11. Hành tam quán
.XІ. Hành tam quán
Thực tập ba quán
_______________
Tam quán của Hoa Nghiêm là: chân không quán, lý sự vô ngại quán và châu biến hàm dung quán.
Chân Không quán
Các pháp không có thật tính tức là không có mặt độc lập ngoài duyên khởi. Các pháp không có thật tính cho nên sắc chính là Không. Nhưng cái Không này không phải là đoạn không và do đó cả Sắc và Không đều vô ngại. Đó là Không quán.
Điều này là cái chúng ta có thể làm được. Ví dụ khi nhìn vào một bông hoa ta thấy các duyên tới với nhau để làm ra hoa. Nếu ta bị kẹt vào hoa như một thực tại riêng biệt thì ta sẽ khổ đau. Vì vậy khi nhìn một bông hoa tuy rằng hoa có đó nhưng nó không thể nào có mặt ngoài những duyên làm ra hoa. Khi lấy hạt giống, thời gian, không gian, đất hay mưa ra thì hoa không còn là hoa nữa. Ta chỉ cần nhớ như vậy thôi chứ không có nghĩa là không có hoa. Bông hoa rõ ràng có ở đó nhưng mà có theo kiểu duyên sinh. Vì vậy cho nên gọi là chân không. Không ở đây không có nghĩa là không có, nó có sờ sờ đó, nhưng nó không có như một thực tại độc lập, bền bỉ, riêng biệt. Bông hoa đó là sắc và sắc đó là không. Không không có nghĩa là không có (đoạn không) mà là chân không. Nó vừa là không, vừa là sắc. Tôi là không mà tôi cũng là sắc nên gọi là sắc không vô ngại. Thấy như vậy thì an ổn, còn thấy nó như một thực tại có riêng ở ngoài là ta bị kẹt.
Hôm trước chúng ta có đưa ra ví dụ một đàn ong gồm những con ong cá biệt đến với nhau. Khi đàn ong làm việc, người ta thấy chúng hành xử nhịp nhàng giống như trong một cơ thể. Cũng như những tế bào trong cơ thể của mình. Trong cơ thể mình có hàng tỷ tỷ tế bào khác nhau, đủ loại, nhưng khi những tế bào làm việc chung thì giống như có một chủ thể, một cái ngã mà thôi.
Một đàn cá ngàn con lội dưới nước. Toàn là những con cá cá biệt nhưng lội rất tài tình. Khi cần chuyển sang trái hay sang phải thì tất cả đều chuyển mình giống như có một cái ngã, một ông chủ điều khiển vậy. Điều đó có chứ không phải không! Bông hoa cũng vậy, nó có chứ không phải không. Nhưng ta đừng để bị kẹt vì ngoài những con cá kia thì không có đàn cá đâu!
Những con ong đó đều là những con ong cá nhân, nhưng khi nó làm việc chung thì thấy rõ ràng nó như là một cơ thể. Những tế bào trong cơ thể ta, mỗi cái có vị trí của nó, nhưng nó làm việc làm sao mà ta có cảm tưởng là có một cái ngã, một cái sắc. Cái sắc đó ta không nên bị kẹt vào. Ta biết nó không có một sự có mặt độc lập ngoài những yếu tố làm nên nó. Có một cái ngã, có một ông đó, một bà đó, một cô đó nhưng cái có đó là cái có ảo (virtuel), và ta gọi tên nó được (nominal, une existence nominale). Ta gọi là hoa hồng, là Hélène, là Jacques. Nhưng ngoài những yếu tố làm ra nó như ông bà, tổ tiên, cha mẹ, cơm áo, sự giáo dục thì không có cái đó. Bản chất của nó là chân không.
Không phải đợi đến khi tàn rụi rồi thì bông hoa mới là không. Nó là không ngay trong giây phút này. Đương thể tiện thị. Đương thể là ngay bây giờ. Ngay bây giờ nó đã là không rồi. Nó vừa là sắc vừa là không. Sắc và không không chống đối nhau. Đó gọi là Không quán. Không quán giúp ta không bị kẹt vào cái không đối với cái có, cho ta thấy được mối liên hệ sắc-không rõ hơn. Sắc với không là một; thọ, tưởng, hành và thức cũng vậy.
Lý sự vô ngại quán
Thể và tướng nương nhau cũng như vàng và sư tử nương nhau mà thành lập, mà biến hoại, mà tương tức, mà tương phi. Cả hai đều dung nhau vô ngại, đó gọi là lý sự vô ngại quán.
Quán chân không tức là quán sắc và không vô ngại. Quán thứ hai là quán sự và lý. Thể (lý) và tướng (sự) nương nhau mà thành lập. Nếu không có sự thì không có lý. Nếu không có hiện tượng thì không có bản thể mà không có bản thể thì không có hiện tượng. Hai cái nương nhau mà thành lập như tay phải và tay trái; hai cái nương nhau mà biến hoại, mà tương tức tương phi.
Tuy cùng có một thành tướng, cùng ở trong một cái tổng tướng là hoa, nhưng đám mây vẫn còn là đám mây, cơn mưa vẫn còn là cơn mưa. Khi những cái đó tới với nhau để làm thành một tổng tướng thì nó là nhau. Nhưng trong khi là nhau, nó vẫn còn quyền được là nó. Mình tới với nhau làm thành tăng thân, nhưng trong tăng thân, mình vẫn còn được là mình. Đó là tương tức, là là nhau.
Tương phi là không là nhau. Nghĩa là mình vẫn được là mình. Thể và tướng, hai cái luôn luôn nương nhau hoặc để thành lập, hoặc để biến hoại, hoặc để tương tức, hoặc để tương phi, nhưng luôn luôn dung nhau vô ngại. Cái này không làm chướng ngại cái kia. Đó là phần thứ hai của tam quán gọi là lý sự vô ngại quán.
Châu biến hàm dung quán
Cái lớn và cái bé tương dung (hàm chứa nhau), cái một và cái nhiều tương tức (là nhau, tôi là anh và anh là tôi), sự biến nhiếp vô ngại và sự giao tham tự tại, đó là châu biến hàm dung quán.
Cái một ở trong cái nhiều, cái nhiều ở trong cái một. The whole is integral in the part, the part is integral in the whole. Cái lớn nằm trong cái bé, cái bé nằm trong cái lớn. Cái một và cái nhiều là nhau. Phần thứ ba của ba phép quán nằm trên bình diện sự sự vô ngại pháp giới.
Châu hay chu có nghĩa là khắp hết, không có chỗ nào không có. Châu biến là chỗ nào cũng có mặt. Cái này ôm lấy được tất cả cái kia, cái kia ôm lấy được tất cả cái này. Hàm là ôm lấy, dung là chứa đựng. Cái này ôm lấy cái kia, cái kia ôm lấy cái này. Điều này tương đương với cái mà David Bohm gọi là the implicated order tức là trật tự nội nhiếp. Nhìn vào một cái thì thấy được tất cả các cái, tại vì cái một chứa đựng cái tất cả. Cái lớn chứa đựng cái bé và cái bé chứa đựng cái lớn.
Mình thêm vào hai chương nên Kim Sư Tử Chương có đến mười hai mục. Thầy Pháp Tạng muốn cái gì cũng mười cho tròn, cho đẹp. Vì vậy khi viết Hoa Nghiêm Bách Nghĩa Hải thầy đưa ra mười chương và mỗi chương có mười đoạn. Mười chương nhân mười đoạn nên thành một trăm đoạn vì vậy nên gọi là bách môn. Huyền môn mới có mười cánh cửa, còn bách môn thầy Pháp Tạng làm tới một trăm cánh cửa.
Chúng ta quay lại phần “Luận bàn về năm giáo”. Mục “Luận bàn về năm giáo” mất thì giờ nhiều tại vì khi nói về năm giáo thì phải nói về mười tông. Chúng ta có cơ hội nhìn lại sự phát triển của tư tưởng Phật giáo.