Tiếng địch chiều thu
(Một cảnh vườn đẹp đẽ xanh rờn có suối reo chim hót. Một vườn Thượng uyển nào đây, đủ cả muôn hoa muôn sắc. Thanh thanh gió nhẹ, một buổi chiều)
Lời suối reo:
Buồn bã quá, ta reo theo tiếng gió
Niềm thương đau mang lại tự ngàn xưa
Lâu quá rồi người xưa không trở lại
Để soi hình sáng rỡ giữa lòng ta !
Này im đi, hỡi tiếng địch chiều thu
Đừng réo rắt nối thêm lời sầu thảm
Trôi đi thôi hỡi ngàn mây ảm đạm
Vấn vương chi những ngọn núi xa mờ !
Hòa theo ta đi, tiếng dế chiều hôm,
Ta là suối không bao giờ dừng nghỉ
Sao cho quên những ngày xanh minh mị
Những chiều xưa vang tiếng nhạc ru hồn
Còn đâu đây những ngày tươi đẹp nọ,
Mà sinh ca vang đón ánh bình minh ?
Đâu những nàng cung nữ nhẹ nghiêng mình
Soi yểu điệu trên dòng ta sáng tỏ ?
Ôi còn đâu bóng người xưa luyến mộ
Nẻo đường xanh còn in dấu chân ai
Vào những chiều thấp thoáng bóng song hài ?
Thái tử ơi, ngài thấy không: cây cỏ,
Và suối, chim đều mong ngày hội ngộ
Buồn chia ly khiến muôn vật sầu tư
Reo ta reo nguồn ly hận ngàn thu…
Tiếng địch (réo rắt, nhưng đôi khi mơ hồ):
Reo ta reo nguồn ly hận ngàn thu…
Người xưa ơi có nghe trong sương lạnh
Có nghe không tiếng địch thoáng buồn thương
Thấy không ai ngàn mây sầu ủ rũ
Ngừng không bay, lắng tiếng gọi lên đường ?
Thổi lời thơ tận muôn phương xa lạ
Nhẹ nhàng đưa âm điệu lướt không gian
Gió chiều thu ướp lòng người tơi tả,
Và vi vu theo điệp khúc trường giang…
Ca lên chim ! như những chiều xuân cũ
Cho tan đi những buồn lạnh vấn vương
Ta ước mong một ngày mai đoàn tụ
Cho chân mây cùng mặt nước lên hường !
Nở đi hoa ! như những bình minh thắm !
Khoe tươi đi, cành hồng ướt sương thu
Chồi huệ trắng, nở đi, đừng ủ rũ,
Muốn để dành hương ấy đến ngày mô ?
Ngày xa xôi…hoa ơi ! xa xôi lắm
Hoa chờ mong, giờ đây chưa muốn nở
Nhưng hoa ơi ! ngươi sẽ héo vàng khô
Và một hôm lạnh lẽo khói sương mờ !
Thái tử ơi, giờ đây trong sương lạnh
Ngài nghe không tiếng địch thoáng buồn thương ?
Thấy không ai, ngàn mây sầu ủ rũ
Ngừng không bay, lắng tiếng gọi lên đường ?
(Tiếng địch véo von, nhỏ dần rồi im bặt. Da Du ra, mắt nhìn về phương xa. La Hầu La đi sau, cầm chéo áo mẹ)
Tiếng chim ca:
Nàng đã ra viếng chúng ta, ngàn cây hỡi !
Lại đây nàng, ngồi trên phiến đá hoa !
Ríu rít chim, ca ngợi nắng chan hòa
Ta hát lên cho nàng vơi sầu khổ !
Cảm động quá, đôi mắt nàng đẫm lệ,
Thật não nùng ! nhìn chi phía xa xa ?
Năm tháng sầu sao cứ mãi không qua
Buồn trĩu nặng cho đến hồn cây cỏ !
Chiếc áo nhung xưa ! nay nàng đã bỏ !
Mộng ngày xanh ! còn đâu nữa nàng ơi !
Lệ ngọc tuôn từ đôi mắt sáng ngời,
Bi cảm lắm, xin nàng vui đôi chút !
Tiếng suối (tha thiết):
Ra thăm luôn, nàng ơi ! vườn năm cũ,
Xem hoa đi, như những buổi chiều xưa
Này nàng trông, muôn cây đang ủ rũ
Chờ ở ai, chỉ một chút hương thừa !
Lại đây ngồi nhìn mây,
Và hát lên như những ngày xưa nữa.
Reo ta reo cho nhẹ bớt ưu phiền
Reo cho quên niềm thổn thức liên miên
Reo cho quên những tiếng lòng mong nhớ.
Nàng ơi,
Ai năm xưa cũng mỗi chiều tương tự,
Cùng nàng đi, đã dạo khắp vườn hoa ?
Ai năm xưa với tâm hồn rộng mở
Cho muôn loài một cảm mến bao la ?
Trôi ta trôi ! Reo ta reo ! dòng suối bạc
Cuốn phăng đi đá sỏi của lòng ta !
Tiếng chim:
Ca ta ca ! Vui lên đi ! tung muôn ngàn sóng nhạc
Ca ta ca ! Vui lên đi ! Để ta ca !
Da Du (rất thong thả):
Nước non ơi ! chiều đến, tiếng ngân nga
Thời tươi đẹp vang từ trong ký ức
Ta mong quên những ngày thu ray rứt
Nỗi niềm ta, hoa có rõ không hoa ?
(ngồi xuống trên phiến đá)
Ngồi xuống đây con hỡi La Hầu La !
Mẹ muốn nhớ lại thời xưa hương ngát
Con có biết bây giờ đây luân lạc
Về phương nao, bóng Hạnh Phúc xa vời ?
Biết không con, ở tận một phương trời
Nào xa thẳm, cha con đà biệt tích
Ước mong Người, một ước mong tuyệt đích:
“Cứu quần sanh tìm đạo lý xinh tươi “
Mà ngày hẹn huy hoàng bao giờ mới đến, con ơi ?
Con có nhớ những ngày buồn trong cung lạnh
Một hôm kia hỏi mẹ: “Cha con đâu ? “
Đau lòng chưa, con hỡi ! suốt canh thâu
Mẹ đã khóc, một mình riêng thổn thức.
Con ơi, những lúc mà lòng mẹ vui vui
Là những lúc nhìn con nô đùa cùng bao nhiêu vương tử
Nhưng rồi vẫn đăm chiêu niềm tư lự
Chẳng bao giờ phiền muộn được vơi nguôi.
Biết không con, một chiều xuân năm cũ
Một đêm trăng, cha con bỏ vương cung
Ra đi…chàng ra đi không hẹn ngày trở lại
Để niềm THƯƠNG lan rộng đến muôn lòng !
Rồi một sáng tinh sương, Xa Nặc về, nét mặt u sầu vô vọng,
Tin biệt ly như tiếng sét ngang đầu
Cả hoàng cung chìm lắng trong khổ đau
Một vương quốc đang gục đầu thương nhớ.
Còn ai nữa để cảm thông lao khổ ?
Thái tử ơi, Ngài có hiểu cho không ?
Bao người sầu, chung một nỗi nhớ nhung
Ngài đi đâu, để đây niềm hiu quạnh ?
(Tiếng địch lại nổi lên, văng vẳng trong gió lạc)
Người xưa ơi, có nghe trong sương lạnh
Có nghe không tiếng địch thoáng buồn thương ?
Thấy không ai, ngàn mây sầu ủ rũ
Ngừng không bay, lắng tiếng gọi lên đường ?
Thổi lời thơ tận muôn phương xa lạ
Nhẹ nhàng đưa…âm điệu lướt không gian,
Gió chiều thu ướp lòng người tơi tả,
Và vi vu theo điệp khúc trường giang…
Lời gió reo:
Thôi đi thôi, đừng kể lể bi quan,
Nhọc quá rồi ! đừng ôm lòng sầu não !
Để ta đi, tìm ra nguồn chân đạo,
Đem về đây cho tất cả cuộc đời ! Da Du (vẫn chậm rãi):
Phụ vương sầu, di mẫu khóc không thôi,
Hy vọng hết, muôn dân buồn áo não…
Rồi từ đấy vắng tin người hiểm mạo,
Bỏ xa hoa và tôn quý cao sang,
Để ra đi, tìm lấy ánh hào quang,
Nguồn đạo lý soi đường cho nhân thế.
Quên sao được chàng ơi, khi tiếng lòng kể lể,
Một đêm trăng, ngài bảo: Chớ sầu thương…
Nếu một mai, vì chí nguyện, ta lên đường,
Em sẽ đặt tình yêu vào muôn loại !
Tình thương hẹp gây lo âu, sợ hãi,
Chóng tàn phai theo gió lạnh thời gian
Em hãy nuôi một tình thương rộng lớn chẳng phai tàn
Để san sẻ cho muôn loài muôn vật.
Rồi sẽ thấy lòng tràn đầy một nguồn vui chân thật.
Thái tử ơi, còn văng vẳng bên tai,
Lời ngọc vàng đã rung động hồn ai
Thiếp cảm thấy cả nguồn sinh lực ấy…
Ngài biết không ? nhạc lòng không rung dậy
Ngọc vàng xưa, thiếp đã bỏ từ lâu,
Sống làm sao trong muôn sắc muôn mầu
Khi nghĩ đến nơi hang sâu núi thẳm ?
Ôi hình ảnh khuất xa ngàn vạn dặm
Đây cuộc đời: ly biệt là thương đau…
Tìm đâu đây nguồn an ủi nhiệm mầu
Để xóa bỏ những bóng hình sợ hãi…
Hiểu không con ? La Hầu La thơ dại ?
Như ngày xưa mẹ bảo: “Cha đi xa…
Đi xa lắm con ơi
non nước vẫn bao la “
(Nàng lấy khăn lau mắt và vuốt tóc con khi La Hầu La thấy mẹ khóc cũng khóc theo)
La Hầu La:
Vào cung đi mẹ…Thôi ! con buồn quá,
Đi chơi, sao mẹ khóc mãi thế kia ?
Mẹ bảo ra thăm vườn hoa cũ
Để đem con đi dạo khắp cơ mà ?
Cha con đi, cha con sẽ về đây, mẹ ạ
Con ít buồn, sao mẹ lại buồn nhiều ?
Đứng lên đi, vui lên đi, mẹ nhé !
Hái hoa cho con, xâu kết lại vòng hoa
Khóc nhiều thế, con buồn, mẹ ạ.
Da Du (cười buồn):
Ừ, vui đi, mẹ không khóc nữa đâu,
Sương xuống rồi, ánh nắng tắt đã lâu,
Chim về tổ, con ơi ! ta về tổ !
Nín đi con, kìa vừng trăng mới lộ,
Ở non cao, mờ tỏa ánh dịu vàng.
Tiếng gió:
Và xa kia chắc Thái tử mơ màng
Nhìn trăng sáng với cánh rừng u tịch
Lâu lắm rồi, người xưa đà biệt tích,
Thành công chăng, hay thất bại ? Ngài ơi ?
Tiếng địch:
Thổi lời thơ tận muôn phương xa lạ
Nhẹ nhàng đưa âm điệu lướt không gian
Gió chiều thu ướp lòng người tơi tả
Và vi vu theo điệp khúc trường gian…
(Lời thơ vừa dứt thì di mẫu Kiều Đàm vừa ra đến sau lưng Da Du. Bà nhẹ nhàng đặt tay lên vai nàng. Quay lại thấy bà, nàng cúi đầu)
Bà Kiều Đàm:
Đêm xuống rồi, sương sa nhiều, lạnh lắm
Đi vào con ! than thở những chi chi
Hễ thấy con, là thấy cả sầu bi
Ta thấy vắng, đi tìm con từ nãy.
Da Du:
Kính lạy Mẹ, nhọc lòng người biết mấy
Ra tìm con tận mãi cuối vườn trăng…
La Hầu La (mách):
Dạ thưa bà mẹ cháu khóc vừa xong !
Da Du (vuốt tóc con mắng yêu):
Này đừng láo, La Hầu La con nhé !
La Hầu La (nhìn mẹ bằng cặp mắt ngây thơ):
Thế không khóc mới rồi sao, hử mẹ ?
(nhìn bà phân trần)
Mới lau xong nước mắt thì bà ra,
Bà ơi, sao mẹ cháu khóc luôn, mà…
(rưng rưng nước mắt)
Bà Kiều Đàm (cầm tay cháu kéo lại):
Thật ư cháu ? Lại gần đây bà bảo !
Cháu của bà chắc không hề nói láo,
Nhưng mà này, cả cháu cũng khóc theo
Có phải không ?
La Hầu La (gật):
Thưa bà phải ! khóc nhiều…
Bà Kiều Đàm (xoa đầu cháu):
Thì thôi chứ ! Bây giờ xem trăng sáng
Cháu vui đi, kìa vầng trăng xán lạn !
(nhìn nàng với cặp mắt đầy thương hại và yêu mến)
Này con ơi, ai không khỏi sầu thương,
Nhưng…thời gian đâu đến lúc cùng đường,
Con khổ thế, để lòng ta thêm khổ !…
Da Du (sụt sùi):
Xá tội con, muôn ngàn ơn đức độ !
Đã vô tình làm mẹ phải buồn lòng
Nhưng mẹ ơi, sao tháng ngày trôi mãi
Chỉ đem về nguồn cảm khái mênh mông !
(im lặng)
Kính lạy mẹ, bây giờ người lạc lõng
Phương trời nào, ở nơi chốn xa xôi…
Bà Kiều Đàm (cũng khóc):
Tất Đạt Đa, con đã đến đâu rồi…
Tìm chánh đạo hay tìm nơi cực khổ ?
Con ra đi mà bao người luyến mộ,
Bao tâm hồn theo rõi bước chân con
Mắt phụ vương lệ xóa đã hao mòn,
Ngài đã khóc nhiều đêm vì nhớ tiếc,
Mà phải chăng đã là ngày vĩnh biệt,
Có nên mong ngày hội ngộ, con ơi ?
Da Du (khóc òa):
Có nên mong ngày hội ngộ, ngài ơi ?
Tiếng địch:
Người xưa ơi, có nghe trong sương lạnh,
Có nghe không tiếng địch thoáng buồn thương
Thấy không ai, ngàn mây sầu ủ rũ,
Ngừng không bay, lắng tiếng gọi lên đường ?
Thổi lời thơ tận muôn phương xa lạ,
Nhẹ nhàng đưa âm điệu lướt không gian
Gió chiều thu ướp lòng người tơi tả,
Và vi vu theo điệp khúc trường giang…
Da Du (tiếp):
Có những đêm trăng sáng tỏ mơ màng
Con nhìn thấy bóng Ngài bên khóm lá
Và mừng quá, kêu lên trong hơi thở
Nhưng hỡi ơi, chỉ là bóng sương trăng…
Có nhiều khi trong ánh nến sáng trưng
Con cảm thấy một cái gì tan vỡ,
Như bóng tối chứa đầy niềm lo sợ…
Tiếng dế (vẳng lên):
Rên lên đi, ta khóc giúp cho người,
Ánh trăng kia là nước mắt không vơi,
Tiếng địch ấy là nỗi lòng thổn thức.
Ta đang khóc cả trần gian u uất,
Muôn ngàn thu còn mãi vết tang thương
Lệ chưa vơi, đau khổ vẫn đương còn
Đẫm ướt mãi bức tranh đời hoen ố.
Gió reo:
Ta làn gió lướt ánh hằng sáng tỏ
Chở đau thương nhân loại đến ngàn nơi
Để đi tìm một chốn tạm nghỉ ngơi
Nhưng thất vọng, chưa bao giờ tìm thấy !
Ta đã ấp bao cõi lòng run rẩy
Đã từng mang bao u uất vấn vương
Ôi nhân sinh ! Ôi thế cuộc vô thường !
Nhân loại mãi đắm chìm trong biển lệ !
Ta ao ước vì ngàn muôn thế hệ
Tìm cho ra ánh đạo sáng nhiệm mầu
Mong một ngày nhân loại hết thương đau
Xây cuộc sống trên thanh bình hạnh phúc
Ta không muốn khổ đau làm ngã gục
Trên cuộc đời cả nhân loại mến thương.
Bà Kiều Đàm:
Người ra đi, theo tiếng gọi lên đường,
Với chí nguyện cao siêu và rộng lớn,
Phải cố gắng cắt những dây tình cảm
Những buộc ràng, để có thể bay cao
Người ra đi mà vẫn nát tâm bào,
Con phải thấy là hy sinh cao cả…
Da Du ( lau nước mắt):
Con biết thế từ lâu rồi mẹ ạ,
Cố quên đi để tâm trí thảnh thơi,
Nhưng hỡi ơi, gan ruột vẫn tơi bời,
Không ngăn nổi tiếng lòng đang thổn thức.
Tiếng gió:
Vui lên đi ! Hãy đem nguồn sinh lực
Tưới lên cho vạn vật hết u sầu.
Ta nghiêng mình trước mọi nỗi khổ đau
Và thông cảm mối sầu thương vạn kỷ.
Da Du:
Con xin hứa dứt muôn dòng sầu luỵ
Để một lòng tin tưởng ở ngày mai
(ôm con vào lòng)
Thái tử đi vì nặng cứu muôn loài,
Ý chí ấy là vô biên lực lượng.
Trần thế kia còn bao nhiêu vất vưởng
Đang đợi ngài một ánh sáng thoát ly
Nguyện từ nay xin bỏ hết sầu bi,
Phương xa lạ, ngài an tâm tìm đạo !
Tiếng gió:
Phải mạnh mẽ vượt qua cơn vũ bão
Của tiếng lòng, hỡi bao kẻ sầu bi !
Ôi cao siêu mầu nhiệm chí nam nhi
Thân gió bụi nguyền xông pha sương tuyết
Thân gió bụi nguyền quên bao thương tiếc,
Cả tình yêu, cả tôn quí ngai vàng !
(Một thị nữ đã quỳ xuống bên gối)
Thị nữ:
Trời khuya rồi, gió lạnh thổi sương ngàn,
Xin lệnh mẫu và nương nương vào nghỉ.
Da Du (nhìn dì):
Thưa Mẹ, khuya rồi, xin Người vào nghỉ.
Bà Kiều Đàm (nhìn con):
Ừ, khuya rồi, con đem La Hầu La vào nghỉ
Kẻo sương trăng lạnh lẽo lắm, không nên.
(Ba người đi trước, thị nữ theo sau. Tiếng gió vi vu)
Tiếng gió:
Trăng khuya ơi, trần giới vẫn liên miên,
Ngàn cây sáng, ánh trăng đùa nhấp nháy
Nhè nhẹ thoảng trong hồn người, sống dậy
Một niềm vui êm đẹp đượm ước nguyền.
(Bốn câu vừa dứt thì bốn người đã khuất sau bóng cây…Tiếng địch văng vẳng trên không trung)
Tiếng địch:
Thổi lời thơ tận muôn phương xa lạ,
Nhịp nhàng đưa âm điệu lướt không gian,
Ánh trăng thu reo mừng trong kẽ lá
Và vi vu theo điệp khúc trường giang…
Mau lên đi, chậm rãi, ánh trăng tan !
Dồn dập sóng, tiếng cõi lòng thúc dục
Mau lên đi, với trọn niềm thao thức
Người, người ơi ! Vũ trụ đang mê man…
(Tiếng địch nhỏ dần, xa dần, rồi cuối cùng im bặt, trong khi ánh trăng dịu dàng đan qua kẻ lá những sợi tơ trăng lấp la lấp lánh)