Tôi tu vì tôi là người tu
– Thường Minh –
Thiền hành trong rừng
–
Trong những khóa tu, tôi có nhiều cơ hội ngồi chơi với anh chị em cư sĩ. Khi đủ thân một chút thì có người hỏi tôi: “Hỏi thiệt Thầy cái này nha! Tại sao Thầy đi tu vậy? Thầy còn trẻ mà! Bộ bị bồ đá rồi chán đời đi tu hả?”
Tôi ngường ngượng, thầm nghĩ: “Bộ già hay thất tình mới đi tu sao?” Nhưng rồi tôi cười trong bụng vì ngày xưa tôi cũng nghĩ như vậy. Cuộc đời có biết bao nhiêu cái để hưởng thụ, biết bao nhiêu nơi để chơi! Sống mà không tận hưởng thì hơi… khờ quá, đó là tư tưởng trước đây của tôi. Ấy vậy mà ngày nay tôi ngồi đây, trong hình tướng của một người đầu trọc, khoác áo cà-sa, tay ôm bình bát.
Tôi nhớ lại ngày xưa khi còn là cư sĩ, tôi ghé qua chùa chỉ với mục đích là thắp vài cây nhang, cúng dường chút đỉnh để hồi hướng cho cô bạn đang bệnh của tôi. Có một lần tôi đến một tu viện và cũng định làm những việc như trước mỗi khi đến chùa, thắp hương, lạy Bụt.v.v. qua loa. Nhưng khi đến nơi, tôi không ngờ ở đó có cả trăm thầy và sư cô rất trẻ cùng với nhiều cư sĩ đang đi thiền hành như một dòng sông, tất cả đều đi trong im lặng, nhẹ nhàng và thảnh thơi. Tôi bắt đầu hỏi thăm và tìm hiểu về đời sống của những người xuất gia nơi này. Sau đó tôi có cơ hội tham dự những khóa tu và thấy rõ nét đẹp của người xuất gia, nhất là lý tưởng phụng sự và dấn thân. Từ đó tôi rất mê đời sống của người xuất sĩ: từ ý tưởng đến cách đi, cách nói, từ chiếc áo nâu nắng phai đến đôi dép đơn giản. Đời sống thật phạm hạnh và tri túc. Thích quá nên khi về nhà tôi cứ kể tới kể lui với cô bạn. Trong một đêm tâm sự, sau khi lắng nghe tôi kể về ước muốn đi xuất gia của tôi, bạn tôi nhẹ nhàng nói: “Anh cứ đi đi!” Tôi hơi ngạc nhiên với câu nói của cô bạn, nhưng rồi tôi trả lời: “Không sao đâu em! Anh có thể sống như bây giờ được. Mình cũng có thể bắt chước như Kim Trọng và Thúy Kiều, anh ở một phòng, em ở một phòng. Tu tại gia vẫn là tu mà!”
Huynh đệ bên nhau
Nghe tôi nói vậy cô bạn tôi cười khúc khích và phán: “Theo trong truyện Kiều, thì anh bây giờ không phải là Kim Trọng.” Bị cô bạn phán cho một câu xanh rờn tôi hơi quê quê làm mặt ngớ: “Êh!”. Nhưng như hiểu được tâm nguyện của tôi, cô bạn tôi động viên: “Anh còn sức khỏe. Anh tu cho anh, cho gia đình, chuyển hóa nghiệp không tốt của anh và của gia đình. Em tự lo cho em được.” Nghe cô bạn động viên vậy, tôi rủ rê: “Vậy thì hai đứa mình đi tu luôn! Không có ai chăm sóc em, anh lo lắm.” Sau một vài phút im lặng, với ánh mắt buồn, cô bạn nói: “Thân em là thân bệnh. Em chỉ làm gánh nặng thôi. Anh tu cho em, cho hai đứa mình.” Tôi biết cô bạn nói thật và yểm trợ cho tôi đi xuất gia, tôi cảm thấy mình đang có một người tri kỷ luôn luôn hiểu được những gì tôi muốn. Tôi mở lời khuyên cô bạn: “Em bệnh như vậy, cần có người bên cạnh em để lỡ khi em có chuyện gì. Nếu anh đi tu thì em cứ lập gia đình đi. Anh không buồn đâu.” “Sau khi quen anh rồi, em không còn tin tưởng một người đàn ông nào trên đời này nữa.” Cô bạn lại chọc tôi trong tiếng cười khúc khích. “Nhưng đi tu, anh phải tu cho đàng hoàng nha. Tu không được thì về với em, chứ đừng vô chùa mà phá. Đừng để em xách gậy vô chùa đập anh, tội lỗi lắm nha!” Trời! Tôi thầm nghĩ. Tôi đâu đến nỗi tệ như vậy.
Vậy đó, ước nguyện của tôi đã được cô bạn yểm trợ và tôi nhẹ nhàng ra đi mang theo sự biết ơn đối với cô bạn của tôi. Tôi biết, có rất nhiều chàng thanh niên khi nhận ra được hướng đi đích thực của đời mình nhưng khi đã dính vào chuyện tình cảm thì khó mà thoát ra được. Và không phải cô gái nào cũng như Da Du Đà La, như cô bạn của tôi, chịu hy sinh cho lý tưởng của người mình thương.
Tôi đi tu vì tôi yêu cuộc sống của người xuất gia nhưng phần lớn cũng vì cô bạn mến thương này. Bạn tôi rất muốn đi xuất gia nhưng vì bệnh nên không thể thực hiện được ước muốn của mình. Từ nhỏ đến lớn tôi không có diễm phúc sống cạnh ba mẹ, không có ai dạy cho tôi cách sống có đạo đức. Mười một tuổi tôi rời quê hương sang sống ở xứ Mỹ, xứ sở được mệnh danh là đất nước tự do. Tôi cứ tự do sống cho tôi, sống cuộc đời ăn chơi, thỏa mãn những gì tôi muốn: tiền, sắc, danh và bị bạn bè lôi kéo vào những nơi không nuôi dưỡng… Tôi hầu như chưa biết thương là gì, ai chết kệ ai, ai khổ mặc kệ, không mắc mớ gì đến tôi. Nhưng cô bạn thì lại khác: luôn hy sinh cho người khác, luôn có tâm giúp người, thương loài vật, con kiến cũng không muốn giết. Khi quen được cô bạn đó, tôi đã hiểu được thế nào là “sống”. Từ nhỏ tôi sống thiếu tình cảm của ba mẹ và người thân, khi gặp được cô bạn này, tôi thấy lòng mình được sưởi ấm lại bằng tình thương, tình thương mà bấy lâu nay tôi chưa hề có được. Cho nên khi gặp được cô bạn đó, tôi mừng quá, cưới liền!
Chán thay cái thói quen tật xấu của tôi, có Giáng Kiều mà không biết trân quý. Cưới nhau được vài năm nhưng hai đứa sống không có hạnh phúc, cứ hai ba ngày là có chuyện gây lộn, đập bàn, đập tường. Sống làm sao nổi nên tức quá, tôi ly dị. Hồi đó tôi chưa gặp được tăng thân, chưa hề biết thực tập nuôi dưỡng hạnh phúc là gì nên mới có chuyện không hay xảy như vậy. Nhưng duyên chưa hết, hai đứa trở lại làm bạn sau hơn một năm chia tay. Mất rồi tôi mới biết quý, có lại tôi mới biết thương. Lúc đó tôi mới hiểu được tâm trạng của người bệnh. Ngồi kế bên cô bạn trong những cơn đau vì bệnh của thân, vô ra nhà thương cấp cứu hai ba lần trong tháng, tôi nếm được sự thật của vô thường. Lúc đó, tôi nhìn lại cuộc đời ăn chơi tiều tụy mà tôi đã dấn vào trước đó và giật mình tự hỏi: Tôi sống để làm gì?
Có nhiều người khuyên: “Vợ chồng ai không có sóng gió. Bây giờ hiểu nhau rồi thì sanh vài thằng nhóc cho vui.” Sống để sanh con à? Có con là vui? Nhìn cô bạn đau đớn khi bệnh hành thân, không lẽ nào ép sanh con cho tôi nữa? Tôi biết đó là con đường mà nhiều người chọn, nhưng không phải là con đường mà tôi muốn đi.
Cũng vì bệnh mà cô bạn tôi hướng về con đường tâm linh và nhờ vậy mà tôi được đi ké. Hình ảnh đoàn người với áo nâu đi như một dòng sông đã đánh thẳng vào tim tôi như tia sét, khơi dậy ngọn lửa “tánh Bụt” trong tôi mà tôi không ngờ là mình có được và có công năng phá tan ngọn núi ăn chơi dục lạc, mở một đường khác cho tôi đi. Chỉ mới nhìn hình tướng bên ngoài thôi mà đã khiến tôi “ mê mẫn” đến vậy đó. Đến khi tiếp xúc rồi thì không có một điều gì có thể cản trở ước muốn của tôi được. Phước đức của tôi vẫn còn.
Vào sống trong tu viện tôi như đi vào một thế giới khác. Năng lượng tu tập vững chãi của đại chúng như núi cao, tình thương như dòng suối mát. Sống trong chúng rất dễ cho tôi tu tập chuyển hóa những thói quen tật xấu. Đại chúng như tấm gương sáng cho tôi soi vào và nhìn thấy những vết dơ của tập khí, cho tôi pháp môn để chùi sạch những vết xấu ấy, giúp tôi làm đẹp thêm bằng uy nghi và giới luật. Tu cùng đại chúng, tôi thấy có nhiều cái lợi lắm, một trong những cái mà tôi quý khi sống trong tăng thân là giúp tôi chuyển hóa những tập khí lười biếng, thói quen biện hộ cho những tập khí xấu của mình hơn khi tu một mình.
Con người ta hay có thói quen bị lờn và tôi cũng vậy, vì những pháp môn thực tập đơn giản quá thành ra đôi khi tôi quên. Ai mà không biết thở! Ai mà không biết đi! Nhưng ai thật sự biết thở và ai thật sự biết đi đúng nghĩa? Vào tăng thân chưa được bao lâu và cũng chưa thấm tương chao lắm, ấy vậy mà tôi cứ tưởng mình biết mọi cái rồi, là thầy rồi, giỏi rồi nên lơ là thực tập các pháp môn căn bản mà Thầy đã hết lòng trao truyền. Ngày này qua tháng nọ, năm này đến năm kia, tôi không nắm được sự thực tập căn bản nên tôi bị vọng tưởng kéo đi. Cứ như vậy tôi sống trong bóng hình của hạnh phúc, nghĩ rằng chỉ cần trôi với dòng chảy của đại chúng thì cũng có ngày mình đi ra tới biển.
May thay nhờ phước đức của ông bà nên tôi sớm nhận ra hướng đi của mình. Tôi còn nhớ chuyến đi hoằng pháp của Thầy ở Mã-Lai, trong một đêm khuya, trên đường trở về lại chùa sau buổi pháp thoại công cộng, xe chở chúng tôi dừng lại trước đèn đỏ gần cầu xa lộ. Tôi nhìn xuống đường và thấy rất nhiều người vô gia cư sống ở đó, đa số là đàn ông. Khuất dưới cột đèn, có một phụ nữ đang cho con bú. Áo cô rách tơi tả, người chỉ còn xương với da, ánh mắt không hồn. Cô đã mất hết tất cả hy vọng trong đời, có thể đứa bé đó là sợi giây duy nhất níu giữ mạng sống của cô.
Xe đã chạy lâu rồi nhưng hình ảnh người phụ nữ đó đã khắc sâu trong lòng tôi. Hình ảnh đó như một cái tát mạnh vào má tôi và tôi bàng hoàng tự hỏi: Tôi đi tu để làm gì?
Ngày xưa, tôi có thể giúp đỡ cho người phụ nữ này bằng cách tặng cho cô ta một ít tiền để mẹ con cô có thể sống qua ngày, không chỉ một cô mà tôi có thể giúp mười cô như vậy. Bây giờ tôi không có một xu dính túi. Tôi làm sao để giúp họ đây? Người ta nghèo tả tơi như vậy còn mình thì được mọi người lo cho từng bát cơm, chổ ngủ? Hình ảnh đó khiến mỗi lần bưng bát cơm trên tay, tâm hỗ thẹn trong tôi lại phát khởi, tôi tự hỏi mình có xứng đáng để thọ nhận bát cơm này không? Cả tuần như vậy, tôi ôm giữ câu hỏi này, vừa ăn vừa nuốt nước mắt. Mỗi muỗng cơm đưa lên, tôi lại thấy hình ảnh cô ta nhìn tôi với đôi mắt tuyệt vọng.
Có một lần, tôi có cơ hội ngồi chơi với Thầy. Hồi đó, tôi hơi phóng tâm một chút, lơ là chuyện tu tập nên được Thầy nhắc nhở: “Khi là người tu, con phải là người tu trọn vẹn 24/24 giờ. Con luôn giữ phạm hạnh của người tu sĩ, suy tư và hạnh động luôn là của người tu. Con đầu tư hết vô một chuyện thôi.” Thầy dạy thêm: “Thầy chỉ có một mong muốn nơi đệ tử của Thầy, dù xuất sĩ hay cư sĩ thì tụi con phải sống có đạo đức.”
Những lời Thầy chỉ dạy cho tôi trước đây tôi đã lãng quên vì tập khí ham chơi của mình. Hôm ấy, nhờ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ với đứa con không nhà không cửa, không đủ cơm ăn áo mặc ấy mà tôi nhớ lại lời Thầy, nhớ lại chí nguyện xuất gia ban đầu. Tôi không còn hỗ thẹn khi nâng bát cơm nữa. Tôi trân quý từng muỗng cơm, từng hạt gạo. Đôi khi tôi vẫn nuốt nước mắt khi ăn, nhưng nuốt vì lòng biết ơn.
Tôi trở lại với chính tôi, trở lại với những pháp môn căn bản. Tôi ngồi yên và nương vào hơi thở để trở về, nối lại nhịp cầu giữa thân và tâm. Ngồi yên như thế, tôi cảm được nguồn năng lượng vững chãi của đại chúng và của chính tôi. Với mỗi hơi thở ra vào tôi tập dừng lại. Dừng lại có mặt đích thực mỗi khi có tiếng chuông thỉnh hay cho dù không có một hiệu lệnh nào, tôi cũng tự nhắc nhở mình là phải bám vào hơi thở. Tôi thở và gửi năng lượng bình an và vững chãi đó cho tất cả. Năng lượng đi theo như làn sóng, tôi gửi đến mọi loài, đến những nơi u tối để nguyện cầu cho tất cả đều được bình yên như tôi.
Khi lạy sám hối, tôi biết tôi và Đất Mẹ là một. Hình hài tôi có mặt từ Đất Mẹ, được nuôi lớn, và một ngày nào đó tôi cũng sẽ trở về với Đất Mẹ. Người phụ nữ và đứa bé vô gia cư kia cũng là một với Đất Mẹ. Tôi và cô không phải là hai. Nỗi khổ niềm đau của cô cũng là của tôi. Niềm an lạc và vững chãi thảnh thơi của tôi cũng là của cô. Khi tôi lạy xuống, tôi lạy xuống với mẹ con người phụ nữ ấy, tôi lạy xuống với cô bạn thương mến của tôi, tôi lạy xuống với ông bà tổ tiên trong và ngoài tôi, tôi lạy xuống với tất cả.
Là người tu, tôi chỉ có một việc để làm thôi: “Tu!” Tôi rất biết ơn những điều kiện mà tôi đang có để tiếp tục là người xuất sĩ trọn đời. Mỗi ngày tôi là một con người mới. Chí nguyện của tôi cũng thay đổi, mỗi ngày một vững mạnh hơn và tôi luôn hướng về Tam Bảo. Ngày xưa tôi tu vì em. Ngày nay, tôi tu vì tôi là người tu.
Trích từ Lá thơ làng mai số 35