Im lặng hùng tráng

(Phiên tả Pháp thoại ngày 14 tháng 12 năm 1997, xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Trong khóa tu này, chùa Pháp Vân xóm Thượng và chùa Từ nghiêm xóm Mới thực tập im lặng hùng tráng, noble silence, từ 9 giờ tối cho đến sau bữa cơm trưa; chùa Cam Lộ xóm Hạ thực tập im lặng cho đến sau giờ ăn sáng. Có thiền sinh viết thư kể cho thầy rằng buổi sáng họ vẫn nghe nói chuyện. Vị này đã có mặt trong khóa tu tháng Chín và cảm thấy sự im lặng trong khóa tu tháng Chín rất giàu có, hùng mạnh. Thầy muốn nhắc đại chúng, đây không phải là một sự bó buộc, không phải là không được nói mà sự im lặng này là cơ hội giúp ta quán sát những tư tưởng, tập khí của ta. Trong khi chúng ta thực tập im lặng hoàn toàn trong bảy ngày, chúng ta có thể nhận thấy rằng phần lớn những gì ta nói đều vô ích, đều không cần thiết. Theo phương pháp thực tập này, khi ngứa miệng muốn nói thì thay vì nói, ta viết câu đó vào một cuốn sổ. Hai ba giờ sau nếu lại ngứa miệng muốn nói nữa thì cũng đừng nói, lại viết câu đó vào cuốn sổ. Ngày mai khi thức dậy ta mở cuốn sổ ra đọc thì tự thấy buồn cười, thấy câu nói đó không cần nói. Ta thấy rõ ràng phần lớn những điều ta muốn nói hằng ngày đều vô ích, đôi khi còn có hại. 

Hơn nữa, chúng ta có một lực lượng ma quái bên trong thúc đẩy, chúng ta làm và nói những điều thực sự ta không muốn làm, không muốn nói. Có khi chúng ta biết nói câu đó là đổ vỡ, là làm cho cả hai bên đều buồn (ta đủ thông minh để biết rõ như vậy), nhưng rốt cuộc ta vẫn nói. Ta đủ thông minh để biết nếu ta hành xử như vậy thì tạo ra đau khổ cho ta và người kia, nhưng rốt cuộc ta đã làm. Điều đó có nghĩa là có một thứ năng lượng tiêu cực trong ta, thúc đẩy ta nói điều đó, làm cái đó. Năng lượng đó là tập khí, habit energy, nó đẩy ta, xúi ta nói câu đó, làm cái đó. Khi im lặng, ta không nói, không làm, ta quán sát, biết được và viết xuống những câu ta muốn nói. Ví dụ: Ngày hôm nay, giờ đó… năng lượng kia thúc đẩy tôi nói câu đó, nhưng tôi đã không nói… Sáng hôm nay, tập khí đó đã vùng dậy, bắt tôi làm điều đó, hành xử như thế… nhưng tôi đã không làm. Nếu thực tập như vậy vài tuần, ta sẽ thấy mình tiến bộ rất nhiều. 

Đã không thực tập im lặng thì thôi, thực tập im lặng thì phải thực tập cho nghiêm chỉnh. Mỗi người phải có một cuốn sổ tay để ghi lại những thôi thúc trong tâm, đã bắt ta nói câu gì, làm điều gì. Ta biết trong quá khứ, những điều đó đã từng gây đổ vỡ. Tu tập là để nhận diện được năng lượng ma quái đó và chỉ có nhận diện mới có thể làm cho năng lượng đó yếu đi, không có cách nào hơn. Thực tập im lặng hùng tráng là để có cơ hội nhận diện chứ không mang mục đích gì khác hay để làm lợi cho ai. Có những người sau một tuần lễ thực tập im lặng thì muốn kéo dài sự im lặng, không muốn nói nữa, vì thấy được sự im lặng thật đẹp đẽ, thật hùng tráng, thật khỏe. Nếu quý vị cảm thấy lúng túng, bị áp bức trong khi im lặng thì phải biết rằng phương pháp thực tập của quý vị không nghiêm chỉnh. Bởi vì im lặng là một điều kiện, là một cơ hội để nhận diện tập khí. Tập khí phải được nhận diện, được quán chiếu. Mỗi khi ta nhận diện được tập khí thì nó mất đi một ít năng lượng sức mạnh của nó. Nếu liên tục thực tập nhận diện trong vài tháng thì nó sẽ không đủ mạnh để thúc đẩy ta nói những điều ta không muốn nói và làm những điều ta không muốn làm.