đã được huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp của thế hệ tổ tiên. Ta đã thừa kế năng lượng ấy từ ông bà tổ tiên, cha mẹ ta. Bất cứ ở đâu, làm việc gì ta cũng bị năng lực tập khí này khống chế, nó thúc đẩy ta làm những điều ta không muốn làm, nói những điều ta không muốn nói; nó làm cho ta bất an và luôn chạy như bị ma đuổi. Vì vậy ta tới khóa tu là để tập thở, tập đi, tập ngồi và tập ăn cơm trong chánh niệm để có cơ hội dừng lại cái tập khí chạy như bị ma đuổi ấy. Trong khi ăn, ta hãy tập ăn như thế nào để có thể thưởng thức trọn vẹn từng miếng cơm hoặc miếng bánh mì mà ta đang nhai. Nếu thực tập thành công trong miếng cơm đầu thì ta có thể thực tập thành công trong miếng cơm thứ hai, thứ ba và trong suốt bữa ăn. Thực tập ăn trong chánh niệm, đi trong chánh niệm có thể giúp ta dừng lại tập khí rong ruổi lâu đời của ta. Nếu khi nào quý vị cảm thấy trong người bất an, lăng xăng, quý vị có thể trở về với hơi thở, thực tập đi từng bước khoan thai, vững chãi và thảnh thơi. Nếu bước đầu đem lại cho quý vị sự vững chãi và an lạc, thì những bước kế tiếp cũng sẽ được như vậy. Năng lượng của sự bất an trong ta có thể rất mạnh. Như tôi đã trình bày, nếu ta bị bối rối hoặc cảm thấy bất an, không biết cách đối phó với năng lượng tập khí mỗi khi nó phát khởi và hoành hành ta, thì ta nên thực tập nhận diện và gọi đúng tên của nó. Thở vào, quý vị có thể thầm nói: ”Chào anh bạn bất an. Tôi biết anh rồi.” Dùng hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức để nhận diện sự có mặt của nó và mỉm cười với nó. Có vài người đã rời bỏ khóa tu vì họ thực tập chưa thành công trong các phép tu căn bản của chánh niệm. Trong những ngày đầu của sự thực tập, ta thường cảm thấy khó chịu; điều này rất tự nhiên. Song, nếu ta biết nương vào đại chúng, thì ta sẽ thừa hưởng được năng lượng chánh niệm hùng hậu của đại chúng, được đại chúng nâng đỡ, dìu dắt và sự thực tập của ta trở nên dễ dàng hơn. Chắc chắn tới cuối khóa tu, tất cả chúng ta sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt, đạt được nhiều chuyển hóa, an lạc và hạnh phúc. Điều quan trọng là ta phải có niềm tin nơi sự thực tập. Ta thực tập ăn cơm như thế nào để có an lạc, hạnh phúc trong mỗi miếng ăn, ta thở và đi như thế nào để có an lạc và thảnh thơi trong từng hơi thở và bước chân của ta. Qua bước chân, hơi thở và miếng cơm ta nhai trong chánh niệm, ta đã có thể tái lập lại được niềm tự do mà ta đã đánh mất. Bất cứ ta đang ở trong tư thế sinh hoạt nào dù đó là công việc chùi nhà, rửa bát hay bước một bước, ta đều thực hành trong chánh niệm, thân tâm hoàn toàn tự do. Làm được như thế, ta sẽ không còn là nạn nhân của năng lượng tập khí bất an nữa.
_______________
Hỏi: Kính thưa Thầy, câu hỏi con sắp hỏi được phát xuất từ Tăng thân địa phương của con. Trong Tăng thân của chúng con có rất nhiều bạn tu thuộc tín đồ Cơ Đốc Giáo và Do Thái Giáo, chúng con đến với nhau để tu tập theo tinh thần của dòng tu Tiếp Hiện. Tăng thân của chúng con không phải chỉ có những người cư sĩ mà gồm có cả các vị giáo sĩ Do Thái, các cha, linh mục và mục sư. Các vị ấy cảm thấy bối rối, khó khăn khi thực tập giới thứ năm của Năm Giới. Theo sự hiểu biết của chúng con về giới thứ năm thì sau khi đã tiếp nhận năm giới hoặc nếu muốn bước thêm một bước nữa trên con đường tu hạnh Bồ Tát, tức là tiếp nhận Mười Bốn Giới của Dòng Tu Tiếp Hiện, thì dù một giọt rượu cũng không được bén môi. Như vậy, đối với họ, sử dụng một phần nhỏ rượu trong các phiên họp của hội đồng tăng lữ hoặc lễ Mét hay buổi lễ thiêng liêng của tôn giáo truyền thống của họ – như vậy có bị phạm giới không?
Thầy: Năm giới của truyền thống đạo Bụt bây giờ được dịch là Năm Phương Pháp Thực Tập Chánh Niệm (The Five Mindfulness Trainings), bởi vì Năm Giới đích thực là những phép thực tập chánh niệm cụ thể. Chúng ta phải học và hiểu Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm (Năm Giới) mỗi ngày một thêm sâu sắc và tìm cách đem áp dụng vào trong đời sống hàng ngày của ta. Rất ít ai thực tập được toàn hảo Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm. Khi nói về Năm Giới hoặc Mười Bốn Giới Tiếp Hiện, ta thường nghĩ đến cái hướng mà ta đang muốn đi tới. Ví dụ sao Bắc đẩu giúp ta đi về hướng Bắc, nhưng chỉ đứng nhìn sao Bắc đẩu không có nghĩa là ta sẽ đi về hướng Bắc. Mỗi ngày ta phải đi từng bước về hướng đó và biết rằng đó là hướng an toàn. Ta phải thực tập Năm Giới một cách thông minh và khéo léo. Ta không nên bị kẹt vào giáo điều. Bị kẹt vào giáo điều thì ta không thể thực tập thành công được. Những người đã phát nguyện thực tập giới thứ năm tức là không sử dụng rượu và các chất độc tố, ma tuý… biết rõ rằng muốn bảo đảm niềm an vui và tự do cho bản thân, gia đình và xã hội, thì họ phải thực tập kiêng cữ trong việc ăn uống và tiêu thụ, họ không nên uống một giọt rượu nào. Bởi vì nếu ta uống ít thì ta sẽ có thể uống nhiều và uống đến say. Ở Pháp, một hôm Hội Bảo Vệ Sức Khỏe quảng cáo trên đài truyền hình rằng: ”Một ly rượu thì không sao, nhưng ba ly thì dẫn đến nguy hại trầm trọng.” Theo tôi, thì nếu không có ly thứ nhất, thì làm gì có ly thứ hai, rồi đến ly thứ ba? Cho nên không uống ly nào là giải pháp an toàn nhất. Có một lần trong khóa tu chánh niệm, tôi đề nghị với một nhóm các vị tu sĩ và các bà xơ thuộc Ki Tô Giáo rằng thay vì dùng rượu cho buổi lễ Ban Thánh Thể, họ có thể dùng nước nho ngọt. Hầu hết các vị ấy đều đồng ý với lời đề nghị của tôi. Nếu quý vị phải dùng rượu để thi hành lễ Ban Thánh Thể và quý vị biết rằng thực hành nghi lễ ấy sẽ không làm tổn hại đến sự thực tập về Năm Giới hoặc sẽ không gây ra bất cứ một sự tàn hoại nào cho sự sống, môi trường, thì tôi nghĩ điều đó cũng có thể chấp nhận được. Chúng ta không nên bị kẹt vào giáo điều. Tuy nhiên, nếu uống rượu mà gây ra tai nạn thì đó là một vấn đề khác. Chúng ta không nên quá kẹt vào giáo điều; phải thực tập một cách thông minh, tinh tấn và cẩn trọng. Ta thực tập Năm Giới là vì ta muốn bảo vệ sự sống, bảo vệ môi sinh, đem lại niềm an lạc, hạnh phúc, tình thương và tạo dựng một xã hội lành mạnh, có đạo đức cho nhân loại.
_______________
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có đứa con gái, năm nay cháu đã hai mươi bốn tuổi. Mỗi khi có sự bực bội, con gái của con thường biểu lộ sự bực bội ấy bằng cách đóng cửa thật mạnh. Con cố gắng thực tập trở về với hơi thở chánh niệm nhưng vẫn bị cảm xúc chi phối về nỗi khổ của con gái của con. Con rất buồn. Con cảm thấy tội nghiệp cho con của con bởi vì con của con không chịu thực tập chánh niệm để tự giúp mình. Con nên làm thế nào để giúp cho con của con?
Thầy: Chúng ta biết rằng mỗi khi bực bội và biểu lộ sự bực bội của mình bằng cách đóng cửa mạnh thì không dễ chịu lắm. Biết rằng hành động đó không phải chỉ là thói quen hoặc thiếu sự khéo léo hay biểu lộ sự thiếu kính trọng người khác. Có lẽ những hạt giống khổ đau đã nằm sẵn trong chiều sâu tâm thức của người ấy, vì vậy chúng biểu hiện qua nhiều bình diện khác nhau. Trong trường hợp này, nếu ta tới để nói chuyện với người ấy trong lúc người ấy đang khó chịu, buồn giận thì ta sẽ không giúp ích được gì cho người ấy, ngược lại người ấy sẽ có thể bực tức ta thêm. Muốn hiểu, trước hết ta tập nhìn sâu vào những hạt giống khổ đau của người ấy và giúp người ấy tu tập chuyển hóa những hạt giống khổ đau trong người ấy. Ta phải sử dụng ngôn ngữ từ ái và lòng kiên nhẫn của ta để giúp người ấy thấy được những hạt giống khổ đau của họ để thực tập chuyển hóa. Ta không thể giúp người khác chuyển hóa bằng sự la rầy, trừng phạt và trách móc. Nhìn vào chính mình, mình thấy rằng mình cũng có những hạt giống khổ đau như người ấy. Thực tập hơi thở chánh niệm và thiền đi giúp ta nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những hạt giống khổ đau trong ta. Và ta cũng thực tập như thế đối với người thương của ta. Ta tới với con của ta bằng trái tim thương yêu, bằng năng lượng vững chãi, bình an và nói: ”Con ạ, mẹ thấy rằng mẹ cũng có hạt giống của sự bực bội trong mẹ và mỗi khi nó phát khởi, mẹ hay làm hoặc nói những điều gây cho người khác đau khổ. Mẹ đã cố gắng hết khả năng của mình để nhận diện những hạt giống này và chuyển hóa năng lượng tập khí này trong mẹ.” Sau đó ta chia sẻ với con ta về cách thực tập và sự thành công của ta. Làm được như thế là ta đã có thể giúp cho con ta được rồi. Nếu con ta có khả năng tiếp nhận và hiểu được lời chia sẻ của ta, thì ta có thể đi xa hơn và mời con ta cùng thực tập. Nếu hai mẹ con cùng thực tập thì niềm vui sẽ lớn hơn rất nhiều.
_______________
Hỏi: Kính thưa Thầy, câu hỏi của con có liên quan đến khổ đau của con. Con không biết phải bắt đầu như thế nào. Lúc còn nhỏ, cha của con là một người nghiện rượu. Cha con đã dạy cho con những điều cần biết về vấn đề tình dục và cuối cùng ông đã lạm dụng con. Ông đã lạm dụng con trong suốt năm năm. Con không thể lên tiếng với cha con về nỗi khổ lớn lao này. Tới hai mươi tuổi con đã tự tử và đã được cứu. Trong thời gian đó, con đã ở trong tình trạng hôn mê nhiều tháng và dưỡng bệnh tại nhà thương khoảng một năm. Chuyện này đã xảy ra cách đây khoảng ba mươi năm. Con đã làm đủ cách để trị liệu vết thương trong con, nhưng không có hiệu quả. Cuối cùng con mất hết niềm tin nơi con người và đời sống. Con bị niềm đau nỗi khổ ấy trấn ngự trong suốt ba mươi năm. Trái tim của con đã khép kín. Trong khóa tu này, mỗi khi tham dự sinh hoạt trong nhóm, con cứ muốn gào lên, thét lên. Thưa Thầy, làm thế nào để con có thể chấp nhận và tiếp nhận tình thương trong cuộc sống? Làm thế nào để thiết lập lại đức tin nơi con người?
Thầy: Trong chúng ta ai cũng mang trong mình một đứa bé bị thương. Nhưng vì chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ để trở về chăm sóc đứa bé bị thương ấy trong ta và giúp cho đứa bé ấy được trị liệu và chuyển hóa. Khi còn là một đứa bé, ta đã bị thương tích quá sâu nặng, ta mất hết niềm tin nơi con người và nơi chính ta, do đó ta càng khó tiếp nhận tình thương nơi người khác. Tôi luôn khuyến khích những người bạn của tôi tổ chức đời sống hàng ngày của họ một cách khéo léo để có thì giờ trở về với chính mình và chăm sóc đứa bé bị thương trong họ. Đây là sự thực tập hết sức quan trọng. Nhiều người trong chúng ta biết rằng trong mình có một đứa bé bị thương, nhưng người nào cũng rất sợ trở về đối diện với đứa bé bị thương ấy. Khối sầu khổ trong ta quá lớn, nó bao trùm hết tâm tư, vì vậy ta chỉ muốn trốn chạy bằng cách tiêu thụ không biết mỏi mệt, ta la cà trong các quán rượu, sòng bạc hoặc lao mình trong sự bận rộn kinh doanh hay đọc tiểu thuyết, xem phim ảnh và chuyện trò v.v… để quên đi nỗi khổ trong ta. Dầu có chút thì giờ rảnh rỗi, ta cũng không muốn trở về với chính ta. Vì trở về với nội tâm thì phải đối diện với nỗi khổ niềm đau, ta cảm thấy không dễ chịu. Tuy nhiên với sự thực tập này, ta được khuyên nhủ là nên trở về với ngôi nhà của chính mình để chăm sóc đứa bé bị thương trong ta, dẫu biết rằng đây là một việc khó làm. Ta cần sự hướng dẫn để khi thực tập, ta không bị những niềm đau, nỗi khổ trấn ngự và lôi kéo. Ta phải thực tập chế tác năng lượng chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, thở, làm việc để có đủ chất liệu vững chãi và thảnh thơi để đối diện với niềm đau, nổi khổ trong ta. Khi năng lượng chánh niệm trong ta hùng hậu rồi, ta có thể trở về ôm ấp em bé bị thương trong ta mà không bị nỗi khổ lôi kéo, khống chế. Đó là những pháp môn thực tập rất cụ thể. Bên cạnh đó ta cũng được yểm trợ bởi năng lượng tu tập chánh niệm của các bạn tu, thì chắc chắn sự thực tập trị liệu và chuyển hóa càng trở nên dễ dàng. Có lẽ trong thời gian đầu, cuộc trở về của ta cần có sự yểm trợ của một hoặc hai người bạn tu đã từng thực tập thành công, có sự vững chãi, thảnh thơi ngồi bên cạnh ta, chuyền cho ta năng lượng chánh niệm của họ. Khi có một người bạn tu như thế ngồi bên cạnh và nắm tay ta, ta có thể kết hợp năng lượng chánh niệm của ta với năng lượng chánh niệm của người đó để ôm ấp và chăm sóc đứa bé bị thương trong ta.
Tôi có một số đệ tử đã từng bị thương tích khi còn tấm bé. Tôi đã hướng dẫn họ phương pháp thực tập trở về để nhận diện, ôm ấp và nói chuyện với em bé bị thương của mình với năng lượng chánh niệm. Tôi đã bày cho họ cách nói chuyện với em bé bị thương tích trong họ như thế này: ”Em bé dễ thương của tôi ơi, tôi đang có mặt đây cho em nè. Tôi biết em đã khổ nhiều, thế mà vì quá bận rộn tôi đã bỏ bê em. Tôi thật là tệ. Bây giờ tôi đã học được cách trở về để chăm sóc em. Tôi hứa từ nay về sau, tôi sẽ không bỏ bê em nữa, sẽ chăm sóc em đàng hoàng.” Cố nhiên có rất nhiều cách nói; quan trọng là quý vị phải thường xuyên nói chuyện với em bé bị thương trong quý vị. Chỉ có cách thực tập đó mới đem lại sự trị liệu và chuyển hóa mà thôi. Lâu nay quý vị đã bỏ rơi em bé trong quý vị. Quý vị phải lập tức trở về để thực tập thiết lập lại truyền thông với em bé bị thương tích đó. Hãy ôm lấy em bé vào lòng với tất cả sự trìu mến, chấp nhận, thương yêu và hứa với em bé là từ nay về sau sẽ không bao giờ phụ bạc, bỏ rơi em nữa. Tuy nhiên, quý vị cần nương vào một Tăng thân dễ thương trong đó người nào cũng thực tập nghiêm chỉnh, vững chãi thì sự thực tập của quý vị mới thành công dễ dàng. Nếu quý vị là người mới thực tập, lại tu tập một mình, không có sự yểm trợ của Tăng thân, thì sự thực tập của quý vị sẽ khó khăn gấp trăm lần. Quay về nương tựa Tăng và cho phép các bạn đồng tu hướng dẫn, khuyên bảo, dìu dắt và nâng đỡ, nhất là trong những lúc khó khăn là sự thực tập rất quan trọng.
Có lẽ em bé bị thương của ta là sự tiếp nối của nhiều thế hệ trong quá khứ. Có thể ông bà, cha mẹ của ta đã có những vấn đề tương tự; chính họ cũng đã có một em bé bị thương trong lòng, nhưng vì họ đã không biết cách chăm sóc và chuyển hóa em bé bị thương ấy nên họ đã truyền đứa bé ấy lại cho ta. Vì vậy sự thực tập của ta là để chấm dứt vòng luân hồi không lành mạnh này. Nếu ta trị liệu và chuyển hóa được em bé bị thương trong ta, thì ta sẽ giải phóng được cho chính ta và cho ông bà cha mẹ của ta, ta tha thứ được người đã lạm dụng ta, đã làm cho ta điêu đứng, sầu khổ và tuyệt vọng. Ta biết rằng người ấy cũng chỉ là nạn nhân của sự trao truyền và tưới tẩm của tổ tiên và của xã hội. Người đó đã không may mắn gặp được chánh pháp và sự hướng dẫn tu tập từ những người bạn hiền có hiểu biết, có thương yêu để chuyển hóa như ta. Nếu ta biết chế tác năng lượng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu để ôm ấp em bé bị thương trong ta thì ta bớt khổ rất nhiều. Người ta khổ là vì trong lòng họ thiếu chất liệu hiểu biết và thương yêu. Khi ta chế tác được năng lượng chánh niệm và chánh định thì năng lượng của tuệ giác và từ bi tự nhiên có mặt. Bởi vì trong Niệm có Định và trong Định có Tuệ. Khi có Niệm, có Định và có Tuệ giác rồi, thì ta sẽ cho phép ta được thương, được chăm sóc. Trước đó, ta nghi ngờ tất cả. Nhưng bây giờ với năng lượng hiểu biết và thương yêu đã chế tác ra được, ta bắt đầu thiết lập lại sự truyền thông và liên hệ giữa ta với người thân và với nhiều người khác.
_______________
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong các bữa ăn im lặng, con cảm thấy rất khó chịu. Con thấy sự thực tập này không đem lại niềm vui cho con, ngược lại nó làm cho con cảm thấy khó chịu hơn. Làm sao chúng ta có thể tiếp nhận năng lượng từ Tăng thân khi mọi người, hầu hết là những người còn rất xa lạ không có cơ hội chuyện trò, trao đổi với nhau để thiết lập mối liên hệ bạn bè cần thiết để trở thành một Tăng thân? Chúng con không phải là cộng đồng người xuất gia. Con nghĩ nên có vài bữa ăn im lặng và vài bữa ăn cho phép được nói chuyện, như vậy có lẽ thích hợp hơn cho sự thực tập đối với chúng con.
Thầy: Kính thưa quý vị, quý vị từng nói chuyện trong khi ăn đã bao nhiêu năm rồi? Chúng ta chỉ có hai mươi mốt ngày để tu tập chung với nhau. Nói chuyện có thể giúp ta truyền thông với nhau, nhưng không phải chỉ là cách duy nhất để thiết lập truyền thông, ngược lại nó có thể là chướng ngại cho sự truyền thông. Những nhà sản xuất máy vô tuyến truyền hình thỉnh thoảng có quảng cáo rằng: ”Chúng tôi đem mọi người lại với nhau” – nghĩa là ti vi sẽ lấy những tin tức từ nơi này, nơi khác và chiếu lên, phóng lên cho chúng ta xem, nghe. Mục đích của đài truyền hình hay đài phát thanh là phát ra những lượng thông tin, quảng cáo… Nhưng như thế không nhất thiết là truyền thông.
Có một ký giả của tờ báo Phụ Nữ ở Paris đã tới Làng Mai. Sau khi đã phỏng vấn các sư cô và một số các vị nữ thiền sinh, cô ký giả xin được phỏng vấn tôi. Cô ta hỏi về những phương pháp thực tập thực tiễn như làm thế nào để thiết lập truyền thông giữa mối liên hệ vợ chồng, cha con, mẹ con, bè bạn v.v… Trong cuộc phỏng vấn, tôi có nói với cô ta rằng: ”Những cặp vợ chồng trẻ nên tắt máy truyền hình và thay vì nhìn vào hướng ti vi, họ có thể nhìn vào nhau để thực tập lắng nghe nhau.” Sở dĩ tôi đã đề nghị như thế là vì tôi nhớ có một nhà văn người Pháp, tên là Antoine Saint Exupéry, tác giả của quyển tiểu thuyết rất nổi tiếng – Hoàng Tử Bé. Trong cuốn tiểu thuyết đó, tác giả có nói rằng: ‘‘Thương nhau không phải là chỉ ngồi đó để ngắm nhìn nhau, mà phải cùng nhìn về một hướng.’’ Điều ông ta nói có thể có lý, nhưng nó không có lý nếu quý vị đều cùng nhìn vào một hướng mà hướng đó lại là hướng ti vi. Tôi đã khuyên các đọc giả của tờ báo Phụ Nữ như thế này: Muốn thiết lập truyền thông, trước hết quý vị hãy tắt máy truyền hình đi và nhìn vào nhau thật kỹ với tất cả sự chú tâm, chánh niệm, rồi hỏi người thương của mình: ”Anh yêu quý, có phải chúng ta là một cặp vợ chồng có hạnh phúc không?” Đó là câu hỏi rất thật, rất thiết thực. Rồi quý vị hỏi tiếp: ”Nếu không, thì tại sao? Vì những nguyên do nào đã khiến chúng ta đánh mất đi hạnh phúc?” Đây là câu hỏi sinh tử có công năng giúp quý vị nhìn lại tình trạng hiện thực của quý vị. Quý vị nói tiếp: ”Chúng ta có công ăn việc làm, có nhà cao cửa rộng, có xe hơi hạng sang, có máy truyền hình…, có tất cả. Thế tại sao chúng ta vẫn không hạnh phúc? Tại sao chúng ta không cảm thấy thoải mái khi nhìn nhau? Tại sao chúng ta cứ trốn tránh nhau bằng cách nhìn vào hướng truyền hình?” Vì vậy đây là bài thực tập đầu: Quý vị hãy tắt máy truyền hình đi, quay lại nhìn nhau và đặt câu hỏi rất thật như thế. Nếu cặp vợ chồng bỏ ra nữa giờ đồng hồ để tìm hiểu lý do tại sao họ không hạnh phúc với nhau thì sẽ khám phá ra những nguyên do đã đưa đến tình trạng không hạnh phúc của họ và cả hai bắt đầu thực tập lắng nghe nhau và cùng nhìn sâu để hiểu và để tái lập lại truyền thông, xây dựng hạnh phúc cho nhau.
Khi chúng ta cùng ăn cơm trong chánh niệm, thì lúc bấy giờ đối tượng của chánh niệm là thức ăn. Ta thiết lập truyền thông với vũ trụ, với thiên nhiên và ta nhận thấy thức ăn này là một tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác. Nếu có chánh niệm, ta tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời, với mây, mưa, đất đá… với tất cả vạn hữu của vũ trụ. Ở Làng Mai, chùa Pháp Vân – Xóm Thượng, vào khóa tu mùa Hè, tôi thường ăn sáng với một chú thị giả tại cốc Ngồi Yên. Buổi ăn sáng của tôi có một miếng bánh mì và chén nhỏ sữa chua trộn với muối nêm. Trong khi ăn, tôi nhìn ra đồng cỏ xanh mướt ở phía trước cốc và thấy những con bò đang ăn cỏ; rồi nhìn vào chén sữa chua, bỗng nhiên tôi thấy rằng tôi giống như những con bê đang uống sữa từ bò mẹ. Tôi thấy rõ mẹ của tôi cũng là một con bò mẹ và tôi đang uống sữa của bò mẹ. Tôi thấy bò mẹ đang ăn cỏ và làm sữa chua cho tôi ăn. Nhìn vào chén sữa chua, tôi biết rằng bài pháp thoại mà tôi sắp nói được làm bằng chén sữa chua tôi đang ăn. Ăn cơm im lặng như thế là một phép thực tập giúp tôi truyền thông rất sâu sắc với sự sống và tôi không cần phải nói một lời nào.
Trong khi ăn, đối tượng thứ hai của chánh niệm là những người đang ngồi bên cạnh ta. Ta có ý thức sự có mặt của người thân, người bạn tu đang ngồi đó không? Mỗi người đều mang trong tự thân những nỗi buồn vui, sợ hãi, hy vọng, khổ đau và hạnh phúc. Người nào cũng có ước muốn tu tập để chuyển hóa khổ đau của mình và phát triển khả năng hiểu biết, thương yêu và an vui để ban phát cho người khác. Được ngồi ăn chung với những người bạn đồng tu, với các thầy, các sư cô và sư chú là một niềm vui rất lớn, là sự truyền thông rất mầu nhiệm. Không nhất thiết phải nói chuyện huyên thuyên với nhau mới gọi là truyền thông. Nếu quý vị ngồi đó và tỏa ra năng lượng bình an, vững chãi, thảnh thơi và tươi mát, thì quý vị đang hiến tặng món quà rất quý giá cho những người đang ngồi chung quanh quý vị. Nếu người kia ngồi đó và cống hiến sự có mặt đích thực của mình, tỏa chiếu được sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc, thì quý vị được thừa hưởng rất nhiều. Sự truyền thông chân thật có thể thực hiện được trong sự im lặng. Sự im lặng có thể rất hùng tráng và nuôi dưỡng. Có khi vì nói chuyện, chúng ta không truyền thông được với nhau, vì mỗi người đều bị kẹt vào những định kiến riêng của mình, và không ai có khả năng lắng nghe ai. Tôi cam đoan rằng chỉ cần sau vài ngày thực tập, quý vị sẽ thấy công năng và sự mầu nhiệm của phép thực tập im lặng. Mới thực tập thì cảm thấy khó chịu, nhưng khi quen rồi, quý vị sẽ thấy rất dễ chịu, nuôi dưỡng và trị liệu.
_______________
Hỏi: Kính thưa Thầy, con vừa mới thực tập đối trị với tính tự cao, tự ái như là một đề tài cho sự trị liệu khi con thấy câu thư pháp được viết trên áo: ”Trong tình thương chân thật, không có sự có mặt của tự ái, tự cao.” Xin thầy dạy cho con làm sao để nhận diện và chuyển hóa tính tự ái, tự cao trong con?
Thầy: Khi có một người lạ, người dưng xúc phạm tới ta, bằng lời nói hay bằng hành động nào đó thì ta đau khổ ít; nhưng khi người mà ta thương yêu và quý trọng nhất trên đời nói hoặc làm những điều tương tợ, thì ta đau khổ cực kỳ. Và vì muốn bớt khổ, thông thường ta tới với người mà ta thương yêu nhất để bộc lộ nỗi khổ đau của mình. Nhưng trong trường hợp này thì quá khó. Lý do là vì ta có sự tự ái trong lòng, ta không muốn tới với người kia để cầu sự giúp đỡ. Ta muốn trở về phòng, đóng cửa lại và giam mình trong phòng để khóc than. Ta không có khả năng, can đảm để nói cho người kia biết là mình đang khổ và cần người kia giúp đỡ. Ta để cho tâm hành tự ái xâm chiếm ta. Tôi có nói rằng: ‘‘Trong tình thương chân thật, không có sự có mặt của tự ái.’’ Quý vị nên biết rằng tình thương của quý vị không thể gọi là tình thương chân thật khi tình thương ấy bị chất liệu tự ái len lỏi vào. Thương nhau có nghĩa là tin tưởng nhau. Nếu quý vị không tới nói cho người mình thương nhất trên đời biết về nỗi khổ của mình, thì điều đó có nghĩa là quý vị chưa thương người kia đủ, chưa tin tưởng người kia đủ để thấy rằng người ấy chính là người có thể giúp mình hữu hiệu nhất. Ta phải có khả năng cầu cứu sự giúp đỡ từ những người mà ta thương yêu nhất, bởi vì chính họ là những người hiểu và thương ta nhất. Ta không nên để cho tâm hành tự ái ngăn cản ta.