Hai chiếc lá đầu cành

(Thầy Chân Pháp Linh)

Trải nghiệm tương tức, niềm vui và sự không sợ hãi tại Hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu lần thứ 26 (COP-26).
Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh

Bạn có nhớ khoảnh khắc bạn đi từ sự nhận thức rằng thiên nhiên đang bị tàn phá và hủy hoại đến quyết định rằng bạn sẽ hành động để chấm dứt sự hủy diệt đó không?

Khi còn bé, một trong những chốn vô cùng linh thiêng đối với tôi là khu rừng trên những triền đồi gần nhà ở miền Bắc nước Anh. Vào mùa thu, cả gia đình chúng tôi thường tới đó hái nấm. Đó là những kỷ niệm trong số những ký ức hạnh phúc nhất trong thời thơ ấu của tôi. Khu rừng hoang sơ và đẹp đẽ trải xuống một thung lũng sâu uốn lượn, chạm khắc bởi một dòng nước lớn ào ạt chảy. Những chỗ tốt nhất để tìm nấm nằm hai bên bờ rêu phong dốc đứng mà bạn phải dùng tay bám chặt vào cỏ nếu không muốn ngã nhào xuống khe suối. Chúng tôi chưa từng gặp ai trong khu rừng đó. Có cảm giác như đây là chốn dành riêng cho chúng tôi vậy. Chúng tôi thường về nhà với những giỏ đầy những thứ nấm ngon lành: nấm mào gà, nấm sừng, nấm nhím và tất nhiên có cả nấm cèpes tuyệt vời! Trong trí nhớ của tôi vẫn còn sống động niềm vui đơn giản và tinh khiết khi khám phá ra những mảnh thân nấm lấp ló dưới những đám lá rụng, nép mình thật sâu trong lớp rêu dày.

Một năm nọ, chúng tôi trở lại đó và một nửa khu rừng đã không còn. Ở một phía của thung lũng, từng cái cây đã bị đốn ngã và kéo đi. Những gì còn lại trông giống như một bãi chiến trường. Ngay cả phía bên thung lũng chưa bị cắt cũng có cảm giác tổn thất, dường như những cái cây bên này đang để tang vậy. Nơi khu rừng ngã xuống, mặt đất đầy những vết sẹo rách nát do những máy móc lớn gây nên. Cả khu rừng như co rúm lại, đổ vỡ và thương tổn. Tôi cảm thấy đầy giận dữ và hoang mang. Làm sao có người lại làm điều này được? Tại sao người ta có thể tàn phá thánh đường xanh kỳ diệu này và để lại đằng sau một bãi đất hoang như vậy?

 

 

Nhìn lại, tôi thấy rằng đó là những giây phút then chốt để tôi bước từ sự nhận thức rằng thiên nhiên đang bị tàn phá và hủy hoại, tới quyết tâm hành động để dừng lại sự hủy diệt môi sinh. Tôi nhất định tìm ra con đường để chúng ta có thể sống mà không phải cắt bỏ ngay cành cây mà chúng ta đang ngồi lên. Lần đầu tiên tôi nghe nhắc đến cụm từ “hâm nóng địa cầu” là năm tôi khoảng 12 tuổi

Kể từ đó, cuộc sống của tôi luôn đi cùng ý thức về sự gia tăng nhanh chóng quá trình hủy hoại đất Mẹ của chúng ta. Đối diện với mối đe dọa khổng lồ như vậy, trong suốt nhiều năm tôi đã gắng sức tìm cách tạo ra một sự thay đổi, và tôi đã bị thuyết phục rằng nền văn minh của chúng ta đang thực sự diệt vong. Chỉ tới khi tôi gặp Thầy và tăng thân, tôi mới bắt đầu nhìn ra hướng đi.

Chúng ta biết rằng khí hậu trên trái đất đang thay đổi nhanh chóng. Có lẽ chúng ta đã làm mất đi sự cân bằng mong manh của những điều kiện cho phép chúng ta phát triển như một giống loài trong suốt 12.000 năm qua. Một sự mất cân bằng không cứu vãn nổi. Chúng ta đã và đang nhìn thấy những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây căng thẳng lên mọi mặt của thế giới, làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn, nhất là cho những ai trên bờ vực đói nghèo. Điều đó đang xảy ra ngay bây giờ.

Đây là một phần lớn trong quyết định trở thành tu sĩ của tôi. Tôi nhận ra rằng đối với loài người, những năm tháng mà chúng ta còn có thể lấy từ đất Mẹ sắp đến hồi kết. Câu hỏi duy nhất đối với tôi là chúng ta cần hành động như thế nào ngay bây giờ, khi biết rõ những gì sẽ tới?

Trải qua một thời gian thực tập cùng quý thầy, quý sư cô tại Làng Mai và nghe pháp thoại của Thầy, tôi bắt đầu hình dung thế giới sẽ ra sao nếu càng ngày càng có nhiều người được chỉ dạy và thực hành nghệ thuật sống bình an. Không cần phải lựa chọn đứng về phe nào trong những cuộc tranh chấp, họ sẽ chia sẻ đến mảnh lương thực cuối cùng, sẽ mang tình thương và tha thứ đến xoa dịu giận dữ và sợ hãi, sẽ biết giúp người khác chữa lành những vết sẹo từ nhiều loại thương tích. Và trên tất cả, tôi bắt đầu nhận ra sức mạnh của một nhóm người thực hành nghệ thuật sống như một tăng thân.

Thầy luôn chỉ ra một cách rõ ràng rằng đưa tuệ giác tương tức ứng dụng vào đời sống có thể giúp nền văn minh của chúng ta chuyển hướng khỏi tình trạng bị phá hủy hiện nay. Đó là tuệ giác về Không, tuệ giác có thể giúp chúng ta chặt đứt những ràng buộc đối với khổ đau của chính mình – những phiền não đang che mờ mắt chúng ta, đưa chúng ta vào một lối sống bị dẫn dắt bởi cạnh tranh và ích kỷ. Nhưng nhiều khi cái thấy này có vẻ xa vời, trừu tượng hoặc không thực tế. Tôi đã từng nghĩ về nó như một điều mình chỉ có thể thực hiện được sau rất nhiều thập kỷ thực tập, thậm chí như cái gì đó mà tôi không thể nào đạt được trong kiếp sống này.

 

TED Countdown Summit. ©Ryan Lash

 

Giờ đây, nhất là sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, tôi nhận ra rằng chúng ta hiện đang sống trong tuệ giác này rồi. Tuệ giác ấy được xây dựng trong chính cuộc sống của tăng thân. Chính tuệ giác mang tính ứng dụng này là cái mà chúng ta có thể hiến tặng cho thế giới.

Vào tháng 10 năm 2021, thầy Pháp Hữu, sư cô Lăng Nghiêm, sư cô Hiến Nghiêm và tôi đã tham dự sự kiện TED Countdown Summit (Diễn đàn sáng kiến toàn cầu hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp cho biến đổi khí hậu) tại Edinburgh. Đó là một sự kiện được thiết kế để gây cảm hứng và chuẩn bị cho Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26) sẽ diễn ra vài tuần sau đó tại Glasgow. Khi quay về Làng Mai, tất cả chúng tôi đều tập trung tham dự trở lại khóa An cư hàng năm. Nhưng vì rất nhiều người được đánh động bởi sự có mặt của các xuất sĩ tại Edinburgh, nhất là bởi bài thuyết trình của sư cô Hiến Nghiêm, nên người ta cũng muốn mời chúng tôi tới cả Glasgow nữa. Chúng tôi đánh giá nhanh tình hình và đồng ý cử hai người đại diện cho tăng thân tham dự sự kiện lịch sử này.

Khi quyết định được đưa ra, bỗng nhiên tôi thấy mình phải đối diện với chuyện tham dự COP-26, và thật ra điều này làm tôi hơi lo ngại. Chúng tôi sẽ nói gì đây? Chúng tôi có thể thực sự hiến tặng điều gì, giúp được gì? Tôi không có ý gì hết. Chúng tôi thậm chí không biết rõ rằng chúng tôi sẽ làm gì tại đó. Nhưng đồng thời, tôi cảm thấy ngọn lửa của nguyện ước từ khi còn là một cậu bé vẫn ở trong trái tim tôi. Cả cuộc đời tôi đã tìm kiếm con đường có thể giúp chuyển hướng những khủng hoảng của hiện tại và tương lai mà chúng ta đang phải đối mặt. Và giờ đây chúng tôi có một cơ hội để cống hiến.

Chỉ vài ngày ngắn ngủi sau đó tôi thấy mình đã ở Glasgow, hội ngộ với thầy Pháp Dung – người y chỉ sư, người thầy, sư anh và người bạn thực sự trên con đường thực tập của tôi. Thật vui khi được kết nối lại và chia sẻ với nhau niềm hứng khởi trong khi cùng bàn bạc những nội dung, những Pháp vị nào chúng tôi muốn hiến tặng.

Tại Edinburgh, tôi nhận ra điều đánh động mọi người nhất là được thấy cách chúng tôi – các xuất sĩ Làng Mai – vận hành như một thể thống nhất, như một cơ thể. Càng trao đổi với nhau, thầy Pháp Dung và tôi càng thấy rõ điều mà chúng tôi có thể tự tin để chia sẻ là sự thực tập tương tức trong tăng thân và tình huynh đệ. Thế giới đang bị hủy hoại bởi chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh và tham lam. Thuốc chữa cho căn bệnh đó là tuệ giác sống động về tương tức. Bởi vậy, chúng tôi đã nguyện làm hết sức mình để sống với tuệ giác ấy.

Ý thức rằng chúng tôi không chỉ là hình tướng mà mọi người nhìn thấy, chúng tôi đã nguyện có mặt tại Hội nghị như hai chiếc lá non trên cây đại thụ mà không phải là những cá thể riêng lẻ. Chúng tôi không chỉ là hai người anh em, chúng tôi là cả cái cây, là những cái rễ, là cả một mạng lưới đang liên kết toàn bộ khu rừng. Bất cứ khi nào không biết phải nói gì hay làm gì, tôi lại hết lòng thắp sáng ý thức ấy, kết nối mình với tăng thân, với các huynh đệ, với Thầy, với tổ tiên tâm linh, và với đất Mẹ. Sau đó mọi việc đều trở nên dễ dàng.

Trong khi chia sẻ với các đại biểu tại Hội nghị, chúng tôi rất hạnh phúc khám phá ra rằng tuệ giác tương tức và tương nhập cũng đang dần lớn lên mạnh mẽ trên thế giới. Thực tế, trong phong trào chống biến đổi khí hậu, hầu như mỗi người đều biết đó là con đường cần đi tới. Nhưng tôi nhận ra rằng, đối với nhiều người, tuệ giác này mới chỉ dừng lại ở mức độ trí năng mà chưa được truyền tải vào cách sống của họ. Họ hiểu nguyên tắc tương tức, nhưng họ vẫn đang sống như một cá nhân riêng lẻ, như một cá thể phải kiếm sống, phải gây dựng danh tiếng cho bản thân qua một sự nghiệp và tên tuổi. Nhưng may mắn là khi được thấy tuệ giác này có thể áp dụng như thế nào thông qua một ví dụ thực tiễn thì họ hiểu ngay lập tức. Bạn chỉ cần nhẹ nhàng khơi mở là họ đã sẵn sàng tiếp nhận rồi. Thật là một tin tốt lành!

 

Gặp gỡ với Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore

 

Niềm vui lớn nhất của tôi trong những ngày ở Glasgow là hiểu ra rằng Thầy đã cho chúng ta mọi thứ cần thiết để giúp những người ở đây bước một bước đi tới. Trong tăng thân, chúng ta được chỉ dạy cách sống cùng nhau và nương tựa vào nhau. Tính tương tức được thể hiện rất sống động trong mọi cấp độ của đời sống tăng thân, trong cách giảng dạy cũng như trong sự thực tập. Tất cả những gì chúng ta cần làm để trao truyền tuệ giác tương tức là tiếp tục những gì chúng ta đang làm.

Mọi người trong Hội nghị không thể nào chỉ ra giữa tôi và thầy Pháp Dung ai là “sếp”. Họ biết thầy Pháp Dung là sư anh lớn, cho nên lúc đầu họ nghĩ tôi ở đó để làm việc hậu cần xung quanh và thầy sẽ cho tất cả các bài pháp thoại. Nhưng chúng tôi không vận hành như vậy. Mỗi buổi tối chúng tôi sẽ cùng nhau “nấu Pháp”, thảo luận về những gì mà chúng tôi cảm nhận là có hiệu quả, quán chiếu những gì cần điều chỉnh lại, và tìm cách chia sẻ cái thấy của chúng tôi một cách thích hợp. Ngày hôm sau, dù tuệ giác đó do ai chia sẻ đi nữa thì người còn lại cũng không hề có cảm giác rằng “Ồ, tại sao anh lại nói cái ý của tôi, đó là cái thấy của tôi mà!”

Thực sự chúng tôi giống như một cơ thể với hai cái miệng vậy. Chúng tôi tuy hai mà là một, và mọi người đều có thể cảm nhận được điều đó. Trong hội nghị, chúng tôi không làm bất cứ điều gì đặc biệt, chỉ làm những gì chúng tôi được học, được thực tập bình thường tại Làng Mai. Nhưng điều đó đã làm nên một sự tương phản với phần lớn những gì thế giới đang vận hành. Điều này thực sự đã đánh thức mọi người. Họ bắt đầu xem xét tương tức không chỉ như một khái niệm mà là một điều chúng ta có thể sống với.

Một buổi sáng khi thức dậy, tôi cứ mỉm cười hoài. Lòng tôi tràn ngập niềm biết ơn Thầy. Tôi biết ơn vì tăng thân có một cái gì đó để hiến tặng cho Hội nghị lịch sử này và cái mà mình hiến tặng thực sự mang lại hiệu quả! Thầy đã chuẩn bị mọi thứ thật hoàn hảo. Thầy trao truyền cho chúng ta những cách thức giảng dạy và thực hành có thể giúp đem lại hiệu quả ngay lập tức. Đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn nhất. Tôi chia sẻ cái thấy giản dị này với thầy Pháp Dung và niềm vui cứ lớn thêm lên, phản chiếu qua lại giữa chúng tôi trong khi chia sẻ.

Niềm vui đơn sơ đó cũng là một phần mà chúng tôi đã hiến tặng tại Hội nghị. Có biết bao nhiêu người đang chìm ngập trong tuyệt vọng và lo buồn, đặc biệt trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Họ là những người biết rõ hơn chúng ta rằng môi trường đang trong tình trạng thực sự tệ hại đến mức nào. Càng biết nhiều thì họ càng thấy tình trạng có vẻ tồi tệ hơn. Tại COP-26, cảm giác “chúng ta sắp hết thời gian” và “có lẽ đã quá trễ rồi” là một tâm thức cộng hưởng rất mạnh. Rất nhiều lần, mỗi khi chúng tôi tiếp xúc với ai đó, chỉ trong vòng vài giây họ có thể vỡ òa trong nước mắt. Không phải bởi vì họ sầu khổ, mà bởi vì họ có thể nhận ra và cảm được niềm vui của chúng tôi, sự có mặt của chúng tôi và niềm vui của tăng thân được hiển lộ qua chúng tôi.

Họ có thể thấy được tận mắt rằng chúng tôi đang thực sự sống cái giải pháp mà họ đang kiếm tìm, và ngay lập tức điều đó mang lại cho họ niềm hy vọng. Niềm vui của chúng tôi trở thành niềm vui của họ và họ có thể tiếp tục những công việc của họ bằng một con đường mới. Họ đã khóc những giọt nước mắt nhẹ nhõm, vì giờ đây họ hiểu rằng sống với tuệ giác tương tức là điều có thể làm được, mà không phải chỉ là một giấc mơ cho tương lai.

Họ còn cảm động vì chúng tôi hầu như không sợ hãi trước những khổ đau của họ. Khi có người chia sẻ nỗi niềm của họ, chúng tôi đã có thể lắng nghe mà không cảm thấy bị ngập chìm trong đó. Và ít hay nhiều, chúng tôi cũng biết cách giúp họ ôm ấp được cảm thọ và tâm hành của mình. Mà điều đó có được chỉ bởi vì chúng tôi đã từng có kinh nghiệm đối mặt, chăm sóc cho khổ đau của chính mình.

 

Chia sẻ về thiền tập do The New York Times Climate Hub tổ chức. ©Craig Gibson

 

Mỗi một bước nhỏ chúng ta làm được trên con đường chuyển hóa đều trực tiếp liên hệ tới những gì mà chúng ta có thể hiến tặng cho người khác. Chúng ta có thể ôm ấp được nỗi buồn hay sự hoang mang của chính mình. Chúng ta có thể thở được một hay hai hơi thở làm êm dịu cảm giác tổn thương, thay vì phản ứng lại. Chúng ta có thể thở trong khi đi qua cảm giác lo âu hay cảm giác mình là nạn nhân và giải thoát chính mình khỏi những cảm giác lo âu hay sợ hãi đó… Dù mỗi lần chúng ta chỉ làm được chút xíu thôi thì sự tự tin và không sợ hãi đều biểu hiện khi chúng ta có mặt cho những ai đang đau khổ. Chúng ta biết mình có thể chuyển hóa nỗi đau của mình nên người khác cũng có thể làm như vậy. Người kia có thể cảm nhận được điều đó và khi họ nhận được sự không sợ hãi của chúng ta là họ đã thấy nhẹ nhõm rồi.

Sự chuyển hóa của tự thân là một sự hiến tặng. Và khi cùng đi với nhau như một tăng thân, chúng ta có thể hiến tặng rất nhiều. Tất cả chúng ta đều đã và đang chuyển hóa ít nhiều, dù đôi khi ta cảm giác là chưa đủ, dù cho chúng ta vẫn còn khổ đau lúc này lúc khác. Cùng với nhau như một cộng đồng, chúng ta trao truyền những kinh nghiệm thực chứng về chuyển hóa khổ đau, và điều đó có giá trị hơn bất cứ điều gì khác mà thế giới đang cần ngay lúc này.

Tại Glasgow, cả thầy Pháp Dung và tôi đều cảm thấy rất may mắn khi được làm công việc này ngay trong kiếp sống này: làm nên sự khác biệt, chỉ bằng cách sống như một tế bào trong tăng thân. Ý thức về khổ đau trên thế giới và ý thức rằng khổ đau có thể tăng bội phần trong những năm tới đây, thật là một điều vô cùng may mắn khi nhận ra rằng chúng ta có thể làm một điều gì đó, và cùng với tăng thân, chúng ta có thể làm được rất nhiều.