Xứ sở của giây phút hiện tại

Shambhala Sun | January 2013
In the Country of the Present Moment

Trích từ tạp chí Shambhala Sun số ra Tháng Giêng 2013.
Ký giả Andrea Miller viết sau một chuyến thăm Làng Mai.

Sư cô Chân Tại Nghiêm dịch từ nguyên bản tiếng Anh


Andrea Miller đến thăm Làng Mai tại Pháp với mong muốn tìm hiểu xem tăng thân của Thầy Thích Nhất Hạnh đang thực tập Năm giới như thế nào. Liệu Năm giới có đích thực là nền tảng để giúp thế giới này trở nên tốt đẹp và lành mạnh hơn không?

Tôi nghĩ khi đến ga xe lửa, tôi sẽ được một thầy hay một sư cô Làng Mai với màu áo nâu quen thuộc ra đón. Nhưng rốt cuộc thì người đón tôi lại là một phụ nữ Paris với đầu húi cua, mái trước thì để theo kiểu bờm ngựa, nhuộm đỏ hoe, lại còn xỏ khuyên tai ở mũi. Chúng tôi cùng khiêng vali bỏ vào xe và trò chuyện với nhau lỏm bỏm bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trong khi cô lái xe chạy vùn vụt qua những  con đường miền quê đang tắm mình trong ánh nắng dịu nhẹ của buổi chiều tà. Chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng mận, những ngôi nhà bằng đá với những ô cửa sổ được làm theo kiến trúc cổ của Pháp và những hàng nho trồng thẳng tắp. Nhưng điều làm cho tôi thoát khỏi cơn mệt mỏi sau một một chặng đường dài với hai chuyến bay và ba chuyến xe lửa chính là những cánh đồng hoa hướng dương. Những cánh hoa vàng tươi với nhụy màu nâu thẫm nổi bật giữa một màu xanh ngát của cành lá là hình ảnh mà tôi thường thấy trong những sách báo nói về Làng Mai. Tôi biết là tôi đã tới, cuối cùng thì tôi cũng đã đến được Làng Mai.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi Làng Mai là “xứ sở của giây phút hiện tại”. Nằm ở miền Nam nước Pháp, đây là nơi cư trú của trên dưới hai trăm vị xuất sĩ, ngoài ra hàng năm nơi đây còn đón tiếp vài ngàn thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới đến tu học. Trong ba mươi năm qua, các thầy, các sư cô Làng Mai cùng các bạn thiền sinh luôn thực tập những lời dạy của Thầy Nhất Hạnh về xây dựng tăng thân – những cộng đồng tu học và xây dựng một xã hội tỉnh thức. Nhưng làm thế nào mà các thầy, các sư cô Làng Mai có thể sống đúng với những lời dạy đó trong đời sống hàng ngày, trong từng hơi thở? Và, quan trọng hơn hết, các thầy, các sư cô ở đây đã tìm ra được những công cụ, những phương pháp gì mà tất cả chúng ta có thể sử dụng được để chuyển hóa tự thân, cho dù chúng ta đang ở bất cứ nơi đâu? Trong chuyến hành hương về Làng Mai lần này, đây là những câu hỏi mà tôi muốn tìm ra lời giải đáp.

Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay còn được gọi là Thầy – cách gọi thương kính mà các đệ tử dành cho Ngài, cốt lõi của những gì Thầy dạy nằm trong hai điều: thứ nhất, làm thế nào để có thể đối diện và ôm ấp – mà không phải là khỏa lấp hay che giấu – những cảm xúc mạnh và khổ đau của chính mình, và thứ hai, làm thế nào để có thể mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. “Bạn có thể có hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây mà không cần phải chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi nào khác”, Thầy dạy tôi.

“Chánh niệm là một loại năng lượng mà ta có thể chế tác ra được”, Thầy nói tiếp. “Đó là năng lượng giúp đem tâm trở về với thân, để cho ta có thể sống đời sống của mình một cách sâu sắc hơn. Năng lượng chánh niệm cho phép ta ý thức được những gì đang xảy ra đối với cơ thể, cảm thọ, tri giác của mình – tức là biết được những gì đang xảy ra bên trong và xung quanh ta. Khi ta uống trà trong chánh niệm thì ta phải thật sự có mặt. Ta tiếp xúc với ly trà và thực sự có mặt bây giờ và ở đây. Nhưng nếu ta đang bị chiếm ngự bởi lo lắng, hay suy nghĩ miên man về quá khứ hoặc tương lai thì ly trà sẽ không thật sự có mặt. Khi đó sẽ không có sự sống đích thực, mọi thứ xảy ra chỉ như một giấc mơ.”

Khi có chánh niệm, Thầy nói, “ta có thể tiếp xúc được với tự tính tương tức của vạn vật. Và một khi ta có được tuệ giác đó rồi thì mọi sự phân biệt, kỳ thị và sợ hãi sẽ tan biến. Ta sẽ ý thức rằng hạnh phúc của ta cũng là hạnh phúc của mọi người và khổ đau của mọi người cũng chính là khổ đau của chính ta. Vạn vật đều tương tức trong nhau.”

Buổi sáng đầu tiên ở Làng, tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng chuông báo hiệu đã đến giờ thức dậy chuẩn bị cho buổi ngồi thiền. Ngoài trời lúc đó vẫn còn tối. Căn phòng tập thể của tôi ở nhà Đầu Thôn thuộc xóm Mới vốn là một nông trại cũ. Nơi đây dành cho thiền sinh nữ và các gia đình đến thực tập. Tất cả thiền sinh đến Làng tu tập trong khóa tu đều được chia vào các gia đình pháp đàm. Chúng tôi ăn cơm chung, làm việc chung, và hầu như mỗi ngày đều thực tập chia sẻ pháp đàm với nhau. Gia đình pháp đàm của tôi bao gồm tất cả các thiền sinh ở nhà Đầu Thôn. Công việc của chúng tôi trong khóa tu là rửa dọn sau mỗi bữa ăn, vì vậy mà chúng tôi được biết đến với cái tên gia đình Joyful Scrubbers (Những người chà nồi vui vẻ).

Gia đình “những người chà nồi vui vẻ”

Phụ trách gia đình pháp đàm của chúng tôi là Sư cô Từ Nghiêm. Sư cô đã từng làm y tá 20 năm trước khi sư cô xuất gia năm 1991. “Thầy đã tạo dựng nên Làng Mai với ước mong là chúng tôi sẽ cùng chung sống và liên hệ với nhau như một gia đình”, sư cô Từ Nghiêm chia sẻ với tôi. “Ở đây chúng tôi cũng có sư anh, sư chị, sư em. Tăng thân là nơi nương tựa, là ngôi nhà thân thương và là nguồn sức mạnh nuôi lớn chúng tôi trong suốt đời tu của mình. Ngay cả khi có xung khắc hay mâu thuẫn nhỏ giữa hai người trong tăng thân thì bao giờ cũng có những người khác trong Tăng thân ôm ấp và giúp hai người đó hòa giải với nhau. Đó là lợi lạc của việc tu tập chung trong tăng thân.”

Trong một tuần ở Làng, ngay bài pháp thoại đầu tiên tôi được nghe, Thầy đã dạy rất sâu sắc về tầm quan trọng của tăng thân. “Thực tập một mình, như một cá nhân cũng có thể được,” Thầy nói. “Nhưng mình có thể đánh mất sự thực tập trong vòng vài tháng vì mình không có tăng thân để hướng dẫn, bảo hộ và nâng đỡ cho mình. Đó là lý do vì sao một hành giả giỏi là người luôn tìm cách xây dựng tăng thân ở địa phương nơi mình cư trú. Ngay cả Bụt cũng vẫn cần đến tăng thân.”

Nếu chúng ta chỉ là những giọt nước riêng lẻ thì chúng ta sẽ bị bốc hơi trên đường ra đại dương. Để đến được đại dương, ta cần đi như một dòng sông, như một tăng thân. “Hãy đi như một dòng sông,” Thầy nói.  “và để cho dòng sông ôm ấp mình. Nếu mình để cho năng lượng tập thể của tăng thân đi vào trái tim mình và giúp ôm lấy nỗi khổ, niềm đau trong lòng mình thì chỉ trong vài phút là mình bớt khổ liền.”

Cuộc phỏng vấn của tôi với Thầy diễn ra vào Ngày Không Sử Dụng Xe Hơi – mỗi tuần ở Làng Mai đều có một ngày mà tất cả mọi người đều không sử dụng xe hơi nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Trong một căn phòng nhỏ, đơn sơ, Thầy nằm buông thư trên một cái võng màu xanh lá cây, trên tay là một ly trà ô long. Thầy vừa thưởng thức trà vừa nhấm nháp một chút mứt gừng. Ngồi quanh Thầy còn có nhiều sư cô, trong đó có một sư cô trẻ người In-đô-nê-xi-a mà Thầy giới thiệu là thị giả của Thầy. Rồi Thầy bảo sư cô hát một bài hát thiếu nhi tiếng Indo, mà nếu tôi hiểu đúng, thì đó là câu chuyện cổ tích về một con vẹt.

Tôi vặn máy thu âm. “Chúng ta có thể bắt đầu được không thưa Thầy?” Tôi hỏi.

“Bắt đầu cái gì?” Thầy đùa. “Ngồi chơi trên võng hả?” Đó là một lời nhắc nhở thật nhẹ nhàng, bởi vì tôi hơi căng thẳng khi được gặp một nhân vật quan trọng và đặc biệt như Thầy, trong khi đó thì Thầy lại không hề làm ra vẻ quan trọng về mình tí nào. Dù đã từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình bởi Mục sư Martin Luther King và là tác giả của hơn 100 đầu sách, cũng như đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Thầy vẫn mặc bộ đồ màu nâu bình dị như tất cả các vị xuất gia trong truyền thống của Thầy, bởi vì đó là màu áo mà người nông dân Việt Nam – quê hương Thầy – vẫn thường mặc. Thầy là người của muôn người.

Thầy là người của muôn người

Bất chợt có tiếng chuông từ đâu đó vang lên. Thầy nói: “Tôi đang có chánh niệm về tiếng chuông. Trong khi nghe chuông, tôi không suy nghĩ. Tôi tập trung tâm ý vào hơi thở và vào tiếng chuông. Khi có chánh niệm về một cái gì, ta tập trung tâm ý vào nó, và sức mạnh của sự định tâm sẽ giúp ta nhìn rõ bản chất thật sự của mọi việc, mọi vật và ta sẽ khám phá ra được tính tương tức của vạn pháp.”

Thầy được nhiều người biết đến với việc sáng tạo ra từ “Inter-being” trong tiếng Anh, dùng để chỉ tính chất tương tức của vạn vật. Trong nhiều năm  qua, Thầy đã thường xuyên sử dụng hình ảnh của một bông hoa để giảng về giáo lý tương tức. Nếu có chánh niệm và có định lực thì khi nhìn vào một bông hoa như hoa hướng dương, phong lan hay một bông sen, ta sẽ thấy hoa được làm bởi vô vàn những yếu tố không phải là hoa. Bông hoa không chỉ được làm nên từ mưa, mà còn từ những đám mây tạo nên cơn mưa đó. Hoa không chỉ được làm nên từ đất mà còn từ những cây cỏ, cầm thú đã bị phân hủy và làm giàu cho đất. Nếu ta lấy đi hết tất cả những yếu tố không phải là hoa ra khỏi bông hoa, thì bông hoa sẽ không còn tồn tại được nữa. “Do vậy bông hoa không thể nào tồn tại biệt lập,” Thầy nói. “Nó phải tương tức với tất cả mọi thứ khác trong vũ trụ.” Điều này cũng đúng với con người. “Một con người được làm bằng những yếu tố không phải con người, và nếu ta lấy đi hết những yếu tố không phải con người thì con người đó không thể nào tồn tại được nữa. Vì vậy con người không thể tồn tại một mình mà phải  tương tức với vạn vật trong vũ trụ.”

Theo Thầy thì tuệ giác tương tức chính là chìa khóa của hạnh phúc. “Khổ đau và hạnh phúc tương tức với nhau.“ Thầy nói. “Nếu ta hiểu một cách sâu sắc về khổ đau thì ta sẽ biết cách sử dụng nó để tạo nên hạnh phúc. Ta đã biết là hạnh phúc được làm bằng những yếu tố không phải là hạnh phúc, và một trong những yếu tố đó chính là khổ đau. Vì vậy khổ đau đóng một vai trò quan trọng để làm nên hạnh phúc.

“Cũng giống như hoa sen và bùn vậy. Không có bùn thì ta không thể nào trồng được sen. Nếu không có bùn của khổ đau, ta không thể nào chế tác được hạnh phúc. Đó là lý do tại sao nếu ta tiếp xúc được với tự tính tương tức, ta sẽ không cần tìm cách chạy trốn khổ đau nữa. Thay vào đó, ta sẽ ôm ấp khổ đau của mình. Ta sẽ nhìn sâu vào khổ đau để hiểu được bản chất của nó và học cách sử dụng khổ đau để làm nên hạnh phúc.”

“Những ai đã đi qua chiến tranh,” Thầy nói tiếp, “sẽ biết trân quý không khí hòa bình mà họ đang được hưởng bây giờ và ở đây. Nhiều người trong chúng ta phải đợi cho đến khi có chiến tranh xảy ra mới biết hòa bình quý như thế nào. Tuy nhiên, đối với những người này, sau khi đi qua những khổ đau do chiến tranh gây ra thì họ sẽ rất trân quý sự yên bình mà họ có được. ” Tương tự như vậy, khi một người đang khỏe mạnh, anh ta có thể không trân quý sức khỏe của mình. Đến khi bị bệnh, anh ta mới ân hận là mình đã không biết quý và sống cho hạnh phúc khi còn khỏe mạnh, rồi đến khi lành bệnh, anh ta mới thật sự trân quý sức khỏe của mình. “Ta có thể thấy đau khổ và hạnh phúc tương tức với nhau. Cũng giống như bên trái và bên phải, phía trên và phía dưới, như bùn và sen. Cái thấy về tương tức sẽ lấy đi tất cả những kỳ thị – những tư duy lưỡng nguyên, phân biệt – và mang lại sự hòa ái, hiểu biết và bình an. Thực tập chánh niệm có khả năng mang lại cho ta tuệ giác tương tức.”

Nhằm đưa ra những phương pháp thực tập chánh niệm cụ thể trong đời sống hằng ngày, Thầy Thích Nhất Hạnh đã làm mới lại Năm giới truyền thống và làm biểu hiện được một cách cụ thể giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo trong Năm giới, còn được gọi là Năm phép thực tập chánh niệm. Năm giới gồm có: 1. Bảo vệ sự sống; 2. Hạnh phúc chân thật; 3. Tình thương đích thực; 4. Ái ngữ và lắng nghe; 5. Nuôi dưỡng và trị liệu. “Năm giới dựa trên tuệ giác tương tức,” Thầy chia sẻ. “Tuệ giác tương tức là nền tảng để chúng ta xây dựng một nền đạo đức tốt đẹp hơn. Vì vậy năm giới – biểu hiện cụ thể của tuệ giác tương tức – chính là đạo đức ứng dụng, có thể giúp giảm thiểu khổ đau và đem lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc hơn.”

Trong cuốn sách Good Citizens (tạm dịch là “Người công dân tốt”), Thầy viết “Năm phép thực tập chánh niệm không dựa trên một tôn giáo hoặc một chủ thuyết nào. Ai trong chúng ta cũng có thể sử dụng năm phép thực tập này để làm nền tảng đạo đức cho cuộc đời mình mà không cần phải là Phật tử hoặc theo một đức tin hoặc một truyền thống tâm linh nào hết. Bạn vẫn là chính bạn thôi, chỉ khác là bạn đang cố gắng để sống đẹp hơn bằng cách thực hành theo những điều chỉ dẫn đó. Thực tập theo năm giới sẽ mang lại sự trị liệu, chuyển hóa, và hạnh phúc cho chính bản thân và cho cả thế giới.”

1. Bảo vệ sự sống

Trong thời gian tham dự khóa tu ở Làng Mai, tôi thường ăn cơm chung với gia đình pháp đàm dưới một gốc cây, cạnh đó có treo một chiếc xích đu nhỏ. Gia đình chúng tôi có khoảng hơn 20 người. Bữa ăn chỉ bắt đầu khi tất cả mọi người đều đã ngồi vào bàn, và chúng tôi dành vài phút quán chiếu về thức ăn – tặng phẩm của đất trời, của những người nông dân, những người đóng gói thực phẩm, những nhà phân phối, và những người đã nấu bữa ăn này cho chúng tôi. Sau một tiếng chuông, chúng tôi bắt đầu ăn muỗng đầu tiên trong yên lặng. Để có thể hoàn toàn có mặt và nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với thức ăn mà mình thọ nhận, trong khi ăn chúng tôi không nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng muỗng nĩa va vào nhau mà thôi.

Nhiều thiền sinh chia sẻ là ban đầu, họ cảm thấy không thoải mái khi ăn trong im lặng. Nhưng với tôi thì lại khác, tôi thấy khỏe liền lập tức. Thường thì tôi vừa ăn vừa xem TV hoặc vừa ăn vừa đọc sách hay nói chuyện. Tôi thường nghĩ rằng vừa ăn vừa làm một cái gì đó sẽ giúp tôi thư giãn hơn. Có thể là cũng có một chút thư giãn, nhưng không thể nào so sánh được với một bữa ăn trong im lặng cùng với gia đình pháp đàm được. Trong không khí yên lặng, tôi có thể hoàn toàn để tâm thưởng thức từng hương vị cũng như thành phần làm nên món ăn.

Tặng phẩm của đất trời

Những bát súp bốc khói với nước súp trong, những sợi bún thơm ngon tinh khiết hòa với vị ngọt của nấm dai; bánh ngọt được làm từ vụn bánh mì baguette, trộn với chuối và sô cô la đen; xà lách trộn với mì ống cùng với những trái ô liu đen mặn mà. Tất cả thức ăn ở Làng Mai đều là thức ăn chay, theo đúng tinh thần của giới thứ nhất là bảo vệ sự sống. Cũng giống như nhiều thiền sinh đến Làng, khi để tâm vào những thức mà mình ăn, tôi không còn muốn ăn thịt nữa – bởi vì tôi ý thức rằng khi ăn thịt động vật thì tôi cũng đang ăn cả những khổ đau của chúng khi bị giết để lấy thịt.

Sư cô Châu Nghiêm, người lớn lên ở Chicago (Mỹ) và Narobi (Châu Phi) chia sẻ với tôi về những vi tế trong sự thực tập tôn trọng sự sống. “Chúng ta tương tức với tất cả mọi người và mọi loài, do vậy nếu ta làm hại đến bất cứ ai, bất cứ loài nào thì cũng có nghĩa là ta đang làm hại chính ta,” sư cô nói. “Nếu mình có một cái thấy sâu sắc như vậy thì mình không thể không thực tập tôn trọng sự sống dưới bất kỳ hình thức nào.”

Tăng thân Làng Mai luôn tận dụng mọi cơ hội hướng dẫn mọi người thực tập để mang lại sự hòa giải, bình an, và bất bạo động, trong đó phải kể đến việc tổ chức khóa tu cho người Palestine và người Israel. Ban đầu, người Palestine và người Israel thực tập theo hai nhóm riêng, họ được học cách buông thư và tiếp xúc với các cảm thọ, với nỗi khổ niềm đau trong mình. Và rồi sau một tuần lễ được sống trong môi trường an ninh, bình an và đầy tình thương ở Làng Mai, những người Palestine và Israel đã đến với nhau để cùng chia sẻ. Và qua những buổi chia sẻ này, họ nhận ra rằng những người trong nhóm kia cũng có nhiều đau khổ không kém gì họ. Trước đó, theo sư cô Châu Nghiêm, “họ nhìn nhau như kẻ thù, nhưng sau khi nói chuyện và lắng nghe nhau, họ thấy là họ có rất nhiều điểm tương đồng.” Sau khi tham dự khóa tu ở Làng Mai, rất nhiều người Israel và Palestine đã phát nguyện phụng sự cho sự nghiệp hòa bình và hòa giải giữa hai dân tộc.

“Chúng tôi chú trọng đến việc sống chung trong một tăng thân bởi vì nếu bạn có một nền tảng vững chắc như vậy trong cuộc sống thì bạn sẽ là người giúp mang lại hòa bình cho thế giới,” Sư cô Châu Nghiêm nói. “Bạn sẽ là người không hề đóng góp chút bạo động nào vào cuộc sống mà là một người bảo vệ sự sống. Bảo vệ sự sống, thương yêu sự sống phải bắt đầu bằng việc thương yêu sự sống của chính bạn và không kỳ thị những niềm đau, nỗi khổ của chính mình. Khi bạn không kỳ thị những cái chưa đẹp hoặc những nỗi đau của chính mình thì bạn cũng đồng thời học cách không kỳ thị những người mà bạn nghĩ là họ không tốt, không tử tế. Sự phân biệt, kỳ thị chính là nguyên nhân gốc rễ đưa đến hành động tàn phá, hủy diệt sự sống. Khi bạn nghĩ là có một cái gì đó không ổn đang xảy ra và bạn tin là “Đây là mình và  đó không phải là mình”, thì chính cái nhìn kỳ thị đó là gốc rễ dẫn đến sự giết chóc và tàn phá.” Sư cô Châu Nghiêm chia sẻ rằng ở Làng Mai, “chúng tôi tiếp xúc được với gốc rễ của tâm phân biệt và kỳ thị nhờ vào tuệ giác tương tức.”

2. Hạnh phúc chân thật

“Hạnh phúc chân thật không phải làm bằng danh vọng, quyền hành, của cải hoặc sắc dục mà được làm bằng hiểu và thương,” Thầy Nhất Hạnh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. “Khả năng sống trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, cho phép chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã có tất cả những điều kiện cần thiết để có hạnh phúc. Ta không cần phải đi tìm kiếm hạnh phúc trong tương lai.”

Ở Làng Mai không có một thầy hay sư cô nào có tài khoản riêng trong ngân hàng, cũng không có xe hơi hoặc máy tính riêng. Thậm chí không ai có địa chỉ email riêng. Sư cô Bạch chia sẻ, “đối với một người tu thì không có gì là riêng tư cả – chúng tôi cùng chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ,  từ chỗ ở cho đến ý kiến của mình. Chúng tôi sống trong những căn phòng tập thể gồm có ba, bốn hoặc năm người. Mùa đông năm ngoái tôi ở trong một phòng đông nhất, có đến 7 sư cô.”

Mặc dù cuộc sống không đầy đủ tiện nghi như ở ngoài đời nhưng không phải vì vậy mà mọi người ở đây cảm thấy khổ đau. Phỏng vấn sư cô Bạch Nghiêm ở quán sách của Xóm Mới, chưa cần đặt câu hỏi thì tôi cũng biết là sư cô đang có nhiều hạnh phúc, điều này hiện rõ qua nụ cười tươi luôn nở trên khuôn mặt của sư cô. Là con út lớn lên trong một gia đình có bảy người con, dường như sư cô đã quen với cuộc sống tập thể và đó là điều mà sư cô rất trân quý.

“Hiện giờ tôi đang ở chung phòng với hai sư cô nữa,” sư cô Bạch Nghiêm nói. “Tôi chăm sóc cho một sư cô thứ hai trong phòng, và sư cô này chăm sóc cho sư cô thứ ba còn lại, rồi sư cô thứ ba này chăm sóc cho tôi. Đó gọi là vòng đệ nhị thân. Chúng tôi chăm sóc lẫn nhau không chỉ về sức khỏe vật chất mà còn về tinh thần và sự thực tập nữa. Đó là cái hay của việc sống chung trong tăng thân. Chúng tôi có cơ hội để xây dựng tình huynh đệ.”

Tôi cứ ngẫm nghĩ hoài về những lời chia sẻ này. Có vẻ đây là một sự thực tập rất hay, nhưng sao tôi vẫn bị kẹt một chuyện, đó là mọi thứ có thể chung, nhưng ít nhất thì cũng có thể có email riêng chứ.

Sư cô Bạch Nghiêm cười. “Không có email riêng hoặc không có tài khoản riêng cũng hay lắm,“ sư cô nói. “Hay là vì mình bớt được một mối lo.”

3. Tình thương đích thực

Vào ngày làm biếng –  ngày không có bất kỳ thời khóa chính thức nào, tôi được tham dự một lễ cưới tại Làng Mai. Lễ cưới bắt đầu bằng thiền hành. Quý sư cô đi trước, mặc áo tràng nâu và đội nón lá, theo sau là cô dâu chú rể, và cuối cùng là các khách mời. Một cách chậm rãi và tĩnh lặng, chúng tôi đi theo con đường dẫn ra tháp chuông của xóm Mới với chiếc mái cong cong, một bên là khóm tre xanh ngát, rồi vòng qua hồ sen trước khi vào thiền đường Trăng Rằm. Khi vào thiền đường, cô dâu chú rể ngồi trên bồ đoàn và tọa cụ màu tím trước bàn thờ Bụt – cô dâu trong chiếc váy cưới trắng tinh, còn chú rể thì mặc đồ vest.

Cô dâu Raphaelle và chú rể Ian

Hai người đã chung sống với nhau bảy năm trước khi cưới, những lời nguyện ước mà họ trao cho nhau trong lễ cưới đã thể hiện sự gần gũi và gắn bó giữa hai người. Chú rể Ian cám ơn cô dâu Raphaelle đã giới thiệu cho anh đến với Làng Mai và mang lại cho cuộc đời anh rất nhiều điều tốt đẹp. Anh nói rằng nếu không có sự yểm trợ của cô thì không thể nào anh có thể làm được album nhạc đầu tiên của mình. Anh hứa là sẽ tưới tẩm những hạt giống tốt của cô bằng cách khen ngợi cô với những lời mà cô xứng đáng được nhận, và anh sẽ chia sẻ những công việc trong nhà. Đến lượt Raphaelle, cô bày tỏ lòng tri ân đối với những gì Ian đã làm cho cô, nhất là khi cô cảm thấy không tự tin hoặc bất an. “Anh thực tập rất giỏi,” cô nói. “Em biết là anh sẽ nhắc em trở về với hơi thở khi em cần lắng dịu lại, và em sẽ yểm trợ anh khi anh bị căng thẳng bằng cách cho anh không gian để trở về với giây phút hiện tại.”

Tình thương đích thực – giới thứ ba trong năm giới là về sự cam kết sâu sắc và lâu dài với người bạn đời của mình, đó là điều mà Ian và Raphaelle đã phát nguyện. Đây không phải là những luật lệ cấm đoán về chuyện quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, cũng không phải sự liệt kê những hành động tình dục được coi là đúng đắn, mà cũng không phải là một sự phán xét về việc quan hệ với người khác phái hay quan hệ đồng tính. Thay vào đó, phép thực tập chánh niệm này nhấn mạnh đến yếu tố cần thiết để có thể đi đến quan hệ tình dục, đó là sự cam kết lâu dài và nghiêm túc của cả hai phía và sự cam kết này phải được cả gia đình và bạn bè biết đến.

Trong thời gian ở Làng Mai tôi có nói chuyện với anh Will Stephens – anh đã cùng với gia đình đến Làng tham dự khóa tu mùa hè trong nhiều năm qua. Stephen nói: “Qua sự thực tập này, tôi bắt đầu biết được như thế nào là tình thương đích thực.” Anh giải thích: “ Nó không phải là chuyện Tôi thương em vì em đáp ứng được nhu cầu của tôi. Mà nó là việc làm cho người mình thương được tự do và hạnh phúc. Tôi nghĩ là tôi sẽ không thể chung sống với vợ tôi cho đến ngày hôm nay nếu không có sự thực tập này. Tôi sẽ không có được sự sáng suốt để thấy rằng vấn đề không phải từ vợ tôi, mà chính tôi mới là người có vấn đề.”

Stephen nói rằng từ những năm 1960 đến nay, chúng ta sống trong một thế giới mà người ta khó có thể chấp nhận sự thực tập về tình thương đích thực bởi vì ai cũng muốn có quan hệ tình dục mà không bị ràng buộc bởi một cam kết lâu dài. “Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì chính tôi và người kia sẽ bị tổn thương nếu như quan hệ giữa hai người quá thân mật mà lại không  có sự cam kết lâu dài. Đó là một sự xâm phạm gây tổn hại tâm lý cho chính mình và cho người kia.”

“Tôi cũng đã từng trải qua chuyện quan hệ tình dục ngoài hôn nhân,” Stephens thú nhận, “và nó đã gây ra bao khổ đau cho tôi, cho vợ tôi và cả cho người kia nữa.” Một điều rất quan trọng mà ta cần ghi nhớ đó là: tình dục không phải là tình yêu, và đôi khi ham muốn tình dục thực sự có gốc rễ từ một nhu yếu sâu sắc là được kết nối, được gắn kết với một ai đó hoặc muốn khẳng định sự tồn tại của một cái ngã. “Đối với tôi,” Stephens nói, “ham muốn tình dục thường có nguyên nhân là sự cô đơn, cho nên khi quan hệ vợ chồng của chúng tôi không vững chắc thì nỗi cô đơn trong tôi thường trở nên mạnh hơn.” Nhưng, theo giới thứ ba thì, “Những hoạt động tình dục phát xuất từ sự ham muốn luôn luôn làm hại bản thân và người khác.” Nó chỉ có thể là một tấm băng dán tạm thời để băng bó vết thương của sự cô đơn mà thôi.

Để sống với tình thương đích thực không dễ tí nào, Stephens công nhận. “Mình phải để tâm và bỏ nhiều công sức với nó.” Chìa khóa thật sự là ở chỗ “mình chỉ cần để hết tâm sức nuôi dưỡng tình thương đích thực đối với người bạn đời của mình, khi đó thì vấn đề chung thủy trong quan hệ tình dục sẽ trở thành một điều hết sức tự nhiên mà không cần phải cố gắng.” Dạo này Stephens và bạn đời của anh thường xuyên dành thì giờ để chăm sóc và trân quý nhau, chia sẻ với nhau những niềm đau hay những khó khăn mà họ đang đi qua. Giờ đây quan hệ giữa hai vợ chồng luôn có nhiều thương yêu, và vì vậy mà sự thủy chung có mặt.

Lễ cưới hôm đó ở Làng Mai được kết thúc bằng thiền ôm – thay vì một nụ hôn, cô dâu chú rể đã đánh dấu hôn ước của mình bằng một cái ôm tròn đầy. Họ bước ra khỏi thiền đường với một nụ cười rạng ngời hạnh phúc. Những cánh hoa được tung lên trời để chúc mừng hạnh phúc của họ.

4. Ái ngữ và lắng nghe

Sư cô Chân Không đã làm việc bên Thầy hơn năm mươi năm qua và được công nhận là một người có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Làng Mai. Sư cô cũng đồng thời là một giáo thọ tài năng. Trong thời gian tôi tham dự khóa tu, vào một buổi chiều, sư cô đến Xóm Mới để dạy về một phương pháp thực tập có tên gọi là Làm Mới. Đó là phương pháp thực tập có tác dụng hỗ trợ cho sự thực tập giới thứ tư về ái ngữ và lắng nghe.

Phương pháp Làm Mới giúp chúng ta nhìn sâu và trung thực về bản thân, đồng thời giúp cải thiện quan hệ giữa ta và mọi người thông qua sự thực tập ái ngữ và lắng nghe. Làm Mới gồm có bốn bước. Bước thứ nhất là nói lên những điều mà bạn trân quý nơi người kia, hay còn gọi là “tưới tẩm những hạt giống tốt” nơi người đó. Điều này có nghĩa là khi bạn chú ý đến những phẩm chất tích cực của người kia thì cũng đồng thời giúp cho những phẩm chất này lớn mạnh hơn. Bước thứ hai là thừa nhận những hành động còn vụng về của bạn trong liên hệ với người đó. Trong việc này, sự thực tập chánh niệm có thể giúp bạn vì nó sẽ rèn cho bạn càng ngày càng ý thức hơn về những hành động của mình. Tiếp theo, bước thứ ba là chia sẻ những niềm đau, những tổn thương mà bạn nghĩ rằng do người kia gây ra. Điều vô cùng quan trọng ở đây là bạn cần chia sẻ một cách nhẹ nhàng, khéo léo và không đổ lỗi cho người kia – nói như thế nào mà người kia không cảm giác là bạn đang chỉ trích họ, mà thay vào đó bạn chỉ muốn họ mở lòng ra để giải thích về những hành động mà đã làm cho bạn tổn thương. Cuối cùng, bước thứ tư là chia sẻ bất cứ khó khăn nào mà bạn đang trải qua và xin người đó giúp đỡ bạn. Sau đó, người nói và người nghe có thể đổi vai cho nhau.

Ở Làng Mai, tăng thân xuất sĩ thực tập hai bước đầu của pháp môn làm mới hai tuần một lần và thực tập cả bốn bước trong những nhóm nhỏ, hoặc hai người làm mới riêng với nhau khi có nhu cầu. Sư cô Chân Không khuyến khích các bạn thiền sinh thực tập Làm Mới trong gia đình của mình. Bạn có thể thực tập ngay cả khi người mình muốn làm mới chưa từng biết đến pháp môn này. Bạn có thể khéo léo thực tập theo các bước đã nêu trên mà không bị kẹt vào hình thức, và không cần mong đợi là người đó sẽ tiếp nhận liền. Theo sư cô Chân Không thì với thời gian thái độ của người kia đối với bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Như sư cô đã chia sẻ với một nhóm các bạn thiền sinh trong khóa tu ở Xóm Mới, “khi các bạn nhìn tôi, các bạn có một cái tưởng, một tri giác về sư cô Chân Không, nhưng cái tri giác đó của bạn chỉ có khoảng chừng 5 hoặc 10 phần trăm là gần với sự thật. Điều này cũng xảy ra tương tự khi bạn nhìn người mà bạn đang yêu hoặc người mà bạn ghét.” Tri giác của chúng ta không toàn hảo, vì vậy để hiểu thêm về người khác, chúng ta cần truyền thông nhiều hơn với họ.

5. Nuôi dưỡng và trị liệu

Hôm nay cây dâu gần vườn Bụt xóm Mới – nơi có ba tượng Bụt đang ngồi – trở nên rực rỡ với những mảnh giấy đủ màu được cắt thành hình trái tim, bông hoa hay hình cây nến đính trên các cành cây. Lục trong balô của mình, tôi tìm một mẩu giấy nhỏ màu xanh lá cây và viết lên đó tên của những người thân đã khuất  – ông bà, cha, chú và dì của tôi. Rồi tôi dán mảnh giấy đó lên một nhánh cây. Ngày hôm nay, ở Làng Mai có lễ giỗ tổ tiên để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên của mình và ý thức rằng chúng ta là sự tiếp nối của liệt vị. Sau buổi lễ, chúng tôi ăn trưa ngoài trời với bánh ngọt và có cả màn múa lân đẹp mắt với những con lân chớp chớp mắt, ngúc ngoắc đuôi, và nhảy nhót theo nhịp trống dồn. Chỉ một thứ duy nhất không có trong lễ giỗ tổ tiên này, đó là rượu.

Mặc dù tôi có thể uống rượu một cách chừng mực mà không bị tổn hại gì nhiều cho bản thân ngoài chuyện bị choáng váng nhức đầu vào ngày hôm sau, nhưng đối với nhiều người thì chuyện đó là không thể. Đối với con cái, bạn bè và đồng nghiệp của mình, tôi không thể nào biết được cấu trúc gen di truyền hay nhìn thấu những ngõ ngách ẩn chứa những yếu đuối trong thân tâm của họ. Nói một cách ngắn gọn, tôi không thể biết hết được những tác hại mà rượu có thể gây ra đối với họ trong tương lai. Nhưng thông qua hành động uống cùng họ và trước mặt họ, tôi đã vô tình khuyến khích họ uống rượu. Vì vậy, ở Làng Mai mọi người đều ý thức rằng việc không sử dụng các sản phẩm độc (như rượu, các thức gây nghiện, v.v.) không chỉ vì lợi ích cho chính bản thân chúng ta, mà còn vì lợi ích của mọi người.

Trong cuộc phỏng vấn với sư cô Châu Nghiêm, sư cô đã chia sẻ với tôi những điều Bụt dạy về bốn loại thức ăn (tứ thực) – những lời dạy này đã được thể hiện bằng giới thứ năm. Ngoài các loại thức ăn, thức uống mà chúng ta đưa vào cơ thể bằng đường miệng (còn gọi là đoàn thực), chúng ta còn tiêu thụ các loại thức ăn khác như: xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Xúc thực bao gồm những thức ăn được đưa vào cơ thể qua mắt và tai – chẳng hạn như các hình ảnh quảng cáo, phim ảnh, sách báo và ngay cả chuyện trò.

Còn tư niệm thực là những điều thôi thúc chúng ta trong cuộc sống, đó là ước mơ, là khát vọng của chúng ta. “Nếu bạn muốn trở thành nổi tiếng hoặc làm ra thật nhiều tiền, ước muốn đó được coi là một loại tư niệm thực,” Sư cô Châu Nghiêm giải thích. “Nó đem lại cho bạn thật nhiều năng lượng, bạn có thể thức khuya và xả thân mình cho mục đích đó. Nhưng bạn cũng có thể có ước mơ làm vơi bớt khổ đau của mọi người, đó cũng là một loại tư niệm thực, và nó cũng có thể đem lại cho bạn rất nhiều năng lượng.”

Sau hết là thức thực, đây là loại thức ăn mà lúc nào mình cũng “ăn”. Theo sư cô Châu Nghiêm, “nó đến từ tâm thức của chính cá nhân mình, những suy nghĩ, những ký ức của mình, và ngoài ra còn đến từ tâm thức cộng đồng. Nếu chúng ta ở cạnh những người có nhiều sợ hãi và giận dữ, chúng ta sẽ ăn thức ăn của tâm thức cộng đồng là sợ hãi và giận dữ. Nhưng nếu ta ở cạnh những người có bình an, thì năng lượng bình an đó chính là một loại thức ăn.”

Ở Làng Mai, các thầy, các sư cô cũng như các bạn thiền sinh đến Làng tu tập đều cố gắng thực tập tiêu thụ bốn loại thức ăn này trong chánh niệm. Về đoàn thực, sư cô Châu Nghiêm nói, “chúng tôi chỉ lấy thức ăn vừa đủ mà thôi, và chúng tôi luôn biết ơn là mình có đủ thức ăn để nuôi sống mình và cho phép mình tiếp tục tu tập.” Còn về xúc thực, “chúng tôi không xem truyền hình hoặc nghe radio hay đọc báo. Chúng tôi có thể lên Internet để đọc, nhưng chỉ đọc vừa đủ để biết cái gì đang xảy ra trên thế giới. Chúng tôi không tiêu thụ tin tức một cách thường xuyên bởi vì tin tức không phải là nguồn duy nhất cho ta biết về thực tại. Rất nhiều tin tức chỉ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống, tại vì những cái đó mới ăn khách.” Nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều tin tức và trở nên tuyệt vọng hoặc thờ ơ, dửng dưng thì cái đó không giúp gì được để cải thiện tình hình thế giới.

Tại Làng Mai, các máy vi tính đều có cài chuông để thỉnh thoảng nhắc mọi người trở về với hơi thở vào và hơi thở ra. “Tiếng chuông chánh niệm là một loại xúc thực có tác dụng giúp ta trở về chăm sóc tự thân và không bị cuốn theo dòng suy nghĩ suốt cả ngày,” Sư cô Châu Nghiêm giải thích. “Suy nghĩ của chúng ta đôi khi không phải là những thức ăn lành mạnh, do vậy dừng lại dòng suy tư và tiếp xúc với những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây sẽ giúp nuôi dưỡng chúng ta. Nếu để ý, ta có thể nghe được tiếng gió thổi qua những cành cây và cả tiếng chim hót. Có rất nhiều thứ nuôi dưỡng chúng ta nếu chúng ta có ý thức.” Thức thực ở Làng Mai rất lành mạnh, bởi vì ở đây có khoảng 200 vị xuất sĩ đang thực tập chánh niệm mỗi ngày và họ thực tập như vậy quanh năm. Ngoài ra, trong tuần này còn có cả ngàn thiền sinh đến đây, và khi mà có khoảng một ngàn người cùng đi thiền hành, cùng ăn cơm trong chánh niệm theo gia đình pháp đàm thì tạo ra năng lượng rất hùng hậu, rất trị liệu.”

“Năm phép thực tập chánh niệm không phải là luật lệ hoặc các điều răn dạy của một đấng tối cao”, Sư cô An Nghiêm chia sẻ – sư cô đã từng làm việc cho thị trưởng của thành phố Washington D.C trước khi xuất gia. Một số người quyết định không thọ năm giới vì họ nghĩ là họ cần phải thực tập các giới này một cách hoàn hảo. “Ai trong chúng ta có thể làm bất cứ cái gì cũng hoàn hảo hết?” Sư cô An Nghiêm hỏi. “Năm phép thực tập chánh niệm là phương hướng để chúng ta đi tới. Cũng giống như ngôi sao Bắc đẩu ở đằng kia, tôi muốn đi về hướng đó. Khi tôi càng đi theo hướng đó và chuyển hóa thì tôi sẽ nhìn thấy con đường càng lúc càng rõ ràng hơn.

“Chúng ta có thể đi theo nhiều con đường, nhưng cốt lõi nhất – cái đỉnh cao nhất – là niệm, định và tuệ. Một số người có thể thực tập năm giới một cách rất nghiêm túc, một số khác thì thực tập theo một vài khía cạnh  mà thôi. Chìa khóa là ở chỗ dù làm bất kỳ điều gì, bạn cũng cần phải làm trong chánh niệm và tỉnh thức, bởi vì khi bạn càng có ý thức về những hành động của mình, chẳng hạn như ý thức về việc ăn thịt hay uống rượu có ảnh hưởng thế nào tới thân tâm của bạn thì bạn có thể có một quyết định hết sức rõ ràng về chuyện có nên tiếp tục hành động như vậy nữa hay không.”

Lễ truyền Năm giới

Vào buổi tối cuối cùng của tôi ở Làng Mai đã diễn ra một buổi lễ truyền năm giới tại thiền đường Trăng Rằm, xóm Mới. Ở trung tâm của thiền đường, hướng về phía bàn thờ Bụt với hoa quả được bày biện khéo léo là chỗ ngồi của các giới tử – những người sẽ nhận năm giới. Tôi cũng vào ngồi với họ trên bồ đoàn và tọa cụ màu tím, dù là tôi đã nhận năm giới hồi năm ngoái. Sư cô An Nghiêm nói đúng, không ai trong chúng ta có thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo, nhưng rồi dần dần, qua mỗi hơi thở, mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, tất cả chúng ta đều có khả năng sống và thực tập năm giới càng lúc càng trọn vẹn hơn. Năm giới là những hạnh nguyện mà chúng ta có thể luôn luôn làm mới.

Sau khi tham dự lễ truyền giới, tôi ra khỏi thiền đường với gia đình pháp đàm của mình. Trên đường trở về nhà Đầu Thôn một lần cuối trước khi rời Làng, tôi chợt nhận ra rằng trên tay tôi không còn chiếc đồng hồ đeo tay nữa – chiếc đồng hồ mà trên mặt có in thư pháp của Thầy, chữ It’s ở chính giữa, và chữ Now ở vị trí 12, 3, 6 và 9 giờ. Khi nhìn đồng hồ lúc nào mình cũng thấy dòng chữ It’s Now, nghĩa là bây giờ, bây giờ, bây giờ….lúc nào cũng vậy. Tôi quay trở lại nhưng không tìm ra được chiếc đồng hồ, và trong khi mặt trời bắt đầu lặn, tôi cảm thấy buồn vô cùng bởi vì chiếc đồng hồ đó là một chút gì của Làng Mai mà tôi muốn mang về nhà, vậy mà không được nữa rồi. Bỗng nhiên tôi nhớ tới Thầy và cuộc phỏng vấn của tôi với Thầy.

“Làng Mai không hẳn là một nơi tọa lạc trong không gian và thời gian,” Thầy bảo tôi. “Bạn có thể có nó bất cứ lúc nào và ở đâu. Nếu bạn tới Làng Mai và bạn không biết cách sống trong giây phút hiện tại thì đó không phải là xứ sở của giây phút hiện tại. Nhưng nếu bạn đang ở Mỹ hoặc ở châu Á nhưng bạn an trú trong giây phút hiện tại thì bạn đang ở Làng Mai. Khi bạn bay trở về Mỹ, bạn vẫn có thể có Làng Mai trên máy bay. Bạn không cần tìm tới tương lai, bạn không cần quay về quá khứ. Nếu bạn biết sống những giây phút của đời sống hàng ngày trong niềm vui và sự bình an thì bạn đang ở Làng Mai đó. Bạn đang ở trong xứ sở của giây phút hiện tại.”

Đạo Phật Làng Mai làm sao hấp dẫn…

2008 05 14 tăng thân Làng Mai niệm Bồ Tát Quan Thế Âm

“Đạo Phật Làng Mai làm sao hấp dẫn được một lượng người ngoại quốc đi theo đông đảo như thế?”

Báo Hồn Việt phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nguyễn Đắc Xuân thực hiện

Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2008 bế mạc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai gần 500 người rời Hà Nội, đáp máy bay về Tổ đình Từ Hiếu, Huế nghỉ ngơi vài hôm trước khi vào Hội An để tổ chức sinh hoạt với doanh nhân tại Palm Garden Resort từ ngày 24 đến 25.05.2008, một đại diện của báo Hồn Việt hân hạnh được gặp Thiền sư và được Thiền sư trả lời một số câu hỏi mà độc giả của Hồn Việt đang quan tâm sau đây.

Nguyễn Đắc Xuân:
Xin cám ơn Thiền sư đã dành thời gian nghỉ ngơi quý báu này tiếp đại diện báo Hồn Việt của Hội Nhà văn Việt Nam. Để tranh thủ thời gian, kính xin Thiền sư cho chúng tôi được chuyển đến Thiền sư thắc mắc của dân chúng Hà Nội khi đứng xem đoàn tăng thân Làng Mai hàng năm trăm người với nhiều quốc tịch khác nhau thanh thản tiến vào Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình dự Phật Đản LHQ Vesak 2008, rằng: “Đạo Phật Làng Mai làm sao hấp dẫn được một lượng người ngoại quốc đi theo đông đảo thế?” Kính nhờ Thiền sư giải đáp hộ.

2008 05 14 ts Nhất Hạnh tại Vesak
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Tôi vắng mặt ở Việt Nam từ 1966. Trong thời gian ở nước ngoài, tôi dành ít nhất 30 năm để chia sẻ tuệ giác và thực tập đạo Bụt Việt Nam (sau này tôi thành lập Làng Mai ở Pháp nên có tên là Đạo Bụt Làng Mai) với người Tây phương bằng những khóa tu, cộng với hàng trăm cuốn sách đạo Phật Việt Nam hiện đại hóa. Các khóa tu chung cho giới trẻ và trí thức, cũng có những khóa tu dành riêng cho các thầy giáo, các doanh nhân, giới bảo vệ môi trường, diễn viên điện ảnh Hollywood, dân biểu quốc hội Hoa Kỳ, cảnh sát, người giữ tù, v.v… Phần lớn người Tây phương cho biết họ theo đạo Phật Làng Mai vì những điều thông thường sau đây:

1. Đạo Phật đã có trên 25 thế kỷ, đến nay đạo Phật được trình bày lại với ngôn ngữ văn hóa mới của Việt Nam và thế giới, dễ hiểu, gần gũi với con người của thời đại. Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo tín ngưỡng mà còn là nguồn tuệ giác sâu sắc, những phương pháp tu tập thực tế giúp cho mỗi cá nhân tháo gỡ được những khó khăn trong một thời gian tu tập ngắn (một khóa tu ngắn hạn có thể từ 7 đến 10 ngày). Nói cách khác, người Tây phương đến tu học ở Làng Mai không phải để được hiến tặng một đức tin mà để được tiếp nhận một phương pháp thực tập kinh nghiệm, đem lại hạnh phúc cho mình, ngay bây giờ và ở đây.

2. Đức Phật không phải là một đấng tạo hóa hay một vị thần linh mà đích thực là một con người, một người đã đắc đạo, có tuệ giác cao siêu nhờ tu tập. Đạo Phật là một phương pháp sống nương vào tự lực hơn là nương vào một quyền lực linh thiêng bên ngoài không có giáo điều, không mặc khải, không xung đột báng bổ với bất cứ một truyền thống tâm linh nào, và trong bản chất đích thực của nó cũng không xung đột với khoa học hiện đại. Chúng tôi học đạo Phật và cũng học để biết các truyền thống khác như Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo… Nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo, Tin Lành, và các tôn giáo khác đến tu ở Làng Mai mà vẫn giữ nguyên tôn giáo mà họ đã theo. Có người giác ngộ muốn vừa làm Mục sư Tin Lành vừa làm Giáo thọ của Làng Mai. Sáng chủ nhật ông giảng bài với con chiên với phương pháp mới học ở Làng Mai, buổi chiều hướng dẫn thiền tập cho Phật tử Làng Mai. Nếu bề trên không cho phép thì ông chọn cái nghiệp mới là làm Giáo thọ. Trí thức và tuổi trẻ phương Tây rất thích điều này.

3. Đạo Phật Làng Mai được người phương Tây theo nhiều vì đạo Phật giúp họ tháo gỡ được những khủng hoảng giữa cha mẹ với con cái, vợ chồng, về đời sống xã hội, bế tắc về tâm linh đang diễn ra ở phương Tây hiện nay.

Nguyễn Đắc Xuân:
Kính thưa Thiền sư, những người đến Làng Mai tu tập được học và thực tập những nội dung gì?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Trước hết chúng tôi chia sẻ với họ cách hít thở, hành thiền, chánh niệm, phương pháp lấy ra những căng thẳng trong thân, trong tâm, tập nhận diện và ôm ấp những sợ hãi, đau buồn, lo lắng của mình. Nhìn sâu vào mình để có thể nhận diện được bản chất tâm hành đó. Rồi nhìn vào người thân của mình để nhìn thấy trong họ có căng thẳng trong thân, trong tâm để phát khởi lòng thương, chấp nhận họ. Nhờ sự lắng dịu trong thân và tâm, cởi bỏ được thái độ trách móc, với phương pháp ái ngữ và lắng nghe, hiểu được khó khăn và bức xúc, khổ đau, mơ ước của người khác, chấp nhận người khác và giúp đỡ được cho người khác. Đó là hiểu và thương. Lập lại được truyền thông đã mất giữa những người thân.

Sau các khóa tu, nhiều phép lạ đã xuất hiện, vợ chồng tưởng cắt đứt vĩnh viễn lại hòa giải được, cha mẹ với con tưởng đã không thể hiểu nhau lại làm hòa được và thương kính nhau. Sau các khóa tu, chúng tôi không quyến rũ người ta theo đạo Phật. Nhưng khi họ đã thấy được hiệu nghiệm của đạo Phật, họ xin quy y Phật và thọ năm giới. Năm giới là sự thực tập cụ thể của tình thương. Giới thứ nhất: bảo vệ sự sống, giới thứ hai: chia thời gian và tài vật cho người khác, không ăn cắp, ăn trộm; giới thứ ba: không lạm dụng tình dục, giới thứ tư: ái ngữ và lắng nghe; giới thứ năm: tiêu thụ trong chánh niệm (chỉ tiêu thụ những sản phẩm mang lại sự an lạc cho tâm mình, không rượu chè, ma-túy). Tiếp đến họ được chia sẻ ý nghĩa của Tứ Diệu Đế và tùy theo ý nguyện, họ có thể đi sâu vào các lĩnh vực triết lý Phật giáo cao siêu khác.

Nguyễn Đắc Xuân:
Xin Thiền sư cho biết có thể áp dụng năm giới cho toàn xã hội phương Tây và Việt Nam được không?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Đó là ước muốn của Phật giáo. Nhiều Phật tử Việt Nam đã thực hiện 5 giới từ lâu rồi. Hàng triệu người trong hàng ngàn tăng thân theo đạo Phật Làng Mai trên thế giới đang thực hiện. Phật tử sinh hoạt đạo Phật ở Làng Mai (Pháp), Lộc Uyển (miền nam California, Mỹ), Bích Nham (New York, Mỹ), Bát Nhã (Bảo Lộc, Việt Nam) và ngay tại chùa Từ Hiếu (Huế) này nhiều Phật tử đang thực hiện. Nếu năm giới được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia, thanh niên được chia sẻ và thực tập năm giới là một hồng ân của dân tộc. Thực hiện năm giới là cứu nạn cho con người hiện nay.

Nguyễn Đắc Xuân:
Kính xin Thiền sư cho vài ví dụ!

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Thực hiện giới thứ nhất là muốn bảo vệ sự sống thì phải sử dụng khả năng hiểu và thương để chấm dứt các cuộc xung đột trong phạm vi gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế, phải biết lắng nghe và nhìn sâu để tự hiểu mình và hiểu người khác, giải quyết những ngộ nhận để các dân tộc hiểu và thương nhau, lập lại hòa bình (ví dụ như chiến tranh ở I-rắc); thực tập giới thứ hai là không trộm cắp, không bóc lột, để trừ tận gốc bệnh tham nhũng, ăn cắp hiện nay. Thực hiện giới thứ năm là góp phần bảo vệ môi trường bằng cách sản xuất và tiêu thụ có ý thức chánh niệm. Một số tu viện của đạo Phật Làng Mai đã bắt đầu dùng điện mặt trời, ô-tô không chạy bằng xăng mà chạy bằng dầu thực vật v.v…

Nguyễn Đắc Xuân:
Những đại biểu thuộc nhiều tôn phái Phật giáo trên thế giới đến dự Phật Đản LHQ Vesak 2008 tại Hà Nội vận đủ kiểu, đủ sắc màu vàng, nâu, đen, trắng rất mới lạ. Tại sao Thiền sư và tăng thân Làng Mai chỉ với áo nâu và chiếc nón lá?

2008 05 14 tăng thân Làng Mai tham dự Vesak   áo nâu nón láThiền sư Thích Nhất Hạnh:
Nón lá, chiếc khăn chít đầu và trang phục màu nâu là hình ảnh và màu sắc của dân tộc Việt Nam đã có hàng ngàn năm nay. Đạo Phật Làng Mai là đạo Phật Việt Nam, dù đã được hiện đại hóa nhưng cái gốc văn hóa Việt Nam thì phải rõ. Hơn bốn mươi năm trước tôi ra đi với chiếc nón lá và chiếc áo nâu, nay trở về cũng chỉ với chiếc nón lá và áo nâu. Bây giờ, tôi thấy y áo lễ phục của các tăng sĩ Việt Nam mình màu sắc rực rỡ, gấm hoa, sang trọng quá nó gây cảm giác xa lạ với truyền thống bình dân Việt Nam. Tôi không muốn mình xa lạ với dân tộc mình. Áo nâu và nón lá là hình ảnh của đạo Phật Làng Mai đã quá quen thuộc với thế giới rồi thay đổi làm gì nữa và cũng không thể thay đổi được. Hình ảnh giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài là thế đó!

Nguyễn Đắc Xuân:
Lâu nay chắc Thiền sư có biết Việt Nam đang theo đuổi việc xây dựng một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc”. Vậy, “bản sắc dân tộc” theo Thiền sư nghĩ là cái gì? Cái bản sắc văn hóa dân tộc Việt đó đi vào đời sống hội nhập thế giới hiện đại ngày nay có gì khó khăn trở ngại không?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Bản sắc văn hóa dân tộc có thể cảm nhận được nhưng nói ra cho đầy đủ thì rất khó. Người ta nói Làng Mai là một Việt Nam thu nhỏ trên đất Pháp. Người ta sống với Làng Mai họ có cảm giác như thế chứ nói cái gì ở Làng Mai là mang bản sắc văn hóa Việt Nam thì khó. Về bản sắc dân tộc, tôi lấy một ví dụ: Ngày xưa cha ông mình đi ăn giỗ, đi sớm đi muộn gì cũng có phần ăn. Ăn giỗ xong trên đường về ghé bẻ một nhánh cây dọc đường xỉa răng, không sao cả. Bây giờ đi ăn giỗ phải đi đúng giờ, phải tính đến chuyện kẹt xe, nếu đi trễ sẽ phải ra nhà hàng ăn lót dạ trước khi quay xe trở về. Việt Nam nghèo nhưng cha ông ta có nếp sống nhàn nhã, thong thả, đến bữa ăn tất cả mọi người trong gia đình đều ngồi quanh mâm cơm, có thì giờ dạy bảo con cái, chuyện trò với người thân, kỵ giỗ đình đám quanh năm, cuộc sống gắn bó tâm tình thân thiết. Bây giờ thì ít khi bữa ăn có đủ mặt người thân trong gia đình, vợ chồng con cái ít có thì giờ gặp gỡ, trò chuyện với nhau, mỗi người có mỗi thời khóa biểu làm việc riêng, không phụ thuộc nhau. Kỵ giỗ không nhớ. Vì vậy nếu giữ cái bản sắc dân tộc cố hữu của mình thì sẽ bị cuộc sống hiện nay đào thải. Nếu chạy theo cuộc sống hiện nay thì sẽ mất gốc. Theo tôi, văn hóa Việt Nam là một cái mỏ vàng, ta phải khai thác, tinh lọc để lấy cho được thứ vàng ròng, rồi dùng ngôn ngữ và phương pháp hiện đại trình bày lại cho hợp với nếp sống hiện đại. Làng Mai đã làm như thế đối với đạo Phật truyền thống của Việt Nam và đã có kết quả.

Nguyễn Đắc Xuân:
Kính thưa Thiền sư, như báo chí vừa phản ảnh, lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2008 tại Hà Nội vừa qua đã đạt được kết quả rất to lớn. Theo nhận xét của Thiền sư cuộc đại lễ chưa từng có đó có gì cần phải góp ý nữa không?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Tôi hơi tiếc Ban tổ chức Đại lễ Vesak thiếu quan tâm đến giới trí thức hàng đầu của Việt Nam ở các Đại học, các Hội nhà văn, Hội sử học, Hội âm nhạc, và cả các tôn giáo khác. Phải có những thành phần ấy họ mới tiếp thu được kết quả của hội nghị để vận dụng vào cuộc đời ở những nơi, những giới mà ảnh hưởng của giới tu sĩ Phật giáo còn hạn chế.

Nguyễn Đắc Xuân:
Kính bạch Thiền sư, còn rất nhiều vấn đề độc giả Hồn Việt muốn biết nữa, nhưng vì sức khỏe của Thiền sư, chúng tôi xin được cám ơn Thiền sư ở đây. Kính chúc Thiền sư luôn sức khỏe để Đạo Phật Làng Mai dồi dào năng lượng chia sẻ phương pháp tu học giúp những người đang đau khổ lập lại truyền thông tạo dựng lại hạnh phúc đã mất trên thế gian này. Kính chào Thiền sư.

Chùa Từ Hiếu, chiều 20.05.2008 (Hồn Việt số 12/06.2008)

Ngồi trong bình an giữa lòng Boston

(BBT chuyển ngữ từ bài viết “Thousands meditate with Zen Buddhist monk” của tác giả Billy Baker đăng trên tờ Boston Globe, ngày 16/9/2013)


Khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh – năm nay đã 86 tuổi – được giới thiệu trước công chúng tại quảng trường Copley vào chiều Chủ nhật, Thầy bắt đầu bằng hành động ngồi yên và không nói gì trong suốt 25 phút.

Sự có mặt tại Boston lần này của Thầy Nhất Hạnh, vị Thiền sư người Việt đồng thời cũng là một nhà hoạt động vì hòa bình và một học giả được cả thế giới kính ngưỡng, là một phần trong chuyến đi hoằng pháp tại Mỹ của Thầy. Khi ngồi thiền trước đám đông khoảng 2000 người, Thầy Nhất Hạnh đã làm được một điều mà dường như không bao giờ có thể làm được: Thầy đã làm cho cả trung tâm thành phố vốn ồn ào, náo nhiệt cũng trở nên yên lặng cùng với Thầy, đến mức mà bất kỳ một tiếng động nào – dù là tiếng trượt ván, tiếng còi hay tiếng xe du lịch (duck boat tour) đi ngang qua – cũng trở nên lạc lõng giữa không khí tĩnh lặng nơi đây.

Buổi ngồi thiền công cộng này diễn ra ngay trước Nhà thờ Trinity (Trinity Church) và kéo dài trong một tiếng đồng hồ. Không khí tại quảng trường lúc đó hoàn toàn yên lặng, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng Thầy hướng dẫn cho mọi người thở vào, thở ra và ý thức về những cảm xúc đang có mặt trong thân và tâm của mình.

“Bằng cách trở về với hơi thở vào và hơi thở ra, chúng ta có thể dừng lại những suy nghĩ miên man trong đầu mình. Những suy nghĩ này thường kéo chúng ta ra khỏi giây phút hiện tại và không cho ta có mặt trong giây phút này, ngay bây giờ và ở đây” Thầy chia sẻ.

Sự có mặt của Thầy Nhất Hạnh tại Boston là một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng Phật giáo địa phương – Boston là điểm dừng chân duy nhất của Thầy Nhất Hạnh ở vùng New England trong hành trình hoằng pháp của Thầy tại Mỹ trong năm nay.  Vào ngày thứ Bảy, Thầy đã có một buổi pháp thoại có bán vé bên trong nhà thờ, nhưng Thầy mong muốn tổ chức một hoạt động mà công chúng có thể tham dự miễn phí.

“Nếu bạn là một người thực tập theo đạo Bụt thì đây là một cơ hội thật hiếm có, vì Thầy Nhất Hạnh là một trong những vị thiền sư nổi tiếng nhất thế giới, có lẽ chỉ đứng thứ hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma mà thôi” – đó là lời của Louise Burnham Packard, Giám đốc điều hành của Trinity Boston Foundation, nơi đứng ra tổ chức sự kiện này.

“Chúng tôi tổ chức sự kiện này nhằm đem thông điệp của Thầy “hòa bình trên thế giới bắt đầu từ hòa bình trong mỗi chúng ta” đến với mọi người. Thật là một sự trùng hợp kỳ diệu vì đây cũng là ngày kỷ niệm đúng 5 tháng kể khi xảy ra vụ đánh bom tại cuộc đua marathon ở Boston. Và giờ đây chúng ta cùng có mặt tại quảng trường Copley với mục tiêu mang cả thành phố đến với nhau.”

Tổ chức một sự kiện trọng đại mà phần lớn ảnh hưởng của nó được tạo nên bởi sự yên lặng thực sự là một thách thức thú vị đối với các tình nguyện viên – những người mặc áo thun đồng phục với  dòng chữ “Sit in Peace” (Ngồi trong Bình an). Họ âm thầm làm việc dọc phía ngoài quảng trường để giúp cho những người đang ngồi thiền không bị ảnh hưởng bởi những âm thanh ồn ào, náo nhiệt của thành phố. Cả quảng trường từ nhà thờ cho đến những bồn hoa dọc đường Dartmouth đều chật kín người. Có những lúc các tình nguyện viên phải xử lý những tình huống hết sức khó khăn, như tìm mọi cách để thuyết phục một người biểu diễn đường phố để anh ta ngừng việc chơi nhạc trên đường Boylston.

Trong số những người đến tham dự cũng có nhiều người thực tập theo đạo Bụt, tuy nhiên  phần lớn mọi người đến đây với một mục đích đơn giản là để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với thiền sư Nhất Hạnh và với giáo lý đạo Bụt.

“Chúng tôi là những người thực tập thiền theo kiểu tùy hứng, nhưng chúng tôi có một niềm tin lớn vào đạo Bụt,” Steve Joseph, 59 tuổi, đến từ Arlington chia sẻ.

“Thầy Nhất Hạnh là một nhà lãnh đạo tâm linh, vì vậy lý do mà tôi đến đây đơn giản là để được nhìn thấy Thầy và cảm nhận sự có mặt của Thầy,” Ann Horowitz, 57 tuổi, chia sẻ thêm.

Tại quảng trường, trong lúc mọi người đều chờ đợi sự kiện bắt đầu, Sunny-San – một trong những tình nguyện viên – cũng cảm thấy nóng lòng chờ đợi sự xuất hiện của Thiền sư Nhất Hạnh. Anh tò mò muốn  tận mắt thấy, hay nói đúng hơn là muốn thực sự cảm nhận điều gì từ vị thầy này mà khiến cho quá nhiều người kính ngưỡng và mong chờ được gặp đến vậy.  Mục sư Martin Luther King Jr. đã từng ca ngợi Thầy là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động”. Những giáo lý căn bản của Thầy thường được người ta nhắc đến như là “nghệ thuật sống chánh niệm”, giúp cho ta tìm thấy hạnh phúc bằng cách sống an trú trong giây phút hiện tại.

“Có một cái gì đó thật lạ nơi Thầy. Năng lượng từ Thầy làm cho tôi cảm nhận rằng đây đúng là một bậc thầy hiếm có,” Sunny-San chia sẻ. “Tôi có đọc một số sách của Thầy. Tôi cho rằng nếu có ai đó hỏi tôn giáo của Thầy là gì thì Thầy sẽ tóm tắt nó trong một từ, đó là: từ bi. Những gì Thầy dạy cho chúng ta không phải là để chúng ta trở thành một người y như Thầy. Thầy dạy cho chúng ta cách thương yêu lẫn nhau. Thầy đúng là người mà chúng ta đang cần ở đây, tại quảng trường Copley này”.

Khi sự kiện bắt đầu, mục sư Bill Rich – lãnh đạo nhà thờ Trinity đã có một bài diễn văn trong đó nhắc đến vụ đánh bom xảy ra tại cuộc đua marathon ở Boston 5 tháng trước đó – địa điểm đánh bom chỉ cách quảng trường Copley khoảng vài trăm mét. Mục sư cũng đồng thời kêu gọi cho hòa bình và tưởng nhớ đến các nạn nhân của vụ đánh bom.

Khi được mục sư Bill Rich giới thiệu trước công chúng, trong chiếc áo tràng nâu cùng với chiếc mũ len giữ ấm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh – vị thầy lãnh đạo tâm linh – không làm gì khác ngoài việc ngồi yên lặng hoàn toàn trong suốt 25 phút. Và đây chính là những gì mà mọi người mong đợi được chứng kiến khi đến tham dự buổi ngồi thiền công cộng hôm đó.

 

 

Sử dụng kinh thiền Nguyên thỉ làm nền tảng với tinh thần Phật giáo Ðại thừa

Phương pháp thiền Làng Mai –
Sử dụng các kinh thiền Nguyên thỉ làm nền tảng với tinh thần của Phật giáo Ðại thừa

Được bắt nhịp và bám rễ trên mảnh đất Tây phương từ khá sớm, phương pháp thiền do Thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn đã tạo nên một ảnh hưởng rất lớn trong xu hướng tu tập của nhiều giới, nhiều người. Trong khuôn khổ phác thảo một bức tranh chung về Thiền học Việt Nam đương đại, NSGN xin trân trọng giới thiệu cuộc phỏng vấn với Thiền sư Nhất Hạnh xoay quanh chủ đề về Thiền phái mà Thiền sư chính là người khai phát thành công tại Tây phương và nhiều quốc gia trên thế giới.

NSGN

Phóng viên:

Xin Thiền sư cho biết, nhân duyên nào khiến Thiền sư chọn pháp môn tu Thiền trong đường hướng tu tập của mình?

Thiền sư Nhất Hạnh:

Hồi còn là học Tăng, tôi đã có dịp thực tập các phép Chỉ và Quán của thầy Trí Giả, các pháp quán Ngũ Ðình Tâm, và phép niệm Phật, nhưng một phần vì sự học hỏi còn chưa được sâu sắc, một phần vì sự hướng dẫn của các vị thầy y chỉ lúc ấy còn sơ sài, nên kết quả không có gì đáng kể. Lớn lên, tôi có dịp nghiên cứu về Thiền Tổ Sư, Thiền Công Án, Thiền Mặc Chiếu, và cũng đã cố gắng đem ra thực tập, nhưng cũng không đạt được những kết quả mình mong muốn. Mãi đến khi phải đối diện với các tình trạng chiến tranh, đất nước chia đôi, mẹ mất, sa sút tinh thần, mất ngủ, tôi mới quyết liệt nắm lấy pháp môn An Ban Thủ Ý mà thực tập để sống sót. Nhờ đem thiền Ðông độ trở về tắm ở dòng suối của Phật giáo Nguyên thỉ nên tôi mới tinh lọc được giá trị chân thật của Phật giáo Ðại thừa. Những thiền kinh căn bản của Nguyên thỉ như Niệm Xứ, Niệm Thân, An Ban Thủ Ý, A Lê Xá, An Nan Thuyết v.v… trong Hán tạng cũng như trong Pali tạng đã được tôi nghiên cứu kỹ lưỡng để đem ra thực tập. Giáo nghĩa hiện pháp lạc trú, các phép điều thân, điều tức, nhận diện cảm thọ, cảm xúc, quán chiếu tự tính các pháp v.v… hiện ra như một bó đuốc soi đường. Lúc bấy giờ tôi mới thấy được tính cách thiết dụng các kinh điển đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cương, và tính cách nhất trí giữa hai truyền thống Nguyên thỉ và Ðại thừa. Tác phẩm nhỏ bé Bông Hồng Cài Áo là hoa trái đầu tiên của sự thực tập ấy. Tác phẩm Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức , xuất bản lần đầu tại Việt Nam và Hoa Kỳ năm 1974 là chứng tích của sự thực tập, 1956-1972 là giai đoạn thai nghén và hình thành Thiền Làng Mai.

Thưa, quan điểm về Thiền của Ngài là gì, và nền tảng lý luận về phương pháp ấy?

Thiền sư Nhất Hạnh:

Tôi nghĩ, bất cứ pháp môn nào có sử dụng năng lượng của Niệm và của Ðịnh đều mang tính chất thiền, kể cả các pháp môn Niệm Bụt và Trì Chú. Niệm và Ðịnh nếu thực sự có mặt thì sẽ đem tới Tuệ. Tuệ luôn luôn làm phát khởi Từ và Bi. Chính Tuệ sẽ tháo gỡ được những khó khăn của bản thân và giúp tháo gỡ những khó khăn của những người khác. Thiền có công năng chuyển hóa và trị liệu cho mình và cho người. Giải thoát trước hết là vượt thoát các tâm hành giận hờn, bế tắc, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng, những khó khăn trong nội tâm và trong hoàn cảnh, giải tỏa được hiểu lầm, thực hiện được hòa giải và tha thứ. Vì vậy, thiền phải có tính cách thực dụng. Mình tháo gỡ được cho mình rồi mình mới có khả năng giúp người khác tháo gỡ. Công phu cũng như thành quả phải tập trung cả vào giờ phút hiện tại. Ðọc lại Lâm Tế Lục , mình mới thấy được rõ ràng cái quan trọng của giây phút hiện tại: tùy xứ tác chủ, lập xứ tắc chân, phép lạ là đi ngay trên mặt đất . Vì lý do đó cho nên Thiền có thể đi đôi tuyệt hảo với Tịnh: nếu tâm có Niệm và Ðịnh thì Tịnh Ðộ hiện tiền, không cần đi tìm Tịnh Ðộ ở tương lai và ở một nơi nào khác. Giáo lý Duy Tâm Tịnh Ðộ đã cung cấp nền tảng cho sự thực tập này: nếu tâm tịnh là độ tịnh, ở đâu mình cũng có thể ngồi ở tịnh độ, đi trong tịnh độ. Có tịnh độ bây giờ thì chắc chắn cũng có tịnh độ trong tương lai. Vì vậy người tu thiền cảm thấy thoải mái khi trì tụng bài sám: Nương tựa A Di Ðà, trong bản môn mầu nhiệm (Nhật Tụng Thiền Môn 2000 ). Các vị tổ sư như Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ đều có nói: Di Ðà là tự tính, là pháp thân của chính ta, không phải là một thực tại nằm bên ngoài.

– Nếu như có thể, xin khái quát phương thức tu tập căn bản của dòng Thiền mà Thiền sư hướng dẫn – bao gồm những gì, quá trình tu tập và cùng những ích lợi cụ thể thiết thực của nó trong đời sống hiện đại?

Thiền sư Nhất Hạnh:

Sự thực tập của giới xuất gia và cả của giới không xuất gia là nắm cho vững hơi thở, bước chân và an trú trong giây phút hiện tại để nhận diện tất cả những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống để được nuôi dưỡng, nhận diện những khổ đau để làm vơi nhẹ và cuối cùng để chuyển hóa và trị liệu: năng lượng để làm các công việc này là Niệm và Ðịnh. Mỗi giây phút của sự thực tập hằng ngày là để chế tác Niệm và Ðịnh. Niệm và Ðịnh đưa tới hiểu (Tuệ) và thương (Từ và Bi). Chính cái vốn liếng hiểu và thương ấy giúp mình tháo gỡ được những khó khăn cho mình và cho người. Các khóa tu tổ chức hoặc 90 ngày, 21 ngày, 7 ngày, 5 ngày, 3 ngày hay 1 ngày đều là để thực tập chế tác niệm, định và tuệ; những giờ ngồi thiền, đi thiền, chấp tác, pháp đàm, địa xúc, làm mới, xướng tụng… đều nhắm vào mục đích ấy. Phương pháp lắng nghe và ái ngữ giúp mình điều chỉnh tri giác sai lầm, giúp người khác điều chỉnh tri giác sai lầm, phục hồi tình huynh đệ, nuôi dưỡng hiểu và thương. Những khóa tu như thế đã được tổ chức khắp nơi, thường thường phải thuê các trường Ðại Học trong dịp Hè mới có đủ chỗ cho cả ngàn thiền sinh về tu tập trong nhiều ngày. Năng lượng hùng hậu của một tăng thân có tu có học lâu ngày rất cần thiết cho sự thành công của những khóa tu lớn như thế. Ít nhất phải có một tăng thân gồm có 60 vị vừa xuất gia vừa tại gia mới hướng dẫn được một khóa tu như thế. Khóa nào cũng chứng kiến sự chuyển hóa của những cặp vợ chồng, cha con, mẹ con, đem lại hòa giải, tha thứ, hạnh phúc. Sau những khóa tu như thế ai cũng muốn khi trở về địa phương thành lập một tăng thân để tiếp tục nuôi dưỡng sự thực tập cho bền bỉ. Hiện có cả hàng ngàn tăng thân như thế tại các nước Âu, Mỹ, Á và Úc. Các thành phố lớn như New York, London, Los Angeles đều có ít nhất mười tăng thân. Tăng thân là những nhóm người thực tập theo pháp môn Làng Mai, thường được gọi là Communities of Mindful Living. Từ Ðiển Làng Mai cũng như các web sites trang nhà liên hệ tới Làng đều cung cấp địa chỉ của những tăng thân như thế để mọi người có thể tìm tới tham dự.

Thiền sinh thực tập theo pháp môn Làng Mai đều thọ trì Năm Giới và Giới Tiếp Hiện. Trong pháp tu Làng Mai, Niệm là bản chất của Giới. Cho nên vị nào thực tập Năm Giới và Mười Bốn Giới và các Uy Nghi cho vững vàng thì vị ấy sẽ dễ thành công hơn trong công phu thiền tập. Có những khóa tu được tổ chức cho những giới chức nghiệp đặc biệt như các vị chuyên về Tâm Lý Trị Liệu, các vị Giáo Chức, các vị chuyên về Bảo Hộ Sinh Môi, các vị chuyên về ngành An Ninh, các vị Văn Nghệ Sĩ, Diễn viên và Sản xuất Ðiện Ảnh, các vị Doanh Nhân, các vị Dân Biểu Quốc Hội v.. v… Trước khi mở những khóa đặc biệt như thế, mình phải học hỏi về những khó khăn và khổ đau của họ để có thể đưa ra những pháp môn thực tập thích hợp và hữu hiệu.

– Phương pháp tu Thiền mà Thiền sư đang hướng dẫn có thể gọi là gì?

Thiền sư Nhất Hạnh:

Làng Mai chưa từng có ý đặt tên cho sự thực tập của mình. Các bạn thiền sinh Tây phương khi viết và nói về Làng Mai hay dùng danh từ “Thiền Làng Mai” hoặc “In the tradition of Thích Nhất Hạnh” . Có một hôm nhìn lại tôi bỗng ngạc nhiên thấy sao mà pháp môn Làng Mai đi đúng con đường Thiền Sư Tăng Hội đã vạch cách đây 18 thế kỷ quá: sử dụng các kinh thiền nguyên thỉ làm nền tảng cho sự thực tập, nhưng với tinh thần của Phật giáo Ðại Thừa! (Thiền Sư Tăng Hội có nói : An Ban là đại thừa của chư Phật, có mục đích cứu độ chúng sanh ). Tôi cũng thấy sao mà pháp môn tu tập Làng Mai trung thực với tinh thần Lâm Tế Lục một cách không ngờ được như thế! Ðây là tình cờ hay là có chủ ý? Có chủ ý thì tôi thấy mình chưa bao giờ có chủ ý, nhưng tình cờ thì tôi không tin là tình cờ được. Không có cái gì tình cờ. Phải có những động lực nào thúc đẩy trong chiều sâu tâm thức. Tôi nghĩ đó là năng lượng dẫn dắt của chư vị tổ sư.

– Xin Thiền sư cho biết sự phát triển hiện nay của dòng Thiền do thiền sư hướng dẫn, trên thế giới và Việt Nam ?

Thiền sư Nhất Hạnh:

Cho đến ngày 06.08.2008, chúng tôi đã độ được 515 người xuất gia của 31 quốc tịch, và đào tạo được suýt soát 300 vị giáo thọ vừa xuất gia, vừa tại gia. Số lượng này còn quá ít không thể thỏa mãn được những nhu cầu khắp nơi. Có những trung tâm tu học đã được thiết lập tại Tây Phương : Các Tu Viện Bích Nham (Nữu Ước), Lộc Uyển (Cali), Rừng Phong, Thanh Sơn, (Vermont), Mộc Lan (Mississipi) ở Hoa Kỳ, Làng Cây Phong ở Canada, Làng Sen Búp, Làng Trúc Xanh ở Úc, các trung tâm Từ Thị ở Bavaria, Trung Tâm Suối Thương ở Berlin (Ðức). Pháp môn Làng Mai hiện đang được thực tập ở ít nhất là 50 quốc gia. Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (The European Institute of Applied Buddhism) gọi tắt là EIAB vừa được thiết lập ở Ðức để góp phần đào tạo thêm các vị Giáo Thọ.

-Liên hệ giữa Thiền và Giáo như thế nào trong pháp môn Làng Mai ?

Thiền sư Nhất Hạnh:

Nhìn vào cách học và thực tập ở Làng Mai ta có thể thấy được sự nhất trí của Thiền và Giáo một cách rõ ràng. Các kiến thức về Duy Biểu do các tác phẩm Duy Thức Học cung cấp, các kiến thức về A Tỳ Ðạt Ma do các bộ Luận như Câu Xá, Thành Thật, Thanh Tịnh Ðạo, Giải Thoát Ðạo v..v.. đều có ích lợi cho sự thực tập Thiền bởi vì chúng giúp cho hành giả biết rõ hơn về cách vận hành của tâm thức. Thiền sư Thường Chiếu ngày xưa đã nói: “Biết rõ về cách vận hành của tâm thức thì sự thực tập trở nên dễ dàng hơn”. Các kinh điển lớn của Ðại Thừa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Pháp Hoa đều đóng một vai trò quan trọng trong thiền tập. Khi học các kinh này, thiền sinh luôn luôn phải đặt câu hỏi: Những giáo lý uyên thâm trong kinh này phải được áp dụng như thế nào để tháo gỡ những khó khăn nội tâm mà hành giả đang mắc phải ? Cho nên giữa cái học và cái hành có một liên hệ rất thân thiết. Sách Nhật Tụng Thiền Môn có một buổi Công Phu Niệm Bụt với màu sắc Tịnh Ðộ Tông và một buổi Công Phu Thí Thực có màu sắc Mật Tông. Hành giả cảm thấy thoải mái với cả hai truyền thống này. Chắc quý vị còn nhớ là năm 2007 các thiền sinh Làng Mai đã tham dự các Ðại Trai Ðàn Chẩn Tế Bình Ðẳng tại Ba Miền Việt Nam với rất nhiều thoải mái trong có các buổi thiền tọa, thiền hành, pháp thoại… Các kiến thức về khoa sinh học mới, nhất là về khoa thần kinh não bộ, về khoa lượng tử học cũng như kinh nghiệm của các trường phái tâm lý trị liệu Tây Phương cũng đóng góp rất nhiều cho sự giảng dạy và thực tập ở Làng Mai. Thiền Làng Mai không có tính trừu tượng, trái lại rất cụ thể: thiền sinh nào cũng đều thực tập thiền hướng dẫn một thời gian mới có thể tự quán chiếu một mình; Các sách tập thiền căn bản như Sen Búp Từng Cánh Hé, Phép Lạ của sự Tỉnh Thức, Từng Bước Nở Hoa Sen, Chỉ Nam Thiền Tập cho Người Trẻ v…v… đều có thể được sử dụng như những thiền phổ cho người mới bắt đầu thực tập. Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu với các khuôn viên của Viện ở Ðức, Pháp, Hoa Kỳ v..v.. có mở những khóa tu thiền rất thực tiễn cho thiền sinh như những khóa tu dành cho những người đang khổ đau vì mất người thân, cho những người vừa khám phá ra rằng mình có bệnh nan y, cho những cặp cha con vợ chồng đang có khó khăn trong việc truyền thông, cho những cặp nam nữ đang có dự tính kết hôn v..v.. Những khóa tu ấy rất thực dụng và đều đi về hướng Ðạo Phật Nhập Thế, ai cũng có thể ghi tên theo học và thực tập mà không nhất thiết cần phải là Phật tử.

-Thiền sư nhận định gì về tình hình tu tập ở Việt Nam hiện nay? Phương pháp tu hành của Ngài đóng góp như thế nào cho vấn đề tu tập ấy và tương lai của nó?

Thiền sư Nhất Hạnh:

Cái học của chúng ta hiện rất từ chương. Tôi rất mong Phật giáo Việt Nam sớm đi về hướng nhập thế và thực dụng để có thể đóng góp cụ thể cho hạnh phúc dân tộc và đất nước. Cái học và cái hành phải đi song song (hành giải tương ưng). Rất mong tại các Viện Phật Học, các vị giáo thọ và các học tăng được thực tập với nhau, sống với nhau, ngồi thiền, bái sám, đi thiền hành, ăn cơm chánh niệm, chấp tác với nhau… như trong truyền thống các tu viện ngày xưa. Có như thế người học tăng mới tiếp nhận được từ kinh nghiệm và phong cách của các bậc thầy của mình. Hy vọng pháp môn Làng Mai có thể đóng góp một phần nhỏ vào hướng đi ấy. Chúng ta có thể tổ chức cho các vị giáo thọ và sinh viên các Viện Phật Học, thỉnh thoảng về các tu viện Làng Mai tại Âu Mỹ hay tại Việt Nam để thăm viếng, cắm trại và quán sát cách học, cách tu của những nơi này. Có thể đó là một trong những phương thức vui tươi nhất để tìm hiểu và đối thoại mang ích lợi cho cả hai phía truyền thống.

 

Chúc Phú – Quảng Kiến thực hiện – (Tựa đề của NSGN, Nguyệt San Giác Ngộ số 150/ tháng 9/2008)

Oprah đàm đạo với Thiền sư Nhất Hạnh

Oprah Winfrey là một phụ nữ 56 tuổi – một ngôi sao truyền hình Mỹ. Có thể nói Oprah Winfrey là một phụ nữ danh tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất trên quần chúng ở Hoa Kỳ. Năm 2006, chính Oprah đã mang về cho Obama hơn một triệu lá phiếu, thắng Hilary Clinton,  để được đảng Dân Chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống. Có người cho rằng Oprah có quyền lực mạnh bằng hay hơn 100 nghị sĩ, dân biểu Mỹ.

Cô đã là tỷ phú da đen đầu tiên và duy nhất trên thế giới (trong các năm 2004-2006). Sanh ra trong nghèo khó và trải qua nhiều thảm kịch khi còn trẻ, Oprah đã được học về ngành truyền thông trên đại học. Từ 1986, Oprah bắt đầu Show riêng của cô, lấy tên là Oprah Winfrey, mỗi năm mỗi thêm khán giả – tới năm 1998, hàng ngày có khoảng 14 triệu người Mỹ xem chương trình truyền hình của cô. Cũng thời gian này, Oprah đổi hướng, làm các show chú trọng tới các vấn đề văn chương, tâm linh và giáo dục.  Công ty Harpo do Oprah làm chủ phát hành các Shows truyền hình, sách báo, radio, phim ảnh và trang nhà Oprah.com v.v… Cô dự định ngưng việc làm Show trên truyền hình vào tháng 9, 2011, sau 25 năm làm “bá chủ” ngành này. Năm 2010, cô bước vào lãnh vực mới, làm người kể chuyện trong một loạt chương trình dài hạn về Đời sống cho đài Discovery, sau khi đã bỏ vốn hùn hạp với họ.

Trên trang nhà Oprah.com, chúng tôi đọc được lời giới thiệu sau đây của Oprah về Thiền sư Nhất Hạnh, người mà cô được đặc cách phỏng vấn vào tháng 9, 2009 tại Nữu Ước, khi thiền sư tới đó hoằng pháp:

OWand - ThichNhatHanh

Đó là nhà sư Phật Giáo có 60 tuổi đạo, cũng là một vị thầy dạy học, một nhà văn, một người can đảm gióng lên tiếng gọi ngưng chiến tranh, những vị thế đó đã đưa người vào tình trạng bị lưu đày khỏi quê hương bốn mươi năm. Và người ấy, người mà Martin Luther King Jr đã gọi là “một vị tông đồ của hòa bình và bất bạo động” đã chỉ cho chúng ta thấy cái đẹp của phút giây hiện tại, biết cám ơn từng hơi thở, và giúp cho ta thấy được là giải thoát và hạnh phúc có thể tìm thấy rất dễ dàng trong khi ta uống một ngụm trà. Ngay phút giây được gặp người ở khách sạn Bốn Mùa (Four Season Hotel) ở Mahattan Nữu Ước, tôi cảm nhận ngay một sự an bình tỏa rạng nơi người. Một trường năng lượng an bình và sâu lắng toát ra từ Thiền Sư. Nhưng bên dưới của phong thái rất bình an đó là một chiến sĩ cang cường. Sinh đẻ tại Việt Nam ông thầy tu 83 tuổi này đi tu hồi năm 16, can đảm đòi hỏi chấm dứt chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ mà hai bên đất nước ông đang lâm chiến. Dù đã chọn cuộc đời thiền quán của một ông thầy tu nhưng chiến tranh xảy ra trước mắt khiến người phải chọn : một là mãi ẩn tránh trong chùa, hai là vừa thiền quán mà vừa ra ngoài giúp người đang chạy dưới bom đạn? Quyết định của ông thầy tu trẻ này đã khai sinh ra một loại Phật Giáo dấn thân, một phong trào vận động cho hòa bình đồng thời dấn thân vào những công tác đưa tới sự thay đổi chuyển hóa xã hội. Chính những hành động muốn sửa đội xã hội bằng phương pháp bất bạo động đó đã khiến cho ngài Martin Luther King Jr đề nghị Thiền Sư nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1967.

Song song với việc phản đối những bạo động mà đồng bào ông phải gánh chịu, ông thầy tu trẻ đã thành lập một tổ chức xã hội để xây trường học trạm y tế ở những nơi nghèo khó, xây dựng lại những làng xã bị nát tan vì đạn bom và tìm cách giúp định cư cho những người nhà cửa bị tiêu tán vì bom đạn. Thầy Nhất Hạnh cũng đã xây dựng trường đại học Phật giáo, lập nhà xuất bản và chủ trương viết tuần báo, viết nguyệt san cổ xúy cho hòa bình – tất cả những việc làm này cuối cùng đã khiến cho chính quyền Miền Nam cấm đoán ông trở về lại Việt Nam sau một chuyến đi vận động cho hòa bình. Thầy bị lưu đày khỏi xứ 39 năm.

Trước khi bị lưu đày Thầy đã từng xuất ngoại và sống ở Tây Phương (học và nghiên cứu tại đại học Princeton và dạy học ở Đại Học Columbia trong những năm đầu 1960) và cũng chính ở Tây Phương mà bây giờ Thầy đã trở lại. Thấy rằng để có dịp chia sẻ những hiểu biết của mình về đạo Phật và cũng để vận động cho hòa bình Việt Nam qua hành động bất bạo động, Thầy đã thành lập Phái Đoàn Hòa Bình Phật Giáo tại Paris trong khi các cường quốc đang hội họp để bàn về vận mạng Việt Nam ở nơi này . Đó là vào năm 1969, khi thầy thành lập Giáo Hội Phật Giáo Nhất Quán tại Pháp và tiếp tục viết hơn 100 quyển sách, kể cả quyển sách bán chạy nhất là Living Buddha, living Chirst (Bụt đang sống Chúa đang có mặt) năm 1995 – cuốn sách này là sách gối đầu giường của tôi.

Thầy Nhất Hạnh giờ đây đã định cư ở Miền Nam nước Pháp và thành lập Làng Mai, một trung tâm tu học đạo Phật và một tu viện nơi mà thầy đang sống. Mỗi năm, hàng ngàn người tới từ nhiều quốc gia, họ đến để tìm hiểu thâm sâu hơn cách hành trì theo lời Bụt dạy – kể cả thực tập chánh niệm (mục đích là đưa tâm về phút giây hiện tại), khai triển những phương pháp tu tập (sinh hoạt bình thường như là đi trong ý thức, và kéo mình trở lại chánh tư duy) và giác ngộ (thoát khỏi những khổ đau khi mình thấy rõ được bản chất của thực tại). Những nguyên tắc này đã được giới thiệu từ hơn 2000 năm nay bởi Siddhartha Gautama – là Đức Phật, một ông hoàng người Ấn Độ đã từ bỏ đời sống dễ dãi và hưởng thụ của mình để đi tìm ánh sáng giác ngộ – và sau đó đã thành lập một con đường tâm linh cho cuộc hành trình đó. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay đơn giản hơn “thầy” mà các đệ tử của người đã gọi rất thân thương, đã dẫn theo một nhóm nam và nữ tu sĩ từ Làng Mai đến để tham dự cuộc trò chuyện của chúng tôi. Trong vài truyền thống tâm linh thường hay có một nhóm người có mặt để lắng nghe một cách từ bi câu chuyện. Thầy Nhất Hạnh đã đem theo một nhóm người như thế và đã cùng chụp ảnh với chúng tôi và cuối cùng đã hát chung một bản nhạc rất nhẹ nhàng bình an : “Chúng ta là lá của một thân cây, chúng ta là những đợt sóng của một đại dương, đã đến lúc mà chúng ta phải đến và sống với nhau như cùng một cơ thể.”

Cô Oprah: Cám ơn thầy đã cho chúng tôi hân hạnh trò chuyện với thầy. Chỉ cần sự hiện diện của thầy là chúng tôi đã cảm thấy bớt bức xúc quýnh quáng nhiều lắm, so với những gì xảy ra từ sáng đến giờ. Quả thực như là có một vùng ánh sáng thật bình an đang toát ra quấn lấy thầy. Lúc nào thầy cũng có vẻ an bình tròn đầy như vậy sao ?

TS Nhất Hạnh: Đó là sự thực tập của tôi. Và tôi luyện cách sống như vậy mỗi phút giây để có thể giữ sự bình an trong tôi suốt ngày.

Cô Oprah: Bởi vì mình sẽ không thể cho người khác cái gì mà mình không có phải không thưa thiền sư ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, đúng vậy.

Cô Oprah: Tôi biết rõ là thầy được sinh ra ở Việt Nam năm 1926. Thầy có thể chia sẻ cho chúng tôi một kỷ niệm nào tuyệt vời nhất trong thời ấu thơ không ?

TS Nhất Hạnh: Đó là ngày tôi thấy được hình ảnh của Đức Phật trong một tờ tạp chí.

Cô Oprah: Hồi ấy thầy mấy tuổi ?

TS Nhất Hạnh: Tôi lên 7 hay 8 gì đó. Phật ngồi trên cỏ, thật bình an và mỉm cười. Tôi rất cảm kích, bởi vì quanh tôi không ai được như vậy. Vì thế tôi đã mong được như ngài. Và tôi đã nuôi dưỡng ước mong đó cho tới năm tôi 16 tuổi khi tôi xin được cha mẹ tôi để đi tu và tôi được quy y, thọ giới.

Cô Oprah: Ba mẹ thầy có khuyến khích thầy không ?

TS Nhất Hạnh: Ban đầu thì hơi miễn cưỡng vì họ nghĩ là cuộc sống của một nhà tu cực khổ và nhiều khó khăn.

Cô Oprah: Ở tuổi 16 thầy có biết cuộc đời sẽ như thế nào không ?

TS Nhất Hạnh: Không nhiều lắm. Tôi chỉ biết là trong tôi có một khát khao lớn. Cảm tưởng rằng mình sẽ không bao giờ hạnh phúc được nếu không là thầy tu. Người đời thường gọi đó là tâm ban đầu – sự khát khao sâu sắc mà một người có thể có. Và tôi có thể nói là cho tới bây giờ cái tâm ban đầu đó vẫn còn sống mạnh mẽ trong tôi.

Cô Oprah: Đó là cái mà thiên hạ gọi là sự đam mê. Đó cũng là cách tôi cảm nhận về công việc tôi đang làm hàng ngày. Khi có đam mê như thế thì mình vẫn cảm thấy thoải máy khi làm việc dù không ai trả tiền cho mình.

TS Nhất Hạnh: Và ta thích thú làm việc đó.

Cô Oprah: Vậy là thầy thích thú hành động theo cái tâm ban đầu đó. Chúng ta thử nhắc lại khi thầy vừa mới bước tới Bắc Mỹ lần đầu nhé. Thầy đã học ở Viện Đại Học Princeton phải không? Là một ông thầy tu Việt Nam, cái gì khó khăn nhất với thầy để có thể làm bạn được với sinh viên (Hoa Kỳ) ? Thầy có cảm thấy cô đơn không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, đại học Princeton giống như một tu viện. Thời đó chỉ có nam sinh viên và không có lấy một người Việt sống ở vùng lân cận và cũng không có nhiều ở Hoa Kỳ. Sáu tháng liền tôi không thể chuyện trò với ai bằng tiếng Việt. Nhưng khu làng đại học rất đẹp. Và cái gì cũng mới đối với tôi – cây cỏ chim chóc, và cả thức ăn nữa. Mùa tuyết đầu tiên của tôi là ở tại đây, và lần đầu tiên tôi dùng máy sưởi. Mùa thu đầu tiên của tôi cũng ở Princeton.

Cô Oprah: Khi lá bắt đầu đổi màu.

TS Nhất Hạnh: Vâng, ở Việt Nam chúng tôi không hề thấy được cảnh huy hoàng ấy của mùa thu.

Cô Oprah: Thời đó thầy vẫn mặc áo thầy tu chứ ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Khỏi phải lo đi mua áo phải không ạ ? Lúc nào cũng chỉ mặc cái áo thầy tu ư ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Thầy có áo nào khác vào những dịp khác không ?

TS Nhất Hạnh: Chúng tôi có áo để làm lễ gọi là y, màu cam. Chỉ có thế. Chúng tôi cảm thấy rất thoải mái khi mặc những y áo ấy. Và chúng đã vui vẻ nhắc nhở rằng chúng tôi là thầy tu.

Cô Oprah: Thầy tu là sao thưa thầy ?

TS Nhất Hạnh: Là thầy tu là để có được nhiều thì giờ tu tập, để chuyển hóa những khó khăn và chữa lành được những nỗi khổ niềm đau của mình. Rồi sau đó mình mới biết cách giúp người khác chuyển hóa và trị liệu như mình.

Cô Oprah: Có phải là hầu hết các người tu đều được giác ngộ hay là đang tìm cách để sớm giác ngộ không ?

TS Nhất Hạnh: Giác ngộ lúc nào cũng có mặt đó. Một giác ngộ nhỏ, hai giác ngộ nhỏ … từ từ đưa tới giác ngộ lớn. Nếu cô thở và cô ý thức là cô đang sống – là cô đang tiếp xúc với cái mầu nhiệm của sự kiện mình vẫn đang còn sống – đó một loại giác ngộ. Nhiều người đang còn sống nhưng họ không ý thức và vì thế không tiếp xúc được sự mầu nhiệm là mình còn sống ấy.

Cô Oprah: Tôi biết chắc là thầy đã thấy rõ hết quanh thầy – tôi cũng cảm thấy mình có sai lầm ấy – vì sao lúc nào người ta cũng gắng làm xong việc thật nhanh để bắt kịp việc làm kế tiếp, hành động kế tiếp. Ở đất nước chúng tôi, con người rất bận rộn. Ngay cả trẻ con. Tôi có cảm tưởng như là rất ít người trong chúng ta làm được những gì thầy vừa nói, nghĩa là tiếp xúc với phép lạ mà mình đang được sống.

TS Nhất Hạnh: Đó là môi trường mà mọi người đang sống. Nhưng với sự thực tập, chúng ta vẫn có thể luôn giữ đựợc sự tỉnh giác trong phút giây hiện tại là mình đang may mắn còn sống. Với chánh niệm, ta có thể định tâm trong phút giây hiện tại để có thể tiếp xúc được với những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt trong giây phút đó. Chúng ta có thể sống rất hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây. Có rất nhiều điều kiện đang có mặt bây giờ và tại đây – nhiều hơn là bạn tưởng, để bạn có thể hạnh phúc liền tức thì. Bạn không cần chạy về tương lai để có thêm nữa.

Thầy Nhất Hạnh định nghĩa về hạnh phúc và tiết lộ cách nào để đạt tới hạnh phúc

Cô Oprah: Hạnh phúc là gì thưa Thầy?

TS Nhất Hạnh: Hạnh phúc là sự chấm dứt khổ đau, mạnh khoẻ và thoải mái. Ví dụ như khi tôi thở vào và ý thức sự có mặt của đôi mắt tôi, thở ra tôi ý thức đôi mắt tôi còn tốt và mỉm cười với đôi mắt của tôi, hạnh phúc quá phải không. Có cả một thiên đường mầu sắc và hình dáng dàn trãi quanh tôi, trên cuộc đời này. Nhờ chúng ta còn đôi mắt sáng nên ta mới tiếp xúc được với thiên đàng ấy. Vì thế khi tôi bắt đầu ý thức về đôi mắt tôi, tôi tiếp xúc ngay được những điều kiện hạnh phúc. Và khi tiếp xúc những điều kiện ấy, ta bắt gặp ngay hạnh phúc trong giờ phút này.

Cô Oprah: Và thầy có thể làm như thế với những phần khác của cơ thể thầy phải không ?

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy. Thở vào, tôi để ý tới trái tim tôi. Thở ra tôi mỉm cười với trái tim tôi và biết rằng trái tim tôi còn đang đập bình thường. Tôi rất cám ơn trái tim của tôi.

Cô Oprah: Thế là phải nhớ ý thức từng sự vật, từng phút giây và dâng niềm biết ơn về những gì mà mình đang có phải không thưa thiền sư ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Và không chỉ những điều kiện vật chất mà thôi, mà về sự kiện là ta vẫn còn hơi thở.

TS Nhất Hạnh: Vâng, ta chỉ cần tập chánh niệm nghĩa là đem tâm trở về với thân và an trú trong giây phút hiện tại. Nếu mình hoàn toàn có mặt trong phút giây này, ta có thể nhìn sâu hơn để bước một bước chân ý thức trên hành tinh đẹp đẽ này, hay thở vào một hơi để ý thức là ta đang đứng trong thiên đàng của Thượng Đế. Khi mà ta đã có cõi thiên đàng thanh tịnh đó rồi, ta đâu có cần phải chạy theo đối tượng của sự thèm khát như là danh tiếng, tiền tài hay những dục lạc khác. Bình an và niềm vui nhẹ nhàng có thể đạt tới ngay. Và sự thực tập này đủ đơn giản cho tất cả mọi người.

Cô Oprah: Thầy dạy chúng tôi cách thực tập đó đi.

TS Nhất Hạnh: Ví dụ như cô đang uống trà nhé. Cô nâng chén trà lên, cô có thể thở vào, đưa tâm cô trở về với thân và cô sẽ hoàn toàn có mặt trong lúc đó. Và khi mà cô thực tình có mặt trong phút ấy thì còn một cái khác cũng có mặt, đó là sự sống được đại diện bởi chén trà. Trong giây phút ấy cô thật sự sống, chén trà cũng hiển hiện thơm tho, sâu lắng… Cô không bị đi lạc vào quá khứ, không bị kéo về tương lai, về những dự án, những lo âu… Cô hoàn toàn tự do, thoát khỏi những phiền toái đó. Và trong trạng thái có mặt thực sự với chén trà, cô hoàn toàn tự do, vượt khỏi phiền muộn và tận hưởng từng ngụm trà. Đó là phút giây hạnh phúc và bình an. Khi cô chải răng cũng vậy, có lẽ là cô thường chải cho nhanh chừng hai phút thôi. Nhưng với sự thực tập này cô có thể đạt tới tự do buông bỏ những suy tư về quá khứ hay bị kéo đi bởi những tính toán tương lai, vì cô đang định tâm vào phút giây hiện tại, cô có niềm vui khi nhìn sâu những chiếc răng của cô, kem đánh răng thơm, bàn chải ưng ý của cô… trong chánh niệm. Nếu cô có khả năng chải răng trong chánh niệm thì cô cũng có thể rất hạnh phúc tận hưởng giây phút hiện tại khi tắm, khi chuẩn bị thức ăn sáng, uống từng ngụm trà… vô số hành động khác trong chánh niệm.

Cô Oprah: Như vậy theo cái cách nầy thì ta có vô số điều kiện hạnh phúc.

TS Nhất Hạnh: Vâng. Chánh niệm giúp ta trở về với chính ta trong phút giây hiện tại và mỗi khi trở về với phút giây này ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có và ta hạnh phúc ngay.

Cô Oprah: Với Thầy, trà là thực tại mầu nhiệm.

TS Nhất Hạnh: Tôi, và trà có thật. Tôi đang sống trong phút giây hiện tại. Tôi không nghĩ đến chuyện đã qua. Không nghĩ đến những gì sắp tới. Khi đó mới có một sự trực diện thâm sâu giữa tôi và trà. Bình an, hạnh phúc và niềm vui có mặt khi tôi uống trà.

Cô Oprah: Tôi thật chưa bao giờ có cái suy tư khá sâu về một chén trà như thế.

TS Nhất Hạnh: Chúng tôi tập làm thiền trà rất vui. Chúng tôi cùng ngồi, uống với nhau một chén trà và cảm nhận được tình bạn, tình huynh đệ, tình chị em. Chúng tôi có thể ngồi chơi như thế một giờ luôn, chỉ để hưởng một chén trà.

Cô Oprah: Một chén trà chừng này thôi phải không ? (Cô nâng chén trà của cô lên).

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy.

Cô Oprah: Một giờ.

TS Nhất Hạnh: Mỗi phút giây là một phút giây hạnh phúc. Và trong một giờ đồng hồ cùng ngồi uống trà, ta nuôi dưỡng niềm vui, tình huynh đệ, tình chị em, định trú thật bình an nơi này và ở đây.

Suốt 39 năm bị lưu đày, tạo được một cộng đồng để phụng sự chung là việc làm thiết yếu

Cô Oprah: Thầy có làm như vậy với các thức ăn không ?

TS Nhất Hạnh: Thưa có. Chúng tôi có những bữa ăn im lặng, ăn như thế nào để có thể tiếp xúc được với cả vũ trụ, với từng miếng thức ăn đưa vào miệng.

Cô Oprah: Như vậy thì ăn một bữa ăn phải tốn bao lâu ? Trọn ngày ư ?

TS Nhất Hạnh: Một giờ là đủ. Ngồi chung với nhau như nhóm bạn bè thân thiện, cùng ăn chung những thức ăn như nhau, rồi uống trà, rồi cùng rửa chén. Ta thực tập như thế nào để cho thảnh thơi, niềm vui và hạnh phúc có mặt trong suốt thời gian ấy. Rất nhiều người đến Trung Tâm tu học của chúng tôi, học cái nghệ thuật sống chánh niệm ấy. Rồi khi họ trở về thành phố cư trú của họ họ thành lập một tăng thân, một nhóm bạn thực tập như vậy để giúp đở nhau nuôi dưỡng sự tu tập. Chúng tôi đã giúp xây dựng rất nhiều những tăng thân như vậy cùng khắp trên thế giới.

Cô Oprah: Một tăng thân tức là một cộng đồng dễ thương.

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Cộng đồng dễ thương như vậy quan trọng như thế nào trong đời chúng ta ? Thiên hạ có gia đình để cùng sống như một cộng đồng, còn thầy, thầy mở rộng cộng đồng dễ thương của thầy để chấp nhận những người khác. Thành ra cộng đồng dễ thương càng lớn thì ta có thể đạt những thành quả lớn trong cuộc đời.

TS Nhất Hạnh: Đúng như vậy.

Cô Oprah: Với đề tài cộng đồng dễ thương, ta nên trở về năm 1966. Thầy được mời đến đại học Cornell để thuyết giảng về Việt Nam và không lâu sau đó thầy không được phép trở về nước của thầy nữa. Thầy bị lưu đày 39 năm. Làm thế nào mà thầy xử lý được với những cảm thọ ấy ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, tôi như một con ong bị tách rời khỏi tổ. Nhưng nhờ tôi mang theo tôi cộng đồng dễ thương trong lòng, tôi tìm những yếu tố của cộng đồng đó, của tăng thân dễ thương đó quanh tôi, ngay trong lòng các tiểu bang Hiệp Chủng Quốc, trong lòng các nước Âu Châu. Và tôi bắt đầu xây dựng cộng đồng dễ thương làm việc cho hòa bình cùng với tôi.

Cô Oprah: Ban đầu thầy có giận không ? Tổn thương không ?

TS Nhất Hạnh: Có giận, có lo, buồn và tổn thương. Sự thực tập giúp tôi nhận diện những trạng thái đó. Trong năm đầu, đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy trở về quê, gần như mỗi đêm. Tôi thấy tôi leo lên một ngọn đồi thật đẹp, thật xanh và thật hạnh phúc nhưng rồi tôi chợt tỉnh dậy và nhận ra là mình đang bị lưu đày. Và sự thực tập của tôi là đem tâm về với thân sống thật hết lòng trong phút giây hiện tại, tiếp xúc với cây cỏ chim chóc hoa lá và trẻ em và những người bạn mới ở phương Tây – và chấp nhận biến họ thành cộng đồng dễ thương của tôi. Nhờ cách tu tập như thế tôi đã tìm ra quê hương ngoài quê hương. Dần dà khoảng một năm sau thì những giấc mơ chấm dứt.

Cô Oprah: Lý do vì sao mà thầy không được phép trở về nước ?

TS Nhất Hạnh: Trong thời gian chiến tranh, các phe lâm chiến nhất định đánh tới cùng. Và vì thế mà dĩ nhiên là không phe nào cho phép chúng tôi nói tới chuyện hòa giải giữa anh em – họ không cho phép nói đến hòa giải.

Cô Oprah: Thành ra thầy là một người không có quê hương để về, nên thầy biến nơi nào thầy đang ở là quê hương, cùng khắp trên nhiều nước phải không ?

TS Nhất Hạnh: Đúng thế.

Cô Oprah: Và Hoa Kỳ là một phải không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Thầy gặp Martin Luther King khi nào ?

TS Nhất Hạnh: Tháng sáu năm 1965. Tôi viết cho người một bức thư – từ Việt Nam – giải thích vì sao những ông thầy tu ở Việt Nam đã hiến thân cho lửa. Tôi giải thích đó không phải là hành động tự tử. Tôi nói ở Việt Nam rất khó để cho lời kêu gọi tha thiết của mình được lắng nghe. Đôi khi ta phải tự thiêu để tiếng nói được lắng nghe. Và người tự thiêu hành động như vậy vì lòng thương chứ không vì giận hờn hay tuyệt vọng. Và sau khi tôi viết bức thư cho người thì đúng một năm sau tôi gặp được người ở Chicago. Chúng tôi đã đàm luận rất nhiều về hòa bình, về tự do và về cộng đồng. Và chúng tôi cũng đồng ý với nhau là nếu không có một cộng đồng cùng sống cùng làm thì chúng ta không thể đi xa.

Cô Oprah: Thầy đàm luận với Martin được bao lâu ?

TS Nhất Hạnh: Chắc cũng chỉ hơn năm phút thôi vì sau đó còn có một cuộc họp báo và ngài đã nói rất rõ là ngài hoàn toàn chống chiến tranh ở Việt Nam.

Cô Oprah: Thầy có nghĩ đó là kết quả của cuộc đàm luận với thầy ?

TS Nhất Hạnh: Tôi tin là như thế, và chúng tôi cùng làm việc chung trên hướng đó. Rồi lần chót mà tôi gặp ngài là ở Geneva trong một hội nghị hòa bình.

Thầy Thích Nhất Hạnh giải thích cách giải quyết hay nhất và duy nhất để chống khủng bố

Oprah: Trong hội nghị hòa bình đó, hai vị đã đàm luận nhiều chứ ?

TS Nhất Hạnh: Vâng có. Ngài mời tôi lên ăn sáng và chúng tôi lại bàn sâu hơn những vấn đề này. Tôi bị kẹt trong một cuộc họp báo bên tầng dưới và đến khá trễ, nhưng ngài vẫn giữ thức ăn sáng nóng cho tôi. Tôi có nói rằng dân chúng nước tôi xem ngài như là một vị bồ tát – một người giác ngộ – vì những hành động của ngài cho dân tộc ngài, cho đất nước ngài và cho cả thế giới.

Cô Oprah: Và nhất là ông làm những điều đó bất bạo động.

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy. Đó là hành động của một vị bồ tát, một đức Phật. Làm gì cũng với lòng từ bi và bất hại. Khi tôi nghe tin ngài bị ám sát, tôi không thể tin được. Tôi tự nhủ : “Dân tộc Hoa Kỳ đã sinh ra được một vị như King nhưng không đủ khả năng giữ gìn che chở được ngài”. Tôi hơi giận. Tôi không ăn được, không ngủ được. Nhưng lòng quyết chí xây dựng những cộng đồng dễ thương vẫn luôn tiếp tục. Tôi nghĩ là tôi đang luôn được ngài ủng hộ.

Cô Oprah: Luôn được ủng hộ ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Đúng rồi. Chúng ta đang nói về chánh niệm, và thầy nhắc đến đi trong chánh niệm. Đi trong chánh niệm là sao ?

TS Nhất Hạnh: Khi ta đi, ta tiếp xúc với mặt đất một cách chánh niệm. Mỗi bước chân định tâm trong phút giây hiện tại đó, cho ta thêm vững chãi, niềm vui và sự thanh thoát. Thoát khỏi những tiếc nuối về những chuyện trong quá khứ, thoát khỏi sự lo sợ cho tương lai.

Cô Oprah: Phần đông mọi người khi đi họ thường nghĩ phải đi đâu, phải làm gì. Nhưng thầy nói như thế sẽ đánh mất hết những niềm vui trong ta ?

TS Nhất Hạnh: Người ta hy sinh hiện tại cho tương lai, nhưng sự sống chỉ xảy ra trong phút giây hiện tại. Vì thế cho nên ta phải đi như thế nào mà mỗi bước chân có thể đưa ta đến sự sống đang có mặt bây giờ và chỗ ta đang đứng.

Cô Oprah: Nhưng các giấy nợ, đòi thanh toán những món tiền chưa trả thì sao ? Tôi đang đi nhưng tôi nhớ phải thanh toán tiền này nè, tiền kia nè. Tôi đang đi mà tôi đang nghĩ đến các món tiền cần trả.

TS Nhất Hạnh: Mỗi việc mỗi lúc. Có lúc cần ngồi xuống, định tâm để giải quyết những món tiền cần trả, nhưng khi đang đi thảnh thơi thì việc gì phải lo trước khi đang đi. Một thời điểm, chú tâm lo một việc thôi. Chúng ta đi thiền hành để chữa lành cho ta, để trị liệu, bởi vì đi như thế ta buông nhẹ được những lo âu, những bức bách, những căn thẳng trong thân và trong tâm ta.

Cô Oprah: Trường hợp cũng sẽ tương tự khi ta lắng nghe sâu mà tôi được nghe thầy nói khi nảy.

TS Nhất Hạnh: Lắng nghe sâu là lắng nghe như thế nào mà làm vơi được khổ đau của người khác. Ta có thể gọi đó là cách lắng nghe bằng tâm từ bi. Ta lắng nghe chỉ với một mục đích duy nhất : giúp cho ngươi kia trút hết nỗi lòng. Dù rằng có khi người kia đã nói những điều dẫy đầy những cái thấy rất sai lạc, đầy cay đắng, nhưng ta vẫn có thể tiếp tục ngồi lắng nghe với tâm từ bi. Bởi vì ta biết rõ là lắng nghe như thế sẽ cho người kia một dịp may là bớt khổ. Nếu bạn muốn tìm cách sửa cái thấy sai lạc của người kia, ta phải chờ một dịp khác. Nhưng bây giờ đang ngồi nghe, bạn không nên cướp lời người đó, cũng không nên lý luận gì hết. Nếu bạn cướp lời thì người kia sẽ cụt hứng, sẽ mất dịp may được trút bầu tâm sự. Bạn chỉ cần lắng nghe với tấm lòng thật từ bi và điều đó sẽ giúp cho người kia bớt khổ nhiều lắm. Chỉ cần ngồi lắng nghe được chừng một giờ như thế thì ta có thể giúp chuyển hoá và chữa lành khá nhiều.

Cô Oprah: Tôi thích cách lắng nghe sâu này lắm bởi vì khi người bạn tới với ta và muốn ta lắng nghe nỗi khổ của người ấy, ta hay bị kéo đi bởi ý muốn góp ý khuyên can này nọ. Nhưng nếu ta để cho người kia trút được hết nỗi lòng. Rồi một thời gian khác ta mới trở lại khuyên nhủ và góp ý thì người kia có dịp chữa lành sâu sắc hơn. Có phải thầy muốn nói như vậy không ?

TS Nhất Hạnh: Thưa đúng. Lắng nghe sâu giúp ta nhận diện những cái thấy sai lầm của người kia về chính họ và cả những cái thấy phiến diện của họ về ta. Người kia có cái thấy sai lầm về chính anh hay chị ta và về chúng ta. Và chúng ta thì cũng có tri giác sai lầm về chính ta và về người đó. Đó là căn nguyên của bạo động, bất hòa và chiến tranh. Các người khủng bố, họ có cái thấy sai lệch. Họ tin là nhóm người kia (chống khủng bố) đang muốn tiêu diệt tôn giáo họ, tiêu diệt nền văn minh của họ. Vì thế họ phải tiêu diệt ta trước, trước khi ta tiêu diệt họ. Rồi những người chống khủng bố cũng nghĩ và hành xử y chang như nhóm kia : tụi nó muốn tiêu diệt ta thì ta phải tiêu diệt họ trước. Cả hai bên đều bị kích động bởi sự sợ hãi, căm thù và tri giác sai lầm. Và tri giác sai lầm, cái thấy sai không thể chữa trị bằng đạn bom. Cái thấy sai chỉ có thể chữa trị bằng lắng nghe sâu, nghe với tâm từ bi và lời nói ái ngữ, để gỡ từ từ những cái thấy sai lệch đó mà thôi

Tại sao khổ đau quan trọng thế và làm sao để chữa lành nó?

Cô Oprah: Cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh là sự truyền thông của các bên.

TS Nhất Hạnh: Vâng, chúng ta phải có khả năng nói rằng: “Này các bạn, này các bạn thân mến, tôi biết quý vị đang khổ, tôi không hiểu hết được những khó khăn và khổ đau của quý vị. Chúng tôi không có ý đồ làm khổ quý vị. Ngược lại chúng tôi không hề muốn làm cho quý vị khổ thêm nữa. Nhưng chúng tôi không biết làm cách nào và chúng tôi e sẽ làm thêm những điều sai trái để khiến cho quý vị khổ thêm nếu quý vị không giúp chúng tôi hiểu thêm quý vị. Vì thế xin quý vị cho chúng biết những khó khăn của quý vị, chúng tôi rất mong được học thêm, được hiểu thêm”. Chúng ta phải tập nói lời ái ngữ. Và nếu thật sự chúng ta nói những lời ấy bằng tấm lòng chân thật của ta thì họ sẽ mở lòng ra. Rồi thì ta thực tập lắng nghe với tâm từ bi và nhờ thế ta sẽ học thêm được biết bao điều về cái thấy (chưa đúng đắn) của ta và cái thấy (chưa đúng đắn) của họ. Chỉ có những dịp như thế ta mới lấy ra từ từ những cái thấy sai lầm. Đó là cách hay nhất, cách duy nhất để làm vơi đi nạn khủng bố.

Cô Oprah: Nhưng những điều thầy nói cũng áp dụng được cho những khó khăn trong các gia đình, giữa ta và những người thân trong gia đình ta phải không, hay cả giữa bạn bè với nhau (khi mà ta thấy người kia dữ dằn liều mạng như người khủng bố ). Nguyên tắc vẫn như thế phải không ?

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy, trong gia đình cũng vậy và các cuộc thương thuyết cho hòa bình cũng nên làm theo nguyên tắc đó. Khi tới bàn hội nghị, ta không nên thương thuyết ngay. Ta nên để thời gian đi dạo chung, ăn chung, tập biết nhau nhiều hơn về những khổ đau khó khăn của mỗi người, mỗi bên. Kể ra những khổ đau tủi nhục của dân tộc ta mà không cần phải lên án kết tội. Chắc cũng cần một hay hai tuần rồi mới đi đến chuyện thương thuyết. Nếu bên này nghe được thông hiểu được nỗi khổ của bên kia thì hiểu biết là chuyện có thể thực hiện và có hiểu biết thì thương thuyết sẽ dễ hơn nhiều. Vì thế nếu tôi đứng ra tổ chức những hòa đàm thì tôi sẽ tổ chức theo cách đó.

Cô Oprah: Và thầy sẽ bắt đầu cho mọi người uống trà ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, uống trà và đi trong chánh niệm.

Cô Oprah: Uống trà trong chánh niệm.

TS Nhất Hạnh: Và sẽ chia sẻ những hạnh phúc và những khổ đau. Và lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ.

Cô Oprah: Vậy là không có chỗ cho sự tức giận sao ?

TS Nhất Hạnh: Tức giận là năng lượng giúp người ta hành động, có gan hành động, nhưng khi ta giận, ta không còn sáng suốt và ta rất có thể làm nhiều điều sai quấy mà ta sẽ hối tiếc. Từ bi cũng là năng lượng nhưng năng lượng rất lành. Khi năng lượng từ bi rất mạnh thì ta cũng cang cường không kém. Ta sẽ bớt khổ đau khi ta có từ bi. Điều này rất đúng. Ta nên tập không nên để cho cơn giận kéo ta đi. Ta đang khổ đó nhưng đừng để cho cơn sợ hãi đó kéo ta đi. Ta ý thức rõ ràng rằng đó chỉ là sợ hãi. Đó là tri giác sai lầm.

Cô Oprah: Thầy nghĩ sao nếu trong khi ta đang thực tập chánh niệm thì có một chuyện rất thách thức xảy ra như là tự nhiên bị thiên hạ kiện ta ra tòa. Và dĩ nhiên khi bị đưa ra toà thì khó mà an trú trong phút giây hiện tại để cảm thấy hạnh phúc.

TS Nhất Hạnh: Sự thực tập là cứ bình tĩnh đến với niềm bức xúc lo lắng ấy.

Cô Oprah: Sợ hãi. Điều thứ nhất là cơn sợ hãi trấn áp tôi liền và tôi tự hỏi : Ta sẽ phải làm gì đây ?

TS Nhất Hạnh: Này nhé, cô nhận diện ngay có sự sợ hãi trong cô. Cô ôm ấp nó, dịu dàng và nhìn sâu vào niềm sợ hãi đó. Cũng cùng một cách như khi cô có niềm đau, cô ôm ấp niềm đau kia một cách dịu dàng vì niềm đau chính là cô, sợ hãi cũng chính là cô. Cô chấp nhận trạng thái không dễ chịu đó, làm cho nó dịu xuống, nhẹ hơn một chút, tìm cách xử lý trạng thái này của tâm. Và nếu cô biết xử lý cơn sợ hãi của cô thì cô sẽ có đủ tuệ giác để giải quyết cái khó khăn ấy. Vấn đề là không để cho cơn sợ nó trấn ngự. Khi những cảm xúc mạnh mẽ ấy nổi dậy, ta tập để cho năng lượng chánh niệm nhận diện nó liền (biết rồi, đây cơn sợ của tôi nè!), chấp nhận ôm ấp nó, nhìn sâu vào nó. Cũng như một bà mẹ khi nghe bé khóc. Niềm lo của bạn chính là đứa bé đang khóc đó. Ta phải chăm sóc bé ngay, ta phải trở về với chính ta để nhận diện cơn đau này, chấp nhận ôm ấp cơn đau kia thì ta sẽ thấy đỡ hơn một chút. Ta tiếp tục dùng sự thực tập chánh niệm để ôm ấp, nhìn sâu và từ từ tìm ra gốc rễ cái bản chất của nổi khổ đó, và khi biết rõ bản chất, gốc rễ của cơn đau đó thì ta có thể tìm cách chuyển hóa nó.

Cô Oprah: Thầy dùng khá nhiều chữ khổ đau. Nhiều người có thể nghĩ khổ đau chỉ đơn giản là thiếu thốn, nghèo đói. Nhưng khi thầy nói về khổ đau thầy có nghĩ như vậy không ? (thiếu thốn những phương tiện vật chất).

TS Nhất Hạnh: Tôi muốn nói đến sợ hãi, tức giận, tuyệt vọng, lo lắng trong ta. Nếu ta biết xử lý chúng, ta sẽ có thể xử lý vấn đề chiến tranh, nghèo đói và những tranh chấp.

Cô Oprah: Bản chất những điều Bụt dạy – theo sự hiểu biết của tôi – là tin rằng chúng ta ai cũng đều thanh tịnh và sáng suốt sâu trong tâm ta. Thế nhưng ta chỉ thấy chung quanh ta rất nhiều người không hành xử trong tư thế thanh tịnh và sáng suốt gì hết. Làm sao mà ta liên kết được cái thấy đó của Phật dạy và sự kiện phũ phàng hằng ngày ta gặp ?

TS Nhất Hạnh: Cô biết không, hạnh phúc và đau khổ nó nương nhau. Cùng hiện hữu, cũng như bên trái và bên phải. Nếu không có bên trái thì cũng không có bên phải. Điều này cũng đúng với khổ đau và hạnh phúc, tốt và xấu. Mỗi người trong ta đều có những hạt giống tốt và xấu. Ta có hạt giống của tình huynh đệ, từ, bi và tuệ giác. Nhưng chúng ta cũng có hạt giống của giận hờn, căm thù và tách biệt.

Cô Oprah: Đó là bản chất rất “người.”

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy. Có bùn và có hoa sen mọc lên từ bùn. Chúng ta cần có bùn để cho hoa sen mọc được.

Cô Oprah: Chúng ta không thể có cái này mà không có cái kia.

TS Nhất Hạnh: Vâng. Ta chỉ có thể thấy rõ hạnh phúc của ta dựa trên quá khứ khổ đau. Nếu bạn chưa bao giờ bị đói, bạn sẽ không trân quý khi được ăn. Nếu bạn chưa bao giờ thấy chiến tranh, bạn sẽ không thấy được giá trị của hòa bình. Vì thế ta không nên trốn chạy khó khăn này đến khó khăn khác. Nhận diện cái khổ của bạn, nhìn sâu và tìm cách đi ra khỏi khó khăn kia để đến được hạnh phúc.

Khi thiền quán ta tập bốn câu thần chú của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Cô Oprah: Ngày nào thầy cũng đều thiền quán chứ ?

TS Nhất Hạnh: Chúng tôi thiền quán không phải mỗi ngày mà mỗi giây phút của sự sống. Khi chúng tôi uống, khi nói chuyện, khi viết lách, khi tưới cây trong vườn… và chúng tôi tập để sống trong hiện tại để nhìn sâu hơn vào cái hiện tại đó (và tiếp xúc với những gì tích cực mầu nhiệm trong hiện tại đó).

Cô Oprah: Nhưng thầy không có ngồi im lặng để đọc thần chú sao ?

TS Nhất Hạnh: Có, chúng tôi ngồi một mình, chúng tôi ngồi chung.

Cô Oprah: Càng nhiều người cùng ngồi càng tốt phải không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, năng lượng tập thể giúp ta nhiều lắm. Tôi muốn chia sẻ với cô về những thần chú mà cô vừa mới nhắc đến. Thần chú thứ nhất “Em yêu ơi, anh có mặt với em đây !***” Khi ta thương ai, món quà quý nhất mà ta có thể tặng cho người kia là sự có mặt, sự hiện diện của mình. Làm sao mà ta có thể nói là ta thương người kia được nếu ta không có mặt ?

***ghi chú: ngôn ngữ Việt rất đặc biệt, chữ my darling tiếng Anh, có thể dịch là anh yêu (nếu vợ nhìn mặt chồng mà đọc thần chú), hay em yêu (nếu chồng nhìn mặt vợ mà đọc thần chú, hay mẹ yêu (nếu con nhìn mặt mẹ mà đọc thần chú), hay bố yêu (nếu con nhìn mặt bố mà đọc thần chú), hay con yêu (nếu mẹ hay bố nhìn mặt con mà đọc thần chú), tùy theo đối tượng.

Cô Oprah: Thật là một thần chú đáng yêu.

TS Nhất Hạnh: Bạn phải nhìn sâu vào mắt người kia (mẹ của các cháu) và nói với tất cả tấm lòng của mình “Bạn nói : “Em em yêu ơi, em có biết gì không, em có biết là anh đang có mặt cho em đây không ?” hay là với mẹ của mình: “Mẹ yêu ơi, mẹ có biết là con đang có mặt cho mẹ không ?” hay là “Con yêu của mẹ ơi, con có biết là mẹ đang có mặt cho con không ?” Ta hiến dâng cho người kia sự có mặt trọn vẹn của ta. Ta không bị bực mình của quá khứ, dự án của tương lai lôi kéo. Ta có mặt hoàn toàn với người ta thương. Thần chú thứ hai là : “Mẹ yêu ơi, con biết là mẹ còn đó, hiện diện bên con và con thật hạnh phúc.” Nếu bạn là cha thì nhìn vào mắt con bạn nói: “Con trai thương của ba, ba biết là con đang có mặt bên ba, nên ba rất hạnh phúc.” Bởi vì bạn đang có mặt, bạn nhận diện sự có mặt của người mà bạn rất thương kia đang còn đó, thật là quý báu. Bạn ôm trọm người kia bằng ánh mắt chánh niệm của bạn. Và người kia sẽ nở ra như một đóa hoa. Được thương có nghĩa là được công nhận sự hiện diện của nhau. Và hai câu thần chú đó đủ đem cho ta hạnh phúc ngay, dù rằng người kia không ở gần thì mình cũng đọc thần chú được bằng điện thoại.

Cô Oprah: Hoặc bằng điện thư.

TS Nhất Hạnh: Vâng, bằng điện thư. Và ta không đọc thần chú bằng tiếng Phạn hay tiếng Tây Tạng, ta có thể đọc thần chú bằng ngôn ngữ ngọt ngào thường ngày của ta.

Cô Oprah: Con yêu ơi, mẹ đang có mặt cho con này.

TS Nhất Hạnh: Và mẹ đang hạnh phúc.

Ta tập thốt lên thần chú thứ ba khi người ta thương đang khổ. “Mẹ ơi, con biết mẹ đang khổ, và vì thế con đang có mặt với mẹ đây.” Trước khi mình làm được gì cho mẹ, chỉ cần nói lên câu thần chú đó là mẹ khoẻ liền

Cô Oprah: Thấy được cái khổ của người kia, sự tổn thương của người kia.

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy. Còn câu thần chú thứ tư mới là khó nhất. Đọc thần chú này khi mà mình đang khổ và mình biết rõ là nỗi khổ của mình do chính người mà mình yêu thương và tin cậy nhất gây ra. Nếu ai khác mà làm điều sai trái ấy thì mình cũng khổ nhưng khổ ít hơn. Đằng này, người kia chính là người mình yêu thương tin tưởng nhất cho nên mình khổ vô cùng. Mình chỉ muốn vào phòng riêng, đóng cửa lại và ôm nỗi khổ một mình.

Cô Oprah: Đúng vậy !

TS Nhất Hạnh: Mình bị tổn thương, mình muốn phạt người đó (mẹ hay ba mình hay người yêu của mình) vì đã nở tâm làm cho mình khổ. Đọc thần chú này để vượt thoát cái cách hành sử thường tình ấy : “Mẹ, con đang khổ, con đang cố gắng hết sức, nhưng mẹ phải giúp con.” (hay bố ơi, con đang khổ, con đang cô gắng hết sức nhưng bố phải giúp con hay Anh ơi, em đang khổ, em đang cô gắng hết sức nhưng anh phải giúp em) Mình phải tới với người đó, với chính đương sự làm khổ mình và phải vượt qua mặc cảm, nói thẳng với người đó bằng thần chú kia thì bạn sẽ nhẹ vơi đi nhiều lắm. Tại vì bạn không còn bị cái tự ái đó nó chận đường giữa bạn và người kia. Làm được như thế bạn sẽ nhẹ bớt đi nhiều.

Cô Oprah: “Anh yêu, em đang khổ ! Anh phải giúp em!”

TS Nhất Hạnh: “Mẹ ơi, con đang khổ, mẹ giúp con với !”

Cô Oprah: Nhưng nếu anh chàng hay cô nàng không muốn giúp mình ?

TS Nhất Hạnh: Trước nhất khi mình thương ai, mình muốn chia sẻ hết tất cả những gì mình đang mang trong lòng với người đó. Vì thế đó là bổn phận mình phải nói câu đó với người đó : “Con khổ, con muốn mẹ biết điều đó. Hay anh khổ, anh muốn em biết điều đó” Và chắc chắn là người kia sẽ đánh giá cao câu nói chí tình ấy.

Cô Oprah: Nếu người đó thương mình.

TS Nhất Hạnh: Vâng, trong trường hợp hai người thương nhau. Đây là câu thần chú với người mình thương.

Cô Oprah: Đồng ý.

TS Nhất Hạnh: Và khi mình tìm mọi cách để nhìn sâu hơn, để thấy rằng niềm đau đó có thể là do tri giác sai lầm của mình và mình đang tìm cách chứng minh là tri giác ấy của mình là sai (thí dụ như thấy người yêu của mình đang líu lo vui vẻ với cô nàng khác). Nhưng trong trường hợp ta không tìm ra được cái thấy kia là sai thì ta phải nhờ người kia giúp ta. (Phần chú thích của Phù Sa: “Anh ơi, em đang khổ, Anh phải giúp em, hôm qua anh không nhìn thấy em, anh líu lo vui vẻ quá với cái cô mặc áo xanh đó” Bằng cách đó mình diễn tả sự tin tưởng nơi người kia, mình có niềm tin nơi người kia, mình không muốn phạt người ấy nữa. Làm được như thế bạn sẽ bớt khổ tức thì. Và anh ta có thể ngạc nhiên thốt lên : Ồ em không biết sao? Cô ấy là em con của dì của anh mà!).

Cô Oprah : Hay quá.

Thầy Thích Nhất Hạnh chia sẽ về những  cái thấy của mình mà mình thường chắc chắn là đúng.

Cô Oprah: Bây giờ đây, tôi xin hỏi thầy một số câu hỏi về cách sống của người tu. Thầy có tập thể dục để cho mạnh khỏe không ?

TS Nhất Hạnh: Có chứ. Hằng ngày chúng tôi tập 10 động tác chánh niệm, cùng đi thiền hành chung với nhau một giờ đồng hồ mỗi ngày và ăn cơm chung trong chánh niệm.

Cô Oprah: Thầy có ăn chay không?

TS Nhất Hạnh: Vâng, chúng tôi ăn chay. Hoàn toàn chay tịnh, không có thực phẩm từ thú vật.

Cô Oprah: Vậy thầy không ăn trứng sao ?

TS Nhất Hạnh: Không trứng, không sữa bò, không phô mai bò. Bởi vì chúng tôi biết cách ăn chánh niệm này sẽ cứu vãn hành tinh của ta.

Cô Oprah: Thầy có xem truyền hình không ?

TS Nhất Hạnh: Không. Nhưng tôi vẫn tiếp xúc được với thế giới. Khi có sự kiện nào quan trọng, thế nào cũng có người kể cho tôi nghe.

Cô Oprah: Tôi cũng nghĩ như thế !

TS Nhất Hạnh: Ta không cần nghe bản tin mỗi ngày ba lần. Hay là đọc hết tờ báo này tới tờ báo khác.

Cô Oprah: Đúng vậy. Giờ thầy nói cho chúng tôi nghe đi. Đời sống của ông thầy tu là sống độc thân, đúng không ?

TS Nhất Hạnh: Đúng.

Cô Oprah: Thầy có khó khăn gì về ý niệm nên hay không nên bỏ đời thầy tu để có gia đình rồi có con không ?

TS Nhất Hạnh: Một hôm đó, khi tôi vào khoảng 30 tuổi, trong khi tôi đang đi thiền hành ở một công viên bên Pháp, tôi thấy một bà mẹ trẻ đang đang đùa với một đứa bé rất xinh. Trong một thoáng rất nhanh, tôi đã nghĩ là nếu tôi không đi tu thì tôi cũng sẽ có người vợ trẻ và đứa con như thế. Ý niệm đó chỉ thoáng qua trong một giây thôi rồi thì tôi vượt qua ngay ý tưởng ấy.

Cô Oprah: Đó không phải là nếp sống của thầy. Ta đang nói về sự sống. Thế thì cái chết thì sao ? Chuyện gì xảy ra khi ta chết, thầy tin về cái chết ra sao ?

TS Nhất Hạnh: Tôi có thể trả lời câu đó khi tôi trả lời được câu này : Những gì đang xảy ra trong lúc này đây ? Trong phút giây hiện tại, ta đang chế tác tư duy, ngôn từ và hành động. Chúng đang phát ra ba thứ đó và chúng đang ảnh hưởng cùng khắp. Mỗi tư duy, mỗi lời nói mỗi hành động của ta đều mang chữ ký của ta. Đó là nghiệp của ta. Đó là sự tiếp nối của ta. Khi thân xác này tàn hoại, ta vẫn được tiếp nối bằng những nghiệp lực ấy. Cũng như đám mây trên trời kia. Khi đám mây không thể giữ được hình thái đám mây nữa thì đám mây đang tiếp tục bằng những hình thái khác như là mưa, tuyết, nước đá. Bản chất của của chúng ta là không sinh, không diệt. Không thể nào một đám mây lại có thể thành hư không được. Và điều đó cũng đúng với người thương của ta. Họ không có chết đâu. Họ đang tiếp tục trong nhiều hình thái khác, nếu ta nhìn sâu, ta sẽ nhận diện ra sự luân hồi của người kia, cùng khắp quanh ta và ngay cả trong ta.

Cô Oprah: Có phải đó là ý nghĩa của bài thơ của thầy “Hãy gọi đúng tên tôi” bài thơ tôi mà tôi thích nhất.

TS Nhất Hạnh: Vâng. Khi quý vị hỏi tôi có phải là người Âu Châu không ? Tôi sẽ nói vâng ạ, tôi là người Âu. Nếu quý vị hỏi tôi có phải là người Á Rập không ? Tôi sẽ nói : Vâng, tôi là người Á Rập. Nếu quý vị hỏi tôi có phải là người da đen không?, tôi sẽ nói vâng, tôi là người da đen. Nếu quý vị hỏi tôi có phải là người da trắng không, tôi cũng sẽ nói : Vâng, tôi là người da trắng. Bởi vì tôi có mặt trong các bạn và các bạn có mặt trong tôi. Chúng ta đã có nhau từ muôn vạn kiếp, cùng khắp trong vũ trụ…

Cô Oprah: [đọc bài thơ] “Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước | Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du | Tôi là con ếch bơi trong hồ thu, | và cũng là con rắn nước trườn đi | Tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái | Tôi là em bé nghèo Uganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra hai bàn chân bằng hai ống sậy, | Tôi cũng là người chế tạo bom đạn để cung cấp kịp thời cho Á Phi | Tôi là em bé mười hai bị làm nhục, nhảy xuống biển sâu | Tôi cũng là nguời hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm | Hãy nhớ gọi đúng tên tôi | Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng tôi khóc tôi cười | Cho tôi thấy nỗi đau và niềm vui là một | Hãy nhớ gọi đúng tên tôi | Cho tôi giật mình tỉnh thức | Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ | Cánh cửa Xót Thương.” Bài thơ đó nghĩa là sao thưa thầy ?

TS Nhất Hạnh: Có nghĩa là lòng từ bi là sự tu tập quan trọng nhất của chúng tôi. Phải hiểu sâu thì mới phát sinh lòng từ bi được. Hiểu được nỗi khổ mà chúng sinh phải gánh chịu thì năng lượng từ bi mới trào dâng. Và với năng lượng đó ta mới biết phải làm gì.

Cô Oprah: Xong rồi. Cuối bài này, tôi còn một đề tài nữa tên là : Làm sao mà tôi biết cái thấy của tôi là đúng. Làm sao mà thầy biết cái thấy của thầy là đúng nhất ?

TS Nhất Hạnh: Tôi biết chắc chắn là tôi không bao giờ biết đúng, biết đầy đủ trọn vẹn hết. Tôi phải tập học hỏi thêm, phải sẳn sàng buông bỏ những cái biết trước đó của tôi để có thể thấy sâu hơn, hiểu rõ hơn về từng tình trạng, từng thực tại. Ta phải luôn luôn học hỏi. Phải mở lòng ra để buông bỏ ý kiến riêng của mình để có thể có cái thấy sâu sắc trọn vẹn hơn. Như khi ta leo lên một cái thang. Lên tới bậc thứ sáu và ta nghĩ là tới đây là cao nhất rồi, vì thế ta không có dịp leo lên bậc thứ bảy. Phương pháp là phải tập buông bỏ bậc thứ sáu để mới lên được bậc thứ bảy. Đó là sự thực tập của chúng tôi, tập buông bỏ cái thấy của mình. Không cố thủ cái thấy đang có, để có thể thấy được sâu hơn, rõ hơn, trọn vẹn hơn. Đó là cốt lõi của sự thực tập trong Phật giáo. Người ta đau khổ vì họ bị kẹt trong cái thấy của họ. Chắc mẻm là cái thấy của mình đúng nhất. Khi nào mà ta buông bỏ được cái thấy –không trọn vẹn ấy – của mình, thì ta mới giải thoát được và không còn khổ đau nữa.

Cô Oprah: Có phải là sự thao thức là tìm cho được tự do phải không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, nhưng tự do trước nhất là thoát được những cái thấy sai lầm phiến diện của mình. Chính cái thấy phiến diện sai lầm ấy là nền tảng của tất cả khổ đau, sợ hãi và bạo động.

Cô Oprah: Thật là vinh dự cho tôi được hầu chuyện với thầy ngày hôm nay.

TS Nhất Hạnh: Cám ơn cô. Tôi mong cái hạnh phúc chia sẻ này có thể giúp được mọi người.

Cô Oprah: Tôi tin là nó sẽ giúp.


PSN – 20.02.2010 | Phỏng vấn độc quyền của Oprah – Phù Sa chuyển ngữ
Nguồn: http://www.oprah.com/spirit/Oprah-Ta…hich-Nhat-Hanh

Sách Thầy Nhất Hạnh đang trở thành best seller ở Trung Quốc

 

Nhà Xuất Bản Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh cho biết là cuốn Dữ Sinh Mệnh Tương Ước (Ước Hẹn với Sự Sống) của Sư Ông  đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất (sướng tiêu thư ) ở Trung Quốc. Sách này được in lần đầu vào tháng 10 năm 2010 mà đến cuối tháng 12 năm 2010 (chỉ trong vòng hai tháng) đã phải tái bản. Làng Mai đã nhận được ấn bản lần thứ hai do nhà xuất bản gửi tới.

Sách này là bản dịch Hoa văn của ba cuốn sách bằng Anh ngữ cũa Sư Ông :

Cultivating the Mind of Love (dịch thành Hoa Văn là Sơ Luyến Tam Ma Địa)
The Heart of Understanding ( dịch thành Hoa Văn là Bát Nhã chi tâm)
Our Appointment with life (dịch thành Hoa văn là Dữ Sinh Mệnh Tương  Ước)

Sách do Tân Hoa Thư Điếm phát hành. Dịch giả là Minh Hạo và Minh Qua.

Người viết lời giới thiệu là học giả Trần Cầm Phú ở Đài Loan. Sách giới thiệu Sư Ông  là

“Thế Giới Đệ Nhất Thiền Tông Đại Đức” và là “ Một trong những vị đại sư tâm linh vĩ đại nhất trên thế giới”

Đồng thời tại Hồng Kông cuốn Phóng Hạ Tâm Trung Đích Ngưu (Releasing the Cow in your Mind) cũng đã trở thành một cuốn best sellers. Sách này tập hợp những bài pháp thoại cũa Sư Ông đăng trên tập chí Ôn Noản Nhận Gian (Buddhist Compassion) và do nhà Cognizance ( Tri Xuất Bản Xã). Cuốn này cũng in lần đầu vào tháng 10 năm 2010 và cũng được tái bản hai tháng sau đó. Tất cả những bài giảng trong ấy đều rất thiết thực cho đời sống hằng ngày. Sách ghi tên người dịch là Tăng Đoàn Làng Mai, trong đó sư cô Chân Sĩ Nghiêm là người dịch chính.

Sách Thầy Nhất Hạnh đang trở thành best seller ở Trung Quốc_Sách Thầy Nhất Hạnh đang trở thành best seller ở Trung Quốc

Ông Thầy tu danh tiếng – tích cực lo cho hoà bình

Thích Nhất Hạnh – Người là hiện thân cho một thứ đạo Bụt dấn thân

Tuần báo LA VIE ra ngày 29 tháng 6 năm 2006

ký giả Isabelle Francq
Sư cô Chân Không chuyển ngữ

Ngọn gió tâm linh thổi xuyên qua vùng ruộng nho và đồi mận

“Ở Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới, đạo Bụt phải được làm mới. Hiện nay ở Việt Nam phần đông thiên hạ nghĩ rằng đạo Bụt là để dành cho các vị xuất gia và cho những ông bà cụ già. Tuy nhiên chính những người trẻ lại đang rất cần có một nếp sống tâm linh, nếu không họ sẽ bị lạc lối. Nhưng nếu đạo Bụt không trao truyền được cho người trẻ những phép tu tập có thể đáp ứng lại nhữngnhu yếu của họ, thì họ sẽ ruồng bỏ truyền thống tâm linh của cha ông họ.” Thầy Thích Nhất Hạnh đã giải thích như thế. Sau 39 năm sống lưu vong, vị thiền sư Việt Nam định cư trên đất Pháp đã trở về thăm quê hương đất nước của ông, hồi đầu năm vừa qua. Ông được chính quyền Cộng Sản cho thuyết pháp ở những nơi công cộng. Trong các thính đường, ở các nơi trình diễn công cộng và tại các chùa, chỗ nào thiền sư tới giảng cũng đầy ắp người. Ba trăm thanh thiếu niên, nam và nữ đã theo Thầy để xuất gia, thành lập hai tu viện ở hai nơi trên đất nước Việt Nam, theo thể thức tổ chức tu viện Làng Mai của thiền sư ở Pháp.

Thiền sư nói rõ thêm: “ Những điều tôi chia sẻ đã gợi hứng cho nhiều người, bởi vì tôi truyền trao một thứ Phật giáo dấn thân trong cuộc đời, gần gũi với những thao thức của mọi người, một loại Phật giáo đã được làm mới lại, nhờ ba mươi năm tu tập và giảng dạy ở Tây Phương.”

“Muốn thương ai ta phải có mặt, cả thân và tâm, cho người đó”

Rõ ràng là người Việt Nam đã không nhầm lẫn. Người Pháp cũng thế. Mùa Xuân năm nay, như các mùa Xuân mỗi năm, 700 người Pháp đã về Làng Mai để dự khóa tu trọn một tuần lễ do Thiền Sư dạy bằng tiếng Pháp. Phần đông từ 25 đến 55 tuổi, đến từ khắp mọi miền nước Pháp. Cũng có một số đến từ Bỉ hay Thụy Sĩ, từ Ý và Tây Ban Nha. Có những người đã chịu bay từ Montréal – Gia Nã Đại. “Nhà tôi đã biết được Thầytừ Gia Nã Đại. Những điều Thầy dạy đã khiến cô ấy quá mến phục nên đã thuyết phục được tôi cùng đi ”. Vị thiền sinh người Gia Nã Đại đã thú thật với tôi như thế khi ông đặt chân đến Làng Mai – một góc trời Việt Nam nho nhỏ nằm ở tam biên các tỉnh Dordogne, Lot& Garonne và Gironde. Từ năm 1982 Thầy Nhất Hạnh cùng một số đệ tử của Thầy đã chọn làm quê hương góc trời nhỏ giữa những ruộng nho và những đồi mận này.

Rồi từ từ, khi mà những điều dạy dỗ của Thầy đã xuất hiện qua nhiều cuốn sách của Thầy trong các hiệu sách Pháp và các nước nói tiếng Pháp, với những quyển sách càng ngày càng nổi tiếng ấy, số người đến tu học càng lúc càng đông, các vị xuất gia đã mua thêm một nông trại, rồi hai nông trại, rồi một góc Xã cho đến cuối cùng là có bảy xóm tất cả, làm thành một Làng. Làng có tên là Làng Mai vì họ có trồng 1250 cây mai ăn trái. Tiền bán trái mai (mận) sẽ để dành nuôi trẻ em thiếu ăn tại Việt Nam và các nơi khác.

Rải rác đây đó là những hồ sen, những tượng Bụt được dựng lên và những tháp chuông, dưới mỗi tháp mái cong là một quả chuông thật to. Tiếng chuông trầm hùng thỉnh lên mỗi giờ một lần, suốt cả ngày. Khi chuông thỉnh lên thì mọi người dừng lại, từ ánh mắt đến cử chỉ, lời nói. Nhìn cỏ cây, lắng nghe chim hót hay cảm nghe làn gió nhẹ mơn man trong không gian. Rồi sự sống lại tiếp tục diễn tiến. Những điều dạy của Thầy Nhất Hạnh nằm nơ i bí quyết đó. Sự có mặt thật tình trong phút giây hiện tại mà Thầy gọi là “ chánh niệm” và mọi người – người tới tu tập hay người chỉ mớ i bước chân tới thăm Làng Mai lần đầu – tất cả đều nếm được sự dừng lại với hình ảnh đó.

Các thiền sinh về đây tu học được chia thành từng nhóm, nhóm đây không phải là nhóm người chỉ mê sống theo thiên nhiên, họ cũng không là những người hoài niệm thời híp-pi. Bất cứ ai về đây, tất cả đều phải chấp nhận hay tạm chấp nhận sống chung phòng với những người lạ chứ không còn cách nào khác. Tất cả đều phải chấp nhận ăn những bữa ăn chay chung, theo lối Việt Nam, chấp nhận tham dự những buổi thiền làm việc, có khi gọi là chấp tác, nhặt rau hay xắt gọt dưa, khoai, hay lau nhà vệ sinh v.v… Nhưng không ai than phiền cả. Không khí thật bình an và tươi vui, rất khác xa với những mẫu mực có sẵn của những nhóm Phật tử nghiêm nghị và khắc khổ. Suốt một tuần lễ, mọi người đều phải thức dậy từ lúc 5 giờ 00 sáng để ngồi thiền sáng vào lúc 5g 30, hướng dẫn bởi một thầy hay một sư cô của Chùa thuộc xóm mình ở – mỗi xóm có khoảng 50 sư cô và vài trăm thiền sinh trong đó có mươi sư cô Tây phương. Các sư cô mặc áo nâu, đầu cạo nhẵn, ngồi trên những chiếc gối tọa thiền, hướng dẫn thiền sinh định tâm vào hơi thở vào… hơi thở ra.., ý thức toàn thân… buông thư toàn thân…, an trú thâm sâu trong phút giây hiện tại. Vào 9 giờ 00 sáng tất cả từ trẻ con đến người lớn đều tập trung vào thiền đường lớn. Mọi người ngồi yên tới nỗi người ta có thể nghe cả tiếng ruồ i bay. Họ ngồi để chuẩn bị nghe pháp thoại của Thầy.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn giảng với giọng nói thật nhẹ nhàng, bằng một thứ tiếng Pháp tuyệt hảo, thanh lịch, không cần chêm những chữ chuyên môn khó hiểu, cũng không cần dùng những từ đặc biệt Phật giáo cầu kỳ.

Thầy nói: “Muốn thương thì phải “có mặt”, cả thân và tâm. Bằng hơi thở chánh niệm. Để ý tới hơi thở vào và hơi thở ra, cái tâm nhờ thế không đi lung tung, được đưa trở về lại với thân, và do đó ta có mặt cho chính ta và cho người ta thương. Món quà quý nhất cho người mình thương là sự có mặt thật tình cho người đó : Mẹ (hayBa) thương ơi, con có mặt cho mẹ (ba) đây ! Hay là: Anh thương ơi, em có mặt cho anh đây. Hay là: em thương ơi, anh có mặt cho em đây. Hay là: con của mẹ ơi, con của cha ơi, cha (hay mẹ) đang có mặt cho con đây!” Không bị thời gian tàn phá, gương mặt thanh lịch của ông Thầy tu tỏa rạng sự bình an.

Suốt một tuần lễ, nữ luật gia Nathalie, trong những bộ áo có vẻ thời trang, đến từ miền Alpes Maritimes, đã bỏ hẳn văn phòng luật sư của cô, chồng cô và đứa con tám tuổi để đến đây tu học. Chúng tôi ngồi đàm đạo trong thiền đường với câu bút pháp: “Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương”. Khi chia sẻ với các bạn thiền sinh khác, cô Nathalie cảm động nói: “Các điều Thầy dạy sáng nay tiếp tục âm vang trong tôi. Đơn giản vô cùng nhưng thật thâm sâu và không dễ thực tập để mà sống được như vậy. Thầy đang thật tình có mặt cho chúng ta; tôi cảm nghe như Thầy đang hướng dẫn từng bước cho chúng ta đi. Thầy dạy ta nhìn kỹ, nhận diện từng chiếc bóng của chính chúng ta tận mặt, mà không cần có mặc cảm tội lỗi. Như thế ta tiếp xúc được với phần thương tích của chính mình bằng tất cả lòng từ bi, khi nhận diện sự có mặt của thương tích trong ta thì ta có thể hiểu và thương được cách hành xử của người khác vì họ cũng đã từng bị thương tích như mình.”

Như phần đông những người tu tập ở Làng Mai, Nathalie không tự nhận cô là Phật tử. Nhưng từ khi khám phá được sách của Thầy, cô đã tới Làng Mai học với Thầy để có thể có nếp sống đẹp, lành mạnh và hạnh phúc hơn. Những người khác thì xin quy y với Thầy. Là đệ tử tại gia của Thầy, họ tự hứa và hứa với tăng thân Làng Mai trong một buổi lễ quy y là sẽ sống đời sống hằng ngày theo tiêu chuẩn năm giới, trình bày theo cách của Thầy. Họ sẽ tập tìm hiểu sâu thêm giáo lý Bụt dạy và tập thiền quán. Đó là trường hợp cô Marianne 52 tuổi, cố vấn về quản trị xí nghiệp nên biết rất rõ những nhịp độ công tác và những đòi hỏi cấp bách, những điều kiện bức xúc trong các hãng xưởng. “Pháp môn dạy dỗ của Thầy giúp tô i biết nắm lấy những gì thiết yếu nhất.” Cô Marianne tới tu học ở Làng Mai từ nhiều năm nay. Lần này cô mời được mẹ cô cùng về. Bà cụ là người theo đạo Thiên Chúa rất thuần thành. Bà cụ nói “Tôi rất may mắn mà thuộc về một giáo xứ rất cởi mở và nhờ vậy đã được phép thuật lại cho giáo dân nghe những gì tôi học được khi đi tu học ở Làng Mai về. Giáo lý đạo Bụt mà Thầy dạy không có gì chống đối với những điều tôi học trong Thánh Kinh. Ngược lại, những ngày sống ở Làng Mai giúp tôi có nhiều bình an khiến tôi thấy con tim mình mở ra, hiểu Chúa Ky Tô và những người khác nhiều hơn.”

“Ban đầu người Pháp tưởng là họ cần phải mặc áo ki mô nô…”

Nhóm quần chúng đủ màu sắc này, thiền sư Nhất Hạnh đã hiểu khá rõ tâm tư họ nên Thầy đã giúp họ được rất nhiều.

Sư Cô Chân Không, tới Pháp vào những năm cuối thập niên 1960 để phụ giúp thiền sư lo các chương trình cứu trợ nạn nhân chiến tranh và kêu gọi hòa bình, đã vui vẻ nhắc : “ Ban đầu người Pháp tưởng là họ cần phải mặc áo ki mô nô, ăn cơm bằng đũa thì mới trở nên Phật tử được! Thầy mớ i bảo với họ rằng những điều Bụt dạy là một nghệ thuật sống trong bình an và sâu sắc. Với nghệ thuật sống đẹp đó, quý vị là người Pháp thì nên xây dựng một đạo Bụt Pháp có màu sắc văn hóa Pháp”. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một trong những vị Thầy hiếm có, rất lão thông văn hóa Pháp. Trong những bài thuyết giảng, ông hay hóm hỉnh thuật về triết gia Pháp Descartes hay đọc thơ của thi hào Victor Hugo. Người cũng rất giỏi Thánh Kinh. Thiền Sư xác nhận như sau : “ Khi đọc Thánh Kinh hay khi tiếp xúc với các bạn Ky Tô Giáo, tôi nhận thấy rằng thỉnh thoảng hai đạo này giao thoa rất kỳ diệu với nhau và nhìn cho kỹ thì một số tín hữu Ky Tô lại có nhiều Phật tính hơn một số Phật tử. Bởi vì kh i bạn hành xử với lòng bao dung và từ bi thì bạn đã là Phật tử rồi !”

Những vị anh hùng châu Á

Dịch từ Time Asia Magazine,ấn hành ngày 13 tháng 11 năm 2006, bộ 168, số 20

Trong sáu mươi năm qua, tạp chí TIME đã liên tục đưa lên thời sự những thành đạt lớn lao của châu Á. Trong số đặc biệt kỷ niệm 60 năm này, chúng tôi muốn vinh danh những con người Á châu đã góp phần tạo dựng xã hội chúng ta trong thời đại mới.

time-60-heroes-jpgTrong sáu thập niên huyên náo vừa qua, châu Á, một châu đông dân cư nhất của địa cầu, đã cho ra đời một loạt các vị anh hùng đáng làm cho chúng ta sửng sốt. Trong 60 năm từ ngày tạp chí TIME bắt đầu phát hành ấn bản Á châu, ban biên tập chúng tôi đã có hân hạnh tiếp xúc được với những con người lỗi lạc nhất trong số các vị anh hùng ấy, có lúc trên những nẻo đường vận động, có lúc giữa chiến trường, có lúc trong phòng thí nghiệm khoa học, hoặc trong phòng trọ, lại có lúc trên sân nhà máy hoặc tại phim trường. Đi theo dấu chân của những con người lỗi lạc ấy chúng tôi đã có cơ duyên tường thuật lại câu chuyện quá trình chuyển hóa của châu Á: từ một xóm làng nghèo đói đi đến sự thành lập một trung tâm điện lực, từ hồi phải đi bắt chước người ta cho đến khi người ta phải trở lại bắt chước mình, từ khi bị đô hộ cho đến khi thoát ra để lãnh đạo kinh tế toàn cầu đi vào một kỷ nguyên mới. Từ Gandhi đến Rushdie, từ Bruce Lee, cho đến Li Ka Shing, số báo đặc biệt này được ra đời để tôn vinh những người đàn ông và những người phụ nữ Á châu đã góp phần dựng thành số phận và thời đại chúng ta.

Thích Nhất Hạnh, vị tăng sĩ Phật Giáo đã góp phần
chấm dứt khổ đau của chiến tranh Việt Nam.

Ngày 11 tháng 06 năm 1963, giữa một đường phố Sài Gòn, Thượng tọa Thích Quảng Đức ngồi xuống châm lửa tự thiêu để chống đối chế độ áp bức của miền nam Việt Nam, một chế độ độc tài do Hoa Kỳ yểm trợ. Hình ảnh ông thầy tu ngồi an nhiên trong lửa đỏ đã trở thành những hình ảnh đầu tiên của cuộc chiến dai dẳng, những hình ảnh có tác dụng đánh thức và gây ra niềm đau nhức trong lương tâm thế giới. Trong những năm kế tiếp, hơn 30 vị xuất gia khác đã dâng hiến mạng sống của mình như thế để tiếp tục chống đối cuộc chiến vô nghĩa và thô bạo này.

Những năm tháng khổ đau chất ngất và dai dẳng của cuộc chiến Đông Dương, trong đó giới phật tử đã nỗ lực để làm vơi bớt đau thương, những tháng năm ấy dường như đã lui về một quá khứ xa xăm. Nhưng ông thầy tu Thích Nhất Hạnh, người đã xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng ấy, ông thầy tu này vẫn còn sống với chúng ta. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

thich-nhat-hanhthis-buddhist-monk-helped-end-theBằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa – như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân – đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỷ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. Ít có những chiến trường nào lại đẫm máu nhiều như những chiến trường tại Việt Nam, khi hết người Pháp rồi tới người Mỹ đem quân tới để đàn áp phong trào yêu nước và phong trào cộng sản trong suốt ba thập niên dai dẳng. Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, Thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, Thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang nằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. Trong những năm 1960, Thầy Nhất Hạnh đã trở thành một trong những biểu tượng cho phong trào phản chiến. Những bài viết của Thầy được đăng trong những tạp chí nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ như tạp chí The New York Review of Books, và các bài thơ của Thầy đã được hát lên với đàn ghi ta như những bài nhạc phản chiến trong khuôn viên các trường đại học Hoa Kỳ. Ta sẽ không bị mang tiếng là quá đáng khi nói rằng thầy Nhất Hạnh đã có công gây sức ép buộc Hoa Thịnh Đốn phải rút quân ra khỏi Việt Nam.

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, vẫn còn sống và hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

________
(Ghi chú của người dịch: trong số những vị anh hùng được tạp chí TIME Magazine vinh danh có hai vị người Việt: đó là tướng Võ Nguyên Giáp và thầy Nhất Hạnh)

Ta hạnh phúc liền giây phút này

Ngày 10/9/2014, báo La Stampa, một trong những tờ báo lớn nhất ở Ý, có đăng một bài phỏng vấn Thầy. Claudio Gallo – Biên tập viên phụ trách chuyên mục Văn hóa (Culture Editor) của tờ báo đã tham dự trọn vẹn khóa tu dành cho người Ý được tổ chức tại Làng Mai trong tuần lễ cuối cùng của tháng 8, và anh đã tự mình trải nghiệm được cái gọi là “hiện pháp lạc trú”. Sau đây là bài tường thuật của anh với tựa đề “Happiness is Now” đã được BBT chuyển ngữ  sang tiếng Việt.

 

 


 

TA HẠNH PHÚC LIỀN GIÂY PHÚT NÀY

Cuộc gặp gỡ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một vị thầy theo truyền thống Phật giáo – cùng với tăng thân của Thầy tại Pháp. Thầy có đệ tử khắp nơi trên thế giới nhưng Thầy không hề yêu cầu họ phải từ bỏ đạo gốc của mình.

 

Có một cái gì thật dịu ngọt mà cũng thật hùng tráng tỏa từ những ruộng nho, những cánh rừng, những đồng cỏ xanh mướt trải dài nối đuôi nhau lướt qua ô cửa sổ của chuyến tàu đi về miền quê nước Pháp, từ Bordeaux đến Bergerac. Đó cũng là sự nhẹ nhàng đầy hùng lực mà ta có thể tìm thấy trong những lời giảng của Thầy Nhất Hạnh. Là một tu sĩ Phật giáo người Việt, Thầy sống với tăng thân của mình tại Làng Mai, một trung tâm tu học tọa lạc trên những ngọn đồi bao quanh ngôi làng Thénac nhỏ bé. Mọi người đều gọi Thầy một cách giản dị là “Thầy” (nghĩa là “một vị thầy tâm linh”).

Thầy đã 88 tuổi, gương mặt trông có vẻ nghiêm khắc nhưng có thể bất ngờ nở một nụ cười trẻ thơ khiến cho ai nhìn thấy cũng phải mỉm cười theo. Năm 1973, Thầy bị chính quyền miền Nam Việt Nam buộc phải lưu vong và Thầy đã chọn Tây phương nơi mà Thầy được Mục sư Martin Luther King và Linh mục Thomas Merton vô cùng trân quý. Ở Mỹ, Thầy cũng đã được biết đến thông qua các chuyến đi vận động hòa bình cho Việt Nam.

Là tác giả của trên 100 cuốn sách, Thầy đã đem đến cho người Tây phương một phương pháp thực tập dựa trên giáo lý căn bản của đạo Bụt, đó là phương pháp thực tập chánh niệm – sự thực tập tỉnh thức và có mặt một trăm phần trăm cho những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Trong Phật giáo, cùng với đức Đạt Lai Lạt Ma, Thầy có lẽ là vị thầy nổi tiếng nhất trên thế giới với rất nhiều trung tâm tu học ở khắp các châu lục và có số người theo tu học lên đến hàng trăm nghìn người. Điều đáng chú ý là Thầy không đòi hỏi các đệ tử Tây phương phải từ bỏ đạo gốc của mình. Rất nhiều người trong số 700 người Ý tham dự khóa tu vào cuối tháng 8 vừa qua tại Làng Mai là những người theo truyền thống Cơ Đốc giáo.

 

Thưa Thầy, đạo Bụt có thể cống hiến được gì cho thế hệ kỹ thuật số hiện nay – thế hệ những người trẻ suốt ngày vùi đầu vào Internet?

Hiện nay, những người trẻ đã bỏ quá nhiều thì giờ vào internet. Đây  là căn bệnh của thời đại chúng ta. Khi ngồi hai tiếng đồng hồ trước máy vi tính, chúng ta  hoàn toàn quên là mình có một hình hài. Internet là một phương tiện có khả năng mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra vô số vấn đề.

Sử dụng internet là một hình thức tiêu thụ. Ta tiêu thụ thông qua những tư tưởng, hình ảnh, âm thanh mà ta tiếp xúc được trên internet và sự tiêu thụ đó có thể lành mạnh hoặc có thể gây tàn hại cho bản thân ta. Thực tế là chỉ riêng lượng thông tin nhận được qua internet thôi cũng đủ khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng quá tải thông tin rồi.

Cũng có nhiều người trong chúng ta trở nên nghiện internet. Ta đánh mất mình trong biển thông tin đó và ta không có mặt cho chính mình, không có mặt cho những người thương của mình và không có mặt cho thiên nhiên. Ta có ảo tưởng là thông qua mạng internet chúng ta có thể nối kết được với nhau, nhưng kỳ thực ta lại càng cảm thấy cô đơn.

Chánh niệm giúp cho ta biết điều độ khi lên mạng, đồng thời cũng giúp cho ta thấy được cái mà ta đang tiếp xúc có thật sự ích lợi hay chỉ làm cho ta càng cô đơn và tuyệt vọng thêm. Ta tiêu thụ internet để khỏa lấp sự cô đơn, nhưng thật ra nó chỉ làm cho tình trạng tệ hại hơn mà thôi. Thường thì khi tiêu thụ những tin tức, quảng cáo, những phim ảnh khêu gợi và kích thích dục tình thì ta đồng thời cũng đang đưa vào trong thân tâm ta những độc tố như giận hờn, bạo động, sợ hãi và thèm khát.

 

 

Theo đạo Bụt thì cái ta riêng biệt là một ảo tưởng, vậy trong cái thấy đó có còn sự phân biệt giữa thiện và ác hay không?

Trong thế kỷ thứ 20, chủ nghĩa cá nhân được đưa lên vị trí hàng đầu và điều này đã tạo ra rất nhiều khổ đau. Chúng ta tạo ra sự phân biệt, chia cách giữa ta và người, giữa cha và con, giữa con người và thiên nhiên, giữa quốc gia này và quốc gia khác… Chúng ta không ý thức được mối tương quan mật thiết giữa mình với mọi người và mọi loài xung quanh mình. Đạo Bụt gọi mối liên hệ đó là “tương tức” (“inter-being”).

Cái hiểu, cái thấy sâu sắc về tương tức chính là nền tảng của con đường đạo đức mà đạo Bụt đóng góp cho nhân loại. Những gì xảy ra cho một cá nhân cũng ảnh hưởng tới toàn thể xã hội và cả thế giới. Với cái thấy này, sự thực tập chánh niệm giúp cho ta phân biệt được cái gì thiện, cái gì ác, cái gì đúng, cái gì sai. Có chánh niệm thì ta sẽ nhận ra được những tàn hại đối với các loài gia súc, gia cầm cũng như đối với hành tinh này do ngành công nghiệp sản xuất thịt gây ra. Ý thức được điều đó thì ăn chay là một hành động thương yêu đối với chính mình, đối với sinh môi và đối với trái đất.

Nhiều người trong chúng ta đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền tài và sắc dục. Chúng ta nghĩ rằng những thứ đó đem lại cho ta hạnh phúc, nhưng thực ra nó có thể dẫn chúng ta đi tới chỗ tàn hoại thân tâm mình.  Những người trẻ thường lẫn lộn giữa tình dục và tình yêu chân thật. Trên thực tế thì tình dục có thể hủy hoại tình yêu và đưa tới sự thèm khát, cô đơn và tuyệt vọng nhiều hơn. Sự thực tập chánh niệm giúp chúng ta mỗi ngày hiểu sâu hơn về người ta thương. Cái hiểu chính là nền tảng của tình thương đích thực. Chúng ta không thể nào có được một tình thương đích thực nếu ta không hiểu được người mình thương.

 

Có thể vượt thoát sự sợ hãi về cái chết hay không?

Gốc rễ của sự sợ hãi nằm ở cái thấy sai lạc của ta về bản chất cái chết. Ta sợ hãi cái chết tại vì ta nghĩ rằng khi chết rồi thì ta sẽ trở thành không. Khoa học hiện đại đã chứng minh cho ta thấy rằng: không có gì sinh cũng không có gì diệt, tất cả đều chuyển biến không ngừng.

Quan sát một đám mây, ta có thể đặt câu hỏi: đám mây có thể chết được không? Đám mây có thể từ mà trở thành không hay không? Nhìn cho sâu ta thấy đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành mưa đá, rồi thành hơi nước trở lại. Bản chất của chúng ta cũng giống như bản chất của đám mây. Cũng như mưa, tuyết là sự tiếp nối của đám mây thì những hành động, lời nói và tư tưởng mà ta chế tác ra chính là sự tiếp nối của chúng ta.

 

Chúng ta sống trong một thế giới đầy sự xung đột và bất công xã hội. Làm sao ta có thể cải thiện được tình trạng đó với tư cách một Phật tử?

Sự xung đột và bất công trong xã hội phát sinh ra từ tâm chúng ta. Đạo Bụt cống hiến cho chúng ta những phương pháp thực tập cụ thể để nuôi dưỡng tình thương và hạnh phúc đích thực trong ta. Khi tình thương và hạnh phúc có mặt thì ta có thể tạo ra sự bình an trong tự thân và góp phần vào hòa bình trên thế giới. Khi tâm ta bị cuốn đi bởi tham vọng và sợ hãi thì bất công xã hội và bạo động sẽ phát sinh. Sự thực tập chánh niệm giúp cho ta nuôi lớn hạnh phúc và bình an trong giây phút hiện tại. Và đây chính là sự đóng góp tuyệt vời cho nền hòa bình thế giới và cũng đồng thời là nền tảng để chúng ta có thể làm tốt những công tác phụng sự cho xã hội.

 

Thầy dạy cho mọi người về sự thực tập chánh niệm và chánh định, thế nhưng một tình trạng đáng lo ngại của thế giới hiện nay là tình trạng suy giảm khả năng tập trung của con người…

Nhiều người trong chúng ta không biết làm thế nào để thật sự có mặt cho người mình thương và cho những mầu nhiệm đang có sẵn trong giây phút hiện tại. Tâm của ta rất dễ bị phân tán. Trong khi đó, thị trường bên ngoài không ngừng cung cấp cho ta những phương tiện để giữ cho tâm ta luôn ở trong tình trạng này. Thân của ta ở đây mà tâm của ta thì đang chạy theo những dự án ở tương lai, những sầu đau của quá khứ hay những lo lắng, buồn phiền trong hiện tại.

Cách đây không lâu, chúng tôi được mời hướng dẫn thực tập chánh niệm cho hơn 700 nhân viên của Google tại trụ sở chính của tập đoàn này ở California. Điều đầu tiên mà chúng tôi chia sẻ là sự thực tập dừng lại, tại vì trong xã hội hiện nay chúng ta luôn có thói quen rong ruổi, tìm cầu. Khi chúng ta có khả năng dừng lại, chúng ta có thể nhận diện được những gì đang xảy ra trong thân và trong tâm mình. Và đây là cách thức để ta có thể bắt đầu chăm sóc cho chính mình. Chúng ta đã có quá đủ những điều kiện để hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ cần dừng lại và nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt thì ta có thể tiếp xúc được ngay với hạnh phúc đích thực.

Claudio Gallo

Để đọc bản dịch bằng tiếng Anh, xin xem tại đây:
http://plumvillage.org/news/an-italian-journalist-reports-from-plum-village/

Vấn đề mang tính toàn cầu

Một vấn đề mang tính toàn cầu với những câu trả lời từ địa phương
Những gì chúng ta làm với tư cách cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội đóng vai trò rất quan trọng.

What we do as individuals, families, communities and societies: It Matters A global problem with local answers

Viết bởi Brigid Brett – Thời báo Quận Phía Bắc – ngày 21/9/2006
Sư cô Khiết Nghiêm chuyển ngữ

 

Watching Thich Nhat Hanh drink a cup of tea is a profound experience. He sits with his eyes closed, his hands circling the cup and sips in such a way that you know that there is nothing more important to him in that moment than the fragrant aroma, the warmth of the cup, the delicious flavor of the liquid.

Nhìn Thiền sư Thích Nhất Hạnh uống một tách trà quả là một kinh nghiệm sâu sắc. Thầy ngồi đó, đôi mắt nhắm lại, ha i bàn tay nâng lấy tách trà và nhấp từng ngụm theo cách mà bạn sẽ thấy được ngay là trong phút giây đó, không có gì quan trọng hơn mùi thơm, hơi ấm tỏa ra từ chiếc tách và vị ngon của nước trà.

When I first discovered the teachings of the 80-year-old Buddhist monk about 10 years ago, I never imagined I’d be watching him drink his tea right here in North County. Last Sunday, I joined about 800 people at Deer Park Monastery high in the hills of Escondido for a Day of Mindfulness with the man who has written many books on mindful living and whom Martin Luther King nominated for the Nobel Peace Prize in 1967.

Lần đầu tiên phát hiện ra những bài pháp thoại của vị Hòa thượng 80 tuổi này cách đây khoảng 10 năm, tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng ngay tại đây, tại Quận Phía Bắc, tôi lại được ngồi ngắm nhìn Thầy đang uống trà. Chủ Nhật tuần trước, tại tu viện Lộc Uyển nằm cao trên những ngọn núi của vùng Escondido, tôi đã cùng khoảng 800 người tham dự một Ngày Chánh niệm cùng với người Thầy, tác giả của biết bao nhiêu cuốn sách về nếp sống chánh niệm và cũng là người đã được luật sư Martin Luther King đề cử cho giải Nobel Hòa Bình năm 1967.

Like many deeply spiritual people, Nhat Hanh believes that words are not enough —- that one must take positive action when faced with social injustice and environmental crises. On Sunday, with an unusually somber expression on his face and sense of urgency in his gentle Vietnamese accent, he spoke at length about global warming. He spoke about how each one of us needs to wake up and make some drastic lifestyle changes if we want our children to enjoy the earth the way we are able to now. And he told us about some of the new practices and programs that the Deer Park community in Escondido has underway.

Cũng như nhiều người có nếp sống tâm linh sâu sắc, Thầy Nhất Hạnh tin tưởng rằng ngôn từ không thể nào diễn tả đủ, rằng một người phải hành động một cách tích cực khi đối mặt với tình trạng bất công xã hội và khủng hoảng về môi trường. Vào Chủ Nhật đó, với vẻ mặt khác thường và cảm giác cấp bách trong âm điệu Việt Nam nhẹ nhàng, Thầy đã nói khá lâu về tình trạng hiệu ứng nhà kính. Thầy đã nói về phương pháp làm thế nào để mỗi người trong chúng ta cần tỉnh thức và thay đổi nếp sống một cách quyết liệt nếu chúng ta muốn con cháu chúng ta sau này cũng được tận hưởng trái đất theo cách chúng ta đang tận hưởng bây giờ. Thầy cũng kể cho chúng tô i biết một vài điểm mới trong sự thực tập cũng như một vài chương trình mới mà đại chúng tu viện Lộc Uyển tại Escodido đang tiến hành.

1. Tuesday is a No Car Day – nobody drives on Tuesdays.
2. They have a goal to reduce car use by 50 percent. They will shop for the community only once a week.
3. They are moving toward using biodiesel and hybrid cars.
4. They are purchasing solar panels to provide for all energy needs.
5. They are digging wells to access water.

I had the feeling that all 800 of us were experiencing a similar sense of hopelessness and hope as we listened to his words. I imagined we were all asking ourselves the same question: What can I do to make things better and not worse?

  1. Ngày Thứ Ba sẽ là Ngày không sử dụng xe hơi – Không ai sử dụng xe hơi trong ngày Thứ Ba.
  2. Tu viện đặt ra mục tiêu là giảm việc sử dụng xe hơi xuống còn 50%. Chỉ thực hiện việc mua sắm cho nhu cầu của đại chúng một lần trong tuần.
  3. Tu viện đang đi theo hướng sử dụng dầu diesel sạch và xe hơi hybrid (nửa điện nửa xăng) hay xe hơi chạy dầu hữu cơ.
  4. Tu viện sẽ trang bị các tấm thu năng lượng mặt trời để cung cấp cho toàn bộ nhu cầu về năng lượng của tu viện.
  5. Tu viện sẽ đào giếng để lấy nước.


    Tôi có cảm giác rằng tất cả 800 người chúng tôi đang được trải qua kinh nghiệm của cảm giác tuyệt vọng và hy vọng khi nghe những lời của Thầy. Tôi tưởng tượng ra chúng tôi đang tự hỏ i bản thân cùng một câu hỏi: chúng ta có thể làm được gì để cho cuộc sống không tồi tệ đi và trở nên tốt đẹp hơn?

    When I got home from the monastery, I made myself a cup of tea and took it outside to drink. The sun was starting to set and I watched a pair of hawks flying as if they were really enjoying themselves. Some brazen rabbits came to nibble the grass near where I sat. My husband dropped a handful of just-picked figs into my lap . Inside the house I heard my teenage kids laughing and I thought about how it would feel to one day hold a grandchild in my lap and show her the hawks and rabbits and give her a taste of warm, ripe fig.

    Từ tu viện trở về nhà, tôi đã pha cho mình một tách trà và mang ra ngoài trời uống. Mặt trờ i bắt đầu lặn và tôi thấy một cặp diều hâu đang bay như thể chúng đang thực sự tận hưởng chính bản thân. Một vài chú thỏ chạy tới gặm cỏ gần nơi tôi ngồi. Chồng tôi thả vào tay tôi một vốc sung mới hái. Tôi nghe từ trong nhà vọng ra tiếng cười đùa của mấy đứa con đã đến tuổi thành niên của tôi, và tôi nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ ôm đứa cháu nội trong trong vòng tay mình và chỉ cho bé những con chim diều hâu và đàn thỏ và đưa cho bé nếm vị quả sung mới chín và còn ấm.

    So here are some things I am going to do to make North County a little greener. I’m going to have a No Car Day once a week. I’m going to cut down as much as possible on the driving I do. And I’m going to save up to buy a hybrid car. It’s the least I can do for my children – and yours.

    Và đây là vài điều mà tôi sẽ làm để góp phần làm cho quận Phía Bắc xanh hơn. Tôi sẽ thực hiện một ngày không sử dụng xe hơi hằng tuần. Tôi sẽ cố gắng để giảm việc đi lại bằng xe hơi càng nhiều càng tốt. Và tôi sẽ tiết kiệm để mua một chiếc xe chạy bằng dầu hữu cơ. Đó là những gì tối thiểu nhất tôi có thể làm cho các con của tôi – và cũng là cho các bạn.

    For more information on Deer Park Monastery and its programs, visit www.deerparkmonastery.org or call (760) 291-1003.

    Để biết thêm thông tin về tu viện Lộc Uyển và các chương trình của tu viện, xin mời các bạn thăm trang nhà tại địa chỉ www.deerparkmonastery.org hoặc điện thoại số (760) 291-1003.