Công phu nở đóa sen ngàn cánh

THONG DONG LÀ THÀNH QUẢ CỦA SỰ TU HỌC

(Phiên tả Pháp thoại ngày 27 tháng 11 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Tiêu đề của khóa tu năm nay là Công phu nở đóa sen ngàn cánh. Công phu là sự thực tập của chúng ta hằng ngày, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều. Đối với người phương Tây, hai chữ công phu làm cho họ nghĩ tới võ thuật (martial art). Nhưng kỳ thật, hai chữ công phu được phát xuất từ thiền môn. Từ trước đời Đường (Trung Quốc), hai chữ công phu đã được sử dụng. 

Trong khóa tu này chúng ta sẽ sử dụng sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000 và mỗi người cần có một cuốn. Những kinh trong Nhật tụng Thiền môn năm 2000 phần lớn đã được dịch ra tiếng Anh, chỉ còn một vài kinh chưa được dịch, sư cô Chân Đức sẽ giúp chúng ta dịch những kinh còn lại. 

Có nhiều người nghĩ rằng công phu thiền môn chỉ là hai thời tụng niệm: sáng và chiều. Nhưng hiểu công phu như vậy thì hơi hạn hẹp. Vì công phu không chỉ là tụng niệm, mà công phu còn là ngồi – thiền tọa, đi – thiền hành, ăn – thọ trai im lặng, và chấp tác – làm việc trong chánh niệm. Ngoài ra còn những công phu khác như thở, nằm, lạy, làm mới, v.v. Vì vậy, công phu không chỉ là hai thời tụng niệm như người ta thường nói mà công phu còn là buổi khuya, buổi sáng, buổi trưa, buổi xế, buổi chiều, buổi tối. Công phu là công phu cả ngày. 

Hai chữ công phu nghĩa là sự rèn luyện hằng ngày của chúng ta (our daily training), cũng có nghĩa là trình độ thực tập mà chúng ta đã đạt được. Ví dụ khi người khác khen ta công phu tuyệt diệu, tức là ta đã đạt tới một trình độ thực tập nào đó. Người khác nói một câu móc họng mà người kia vẫn tươi cười, không đỏ mặt, khi đó ta có thể nghiêng mình kính phục: “công phu tuyệt diệu”. Nghe một tin dữ mà ta vẫn bình tĩnh, yên lặng thở, lúc đó người kia có thể chắp tay cúi đầu lạy: “công phu tuyệt diệu”. Vì vậy, công phu trước hết có nghĩa là trình độ, là kết quả sự thực tập của ta. Đại tuệ ngữ lục có câu: “Cái tâm này tuy chưa từng có một niệm thối thất nhưng tự biết công phu của mình rốt cuộc vẫn chưa được thuần nhất”. Nghĩa là cái tâm của tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rút lui. Tâm này tuy chưa từng một niệm thối thất, chưa bao giờ chịu thua, chưa bao giờ muốn bỏ cuộc nhưng nói cho kỹ thì công phu vẫn chưa được hoàn toàn thuần nhất, vẫn còn xen vào một vài tạp niệm. Câu này nói về nghĩa trình độ của chữ công phu.

Nghĩa thứ hai là thời gian ta đã để ra thực tập để đạt được công phu đó. Ví dụ có người hỏi thiền sư Triệu Châu: “Chân tướng của một vị đại nhân thì như thế nào?” Đại nhân là những con người lớn, những Mahāsattva. Có những dấu hiệu gì chứng tỏ đó là một người lớn, một great being. Ngài Triệu Châu có nói: “Lão tăng không có công phu gì mà đã đạt tới trình độ của một vị hảo hán tự do”. Nghĩa là ta chẳng tu hành gì, chẳng cần trải qua một thời gian luyện tập nào mà cũng đạt đến trình độ của một hảo hán tự do. Hảo hán tự do chữ Nho là nhàn hán 閒 漢. Hán là một hán tử, một hero. Một hảo hán tự do tức là một con người thảnh thơi, một con người không bận bịu, vướng mắc. 

Trong bài kệ truyền đăng mà Thầy ban cho sư cô Chân Đoan Nghiêm cũng có chữ công phu. Câu đó là “Công phu nở đóa sen ngàn cánh”, một câu rất hay. Chúng ta lấy câu đó làm chủ đề cho khóa tu mùa Đông năm nay. 

Công phu là sự thực tập hằng ngày, sự rèn luyện hằng ngày của chúng ta. Hễ có tu là có chứng, có rèn luyện là có thành công. Nhờ sự thực tập đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, thở, làm việc, v.v. chúng ta đưa công phu của mình lên tới một mức độ nào đó, có thể làm cho ta từ một con người nở ra như một đóa sen. Đóa sen không chỉ nở một cánh mà nở ra hai cánh, ba cánh, bốn cánh, ngàn cánh. Đến khi đóa sen đó nở liên tục thì chúng ta thấy nó không chỉ có ngàn cánh mà có cả vạn cánh, triệu cánh, rất mầu nhiệm. Ta không muốn sen nở thêm thì nó vẫn cứ nở thêm như thường, rất hay. Chỉ cần một người duy trì công phu của mình cho tinh chuyên thì có thể làm cho đóa sen nở cả triệu cánh, không chỉ ở đây mà ở khắp nơi, không phải trong những thời gian khác nhau mà là đồng thời. Mỗi ngày, chúng ta có thể thấy được những đóa sen đó nở từng giây từng phút. 

Bài kệ này bắt đầu bằng câu “Chân giác vun trồng miền tuệ uyển”. Chân giác tức là một hạt giống của sự giác ngộ chân chính. Hạt giống của giác ngộ chân chính được ươm vào, được trồng vào trong miền tuệ uyển. Tuệ tức là hiểu biết, uyển là khu vườn. Tuệ uyển tức là vườn tuệ. Đây là một danh từ đã được vua Trần Thái Tông sử dụng. Mỗi chúng ta đều có hạt giống của sự giác ngộ chân chính. Nếu chúng ta biết đem hạt giống của sự giác ngộ chân chính đó ươm và trồng vào đất của vườn tuệ thì chúng sẽ nở hoa. Nghĩa là chúng ta đừng chỉ nên tu phước để có công đức mà phải nên tu tuệ. Trong đời sống hằng ngày, trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi động tác chúng ta phải thực tập nhìn sâu để thấy rõ, đó gọi là tu tuệ. Làm việc quần quật để tạo phước đức thì đó chưa phải là vun trồng trong vườn tuệ mà là vun trồng trong vườn phước. Phép tu của chúng ta là phước tuệ song tu, tức là vừa tu phước, vừa tu tuệ.

Chúng ta có một bài kệ cho thiền sinh đi xe đạp: 

Ngồi thẳng trên xe đạp
Giữ vững thế thăng bằng
Phước cùng tu với tuệ
Hành với giải song song.

Tức là một bên là phước đức, một bên là trí tuệ, hai cái đó phải thăng bằng, cũng như ngồi trên xe đạp, mình không ngồi thăng bằng thì sẽ dễ té xe.

Chân giác vun trồng miền tuệ uyển: hạt giống của giác ngộ chân chính nên ươm, nên trồng trong đất của tuệ uyển. Trong đời sống hằng ngày chúng ta phải thực tập quán chiếu, thực tập nhìn sâu chứ đừng chỉ có làm việc. 

Đoan Nghiêm thuyền cặp bến thong dong, câu này cũng rất hay. Bến bờ ta muốn đi tới là bến bờ của sự thong dong, thảnh thơi và tự do. Thảnh thơi và tự do đối với những vướng mắc, khổ đau, giận hờn. Chỉ có những người thong dong mới là những người hạnh phúc. Chính thiền sư Triệu Châu nói rằng lão tăng chẳng trải qua công phu gì hết mà đã trở thành vị hảo hán thong dong. Thong dong là kết quả đẹp nhất của một đời tu. Mỗi chúng ta đều có trình độ thong dong. Trình độ thong dong của ta tức là không gian trong đó ta đang sống. Người khác nhìn vào chúng ta thì biết rằng chúng ta được bao nhiêu thong dong – nhìn vào là biết. Không cần phải là những người rất có trí tuệ, những người thường thôi, nhìn vào ta đã có thể thấy được trình độ thong dong của ta rồi. Thong dong của ta đối với mọi hoàn cảnh, đối với những phiền não. Và tự do là hoa trái đẹp nhất của sự tu học, tự do là hoa trái đẹp nhất của công phu.

Đoan Nghiêm thuyền cặp bến thong dong là một hình ảnh rất đẹp. Đoan Nghiêm là vừa đẹp vừa thẳng. Thuyền đã cặp bến, bến này không phải là bến vinh quang mà là bến thong dong. Bến thong dong là bến mà nơi đó ta có thể gặp được chư Bụt và chư Bồ tát. Trên bến đó, ai cũng thư thái, thong dong. 

Công phu nở đóa sen ngàn cánh
Quê cũ vui chơi thỏa nguyện lòng

Chúng ta người nào cũng có một ao ước thâm sâu nhất của trái tim là được trở về quê cũ. Mà quê cũ đích thực của chúng ta là bến bờ giải thoát, là nơi ta không còn cảm giác bị ngăn cách – ngăn cách với tổ tiên, ngăn cách với những người thương, ngăn cách với vũ trụ, ngăn cách với thế giới. 

Thiền sư Trần Thái Tông cũng thường nói đến quê nhà. Quê nhà tức là nơi chúng ta ao ước trở về, là nơi chúng ta cảm thấy thoải mái, không còn xu hướng muốn chạy, muốn đạt tới. Quê cũ chính là nơi ta cảm thấy thong dong, cảm thấy mãn nguyện, không còn muốn lận đận, lao đao chạy theo một đối tượng nào nữa. Quê cũ là bến bờ của sự thong dong, của sự giải thoát. Khi tới đó rồi, chúng ta đâu còn cần phải làm gì nữa, chỉ rong chơi. Tất cả những công việc hằng ngày như quét nhà, nấu cơm, độ đời, dạy đạo, cứu giúp con nít đói, v.v. chúng ta làm như chơi, làm rất thong thả, không lo lắng, không phiền não, không tranh chấp, đó gọi là thong dong. Thong dong không có nghĩa là không làm gì hết, thong dong nghĩa là có thể làm tất cả nhưng làm trong một tâm thái rất tự do. 

Chân giác vun trồng miền tuệ uyển

Đoan Nghiêm thuyền cặp bến thong dong

Công phu nở đóa sen ngàn cánh

Quê cũ vui chơi thỏa nguyện lòng

Đời của một người tu mà được như bốn câu thơ này đã là một sự thành công lớn. Chỉ trong bốn câu thơ ta có thể thấy được hướng đi của đời ta. Mỗi ngày chúng ta hãy ươm vùi hạt giống tuệ giác vào trong vườn tuệ, nghĩa là trong sự thực tập nhìn sâu, và không lâu, thuyền của chúng ta sẽ ghé tới bến bờ thong dong một cách tráng lệ, đẹp đẽ. Công phu có thể làm cho đóa sen của đời ta nở ra muôn ngàn cánh, lúc đó ta thấy ta trở về được quê cũ, ta có tự do lớn. Tất cả những gì ta làm đều đem lại cho ta hạnh phúc. Những điều ta làm không làm ta bận rộn, trái lại làm cho niềm vui của ta càng ngày càng lớn. Chữ công phu ở đây có nghĩa là sự thực tập hằng ngày. Mỗi người nên nắm vững công phu của mình. Chúng ta cần phải tự biết thực tập như thế nào trong đời sống hằng ngày, bởi vì công phu hằng ngày của ta quyết định tất cả trong tương lai.

Bắt đầu từ buổi giảng sắp tới thì mỗi người phải có một bản kinh Nhật tụng Thiền môn năm 2000. Đó là những người đọc được tiếng Việt. Còn những người không đọc được tiếng Việt thì sẽ có những bản kinh bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Kinh bằng tiếng Pháp thì các vị nói tiếng Pháp sẽ lo cung cấp. Tại khóa tu này, chúng ta giảng cho cả nước cùng học, các sư cô, sư chú trong nước cùng học. Vì vậy cho nên việc thâu thanh thâu hình phải làm cho đàng hoàng. Hễ mà ta thâu thanh và thâu hình thất bại là ở bên nhà lãnh đủ hết. Khi quay hình những chữ viết trên bảng, ta quay thế nào để cho người xem video có thể đọc được. Ngày hôm qua nghe lại bài giảng An cư kiết đông, thầy thấy những chữ thầy viết trên bảng, người xem video không đọc được. 

Trong khóa tu này chúng ta sẽ có ít nhất là hai bài giảng bằng tiếng Anh vào dịp Giáng sinh, và một bài giảng bằng tiếng Pháp. Còn lại, tất cả những bài giảng khác đều bằng tiếng Việt. Vừa rồi tu viện Kim Sơn có một khóa tu cho người xuất gia, đặc biệt là những người xuất gia trẻ. Tuy là khóa tu chỉ có năm ngày nhưng rất cô đọng. Vì vậy nếu trong tăng thân có ai phát tâm phiên tả pháp thoại và ghi chép về những sự kiện, những câu chuyện trong khóa tu thành một cuốn sách in gửi về cho các sư cô, sư chú bên nhà thì đó là một điều rất quý, công đức vô lượng. Ngoài ra chúng ta còn làm Lá thư Làng Mai vào dịp Tết. Và nếu có thể được thì chúng ta làm cuốn sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ giai đoạn Thiền sư Tăng Hội cho đến các thiền sư của thiền phái Trúc Lâm. Hiện nay trên thế giới họ đang cần những tư liệu về Phật giáo Việt Nam. 

Sau buổi pháp thoại này chúng ta sẽ đắp y và niệm Bụt cầu gia hộ cho khóa tu của chúng ta thành tựu viên mãn. Ở bên tu viện Rừng Phong, sư cô Chân Đức sẽ yểm trợ cho chúng ta những tài liệu bằng tiếng Anh mà chúng ta chưa có. Mỗi tuần các sư cô, sư chú ở tu viện Rừng Phong cũng nghe những bài pháp thoại như chúng ta nghe ở đây, tuy có trễ hơn ba ngày.