Chế tác hạnh phúc, vững chãi, thảnh thơi khi làm việc

(Phiên tả Pháp thoại ngày 27 tháng 11 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Trong khóa tu này, chúng ta hãy chú trọng về phương diện chấp tác. Chấp tác là làm công việc chúng. Công việc chúng thì nhiều chứ không phải ít. Dọn dẹp, quét tước, nấu nướng, lau chùi, v.v. nhiều công việc lắm. Còn có công việc đánh máy, làm Lá thư Làng Mai, sử dụng máy vi tính. Nhưng chúng ta nên làm những công việc đó như một hình thức thực tập. Phải tìm được hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi trong khi làm việc. Điều này xin đại chúng đặc biệt lưu ý. Chúng ta phải bước một bước dài về phương diện này mới được. Khi làm gì đó, hoặc là rửa bát, nấu cơm, dọn cầu tiêu, hay xếp tọa cụ, chúng ta phải thực tập thật sự, nhất quyết không để cho tập khí muốn làm cho xong lôi kéo chúng ta đi. Thầy biết rằng tập khí đó có trong tất cả mỗi chúng ta, có trong thầy nữa. Làm gì ta cũng muốn làm cho xong, tập khí đó rất xấu. Khi muốn làm cho xong công việc thì ta không có hạnh phúc trong khi làm. Vì vậy ta có thể làm chậm hơn một chút, nhưng trong mỗi giây phút của công việc, ta phải có hạnh phúc. Trong khi đi tới chỗ làm công việc, ta phải đi như thế nào để công việc đó đừng kéo ta đi tới. Mỗi bước chân của ta là một sự thực tập. Bước chân nào không vững chãi, không thảnh thơi, không hạnh phúc là bước chân đó bỏ đi. Vì vậy, mỗi bước chân của quý vị, bước chân nào cũng phải có sự vững chãi, có sự thảnh thơi và hạnh phúc. Mỗi hơi thở cũng vậy. Trong khi ngồi thiền, một hơi thở mà không hạnh phúc, không vững chãi, không thảnh thơi là một hơi thở bỏ đi. 

Mới ngày hôm qua hay hôm kia gì đó, thầy làm cỏ con đường đi vào Sơn Cốc. Thầy cầm một cái cuốc và giẫy cỏ theo kiểu Việt Nam. Mỗi nhát cuốc như vậy, thầy đều có sự vững chãi, thảnh thơi và có niềm vui. Thầy không để cho một nhát cuốc nào đi qua mà không biết rằng trong nhát cuốc đó có sự vững chãi, có sự thảnh thơi, có niềm vui. Vì vậy trong thời gian thầy làm cỏ con đường, giây phút nào cũng có hạnh phúc. 

Mỗi cái bát ta rửa cũng vậy, chẳng hạn ta cần rửa sáu chục cái bát, trong khi rửa cái bát thứ nhất, ta tự hỏi: “Mình có hạnh phúc, có thảnh thơi, vững chãi trong khi rửa cái bát thứ nhất này không?” Nếu có thì cái bát đó đã được rửa xong. Nếu không thì rửa cái bát đó coi như không rửa. Vì vậy nếu quý vị cần rửa sáu chục cái bát thì quý vị phải rửa sáu chục cái bát. Đừng rửa sáu chục cái bát mà rốt cuộc chỉ có ba hay bốn cái bát là có vững chãi, thảnh thơi, còn những cái bát khác không có vững chãi, thảnh thơi. Như vậy thì rất uổng cho đời tu của mình.

Thầy thực tập như vậy và thầy mong rằng quý vị cũng thực tập như vậy. Thầy không bao giờ dạy những điều mà thầy không thực tập. Chúng ta có tập khí làm việc giỏi, làm việc nhanh, làm việc hữu hiệu, nhưng đó cũng là một cái dở. Chúng ta phải tập trở lại. Nếu chúng ta thực tập trở lại và thành công được thì công việc nào, dầu là công việc chùi cầu tiêu cũng đem lại hạnh phúc rất lớn cho chúng ta. Mỗi bước chân không có vững chãi, thảnh thơi và an lạc là một bước chân vứt đi. Một cái chén rửa mà không có vững chãi, thảnh thơi, an lạc là một cái chén vứt đi. Rất uổng! Ở đời người ta làm như vậy, không có lý trong chùa ta cũng làm giống hệt như vậy? Phí bỏ một đời. Nếu quý vị chấp tác được với niềm hạnh phúc, thảnh thơi thì chấp tác trở thành quan trọng không thua gì thiền hành, thiền tọa hay học kinh. Quý vị sẽ thấy rằng trong hai, ba ngày hành trì, quý vị đã đi rất xa trên con đường thực tập. Do đó quý vị phải học chấp tác trở lại. Những người nào có tập khí còn nặng trong khi làm việc thì phải ý thức được điều đó và phải học chấp tác lại.