Con hát cho Thầy thở

(Sư cô Chân Không)

Chia sẻ của sư cô Chân Không nhân ngày cúng thất thứ 2 của Sư Ông, tại chùa Tổ Từ Hiếu.

Thầy là cọp chúa, con là cọp con

Con mang tuổi cọp. Hồi nhỏ, con là một đứa cứng đầu lắm, ai nói gì cũng không nghe. Con thường nói: “Em là con cọp đó, đừng ép…” Vậy mà khi vào tăng thân, Thầy bảo gì con đều làm hết và con không cãi gì! Con vâng lời và làm hết sức mình, sống chết với những điều Thầy căn dặn. Con nhỏ hơn Thầy đúng 12 tuổi. Con thấy mình đúng là một con cọp con, bổ túc cho phần nào còn thiếu, dù rất nhỏ, của con cọp chúa là Thầy. Cọp chúa thiếu móng chân, con sẽ làm móng chân của cọp chúa. Thầy cần con làm chuyện gì thì con làm. Chuyện gì Thầy không làm được, con đều cố gắng giúp Thầy thực hiện.

Con hát cho Thầy thở

Có lần, một nhóm thượng nghị sĩ Pháp mời Thầy chia sẻ pháp thoại. Hôm ấy con lái xe đưa Thầy đi cùng một vài vị khác. Mới về ngày hôm trước, sau chuyến đi Thụy Sĩ, nên Thầy còn rất mệt, không nói được nhiều. Chia sẻ được khoảng một phần tư câu chuyện thì tự nhiên Thầy nói bằng tiếng Pháp: “Sư cô Chân Không sẽ lên hát cho quý vị nghe một bản nhạc”. Con hết sức ngạc nhiên vì Thầy chưa diễn thuyết gì hết mà lại dạy con lên hát. Con liền đi tới gần Thầy. Thầy nói với giọng rất nhỏ: “Này con, con hát giùm Thầy ba, bốn hay năm bản cũng được vì Thầy mệt quá, thở không ra hơi. Tự nhiên, Thầy mệt quá đó con”. Thế là con hát hết bài này tới bài khác, nhưng thỉnh thoảng con lại nhìn Thầy để xem đã đủ chưa. Thầy bảo con hát thêm nữa. Sau đó, Thầy cười và nhìn khỏe khoắn hơn hẳn. Bài pháp thoại hôm đó Thầy đã giảng rất hay! Những lúc Thầy mệt, Thầy giảng không được thì Thầy dạy con hát chen vào chỗ trống để có thời gian cho Thầy thở. Con thấy con không làm được gì nhiều đâu nhưng mà Thầy cũng mệt lắm nếu không có người hát cho Thầy thở!

 

Thầy cho con xuất gia đi Thầy

Vừa qua tới Pháp con xin Thầy: “Thầy cho con xuất gia đi Thầy”. Nhưng Thầy nhất định không chịu. Lí do là vì ở Pháp sau đệ nhị thế chiến, rất nhiều cô gái Pháp đã từng có liên hệ thân mật với lính Đức đều bị cạo đầu. Họ bị coi là những cô gái ăn sương, là người phản quốc. Thầy nói: “Nếu con cạo đầu thì người ta có thể hiểu nhầm. Con biết tại sao Thầy để tóc dài không? Tại vì trong thời gian này, ở Âu châu xuất hiện một nhóm gọi là Skin head. Họ cạo sạch tóc, chỉ còn thấy da đầu và họ đã làm nhiều chuyện xấu. Nếu Thầy cạo đầu, họ tưởng Thầy thuộc nhóm Skin headnên Thầy phải để tóc giống các ông Cha”. Thành ra Thầy để tóc dài. Thầy cũng nói con để tóc dài và con vẫn được mặc áo dài như thường.

Sau này, khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, công việc cứu thuyền nhân cũng kết thúc. Với tư cách cư sĩ, con làm gì cũng không được nữa, con lại năn nỉ Thầy cho con xuất gia. Khi đó Thầy nói: “Thầy cần những vị tam sư thất chứng giỏi nhưng ở Pháp thì chỉ có một mình Thầy (lúc đó, mình chưa mời được quý Hòa thượng và quý Ni sư bên Việt Nam qua). Con chờ năm tới, Thầy sẽ tổ chức đi hành hương Ấn Độ và sẽ cho con xuất gia ở núi Linh Thứu. Thầy sẽ đảnh lễ và xin đức Bổn Sư làm thầy truyền giới cho con, Thầy chỉ là Giáo thọ A Xà Lê, chỉ thuyết giới giùm cho đức Bổn Sư thôi. Thầy biết con là một người con gái rất giỏi của Bụt. Con ráng chờ”. Quả đúng năm sau, con được đi Ấn Độ với một nhóm cư sĩ, trong đó có ca sĩ Hà Thanh. Lúc đó, không ai biết sau khi lên núi Linh Thứu, Thầy sẽ truyền giới cho con và Tam sư thất chứng là Bụt và các Ngài Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ưu Bà Ly, A Nan Đà, La Hầu La, Gotami… Lần đó, trên núi Linh Thứu, cùng với con, sư cô Chân Đức cũng được thọ giới Tỳ kheo ni, sư cô Chân Vị thọ giới Sa di ni.

Con nhớ đã từng chia sẻ với Thầy: “Con rất thương và rất kính phục đức Thế Tôn, con muốn đi theo con đường của đức Thế Tôn nhưng con có cảm tưởng con sẽ không hạnh phúc khi xuất gia ở một ngôi chùa Ni tại Việt Nam. Con có duyên được gần gũi một Ni sư ở Bến Tre. Ni sư cưng con lắm. Ni sư nói: con thế nào cũng sẽ thành Phật, nhưng trước hết con phải tu giỏi thì kiếp sau con sẽ sanh thành người nam, rồi người nam tu giỏi nữa thì kiếp sau con sẽ thành Phật. Nghe như vậy, con nói: “Con muốn lập chùa ni riêng, nếu chùa ni giống truyền thống thì con không thích lắm. Con đã bỏ mấy anh chàng để đi tu rồi, giờ lại trở thành người nam nữa thì chán lắm”. Khi nghe con chia sẻ như vậy, Thầy cười không nói gì. Con hỏi tiếp: “Dạ, trong tương lai con sẽ lập một chùa ni, không theo truyền thống, Thầy sẽ vẫn làm thầy cho chúng con phải không ạ?”

Từ đó, Thầy biểu gì con cũng làm theo ý của Thầy. Con hạnh phúc được làm phần bổ túc rất nhỏ của Thầy, góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp của Thầy.

Con cũng trở về với gốc rễ như Thầy

Con từng nghĩ Thầy sẽ không về lại Việt Nam. Nhưng ở Thái Lan hôm đó, quý thầy Pháp Ấn, Pháp Niệm và Trung Hải đã lên gặp Thầy, vì Thầy đang muốn diễn tả một việc gì đó mà chúng con cảm được là quan trọng lắm. Khi các thầy tới, Thầy chụm một bàn tay trên ngực, tay kia vẽ một vòng tròn và dừng lại ở điểm bắt đầu của hình tròn ấy. Chúng con đã hiểu ý Thầy: dù đi Đông hay Tây, cuối cùng Thầy vẫn muốn trở về với gốc rễ của Thầy. Ngày hôm nay, con xin phát nguyện là con sẽ không quên gốc rễ của Thầy. Gốc rễ của Thầy cũng là gốc rễ của con. Giống như Thầy, con cũng sẽ quay về với gốc rễ của mình.