Thệ nguyện từ nay chỉ một đường

-“Cháu ra đời vậy cháu có ý định trở lại với Tăng thân, trở về xuất gia lại không?”, thầy Pháp Niệm hỏi với một hy vọng rằng rằng câu đáp sẽ là: -“Dạ, thưa có”.

Vào năm 1995, lúc đó tôi mười lăm tuổi, vào dịp nghỉ hè tôi được ba mẹ cho qua Làng Mai. Lúc bấy giờ, thầy Pháp Niệm (cậu ruột của tôi) mới xuất gia được một năm. Lần đầu tiên khi đặt chân vào khuôn viên Làng, tôi đã có ấn tượng. Làm sao mà có được một môi trường bình an như vậy nhỉ! Nhớ lại những lúc đi sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử (GĐPT) tôi không bao giờ có được cảm giác như vậy. Mỗi chủ nhật, tôi tự động khoác chiếc áo lam của GĐPT và lên đường đến chùa. Thỉnh thoảng tôi còn tự hỏi vì sao tôi đi chùa? Tập khí của tôi vẫn còn y nguyên đó, ai nói gì thì tôi nói lại, cứng đầu, bướng bỉnh, có sự so đo khi làm việc nhà với đứa em trai,… Khi Mẹ tôi hỏi một câu làm tôi bừng tỉnh mà không biết làm sao đáp lại: “Con đi chùa làm gì mà khi về nhà con vẫn như vậy?” Tôi đi GĐPT được học Phật Pháp, được sinh hoạt và tham dự vào những trò chơi, đố vui để học. Như khi  được hỏi “Tứ Diệu Đế là gì?”, tôi đáp như một cái máy: “Tứ Diệu Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo”, nhưng cuối cùng tôi vẫn không hiểu làm sao có thể áp dụng giáo lý đó vào đời sống hàng ngày. Tôi được đi chùa từ lúc tôi vượt biên và được bảo lãnh đến Toronto lúc tôi khoảng tám tuổi.

Mùa hè năm ấy tôi đến Làng với mục đích đi thăm thầy Pháp Niệm thôi, nhưng nhờ cơ hội đó mà tôi may mắn được tiếp xúc với Làng. Đó chính là “mối tình đầu” của tôi. Bước chân vào khuôn viên Làng, tự nhiên bao nhiêu lo phiền tan biến và chỉ còn lại không khí trong lành để tôi có thể cảm được sự bình an trong bản thân. Quý thầy và quý sư cô mà tôi được tiếp xúc tại Làng rất khác với những Thầy tôi quen biết trong những năm sinh hoạt trong GĐPT. Tôi thấy sao các thầy các sư cô ở đây có vẻ rất tự do, đi những bước chân rất khoan thai và tự tại. Khi ăn cơm, các vị nhai từng muỗng đến hơn ba mươi lần. Quý thầy, cô ở đây đích thực là biết sống và biết thưởng thức những mầu nhiệm của đất trời.Tôi khám phá ai ai cũng thương nhau như anh em ruột thịt và đôi lúc còn thương nhau hơn thế nữa, vì mỗi người trong đại chúng cùng chung một lý tưởng.

Tôi nhớ ngày tôi phải chuẩn bị rời Làng để về lại Toronto, tôi đã phải thức dậy rất sớm để đón chiếc tàu TGV từ Libourne đến Paris vào lúc 5h45 sáng. Ấy vậy mà có một sư cô đã thức dậy thật sớm để chuẩn bị thức ăn cho tôi đi tàu dù sư cô đó không quen biết gì nhiều đến tôi. Lúc tôi ngồi trên tàu, nhìn miếng bánh mì, tôi cảm được tình thương của sư cô. Tôi tự hỏi: “Tôi có khả năng để cống hiến tình thương như sư cô đã cống hiến cho tôi không? Dù đó là người mình không có quen biết?” Đó chính là hạt giống Bồ Đề trong tôi lần đầu được tưới tẩm, và tôi có ý muốn xuất gia. Vì tôi nghĩ chỉ có duy nhất con đường xuất gia mới trả lời được câu hỏi đó của tôi mà thôi.

Khi tôi về lại môi trường xã hội, về lại gia đình, tôi thấy con người có khuynh hướng hay sống với bản ngã hơi nhiều. Chúng ta tìm đủ cách để cho mọi việc đều thuận lợi cho riêng mình. Chính xã hội cũng khuyến khích và tưới tẩm hạt giống đó. Không ít thì nhiều, tôi đã học được một số pháp môn của Làng, như là thiền đi, thiền trà và trở lại tiếp xúc với hơi thở. Sống trong xã hội, mỗi lần tôi đi học, tôi vẫn tiếp tục thực tập được năm bước hoặc mười bước đi trong chánh niệm. Thỉnh thoảng tôi may mắn thực tập được nhiều hơn. Đã có những lúc tôi xin phép được cô giáo dạy sinh học yểm trợ cho tôi có thể mở những lớp hướng dẫn thiền đi và thiền trà. Vì trong trường có thành lập một cái phòng “peace room” (Sư Ông gọi là phòng thở và có nhóm conflict resolution, những người học cách giải toả xích mích.) Tôi không thuộc trong nhóm đó vì đối với tôi, nhóm ấy học nghiên về lý thuyết hơi nhiều. May mắn là cô giáo chấp thuận và trong năm tôi được hướng dẫn một vài lớp. Đến năm tôi vào lớp 11, tôi được trường trao cho giải thưởng hòa bình. Mỗi năm trường trao giải hòa bình cho một thành viên trong nhóm conflict resolution. Đối với tôi, nhận được giải đó là một điều rất đỗi ngạc nhiên. Tôi vui mừng và chấp nhận. Vì có lẽ đó cũng là những nấc thang, giúp tôi giải đáp một phần nào đó câu hỏi trong chiếc tàu TGV.

Đến khi học xong trung học, tôi quyết định xin mẹ đi tu vì hạt giống Bồ Đề trong tôi đã được chín mùi và tôi không có cách nào có thể chịu đựng được nữa. Lúc đó tôi đang vừa xem vô tuyến truyền hình vừa cắt vải làm túi áo cho mẹ may. Tôi ngừng công việc và tắt máy. Bước lên cầu thang, tôi hơi run run vì sợ mẹ sẽ không cho đi. Nhưng tôi đã quyết tâm rồi. Đến phòng may thì thấy mẹ đang may. Tôi ngồi xuống và xin mẹ ngừng may và hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, nếu con quyết định đi tu thì mẹ nghĩ như thế nào?

Mẹ tôi trả lời với giọng nói có vẻ lo lắng nhưng lại vui mừng:

– Nếu con đã suy nghĩ kỹ rồi thì con có thể đi, nhưng con nên nhớ là có những người tu nửa chừng và ra đời.

Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không thuộc những người đó và trả lời một cách rắn chắc.

-Dạ con biết.

-Vậy thì mẹ đi báo tin cho ba mừng.

Tháng hai năm 2001, tôi được xuất gia trong gia đình Cây Trà Mi. Gia đình có chín người và tôi được làm sư út của gia đình. Được làm sư út tôi mừng ghê vì ở nhà tôi là anh cả trong gia đình. Không ngờ, nhờ đi tu tôi mới được nhõng nhẽo! Mỗi ngày tôi được bao bọc bởi tình thương của Sư Ông và của toàn thể đại chúng. Tôi và mọi người nơi đây thật sự được sống như là những người tự do và không kỳ thị chủng tộc hoặc tôn giáo. Bất cứ lúc nào cũng có thể chế tác hạnh phúc và nuôi dưỡng bình an. Mỗi ngày, tôi cùng mọi người thực tập để trân quý hai mươi bốn giờ mà đất trời ban cho và cứ như vậy tôi nở nụ cười để tiếp nhận món quà đó. Tôi ý thức trong thế giới chung quanh có những người không được may mắn như tôi. Mỗi sáng thức dậy, tôi ý thức rằng tôi vẫn còn là một vị xuất gia, còn có thể thở được, nhìn được với đôi mắt sáng và mỉm cười được, chừng đó đã là kỳ diệu lắm rồi. Tôi không cần theo đuổi gì thêm. Dù cho làm tổng thống hay có quyền lợi, giàu sang trong xã hội chắc gì tôi có được hạnh phúc và tự do bằng nếp sống đơn giản và ăn chay nằm đất!

Nhưng có lẽ, tôi nằm trong thành phần những người xuất gia trẻ mà trong tâm thức vẫn còn những hạt giống đã được trao truyền từ ông bà tổ tiên. Dần dà tôi đã đánh mất đi sự thực tập căn bản của Làng, và thế vào đó những hạt giống thèm khát, muốn sống một nếp sống gia đình được khơi dậy trong tôi. Lúc ấy tôi xuất gia đã được chín năm. Chính vào hai năm cuối là thời điểm khó khăn nhất. Tôi đã vất vả nhiều với sự lựa chọn giữa con đường xuất gia và con đường hoàn tục. Nếu tôi chọn con đường ra đời, tôi sẽ phụ bạc tình thương của Sư Ông, của Tăng thân và của ba mẹ tôi. Nhất là với những lời dặn dò của mẹ ngày tôi xin đi xuất gia. Tôi đã chật vật rất nhiều với sự đắn đo ấy. Để rồi cuối cùng, tôi đã nhắm mắt trước tình thương to lớn mà tôi đã nhận từ Sư Ông và từ Tăng thân. Đồng thời tôi cũng chấp nhận, chính quyết định này là con đường mà tôi phải đi ngang thì mới lớn lên được. Vào hai năm cuối đó, tôi đã để hạt giống thèm khát trỗi dậy trong tâm thức rất nhiều và âm thầm muốn rủ người tôi thương cùng nhau ra đi. Thuở ban đầu chỉ là đơn phương, về sau trở thành song phương. Do vậy, tôi đã bám víu vào nó. Đã để dòng mơ tưởng lấn chiếm cả “mối tình đầu” của tôi với Tăng thân. Tôi nhớ trong những ngày tháng đó, tất cả những gì tôi làm chỉ là nuôi lớn hạt giống và năng lượng thèm khát đó trong tôi thôi. Tôi đã dại dột nghĩ rằng: “Đâu phải cặp vợ chồng nào cũng khổ đau, cũng có những cặp vợ chồng rất thành công trong sự thực tập và có thể giúp đỡ rất nhiều người bớt khổ”. Đến mức tôi nghĩ, tôi không có thể sống được trong Tăng thân nữa vì tôi không xứng đáng với tình thương của Sư Ông và của Tăng thân mỗi ngày đã dành cho tôi. Sư Ông và Tăng thân đã làm mọi cách để nâng đỡ và dạy tôi rất nhiều điều, nhưng tâm tôi đã khép kín rồi nên tôi không thể tiếp nhận được tình thương đó! Cuối năm 2010, tôi đã quyết định xin phép Sư Ông và tăng thân cho tôi xả giới. Tôi biết ơn tình thương của Sư Ông và đại chúng  luôn luôn dành cho tôi. Sống trong Tăng thân, tôi cảm được đây chính là nơi có tình huynh đệ, tình tỷ muội thật sự. Đi nhiều nơi trên thế giới, tôi chưa kiếm được thứ tình huynh đệ mà tôi đã cảm được trong suốt ngần mười năm xuất gia của tôi. Thầy Pháp Niệm cũng từng cố gắng để giúp tôi ra khỏi khó khăn này rất nhiều lần. Thầy hay chia sẻ: “Từ ngày cháu đi xuất gia đến giờ, cháu có thấy gia đình, họ hàng của mình đã chuyển hoá được biết bao không? Các em trẻ có ý thức hơn về sự thực tập và trở nên những người rất dễ thương.Thời gian mà Tony mất (em ruột của tôi mới 18 tuổi), cháu đã là cột trụ để làm nơi nương tựa cho ba mẹ cháu, và cho họ hàng…” Nhưng cuối cùng thầy Pháp Niệm cũng đành buộc lòng chấp nhận quyết định của tôi vì biết rằng tôi sẽ không còn đứng lưng chừng ở giữa ngã ba nữa. Nên khi thầy hỏi: “Cháu ra đời, vậy cháu có ý định trở lại với Tăng thân, trở về xuất gia lại không?” Tôi trả lời một cách chắc chắn: “Dạ không! Nếu cháu ra đi cách đây một năm thì cháu nghĩ sẽ có ngày trở lại. Giờ đây thì không.”

 

Ngày tôi về nhà, có lẽ là ngày khổ sở nhất trong cuộc đời của tôi, vì tôi đã cắt đi niềm tự hào của ba mẹ tôi đối với chuyện có người con đi xuất gia. Có đứa con đi tu là niềm hạnh phúc và tự hào nhất đối với những người Phật tử chất phác như ba mẹ tôi. Tôi đành phải nhắm mắt trước việc ấy và hy vọng có ngày ba mẹ sẽ hiểu. Nghỉ ngơi được vài ngày thì tôi đi làm cùng với ba mẹ và đứa em trai trong nghề home renovation (cải tiến, sửa chữa nhà cửa). Sau một ngày làm việc, mẹ tôi nói với giọng than và buồn khổ: “Sao thấy con mình đi làm khổ quá”. Tôi thấy mẹ buồn khổ quá nên quyết định không đi làm chung nữa và lên mạng tìm việc làm khác.Thấy tiệm Tim Hortons (tiệm café) đăng báo cần tìm người tính tiền (cashier) và làm café. Tôi liền tạo một cái lý lịch tóm tắt (résumé). Trong lý lịch ấy phần nhiều là kinh nghiệm từ thời gian tôi ở Làng và một ít từ thời trung học. Viết xong tôi gửi qua điện thư đến tiệm. Chỉ trong vài ngày sau, tôi may mắn đã được bà chủ tiệm gọi điện và hẹn ngày phỏng vấn để nhận công việc. Sau buổi phỏng vấn tôi được chấp nhận làm thành viên của Tim Hortons. Lúc đó tôi mừng lắm! Tôi không ngờ những kinh nghiệm mà tôi có được ở Làng, ghi vào lý lịch mà tiệm vẫn có thể chấp nhận được tôi. Có lẽ do đặc điểm lý lịch tôi viết là tôi có thể lắng nghe, nói những lời ái ngữ và luôn mỉm cười và có thể giúp được khách hàng khi họ có những lời than phiền, có thể đem niềm vui đến với những người cùng làm chung việc. Tôi nhớ trong hai tháng đầu, bà chủ tiệm rất thích cách tôi làm việc, rất hiệu quả và luôn vui tươi chấp nhận bất cứ việc làm gì, dù đó là quét nhà, lau nhà. Nhìn thấy cách tôi làm, cách tôi nói chuyện, và kể cả việc tôi ăn chay điều khiến cho bà chủ tiệm ngạc nhiên. Tuy rằng sống trong căn nhà của ba mẹ, tôi không phải lo về cơm nước, nhà cửa, tiền bạc, nhưng tôi vẫn thấy vất vả thật. Luôn luôn phải đi làm để kiếm chút tiền. Phải đua đòi với người ta để được bà chủ khen thưởng và mong có ngày để được lên chức. Nếu tôi ở riêng, chắc chắn bao nhiêu tiền tôi làm được chỉ đủ để trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, điện thoại, bảo hiểm,… và có thể không đủ nữa. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói là số tiền họ làm được là đủ để cho họ sống cả. Sống trong tu viện, tôi không cần lo đến chuyện tiền bạc hoặc ngủ đâu, ăn ra sao. Mỗi ngày đều có ba bữa cơm dọn sẵn trên bàn. Tôi biết rõ, ra đời không phải để tôi tìm kiếm những tiện nghi mà tôi không có trong tu viện. Mà nói cho đúng, sống trong tu viện chúng tôi thiếu tiện nghi nhưng cũng lại rất dư dả. Vì chính tình thương của Tăng thân chính là tiện nghi đích thực nhất. Dần dà tôi thiết kế phòng ngủ của tôi y như là cách sống của tôi ở trong tu viện. Chính nhờ cách sống mà tôi quen thuộc ở trong tu viện đã giúp tôi có thể trở về lại với sự thực tập, thở vào thở ra dễ dàng nhất. Tôi từ từ tạo cho mình có đủ thời gian và không gian để tôi có thể ngồi thật yên. Ngồi để nhìn lại những năm qua và trong hiện tại. Và tôi luôn luôn khơi dậy được trong tôi tình thương mà tôi đã tiếp nhận được từ Sư Ông và Tăng thân. Đích thực, tôi ra đây là để tìm kiếm nếp sống đôi lứa hay sao? Nếu vậy, người mà tôi mong đợi sẽ từ bỏ đời sống xuất gia của người đó có để sống với tôi không? Tôi đã vật lộn với câu hỏi đó trong tôi. Mãi đến sáu tháng sau tôi mới thấy rõ hơn. Đây có phải là thứ tình thương đích thực không? Tình thương mà tôi đang muốn tìm kiếm chính là tình thương có sự chiếm hữu. Một bông hoa đẹp ngoài sân tự dưng mình cắt đi đem vào nhà chưng để cho chỉ có mình thưởng thức thôi thì sớm muộn gì hoa cũng sẽ héo tàn. Sư cô đó đang sống một nếp sống cao thượng, có nhiều hạnh phúc và giúp đỡ được biết bao nhiêu người. Tôi có đem sư cô đó được về nhà thì cũng giống như việc tôi ngắt bông hoa ngoài sân kia thôi. Bông hoa có thể cống hiến cái đẹp cho nhiều người thì đó mới là bông hoa đẹp. Sư Ông thường xuyên dạy cho chúng tôi là chúng ta có quyền thương, nhưng thương như thế nào để không có vướng mắc, vẫn có giới luật và uy nghi hỗ trợ. Đó mới đích thực là thương. Chẳng lẽ tình thương của tôi hẹp hòi và ích kỷ vậy sao? Nhờ sống trong xã hội, tôi mới thực sự hiểu cái khó và cái khổ của những người phải đua đòi cho miếng cơm và chỗ ngủ. Cuối cùng, tôi bắt đầu thực tập để chuyển hóa cách nhìn của tôi về tình thương trong bản thân. Tôi bắt đầu muốn ủng hộ và yểm trợ sư cô đó tu tập cho đến nơi đến chốn, đem lợi lạc cho bản thân và cho mọi người.

Vào tháng 10 và đến đầu tháng 11, Sư Ông và Tăng thân hướng dẫn khoá tu tại Tu viện Bích Nham, New York, Mỹ. Tôi lấy dịp đó để dự khoá tu năm ngày, với tựa đề là: “Stepping into Freedom, Savoring Life”(Bước tới thảnh thơi). Khi tôi đến tu viện, các thầy các sư cô vẫn tiếp đãi tôi như là huynh đệ trước đây.Vẫn thương tôi như huynh đệ trước đây. Có những thầy những sư cô vẫn gọi tôi là “Pháp Duệ” vì luôn có niềm tin vững chắc là sẽ có ngày tôi trở lại với Tăng thân. Tôi được quý thầy ưu đãi cho ngủ chung trong Tăng xá. Tôi thật sự rất ngạc nhiên, vì trước giờ những vị ra đời sau này khi trở lại Làng thì họ đều ở nơi cư xá của những người khách thôi mà không có cùng ở trong tăng xá. Vậy mà các thầy vẫn cho tôi ngủ trong tăng xá và có những buổi trà đàm mà cư sĩ bình thường ít ai may mắn được tham dự. Tôi có mặt đó giống như là một vị xuất sĩ. Vì bất cứ chuyện gì các thầy các sư chú đều có thể cùng nhau chia sẻ cả, dù có tôi ngồi đó, các thầy cũng không có nhu cầu phải che dấu gì cả. Trở về lại Bích Nham, tắm mình trong dòng nước từ bi và yêu thương của quý thầy đã khiến khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tình thương của tôi đối với Sư Ông và với Tăng thân. Và đó chính là “mối tình thứ hai” của tôi.

Đến lần thứ ba tôi đến Bích Nham, tôi cùng đi với Ba Mẹ tôi và thầy Pháp Niệm. Tôi ngủ lại một đêm và ngày sau Sư Ông và đại chúng làm lễ an vị Phật. Sau buổi lễ an vị Phật, thì Sư Ông nói: “Pháp Duệ đâu rồi, đem đầu ra mà cạo cho rồi!” Tôi quá là ngạc nhiên và hầu như không chỉ tôi thôi mà cả đại chúng đều rất ngạc nhiên. Mẹ tôi liền tức thời qùy lên và đáp:”Dạ, xin Sư Ông cạo đầu cho!”. Lúc ấy, trong đầu tôi giống như có một cuộn phim đang quay bằng tốc độ nhanh gấp cả ngàn lần, và tôi tỏ vẻ hơi phân vân. Nhưng liền tức khắc tôi biết Sư Ông chỉ có thể nói như vậy khi Sư Ông có tình thương đích thực, và mối liên hệ tình thầy trò với nhiều cảm thông. Và Sư Ông cũng biết rõ trong chúng ai ai cũng muốn và hy vọng có ngày tôi trở lại làm người tu sĩ. Nếu tôi không có đáp ứng tình thương mà Sư Ông đã luôn luôn dành cho tôi và cho gia đình dòng họ thì tôi tỏ ra phụ bạc quá. Tôi cũng biết rõ thời điểm này cũng có thể là thời điểm duy nhất mà tôi có thể trở lại xuất gia, nếu tôi không nắm bắt cơ hội này thì tôi có thể không còn dịp khác nữa. Tôi liền lập tức qùy lên và xin Sư Ông: “nếu con cạo đầu thì xin cho con làm lại Sa di”. Sư Ông đáp với nụ cười vui: “Trước mắt là con cạo đầu đã, sau đó tùy theo Tăng thân.” Tôi đã đến trước Sư Ông và lạy xuống ba lạy, sau đó được Sư Ông và đại chúng chứng minh và thầy Pháp Niệm đại diện cắt tóc. Ngày tôi rời chúng ra đi đã có nhiều nước mắt, bây giờ ngày tôi xuống tóc trở lại thì có nhiều nước mắt của hạnh phúc. Kỳ thực “mối tình đầu” của tôi, “mối tình thứ nhì” của tôi, tình thương tôi dành cho sư cô ấy không khác nhau, rốt cuộc chỉ là một mà thôi. Tôi ngỡ là tôi thương một cá nhân, nhưng phải chăng sư cô ấy là một hình thức của Bồ Đề Tâm vốn nằm vỏn vẹn trong tôi, nhưng vì theo khuynh hướng con người mà tôi đã tìm kiếm bên ngoài, thay vì trở về với nội tâm tôi?

Cuộc đời tôi đã không là một kết thúc của một thất bại, của sự thụt lùi. Nhờ hồng ân Tam Bảo, nhờ đại bi tâm của Sư Ông và Tăng thân mà tôi được thêm một cơ hội nữa để sống nếp sống xuất gia cao thượng, trong sáng này. Tôi xin hướng về Tam Bảo, hướng về Sư Ông và Tăng thân mà thành tâm chắp tay đọc câu trong bài kệ tôi từng trình lên chư Tổ:

“Sơn kia đứng vững trong bão tố.

Thệ nguyện từ nay chỉ một đường.”

-Chân Pháp Duệ-