Đệ nhị thân

(Phiên tả Pháp thoại ngày 27 tháng 11 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Trong ba tháng mùa đông năm nay, chúng ta hãy nương vào nhau để thực tập. Chúng ta hãy chăm sóc cho nhau. Pháp môn của chúng ta không phải là “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”. Pháp môn của chúng ta là cùng tu học chung và chăm sóc cho nhau. Vì vậy chúng ta sẽ theo mô thức thực tập mà chúng ta đã thực hành trong chuyến đi vừa qua tại Bắc Mỹ, tức là mô thức Đệ nhị thân. Trong ngày hôm nay hay ngày mai, chúng ta phải biết đệ nhị thân của mình là ai. Theo nguyên tắc này, chúng ta tu không phải là tu một mình, mà chúng ta tu trong một đoàn thể. Đoàn thể đó cũng là thân của ta. Thân đó gọi là Tăng thân (Sangha body). Tăng thân cũng có con mắt, lỗ mũi, lỗ tai. Tăng thân cũng có thể nhìn thấy, có thể nghe, có thể phán xét. Vì vậy, ngoài thân riêng của chúng ta, ta còn có tăng thân. Tất cả những người cùng tu với ta, những người anh, những người chị, những người em của ta đều là một phần của tăng thân ta.

Theo phương pháp này, mỗi người trong đại chúng phải có một đệ nhị thân để chăm sóc. Đệ nhị thân là The second body. Trong suốt khóa tu, chúng ta phải chăm sóc đệ nhị thân. Đệ nhị thân của ta không hẳn là phải nhỏ tuổi đời hay tuổi đạo hơn ta, mà có thể lớn hơn ta trong tuổi đời cũng như tuổi đạo. Mỗi người trong chúng ta đều phải chăm sóc đệ nhị thân. Ví dụ đại chúng có 100 người thì người thứ nhất chăm sóc người thứ hai, người thứ nhất gọi người thứ hai là đệ nhị thân. Khi đi ngồi thiền, ta phải tới mời đệ nhị thân của ta đi ngồi thiền. Khi đệ nhị thân bị sốt, ta phải biết đệ nhị thân của ta bị sốt, ta phải đi tìm tri bệnh hay phải tìm cách để giúp đỡ đệ nhị thân. Khi thầy hỏi: “Đệ nhị thân của con sáng hôm nay ở đâu, sao không thấy trong pháp thoại?”, ta phải trả lời được mà không có quyền nói: “Dạ con không biết.” Đó là thân của ta, là thân thứ hai của ta, vì vậy ta không thể nói rằng không biết. Trong chuyến đi Bắc Mỹ vừa rồi, phương pháp này đã được áp dụng. Nếu đệ nhị thân của ta chưa leo lên xe thì ta nhất định không leo lên. Bởi vì nếu lên xe, khi đến đích và được hỏi: “Đệ nhị thân của sư chú đâu?”, ta không thể trả lời được.

Mỗi người chỉ cần chăm sóc đệ nhị thân của mình thì tự nhiên tất cả tăng thân đều được chăm sóc. Khi đệ nhị thân của ta có những niềm vui thì ta cũng biết được những niềm vui đó, ta có thể chia sẻ cho đại chúng. Nếu đệ nhị thân có những khó khăn, ta phải biết được những khó khăn đó để giúp đỡ. Nếu ta không đủ sức để giúp đỡ đệ nhị thân của mình thì phải cầu cứu sư anh, sư chị hay sư em khác. Không hẳn ta phải giỏi hơn đệ nhị thân của ta thì ta mới được quyền có đệ nhị thân. 

Chùa Pháp Vân, chùa Cam Lộ, chùa Từ Nghiêm và tu viện Rừng Phong, chùa nào cũng phải tổ chức theo phương pháp này, nghĩa là mỗi người đều phải có một đệ nhị thân và phải chăm sóc đệ nhị thân đó. Người thứ hai là đệ nhị thân của người thứ nhất nhưng người thứ hai cũng có một đệ nhị thân của mình, tức là người thứ ba. Người thứ hai phải chăm sóc người thứ ba và chịu trách nhiệm về người thứ ba. 

Làm thế nào để chọn đệ nhị thân? Tất cả mọi người trong xóm phải có mặt, vị Chúng trưởng gọi tên một người, tức là người thứ nhất thì người thứ nhất lập tức gọi tên đệ nhị thân của mình. Khi người thứ hai được gọi tên thì người thứ hai lập tức gọi tên đệ nhị thân của mình cho đến khi người thứ nhất trở thành đệ nhị thân của một người khác. Và điều đó chúng ta có thể làm trong ngày hôm nay hay ngày mai.

Khi đi ăn cơm, ta làm sao để đệ nhị thân, tức thân thứ hai của ta có mặt trong bữa cơm, và có mặt sớm. Giờ ngồi thiền hay thiền hành, ta phải biết đệ nhị thân của ta có mặt hay chưa. Ta là người chịu trách nhiệm về đệ nhị thân của ta. Nếu ta có thể giúp được đệ nhị thân của ta thì ta có thể giúp được tất cả mọi người. Đây là quá trình thực tập.

Không những các vị đã làm lễ Đối thú an cư ở đây ba tháng cần đệ nhị thân, những người không được làm lễ Đối thú an cư, chỉ ở đây vài tuần, một tháng hay một tuần cũng phải tìm cách có một đệ nhị thân để thực tập. Và những người đó cũng cần phải làm đệ nhị thân của một người khác. Đại chúng sẽ từ từ cảm nhận những kết quả mầu nhiệm của pháp môn thực tập này. Tất cả những gì xảy đến cho đệ nhị thân của ta, ta chịu trách nhiệm. Trong khi ta chăm sóc đệ nhị thân của ta thì Đệ tam thân, Đệ tứ thân, Đệ ngũ thân của ta cũng đang được chăm sóc bởi những người khác. Vì vậy chúng ta có thể chăm sóc lẫn nhau. Đây là một pháp môn hết sức mầu nhiệm.

Có một hôm đức Thế Tôn du hành với thầy A Nan tới một trung tâm tu học địa phương. Khi hai thầy trò tới nơi thì thấy trong trung tâm đó không còn ai. Các thầy đều đã đi khất thực, duy chỉ có một thầy không đi khất thực. Thầy đó đang nằm ở trong cốc của thầy và bị bệnh rất nặng, bệnh kiết lị. Đức Thế Tôn và thầy A Nan đi vào trong phòng của thầy ấy thì ngửi thấy mùi hôi, vì thầy đi cầu mà phân chảy ra khắp nơi. Giường của thầy rất dơ, áo quần của thầy bê bết. Đức Thế Tôn mới nói thầy A Nan đi kiếm một chậu nước, một cái khăn, và đức Thế Tôn tự mình lau và tắm cho thầy bị bệnh đó. Thầy A Nan thì đi chùi những dấu phân rơi rớt trong phòng. Hai thầy trò làm như vậy tới ba giờ đồng hồ thì căn phòng mới sạch. Lúc đó thầy A Nan lấy y của mình thay cho y của thầy bị bệnh, và đem y dơ ra ngoài giặt giũ, phơi khô. 

Đức Thế Tôn và thầy A Nan ngồi chơi trước cổng tu viện trong khi các thầy khác đi khất thực đang lục tục trở về. Họ thấy đức Thế Tôn tới thăm thì rất mừng. Tất cả các thầy quy tụ lại bên Bụt. Đức Thế Tôn dạy: “Này các thầy, chúng ta đã xuất gia xa cha mẹ, xa anh chị em của mình, thì đâu còn được cha mẹ, anh chị em chăm sóc, nếu chúng ta không chăm sóc nhau thì ai chăm sóc cho chúng ta bây giờ? Vì vậy, từ đây về sau người nào muốn chăm sóc cho đức Thế Tôn, muốn làm thị giả cho đức Thế Tôn thì nên nhớ rằng chăm sóc cho người anh em cùng tu của mình, tức là chăm sóc cho đức Thế Tôn. Quý vị nào muốn làm thị giả cho tôi”, đức Thế Tôn nhìn quanh từng thầy và nói tiếp, “có hạnh phúc trong khi làm thị giả cho tôi thì nên nhớ rằng khi chăm sóc người bạn tu của mình tức là chăm sóc cho đức Thế Tôn, không khác”. Trước đó Bụt có nói chuyện với thầy bị bệnh, Ngài hỏi: “Không có thầy nào chăm sóc cho thầy hết sao?” Thầy bị bệnh thưa: “Dạ có, ban đầu có nhiều huynh đệ tới chăm sóc, nhưng con thấy con bệnh hoài, chẳng làm được phước đức gì, chẳng giúp được ai, mà cứ để các thầy chăm sóc nhiều, con sợ tổn phước. Vì vậy con nói rằng thôi các huynh đệ đừng tới nữa, để tôi tự lo.” Đức Thế Tôn nói: “Không nên như vậy”. Khi bệnh thì ta phải để cho người anh, người chị, người em của ta chăm sóc. Vì nếu chúng ta không chăm sóc nhau thì thử hỏi ai sẽ chăm sóc chúng ta. Trong kinh đức Thế Tôn dạy rất rõ, khi đi xuất gia, ta phải xa cha, xa mẹ, xa anh, xa chị, xa em, không được những người thân chăm sóc. Nếu ta không chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc cho ta. Lời dạy của đức Thế Tôn rất rõ. Vì vậy tu viện, thiền viện cần được tổ chức như một gia đình, trong đó anh, chị và em phải chăm sóc cho nhau. Khi chăm sóc cho nhau như vậy, ta biết rằng ta cũng đang chăm sóc cho thầy. Đức Thế Tôn đã từng dạy như vậy.