Tụng bản II Kinh Niệm Xứ

Tụng bản II

KINH NIỆM SỨ

(Trung A Hàm 98)

Do Gâutma Sanghadeva (Tăng Già Đề Bà)

Đời Đông Tấn (317 – 420 AD) dịch từ Phạn ra Hán văn.

Nhất Hạnh dịch ra quốc văn.

I

Tôi đã nghe như sau. Hồi đó, Bụt ở tại ấp phố Kammassadhamma, thuộc xứ Kuru. Một hôm, đức Thế Tôn bảo các thầy khất sĩ:

“Có một con đường có thể giúp chúng sanh thực hiện được thanh tịnh, vượt được lo lắng sợ hãi, diệt trừ được khổ não, chấm dứt được khóc than và đạt tới chánh pháp. Con đường ấy là con đường “an trú trong bốn lãnh vực quán niệm”.

Nếu các đức Như Lai thời quá khứ đã từng đạt tới quả vị chánh giác, không còn vướng mắc vào bất cứ gì, đó cũng là nhờ đã lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm. Nương theo Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, các ngài đã đoạn trừ được năm sự ngăn che, thanh lọc được những cấu uế của tâm thức, vượt được tình trạng ốm yếu của tuệ giác, tu tập theo Bảy Yếu Tố Giác Ngộ và đạt tới quả vị giác ngộ chân chính cao nhất. Các đức Như Lai thời vị lai cũng sẽ nhờ lập tâm an trú trong Bốn Lãnh Vực Quán Niệm mà đạt tới quả vị Chánh Giác, không còn vướng mắc vào bất cứ gì. Nương theo Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, các ngài sẽ đoạn trừ được năm sự ngăn che, thanh lọc được những cấu uế của tâm thức, vượt được tình trạng ốm yếu của tuệ giác, tu tập theo Bảy Yếu Tố Giác Ngộ và đạt tới quả vị giác ngộ chân chính cao nhất. Các vị Như Lai của thời hiện tại như tôi đây, sỡ dĩ đạt tới được quả vị Chánh Giác, không còn vướng mắc vào bất cứ gì, cũng là nhờ đã lập tâm an trú trong Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Nương theo Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, chúng tôi đã đoạn trừ được năm sự ngăn che, thanh lọc được những cấu uế của tâm thức, vượt được tình trạng ốm yếu của tuệ giác, tu tập theo Bảy Yếu Tố Giác Ngộ và đạt tới quả vị giác ngộ chân chính cao nhất.

Bốn lãnh vực an trú trong quán niệm là gì? Đó là an trú trong bốn phép quán thân như thân, quán cảm thọ như cảm thọ, quán tâm như tâm và quán pháp như pháp.

II

An trú trong phép quán thân như thân là sao?

Vị khất sĩ đi biết là mình đi, đứng biết là mình đứng, ngồi biết là mình ngồi, nằm biết là mình nằm, đi ngủ biết mình đi ngủ, thức giấc biết mình thức giấc, ngủ hay thức thì biết mình ngủ hay thức. Như thế vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân bằng cách có ý thức rõ ràng về những tư thế và động tác của thân thể như đi ra, đi vào, cúi xuống, ngửng lên, duỗi ra, co vào. Khi mặc áo tăng già lê, khi cầm y bát, khi đi, đứng, nằm, ngồi, khi nói năng, khi im lặng, vị ấy đều biết phát khởi ý thức một cách khéo léo, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt. Đó gọi là quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân mỗi khi thấy phát sinh một tâm niệm ác, bất thiện, liền xử dụng một tâm niệm thiện để đối trị, tiêu diệt và đoạn dứt tâm niệm ác kia. Như một người thợ mộc hay một thợ mộc tập sự giăng sợi dây mực theo thanh gỗ và dùng một lưỡi rìu bén đẽo cho thanh gỗ ngay thẳng, vị khất sĩ khi thấy một niệm ác sinh khởi liền xử dụng một niệm lành đối trị, tiêu diệt và cắt đứt niệm ác kia. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân ngậm khít hai hàm răng lại, lưỡi áp vào nóc họng, lấy tâm mà chế ngự tâm, đối trị tâm, tiêu diệt và đoạn dứt tâm. Như hai người lực sĩ nắm lấy một người sức yếu, chế ngự hoàn toàn người này một cách tự do, vị ấy ngậm khít hai hàm răng lại, để lưỡi trên nóc họng, lấy tâm mà chế ngự tâm. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân khi thở vào biết là mình đang thở vào, khi thở ra biết là mình đang thở ra, khi thở vào một hơi dài biết là mình đang thở vào một hơi dài, khi thở ra một hơi dài biết mình đang thở ra một hơi dài, khi thở vào một hơi ngắn biết mình đang thở vào một hơi ngắn, khi thở ra một hơi ngắn biết là mình đang thở ra một hơi ngắn, có ý  thức toàn thân trong khi thở vào, có ý thức về toàn thân trong khi thở ra, có ý thức là mình đang làm ngừng chỉ những vận hành của thân thể khi thở vào, có ý thức là mình đang làm ngừng chỉ những vận hành của ngôn ngữ khi thở ra[1]. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân nhờ xa lìa nếp sống ngũ dục mà niềm hỷ lạc được phát sinh và thấm nhuần đầy dẫy trong châu thân. Trong thân thể này niềm hỷ lạc do sự xa  lìa mà phát sinh ấy không chỗ nào là không phổ biến, như một người tắm hầu sau khi bỏ bột tắm vào chậu, nhồi bột tắm ấy vào nước, cho đến khi cục bột tắm không có chỗ nào là không thấm nhuần chất nước. Vị khất sĩ cảm thấy niềm vui do sự xa lìa mà phát sinh đầy dẫy trong châu thân mình, không chỗ nào là không thấm nhuần. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân thấy niềm hoan hỷ do định phát sinh thấm nhuần đầy dẫy trong châu thân mình: trong thân thể ấy niềm hoan hỷ do định phát sinh không chỗ nào mà không sạch không phổ biến. Như một dòng sưối trong núi, trong sạch không ô nhiễm, chảy ra đầy dẫy khắp cả bốn mặt, những nơi không có nẻo để nước chảy vào thì nước của dòng suối ấy lại từ dưới phun lên, thấm nhuần núi non, không chỗ nào là nước không chảy đến. Cũng như thế, niềm hoan hỷ do định phát sinh thấm nhuần vào toàn châu thân của vị khất sĩ, không chỗ nào là không phổ biến. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân trong thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân thấy niềm Hoan Lạc phát sinh do sự vắng mặt của Hoan Hỷ được thấm nhuần đầy dẫy trong tự thân, trong thân thể của vị khất sĩ này không có chỗ nào là niềm an lạc phát sinh ra do sự vắng mặt của Hoan Hỷ ấy không thấm nhuần đầy dẫy, như các sen xanh, sen hồng, sen đỏ, sen trắng sinh ra từ trong nước, lớn lên từ trong đáy nước, rễ sen, ngó sen, lá sen, hoa sen đều thấm nhuần chất nước, không có chỗ nào là nước không thấm nhuần. Như thế, niềm Lạc phát sinh từ sự vắng mặt của Hỷ thấm nhuần vào toàn thân của vị khất sĩ, không nơi nào mà niềm Hoan Lạc ấy không phổ biến. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân trong thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân lấy tâm thanh tịnh và sự ý giải của mình mà bao trùm cả thân thể mình, làm cho toàn thân thể mình không có chỗ nào là không được bao trùm bởi tâm thanh tịnh ấy, cũng như một người kia choàng lên một cái áo dài tới bảy hoặc tám sài, từ đầu đến chân, không chỗ nào mà thân thể không được chiếc áo bao phủ. Vị khất sĩ kia cũng thế, lấy tâm thanh tịnh mà bao phủ toàn vẹn thân thể của mình, chẳng nơi nào của cơ thể mà không được che chở. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân, quán niệm về sự Quang Minh, biết tiếp nhận, hành trì và tưởng nhớ đến sự quang minh, từ  trước ra sau cũng vậy, từ sau ra trước cũng vậy, từ ngày đến đêm cũng vậy, từ đêm đến ngày cũng vậy, từ dưới lên trên cũng vậy, từ trên xuống dưới cũng vậy, tâm không điên đảo, không bị ràng buộc, tu tập theo pháp môn về quang minh, rốt cuộc tâm sẽ không bị ám chướng che lấp. Vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân biết khôn khéo tiếp nhận quán tướng, biết khôn khéo duy trì đối tượng quán niệm. Như một người đang ngồi quán sát một người đang nằm hay một người đang nằm quán sát một người đang ngồi, vị khất sĩ ấy cũng khôn khéo tiếp nhận quán tướng và biết khôn khéo duy trì đối tượng quán niệm như thế. Vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân, biết rõ thân này chỉ tồn tại tuỳ thuộc theo giá trị thật của những yếu tố cấu tạo nên nó, từ đỉnh đầu tới gót chân, thấy toàn là đầy dẫy những yếu tố bất tịnh. Trong thân thể này của ta, có tóc, lông, móng tay, răng, da thô, da mịn, thịt, gân, xương, trái tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, mật, bao tử, phân, óc, màng óc, nước mắt, mồ hôi, đàm, nước bọt, mủ, máu, mỡ, tủy, bong bóng, nước tiểu… Như một cái thùng đựng đầy các loại giống, người có mắt thì có thể thấy được rõ ràng đây là hạt lúa, đây là hạt kê, đây là hạt cải… Vị khất sĩ theo dõi thân này, biết rõ thân này chỉ tồn tại tuỳ thuộc theo giá trị thật của những yếu tố tạo nên nó, từ đỉnh đầu tới gót chân, thấy toàn là đầy dẫy những yếu tố bất tịnh. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân quán sát những yếu tố cấu tạo nên thân: trong thân thể của ta đây có yếu tố đất, có yếu tố nước, có yếu tố lửa, có yếu tố gió, có yếu tố hư không, có yếu tố tâm thức. Cũng như một người đồ tể, sau khi đã giết con bò và lột da nó, đem bày thịt bò ra trên đất thành sáu phần, vị khất sĩ cũng quán sát sáu yếu tố cấu tạo nên cơ thể của mình như thế. Trong thân thể của ta, đây là yếu tố đất, đây là yếu tố nước, đây là yếu tố lửa, đây là yếu tố gió, đây là yếu tố hư không, đây là yếu tố tâm thức. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán sát thân như thân lại quán thây người chết, sau một hoặc hai ngày cho đến sáu bảy ngày, bị diều quạ mổ rút, bị lang sói xé ăn, sau khi được hoả thiêu hay chôn vùi dưới đất thì bị hoặc sính thối hoặc mục nát… vị khất sĩ ấy thấy như thế rồi tự so sánh với thân thể mình : thân thể của ta bây giờ đây rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cuộc không thể tránh thoát được. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân, trong khi quán niệm thấy được một bộ xương sắc xanh, mục nát, bị gặm nhấm nửa chừng, nằm một đống trên mặt đất. Thấy như thế, vị ấy tự so sánh với thân thể mình: thân thể ta bây giờ đây rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cùng không thể tránh thoát được. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân, khi quán niệm, thấy được một thi hài không có da, thịt, máu, huyết, các khúc xương chỉ còn dính vào nhau bằng những sơị gân. Thấy như thế, vị ấy tự so sánh với thân thể mình: thân thể ta bây giờ đây rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cùng không thể tránh thoát được. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân trong khi quán niệm, thấy được các khúc xương phân tán mỗi khúc một phía, xương chân, xương ống chân, xương đùi, xương chậu, xương sống, xương vai, xương cổ, đầu lâu… mỗi thứ một nơi. Thấy như thế, vị ấy tự so sánh với thân thể mình: thân thể ta bây giờ đây rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cùng không thể tránh thoát được. Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán thân như thân.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán thân như thân, trong khi quán niệm, thấy được những khúc xương trắng như vỏ ốc, xanh như chim bồ câu, đỏ như phết máu, hư hoại và nát vụn ra như bột. Thấy như thế, vị ấy tự so sánh với thân thể mình: thân thể ta rồi đây cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cùng không thể tránh thoát được. Các vị khất sĩ và các vị nữ khất sĩ nào quán thân như thân theo những chỉ dẫn chi tiết ấy thì họ là những người an trú trong phép quán thân như thân.

 

III

Thế nào gọi là an trú trong phép quán cảm thọ trong cảm thọ?

Vị khất sĩ khi có một lạc thọ liền biết là mình đang có một lạc thọ, khi có một khổ thọ liền biết là mình đang có một khổ thọ, khi có một xả thọ liền biết mình đang có một xả thọ. Khi có một lạc thọ trong thân thể, một khổ thọ trong thân thể, một xả thọ trong thân thể, một lạc thọ trong tâm ý, một khổ thọ trong tâm ý, một xả thọ trong tâm ý, một lạc thọ thế gian, một khổ thọ thế gian, một xả thọ thế gian, một lạc thọ không thuộc thế gian, một khổ thọ không thuộc thế gian, một xả thọ không thuộc thế gian, một lạc thọ về ham muốn, một khổ thọ về ham muốn, một xả thọ về ham muốn, một lạc thọ không thuộc về ham muốn, một khổ thọ không thuộc về ham muốn, vị ấy đều biết rõ. Như vậy, vị khất sĩ quán cảm thọ như cảm thọ, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm nơi cảm thọ, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ và nữ khất sĩ quán cảm thọ như cảm thọ theo những chỉ dẫn chi tiết ấy, thì họ là những người biết an trú trong phép quán cảm thọ như cảm thọ.

 

IV

Thế nào gọi là an trú trong phép quán tâm thức như tâm thức?

Vị khất sĩ khi có tâm ý tham dục biết là mình có tâm ý tham dục, khi không có tâm ý tham dục biết là mình không có tâm ý tham dục, khi có tâm ý giận dữ, tâm ý không giận dữ, tâm ý si mê, tâm ý không si mê, tâm ý ô nhiễm, tâm ý không ô nhiễm, tâm ý hợp nhất, tâm ý tán loạn, tâm ý hạ liệt, tâm ý cao thượng, tâm ý nhỏ mọn, tâm ý rộng rãi, tâm ý tu tập, tâm ý không tu tập, tâm ý định, tâm ý bất định, tâm ý giải thoát, tâm ý không giải thoát… vị ấy đều có ý thức rõ ràng. Như vậy, vị khất sĩ quán tâm như tâm, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm tại tâm, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán tâm như tâm. Nếu có các vị khất sĩ và nữ khất sĩ quán tâm như tâm, theo những chỉ dẫn chi tiết ấy, thì họ là những người biết an trú trong phép quán tâm thức như tâm thức.

 

V

Thế nào gọi là an trú trong phép quán niệm đối tượng tâm thức như đối tượng tâm thức?

Vị khất sĩ thấy khi con mắt tiếp xúc với sắc trần mà có phát sinh nội kết thì biết đích thực là có nội kết, khi không có nội kết thì biết đích thực không có nội kết, nếu chưa có nội kết mà phát sinh ra nội kết thì vị ấy cũng biết, nếu nội kết đã sinh mà bây giờ tiêu diệt không phát sinh nữa, thì vị ấy cũng biết. Đối với các giác quan như tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng vậy. Khi những giác quan ấy tiếp xúc với ngoại trần mà bên trong có phát sinh nội kết thì biết đích thực là có nội kết, khi không có nội kết thì biết là không có nội kết, nếu chưa có nội kết mà phát sinh nội kết thì vị ấy cũng biết, nếu nội kết đã phát sinh mà tiêu diệt không còn phát sinh nữa thì vị ấy cũng biết. Như vậy, vị khất sĩ quán pháp như pháp, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm tại pháp, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán pháp như pháp. Nếu có các vị khất sĩ quán pháp như pháp theo những chỉ dẫn chi tiết ấy, thì họ là những người biết an trú trong phép quán đối tượng tâm thức như đối tượng tâm thức trong phạm vi sáu loại nhận thức.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán pháp như pháp, nếu thấy ở nội tâm có ái dục thì đích thực biết đó là ái dục, nếu thấy nội tâm không có ái dục thì đích thực biết là không có ái dục, ái dục chưa sinh mà bây giờ phát sinh thì cũng đích thực biết như thế, ái dục đã sinh mà bây giờ tiêu thì cúng đích thực biết như thế. Đối với (bốn thứ ngăn che khác là) giận dữ, hôn trầm, trạo cử và hối tiếc cũng thế. Khi trong nội tâm có nghi ngờ thì đích thực biết là có nghi ngờ, khi trong nội tâm không có nghi ngờ thì đích thực biết là không có nghi ngờ. Nghi ngờ chưa sinh mà bây giờ phát sinh thì cũng đích thực biết như thế, nghi ngờ đã sinh mà bây giờ tiêu diệt thì cũng đích thực biết như thế. Như thế, vị khất sĩ quán pháp như pháp, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm nơi pháp, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị khất sĩ quán pháp như pháp trong phạm vi năm thứ ngăn che.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ quán pháp như pháp khi thấy trong nội tâm có yếu tố giác ngộ niệm thì đích thực biết là có yếu tố giác ngộ niệm, khi trong tâm không có yếu tố niệm thì đích thực biết là không có yếu tố ngộ niệm, khi yếu tố niệm chưa phát sinh mà bây giờ phát sinh thì cũng đích thực biết như thế, khi yếu tố niệm đã sinh rồi mà bây giờ đang tồn tại không mất mát, không suy thoái, lại còn thêm lớn thì cũng đích biết như vậy. Đối với các yếu tố giác ngộ khác như trạch pháp, tinh tiến, hoan hỷ, nhẹ nhõm, tập trung (định) cũng thế. Nội tâm có yếu tố buông xả thì đích thực biết là có buông xả, khi nội tâm không có buông xả thì đích thực biết là không có buông xả, yếu tố giác ngộ buông xả chưa phát sinh mà bây giờ phát sinh thì cũng đích thực biết như thế, yếu tố giác ngộ buông xả đã phát sinh rồi mà bây giờ đang tồn tại không mất mát, không suy thoái, lại còn thêm lớn thì cũng đích thực biết như vậy. Như thế, vị khất sĩ quán pháp như pháp, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm nơi pháp, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, ấy là vị khất sĩ quán pháp như pháp trong phạm vi bảy yếu tố giác ngộ vậy. Nếu các vị khất sĩ hoặc nữ khất sĩ nào biết quán pháp như pháp theo những chỉ dẫn chi tiết ấy, thì họ là những người biết an trú trong phép quán pháp như pháp.

 

VI

Vị khất sĩ hay nữ khất sĩ nào mà trong bảy năm lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm này sẽ tất nhiên chứng đắc được hai thứ quả vị, hoặc hiện tiền chứng đắc được trí tuệ cứu cánh, hoặc chứng đắc quả hữu dư A na hàm.

Đừng nói gì bảy năm, hay sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm hay một năm. Vị khất sĩ hay nữ khất sĩ nào trong bảy tháng mà lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm thì cũng có thể chứng đắc được hai thứ quả vị, hoặc hiện tiền chứng đắc được trí tuệ cứu cánh, hoặc chứng đắc quả hữu dư A na hàm. Đừng nói gì tới bảy tháng, hay sáu tháng, hay năm tháng, hay bốn tháng, hay hai tháng, hay một tháng. Vị khất sĩ hay nữ khất sĩ nào mà trong bảy ngày đêm lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm, cũng có thể chứng đắc được hai thứ quả vị, hoặc hiện tiền chứng đắc được quả vị, cứu cánh, hoặc chứng đắc được quả vị hữu dư a na hàm. Đừng nói gì tới bảy ngày đêm, hay sáu ngày đêm, hay năm ngày năm đêm, hay bốn ngày bốn đêm, hay ba ngày đêm, hay hai ngày hai đêm, hay một ngày một đêm. Nếu vị khất sĩ hay nữ khất sĩ chỉ trong một khoảnh khắc ngắn mà lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm, thì nếu buổi mai bắt đầu thực tập, buổi chiều đã có thể thấy được sự thăng tiến, buổi chiều bắt đầu thực tập thì buổi tối đã có thể thấy được sự thăng tiến. Bụt nói như thế. Các vị khất sĩ nghe Bụt dạy đều vui mừng phụng hành.