10. Nhập Niết Bàn
.X. Nhập Niết Bàn
Thể nhập được niết bàn
____________________
Nhập Niết Bàn
Kiến sư tử dữ kim nhị tướng câu tận, phiền não bất sinh. Hảo xú hiện tiền, tâm am như hải. Vọng tưởng đô tận vô chư bức bách, xuất triền ly chướng, vĩnh xả khổ nguyên, danh nhập Niết Bàn.
Thể nhập được Niết Bàn
Khi nhìn mà thấy được cả hai tướng sư tử lẫn vàng đều không còn nữa thì phiền não không còn sinh khởi. Dù cái đẹp hay cái xấu đang được trình bày trước mắt thì tâm mình cũng đã an như biển (lớn). Các vọng tưởng đã hết thì không còn gì bức bách được ta nữa. Ta ra khỏi được trần lụy và chướng ngại, vĩnh viễn bỏ lại nguồn gốc của khổ đau, đó gọi là thể nhập được Niết Bàn.
Khi nhìn mà thấy được cả hai tướng sư tử lẫn vàng đều không còn nữa thì phiền não không còn sinh khởi. Mới nhìn, ta thấy vàng và sư tử khác nhau. Nhưng khi nhìn kỹ, ta thấy hai tướng đó không phải là hai tướng riêng biệt. Ta không phân biệt tổng tướng và biệt tướng, thành tướng và hoại tướng. Ta không bị tướng đánh lừa nữa thì phiền não không còn sinh khởi.
Dù cái đẹp hay cái xấu đang được trình bày trước mắt thì tâm mình cũng đã an như biển lớn. Khi đó ta thấy được bản chất không dơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt, không xấu cũng không đẹp. Vì vậy tâm ta an, không chạy theo một cái và ruồng bỏ cái khác. Cái gì cũng mầu nhiệm, chủ thể mầu nhiệm, đối tượng cũng mầu nhiệm. Chủ thể và đối tượng không phải là hai cái tách riêng với nhau.
Các vọng tưởng đã hết thì không còn gì bức bách ta được nữa. Ta đã ra khỏi được trần lụy và chướng ngại, vĩnh viễn bỏ lại nguồn gốc của khổ đau, đó gọi là thể nhập được Niết Bàn (vọng tưởng đô tận vô chư bức bách). Bức bách là ép buộc.
Xuất triền ly chướng. Chướng là chướng ngại, ra khỏi những ràng buộc và rời bỏ những chướng ngại. Vĩnh xả khổ nguyên là vĩnh viễn buông bỏ, thoát khỏi nguồn gốc của khổ đau. Đó gọi là nhập Niết Bàn. Nhập Niết Bàn là do cái thấy của mình chứ không phải do hai chân mình đi vô. Chúng ta không cần phải đi đâu hết, chỉ cần thấy mà thôi.
Bây giờ chúng ta thêm vào một chương nữa là chương Thực tập ba quán. Tông Hoa Nghiêm có pháp môn tam quán tại vì nếu đưa ra một tác phẩm mà không đưa ra phương pháp quán tưởng cụ thể thì hơi thiếu. Tôi đề nghị thêm hai chương nên mười thành mười hai chương.