Thực tập quán chiếu về bản chất không sinh không diệt
(Phiên tả Pháp thoại ngày 04 tháng 01 năm 1998, xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)
Đây là một lá sồi thầy lượm được ở xóm Thượng. Xóm Thượng có hàng triệu lá sồi như vậy trên đường đi. Khi thiền hành ta có thể để ý tới những lá sồi mà bàn chân ta giẫm lên. Lá sồi này được sinh ra vào tháng Ba, đã sống cuộc đời của nó một cách đầy đủ, xanh tốt. Trong bao nhiêu ngày, chiếc lá này đã đón nhận ánh sáng mặt trời, đón nhận mưa nắng và đã từng reo vui trên cành. Đến tháng Mười, tháng Mười một, tháng Mười hai, lá sồi rụng xuống và phủ đầy lối đi. Có những nơi lá sồi rất dày, tạo thành những tấm thảm, và ta thường giẫm lên đó mỗi khi thiền hành.
Có những thi sĩ gọi lá rụng là lá chết. Lá chết nghĩa là lá không còn sống. Mùa thu là mùa lá rụng. Nhiều người cảm giác buồn man mác khi thấy lá rụng, nghĩ rằng mùa thu là dấu hiệu của sự tàn tạ, của sự chết chóc. Mùa thu đẹp thật nhưng có thể cũng tạo cho chúng ta một nỗi buồn man mác. Nếu chúng ta là người có tu học, có quán chiếu thì chúng ta phải nhìn sâu để không vướng vào những tình cảm thường tình. Chúng ta biết rằng sinh được làm bằng diệt. Cái mà chúng ta gọi là sống được làm bằng chết và nếu chúng ta là những người biết quán chiếu, nhìn vào cái chết chúng ta thấy được cái sống, nhìn vào cái sống chúng ta thấy được cái chết.
Sống và chết gắn liền với nhau. Không thể gỡ sống ra khỏi chết cũng như không thể gỡ cái chết ra khỏi sự sống. Khi thực tập ăn cơm im lặng, chúng ta có dịp nhìn vào những hạt cơm, những cọng rau trong bát và chúng ta thấy thức ăn được làm bằng chất liệu không phải thức ăn. Hạt cơm rất dẻo, rất trắng nhưng chúng ta có thể nhìn sâu để thấy trong hạt cơm có nắng, mưa, phân, rác và nhiều yếu tố khác. Bởi vì nếu không có phân, không có rác thì những hạt cơm đó không có mặt. Trong khi ăn cơm có thể ta chỉ thấy được những hạt cơm và những cọng rau, nhưng nếu biết ăn cơm một cách sâu sắc, chúng ta thấy được những yếu tố không phải là cơm và rau trong chén cơm bưng trên tay. Có thể là có mồ hôi, có phân trâu, có xương, vì phân có thể được làm bằng xương các loài vật. Tại các lò sát sinh, ở phương Tây và phương Đông, người ta giết heo lấy thịt, những phần còn lại như lông, da, phân heo thì được xay ra làm phân trồng trọt. Khi trồng rau ta có thể mua những bao phân đó về để bón cho rau được tươi tốt. Vì vậy khi nhìn vào cơm, vào cọng rau, ta thấy được những yếu tố đó.
Sự sống làm bằng sự chết. Nếu không có sự chết thì không bao giờ có sự sống. Sự chết nằm ngay trong sự sống. Trong cơ thể chúng ta cũng vậy, sự chết diễn ra trong mỗi giây phút của sự sống. Khi chúng ta gãi vào da, hàng ngàn, hàng triệu tế bào chết rơi xuống đất. Tế bào ngoài da của cơ thể ta đã khô và đã chết. Rất nhiều tế bào trong cơ thể ta tiếp tục chết như vậy mỗi ngày. Khi tắm, chúng ta thấy đất từ da rơi ra, ta đừng tưởng đất đó là từ bên ngoài bám vào da thịt ta. Đất mà chúng ta kỳ ra là những tế bào chết trong cơ thể chúng ta tiết ra. Vì vậy cái sống và cái chết xảy ra trong từng giây phút của đời sống hằng ngày.
Hôm trước chúng ta đã nói đến những chiếc lá sen ở hồ sen xóm Mới. Quý vị có thể đã nhìn và đã thấy những chiếc lá sen và hoa sen đang gục đầu xuống nước. Bây giờ những chiếc lá sen gần mục thành bùn. Lá sen mục thành bùn nhanh hơn lá sồi. Tiến trình mục nát của lá sồi chậm hơn lá sen, bởi vì lá sồi nằm trên đất khô. Chúng ta thấy lá sen ở hồ sen xóm Mới sắp biến thành bùn vì có những chiếc lá nằm ngâm trong nước rất lâu. Khi trở về bùn, lá sẽ yểm trợ cho những rễ sen, củ sen lớn lên, đó là ý nghĩa lá rụng về cội. Khi nhìn vào lá sen chết, ta phải nhìn như thế nào để thấy những chiếc lá sen đó cũng có mặt nơi khác và vào thời điểm khác nữa. Ta đừng nhìn thấy lá sen đó chỉ có mặt bây giờ và ở đây. Lá sen có mặt bây giờ và ở đây nhưng tầm vóc lá sen đó rộng lớn hơn ta tưởng. Chiếc lá sồi này cũng vậy, trong suốt sáu tháng hay chín tháng, chiếc lá này đã sống rất đầy đủ, đã làm việc một cách tích cực, đã nuôi cây lớn lên. Chiếc lá sồi rụng này chỉ là một phần nhỏ, một cái xác lá. Chiếc lá thực sự vẫn đang còn sống, chiếc lá đang có mặt trong cây.
Chúng ta muốn quán chiếu với tư cách một nhà khoa học hay một nhà đạo học? Nhà khoa học có những dụng cụ để quán chiếu, để đo lường, nhà Phật học hay nhà Đạo học cũng có những dụng cụ để quán chiếu, để đo lường. Khi nhìn vào một chiếc lá sen hay một chiếc lá sồi vào tháng Giêng, chúng ta phải thấy rõ đó là chiếc lá sồi hay lá sen, đừng đồng nhất chiếc lá đó với chiếc lá đang trở thành bùn hay với xác lá chúng ta đang có trên tay. Chúng ta phải thấy chiếc lá một cách sâu sắc, thấy sự sống của chiếc lá trong xác lá, thấy sự có mặt của chiếc lá trong cây.
Dưới hồ sen có những củ sen và rễ sen đang sống. Chúng đã lớn gấp mười lần hay hai mươi lần so với khi mới được trồng và những rễ sen, những củ sen đó mang sự sống của những lá sen bên trong. Cây sồi cũng vậy. Cây sồi đã rụng hết lá và không còn chiếc lá nào trên cành, nhưng kỳ thực những chiếc lá sồi đã có mặt trong cây sồi. Chúng nằm đợi đó, chỉ cần có sức ấm của tháng Tư, những chiếc lá sồi trong cây sồi sẽ biểu hiện. Vì vậy khi nhìn vào cây sồi giữa mùa đông, ta mỉm cười và nói: “Lá sồi ơi, tôi thấy lá đang có mặt.” Lúc đó ta thấy được chân tướng của lá. Tuy ta không thấy lá nhưng lá có đó. Thực ra, những chiếc lá rụng không làm chúng ta có cảm giác buồn man mác, không gây ra ý niệm chết nhưng chúng ta vẫn có nỗi buồn man mác của mùa thu. Tại vì chúng ta không có con mắt của chánh pháp để thấy được tự tánh của chiếc lá, để thấy chiếc lá chân thật (the true leaf). Khi đã thấy được bản chất chân thật của chiếc lá thì tất cả nỗi buồn và những ý niệm về chết chóc không còn nữa và ta tiếp xúc được với thực thể bất sinh bất diệt.
Đây là một cái sọ người, khi mát xa đầu, chúng ta làm những động tác và cảm nhận cái sọ người. Hay khi một sư chị, sư anh, sư em mát xa đầu cho ta, chúng ta phải quán chiếu để thấy được cái sọ người của chúng ta dưới làn da. Cái sọ người này rất tốt vì răng còn nguyên. Hình ảnh này có thể cho ta cảm giác hơi rờn rợn, hơi sờ sợ. Ta nói rằng cái sọ người này chỉ là cái sọ nào đó chứ đâu phải ta, nhưng kỳ thực ta đang là cái sọ, ta sẽ là cái sọ, ta đã từng là cái sọ từ lâu. Vì vậy, chúng ta có vô số cơ hội để quán chiếu. Tối hôm qua sư em Thiều Nghiêm xoa bóp đầu cho thầy, thầy hỏi sư em: “Con có biết chỗ nào bán đầu lâu bằng nhựa để mua về cho Làng vài cái?” Thầy nghĩ rằng ở những cơ sở cung cấp tài liệu giáo dục thế nào cũng có những bộ xương, những chiếc đầu lâu bằng nhựa (plastic). Chúng ta phải nhìn những bộ xương này mỗi ngày để thực tập, để không còn sợ hãi, không còn nỗi buồn man mác, không còn ý niệm về chết chóc. Chúng ta sẽ thấy cái đầu lâu như thấy một chiếc lá.
Thầy mong rằng ngày mai quý vị có thể thấy nhục thân của thầy như một chiếc lá và sẽ không buồn khổ sầu tiếc, bởi vì thầy cũng giống như một chiếc lá. Thầy đã sống một cách rất đầy đủ, rất sâu sắc như một chiếc lá. Thầy đã có một thời làm sư chú, đã từng chạy nhảy, đã từng hát, đã từng thiền đi, thiền ngồi, thiền nằm, đã từng dạy các thế hệ xuất gia. Thầy cũng đã làm hết sức, đã sống sâu sắc giống như chiếc lá này, đã sống bao nhiêu tháng trên cành một cách rất đầy đủ. Vì vậy, nhìn vào thầy phải thấy thầy như chiếc lá. Nếu ngày mai thấy thầy chỉ là một xác chết đang nằm đó thì dở quá, chưa thấy được thầy. Phải thấy được thầy đang ở trong mình, thấy thầy trong thế hệ tương lai đang mang đạo Bụt đi tới. Một xác người cũng giống như một xác lá, tại sao ta phải sợ hãi, phải buồn khổ, lo lắng? Cái đầu lâu này, cái xác chết này cũng sẽ trở về với đất và đóng góp cho sự sống đang thành hình ở khắp nơi. Tất cả những chất liệu xác chết này đều rất cần thiết để tiếp nối, để yểm trợ cho sự sống kia lớn lên. Và thầy nói: “Con có thấy rằng con đang cầm cái sọ của thầy trong hai tay của con không. Con ngưng lại đi, hai tay cầm như vậy con phải thấy được cái sọ của thầy, cái sọ thầy sâu hơn cái sọ trong hình. Cái sọ của thầy dài hơn cái sọ của con. Dù cái sọ của con còn trẻ, nó cũng là một cái sọ.”
Tất cả chúng ta đều là những chiếc lá, nếu không là lá sen thì là lá sồi. Chúng ta phải sống cuộc đời chúng ta cho thật đầy đủ và thật sâu sắc. Chúng ta đi vào trong tương lai, chúng ta đi vào trong không gian, trong thời gian, chúng ta đóng góp cho sự sống. Một chiếc lá, sau khi chết, nó vẫn còn trong thân cây, phần xác của chiếc lá cũng đóng góp cho sự sống. Cũng như vậy, chúng ta sử dụng phân bón được phân hủy từ lông hay xương heo để nuôi cây lúa và rau củ. Từ đó chúng ta mới có những hạt cơm, cọng rau để ăn.
Thiền tập nghĩa là không nhìn phơn phớt bên ngoài mà nhìn sâu, để có thể thấy sống và chết là một thực tại. Khá hơn nữa, ta vượt thoát được những ý niệm sống chết, bởi vì đó chỉ là hai ý niệm. Chiếc lá sồi sau khi đã rơi xuống đất cũng còn có thể đóng góp cho sự sống, nó sẽ trở thành phân và sẽ nuôi cây lớn lên. Cây cũng là lá. Chiếc lá sẽ thành phân nuôi cây và nuôi chính nó, bởi vì nó cũng đang ở trong cây.
Ta đi tìm ta, đó là sự thiền tập. Đừng tưởng ta là cái thân này. Đừng tưởng ta chỉ là cái sọ người này, đừng tưởng ta là hai con mắt này hay là kho kiến thức này. Thiền tông đưa ra những đề tài quán chiếu như: Anh hãy cho tôi biết mặt mũi của anh như thế nào trước khi bà nội của anh được sinh ra. Mặt mũi của một chiếc lá như thế nào? Quý vị có thấy mặt mũi thật của chiếc lá không, hay quý vị chỉ kẹt vào tướng của chiếc lá? Quý vị có thể thấy được chiếc lá trong cái vô tướng của nó không? Có thể thấy lá trong cành, có thể thấy lá trong cây, có thể thấy lá trong đất không, có thể thấy lá trong ánh sáng không? Khi thấy được như vậy, ta thấy được tự tính, thấy được bản chất của chiếc lá, lúc đó ta thoát khỏi những ý niệm và không còn bị kẹt vào tướng. Chẳng hạn khi làm đám ma, ta có thể biết rằng người đang được khiêng đi để đưa vào lò hỏa thiêu hay được chôn, không phải là đối tượng của sự thương yêu của ta. Đối tượng của sự thương yêu của ta là một cái gì rất linh động, bao trùm cả không gian và thời gian. Vì vậy khi thấy xác người đó, được đem đi chôn dưới đất hay đem vào lò hỏa thiêu đều không phải là đối tượng này. Chiếc lá này không phải chỉ là một chiếc lá mà là một thực tại rất sinh động, nó có mặt bây giờ và ở đây, trong quá khứ cũng như trong tương lai. Cái nhìn sâu sắc như vậy khiến chúng ta lớn hẳn lên, chúng ta bắt đầu biết thương, bắt đầu biết sống. Chúng ta sẽ không bị kẹt vào những buồn giận hay những ham muốn tầm thường nữa. Tại vì cái nhìn của chúng ta là cái nhìn sâu sắc của Bụt, của Bồ tát. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể thực tập để thấy như Bụt và Bồ tát thấy.
Đây là tấm hình của một cặp thanh niên vào khoảng 30 tuổi. Nhờ con mắt quán chiếu, ta thấy đốt xương của những người này rất rõ ràng, và thấy bộ xương của họ còn tốt lắm, bộ xương của những người còn trẻ. Khi sống tới 70, 80 tuổi bộ xương của chúng ta sẽ không còn tốt như thế, sẽ yếu hơn nhiều. Bên phải là hình cô gái, bên tay trái là hình chàng trai, mỗi người đều có một cái sọ người và những đốt xương. Chúng ta chỉ muốn có ảo tưởng, không muốn thấy sự thật nên chúng ta thường không muốn nhìn những thứ đó. Nếu anh Hoàng biết chỗ thì mua một bộ xương bằng nhựa về treo để quán chiếu cho vui.
Chúng ta có thể đạt tới trình độ tu tập sâu sắc để khi nhìn vào một chiếc lá ta hoàn toàn không có sự buồn khổ hay không? Ta thấy rõ ràng chẳng có gì phải buồn khổ, chiếc lá này đã sống đầy đủ cuộc đời của nó và hiện giờ chiếc lá đang có mặt ở đâu đó. Nhìn bằng mắt tuệ ta thấy sự có mặt của chiếc lá, thấy chiếc lá không sinh không diệt. Đã thấy được như vậy thì tại sao ta phải có những nỗi buồn man mác khi nhìn những chiếc lá rụng. Một tờ lá chín và rụng rất đẹp. Mùa thu có biết bao nhiêu tờ lá chín và rụng xuống, rất đẹp. Chúng ta có câu hát Bụt là lá chín. Một đời người cũng vậy, nếu sống cho đàng hoàng, cho hạnh phúc, có thương yêu, có hiểu biết, đến lúc ta gọi là chết thì đó là một hành động rất đẹp. Chúng ta không thật sự chết. Bởi vì chúng ta đã đi tới. Người có tuệ sẽ thấy mình có mặt khắp nơi, không bị kẹt vào tướng của một cái xác. Tu đến trình độ thì nhìn một tử thi hay một bộ xương cũng giống như nhìn một chiếc lá, không sầu khổ, không sợ hãi, như vậy mới được. Biết người đó đã sống và chỉ có con mắt tuệ mới có thể nhận diện sự có mặt của người đó đang ở khắp nơi.
Có con mắt tuệ, khi nhìn vào một chiếc lá hay một tử thi ta không còn sầu khổ, ta thấy chính mình là chiếc lá, là tử thi đó. Trước khi ngủ hãy nằm thẳng trên giường và thấy ta là chiếc lá, là tử thi. Mai này thế nào ta cũng trở thành tử thi, nhưng ta không phải chỉ thành tử thi đó, vì tử thi chỉ là một phần nhỏ nơi sự sống của ta, phần nhỏ đó cũng đóng góp vào sự sống tương lai sau này. Vì vậy phép thực tập Cửu tưởng quán rất mầu nhiệm. Cửu tưởng quán tức là phải thấy được quá trình thân thể này tàn hoại. Ban đầu quán thấy tử thi, rồi tử thi phình lên, trương ra. Từ tử thi có những chất nước vàng chảy ra, rồi thấy những con sâu, những con trùng sinh ra trong tử thi đó, bò lúc nhúc. Tiếp đến, tử thi chỉ còn là một bộ xương được nối liền nhau bởi những sợi gân, rồi thấy tử thi là những khúc xương rời rạc, tử thi đi qua nắng qua mưa và bạc màu, như màu vỏ ốc, cuối cùng tử thi chỉ còn là một đám bụi. Khi quán chiếu như vậy, ta thấy ta không chỉ là tử thi, ta là một cái gì mầu nhiệm hơn tử thi đó nhiều. Ta thấy được chân tướng của ta, lúc đó ta mới sống được đời sống của ta một cách sâu sắc và đích thực.
Thiền tập là một cách sống, một cách sống trong đó chúng ta có cơ hội để nhìn, nhìn thật sâu. Nhìn sâu để khám phá ra được bản chất đích thực của chính chúng ta và của sự sống. Nhìn được hay không là do chúng ta có con mắt tuệ hay không. Và con mắt tuệ có hay không là do chúng ta có sống chánh niệm trong đời sống hằng ngày được hay không. Có chánh niệm tức là có năng lượng để dừng lại, để nhìn và để tiếp xúc một cách sâu sắc. Do đó, tại Làng Mai, sự thực tập của chúng ta là phải đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn, uống, thở, v.v. trong chánh niệm. Thực tập như vậy thì con mắt tuệ sẽ phát sinh. Có con mắt tuệ, chúng ta sẽ đạt tới bất sinh bất diệt, sẽ không còn sầu khổ hay sợ hãi. Là người trẻ, chúng ta cứ có cảm tưởng là chúng ta sẽ sống đời đời, những người khác phải chết chứ ta còn trẻ, đâu có chết được. Trong chúng ta cũng có những người lớn tuổi và họ đã biết rõ ràng rằng họ không còn nhiều năm tháng nữa. Nếu chúng ta biết rằng chúng ta đã được gặp Tam bảo, đã được học cách quán chiếu, chúng ta không nên sống một cách thờ ơ và giải đãi. Chúng ta phải biết sử dụng những ngày tháng còn lại một cách sâu sắc, để chúng ta có cơ hội tiếp xúc được với bản chất bất sinh bất diệt của chúng ta. Giờ phút lâm chung, giờ phút qua đời sẽ là một giờ phút rất mầu nhiệm, rất đẹp đẽ. Nếu chúng ta đi qua giờ phút đó đẹp đẽ như một chiếc lá rơi xuống một cách ngoạn mục thì không những ta có hạnh phúc mà ta còn tạo được niềm tin và hạnh phúc cho biết bao nhiêu người. Có những chiếc lá lìa cành và múa, cho đến khi nằm trên mặt đất, chiếc lá vẫn vui. Chiếc lá biết nó sẽ trở thành một với cây, lá rụng về cội. Do đó, chết là một nghệ thuật và chúng ta có thể mỉm cười khi chết, trong hoan hỉ, trong hạnh phúc. Chúng ta chỉ có thể chết được như vậy khi chúng ta có con mắt tuệ và chúng ta khám phá được tự tánh bất sinh bất diệt của chính mình. Mỗi chúng ta đều có cái sọ người và đều có Phật tánh.