Đem chánh niệm vào trường học
(Bài viết được chuyển ngữ bởi An Ban Team, Wakeup schools Việt Nam)
Richard Brady (Chân Pháp Kiều) là một giáo viên toán trung học đã nghỉ hưu, và là một giáo thọ cư sĩ của Làng Mai. Richard cũng là người hướng dẫn khóa tu, là nhà văn, nhà tư vấn giáo dục và điều phối viên của Chương trình Wake Up Schools (cấp độ II) ở Bắc Mỹ. Gần đây ông đã viết một cuốn sách có tựa đề “Walking the Teacher’s Path with Mindfulness” (tạm dịch: “Bước đi trên con đường nhà giáo cùng chánh niệm”). Đây là đoạn trích của một cuộc phỏng vấn do Kaira Jewel Lingo thực hiện vào tháng 8 năm 2021, được tổ chức bởi Wake Up Schools, Làng Mai. Các bạn có thể xem toàn bộ cuộc phỏng vấn tại youtu.be/o68kYh2N_U4.
Đi tìm con đường chánh niệm
Thưa bác, nhân duyên nào đưa bác đến với con đường chánh niệm và sự thực tập chánh niệm đã giúp bác thay đổi ra sao?
Năm 1987, tôi tìm thấy cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức. Khi đọc câu chuyện đầu tiên trong cuốn sách về cách làm sao tìm được thời gian không có giới hạn cho chính bản thân, tôi đã nghĩ, tôi cần mang cuốn sách này vào lớp toán và đọc cho học sinh của mình. Tôi tin các em sẽ nhận được rất nhiều lợi ích từ việc này. Học sinh có quá nhiều bài vở và chịu áp lực học hành khá lớn nên việc chạm vào được thời gian không giới hạn cho bản thân sẽ là món quà tuyệt vời nhất mà tôi có thể dành cho các em.
Mỗi ngày đến lớp, tôi bắt đầu tiết học với một trích đoạn trong cuốn sách. Khi nghe hết cuốn sách đó, các em nói là thích nghe một cuốn sách khác. Vậy là tôi đọc tiếp cuốn Trái tim mặt trời. Lúc đó, đọc sách của Thầy đối với tôi giống như đọc sách khoa học viễn tưởng vậy, bởi tôi không thấy bất kỳ ai sống theo cách Thầy mô tả, và cũng không biết làm thế nào mà có thể sống theo cách đó.
Vào cuối năm học, các học sinh cuối cấp được phép thực hiện các dự án đặc biệt, sau đó báo cáo kết quả dự án với cả lớp. Tôi rất xúc động khi nghe một em chia sẻ về hai tuần của mình tại một trung tâm thiền ở Washington, DC, nơi em đến mỗi ngày để thực tập và phụ giúp công việc. Quay trở lại trường, em ấy nhìn thật rạng rỡ và tràn đầy năng lượng. Trong phần hỏi đáp, một bạn trong lớp hỏi em: “Chris, mình thấy bạn dường như đã thay đổi sau trải nghiệm này. Bạn đã dành rất nhiều thời gian để ngồi thiền, nhưng điều gì thật sự làm cuộc sống của bạn thay đổi?” Chris suy nghĩ một phút và trả lời: “Chánh niệm đã làm thay đổi cuộc sống của mình theo nhiều cách. Rất khó diễn đạt thành lời! Nhưng mình có thể nói là mình bớt nóng tính hơn”. Khi nghe câu trả lời của Chris, tôi nghĩ: “Đây là người thầy của tôi!” Tôi nói với Chris, “Thầy cần phải làm những gì em đang làm. Thầy cần bắt đầu thực tập thiền”.
Đó là khởi đầu dẫn dắt tôi đến với Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Mọi thứ sau đó dường như là định mệnh.
Đem chánh niệm vào trường học
Thưa bác, bác đã bắt đầu đưa sự thực tập chánh niệm vào trường học như thế nào và nó tác động đến các học sinh ra sao?
Khi gặp được Thầy và bắt đầu con đường thiền tập, tôi vẫn chưa sẵn sàng mang pháp môn này vào trường Quaker, nơi tôi giảng dạy. Lúc ấy, tôi chưa thấy cơ hội nào thuận tiện và sự thực tập của tôi còn rất non yếu. Vì vậy, tôi chỉ chuyên tâm thực tập. Một vài năm sau, trường đưa ra một khóa học mới, có tính bắt buộc, dành cho học sinh lớp chín. Khóa học này có một học phần về sức khỏe. Tôi đến gặp giáo viên dạy môn đó và hỏi liệu tôi có thể dạy một buổi về cách giảm căng thẳng không? Cô bạn đồng nghiệp hoan hỷ yểm trợ. Thế là tôi bắt tay soạn giáo án.
Tôi chỉ có 45 phút, vì vậy bất cứ điều gì tôi làm cần phải gây một ấn tượng đáng nhớ trong lòng các em. Tôi tự hỏi, các em thực sự quan tâm đến điều gì? Frank McCourt, tác giả của cuốn “Teacher Man” (Người thầy – Hồi ức của một nhà giáo Mỹ), cho rằng có hai thứ mà học sinh trung học của ông quan tâm: tình dục và thức ăn. Còn đối với tôi, tôi muốn thêm một điều, đó là các em rất muốn tìm hiểu chính mình. Các em là những đứa trẻ mười bốn tuổi đang cố hình dung xem mình là ai. Vậy thì tại sao tôi không thử mời các em khám phá tâm trí của chính các em?
Tâm trí thường là một phần chưa được biết, chưa được khám phá của chính chúng ta. Chúng ta biết cách sử dụng nó nhưng lại không biết điều gì đang diễn ra bên trong. Vì vậy, tôi mời các em học sinh làm một bài thực hành, đó là quan sát điều gì xảy ra trong tâm trí của mình trong vòng năm phút. Tôi so sánh tâm trí như một sân khấu nơi sẽ xuất hiện những vai diễn khác nhau. Nhân vật sẽ ở đó một lúc, rồi sẽ rời đi. Sau đó, tôi mời cả lớp cùng chia sẻ về những gì các em có thể nhìn thấy trên sân khấu của chính mình. Các em nhận ra là mình có ý thức hơn về những cảm xúc, suy tư, những cảm giác đến từ bên trong cũng như từ những tác động của thế giới bên ngoài.
Các em được hướng dẫn là chỉ tập trung chú ý đến những gì đi lên trong tâm trí mà thôi. Tôi hỏi: Các em có nghĩ là trên sân khấu có thể có nhiều diễn viên xuất hiện cùng một lúc không? Hầu như các em đều trả lời rằng điều đó có thể xảy ra, nhưng các em không chắc. Sau đó tôi lại hỏi: liệu sân khấu có thể để trống trong một thời gian hay không? Chỉ có một vài em nghĩ rằng điều này là có thể. Sau khi cả lớp thử nghiệm quan sát tâm trí của mình, tôi chuyển sang câu hỏi: Có bao nhiêu người đã có suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực trong năm phút vừa qua? Hầu như các em đều trả lời có. Những suy nghĩ đều liên quan đến những việc chưa xảy ra, những việc đã xảy ra, hoặc một vấn đề có thể liên quan đến bạn bè hoặc cha mẹ, và đôi khi là một vấn đề đang xảy ra ngay thời điểm hiện tại khi mà các em không thích những gì mình đang làm. Vì vậy, thật dễ dàng để tôi bắt đầu chia sẻ với các em về những gì đang diễn ra trong tâm trí ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các em.
Khi có nhiều suy nghĩ tiêu cực đi lên trong tâm trí, có thể ta sẽ cảm thấy chán nản nếu ta chú ý quá nhiều đến chúng, trừ khi ta có thể làm gì đó với những suy nghĩ này. Vì vậy, tôi đã nói: “Có một điều các em có thể làm!” Và chúng tôi đã cùng nhau thực hành một bài thiền tập ngắn:
Thở vào, tôi thấy tôi là bông hoa.
Thở ra tôi cảm thấy tươi mát.
Thở vào, tôi thấy tôi là trái núi.
Thở ra, tôi cảm thấy vững vàng.
Qua bài thực hành, các em bắt đầu nhận thấy tâm trí có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến cuộc sống của mình. Và các em biết rằng mình có thể làm một điều gì đó để tâm trí trở nên cởi mở, tích cực hơn.
Nhiều năm sau, một số em khi về thăm tôi còn nhắc lại kỷ niệm cả lớp cùng nghe một đoạn trích trong các tác phẩm của Thầy vào đầu buổi học. Có em thì nhớ những điều tôi đã chia sẻ trong các tiết học về giảm căng thẳng. Tôi nhận thấy rằng giảm căng thẳng không chỉ là vấn đề của trường học mà thôi. Thực ra, cả thế giới đang trong tình trạng căng thẳng. Tôi có thể thấy chánh niệm sẽ trở thành một con đường hết sức quan trọng, giúp ta chủ động đối diện với những khó khăn, thách thức trong thế giới mà tất cả chúng ta đang bước vào.
Trong hai năm cuối trước khi về hưu, tôi đã bước thêm một bước nữa. Tôi được nhà trường cho phép bắt đầu mỗi tiết học của mình với năm phút thực tập chánh niệm. Đôi khi tôi cho các em đọc một bài thơ hoặc một truyện ngắn của Thầy cũng như của nhiều tác giả khác. Mỗi tuần một lần, các em có giờ “tự do sáng tác” (“free writing”). Trong giờ đó, các em được hướng dẫn ghi lại bất cứ cái gì đi lên trong đầu mình trong vòng năm phút. Đây là một trải nghiệm có tính cách mạng đối với nhiều em. Cuối năm học, các em đã viết thư kể cho tôi nghe những đột phá quan trọng, cũng như những điều các em thấy được về chính mình trong quá trình viết hay sáng tác trong chánh niệm.
Chánh niệm và toán học
Thưa bác, là một giáo viên dạy toán, làm thế nào mà bác có thể kết nối chánh niệm với toán học trong việc giảng dạy của mình?
Ban đầu, việc kết nối chánh niệm với toán học quả là một thách thức đối với tôi. Bởi vì toán học tập trung vào việc phân tích và tìm câu trả lời. Toán học hướng đến điểm cuối cùng, đến kết quả. Trong khi đó, chánh niệm lại là sự có mặt trong từng khoảnh khắc và có mặt cho bất cứ điều gì đang biểu hiện. Điều quan trọng đối với tôi trong việc giảng dạy là giúp các em học được cách ngồi yên và nhìn sâu vào một bài toán, mặc dù chưa có đáp án, hoặc chưa tìm ra phương pháp để giải nó. Em chỉ cần ngồi với bài toán mà không cảm thấy rằng em sẽ bị phạt nếu em không tìm ra đáp án.
Trên thực tế, đôi khi tôi sẽ hỏi: “Câu hỏi nào đi lên trong các em khi nhìn vào bài toán này? Cái gì đi lên trong đầu các em?” Tôi muốn các em học cách suy tư và thấy rằng các em có thể ngồi với một vấn đề nào đó và để cho những câu hỏi tự đi lên trong mình, chỉ cần như vậy thôi. Tôi phải thừa nhận rằng đây không phải là một quá trình dễ dàng đối với những học sinh đã quen với việc tìm ra đáp án và không quen với việc tự đặt ra các câu hỏi.
Tôi thấy mình thành công trong lớp học khi bày cho học sinh cách hiểu bản thân mình hơn, cho dù các em chưa hẳn có nhiều tiến bộ trong việc học toán. Trước khi bắt đầu tiết học, chúng tôi đều thực tập chánh niệm trong năm phút. Sau đó, các em sẽ làm việc theo nhóm bốn người. Sự tập trung mà các em dành cho nhau khi làm việc nhóm, sự chú ý mà các em dành cho bài học đã làm chất lượng của cuộc thảo luận tăng cao hơn. Đó là nhờ các em có cơ hội ngồi yên và viết xuống giấy những gì làm các em vướng bận từ tiết học trước đó hay bất cứ một cái gì trong lòng.
Cả lớp cũng sẽ ngồi thiền năm phút trước khi làm bài kiểm tra. Nửa đầu của bài thiền tập, tôi mời các em chú ý xem mình đang cảm giác như thế nào, đang suy nghĩ gì trước khi bước vào bài kiểm tra. Đối với những học sinh không cảm thấy thoải mái hay tự tin, tôi muốn gửi đến các em một thông điệp rằng: không có gì sai với những cảm xúc đó. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được do khối lượng bài vở và áp lực của bài kiểm tra trước đó đã có ảnh hưởng đến thân tâm của các em. Thông điệp của tôi là “Không sao cả! Những cảm xúc đó không phải là thứ có thể chế ngự các em trong 45 phút tới”.
Sau đó, tôi hướng dẫn các em chú ý đến một điều gì mà các em đã làm liên quan đến toán học khiến các em cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Đó có thể là khi các em giải được một bài toán khó, hoặc hiểu được một khái niệm toán học phức tạp. Tôi mời các em nhắm mắt lại, ngồi với cảm xúc đó và ý thức rằng những giây phút hào hứng với toán học vẫn còn đó trong các em, cho dù ngay lúc này đây các em đang cảm thấy lo lắng. Tôi cũng mời các em làm tương tự khi các em cảm thấy đầu óc mình căng lên, không nhớ được điều gì hết trong quá trình làm bài kiểm tra.
Khát vọng chia sẻ sự thực tập chánh niệm với các nhà giáo
Thưa bác, điều gì khiến cho bác có ước muốn chia sẻ chánh niệm với các thầy cô giáo và tạo động lực để bác viết nên cuốn sách ‘Bước đi trên con đường nhà giáo cùng chánh niệm’?
Ở trường trung học nơi tôi từng giảng dạy, tôi là giáo viên duy nhất biết đến sự thực tập chánh niệm và cũng là người tìm đủ cách để khéo léo chia sẻ sự thực tập này với các em học sinh. Giờ đây nhìn lại, tôi thấy sở dĩ điều này đã có thể làm được như vậy là nhờ tôi đã thay đổi cách tiếp cận của mình đối với việc dạy học. Đây là điều khá quan trọng. Tôi cho mình đủ thời gian để thong thả làm những việc cần làm mà không phải là làm cho xong. Và tôi cũng dạy các em thực tập như vậy đối với những gì các em đang làm.
Có khi, tôi bắt đầu buổi học bằng cách cho các em ăn một trái nho khô, trong năm phút. Sau đó, chúng tôi cùng chia sẻ về cách ăn và làm thế nào để ý thức trọn vẹn những gì đang xảy ra trong khi ăn. Tôi gợi ý rằng các em có thể áp dụng sự thực tập đó trong khi làm bài tập: đừng vội vàng làm cho xong mà hãy dành ba mươi hay bốn mươi phút để làm bài tập, cho dù các em chưa hoàn thành cũng không sao. Cách các em làm quan trọng hơn là số lượng bài vở mà các em hoàn thành.
Khi viết cuốn sách Bước đi trên con đường nhà giáo cùng chánh niệm, tôi mong muốn các giáo viên cảm nhận được quyền tự chủ của mình trong việc chọn lựa những gì mình muốn truyền đạt cho học sinh. Tôi đã làm điều đó bằng cách kể lại những câu chuyện của chính tôi, những gì đã nuôi dưỡng và giúp cho tôi lớn lên trong quá trình dạy học. Sau mỗi câu chuyện, tôi đưa ra ba hoặc bốn câu hỏi để người đọc chiêm nghiệm. Hy vọng cuốn sách này giúp các giáo viên bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về cuộc sống của chính họ. Điều quan trọng mà tôi muốn hiến tặng cho các giáo viên qua cuốn sách này không phải là những lời hướng dẫn, chỉ bày những gì họ cần làm khi đến lớp, mà là lời khích lệ các giáo viên nuôi dưỡng sự thực tập chánh niệm cho chính mình. Một khi giáo viên đã nếm được lợi lạc của chánh niệm, bắt đầu cảm thấy thoải mái và sẵn sàng chia sẻ sự thực tập đó, họ sẽ tìm ra những cách phù hợp để trao truyền cho học sinh của mình.
Gần đây, tôi làm ra một bài thực tập có tên “Tự do trong làm việc” (“Free at work”), dành cho bất kỳ ai đi làm và đặc biệt là dành cho các giáo viên. Bài tập này giúp ta nhìn sâu vào cách làm việc của mình để xem ta có đủ tự do hay không. Từ đó, ta bắt đầu nhận thấy hầu hết các rào cản khiến cho ta không có cảm giác tự do trong công việc đều đến từ bên trong. Khi các giáo viên biết thực tập để nhận diện và tháo gỡ những rào cản bên trong chính mình, điều đó sẽ làm thay đổi cách dạy học của họ và những gì họ dạy sẽ có tác động rất lớn đối với học sinh. Đây là những gì tôi mong muốn truyền đạt cho các giáo viên qua cuốn sách của mình.
Mạng lưới chánh niệm trong giáo dục
Năm 2001, Mạng lưới Chánh niệm trong Giáo dục (Mindfulness in Education Network) được thành lập với hơn 1000 thành viên trên khắp thế giới. Là một trong những giáo viên đi tiên phong trong lĩnh vực này, tôi thường nhận được nhiều câu hỏi qua email từ các giáo viên về sự thực tập chánh niệm. Tôi chỉ có thể trả lời một ít câu hỏi trong số đó từ kinh nghiệm của chính mình. Khi không có câu trả lời hữu ích, tôi sẽ mời người đã viết thư cho tôi truy cập trang web của Mạng lưới Chánh niệm trong Giáo dục (mindfuled.org), tham gia vào danh sách email chung của cộng đồng và đăng câu hỏi của mình lên đó. Quý vị sẽ nhận được câu trả lời từ tuệ giác tập thể của mạng lưới các nhà giáo khắp nơi trên thế giới.