Những thực tập cần thiết trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ năm 1997

(Phiên tả Pháp thoại ngày 27 tháng 11 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Phái đoàn đi Bắc Mỹ khởi hành ngày 22 tháng 08 năm 1997. Khi ra tới phi trường, mỗi sư cô, sư chú đều được nhận một lá thơ trong đó căn dặn cách hành xử trong suốt chuyến đi. Những lời căn dặn này có bảy điểm. 

  1. Dù ở đâu, phi trường, cầu thang hay phòng vệ sinh, khi đi phải đi theo kiểu thiền hành, vững chãi và thảnh thơi, không được gấp gáp

Trong suốt chuyến đi ba tháng, dù đang ở đâu, phi trường, cầu thang, lên hay xuống cầu thang, đi vào phòng vệ sinh, bất cứ khi nào cần phải đi, là đều phải đi theo kiểu thiền hành, theo dõi hơi thở, biểu lộ sự vững chãi và thảnh thơi của mình, không được gấp gáp. Đó là điều căn dặn thứ nhất.

  1. Không nói chuyện trong khi đi, trong khi bước. Nếu cần trả lời một câu hỏi hay cần hỏi một câu thì phải dừng lại. 

Đi là đi thôi. Trong khi đi phải phối hợp bước chân của mình với hơi thở. Nếu nói chuyện thì không phối hợp được bước chân và hơi thở, do đó sự thực tập thiền đi không vững chãi, không đàng hoàng. Vì vậy đi là chỉ đi thôi, đi cho sâu sắc, đi cho vững chãi, đi cho thảnh thơi. Nếu muốn nói một điều gì thì phải dừng lại và người kia cũng dừng lại thì mình mới nói. Người kia không biết mà lỡ hỏi một câu, nếu mình muốn trả lời thì dừng lại rồi trả lời, trả lời xong thì đi tiếp. Nếu cần, mình nói cho người kia biết là mình đã nhận được lệnh đi thì chỉ đi thiền hành, và trong khi đi không được nói chuyện. Trong suốt chuyến đi, các thành viên của phái đoàn đã thực tập như vậy. Và trong khóa tu này chúng ta cũng sẽ làm như vậy.

  1. Tại tu viện Hải Biên, tu viện Kim Sơn và các khóa tu, thực tập uy nghi trong lúc tiếp xúc với người khác phái giống hệt như chúng ta thực tập tại tu viện của Làng Mai. Người cư sĩ không hiểu thì giải thích cho họ và mời họ thực tập. 

Người xuất gia có giới luật, uy nghi của người xuất gia. Người cư sĩ có thể chưa học uy nghi, vì vậy người cư sĩ có thể có những lầm lỡ, cho nên người xuất gia có bổn phận phải báo cho người cư sĩ biết là mình thực tập như vậy và mình không thể làm trái với uy nghi. Ví dụ như một sư chú ngồi riêng với một người nữ tại một chỗ khuất thì chuyện đó trái với uy nghi. Không những mình không ngồi riêng chỗ khuất với một người khác phái mà mình còn nên giải thích cho người kia biết tại sao mình không được ngồi trong trường hợp như vậy. Tại vì chúng ta đang thực tập uy nghi và uy nghi là phương tiện giúp bảo vệ cho đời sống tu học của mỗi người. Trong khóa tu này chúng ta cũng phải thực tập như vậy. Người xuất gia phải thực tập và người cư sĩ cũng phải biết sự thực tập đó để yểm trợ cho người xuất gia. 

  1. Đi đâu và tham dự vào sinh hoạt nào của tăng thân, ví dụ như thiền tọa, thọ trai, thiền hành, v.v. cũng phải có ý thức về sự có mặt của thân thứ hai, tức là đệ nhị thân của mình. Đừng đánh mất thân ấy

Trong mọi sinh hoạt của tăng thân, ví dụ như chấp tác, thiền tọa, thọ trai, thiền hành, v.v. ta phải có ý thức về sự có mặt của đệ nhị thân của ta. Và ta đừng đánh mất đệ nhị thân vì thân đó là thân của ta. Tất cả các xóm trong khóa tu này đều nên chấp hành nghiêm chỉnh điều căn dặn thứ tư. 

  1. Chịu trách nhiệm về phẩm chất uy nghi và chánh niệm của thân thứ hai và nhắc nhở thân ấy trong trường hợp phẩm chất uy nghi và chánh niệm của thân ấy xuống thấp. Nếu mình không đủ sức thì nhờ đến thầy và các anh chị trong tăng thân giúp đỡ.

Nếu người kia thực tập còn yếu, phẩm chất uy nghi và chánh niệm kém thì mình phải chịu trách nhiệm. Mình phải tới nhắc nhở người đó bằng lời nói ái ngữ. Nếu cảm tưởng là mình không có khả năng làm được việc đó, mình làm chưa giỏi thì phải cầu cứu tới thầy hoặc cầu cứu tới một sư anh, một sư chị hay là một sư em khác trong tăng thân. Điều này chúng ta cũng sẽ thực tập trong khóa tu mùa đông này. Và xin nhắc lại, không phải chỉ là những người đối thú an cư trong ba tháng thực tập như vậy mà những người ở ít hơn cũng nên tìm cách để có cơ hội thực tập như vậy. Tức là mỗi người đều phải có một thân thứ hai. 

  1. Nhớ rằng hạnh phúc của tăng thân trong chuyến đi là trên hết. Đừng vì công việc mà làm mất hòa khí và hạnh phúc của tăng thân.

Điều này cũng có thể thực tập ở trong khóa tu. Chúng ta có nhiều công việc nhưng đừng cho công việc là quan trọng nhất. Chúng ta phải cho hòa khí và hạnh phúc của tăng thân là quan trọng nhất. Đừng vì công việc mà làm mất hòa khí và hạnh phúc. 

  1. Biết rằng được đi với tăng thân trong chuyến này và tập làm hạnh phúc cho hàng chục ngàn người là một cơ hội lớn. Chúng ta hãy tận hưởng từng giây phút của chuyến đi. Bước nào cũng bước trong Tịnh độ. Bước nào cũng bước trong thế giới của Hoa nghiêm. 

Đó là lời căn dặn cuối. Được đi cùng nhau trong chuyến hoằng pháp như thế này là một điều rất hy hữu. Nếu chúng ta không có hạnh phúc thì quả thật là dại dột vì chúng ta đã đánh mất một cơ hội lớn, bởi chuyến đi đó có thể là một chuyến đi lịch sử, có thể không được lặp lại lần thứ hai. Vì vậy mỗi bước chân phải thảnh thơi, phải an lạc và phải có hạnh phúc. Điều thứ bảy này chúng ta cũng nên thực tập trong khóa tu ba tháng này. Chúng ta được tập họp tại đây trong một cơ sở gọi là Làng Mai, chúng ta được cùng tu học với nhau trong vòng ba tháng, có thầy, có bạn, có anh, có chị, có em, có tăng thân, có pháp môn, đó là hạnh phúc rất lớn. Chưa chắc trong tương lai chúng ta sẽ có thể làm được hoài như vậy. Vì vậy khi an trú trong hiện tại, chúng ta phải nhận thức rằng ba tháng được sống chung với nhau đây là một may mắn lớn, chúng ta đừng đánh mất cơ hội này. Mỗi ngày của chín mươi ngày đều là một cơ hội để sống an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi, cho nên không có lý do gì mà mỗi bước chân của ta không bước trong sự thảnh thơi. Mỗi bước chân của ta đang đi vào Tịnh độ. 

Bảy điều này thầy cũng đã dịch ra tiếng Anh cho các vị trong phái đoàn chưa giỏi tiếng Việt. 

Trong chuyến đi Bắc Mỹ vừa rồi, tăng thân đã thành công tới một mức độ khá cao. Trong các khóa tu, những lúc tiếp xúc với thiền sinh, rất nhiều người tỏ bày hạnh phúc của họ khi thấy các vị xuất gia đi, đứng và tiếp xử trong chánh niệm. Cố nhiên những người xuất gia trong phái đoàn không có ai hoàn hảo. Thỉnh thoảng cũng có một vài khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn đó không đủ sức làm cho sự hòa điệu và hạnh phúc của tăng thân bị suy giảm đi. Vì vậy thiền sinh ở Bắc Mỹ rất hạnh phúc khi thấy tăng thân hòa hợp, đi đứng, hành xử và nói cười trong chánh niệm. 

Trong chuyến đi vừa qua, ít nhất đã có 25.000 người tới trực tiếp nghe và thực tập với tăng thân trong các khóa tu, những ngày chánh niệm và những buổi thuyết giảng. Phẩm chất của các khóa tu lên rất cao là nhờ sự có mặt của rất nhiều người xuất gia. Nhìn về phía trước cũng thấy có người xuất gia, nhìn qua bên trái cũng có người xuất gia, nhìn về phía sau hay bên phải cũng có người xuất gia. Thấy những người xuất gia đi, đứng trong sự vững chãi, thảnh thơi, nhẹ nhàng, chánh niệm, thì niềm tin của những người đến tham dự khóa tu được phát khởi rất lớn mạnh. Nhiều người viết thơ biểu lộ hạnh phúc của họ khi thấy tăng đoàn có mặt trong các khóa tu. Không những đồng bào Việt Nam tỏ lộ sự hạnh phúc và niềm tin, mà trong những khóa tu, những buổi pháp thoại cho người Mỹ, rất nhiều thiền sinh cũng bộc lộ niềm tin và hạnh phúc. Có nhiều người nói rằng khi trông thấy tăng đoàn họ rất mừng, họ thấy có tương lai. Trong những lần trước, khi được tiếp xúc với thầy, tuy có hạnh phúc nhưng họ cũng có nghĩ tới tương lai khi thầy qua đời rồi thì không có ai tiếp tục sự nghiệp của thầy. Tuy nhiên, trong lần này, mỗi khi thấy tăng đoàn thực tập vững chãi và thảnh thơi thì sự lo sợ đó không còn nữa. Họ biết rằng có sự tiếp nối. Điều đó đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. 

Tại Omega Institute, miền Bắc tiểu bang New York, lúc ấy là mùa thu, lá vàng rất đẹp, người nào cũng cảm thấy hạnh phúc khi thiền hành bên cạnh những hàng cây lá vàng, lá đỏ. Cảnh trí rất ngoạn mục. Thầy có tới quán sát một cành cây phong. Thầy thấy rằng, nhìn cho kỹ thì lá phong nào cũng có những lỗ hổng do sâu ăn hay do cái gì đó, không có lá nào toàn hảo. Nhưng nhìn tổng quát thì thấy cành phong rất đẹp. Sở dĩ ta nhìn thấy cành phong đẹp như vậy là vì tất cả những chiếc lá trên cành đều có vị trí nhất định, không có lá nào chen lá nào, chiếc lá nào cũng có chỗ đứng đặc biệt của nó, tạo nên một cảnh tượng rất hòa điệu. Những chiếc lá ở đầu cành và những chiếc lá ở cuối cành, những chiếc lá lớn hơn hay nhỏ hơn, lá nào cũng đẹp. Đẹp là vì sự hòa điệu của tất cả những chiếc lá. Những chiếc lá đầu cành không tự hào rằng nó đứng đầu. Những chiếc lá mọc ở ngách cành không buồn tủi là tại sao nó đứng cuối cành. Chiếc lá nào cũng có vẻ hạnh phúc bởi chiếc lá nào cũng an trú vào vị trí của nó. Vì vậy cành lá phong tỏa ra một điều rất mầu nhiệm, ta có thể gọi là sự hòa điệu, harmony

Thầy đã tập hợp đại chúng lại và thầy nói rằng chúng ta không cần phải toàn hảo. Mỗi người chúng ta không cần phải toàn hảo. Nếu chúng ta có thể sống với nhau được như là anh, như là chị, như là em và có sự hòa điệu thì tăng thân của chúng ta đã đẹp lắm rồi, chúng ta không cần phải mặc cảm đối với ai cả. Vì vậy, hòa điệu là sự thực tập của một tăng thân. Trong khóa tu ba tháng, sự thực tập quan trọng nhất của chúng ta là thực tập hòa điệu. Có hòa điệu thì thế nào cũng có hạnh phúc. Có hòa điệu, có hạnh phúc thì thế nào chúng ta cũng gây được niềm tin cho rất nhiều người đến với chúng ta. Thầy cũng như các vị, chúng ta không cần phải toàn hảo. Chúng ta chỉ cần đứng ở vị trí của chúng ta và tỏa chiếu được sự hòa điệu của mình, bấy nhiêu đó là đủ rồi. Do vậy, tăng thân của đức Thế Tôn được gọi là tăng thân lục hòa. Mỗi khi chúng ta làm một quyết định gì trong tăng thân, chúng ta hãy đặt câu hỏi: “Có sự hòa hợp không?” 

  • Đại chúng đã tập họp đầy đủ chưa? 
  • Thưa, đại chúng đã tập họp đầy đủ.
  • Có sự hòa hợp không?
  • Thưa, có sự hòa hợp.

Nếu câu trả lời thứ hai đi về chiều hướng tiêu cực là: “Thưa, không có sự hòa hợp”, thì không thể có quyết định nào có giá trị cả. Tăng thân không đi tới được một quyết định nào nếu không có sự hòa hợp. Hòa hợp là bản chất của một tăng thân. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng hòa hợp là chất liệu căn bản để xây dựng một tăng thân. 

Trong khóa tu mùa đông này, chúng ta phải thực tập như thế nào để tăng thân có sự hòa hợp. Chúng ta người nào cũng phải là anh của em, là em của chị,… chúng ta có vị trí của mình, và chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong vị trí đó. Cũng như mỗi chiếc lá trên cành phong có vị trí nhất định của nó. Trong khi đứng vững chãi và thảnh thơi ở vị trí của mình, mỗi chiếc lá đóng góp vào phần hòa điệu của cành phong để khi nhìn vào cành phong người ta thấy nó rất đẹp. Chính cành phong cũng có hạnh phúc. Trong khóa tu này chúng ta cùng thực tập bảy điều mà chúng ta đã thực tập trong chuyến đi Bắc Mỹ vừa rồi. Chúng ta thực tập theo pháp môn Đệ nhị thân. 

Sư chị Diệu Nghiêm có báo cáo cho thầy là khi một nửa tăng thân rời Đạo tràng Mai thôn để đi Mỹ thì ở nhà còn rất ít người. Thầy đi khỏi và một số các sư anh, sư chị lớn cũng đi khỏi. Vì vậy, trong hai ngày đầu, nửa tăng thân còn lại hơi có sự bơ vơ và trống trải. Nhưng chỉ tới ngày thứ ba thì mọi người đã đến với nhau. Sư chị nói có một trái tim bắt đầu đập nhịp trở lại, rất ấm cúng. Khóa tu hai mươi mốt ngày được tổ chức tại Làng Mai rất hạnh phúc vì mọi người đã tìm đến với nhau. Sự thân ái được nở ra như một bông hoa trong sự thực tập đến với nhau đó, giống như có một trái tim mới đập trong tăng thân. Tăng thân ở nhà đã thực tập có hạnh phúc. 

Nghe sư chị báo cáo như vậy, thầy rất mừng. Thầy mừng nhiều lắm chứ không phải là mừng ít. Thầy biết rằng tuy thỉnh thoảng chúng ta có những vấn đề, nhưng khi cần, chúng ta có thể đến với nhau, chấp nhận nhau, gắn bó với nhau để cho đạo pháp trường tồn, để cho hạnh phúc có thể có mặt. Điều này làm cho thầy rất mừng và cho thầy rất nhiều niềm tin.