Ý nghĩa thực tập lễ lạy

(Phiên tả Pháp thoại ngày 21 tháng 12 năm 1997 tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni. 

Chữ Thích Ca được dịch là năng nhân và chữ Mâu Ni được dịch là tịch mặc. Tịch mặc ở đây có nghĩa là lặng lẽ, bản chất của một ông thầy tu là sự lặng lẽ và Mâu Ni có nghĩa là vị đạo sĩ, người tu hành, ông thầy tu. Śākya Mâu Ni nghĩa là ông thầy tu của dòng họ Thích Ca. 

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Di Lặc. 

Bụt Di Lặc, tên của ngài là Từ Thị, Maitreya. Từ là thương yêu. Từ Thị tức là người thương yêu. Dịch tiếng Anh là Mr. Love. Chữ Maitreya có nguồn gốc từ chữ Maitrī. Maitrī có nghĩa là Từ, là hiến tặng niềm vui. Maitreya tức là đức Di Lặc. Trong truyền thống Việt Nam, ngày đầu năm là ngày kỷ niệm, ngày tượng trưng để chúng ta làm lễ ăn mừng sự có mặt của Bụt Di Lặc. 

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. 

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi tượng trưng cho trí tuệ, cho con mắt của trí tuệ, tiếng Phạn là Mañjuśrī

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền. 

Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền tượng trưng cho hạnh nguyện, cho hành động, tiếng Phạn là Samantabhadra

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Thường Bất Khinh. 

Bồ tát Thường Bất Khinh tượng trưng cho tuệ giác, tiếng Phạn là Sadāparibhūta. Trong mỗi chúng ta ai cũng có tuệ giác lớn, có đủ hạt giống của tình thương, sự hiểu biết và có khả năng thành Phật, vì vậy ta không dám xem thường và khinh khi bất cứ một người nào cả. 

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam. 

Trong cái lạy này, chúng ta tưởng nhớ đến tất cả các vị Tổ sư của chúng ta từ Bụt cho đến thầy Ca Diếp, thầy Xá Lợi Phất, thầy Mục Kiền Liên, thầy Ưu Ba Ly và tất cả các vị Tổ sư ở Tây Trúc, các vị Tổ sư ở Trung Quốc và các vị Tổ sư ở Việt Nam. Trong cái lạy cuối cùng này, chúng ta tiếp xúc với tất cả tổ tiên tâm linh của chúng ta. 

Trong nghi thức buổi sáng, chúng ta thực tập lạy sáu lạy. Chúng ta lạy Bụt Thích Ca, Bụt Di Lặc, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Thường Bất Khinh và tất cả các vị Tổ sư qua các triều đại. Trong sáu cái lạy này, chúng ta phải đạt được kết quả và cố nhiên chúng ta không lạy như những cái máy. Thực tập xong sáu lạy thì trong mỗi người chúng ta phải có sự đổi khác. Phương pháp của chúng ta là khi lạy xuống thì chúng ta thực tập ba hơi thở, trọn vẹn ba hơi thở vào, ba hơi thở ra để quán chiếu, để tiếp xúc, để tiếp nhận năng lượng của Bụt và Bồ tát. 

Lạy là một phương pháp rất tuyệt diệu để chuyển hóa thân, tâm. Bí quyết của sự thực tập lạy là khi đầu, hai tay, hai chân sát đất thì chúng ta phải buông bỏ. Chúng ta buông bỏ cái ta riêng biệt của mình. Chúng ta buông bỏ tất cả những cái người ta gọi là giá trị của bản ngã. Chúng ta buông bỏ những cái làm cho chúng ta trở thành đóng kín và cô đơn. Trong tư thế ngũ thể đầu địa – năm vóc sát đất, chúng ta phải mở ra, mở hết tất cả cửa của thân và tâm, ý niệm về ngã phải được tan biến, lúc đó cái lạy mới thành công. Nhờ vậy, năng lượng của Bụt, các vị Bồ tát, các vị tổ tiên mới có thể đi vào trong ta được. 

Nói như vậy không có nghĩa là năng lượng của Bụt, các vị Bồ tát và các vị tổ tiên ở ngoài ta và chúng ta phải mở cửa thì những năng lượng đó mới đi vào được. Kỳ thực, những năng lượng đó đã có sẵn ở trong ta rồi. Nhưng nếu chúng ta không mở ra, không cho phép thì năng lượng đó không biểu hiện ra được. Ví dụ như năng lượng của cha ta, đã có sẵn trong ta, trong từng tế bào cơ thể ta. Năng lượng này có thể là năng lượng vật chất hay năng lượng tinh thần. Bởi vì cha của chúng ta vừa có năng lượng về thể chất mà cũng vừa có  năng lượng về tinh thần. Những năng lượng đó không phải đi tìm xa, nó nằm trong từng tế bào của cơ thể ta.

 Có những người có cha sống tới 90 tuổi hay 95 tuổi và chưa bao giờ từng bị bệnh ung thư, thì những tế bào của cha, hiện bây giờ đang có trong con người của họ. Nếu ta sợ hãi, lo lắng, có những khó chịu ở trong da thịt của mình, thì ta có thể mời gọi năng lượng của cha ta trở về để cho năng lượng đó trào lên trong từng tế bào cơ thể ta và năng lượng đó sẽ làm công việc nuôi dưỡng và trị liệu. Cha ta thế nào cũng có những năng lượng tinh thần, có những niềm vui, tài hoa và khả năng riêng. Do chúng ta giận hờn, quên lãng mà những năng lượng đó đã bị đóng kín trong từng tế bào cơ thể. Vậy trong khi lạy xuống, ta buông bỏ tất cả những giận hờn, những thành kiến, buông bỏ cái ngã của ta, thì tự nhiên năng lượng nuôi dưỡng và trị liệu sẽ thấm nhuần vào trong năng lượng của hai cha con. 

Năng lượng của thầy cũng đang có mặt trong từng tế bào cơ thể ta. Có thể ta từng giận thầy, hoặc cảm thấy xa thầy, những cảm tưởng này làm năng lượng của thầy bị khóa chặt trong các tế bào của cơ thể. Khi lạy xuống, ta mở cửa những tế bào đó ra, thì tự nhiên năng lượng của thầy tới với ta và ta trở nên rất hùng mạnh. Năng lượng của Bụt cũng vậy, có trong từng tế bào cơ thể ta. Vì vậy ta chỉ cần mở cửa tâm hồn của mình ra thì tự nhiên năng lượng Bụt biểu hiện. 

Lạy là một sự thực tập rất mầu nhiệm mà chúng ta phải học cho được. Trong khi lạy, trán phải dán vào sàn nhà, hai tay và hai chân cũng phải dán chặt vào sàn nhà. Chúng ta lạy mọp sát đất, dán mình xuống, không để một khoảng hở nào giữa thân thể ta và mặt đất, chúng ta phải buông thả hết, không giữ lại bất cứ cái gì của riêng ta. Chúng ta phải đầu hàng, surrender. Tất cả những tự hào, tự thị, tất cả những kiến thức, những gì ta nghĩ là ta, là giá trị của ta, đều phải buông bỏ hết. Ta phải trở thành hư không thì lúc đó cửa ngõ tâm hồn và cơ thể của ta mới mở tung ra và năng lượng của Bụt, của các vị Bồ tát, của tổ tiên mới trào dậy được. Trong khi lạy mà còn giữ sự tự hào, giữ niềm kiêu hãnh, giữ ý niệm rằng ta là người giỏi, là người đã thành đạt cái này, cái kia; còn giữ lại sự giận hờn, thù oán thì cái vỏ cứng của một cái ta vẫn còn. Lạy xuống như vậy không có ích lợi gì cả, cho nên phải buông bỏ tất cả, phải buông bỏ hoàn toàn thì thân và tâm mới hoàn toàn bỏ ngỏ được. Khi trán của ta chạm đất, ban đầu thì hai bàn tay úp xuống, sau đó ngửa hai bàn tay ra, để thấy rằng ta không còn che giấu, không còn giữ lại gì trong tay cả. Ta buông bỏ hết. Hai bàn tay chúng ta nên để thẳng. Có người còn nhấc hai bàn tay lên khỏi mặt đất một chút để chứng tỏ rằng: con không còn giữ lại bất cứ một cái gì nữa, con hoàn toàn buông bỏ tất cả những ý niệm về con. Có như vậy chúng ta mới hòa nhập được vào dòng sống tâm linh, dòng sống sinh mạng của cha ông. Trong ta luôn có một dòng sinh mạng, bởi vì ta bị kẹt vào ý niệm về bản ngã nên sự truyền thông của ta với tổ tiên bị cắt đứt và ta trở nên cô đơn.

Trong khi lạy, ta phải hoàn toàn có mặt, thân phải hợp nhất với tâm. Nếu không thì hành động lạy chỉ giống như một cái máy. Hoàn toàn có mặt nghĩa là có chánh niệm, mindfulness, 正念.

Chánh niệm trước hết là sự có mặt của thân tâm. Thân tâm vốn nhất như. Khi chúng ta đứng trước Bụt và Bồ tát, ta phải có chánh niệm, tức là ta phải có mặt một cách đích thực. Có mặt một cách đích thực nghĩa là tâm ta không đi về quá khứ hoặc tương lai, không bị lôi cuốn hay bị kẹt vào những lo lắng, suy tư. Ta đem thân tâm về một mối và có mặt với Bụt và các vị Bồ tát, nghĩa là có mặt với các đối tượng của sự cung kính. Chánh niệm trở thành một nguồn năng lượng, nguồn năng lượng từ từ lớn lên và giúp cho ta tiếp xúc được với Bụt và chư vị Bồ tát.

Bụt Thích Ca tượng trưng cho cái đích hướng tới cuối cùng của ta. Chỗ đến cuối cùng của ta, tức là sự tuyệt hảo, sự hướng thượng. Có hai cực, một cực là hướng thượng và một cực là hướng hạ. Bụt tượng trưng cho hướng mà chúng ta gọi là hướng thượng và ma tượng trưng cho hướng mà chúng ta gọi là hướng hạ. Có những giây phút trong đời sống, thân tâm của chúng ta đang hướng về phía ma. Những lúc thân tâm ta đang sầu khổ, hay đang đi về hướng sầu khổ, lo lắng, về hướng không tích cực, ta biết rằng thân tâm ta đang hướng về phía ma. Ví dụ, khi nhìn vào bàn ăn thấy một món ăn hấp dẫn, ta có đủ sáng suốt, đủ tuệ giác, biết rất rõ bằng trí tuệ của chúng ta, rằng nếu đưa món ăn đó vào miệng thì tối nay ta sẽ gặp vấn đề rắc rối. Nhưng đồng thời có một lực lượng khác chống lại, nói ta cứ ăn đi, tối nay có ra sao thì ra, nếu cần thì đi kiếm thuốc uống thôi! Ta dằn vặt giữa hai bên, một là trí tuệ nói rằng không nên ăn, hai là nói cớ sao không ăn, cứ ăn đại đi rồi tính sau. Ta lợi dụng lời dạy “sống trong giây phút hiện tại” và tiếp tục ăn. Vậy thì lúc đó ta đang đi về hướng nào, ta để tâm ta hướng thượng hay hướng hạ? Điều đó là do ta quyết định. Khi ta có năng lượng chánh niệm, thân tâm nhất như thì ta có nhiều cơ hội để xoay về phía hướng thượng. Còn khi năng lượng chánh niệm yếu, tức khắc ta sẽ buông xuôi để cho ta đi thẳng về hướng hạ. Trong đời sống hằng ngày, ta cứ hành xử như vậy, có khi đi tới, có khi đi lui. Sự thực tập chánh niệm sẽ giúp ta có năng lượng vững vàng, giúp ta đi về phía hướng thượng nhiều hơn hướng hạ.

 

Bụt Thích Ca Mâu Ni, Śākyamuni, 釋迦牟尼, là tiêu biểu cho cực hướng thượng.. Trong khi lạy xuống, một lạy, hai lạy, năm lạy, sáu lạy, ta biết rằng sự thực tập này đưa ta về phía hướng thượng. Khi biết rằng thân và tâm đang đi về phía hướng thượng, ta sẽ cảm thấy yên tâm, vững chãi và vui mừng. Trong thời gian thực tập lạy, ta nuôi dưỡng được những yếu tố vững chãi, yên tâm và vui mừng. Ta thành công được là nhờ năng lượng chánh niệm này. 

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Mañjuśrī, 文殊師利, great understanding. Trong văn học Bát nhã, địa vị của Bồ tát Văn Thù rất lớn vì Văn Thù là biểu tượng Đại trí. Bát nhã, Mahāprajña tức là đại trí và Văn Thù được tượng trưng bằng con mắt, con mắt của trí tuệ. Văn Thù là một khía cạnh của Bụt, đó là khía cạnh trí tuệ. Đứng về phương diện lịch sử mà xét thì có thể khác. Nhưng đứng về phương diện bản môn, thì ít nhất ta cũng biết rằng Văn Thù là Bụt Thích Ca, là yếu tố đại trí ở trong Bụt Thích Ca, vì vậy lạy đức Văn Thù cũng là lạy đức Thích Ca. Đức Văn Thù có trong ta vì ta cũng có hạt giống của đại trí. Khi lạy đức Văn Thù, tức là ta cũng hướng về khả năng giác ngộ, khả năng thành Bụtt ở trong ta. Cho nên đối tượng của sự thực tập lễ lạy của ta không phải là pho tượng Văn Thù trên bàn thờ. Tượng Văn Thù trên bàn thờ là một phương tiện để ta tiếp xúc được với thực chất Văn Thù có trong ta. Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, lạy một lạy, ta thấy rằng ta đang thực sự hướng thượng, hướng về hướng đại trí. Năng lượng chánh niệm này giúp ta tiếp xúc được với Bồ tát Văn Thù. 

Bồ tát Quan Âm, Avalokiteśvara, 觀音, great compassion, loving kindness, tượng trưng cho một khía cạnh khác của Bụt Thích Ca, đó là khía cạnh của tình thương. Ta cũng biết được rằng đức Quan Âm là Bụt. Bụt là đấng Trí và Bi viên mãn. Viên mãn Trí là Văn Thù, viên mãn Bi là Quan Âm. Đức Quan Âm tượng trưng cho khả năng lắng nghe, lắng nghe tất cả những khổ đau của con người, lắng nghe để hiểu và để tìm tới cứu độ. Cho nên Trí tuệ được biểu trưng bằng con mắt và Từ bi được biểu trưng bằng lỗ tai. Khi lạy đức Quan Âm, chúng ta tiếp xúc được với chất liệu của thương yêu ở trong ta. Ta thấy rằng trong ta cũng có khả năng lắng nghe. Lắng nghe để hiểu và để thương. Trước hết là lắng nghe chính ta để có thể hiểu được ta và thương được ta. Khi không hiểu và không thương được ta thì làm sao hiểu và thương được người khác. Vậy nên những nguồn năng lượng này là những nguồn năng lượng của Bụt, và nguồn năng lượng đó có trong ta. 

Văn Thù là Bụt mà Quan Âm cũng là Bụt. Chúng ta có thể hiểu được tại sao trong kinh nói rằng Bồ tát Văn Thù đã thành Bụt từ lâu rồi, Quan Âm Bồ tát là một vị Bồ tát nhưng thật ra cũng đã thành Bụt từ lâu rồi. Văn Thù là Bụt Thích Ca, Quan Âm cũng là Bụt Thích Ca. 

Một vị Bồ tát khác tên là Phổ Hiền, Samantabhadra, 普賢, great action. Phổ Hiền là năng lượng của đại nguyện và đại hạnh. Đại nguyện tức là nguyện ước lớn, đại hạnh là hành động lớn, great action. Vì vậy Phổ Hiền được tượng trưng bằng bàn tay, bàn tay của hành động. Khi lạy xuống trước đức Phổ Hiền, chúng ta tiếp xúc được với năng lượng hành động của Bụt. Đức Phổ Hiền cũng là một khía cạnh của Bụt Thích Ca. Bụt là Trí, là Bi, là Hạnh. 

Đức Bồ tát Địa Tạng, Kṣitigarbha, 地藏, great vow. Địa Tạng là một vị Bồ tát có nguyện lớn. Chí nguyện của Bồ tát Địa Tạng là chỗ nào có khổ đau thì Ngài nguyện có mặt. Chừng nào địa ngục còn chưa trống không, thì chừng đó địa ngục vẫn còn là văn phòng, là chỗ làm việc của Ngài. Vì vậy Địa Tạng tượng trưng cho đại nguyện. Đại nguyện là một năng lượng rất lớn. Khi chúng ta có năng lượng của đại nguyện thì chúng ta trở nên rất mạnh, ta không từ nan bất cứ một khó khăn nào. Trời lạnh dưới không độ nhưng ta vẫn mặc áo đi ra ngoài. Dù có một ngàn chướng ngại trên con đường, nhưng trong ta đã có chất liệu của đại nguyện nên ta vượt qua được, mấy sông cũng lội, mấy núi cũng trèo

Trong Bụt Thích Ca có bốn vị Bồ tát là Đại Trí, Đại Bi, Đại Hạnh và Đại Nguyện. Chính bốn yếu tố đó tạo thành Bụt Thích Ca. Trong ta cũng có những chất liệu đó. Bụt ở trong ta cho nên những chất liệu đó cũng có trong ta. Khi lạy xuống, ta đồng thời cũng tiếp xúc được với bốn nguồn năng lượng này. 

Bồ tát Thường Bất Khinh, Sadāparibhūta, 常不輕, never disparaging. Thường Bất Khinh nghĩa là không bao giờ dám coi thường một chúng sinh, một người gọi là phàm phu hay tục tử. Bởi vì bất cứ người phàm phu hay tục tử nào cũng đều có chất liệu của giác ngộ và thương yêu. Chẳng qua là những chất liệu, những hạt giống của giác ngộ và thương yêu đó chưa được chạm tới, chưa được tưới tẩm nên chưa phát hiện ra. Vì vậy khi nhìn một người phàm phu ta phải thấy chất liệu “không phàm phu” trong đó.

Trong kinh Kim cương có câu: “Này Tu Bồ Đề, kẻ phàm phu, Như Lai không cho đó là phàm phu nên mới gọi họ là phàm phu.” Khi nhìn bằng con mắt của chánh niệm, của trí tuệ, ta thấy được chất liệu của trí tuệ, của thương yêu, của hành động và của đại nguyện ngay chính trong những người mà ta gọi là “phàm phu, tục tử”. Cho nên ta có thể chắp tay, cúi đầu trước bất cứ một chúng sanh nào. Cái cúi lạy đó phát xuất từ đại trí tuệ mà ra. Thường Bất Khinh là không dám khinh ai hết.

Nếu không có năng lượng chánh niệm thì không thể nào tiếp xúc được với các vị Bồ tát lớn. Vì vậy trong thời gian chúng ta lạy xuống,chánh niệm của chúng ta phải tràn đầy. Vị nào chưa biết lạy thì phải học lạy. Khi chắp tay và nghe lời xướng Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi thì ta bắt đầu thực tập quán tưởng. Ta thấy được chất liệu, khía cạnh, năng lượng trí tuệ của Bụt, ta đem tất cả thân tâm về một mối, và cố tâm tiếp xúc với năng lượng đó. Hai bàn tay là một đóa sen, ta đưa lên, chấm trên trán ta, tức là với tất cả bộ óc của mình, rồi ta đưa xuống, chấm vào trái tim ta, có nghĩa là ta mang tất cả bộ óc và trái tim để tiếp xúc với Bồ tát. Chạm vào óc trước, rồi tim sau, ta xòe hai cánh tay ra và quỳ xuống. Sau khi hai chân, hai tay và đầu cúi xuống rồi, ta ngửa hai bàn tay ra cho thật thẳng để chứng tỏ rằng ta không còn là gì hết. Ta không còn là một cái ngã nữa và bắt đầu mở tung tất cả cửa ngõ của tâm hồn, cửa ngõ của thân thể, cửa ngõ của tất cả tế bào trong cơ thể, để cho năng lượng của Bồ tát Văn Thù sống dậy và lưu chuyển trong cơ thể ta. Trong tư thế sát đất, ta thực tập theo dõi ba hơi thở vào ra và quán chiếu. Quán chiếu để giữ tình trạng khai thông của thân tâm. Suốt thời gian thực tập năm vóc sát đất, ta phải có chánh niệm thật mạnh, phải theo dõi hơi thở, phải giữ thân tâm hoàn toàn để ngỏ cho năng lượng của Bụt, Bồ tát và Tổ sư biểu hiện. 

Sau sáu cái lạy như vậy, con người ta có đổi khác. Sau ba hơi thở vào ra, có một tiếng thức chuông. Lúc đó ta mới xoay hai bàn tay lại, chống lên và đứng dậy. Vị chủ sám, người thỉnh chuông phải thực tập thật vững chãi, để đại chúng có đủ thì giờ thở ba hơi thở sâu. Thường thường, ta đo ba hơi thở của đại chúng bằng ba hơi thở của ta, nhưng muốn cho chắc ăn thì ta thêm vào mười giây nữa. Bởi vì có những người hơi thở có thể dài hơn hơi thở của ta. Nếu đại chúng có cơ hội nên thực tập lạy chung, nhất là những người chưa biết lạy. Phương pháp này gọi là Touching the earth, Sám pháp địa xúc. Lạy như vậy, ta không đánh mất phẩm giá của mình. Lạy như vậy không phải là để quỵ lụy, cầu xin, mà là để trở thành sự sống, để trở thành tất cả. Những cái lạy này làm cho ta cao lớn, hùng mạnh hơn, chứ không làm đánh mất hay giảm bớt đi giá trị nào của ta. Thành công của sự thực tập lễ lạy là giúp ta buông bỏ những ý niệm, những giá trị, những vọng tưởng ta có về ta. 

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam.

Chúng ta là người có gốc gác, có tổ tiên. Ta chỉ khổ đau, cô đơn khi ta bị cắt đứt với dòng sinh mạng đó. Vì vậy một khi ta đặt mình trong tư thế năm vóc sát đất, mở rộng thân tâm, tiếp xúc được với dòng sinh mạng của tổ tiên thì niềm đau khổ, nỗi cô đơn đó sẽ tan biến. Cái lạy này rất có tính cách trị liệu. Chúng ta biết rằng đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi có mặt rất vững chãi trong văn học Bát nhã, trong kinh Đại Bát nhã và kinh Bảo tích. Đức Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền có mặt rất rõ ràng trong kinh Hoa nghiêm. Đức Bồ tát Thường Bất Khinh có mặt rõ ràng trong kinh Pháp hoa. Muốn học thêm, biết thêm về các vị Bồ tát này thì chúng ta học kinh Bát nhã, kinh Hoa nghiêm và kinh Pháp hoa.