Ở trường tôi, các giáo viên cảm thấy rất tuyệt vọng. Chúng tôi đã thử nhiều phương pháp đối với học sinh. Và khi áp dụng phương pháp chánh niệm, chúng tôi thấy có hiệu quả. Hiệu quả thật sự. Vì vậy chúng tôi và các em học sinh đều yêu thích phương pháp này.
DEREK HEFFERNAN, Giáo viên trung học ở Canada
Nội dung
- Khám phá những cách thức nuôi dưỡng chánh niệm cho học sinh.
- Tìm hiểu phương pháp thực tập chánh niệm, với cách tiếp cận không phân biệt, kỳ thị, giúp chúng ta tiếp xử với những hành vi của học sinh một cách khéo léo hơn.
- Áp dụng một vài nguyên tắc vào việc giảng dạy chánh niệm trong lớp học.
- Thực tập chánh niệm giúp cho việc học hiệu quả hơn như thế nào?
- Làm thế nào, khi nào và ở đâu ta có thể giảng dạy về chánh niệm? Những phương pháp và cách thức mà ta có thể sử dụng?
- Khám phá làm thế nào để sự thực tập chánh niệm và đạo đức ứng dụng có thể được giảng dạy trong những phạm vi rộng hơn, như chăm sóc cảm xúc, nuôi dưỡng sự lành mạnh của thân tâm, chế tác hạnh phúc và ngăn ngừa bạo lực nơi học đường?
- Cách thức xử lý những khó khăn, trở ngại khi giảng dạy về chánh niệm.
Nuôi dưỡng chánh niệm cho học sinh
Trong các chương trước, chúng ta đã tìm hiểu những cách thức nuôi dưỡng chánh niệm cho học sinh, thông qua việc giảng dạy cho các em những thực tập căn bản và lồng những thực tập này vào trong lớp học cũng như trong đời sống hàng ngày của các em. Chúng ta cũng khám phá ra rằng tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được dựa trên sự thực tập chánh niệm của chúng ta với tư cách là thầy cô giáo, đặc biệt là khả năng thực sự có mặt cho học sinh của mình. Đây cũng là nền tảng thiết yếu cho những lĩnh vực khác mà chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm trong chương này.
Ứng xử khéo léo trước những hành vi của học sinh
Những hành vi được cho là “gây rối” của học sinh là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự căng thẳng cho giáo viên và cả cho chính học sinh, cũng như làm gián đoạn việc giảng dạy. Vì vậy mà tất cả các giáo viên đều mong muốn tìm được những cách thức ứng xử khéo léo trước những hành vi gây rối của học sinh. Nhiều người trong số đó nhận thấy sự thực tập chánh niệm đóng vai trò quan trọng giúp họ khám phá ra những cách thức ứng xử hữu hiệu và khéo léo.
Khái niệm “tàng thức” trong Chương 7 của tập 1 Cẩm nang hạnh phúc, mở ra một cách tiếp cận mới, đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm. Đó là cách tiếp cận thay cho lối tư duy lưỡng nguyên, phân biệt – lối tư duy khiến cho ta luôn bị mắc kẹt trong những mặt đối lập đơn thuần như đúng – sai, khen thưởng – trừng phạt, hay thủ phạm – nạn nhân. Khi nhìn sâu vào chính mình, ta có thể thấy mình là một dòng chảy liên tục mà không chỉ là những khác biệt và đối lập mà thôi, và tất cả chúng ta đều được tạo nên bởi những yếu tố giống nhau. Sự nhìn sâu còn giúp ta khám phá ra rằng chúng ta đều có tiềm năng như nhau. Theo cách nói của Làng Mai thì chúng ta đều có những “hạt giống” thiện và bất thiện mà chúng ta có thể lựa chọn để “tưới tẩm” hoặc “không tưới tẩm”. Khi có chuyện xảy ra, chúng ta đều có khả năng chuyển hóa và làm mới chính mình, đặc biệt là khi ta cảm thấy được hiểu, được thương, được yểm trợ và tha thứ. Nếu chúng ta nhìn những hành vi ứng xử của học sinh dưới ánh sáng không lưỡng nguyên, kỳ thị thì ta có thể hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận của mình.
Thầy Pháp Dung, một vị giáo thọ của Làng Mai và cũng là người đang giúp đẩy mạnh phong trào đem chánh niệm vào trường học – gọi tắt là Wake Up Schools, chia sẻ kinh nghiệm của mình khi áp dụng cách tiếp cận này với hành vi ứng xử của trẻ em. Thay vì tập trung vào chuyện xử phạt “đúng – sai”, thầy chú trọng đến việc giúp các em phát triển sự khéo léo trong cách ứng xử của mình. Cách phản ứng điềm tĩnh, không bị kích động và đi theo hướng tìm hiểu, khám phá sự việc của thầy đã gây bất ngờ, trước hết là với các em nhỏ mà thầy hướng dẫn trong các khóa tu.
Chúng ta cần dạy cho các em về những cách hành xử khéo léo, thay vì chỉ chú trọng đến tiêu chuẩn đúng – sai. Tôi nghĩ vấn đề đạo đức cần được tiếp cận theo hướng: không dựa trên tiêu chuẩn đúng – sai mà dựa trên những hạt giống được tưới tẩm trong tâm thức. Khi xem xét hành vi của một đứa trẻ, chúng ta cần nhận diện những điều kiện nào xung quanh đứa trẻ khiến cho em trở nên khó chịu hơn, giận dữ hơn và bạo động hơn so với những đứa trẻ khác.
Chúng ta cần dạy cho các em một cách tiếp cận toàn diện hơn, khéo léo hơn khi có xung đột xảy ra. Chẳng hạn khi một em nhỏ đánh bạn của mình, thấy tôi tới, hai em nghĩ chắc chắn sẽ bị la rầy. Nhưng tôi chỉ nói: “Này, hai em nghĩ gì về chuyện mới xảy ra?”. Câu hỏi của tôi làm các em ngạc nhiên quá đỗi, bởi tôi không có vẻ gì là giận dữ hay muốn trừng phạt. Và thực sự tôi không dùng hình phạt đối với các em, thay vì vậy tôi thường hỏi các em chuyện gì đã xảy ra. Tôi mời các em ngồi xuống và trao đổi với nhau. Đó là cách tiếp cận mà tôi luôn sử dụng. Khi chăm sóc các em, tôi không muốn ép buộc các em phải nghe lời chỉ bảo của mình hay sử dụng biện pháp trừng phạt. Tôi thực sự cố gắng mời các em ngồi lại với nhau và hỏi chuyện gì đã xảy ra.
Cô Bea Harley, người được nhắc đến nhiều lần trong bộ sách này, từng là một nhà quản lý giáo dục thâm niên tại một trường tiểu học ở Anh. Nơi đây, sự thực tập chánh niệm đã được áp dụng vào việc giảng dạy một cách rõ nét. Với kinh nghiệm của mình, cô Bea Harley đã phác họa một cách sơ lược về cách tiếp cận không phân biệt, kỳ thị có nghĩa như thế nào trên thực tiễn, để giúp thầy cô giáo đối diện với cách hành xử của học sinh trong trường.
Tất cả các thành viên trong cộng đồng đều có trách nhiệm đóng góp và yểm trợ môi trường học tập cho các em, đó là kỳ vọng của chúng tôi và cũng là nền tảng cho cách tiếp cận của chúng tôi đối với hành vi ứng xử của học sinh. Một hành vi gây khó khăn của các em được nhìn nhận như là một sự “thiếu khéo léo” và mục đích của chúng tôi là giúp các em hiểu được hành vi “thiếu khéo léo” đó gây hậu quả như thế nào lên bản thân các em và những người xung quanh. Bằng sự thực tập chánh niệm và nhìn lại chính mình, chúng tôi muốn giúp các em nuôi dưỡng những đức tính: tôn trọng, thương yêu, cẩn trọng trong hành xử với ý thức rằng cách hành xử của mình có tác động lên chính mình và những người xung quanh; từ đó giúp chuyển hóa những hành vi “thiếu khéo léo” một cách tích cực và lâu dài.
Cách tiếp cận không kỳ thị này đối với những hành vi ứng xử của học sinh là điều mà rất nhiều trường học có tầm nhìn xa mong muốn đạt được, ít nhất là về mặt lý thuyết. Cách phản ứng dựa trên bằng chứng cụ thể của nền giáo dục hiện đại (evidence-based responses) đã có những bước tiến dài so với cách tiếp cận giản đơn của thuyết Hành vi và những biện pháp trừng phạt[1]. Cách tiếp cận của nền giáo dục hiện đại là tìm hiểu đối tượng học sinh đó một cách toàn diện đằng sau hành vi sai phạm, nhận diện rõ những tính cách tích cực của học sinh và khuyến khích thầy cô giáo tìm hiểu ý nghĩa, thái độ và những cảm xúc bên dưới hành vi sai phạm đó, thay vì cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi của học sinh. Với cách tiếp cận này, ta ghi nhận hành vi của học sinh có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa mà ta chưa từng biết đến, chẳng hạn như học sinh đó có những vấn đề tâm lý, bị các học sinh khác bắt nạt, có những khó khăn trong gia đình, hay có khó khăn về sức khỏe, về khả năng học hỏi – tất cả những khó khăn này đều có thể giải quyết được. Hành vi gây rối của học sinh và những chuyện khó khăn xảy ra nơi học đường có thể được nhìn nhận như những cơ hội quý giá để dạy cho các em học sinh những kỹ năng ứng xử và giúp cho các em chọn lựa những cách hành xử hay hơn. Thầy cô giáo có thể trao truyền cho các em điều này. Nói như vậy không có nghĩa là các em hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng điều quan trọng ở đây là khi cần phải có những phản ứng trước hành vi của học sinh thì những phản ứng đó cần phải thích ứng, phù hợp với từng học sinh. Theo cách này, học sinh vẫn chịu trách nhiệm cho những hậu quả do hành động của mình gây ra nhưng đồng thời cảm nhận được sự ấm áp và tình thương từ thầy cô giáo, từ đó các em có thể học hỏi những kỹ năng ứng xử khéo léo hơn để khắc phục và sửa chữa những lỗi lầm của mình, thay vì cảm thấy tủi hổ và bị trừng phạt.
Nói thì dễ nhưng để áp dụng lý thuyết này vào thực tế thì không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, sự thực tập chánh niệm có thể hỗ trợ cho chúng ta. Khi phải đối diện với một người trẻ hay gây rối và tạo nhiều khó khăn, chúng ta có thể chú ý đến những cảm xúc rất con người – chẳng hạn như sự bực tức, giận hờn, sợ hãi, hoang mang, và tuyệt vọng – thường đi kèm với những thách thức này. Nếu không ý thức được về điều đó, chúng ta có thể dễ dàng bị kéo theo và trở nên giận dữ, lớn tiếng, có cái nhìn phán xét một cách tiêu cực, hoặc muốn trừng phạt, trách móc đối tượng đó.
Sự thực tập chánh niệm giúp chúng ta có khả năng thực hành những gì mình giảng giạy, hay nói cách khác là nói và làm đi đôi với nhau. Đây chính là chìa khóa cần thiết để giúp cho việc giáo dục hành vi ứng xử một cách tích cực – một mơ ước cao quý của nghề giáo – trở thành hiện thực. Với việc thực tập chánh niệm, chúng ta có thể học hỏi được những phương pháp giúp chúng ta có đủ sự vững chãi, thư thái, tĩnh lặng cùng với tâm tư rộng mở và cẩn trọng để chúng ta không bị tổn thương bởi những hành vi gây rối từ phía học sinh cũng như có thể chăm sóc tốt hơn những căng thẳng và cảm xúc mạnh trong ta. Sự vững chãi của chúng ta có thể giúp học sinh lắng dịu xuống và nhìn lại hành vi của mình, từ đó cho phép học sinh đó có những lựa chọn tích cực hơn trong cách hành xử. Nếu học sinh của chúng ta cũng biết thực tập chánh niệm, cả thầy và trò đều có những cách thực tập chung và biết chăm sóc hành vi của mình một cách chánh niệm thì công việc của chúng ta sẽ dễ dàng hơn. Nhưng cho dù không có được những điều kiện như vậy, chánh niệm vẫn có thể giúp cho thầy cô giáo giữ được sự vững chãi trong những tình huống khó khăn.
Cô Christiane Terrier, giáo viên dạy môn Lý – Hóa tại trường Lycée Edmond Michelet, Arpajon, nước Pháp, nhấn mạnh rằng thầy cô giáo không nên coi hành vi gây rối của học sinh là một sự xúc phạm đối với cá nhân mình, thay vì vậy cần chú ý đến những sự tình nằm bên dưới hành vi của học sinh. Cách này sẽ hiệu quả hơn nhiều. Cô thấy sự thực tập chánh niệm rất hữu ích, giúp cho thầy cô giáo giữ được sự vững chãi trong hoàn cảnh đó.
Khi một học sinh có thái độ gây hấn với giáo viên, thay vì phản ứng ngay lập tức hay có biện pháp trừng phạt, chỉ cần ta dừng lại và thở, cố gắng không để cho những gì vừa nghe làm ta bị tổn thương. Khi nói chuyện với em học sinh đó, ta có thể thực tập lắng nghe sâu để hiểu được những gì đang xảy ra. Chúng ta sẽ nhận ra rằng hành vi của người đó không phải là không dễ thương hay nhắm vào cá nhân ta, mà hành động đó được gây ra bởi một nỗi khổ đau rất lớn.
Sự có mặt định tĩnh, lắng dịu của chúng ta có thể là tất cả những gì mà một đứa trẻ hay một học sinh cần đến. Michael Schwammberger nhận thấy khi một đứa trẻ đang gây rắc rối, chỉ cần ta thực sự có mặt với em, nhận diện và làm lắng dịu những cảm xúc đang thúc đẩy hành vi của em bằng hơi thở và sự hợp nhất của thân tâm, điều đó có một ý nghĩa thật đặc biệt.
Ta có thể nhận thấy đứa trẻ đó đang có những khổ đau. Em có thể không chịu làm hay nói một điều gì, hoặc có thể la hét và phản ứng. Nếu một đứa trẻ đang thật sự khó chịu thì thông thường những gì mà ta cần làm là ôm đứa trẻ đó vào lòng hoặc đặt tay lên vai đứa trẻ. Chỉ cần có mặt, ngồi với em và nhìn vào mắt em rồi nói: “Được rồi, kể cho thầy/cô nghe chuyện gì đã xảy ra? Bây giờ em đang cảm thấy thế nào?”. Hoặc chỉ cần có mặt mà không cần dự định làm một cái gì cả, chỉ cần ngồi bên em đó thôi. Không hiểu sao tôi nhận thấy có một quá trình thay đổi vô thức nơi đứa trẻ. Dường như đứa trẻ bắt đầu cảm thấy chuyện mình có cảm xúc như vậy cũng không sao, không cần phải sợ hãi.
Sự chuẩn bị cần có trước khi đem chánh niệm vào lớp học
Đã đúng lúc, đúng thời chưa?
Cảm hứng từ sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày, nhiều giáo viên mong muốn đem chánh niệm vào lớp học và giảng dạy các phương pháp thực tập chánh niệm cho học sinh một cách chính thức. Đó là một mong ước rất tự nhiên. Tuy vậy, chúng ta cần lưu ý là đừng làm điều này một cách vội vàng. Chúng ta có thể dành thời gian để suy xét một cách thực tế về chính bản thân, những động lực, khả năng của chính mình, và mức độ thử thách mà chúng ta có thể đón nhận trong khả năng của mình. Chúng ta cũng cần suy xét một cách cẩn trọng, xem thử môi trường đã thực sự phù hợp chưa, và đảm bảo rằng chúng ta không làm cho các học sinh mất hết cảm hứng vì “món quà” không được tặng đúng lúc, đúng thời.
Thầy Chris Willard là người có kinh nghiệm dạy chánh niệm cho trẻ em trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, những lời chia sẻ chân thật và hóm hỉnh của thầy hoàn toàn có thể áp dụng cho môi trường học đường. Thầy đã sử dụng việc thực tập chánh niệm của mình để nhận diện và làm chậm lại những thói quen vốn ăn sâu bám rễ trong tâm trí thầy. Thầy nhận thấy mình cần buông bỏ ước muốn thôi thúc là dạy chánh niệm cho trẻ em ngay lập tức, dù trong đầu thầy đã vẽ ra biết bao cảnh tượng thành công cho kế hoạch này. Thầy khuyên chúng ta hãy suy xét cho kỹ, xem học sinh của chúng ta đã thực sự sẵn sàng để học hỏi về chánh niệm chưa, hoặc sẵn sàng để học theo cách mà chúng ta dự định áp dụng lên các em hay chưa.
Tôi thường nhận thấy việc đối diện với chính mình và những mong đợi của bản thân là một thách thức khó khăn hơn nhiều so với việc đối diện với những đứa trẻ cứng đầu nhất. Tôi đã từng làm việc một thời gian với những đứa trẻ có khó khăn. Khi mới bắt đầu, tôi có kỳ vọng rất lớn về sức mạnh của chánh niệm. Tôi tưởng tượng ra lớp học ồn ào mà tôi đang dạy tại một bệnh viện tâm thần bỗng nhiên biến thành một ốc đảo bình yên, có thể sánh với bất kỳ một tu viện nào. Trong trí tưởng tượng của tôi, không chỉ những đứa trẻ có cảm hứng thực tập chánh niệm – những vấn đề hành vi và cảm xúc của các em đều được chữa lành nhờ sự thực tập chánh niệm – mà các giáo viên khác cũng sẽ tìm đến và học hỏi từ tuệ giác của tôi trong việc quản lý lớp học và những lý thuyết về chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, những điều trong tưởng tượng ấy không hề xảy ra. Vậy mà một khi tôi buông xuống những kỳ vọng đó thì tôi lại có nhiều cơ hội nếm được những khoảnh khắc bình an hơn. Những khoảnh khắc đó đến cùng với sự thực tập và sự kiên nhẫn của chính tôi.
Điều quan trọng thiết yếu là chúng ta cần thường xuyên nhìn lại chính mình, nhìn lại những ý định cũng như những kỳ vọng mà ta có đối với những đứa trẻ mà mình chăm sóc, dạy dỗ. Hãy tự hỏi: mình có những mục tiêu gì? Những mục tiêu đó có phù hợp với đứa trẻ mà mình đang chăm sóc hay không? Mình có quá vướng mắc vào ý tưởng làm cho đứa trẻ thay đổi hoặc hướng đứa trẻ vào việc học thiền hay không? Mình có quá vướng mắc vào vị trí giáo viên của mình hay không? Và dù cho thiền tập hay sự thực tập chánh niệm có quan trọng với cá nhân mình như thế nào đi nữa thì nó có thể chưa đúng lúc để áp dụng cho đứa trẻ mà bạn đang cố gắng dạy dỗ.[2]
Cô Morrakot “Chompoo” Raweewan chân thành chia sẻ một kinh nghiệm của cô khi dạy cho các sinh viên đại học, nơi mà cô “càng cố gắng thì lại càng cảm thấy căng thẳng”. Kinh nghiệm của cô cho thấy rằng chúng ta có thể đối diện bất cứ thất bại nào trong sự truyền thông với học sinh của mình bằng sự chấp nhận, lòng bao dung không phân biệt và tình thương cho chính bản thân. Chỉ cần chúng ta có thể trở về với sự thực tập để làm cho sự có mặt của mình tươi mới trở lại, đây là một điều rất cần thiết cho các học sinh.
Tôi thường làm việc với các sinh viên chưa tốt nghiệp và sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Ở độ tuổi này, các em đã có cách suy nghĩ riêng của mình, vì vậy rất khó để tôi có thể giới thiệu sự thực tập chánh niệm cho các em mà không phải cố gắng. Nhưng càng cố gắng thì tôi lại càng cảm thấy căng thẳng, khó chịu. Trong khóa tu 21 ngày năm 2012 tại Làng Mai, Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) nói rằng nếu chúng ta muốn dạy về chánh niệm thì chúng ta nên dạy bằng thân giáo của chính mình – cách chúng ta nói năng, cách chúng ta lắng nghe, cách chúng ta sống đời sống hàng ngày của mình. Nếu chúng ta có chánh niệm thì chánh niệm sẽ thể hiện ra. Lời khuyên của Thầy là câu trả lời cho chính tôi. Từ đó, tôi tiếp tục duy trì sự thực tập của mình. Có những sinh viên hỏi tôi cảm thấy thế nào khi dạy trong lớp học, vì sao không thấy tôi nổi giận, tôi xử lý cơn giận của mình như thế nào, và tôi thực tập như thế nào. Những sinh viên cần sự giúp đỡ, hoặc trong việc học hoặc trong đời sống cá nhân, đã có can đảm đến với tôi. Không khí trong lớp học trở nên dễ chịu hơn. Bây giờ thì tôi có thể dễ dàng khuyên bảo các sinh viên của mình và các em thực sự lắng nghe những lời tôi chia sẻ. Tôi đang là một cô giáo hạnh phúc. Và như lời Thầy nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc có thể thay đổi thế giới.”
Trở về với chính mình, chúng ta nhận ra rằng thân giáo của chúng ta – những giáo viên – luôn là giáo cụ chính yếu, và sự thực tập chánh niệm tỏa chiếu nơi chúng ta là món quà quan trọng nhất mà ta hiến tặng cho học sinh, cho các đồng nghiệp và cho bản thân ta. Vì vậy đôi khi ta đi đến quyết định, sau một thời gian suy xét, là nên chờ đợi thêm một thời gian trước khi đem chánh niệm vào trường học: sự dừng lại tạm thời đó có thể cho chúng ta thêm thời gian để tập trung vào sự thực tập của bản thân, để đảm bảo là chúng ta có một nền tảng vững chắc cho những gì chúng ta đang và sẽ thực hiện trong tương lai.
Chúng ta có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy trong lớp học hay chưa?
Phần lớn những chia sẻ trong bộ sách này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm lớn mạnh sự thực tập chánh niệm nơi tự thân trước khi giảng dạy cho người khác. Tuy nhiên, việc đem chánh niệm vào trường học và các trường đại học còn đòi hỏi những kỹ năng giảng dạy trong môi trường học đường. Một giáo viên có kinh nghiệm, bằng trực giác của mình, hiểu được sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa việc học chánh niệm cho chính mình – một người lớn có động lực mạnh cùng với tinh thần tự nguyện và việc đem chánh niệm vào giảng dạy cho học sinh trong lớp. Học sinh, sinh viên của chúng ta không tự lựa chọn việc học chánh niệm. Cho tới thời điểm đó, các em có thể vẫn chưa có hứng thú, nhưng lại không thể rời khỏi lớp học theo ý muốn của mình. Ngoài ra, những sinh hoạt thường ngày ở trường đã quá quen thuộc với các em, thành ra mọi thứ dễ trở nên nhàm chán, không có gì mới mẻ.
Chúng ta không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm học hỏi và thực tập chánh niệm của một người lớn để rồi mặc nhiên cho rằng những gì làm cho chúng ta có cảm hứng trong sự thực tập cũng sẽ tạo cảm hứng tương tự nơi các học sinh, sinh viên của mình. Chúng ta phải mời gọi, khuyến khích và tạo cảm hứng cho các em. Mọi kỹ năng mà một giáo viên đầy kinh nghiệm đã tích lũy cần được sử dụng để đem chánh niệm vào giảng dạy trong lớp học, như: những phương pháp, những nguồn tài liệu đa dạng và sống động; khả năng nắm bắt được trình độ, nhu cầu của học sinh và làm cho bài giảng của mình có thể đáp ứng được những nhu cầu, những mối quan tâm của học sinh; nắm rõ mục tiêu mà mình muốn đạt tới và xây dựng một kế hoạch vững chắc; có những mối liên hệ thân tình, vui tươi nhưng cũng đồng thời có sự trân kính giữa thầy cô với học trò; và những kỹ năng vững chãi để làm yên lắng sự ồn ào, huyên náo của một lớp học với khoảng ba mươi học sinh.
Nếu bạn là một giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng chưa có nhiều phương pháp và kỹ năng giảng dạy, lại mới chỉ được trang bị những kỹ năng cơ bản về quản lý lớp học thì việc bạn thực tập chánh niệm trong khi tiếp xúc và giảng dạy cho học sinh, sinh viên sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Tuy nhiên, đừng vội dạy chánh niệm một cách trực tiếp cho học sinh của mình. Hãy dành thời gian rèn luyện thêm những kỹ năng giảng dạy trong lớp học. Còn nếu bạn không phải là một giáo viên nhưng muốn đem chánh niệm vào trường học thì tốt nhất là bạn nên nghĩ đến việc cộng tác với một giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy. Việc quản lý lớp học là cả một nghệ thuật và cũng đòi hỏi phải có khoa học, vì vậy bạn nên tôn trọng điều đó. Nếu không có chuyên môn thì hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Vì vậy nếu bạn được mời để dạy chánh niệm trong trường học, hãy đảm bảo chắc chắn là bạn có một giáo viên phụ trách lớp học, người hiểu rõ học sinh của lớp đó, có mặt với bạn để giữ cho mọi chuyện được diễn ra suôn sẻ.
Giả sử thời cơ đã đến, cả giáo viên và học sinh đều đã sẵn sàng, và ý định dạy chánh niệm trong trường học là dựa trên nhu yếu của các học sinh, sinh viên, mà không phải dựa vào sự tưởng tượng của chúng ta, và chúng ta đã có một nền tảng thực tập chánh niệm vững vàng cũng như có đủ những kỹ năng giảng dạy cần thiết. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể tiếp tục tìm hiểu những cách thức mà chúng ta có thể áp dụng để giảng dạy chánh niệm trong trường học.
Những phương pháp và cách thức giảng dạy về chánh niệm
Đa dạng, sống động và vui tươi
Tất cả những phương pháp, cách thức giảng dạy cũng như những nguồn tư liệu mà một giáo viên đầy kinh nghiệm nắm trong tay đều có vai trò riêng trong việc giảng dạy về chánh niệm. Chúng ta có thể sử dụng những khả năng đó một cách linh hoạt và sáng tạo để duy trì sự hứng thú và đáp ứng được những nhu yếu đa dạng, thường xuyên thay đổi của học sinh. Những người trẻ thường có đầu óc sống động nhưng lại có khả năng tập trung thấp hơn so với người lớn. Michael Bready, người có kinh nghiệm xây dựng chương trình dạy chánh niệm tại Anh, chia sẻ rằng:
Tôi sử dụng nhiều phương pháp và cách thức khác nhau. Tôi thích sử dụng hình thức vận động khi có thể. Tôi cũng thích sử dụng video để minh họa cho những khái niệm, những ý tưởng khác nhau, chẳng hạn như về lòng biết ơn và lòng tốt. Ngoài ra, tôi còn sử dụng những hoạt động liên quan đến viết lách, chẳng hạn như đề nghị các em viết xuống ba điều mà các em biết ơn, hoặc viết một lá thư thể hiện lòng biết ơn của mình đối với ai đó; và cả những trò chơi, chẳng hạn như trò chơi xem sự chú ý của mình đang hướng về đâu, về đối tượng nào khi nó đi lang thang khỏi hơi thở. Những sinh hoạt đòi hỏi sự chuyển động thực sự rất hữu ích, giúp cho trẻ em cân bằng năng lượng của mình – nếu các em quá hiếu động thì những trò chơi giúp cho các em tiêu hao bớt một ít năng lượng; còn nếu các em quá mệt mỏi thì nó có tác dụng làm cho các em tỉnh táo hơn.
Đối với trẻ em ở độ tuổi từ 5 – 7 thì chúng ta cần làm sao cho những bài học được đơn giản, có thể thực hiện ngay tức thì và lặp đi lặp lại nhiều lần, đó là lời chia sẻ từ kinh nghiệm của Niki Smith, một người làm công việc trợ giảng tại Anh.
Trong lớp học mà chúng tôi phụ trách, chúng tôi thường xuyên sử dụng nhiều phương pháp thực tập chánh niệm mà những người bạn đến từ Làng Mai giới thiệu cho chúng tôi. Nhưng trong số đó, những thực tập mà tôi cảm thấy các em nhỏ ưa thích và tiếp nhận sâu sắc nhất lại là những thực tập đơn giản nhất và có thể thực hiện nhanh chóng nhất, đó là: tập thỉnh chuông và hát.
Biết được lúc nào thì “làm ít hơn nhưng lại có hiệu quả hơn” (less is more) là một kỹ năng vô cùng cần thiết. Thầy Chris khuyến khích các thầy cô giáo nên có cái nhìn thực tế khi đặt ra mục tiêu hay mong muốn đối với bản thân và với học trò của mình.
Bạn cần phải kiên nhẫn. Bạn có thể thách thức chính mình và những học trò của mình, nhưng đừng ép quá mức. Kinh nghiệm cũng như các nghiên cứu cho thấy phương thức hiệu quả nhất đối với trẻ em là áp dụng những hoạt động thiền tập ngắn nhưng được lặp lại nhiều lần. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề nghị cho trẻ em thực tập thiền đi trong năm hoặc mười bước chân, rồi cho các em nghỉ, chạy nhảy một chút, sau đó thực tập trở lại[3].
Tìm hiểu về những phương pháp thực tập thông qua thảo luận và chia sẻ
Bên cạnh những phương pháp thực tập căn bản như ý thức về hơi thở, bước chân, ý thức trong khi ăn, cũng như ý thức về thân thể, chúng ta cũng cần giúp cho học sinh có cơ hội chia sẻ, hiểu rõ thêm về những trải nghiệm của chính mình khi thực tập chánh niệm, thông qua những buổi thảo luận có hướng dẫn. Thời gian chia sẻ và nhìn sâu vào những trải nghiệm của mình giúp các em để ý và nhạy cảm hơn với những gì rất nhỏ và vi tế diễn ra trong tự thân. Các em có thể chia sẻ những điều đó trong nhóm, đồng thời thấy được “những gì đã xảy ra cho mình” trong khi lắng nghe chia sẻ của những người khác. Điều này giúp các em nhận ra rằng không chỉ riêng mình mà nhiều người cũng gặp những khó khăn tương tự, từ đó các em có động lực để tìm cách ra khỏi những khó khăn của mình. Các em sẽ nhận ra rằng không có một con đường duy nhất hay một cách duy nhất đúng mà mình phải theo; chánh niệm nghĩa là đơn thuần có mặt với những gì đang xảy ra, trong mình và xung quanh mình, ngay giây phút hiện tại. Các em ở tuổi thiếu niên (tuổi teen) có thể tỏ ra nghi ngờ về sự hào hứng của người lớn đối với sự thực tập chánh niệm. Khi làm một điều gì, các em rất muốn biết vì sao mà mình cần làm như vậy. Và những buổi thảo luận có thể giúp các em tìm được câu trả lời cho chính mình thông qua những chia sẻ dựa trên trải nghiệm của những người bạn đồng trang lứa.
Trong cuốn Cẩm nang hạnh phúc, tập 1 của bộ sách này, nói về những thực tập căn bản, chúng tôi có gợi ý một vài câu hỏi mà các giáo viên có thể sử dụng để hướng dẫn một buổi thảo luận. Đây là những câu hỏi mà các em cần phải suy ngẫm và nhìn sâu để có thể chia sẻ. Chúng tôi có nhấn mạnh đến đặc tính của những câu hỏi được đưa ra để thảo luận, giọng điệu của câu hỏi cũng thể hiện sự chánh niệm trong đó. Những câu hỏi nên đơn giản, mang tính cởi mở, không phán xét, khuyến khích và chấp nhận tất cả những câu trả lời, kể cả những câu trả lời không theo chiều hướng tích cực hay câu “em không biết”. Thật nhẹ nhàng, chúng ta hướng cuộc chia sẻ trở về với những kinh nghiệm trong đời sống thực tiễn để giúp các em học sinh rời khỏi những câu chuyện hoặc những phán xét của mình và trở về với giây phút hiện tại.
Dzung X. Vo, một chuyên gia chăm sóc sức khỏe vị thành niên mà chúng ta có cơ hội biết đến nhiều lần trong bộ sách này, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng những câu hỏi mở. Anh chia sẻ điều này từ kinh nghiệm của mình đối với các em tuổi thiếu niên.
Tôi nhận thấy các em thiếu niên thường học hỏi từ nhau, và bạn bè có thể là những người thầy tốt nhất đối với các em. Trong quá trình huấn luyện của chúng tôi, điều này thường xảy ra trong giai đoạn “đặt câu hỏi”. Vào mỗi buổi thực tập, chúng tôi thường bắt đầu với một thời thiền có hướng dẫn (thường là ngồi thiền hoặc thực tập ý thức từng bộ phận cơ thể – body scan) trong khoảng 10 – 20 phút. Sau đó chúng tôi sẽ tuần tự từng người chia sẻ theo vòng tròn với một câu hỏi về sự thực tập mà chúng tôi vừa mới trải nghiệm.
Người hướng dẫn buổi chia sẻ có thể đặt những câu hỏi như: “Bạn nhận thấy gì khi trải nghiệm sự thực tập đó? Nó khác với cách thường ngày của bạn như thế nào? Sự thực tập này có liên quan gì đến sức khỏe, sự căng thẳng, trầm cảm, lo lắng, đau đớn… trong bạn?
Rồi kế đó chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi và chia sẻ về sự thực tập trong tuần trước đó. Chẳng hạn, tôi có thể mở đầu buổi chia sẻ như thế này: “Tuần trước chúng ta đã tập trung vào sự thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày. Chúng ta đã có bài tập về nhà là đem sự thực tập chánh niệm vào một vài hoạt động mà ta làm mỗi ngày, chẳng hạn như cột dây giày hay đi bộ ra trạm xe buýt. Vậy có ai thử làm điều này chưa? Nếu có thì các bạn nhận thấy như thế nào?”
Những người trẻ học hỏi được rất nhiều từ nhau
Chúng ta có thể sử dụng hình thức thảo luận một cách rộng rãi, linh hoạt hơn để giúp học sinh áp dụng chánh niệm vào đời sống thực tiễn của mình. Đặc biệt các em ở độ tuổi thiếu niên rất hứng thú khi áp dụng chánh niệm vào những sinh hoạt và những hoàn cảnh khó khăn, thách thức mà các em phải đối diện mỗi ngày. Các em học hỏi được rất nhiều từ những người bạn đồng trang lứa cũng như có thêm niềm tin và cảm hứng, như lời chia sẻ dưới đây của David Viafora:
Kinh nghiệm của tôi cho thấy người trẻ, đặc biệt là các em thiếu niên, thường dạy cho nhau tốt hơn nhiều so với những gì mà tôi hay các đồng nghiệp hoặc người lớn dạy cho các em. Trong nhóm thực tập chánh niệm dành cho trẻ em hoặc thiếu niên mà chúng tôi phụ trách, ngay từ buổi đầu, chúng tôi thường khuyến khích những em thực tập lâu hơn chia sẻ một vài phương pháp thực tập hoặc chia sẻ kinh nghiệm của mình với những em mới tham dự vào nhóm. Điều này giúp các em cảm nhận được sự chân thành và đáng tin cậy trong nhóm, vì những chia sẻ xuất phát từ kinh nghiệm của những người bạn đồng trang lứa mà không phải là từ một ai đó có vị trí, quyền hành. Nó cũng giúp cho các em mới đến, dù là trẻ em hay thiếu niên, có thái độ tôn trọng những gì mà các bạn của mình đã học hỏi được và dần dần có niềm tin cũng như cảm hứng rằng mình cũng có thể học hỏi và lớn lên trong sự thực tập như các bạn của mình.
Chúng ta có thể dạy chánh niệm ở bất cứ nơi nào có học sinh, không nhất thiết là chỉ trong lớp học. Có nhiều khung cảnh để ta có thể dạy chánh niệm ngoài thời khóa biểu bắt buộc trong ngày. Những sinh hoạt nhóm vào giờ ăn trưa hoặc sau giờ tan trường có lợi thế là mang tính tự nguyện, vì vậy sự thực tập có thể sâu hơn và cũng linh hoạt, nhẹ nhàng hơn so với những giờ bắt buộc trên lớp. Không khí trong một nhóm nhỏ cũng dễ tạo ra cảm giác an toàn, giúp cho các em dễ bị tổn thương có thể mở lòng chia sẻ những cảm xúc của mình.
Chánh niệm và sự học hỏi
Chánh niệm giúp cho học sinh có thể tập trung tâm ý và sẵn sàng cho sự học hỏi
Tất cả các giáo viên đều mong muốn học sinh của mình có khả năng chú ý và tập trung – nền tảng của bất cứ một hình thức học hỏi nào. Để cho những người trẻ tràn đầy năng lượng và hiếu động có thể tập trung sự chú ý, đó luôn là một thách thức. Tuy nhiên, các giáo viên cũng thấy rõ rằng điều này càng trở nên khó khăn hơn trong một thế giới kỹ thuật số với các thú tiêu khiển ngày càng phong phú và xu hướng xử lý nhiều việc, nhiều thao tác cùng một lúc đang được khuyến khích rộng rãi.
Như đã đề cập trong lời mở đầu của bộ sách này, có những chứng cứ khoa học rõ ràng cho thấy sự thực tập chánh niệm hỗ trợ cho quá trình học hỏi, giúp cho học sinh lắng dịu, tập trung sự chú ý và bắt đầu quan sát những hoạt động bên trong của thân và tâm mình. Nếu được thực tập đều đặn, chánh niệm có thể giúp mang lại trạng thái lắng dịu, bình an và buông thư, làm cho ta cảm thấy rất dễ chịu, đồng thời nó cũng giúp cho tâm trí của chúng ta sáng tỏ hơn.
Tưởng tượng một đứa trẻ ở trường học, có biết bao cảm xúc và tâm trạng mà đứa trẻ phải đi qua trong một ngày: có thể là cảm xúc hoang mang, hoặc phấn khích, hoặc bị hắt hủi, chối bỏ, hoặc được quan tâm, hoặc bị mất bình tĩnh, hoặc tự hào… đôi khi những cảm xúc, tâm trạng này diễn ra liên tục, nối tiếp nhau. Nếu trẻ em được dạy về chánh niệm, nếu các em biết cách nhận diện những tâm trạng khác nhau này và biết rằng những cảm xúc, những trạng thái này đều ‘không phải là chính tôi, là của tôi’ thì các em có thể tránh được rất nhiều khổ đau và có nhiều không gian để chú tâm vào việc học hơn.
– John Bell, chuyên gia tư vấn và huấn luyện về chánh niệm, Mỹ
Thường thì khi bước vào tiết học do tôi phụ trách, các em vẫn còn rất phân tán, chộn rộn, đôi khi bực bội vì chuyện ở tiết học trước. Thay vì đề nghị các em lắng dịu xuống – điều này thường gây hiệu quả ngược lại, tôi thường hỏi: “Các em có thể cho cô biết là có chuyện gì xảy ra với các em vậy?” và cố gắng lắng nghe hết lòng để hiểu và cảm thông cho các em, sau đó tôi cho các em vài phút để thư giãn. Nếu tôi yêu cầu các em học liền lúc đó thì sẽ không có hiệu quả mà chỉ lãng phí thời giờ. Khi các em cảm thấy mình được thầy cô giáo hiểu và cảm thông cho những cảm xúc của mình thì các em dễ mở lòng hơn cho việc học.
– Cô Christiane Terrier, cựu giáo viên trung học và hiện đang hướng dẫn chánh niệm, Pháp.
Chánh niệm giúp cho học sinh có khả năng nhìn sâu
Chánh niệm có công năng tưới tẩm những hạt giống định và tuệ (cái thấy sâu sắc) – vốn đã có sẵn trong mỗi chúng ta. Những hạt giống này được nuôi lớn khi chúng ta âm thầm duy trì sự chú tâm vào bất kỳ một điều gì hoặc một đối tượng nào mà chúng ta đang muốn tìm hiểu, chẳng hạn như hơi thở, bước chân, suy tư, những cảm xúc của mình hoặc câu nói của một ai đó. Chánh niệm có khả năng giúp ta vượt ra khỏi những thói quen, những lề lối suy tư mà bấy lâu ta vẫn đi theo và tiếp xúc với thế giới xung quanh theo một cách mới. Chánh niệm giúp chúng ta phát triển khả năng suy nghĩ cẩn trọng, nhận thức sáng suốt và có thể xuyên qua hình tướng bên ngoài để thấy được tính gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau của sự vật, hiện tượng, cũng như đưa đến cái thấy sâu hơn về thực tại.
Thông qua các phương pháp thực tập chánh niệm, chúng ta có thể có khả năng nhìn sâu hơn và kinh nghiệm trực tiếp hơn về bản chất phức tạp, vi tế của thế giới vật chất cũng như thế giới xã hội mà ta đang sống. Chánh niệm giúp ta có một tâm trí tập trung và cởi mở, đồng thời có thể làm cho những phản ứng của thân thể lắng dịu, hài hòa hơn trong khi ta tiếp xúc với chính mình, với hoàn cảnh và trong khi ta chia sẻ, thảo luận với người khác. Chúng ta có thể hiểu được những nhu yếu, cảm xúc và những ý tưởng một cách trực tiếp hơn. Bên cạnh đó, chánh niệm giúp cho chúng ta nhìn việc học với một tâm trí sáng suốt, đầy trí tuệ hơn.
Richard Brady – một người có nhiều năm kinh nghiệm với việc hướng dẫn chánh niệm – đã chiêm nghiệm về quá trình này.
Mục tiêu hàng đầu của tôi trong việc giảng dạy, dù là dạy về thiền tập hay Toán học, cũng tương tự như nhau. Đó là tạo ra những cơ hội cho học sinh ý thức rõ hơn về sự vận hành của tâm trí, về hơi thở, về những bài toán hay về những người bạn, cũng như về cách học của mình. Khi tôi tạo ra những cơ hội thực tập chánh niệm như vậy, các em học sinh có thể tự khám phá ra được ý nghĩa và giá trị những trải nghiệm của chính mình.
Chánh niệm có thể giúp chúng ta dừng lại và chiêm nghiệm về quá trình tư duy của chính mình. Khả năng này, được gọi bằng thuật ngữ “siêu nhận thức” (metacogniton)[4] hay còn gọi là “tư duy về tư duy”, ngày càng được công nhận một cách chính thống trong lĩnh vực giáo dục như là một kỹ năng nền tảng có khả năng hỗ trợ mọi loại hình học tập.
Khả năng lắng nghe chủ động và giá trị của sự im lặng
Trường học nói chung, kể cả các trường đại học, thường là nơi có nhiều hoạt động với nhiều tiếng ồn và các cuộc nói chuyện, mà không phải cuộc nói chuyện nào cũng có ích lợi. Vì vậy, học cách lắng nghe sâu và chủ động không chỉ giúp chúng ta liên hệ tốt với người khác mà kỹ năng này còn đóng vai trò quan trọng thiết yếu đối với tất cả các hình thức học hỏi khác. Cô Sara Messire, giáo viên tiểu học tại Pháp, đã thực tập kỹ năng chánh niệm thiết yếu này trong những tiết học mà cô phụ trách ở trường.
Năm nay, việc học cách lắng nghe đặc biệt cần thiết cho các em học sinh của tôi. Các em có xu hướng chỉ thích lắng nghe những gì thầy cô giáo chia sẻ, mà không phải là những lời chia sẻ của các bạn cùng lớp. Tôi muốn các em có khả năng phân tích công việc mà mình đang làm, cũng như công việc của các bạn khác để chiêm nghiệm một cách thấu đáo hơn. Để giúp cho các em lắng nghe một cách chủ động, tôi đặt ra nghi thức như sau: khi một em đang chia sẻ mà nghe tiếng các bạn khác nói chuyện thì em sẽ nói to “Xin hãy lắng nghe tôi”, và cả lớp đáp lại “Tôi đang lắng nghe đây”, đồng thời đặt hai bàn tay phía sau tai để tỏ ý là mình đang lắng nghe. Bằng cách này, các em đem toàn bộ con người mình để tiếp nhận lời chia sẻ của người khác. Và các em đã phối hợp với nhau hiệu quả hơn.
Khi được yêu cầu giữ im lặng, những người trẻ thường liên tưởng đến kỷ luật và mệnh lệnh. Sự thực tập chánh niệm tạo ra không gian để ta có thể chiêm nghiệm và nhìn sâu, vì vậy có thể mang đến cho giáo viên và học sinh một cái thấy mới về giá trị tích cực của sự lắng yên và tĩnh lặng. Chánh niệm giúp cho giáo viên và học sinh tiếp nhận sự thực tập im lặng một cách hạnh phúc và tự nguyện, coi đó như một món quà dành cho chính mình.
Didde và Nikolaj Flor Rotne, hai tác giả của cuốn sách dạy về chánh niệm Everybody Present, chia sẻ rằng “sức mạnh của sự tĩnh lặng là một trong những món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho những người xung quanh và cho chính chúng ta trong thế giới huyên náo ngày nay”. Didde và Nikolaj Flor Rotne đã đưa ra bốn bước thực tập để đem sự tĩnh lặng vào đời sống hàng ngày và họ cũng đã dạy điều này cho học sinh của mình để giúp các em tạo dựng “một nơi trú ẩn bình an” trong tự thân[5].
Có những giáo viên cảm thấy sự im lặng làm cho họ mất bình tĩnh và thiếu tự tin. Nhưng đối với Julie Berentsen đến từ Anh thì thưởng thức sự im lặng trong lớp học là điều tuyệt vời nhất mà sự thực tập chánh niệm mang lại cho cô. Cô chia sẻ ví dụ về một học sinh thường hay im lặng và điều này làm cho cô rất bận tâm, nhưng hóa ra em học sinh đó học hỏi được những điều rất sâu sắc từ sự im lặng. Và cô nhận ra rằng lẽ ra cô cần phải thoải mái trong hoàn cảnh đó.
Ngay trước dịp lễ Giáng sinh, tôi có hỏi các em học sinh của mình là các em nghĩ như thế nào về những buổi thực tập chánh niệm trong nhóm. Các em trả lời là “vui”, “thú vị”, và “lý thú”. Tất nhiên là tôi hạnh phúc với những lời nhận xét đó nhưng đồng thời tôi cũng muốn biết là các em học hỏi được gì, nếu có, từ sự thực tập chánh niệm. Có một em nữ thường hay rất im lặng trong các giờ sinh hoạt và tôi thường tự hỏi không biết em tiếp nhận được gì trong thời gian chúng tôi thực tập chung với nhau. Em chia sẻ với cả nhóm rằng em cảm thấy chánh niệm giúp cho em hiểu được mình nhiều hơn. Em hiểu ra rằng trong em có rất nhiều cảm xúc và đó là chuyện bình thường. Em đã học được cách thương mình nhiều hơn.
Từ sự quán sát và chiêm nghiệm về các buổi thực tập với học sinh, tôi thấy điều mà các em trân quý và biết ơn là thông qua sự thực tập chánh niệm, các em có không gian để tiếp xúc với hình hài và cảm xúc của chính mình cũng như được người lớn lắng nghe. Có lẽ điều đặc biệt nhất mà tôi nhận thấy là tầm quan trọng của không gian và sự tĩnh lặng: niềm vui khi ngồi bên nhau mà không cảm thấy cần phải lấp đầy thời gian bằng sự bận rộn của trường lớp.
Lồng ghép sự thực tập chánh niệm vào chương trình giáo dục về cảm xúc, đạo đức và xã hội
Các giáo viên thường tự hỏi làm thế nào để đưa việc giảng dạy chánh niệm vào trong chương trình đào tạo và trong thời khóa biểu của trường. Tất nhiên là chánh niệm có thể được giảng dạy như một tiết học đặc biệt và điều này thường tạo ra điểm khởi đầu rất hiệu quả cho trường học. Qua thời gian, sự thực tập chánh niệm tạo ra nhiều ảnh hưởng lâu dài và có được độ tin cậy cao hơn khi nó được bình thường hóa và được lồng ghép vào trong những phạm vi rộng lớn hơn – những phạm vi này được thường xuyên sử dụng để tổ chức việc dạy và học ở trường, trong đó có các trường đại học.
Với bản chất nền tảng và phổ quát của chánh niệm cũng như sự đa dạng trong cách thức tổ chức chương trình giảng dạy của các trường trên khắp thế giới, chắc chắn là có vô số phương thức để đem chánh niệm vào chương trình giảng dạy chính thức mà không phải là một cách duy nhất. Ở đây, chúng ta sẽ khám phá chỉ một vài cách thức mà có hiệu quả rõ ràng nhất, đặc biệt là những cách thức đã được các giáo viên – những người có cảm hứng với sự thực tập chánh niệm theo pháp môn Làng Mai – ứng dụng vào thực tiễn.
Như chúng ta đã thảo luận, các trường học từ tiểu học cho đến đại học ngày càng quan tâm đến việc giúp các học sinh phát triển các phẩm chất liên quan đến cảm xúc, đạo đức và xã hội. Họ sử dụng một loạt các thuật ngữ như tính cách, giá trị, đạo đức của học sinh, và giáo dục kỹ năng cảm xúc – xã hội. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng khám phá những cách thức giảng dạy chánh niệm trong bối cảnh vừa nêu trên, được trình bày theo các đề mục; sau đó chúng ta sẽ tiếp tục tập trung vào những cách thức lồng ghép chánh niệm vào các môn học ở trường. Không có một cách thức nào là duy nhất đúng, vì vậy chúng ta có thể chỉ sử dụng những điều thích ứng với hoàn cảnh của chúng ta mà thôi, đồng thời vẫn giữ gìn những nguyên tắc căn bản của sự thực tập.
Chúng ta sẽ bắt đầu với những tiêu chuẩn và thuật ngữ được sử dụng tại Làng Mai liên quan đến đạo đức học và những phép thực tập chánh niệm.
Đạo đức học ứng dụng
Có thể nói những phương pháp thực tập cốt lõi mà chúng ta đã khám phá trong những phần trước của bộ sách này chính là những yếu tố làm nên một chương trình giảng dạy chánh niệm căn bản. Tuy nhiên, xem xét những phương pháp này như một thể thống nhất và với một mục đích sâu hơn sẽ giúp ta có thể lồng ghép chúng vào một bộ quy tắc rộng hơn, đôi khi được gọi là “đạo đức học ứng dụng”, trong phạm vi giáo dục. Như đã được đề cập trong lời mở đầu, sự thực tập chánh niệm chỉ là một phần của một truyền thống có từ hơn 2500 năm, chỉ dạy cho chúng ta cách sống một nếp sống thiện lành. Chánh niệm không phải là cái mà ta có thể sử dụng như một công cụ hoặc để phục vụ lợi ích riêng của mình. Chánh niệm thực sự sống động khi nó được áp dụng vào những mối liên hệ và những hoạt động của chúng ta trong đời sống hàng ngày.
Phương pháp tiếp cận của Làng Mai cung cấp cho chúng ta những tiêu chuẩn đạo đức để giúp ta đối diện với những khó khăn, thách thức trong đời sống hàng ngày. Phép thực tập đơn giản nhất là Hai lời hứa, dành cho thiếu nhi.
- Lời hứa thứ nhất: Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài (cỏ cây, cầm thú và đất đá).
- Lời hứa thứ hai: Con xin mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người và mọi loài (cỏ cây, cầm thú và đất đá).
Nhiều thiếu niên và người lớn cũng thấy hai phép thực tập đơn giản này rất hữu ích cho mình.
Năm phép thực tập chánh niệm (hay còn gọi là Năm Giới)
Sự thực tập được thường xuyên sử dụng nhất với người trẻ là Năm phép thực tập chánh niệm (có thể xem toàn bộ nội dung của Năm phép thực tập này trong Phụ lục B). Những phép thực tập này tập trung vào năm lĩnh vực: tôn trọng sự sống, hạnh phúc chân thực, ái ngữ và lắng nghe, nuôi dưỡng và trị liệu. Trong khóa tu dành cho giáo chức diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha vào ngày 10.05.2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ rằng:
Năm phép thực tập chánh niệm, hay Năm Giới, là biểu hiện cụ thể của sự thực tập chánh niệm. Nếu chúng ta và những người trẻ sống theo Năm phép thực tập chánh niệm này thì hạnh phúc, từ bi và trị liệu là điều mà ta có thể chế tác được. Thầy cô giáo nên làm phát khởi trong tự thân mình năng lượng tỉnh thức, từ bi và hiểu biết đó. Điều này sẽ giúp cho thế hệ trẻ rất nhiều trong quá trình chuyển hóa và trị liệu.
Các giáo viên có thể lo ngại là sự thực tập chánh niệm, đặc biệt là khi đi về lĩnh vực đạo đức, sẽ rất gần với tôn giáo. Thầy Pháp Khâm, một xuất sĩ thuộc Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) tại Hồng Kông, chia sẻ rất rõ rằng đạo đức học ứng dụng không phải là về một tôn giáo hay một chủ thuyết, mà về những nguyên tắc sống có giá trị phổ quát đối với con người.
Những phép thực tập chánh niệm có nội dung rất gần gũi với cuộc sống, không mang tính tôn giáo. Những phép thực tập này được thiết lập dựa trên những nguyên tắc căn bản, phổ quát về từ bi và hiểu biết; có thể được xem như là những lời mời, những cam kết tự nguyện, sự bày tỏ ý định hay những ước nguyện. Những giáo viên áp dụng các phép thực tập này rất trân quý và biết ơn vì có được những nguyên tắc đạo đức vững chắc, rõ ràng và có thể chia sẻ rộng rãi để làm nền tảng cho những hành động của chính mình cũng như để hướng dẫn cho các em học sinh. Những giáo viên này chia sẻ rằng họ thấy Năm phép thực tập chánh niệm có khả năng giúp cho họ xác định được hướng đi trong cuộc đời cũng như trong việc hướng dẫn những người trẻ.
Người trẻ cũng có những nỗi sợ hãi khi nghe đến danh từ “đạo đức”. Họ lo sợ là Năm phép thực tập chánh niệm sẽ đưa đến sự giáo huấn về đạo đức và cả sự phán xét. Tuy nhiên, sư chú Trời Minh Tâm, với kinh nghiệm chăm sóc thanh thiếu niên tại tu viện Lộc Uyển – một trung tâm tu học của Làng Mai tại Nam California, lại có một cái nhìn tương đối khác. Sư chú thấy Năm phép thực tập chánh niệm như những người bạn rất độ lượng, bao dung, luôn hiến tặng tình thương vô điều kiện mà không phán xét.
Tôi xem Năm phép thực tập chánh niệm như năm người bạn thân. Những người bạn đó luôn có mặt và giúp ta thức tỉnh, thoát khỏi sự hoang mang và trở về được với chính mình. Đây là những người bạn không bao giờ xa lìa hoặc bỏ rơi chúng ta, dù cho con đường mà chúng ta đi có quanh co và nhiều bất trắc. Bản chất của Năm phép thực tập chánh niệm chính là tình thương không điều kiện – điều mà chúng ta mong muốn hiến tặng cho chính mình và cho thế giới. Khi chúng ta cam kết thực tập theo những điều này, chúng ta chỉ cam kết với chính bản thân mình mà không phải là với một quan tòa hoặc một ai đó có thẩm quyền ở ngoài chúng ta. Thậm chí Thầy Thiền sư Thích Nhất Hạnh của chúng tôi thấy không có vấn đề gì nếu chúng ta chỉ thực tập một hoặc một vài trong Năm phép thực tập chánh niệm. Thầy nhận thấy rõ rằng dù ta chỉ cam kết với một phép thực tập nhưng thực sự chúng ta cũng đang thực tập tất cả những phép còn lại.
Đạo đức trong lớp học
Một vài giáo viên sử dụng thuật ngữ đạo đức và những phép thực tập chánh niệm một cách trực tiếp trong việc giảng dạy của mình. Ngôn ngữ và cách thức tiếp cận này đặc biệt thích ứng một cách dễ dàng ở những nơi mà việc giáo dục về đạo đức được thực hiện một cách chính thức và đều đặn, chẳng hạn như trong việc đào tạo các sinh viên y khoa.
Cô Neha Kaul là người chuyên dạy về đạo đức nghề nghiệp cho các sinh viên y khoa ở Mỹ. Cô cảm thấy không thoải mái với cách tranh luận của các sinh viên trong những buổi học mà cô giảng dạy. Nhìn sâu vào chính mình, cô nhận ra rằng cô cần phải ý thức về sự cứng nhắc trong tâm, và thấy mình cần đi về hướng cởi mở hơn, buông bỏ ý niệm đúng và sai, đồng thời cho phép các sinh viên của mình có những suy nghĩ độc lập. Cô còn nhận thấy sự cởi mở và tạo điều kiện đó thực sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp các em sinh viên của cô có khả năng xử lý nhiều tình thế khó xử về mặt đạo đức mà các em phải đối diện khi làm việc trong lĩnh vực y khoa.
Ban đầu, tôi cảm thấy căng thẳng khi bước vào mỗi tiết học. Thường trong suốt các cuộc thảo luận, tôi nhiều lần phải vật lộn với mong muốn hướng các sinh viên của mình đi về một cách suy nghĩ nhất định. Và thường là tôi sẽ dẫn dắt hoặc thậm chí cố gắng để chi phối các cuộc thảo luận. Tôi phải dùng đôi mắt của sự thực tập để nhìn sâu hơn vào những gì đang diễn ra trong tôi, khiến cho tôi mệt mỏi và kiệt sức. Tôi nhận ra một tập khí rất mạnh trong tôi, đó là sự cứng nhắc đối với những gì mà tôi cho là đúng hoặc sai. Lúc đó tôi cũng đang có thái độ cứng nhắc, tôi sợ các sinh viên đưa ra những quyết định không đúng về mặt đạo đức. Đạo đức y khoa liên quan đến cách suy nghĩ, nhìn nhận trước một vấn đề khó xử liên quan đến đạo đức hoặc một tình huống khó khăn trong lĩnh vực y khoa, trong đó ta phải sử dụng những cách tiếp cận khác nhau và tìm ra những phương pháp để giải tỏa sự căng thẳng khi có nhiều nguyên tắc đạo đức có thể áp dụng được để xử lý một tình huống. Tôi nhận ra là nếu tôi muốn các sinh viên của mình thành công trong việc áp dụng đạo đức y khoa vào đời sống thực tiễn, khi mà các em đều bận rộn với công việc chuyên môn của mình thì tôi phải giúp các em cảm thấy thoải mái với quá trình này ngay bây giờ và ở đây trong lớp học. Tôi cần phải chấp nhận một điều là tôi không thể nào điều khiển cách tư duy của các em được. Điều mà tôi có thể làm là giúp các em hiểu được những khái niệm liên quan đến đạo đức y khoa và khuyến khích các em giữ vững quan điểm của mình, dù đó là một quan điểm gây nhiều tranh cãi, trong quá trình bàn thảo về đạo đức y khoa.
Giáo dục về cảm xúc – xã hội
Như chúng ta đã biết trong phần mở đầu, học hỏi các kỹ năng cảm xúc – xã hội (SEL) là một khái niệm đã được sử dụng rộng rãi để nói về một lĩnh vực giáo dục. Mục đích của chương trình giáo dục này là giúp cho ta hiểu rõ hơn về chính mình và liên hệ hiệu quả với những cá nhân khác trong xã hội thông qua việc phát triển những khả năng như tự nhận thức và quản lý cảm xúc, suy nghĩ và hành vi; khả năng thích ứng và sự bền bỉ; khả năng thiết lập và duy trì các mối liên hệ; cũng như khả năng thấu cảm với những cá nhân khác trong xã hội. SEL ngày càng được chấp nhận và giảng dạy rộng rãi. Có những trường đại học và dưới đại học đã đưa lĩnh vực giáo dục này vào trong chương trình giảng dạy chính thức của trường. Giữa SEL và phương pháp chánh niệm có sự tương đồng và hỗ trợ nhau khá mạnh mẽ, vì vậy mà những trường đã áp dụng SEL cảm thấy chương trình này là nơi thích hợp để giảng dạy chánh niệm. Trong lời mở đầu, chúng ta đã khám phá những gì mà chánh niệm có thể mang lại cho chương trình SEL và tại sao chánh niệm thường được những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục mô tả như là “mảnh ghép còn thiếu”. Đối với Constance Chua Mey-Ing, một giáo viên tiểu học tại Singapore, chánh niệm – sự tác động từ bên trong – là “mắt xích còn thiếu” trong việc giáo dục cảm xúc và xã hội – một sự tác động từ bên ngoài.
Kể từ năm 2004, Bộ Giáo dục của Singapore đã yêu cầu đưa chương trình giáo dục cảm xúc – xã hội vào các trường học. Chánh niệm là mắt xích còn thiếu trong việc giáo dục cảm xúc – xã hội, vì vậy thật là một giải pháp toàn hảo khi việc học hỏi về các kỹ năng cảm xúc – xã hội được dựa trên sự thực tập chánh niệm. Chánh niệm là sự tác động từ bên trong, giúp cho ta ý thức rõ hơn về bản thân bằng cách hướng sự chú tâm của ta vào cơ thể, vào giây phút hiện tại. Trong khi đó, sự giáo dục về cảm xúc – xã hội là nhằm đào tạo những kỹ năng quản lý cảm xúc, một sự tác động từ bên ngoài. Đối với trẻ em, sự thực tập chánh niệm là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ, vì các em chưa được trang bị những kỹ năng quản lý cảm xúc khi chúng phát khởi.
Chánh niệm cũng phù hợp với nhiều chương trình giáo dục có mục tiêu giúp cho học sinh, sinh viên phát triển các giá trị và chuẩn mực đạo đức cũng như những kỹ năng quản lý cảm xúc và xã hội, dù được sử dụng bằng những thuật ngữ khác. Chẳng hạn, bác sĩ Dzung X. Vo nhận thấy có một sự tương đồng khá rõ giữa khái niệm “tương tức” (inter-being) của Làng Mai với khái niệm “tính gắn kết” (sense of connectedness) mà phong trào người trẻ sống tích cực và kiên cường (resilience and positive youth movement) hiện đang sử dụng:
Các tài liệu nghiên cứu về sự phát triển tích cực và kiên cường của người trẻ cho chúng ta thấy rằng khả năng gắn kết một cách tích cực với những người bạn đồng lứa, với thầy cô giáo ở trường, và với cha mẹ hoặc những người chăm sóc mình là một nhân tố bảo vệ vô cùng quan trọng đối với người trẻ. Tôi thấy điều này rất phù hợp với tinh thần tương tức và có thể được dạy dưới hình thức phi tôn giáo.
Chúng ta hãy sử dụng bất kỳ một thuật ngữ hoặc ngôn từ nào phù hợp và có hiệu quả để kết nối với những lĩnh vực mà ta thấy có sự tương đồng với chánh niệm.
Phòng tránh sự gây hấn, bắt nạt và bạo động nơi học đường
Phép thực tập đầu tiên trong Năm phép thực tập chánh niệm (hay còn gọi là Năm Giới) liên quan đến tôn trọng sự sống và ngăn ngừa tình trạng bạo động, gây hấn, thù địch và thiếu bao dung. Ý tưởng xây dựng phong trào Wake Up Schools ban đầu bắt nguồn từ nhu yếu khắc phục tình trạng bạo hành trong xã hội Pháp và phép thực tập chánh niệm về tôn trọng sự sống trực tiếp giải quyết vấn đề này. Nhiều trường học và tổ chức liên quan đến người trẻ đã thực hiện những công việc cụ thể về những chủ đề này – chẳng hạn như cố gắng ngăn ngừa tình trạng bắt nạt và bạo động trong học đường; giúp học sinh, sinh viên quản lý cơn giận; nghiên cứu, khám phá nguồn gốc của tình trạng bạo động và gây hấn trong xã hội loài người; xử lý tình trạng định kiến, thiếu bao dung; và dạy những kỹ năng giúp giải quyết xung đột, hòa giải và chăm sóc những khó khăn, khổ đau. Toàn bộ lĩnh vực này là một cơ hội quý để giảng dạy về chánh niệm và đạo đức.
Những người trẻ thường bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những cảm xúc mạnh mà họ trải qua, trong đó có sự ghét bỏ và bạo động. Nhiều em, dù có hoàn cảnh sống tương đối dễ dàng, cũng trải qua ít nhiều khổ đau và bị đối xử tệ. Tony Silvestre, một giáo sư ở Mỹ, đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra điều này trong một khóa học dành cho các sinh viên đại học về chủ đề “sự khác biệt”.
Câu chuyện bắt đầu khi lần đầu tiên tôi đưa ra một bài tập với chủ đề “Sự khác biệt” vào trong khóa học về Sự đa dạng của con người và sức khỏe cộng đồng. Mở đầu khóa học, tôi đề nghị các sinh viên bắt cặp với nhau và chia sẻ về trải nghiệm lần đầu tiên mà các em cảm thấy mình khác biệt so với những người khác. Sau hai mươi phút, tôi tập trung các em lại và mời các em thảo luận chung với nhau. Trong mười lăm năm qua, khóa học nào cũng vậy,
những buổi thảo luận về chủ đề này luôn khiến tôi rơi nước mắt. Các em đã chia sẻ nỗi đau về cảm giác dị biệt khi là một đứa trẻ được chuyển đổi giới tính; sống với một người mẹ nghiện rượu và hay đánh đập con; là người Do Thái sống ở một thị trấn toàn là người Thiên Chúa giáo bảo thủ; là người thuộc hai chủng tộc và bị cả trẻ con da trắng và da đen kỳ thị; mắc rối loạn lưỡng cực; là người “gầy trơ xương”, v.v. Tôi từng nhìn các em học sinh của mình như những chiếc bình có khuôn mặt thiên thần, ngọt ngào đang chờ được tôi đổ đầy bằng những kiến thức mà tôi cho là quan trọng. Nhưng chia sẻ của các em đã đập tan những ý niệm đó trong tôi. Kinh nghiệm dạy cho tôi cần phải lắng nghe cho sâu, phải nhìn và tiếp xúc với con người thật đang ngồi trước mặt tôi. Mặc dù có những ý niệm ngây thơ về các em học sinh của mình, tôi đã nhận ra rằng nỗi đau là một điều không hề xa lạ với những người trẻ như các em.
Những người trẻ trong lớp học của Tony, những người có nghị lực và đủ điều kiện hỗ trợ để vào được đại học, vẫn còn cảm thấy khổ đau thì chúng ta có thể hình dung được mức độ độc hại của bạo động, gây hấn và đối xử tệ bạc có thể gây tác động như thế nào đối với những người trẻ có hoàn cảnh kém may mắn hơn. Chúng có nguy cơ làm cho cuộc sống của những người trẻ này trở nên hoàn toàn bất ổn. Chúng ta có thể cùng nhau suy ngẫm xem sự thực tập chánh niệm có thể giúp cho những người trẻ như thế nào.
John Bell hiện đang điều hành một dự án có tên là YouthBuild, trong đó anh sử dụng cách thức của Làng Mai để chăm sóc những người trẻ đang bị tách rời khỏi xã hội. Những người trẻ này phải sống trong những điều kiện cực kỳ độc hại, khiến cho họ đi tới chỗ bị cách ly ra khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội và thường là dẫn đến con đường phạm pháp, lạm dụng ma túy và tù tội. Thay vì đưa ra những biện pháp trừng phạt, hoặc những lời khuyên răn có ý nghĩa mà những người trẻ này đã quá quen thuộc, dự án YouthBuild khởi đầu bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi để cho những người trẻ được trị liệu và phát triển một cách khỏe mạnh, mang đến cho các em một “nơi trú ẩn an toàn và đầy tình thương”.
YouthBuild là chương trình hỗ trợ giáo dục toàn diện và dạy nghề trong một năm cho những người trẻ thuộc gia đình nghèo, từ mười sáu đến hai mươi tư tuổi. Thông qua chương trình này, các em sẽ tham gia vào dự án xây dựng những khu nhà dành cho người vô gia cư và người có thu nhập thấp ở khu vực mình sinh sống. Đồng thời, các em có cơ hội học để lấy bằng tốt nghiệp trung học hoặc GED, ngoài ra các em còn được rèn luyện những kỹ năng để trở thành những người lãnh đạo cộng đồng.
Ở một vài khía cạnh thì YouthBuild cũng giống như một tu viện thu nhỏ. Những người trẻ khi đến đây thường ở trong tình trạng tương đối chán nản, thất vọng vì nghèo đói, bị kỳ thị chủng tộc hoặc bị lạm dụng… Có những em đang phải trốn chạy khỏi súng đạn và cảnh sát. Có những em là nạn nhân của việc lạm dụng tình dục hoặc bạo lực gia đình. Có những em đã từng bị ở tù. Các em tìm thấy gì ở chương trình YouthBuild? Một nơi trú ẩn an toàn và đầy tình thương. Ban đầu các em không tin vào điều đó. “Từ trước tới giờ, chưa có ai quan tâm đến em hết”. Đối với một số người trẻ thì đây là lần đầu tiên các em thực sự cảm thấy là mình được thương yêu. Một cố vấn của chương trình YouthBuild chia sẻ rằng: “Các em không quan tâm là bạn biết những gì cho đến khi các em biết là bạn quan tâm đến các em”. Chỉ khi đó các em mới tận dụng được hết cơ hội để học tập, phát triển kỹ năng và đóng vai trò lãnh đạo. Cùng với tiến trình của sự chuyển hóa thì cá tính của người trẻ cũng dần thay đổi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thầy của tôi, đã sử dụng hình ảnh của những bông hoa khép lại vào ban đêm. Buổi sáng, khi mặt trời xuất hiện và chiếu những quang tử (photon) lên khắp mọi loài không hề phân biệt, bông hoa đáp ứng lại những quang tử dễ thương đó, từ từ mở cánh ra và khoe toàn bộ vẻ đẹp của mình. Bản chất của bông hoa là mở cánh ra đón nhận ánh sáng mặt trời. Những người trẻ đến với YouthBuild cũng giống như những bông hoa còn khép cánh vậy. Nếu các tác viên của YouthBuild tỏa chiếu lên các em ánh sáng của thương yêu, chăm sóc và tôn trọng thì từ từ các em sẽ bắt đầu mở lòng ra. Bản chất của các em là đi tới, hướng về sức khỏe và hạnh phúc. Thật không dễ để thay đổi những thói quen đã huân tập lâu đời của con người, một phần là ảnh hưởng của văn hóa, tập tục. Nhưng điều này không phải là không thể làm được. J., một học viên trong chương trình, cho biết: “Tôi thường cho mình là một người xấu. Nhưng các cộng tác viên ở đây đã giúp tôi tìm lại chính mình. Giờ đây, tôi chỉ muốn tham gia vào một phong trào lớn để giúp cho những người bạn đồng trang lứa cũng nhận được sự tôn trọng này.”
Thừa nhận rằng ai trong chúng ta cũng có khía cạnh tối tăm và kêu gọi sự bao dung, tình thương dành cho tất cả mọi người là một việc làm thật can đảm. Không phải ai cũng hiểu được công việc này. Cara Harzheim, một cô giáo người Đức dạy cho các em thiếu niên, đã sống với nguyên tắc tôn trọng sự sống, không kẹt vào cái mình thấy và tin tưởng vào lòng bao dung cũng như khả năng trị liệu, trong lớp Triết học của cô. Cô thấy các học sinh của mình cần được nghe lời chia sẻ trực tiếp của một bà mẹ – người có khả năng tha thứ cho kẻ đã giết chết con trai mình, với một tấm lòng bao dung phi thường. Vì vậy, cô đã mời bà mẹ kia tới lớp học của mình, mặc dù các đồng nghiệp của cô không đồng tình lắm với hành động này.
Một chủ đề khác được mang ra trong giờ triết học là án tử hình còn tồn tại ở nhiều quốc gia. Chủ đề này có liên quan đến phép thực tập chánh niệm thứ nhất là tôn trọng sự sống.
Tình cờ thầy hiệu trưởng hỏi tôi có bằng lòng cho một phụ nữ người Mỹ tới lớp để chia sẻ về những gì bà đã làm hay không. Con trai của bà bị giết chết ngoài đường. Và bà đã tha thứ cho kẻ sát nhân, bà không muốn người đó bị giết. Bà đã giải thích điều đó với các em học sinh của tôi. Chúng tôi rất cảm động khi nghe bà chia sẻ. Bà đang làm một vòng du thuyết ở châu Âu để giải thích cho người ta hiểu tại sao bà lại làm như vậy. Tôi có 50 em học sinh. Các thầy cô khác không muốn người phụ nữ kia tới lớp của họ, nhưng tôi nói: “Chúng tôi muốn bà tới và chia sẻ với các học sinh, vì đây là một vấn đề rất quan trọng.”
Giảng dạy về hạnh phúc và sự khỏe mạnh về tinh thần trong trường học
Phép thực tập chánh niệm thứ hai nói về chế tác hạnh phúc chân thật (xem Phụ lục B). Như đã trình bày trong phần mở đầu, hạnh phúc và sự khỏe mạnh về tinh thần (well-being) là đề tài càng ngày càng được công nhận chính thức để đưa vào lớp học cho các học sinh nghiên cứu. Một phần là vì ngày càng có nhiều căn cứ khoa học chứng minh tầm quan trọng của đề tài này; mặt khác, vấn đề hạnh phúc và sự khỏe mạnh tinh thần có liên hệ tới việc học tập của học sinh. Trong phần này, chúng tôi đưa ra một vài ví dụ cụ thể và tạo nhiều cảm hứng về cách thức mà một số giáo viên đã áp dụng phương pháp của Làng Mai và tinh thần của phép thực tập chánh niệm thứ hai vào lớp học của mình. Các giáo viên này đã mời học sinh đủ mọi lứa tuổi cùng quan sát và nhìn lại xem thói quen và sự chọn lựa có ảnh hưởng tới hạnh phúc của các em như thế nào.
Người lớn thường lo sợ rằng người trẻ đi tìm hạnh phúc bằng những con đường sai lầm, quá chạy theo vật chất, sử dụng phương tiện truyền thông, công nghệ và ma túy để chạy trốn khỏi những cảm xúc không dễ chịu. Nhưng khi nói chuyện với người trẻ, chúng tôi nhận thấy họ thường giải thích rõ ràng, ít nhất về mặt lý thuyết, là những thứ đó không đem lại cho họ hạnh phúc. Khi thảo luận về đề tài hạnh phúc với các học sinh ở tuổi thiếu niên trong lớp của mình, Mike Bell khám phá ra rằng người trẻ không có khó khăn gì trong việc đưa ra một số quy tắc cụ thể để xây dựng một xã hội hạnh phúc.
Các học sinh đã đề ra một danh sách những điều lệ mà họ gọi là “Những quy tắc cho một xã hội hạnh phúc”. Trong đó gồm có:
- Tôn trọng người khác – không kỳ thị vì tuổi tác, giới tính, tôn giáo, hay khuyết tật
- Không trộm cắp
- Không làm hại, không xâm phạm, không giết chóc
- Bảo vệ tôn giáo và văn hóa
- Chấp nhận một mức độ rủi ro mà mình gặp phải – không tìm cách đổ lỗi cho ai khác
- Tiếp nhận người tị nạn, nhưng trục xuất người di cư bất hợp pháp
- Đảm bảo cơ sở và điều kiện sống thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi
- Giới hạn việc sử dụng các chất gây nghiện
Tôi đã thử làm một bài tập tương tự với các em học sinh 12 tuổi. Tôi giới thiệu sự thực tập với tên gọi “khoa học về hạnh phúc”. Tôi bảo các em đừng tin những gì tôi nói mà hãy xem xét, kiểm chứng từ thực tế. Và thật bất ngờ là dù không có sự chỉ dẫn nào, các em đã chia những quan tâm của mình thành năm phạm trù giống như Năm phép thực tập chánh niệm: Bạo động, trộm cắp, lời nói, tà dâm và sự tiêu thụ. Theo kinh nghiệm thì tôi nghĩ mình nên đặt thêm một câu hỏi nữa như là: “Các em thấy những sản phẩm nào mà khi mình ăn, mình mua hay mình tiêu thụ có thể làm cho người khác không có hạnh phúc?” Đưa ra câu hỏi như vậy sẽ giúp cho các em dễ dàng nhận thấy những thói quen không đem lại hạnh phúc như sự ăn uống không có chừng mực, sự say sưa và nghiện ngập.
Trong một ví dụ khác, Mike sử dụng một viên đá và một cây xanh để giúp các em học sinh suy nghĩ sâu sắc hơn về nhu cầu phức tạp của các sinh vật, giúp cho các em nhận ra được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt khắp nơi, trong đó mối liên hệ với con người và môi trường xung quanh cũng đóng một vai trò quan trọng.
Năm nay tôi dự định giảng cho các em học sinh 11 tuổi về đặc tính của các sinh vật. Tôi nhờ anh kỹ thuật viên đem cho tôi một cây xanh và một tảng đá to. Tôi chỉ cho các em học sinh hai vật đó và đặt câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra khi tôi cất tảng đá vào tủ, rồi một năm sau lấy nó ra. Các em trả lời không chút do dự là tảng đá vẫn gồ ghề như vậy, có lẽ nó có nhiều bụi hơn hay bị mốc một chút nhưng căn bản thì nó vẫn như cũ. Khi tôi hỏi các em điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cất cây vào tủ một năm thì các em đều đồng ý với nhau là cây sẽ chết, mục ruỗng hay khô lại.
Rồi tôi hỏi nếu các em bị nhốt vô tủ một năm thì sao (tôi nhấn mạnh là mình không cố ý làm như vậy). Các em trả lời một cách dễ dàng là các em sẽ chết, thối rữa và bốc mùi. Tôi hỏi các em cần gì để sống thì đầu tiên các em nghĩ tới thức ăn, nước và không khí. Sau đó các em thêm vô bạn bè, gia đình và nhà ở. Các em nhận ra rằng mình không thể tồn tại một mình. Rồi tôi hỏi các em cần gì để có hạnh phúc, và một lần nữa tôi lại nhận thấy các em không cảm thấy khó khăn gì khi đưa ra một danh sách những thứ có thể làm cho mình hạnh phúc[6].
Cũng về chủ đề hạnh phúc, cô giáo Lyndsay Lunan – giảng viên đại học tại Vương quốc Anh – đã sử dụng một phương pháp đặc biệt lấy sinh viên làm trọng tâm. Cô đề nghị các sinh viên lập một bản đồ và nghiên cứu các phản ứng cảm xúc của họ ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Phương pháp này giúp cho sinh viên có ý thức hơn, một cách tự nhiên và trực tiếp, về cái gì nuôi dưỡng hạnh phúc và cái gì làm cho hạnh phúc của các em bị tiêu hao.
Tôi đề nghị các em vẽ một bản đồ về cảm xúc của các em trong một ngày bình thường và quan sát xem các cảm xúc tích cực, tiêu cực hay trung tính phát sinh chiếm khoảng bao nhiêu thời gian trong một ngày. Các em đã khám phá ra rằng rất nhiều các cảm xúc tiêu cực và chán nản bắt nguồn từ những hành động dựa trên thói quen của mình như là dùng Facebook hay xem tivi. Và điều này đưa đến những cuộc thảo luận hấp dẫn về đề tài: “Cái gì thực sự nuôi dưỡng chúng ta?. Những giây phút hạnh phúc của các em luôn là những giây phút được gần gũi với những người mình thương yêu hay khi đi chơi bên ngoài. Từ các khám phá đó, chúng tôi cùng thực tập chế tác những cảm xúc tích cực. Thay vì đề xuất những “điều kiện hạnh phúc” mà đôi khi không gần với nhu yếu của các em, tôi để các em tự lựa chọn một trải nghiệm về hạnh phúc mà các em đã từng nếm được và ngồi yên, mời những trải nghiệm đó đi lên trong tâm trí. Các em biết ý thức về hơi thở và chú tâm vào cảm xúc mà những trải nghiệm đó đem lại trong lòng mình. Đây là cách mà các em có thể dễ dàng áp dụng được để trở về với chính mình. Và có lẽ đây cũng là sự thực tập công hiệu nhất đối với các em.
Angelica Hoberg, một giáo viên tiểu học người Đức đã về hưu, từng cho các em học sinh lớp Ba làm một cuốn sổ chánh niệm để ghi lại những thành công của các em trong việc tưới tẩm hạt giống tốt nơi tự thân. Qua sự quan sát, suy ngẫm của các em cùng với kinh nghiệm hướng dẫn của cô Angelica Hoberg, các em đã dần phát triển khả năng sống hạnh phúc và có nhiều tình thương hơn. Các em biết trân quý những điều kiện hạnh phúc đang có mặt bây giờ và ở đây. Phương pháp thực tập rất thực tiễn này không những thúc đẩy các em học sinh (và cả cô giáo) phải suy nghĩ và hành động mà còn thu hút cả các bậc phụ huynh.
Tôi mời các em tự làm cho mình một cuốn sổ ghi chép, gọi là cuốn sổ chánh niệm. Tôi vẽ một biểu đồ thật lớn tượng trưng cho ý thức và tàng thức. Và chúng tôi cùng nhau suy nghĩ xem hạt giống nào mình muốn tưới tẩm trong tự thân mình. Tôi viết xuống tất cả những đề nghị của các em và treo lên cùng với tấm biểu đồ.
Các em vẽ lại biểu đồ vào cuốn sổ chánh niệm của mình và mỗi người ghi xuống những hạt giống mà mình đã chọn để tưới tẩm, từ danh sách các hạt giống mà cả lớp cùng đề nghị ra với nhau. Mục đích của bài tập này là khuyến khích các em tưới tẩm hạt giống mà mình đã lựa chọn trong vòng một tuần lễ. Sau đó các em viết bên cạnh sơ đồ của mình về những hoàn cảnh/tình huống mà các em đã thực tập thành công.
Có lần, một em nhỏ trong lớp tự nhiên khen ngợi sự thành công của một bạn khác. Tôi hỏi em lúc đó em cảm thấy như thế nào thì em ngập ngừng. “Em có thấy vui không? Cảm thấy hạnh phúc khi giúp đỡ và khen ngợi người khác chẳng phải là điều rất tuyệt vời sao?”, tôi hỏi. Từ giây phút đó cho đến cuối tiết học, tôi thấy em chạy hết chỗ này đến chỗ khác để giúp các bạn của mình. Tôi phải nói rằng, trước nay điều này chưa bao giờ là ưu điểm của em. Cách hành xử này thực sự cũng là một sự khám phá vô cùng ngạc nhiên đối với em. Chính tôi cũng thấy mình còn nhiều thứ để khám phá. Tôi có cuốn sổ chánh niệm của mình. Tôi nhận thấy có một sự khác biệt rất lớn khi tôi bắt một em học sinh đang giận dữ, ồn ào phải yên lặng với khi tôi chỉ hỏi em một câu: “Em đang tưới tẩm hạt giống nào vậy?”. Các bạn khác giúp em suy nghĩ và em dừng lại để lắng nghe cảm xúc của mình. “Hạt giống giận dữ?” Chúng ta đã chọn tưới tẩm hạt giống nào trong tuần này?”, “Hạt giống hạnh phúc”. Và cười. Không có gì cần phải nói nữa.
Trong những trường hợp như vậy, các em học được rằng mình có thể chọn lựa cách nhìn sự vật/sự việc và quyết định nên có thái độ như thế nào cho phù hợp. Các em không còn phản ứng như là nạn nhân của những điều kiện bên ngoài. Khi họp với các bậc phụ huynh học sinh vào buổi tối, tôi chia sẻ cuốn sổ chánh niệm của lớp. Tôi chỉ cho cha mẹ của các em xem cuốn sổ sau khi họ đã hứa là không chỉ trích những lỗi lầm của con họ khi trở về nhà. Lẽ dĩ nhiên là trước đó tôi đã xin phép các em rồi! Các phụ huynh xem cuốn sổ và tôi cảm thấy trong phòng có một bầu không khí lắng yên và đầy tôn trọng.
Chánh niệm và chương trình giáo dục chính quy dựa theo chủ đề
Chúng tôi đã nghiên cứu việc giảng dạy chánh niệm trong các lớp học, dưới hình thức một khóa học chánh niệm theo đúng nghĩa, hoặc dưới hình thức của một phần khóa học về đạo đức hoặc một phần trong chương trình giáo dục cảm xúc – xã hội. Chúng tôi nhận thấy có một tiềm năng rất lớn trong việc đưa chánh niệm vào trong chương trình giáo dục. Chánh niệm ngày càng được học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh xem như một phương pháp thực sự quan trọng, đáng tin cậy. Việc thực tập chánh niệm có thể giúp cho học sinh, sinh viên thay đổi cách nhìn và lối sống của mình một cách lâu dài, một khi nó được đưa vào trong chương trình giáo dục chính quy.
Như đã trình bày trong phần trước của chương này, những kỹ năng do sự thực tập chánh niệm đem lại có thể yểm trợ cho việc học tập và có khả năng lồng ghép được vào trong chương trình giảng dạy cũng như thời khóa biểu của các trường. Trong khi đó, chánh niệm với những kỹ năng siêu nhận thức (metacognition – ý thức về quá trình tư duy) có thể giúp cho các em học sinh, sinh viên tiếp cận với các môn học khác dễ dàng hơn. Với chánh niệm, các em có thể lùi lại và nhìn những sự kiện hay thông tin chi tiết trên bề mặt để thấy được những giả định hay những quá trình tư duy nằm ở bên dưới; tiếp nhận những môn học khác nhau như những mô thức riêng biệt với sự thật và quy trình nhận thức khác nhau.
Michael Schwammberger, một người hướng dẫn thực tập và có nhiều kinh nghiệm tổ chức các khóa tu chánh niệm, chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc các giáo viên giảng dạy chánh niệm theo cách thức riêng, phù hợp với sở trường và kỹ năng của họ về các môn học.
Mỗi giáo viên đều có những kỹ năng khác nhau. Có những giáo viên rất khéo léo, khôi hài, hoặc có những giáo viên có thể sử dụng môn học làm phương tiện để truyền đạt sự thực tập. Chẳng hạn như một vị giáo sư triết học. Với kinh nghiệm thực tập chánh niệm của mình, thầy có thể giảng dạy về triết học mà vẫn có thể đưa sự thực tập chánh niệm vào đó, giúp mở ra những không gian nhận thức, giúp học sinh tiếp xúc với thực tại, khơi dậy tính hiếu kỳ, sự quan tâm và chú ý của các em.
Richard Brady bình luận về cách thức mà chánh niệm dần định hình “phương pháp sư phạm” (pedagogies – khoa học về giảng dạy) theo đúng nghĩa của nó, một cách thức giảng dạy “phù hợp với tính chất của từng môn học nhất định”.
Nhờ vào sự thực tập, chúng tôi có thể giảng dạy một cách có chánh niệm, điều này được các em học sinh, sinh viên đánh giá cao. Thêm vào đó, sử dụng phương pháp sư phạm để khuyến khích sự học tập có chánh niệm giúp chúng tôi tạo ra những không gian phù hợp với từng chủ đề, từng môn học và từng đối tượng học sinh, sinh viên. Thông thạo một vài phương pháp sư phạm này cũng là sự yểm trợ thứ hai cho chúng tôi, những người hướng dẫn thực tập chánh niệm. Những phương pháp sư phạm này có khi giản dị như công việc lau bảng trong chánh niệm hay có khi phức tạp như giúp lớp học đi đến những quyết định trong sự đồng tâm nhất trí với nhau. Một số phương pháp sư phạm liên hệ đến việc tạo không gian trong lớp học, như xếp các bàn học thành vòng tròn hay thành nhóm bốn bàn. Một số phương pháp liên hệ đến thời gian, chẳng hạn như cho các em thời gian định kỳ để thực tập quán chiếu, nhìn sâu hay viết lách tự do. Nhờ chánh niệm, chúng tôi có thể sử dụng thành công các phương pháp sư phạm một cách chánh niệm để giảng dạy những môn học khác nhau cho những đối tượng học sinh, sinh viên khác nhau.
Ông bình luận về cách thức mà một số nhà giáo dục nổi tiếng đã phát triển những phương pháp giúp cho học sinh sử dụng chánh niệm để khám phá những môn học khác nhau.
Dựa vào sự thực tập của mình, các nhà giáo dục ngày càng phát triển những phương pháp để giúp các em học sinh, sinh viên tham dự một cách chánh niệm vào nội dung của bài giảng. Các học sinh lớp Ba và lớp Bốn của cô Denise Aldridge đã ngồi trong khu vườn của trường trong vòng 40 phút để quan sát và vẽ những gì các em quan sát thấy. Các em đã thực tập như vậy ba lần trong mùa thu. Qua những lần như vậy, các em khám phá ra cách thức quan sát một vật thể, cả chi tiết cũng như sự thay đổi của vật thể đó.
Các em học sinh 12, 13 tuổi trong lớp tiếng Anh của Hope Blosser thì đọc cuốn sách The house on Mango Street (Ngôi nhà trên đường xoài) của Sandra Cisneros và học cách quán chiếu, nhìn lại bản thân trong khi sáng tác ra một tiểu thuyết nhỏ của mình. Giáo sư về công nghệ thông tin David Levy đề nghị các em sinh viên trong khóa học “Thông tin và Quán niệm” (Information and Contemplation) viết xuống trong sổ nhật ký những suy nghĩ và kinh nghiệm của mình mỗi khi sử dụng một hình thức công nghệ thông tin đặc biệt. Các sinh viên trong giờ học về “Sự tiêu thụ và mưu cầu hạnh phúc” của giáo sư kinh tế Daniel Barbezat đã nhận ra được phép thiền tập về tình thương và lòng từ bi có ảnh hưởng đến sự rộng lượng của mình như thế nào.
Tiếp theo, chúng ta sẽ xem chánh niệm cần được giảng dạy hay hỗ trợ như thế nào trong từng môn học của chương trình giáo dục chính quy. Chúng tôi sẽ lấy một vài chủ đề hay môn học mà các giáo viên thực tập theo phương pháp của Làng Mai đã ứng dụng vào thực tế để làm ví dụ.
Trong một chương khá ngắn như ở đây, chúng tôi chỉ có thể minh họa mà không trình bày được hết tất cả những phần trong chương trình giáo dục mà chúng ta có thể lồng ghép vào đó phương pháp chánh niệm. Chúng tôi hy vọng những chia sẻ này sẽ đem lại cho quý vị hứng thú để áp dụng chánh niệm vào việc giảng dạy, đặc biệt là trong chính môn học mà quý vị đảm trách.
Sáng tạo
Sự sáng tạo là một người bạn đồng hành tự nhiên của chánh niệm và cũng là nhân tố thiết yếu đối với phương pháp thực tập của Làng Mai. Những khóa tu dành cho người trẻ luôn sôi động với những bài hát, những vở kịch, các hoạt động về nghệ thuật và thủ công, một số nghi thức nho nhỏ, những cơ hội để sáng tạo và chia sẻ. Ngoài ra các bạn còn tham gia cắt gọt và chuẩn bị cho bữa ăn hàng ngày. Thầy Pháp Dung, một người có nhiều nhiệt huyết trong những sinh hoạt với giới trẻ tại Làng Mai, đã chia sẻ về cảm giác ấm áp, cảm giác của một đoàn thể hay một gia đình nhờ vào khả năng sáng tạo, khả năng “đi xa hơn” đó.
Làm cho lớp học trở thành một đoàn thể hay một gia đình là cả một nghệ thuật. Chúng ta cần dùng sức sáng tạo của mình để tạo ra những cơ hội, những cách thức liên hệ khác nhau, vượt lên trên mục tiêu thông thường. Một đoàn thể cần phải có âm nhạc, kịch, nhảy múa và sự chia sẻ từ trái tim. Nếu chúng ta họp lại với nhau mà chỉ để bàn luận thôi thì những buổi gặp gỡ đó sẽ trở nên nhàm chán, tẻ nhạt. Chúng ta phải ăn trưa với nhau, phải làm tiệc nướng ngoài trời với nhau, phải đi ra biển chơi với nhau. Những sinh hoạt như vậy sẽ đem lại làn gió mới, mà ta gọi là khả năng “đi xa hơn”. Vì vậy cho nên thành lập một đoàn thể có liên quan rất nhiều đến khả năng sáng tạo.
Trong những chương trước, đặc biệt là những phần trình bày về các phương pháp thực tập cốt lõi của Làng Mai, chúng ta thấy có nói tới những ví dụ về tính sáng tạo trong giảng dạy chánh niệm. Pilar Aguilera, người hướng dẫn một khóa học về chánh niệm cho các thầy cô giáo theo chương trình Wake Up Schools của Làng Mai tại trường đại học Barcelona, đã mô tả sự ấm áp và sáng tạo này trong buổi kết thúc khóa học.
Cuối khóa học, chúng tôi tổ chức một buổi sinh hoạt gọi là “Ngồi chơi bên nhau” để chia sẻ về mảnh vườn tuyệt đẹp mà chúng tôi đã gieo trồng trong suốt khóa học. Các giáo viên mang tới những tác phẩm nghệ thuật rất sáng tạo lấy cảm hứng từ chương trình Wake Up Schools, những bài hát, những chiếc bánh ngọt, tất cả những thứ mà các bạn muốn làm quà để tặng cho lớp học.
Chúng tôi chấm dứt khóa học với thật nhiều quà trong tay, cùng với tình thương và lòng biết ơn tràn ngập trong trái tim mình.
Dưới đây là phần chia sẻ của Chelsea True, trong đó đưa ra nhiều cách thức mà các giáo viên, đặc biệt là giáo viên cấp tiểu học, có thể dễ dàng áp dụng để lồng ghép sự thực tập chánh niệm và sáng tạo vào công việc giảng dạy hằng ngày, giúp các em học sinh “thật sự trở nên sống động hơn”.
Các em sẽ thật sự trở nên sống động hơn nếu các em đi vào sự thực tập chánh niệm thông qua cánh cửa của trí tưởng tượng. Kể chuyện, mỹ thuật và thi ca nâng cao đời sống nội tâm của các em và tạo ra những hình ảnh mà các em có thể cảm nhận và hình dung được. Tôi đã viết và đọc cho các em nghe những mẩu chuyện có liên quan đến sự thực tập, trong đó tôi sử dụng những hình ảnh vui nhộn để giúp các em đi vào sự thực tập thông qua cánh cửa của trí tưởng tượng. Tôi cũng chia sẻ với các em về nghệ thuật và về những chương trình thủ công kết hợp với thực tập chánh niệm để giúp cho các em hiểu sâu hơn và dễ áp dụng. Trong mỗi lớp học của trường, chúng tôi đều có giờ thực tập ăn trong chánh niệm và trước khi ăn, chúng tôi cùng đọc lên một bài thơ để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có mặt trong thức ăn và sự tương tức giữa chúng tôi với vạn vật.
Sáng tạo, cũng như chánh niệm, giúp cho ta thoát ra khỏi những khuôn mẫu quen thuộc và tiếp xúc được với thế giới một cách mới mẻ và tươi mát hơn. Dưới đây là phần chia sẻ của cô Bea Harley về lý do tại sao, đối với cô, sáng tạo ít nhiều đồng nghĩa với chánh niệm – một sự tiếp xúc trực tiếp và sinh động với thế giới. Việc học mỹ thuật đã đem lại một trải nghiệm có tính thiền quán và tạo ra một chuyển hóa sâu sắc nơi cô. Trải nghiệm đó giúp cho cô một cảm giác kết nối sâu sắc hơn và khả năng nhìn thấu vào lòng sự vật. Vì vậy mà cô rất mong muốn chia sẻ điều này với các em học sinh của mình.
Khi còn là sinh viên tại đại học Mỹ thuật, có một lần tôi đã để ba mươi sáu giờ đồng hồ ngồi vẽ đi vẽ lại chỉ một cội cây thôi. Và tới một lúc thì tôi nhận ra rằng tôi là cội cây và cội cây là tôi, giữa tôi và cội cây không còn một sự cách biệt nào cả. Cái thấy tương tức, tương nhập này mở ra cho tôi một thế giới màu nhiệm cần khám phá và nó làm thay đổi cuộc đời tôi vĩnh viễn. Từ đó tôi luôn tin tưởng rằng giữa quá trình sáng tạo và sự thực tập chánh niệm có một mối liên hệ mật thiết. Trong khi giảng dạy Mỹ thuật, tôi cố gắng khuyến khích sinh viên hãy để sự phán xét và mong chờ kết quả qua một bên. Các em chỉ cần tập trung vào một đối tượng duy nhất, cố gắng để thấy sâu hơn những gì đang ở trước mắt mình, thật sự hiểu thấu được bản chất của sự vật để nắm được cái tinh hoa của nó. Đôi khi tôi cũng tự hỏi, có phải những giây phút nắm bắt được cảm hứng trong một tác phẩm nghệ thuật, trong âm nhạc hay trong văn chương là cái đánh động mình hay không? Như thể là khi hiểu thấu được những biểu tượng thì một cách vô thức, ta cũng đồng thời nhận ra được bản chất toàn vẹn của chính mình. Trong giây phút đó, cái thấy (tuệ giác) có được do sự thực tập chánh niệm có thể đưa ta vào một thế giới của những khả năng vô hạn. Nếu hiểu được tâm mình, một khi làm chủ được những tạo tác, phóng chiếu của tâm ý mình (tôi sợ là phải thực tập cả đời đó) để thoát ra được những lo sợ đang có, thì một “cú nhảy lộn nhào” của ý nghĩ hay một “bước nhảy lượng tử” của tri giác có thể khiến cho chúng ta trở thành đúng những gì mà chúng ta mơ ước. Và chúng ta có thể đi tiếp trên con đường xây dựng một thế giới có tình thương và bình an hơn.
Sáng tạo có thể giúp cho người trẻ thể hiện chính mình một cách trực tiếp, giãi bày được những gì họ ôm ấp trong trái tim hay những trải nghiệm của họ về thế giới. Sư cô Hài Nghiêm, người đã hướng dẫn nhiều khóa tu cho các em thiếu niên, chia sẻ về những phương cách sáng tạo mà các em thiếu niên sử dụng, như là những bài hát và kịch, để tiếp thu những lời giảng dạy một cách trực tiếp, mà không dùng đầu óc như người lớn thường làm. Theo sư cô thì cho các em sáng tác một bài nhạc rap nói về đề tài “sự rối ren, hỗn tạp trên thế giới” mang lại kết quả hay hơn là bắt các em tìm hiểu về Năm phép thực tập chánh niệm. Trong quá trình sáng tác bài hát, các em đã làm hiển lộ những gì tốt đẹp nhất nơi những người trẻ.
Khóa tu năm ấy thật vui vì chúng tôi có một buổi chia sẻ về Năm phép thực tập chánh niệm mà không cần phải thuyết trình về nội dung của các phép thực tập. Chúng tôi cùng nhau sáng tác một bài nhạc rap về chủ đề này. Các em ngồi lại với nhau và chúng tôi viết lên bảng những tình trạng rối ren, hỗn tạp trên thế giới mà các em thấy cần phải sữa chữa, khắc phục. Rồi tôi hỏi, “các em có những giải pháp nào cho tình trạng này không?”. Trong quá trình thảo luận, các em đã nhận thấy sâu sắc về khổ đau của chính bản thân và khổ đau của thế giới. Kết quả thảo luận được chuyển tải thành một bài hát và các em đã trình diễn bài hát đó trong buổi “ngồi chơi bên nhau” vào cuối khóa tu.
Xem các em trình diễn, chúng tôi mới khám phá ra là các em đã tiếp thu được từ những bài pháp thoại nhiều như thế nào. Các em chọn một bài hát mình thích rồi thay đổi lời để trình bày những gì mình hiểu được từ các bài giảng. Hoặc các em làm một vở kịch trong đó thể hiện (theo cách hơi cường điệu một chút) những con đường tối tăm và những gì mà ta phải trải qua nếu không thực tập theo Năm phép thực tập chánh niệm. Tôi quá ngạc nhiên khi thấy các em thật sự đã tiếp nhận được ý nghĩa của những thực tập này. Các em trình bày Năm phép thực tập chánh niệm bằng một phương pháp khác hẳn với cách chia sẻ của người lớn. Người lớn chỉ ngồi thành vòng tròn rồi chia sẻ ý nghĩ và cảm xúc với nhau. Các em thiếu niên thật thông minh và dí dỏm. Cách các em chia sẻ những gì mình học hỏi được cũng tác động lên người lớn rất nhiều.
Mỹ thuật
Cô Bea chia sẻ với chúng tôi, Mỹ thuật có thể giúp chúng ta dễ dàng kết nối trực tiếp với cảm xúc của mình. Diễn tả một cảm xúc khó khăn (như buồn đau, tuyệt vọng…) qua nghệ thuật giúp chúng ta ôm ấp cảm xúc đó một cách an toàn để có thể được lắng dịu và trị liệu. Cô Barbara Calgaro, một nhà giáo dục ở Ý, đã trải nghiệm được điều này trong lớp học của cô.
Chúng tôi cùng nhau làm một cầu vồng ba chiều. Mỗi em dùng tay nhúng màu, vẽ một vạch của cầu vồng rồi dán lên giấy bìa cứng. Sau đó, chúng tôi chia sẻ với nhau về mỗi màu gắn với một cảm xúc như thế nào và mỗi cảm xúc đó quan trọng như thế nào. Chúng tôi cùng bàn luận và thấy rằng tất cả các màu sắc cần phải hợp lại với nhau để làm nên sắc màu rực rỡ của cầu vồng, và những cảm xúc trong mỗi chúng ta cũng cần phải tới với nhau như vậy.
Chúng tôi đặt cầu vồng ở một góc của lớp học. Cái góc đó trở thành nơi mà chúng tôi có thể đến để nhận diện và ôm ấp cảm xúc của mình, hoặc chỉ giản dị là để có một ít không gian cho riêng mình. Khi có xung đột với nhau thì các em biết đi tới cái góc đó để ôm ấp cảm xúc đang trào lên, hay để gặp người mà các em đang có xung đột, cho dù người đó là một em nhỏ hay là một người lớn, để nói cho người đó biết về những cảm xúc mạnh đang biểu hiện trong lòng mình.
Elli Weisbaum, một người hướng dẫn chánh niệm tại Canada, đã sử dụng những buổi sinh hoạt nghệ thuật để giúp học sinh thường xuyên chia sẻ trạng thái cảm xúc bên trong, hay còn gọi là “thời tiết”.
Sinh hoạt nghệ thuật và “kiểm tra thời tiết”
Theo truyền thống Làng Mai, để mở đầu buổi chia sẻ (hay còn gọi là pháp đàm), đôi khi chúng tôi chia sẻ một vòng, mỗi người đều nói lên cảm xúc của mình trong giây phút đó bằng một hình ảnh về thời tiết. Có thể lúc đó thời tiết bên trong của mình là nắng nhưng có khả năng sẽ có mưa, hay có sấm sét. Khi chia sẻ với lớp học, tôi thường giới thiệu sinh hoạt này như một sinh hoạt nghệ thuật. Tôi thấy nó có tác dụng thật sự với các em học sinh tiểu học và trung học, cũng như với các sinh viên đại học và người lớn. Đầu tiên chúng tôi họp lại với nhau và tôi giải thích điều căn bản của sinh hoạt này là diễn tả những cảm xúc trong tâm mình như “thời tiết” vậy. Đối với các học sinh nhỏ tuổi, tôi thường cùng các em xem lại có những kiểu thời tiết khác nhau như thế nào và mỗi kiểu thời tiết có thể tượng trưng cho loại cảm xúc nào. Rồi tôi mời các em trở về bàn của mình. Chúng tôi cùng nghe một tiếng chuông, dừng lại một chút để nhìn lại chính mình, xem mình đang có cảm giác gì? Rồi mỗi người vẽ lại thời tiết của mình ngày hôm đó. Sau khi mọi người vẽ xong, nếu có thì giờ, tôi sẽ mời các em chia sẻ về thời tiết bên trong mình. Những chia sẻ này giúp tạo nên không khí gắn kết, hiểu và thương nhau sâu hơn trong lớp học, tại vì cả học sinh và thầy cô giáo đều ý thức hơn về những cảm xúc khác nhau đang có mặt trong cùng một không gian. Nhiều thầy cô giáo còn làm một cuốn sổ nhật ký “kiểm tra thời tiết” với học sinh của họ mỗi ngày. Sinh hoạt này giúp các em học sinh ý thức được những kiểu thời tiết đang diễn ra bên trong mình. Và nếu được sự đồng ý của các em thì các thầy cô cũng được biết những cảm xúc gì đang biểu hiện trong các em học sinh của mình.
Theo cô Elli thì sinh hoạt này có ý nghĩa vô cùng quý giá. Nó đã từng giúp cho một học sinh nói ra được những cảm xúc khó khăn trong lòng mà trước đó các thầy cô giáo của em đã không nhận ra được.
Trong lớp Ba mà tôi từng giảng dạy, có một em học sinh lúc nào cũng tươi cười, nhưng lại nói ra những lời khắc nghiệt với các em học sinh khác và gây ra sự xao lãng trong giờ học. Cô giáo bắt đầu cảm thấy khó chịu vì cách cư xử bất thường này của em. Trong tuần lễ đó, cô giáo mời các em học sinh trong lớp cùng làm một cuốn sổ “kiểm tra thời tiết” cho chính mình. Cô xin phép được đọc cuốn sổ của em học sinh đang có khó khăn và em đồng ý. Cô giáo rất ngạc nhiên khi thấy trong suốt một tuần lễ qua, ngày nào em cũng chỉ vẽ sấm sét trong. Khi được hỏi vì sao em vẽ sấm sét nhiều như vậy thì em nói là em rất buồn vì ba em đang đi công tác xa. Bây giờ cô giáo mới hiểu được những gì em học sinh đã trải qua và rất thương em. Nếu không có sổ nhật ký “kiểm tra thời tiết” thì cô giáo không thể nào biết được những gì đang xảy ra trong lòng học sinh của mình, vì bề ngoài em vẫn luôn tỏ ra vui tươi như ánh mặt trời.
Truyện kể và thi ca
Một câu chuyện hay một bài thơ, nếu được kể hay được đọc một cách khéo léo, sẽ có khả năng chuyển tải được cốt tủy của sự thực tập một cách trực tiếp và sống động. Gai Silver là tác giả của một cuốn sách có tựa là Cơn giận của Anh (Anh’s Anger). Đây là một cuốn sách bằng tranh dạy cho trẻ em cách ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm. Cuốn sách này rất được ưa thích trong các lớp tiểu học. Bà Adriana người Ý, một người có kinh nghiệm hướng dẫn các khóa tu chánh niệm, đã đọc cuốn sách này cho cháu trai của bà. Sau đó cậu bé đã xin bà đọc lại cho cả lớp của cậu cùng nghe.
Trong phần Phụ lục D, chúng tôi có cung cấp danh sách những sách truyện dành cho trẻ em và người trẻ theo pháp môn Làng Mai, cùng với phần tóm tắt nội dung của sách.
Vài năm trước, tôi đã đọc cho cháu Ariele nghe câu chuyện Cơn giận của Anh, nói về phương pháp chuyển hóa cơn giận. Khi đó cháu mới năm tuổi rưỡi. Ariele đã ấn tượng với câu chuyện đến nỗi vài ngày sau đó, khi chúng tôi đang ngồi quanh lò sưởi trong một buổi tiệc gia đình được tổ chức tại nhà thì có hai em bé trai xung đột với nhau dữ dội. Ariele đến nói nhỏ vào tai tôi: “Mình có nên đọc cuốn sách đó cho hai em nghe không bà?”. Tôi làm theo và phép lạ của sự hòa giải xảy ra gần như ngay lập tức. Thực ra, hai cháu nhỏ đó còn muốn tôi đọc lại cho chúng nghe một lần nữa. Ngày hôm sau, Ariele năn nỉ tôi tới trường của cháu, trường dành cho trẻ em từ bốn đến sáu tuổi, và đọc cho cả lớp của cháu cùng nghe. Chúng tôi phải chờ một tuần để được sự cho phép của hiệu trưởng. Cuối cùng, tôi tới trường vào một buổi chiều và chia sẻ câu chuyện làm thế nào để chuyển hóa cơn giận trong một vòng tròn gồm 25 trẻ em và cô giáo. Tôi giới thiệu cho các cháu cách sử dụng cái chuông nhỏ, chúng tôi cùng thở và hát những bài thiền ca. Sự có mặt của các cháu thật ấn tượng làm sao! Các cháu tham gia và hưởng ứng rất vui vẻ!
Trong một khóa tập huấn dành cho giáo viên, Richard đã sáng tạo ra một phương pháp giúp các giáo viên cùng nhau khám phá một bài thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Anh sử dụng phương pháp chánh niệm trong truyền thông, mạnh dạn ghép những người nghĩ là mình hiểu được bài thơ với những người không hiểu bài thơ thành những cặp đôi để chia sẻ với nhau.
Lấy cảm hứng từ Parker Palmer, tôi thích sử dụng thi ca để giảng về sự thực tập quán chiếu (hay nhìn sâu). Ban đầu tôi có ý định dùng bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Sau đó tôi nhận thấy là ý tưởng này hơi gặp khó khăn một chút, vì sự thực tập chánh niệm và giáo lý tương tức còn khá mới mẻ với nhiều giáo viên tham dự khóa tập huấn. Vì vậy, hôm đó tôi quyết định thay đổi cách thức một chút. Sau khi các giáo viên đọc qua bài thơ và ngồi yên ba phút để suy ngẫm, tôi mời họ đứng dậy và yên lặng xếp thành một hàng ngang trong phòng. Những người hiểu một chút hay hoàn toàn không hiểu về bài thơ thì đứng ở một đầu, còn ở đầu kia là những người nghĩ rằng mình thật sự hiểu bài thơ. Rồi tôi đề nghị các giáo viên kết thành từng cặp theo thứ tự như sau: người đứng ở đầu này kết hợp với người ở đầu kia thành một cặp, sau đó đến người kế tiếp ở hai đầu và cứ tiếp tục như thế. Sau khi mỗi người đều tìm được đối tác của mình và hai bên ngồi đối diện nhau, tôi mời người chưa hiểu ý nghĩa của bài thơ chia sẻ trước. Tôi có cảm tưởng là mọi việc đều diễn ra rất suôn sẻ. Sau đó, một người đã rất quen thuộc với bài thơ này chia sẻ với tôi là qua phương pháp này, anh đã học được cách lắng nghe một người không có cái nhìn, cái hiểu giống mình.
Âm nhạc và ca khúc
Nếu tham dự một khóa tu tại Làng Mai, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc và những bài thiền ca với nhiều chủ đề về hạnh phúc, tình thương, sự quán chiếu và bình an. Những bài thiền ca của Làng Mai vô cùng dồi dào, phong phú và được rất nhiều giáo viên yêu thích. Các giáo viên sử dụng những bài thiền ca đó để làm nguồn cảm hứng cho đời sống của mình và chia sẻ với các em học sinh.
Trong Chương 7 của tập 1 Cẩm nang hạnh phúc, nói về “Những cảm xúc”, chúng ta đã khám phá sức mạnh của những bài thiền ca này trong việc chuyển hóa cảm xúc như thế nào.
Trong buổi vấn đáp của một khóa tu tổ chức tại Anh vào năm 2012, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ về sức hấp dẫn, khả năng tác động trực tiếp của âm nhạc và ca khúc. Với âm nhạc và ca khúc, ta không cần phải giảng giải dài dòng về chánh niệm. Thay vào đó, âm nhạc và ca khúc giúp cho ta trải nghiệm được sự bình an một cách trực tiếp, sống động, mang lại sự hòa điệu trong thân tâm ta.
Khi dạy chánh niệm cho học sinh, chúng ta không cần phải dạy cho các em tất cả những gì được ghi trong sách, mà chỉ cần bắt đầu với một số điều mà các em có thể hiểu được. Để có thể hiểu được chính mình, chúng ta phải trở về quán sát hình hài, cảm xúc, tri giác, tâm hành (những hiện tượng tâm lý) và nhận thức để hiểu được phương thức vận hành của chúng. Có như vậy chúng ta mới có thể giúp cho năm yếu tố này (còn được gọi là năm uẩn) hoạt động hiệu quả và cùng làm việc với nhau một cách hài hòa. Ví dụ như khi thực tập thở trong chánh niệm, chúng ta có thể sử dụng âm nhạc và ca khúc để thực tập. Khi ta hát thầm một bài hát và đồng thời theo dõi hơi thở vào-ra trong khi hát thì lúc đó ta đang đem năm uẩn về với nhau và tạo nên sự hài hòa trong năm uẩn. Năm uẩn không còn chống đối, xung khắc với nhau nữa. Âm nhạc mà ta sử dụng có tác dụng kết hợp các uẩn lại với nhau. Trong ta có bình an và hài hòa khi thở vào, thở ra. Ta cũng có thể áp dụng tương tự như vậy khi ta thực tập thiền đi[7].
Cô Nguyễn Như Mai, người có kinh nghiệm tổ chức các khóa tu chánh niệm, chia sẻ ý nghĩa và giá trị của một bài thiền ca là nhắc nhở chúng ta về những yếu tố cốt tủy của sự thực tập, nâng cao tinh thần, tạo ra hay làm thay đổi một tâm trạng, gợi sự suy ngẫm và đem con người lại gần với nhau.
Ca khúc là một phương tiện giáo dục hữu hiệu, chủ yếu là vì ca khúc yểm trợ cho trí nhớ, ảnh hưởng lên tâm trạng và giúp mang lại một sự chú tâm tập thể cho một nhóm người. Ví dụ như bài hát Thở vào thở ra, về căn bản chính là sự thực tập Thiền sỏi, được chuyển thành ca khúc. Nhiều người cho biết là sau khóa tu năm ngày, họ không còn nhớ những gì đã nghe trong những buổi pháp thoại nhưng họ vẫn còn nhớ một hay hai bài hát mà họ đã học được.
Ta có thể sử dụng ca khúc để nâng đỡ, khích lệ tinh thần hay để làm lắng dịu những cảm xúc. Tôi yêu bông hồng (I like the roses) là một bài hát phổ biến ở Làng Mai, bài hát này thường làm cho tinh thần vui tươi lên. Thở vào thở ra cũng là một bài hát dùng để làm lắng dịu những cảm xúc mạnh rất hữu hiệu. Một số bạn trẻ cho biết là họ đã hát bài hát này mỗi khi cảm thấy ưu tư và tuyệt vọng. Bài hát là một cái phao cứu cấp giúp cho họ vượt qua được những lúc khó khăn.
Thông thường ở Làng Mai, trước khi bắt đầu một sinh hoạt nào đó, mọi người cùng hát với nhau một bài hát để tạo ra sự tập trung tập thể. Bài hát cũng có thể được sử dụng để kết thúc buổi sinh hoạt. Người hướng dẫn cần nhớ rằng, mục đích khi hát thiền ca không phải là hát cho hay, mà hát như thế nào để tiếp xúc được với ý nghĩa của từng chữ trong bài hát.
Cô Elia Ferrer Garcia là một cô giáo dạy tiểu học ở một vùng nghèo khó nằm ở ngoại ô Barcelona. Học sinh và gia đình của các em ở vùng này luôn phải đối đầu với nạn thất nghiệp và những khó khăn do thất nghiệp gây ra. Giống như nhiều giáo viên khác, cô Elia Ferrer Garcia thường xuyên đưa những bài thiền ca vào trong lớp học. Cô nhận thấy những bài thiền ca có thể tạo ra sự hài hòa trong lớp học, đồng thời mang lại một ngày “êm dịu và tĩnh lặng hơn” cho cả giáo viên và học sinh.
Thật là đẹp và nuôi dưỡng mỗi khi các em học sinh đến trường và bắt đầu buổi học bằng bài hát Dear friends (Các bạn thân yêu ơi). Chúng tôi đứng thành vòng tròn và hát, ý thức rằng mỗi người cũng như tất cả mọi người trong vòng tròn này đều rất quan trọng. Chúng tôi cùng chung một đội, một nhóm. Trong giây phút đó chúng tôi là một, không còn sự phân biệt nào cả. Chúng tôi cảm nhận được sự gắn bó với nhau nhờ những cảm xúc và khả năng thật sự có mặt. Một ngày ở trường dường như trở nên êm dịu, tĩnh lặng hơn, và tình đồng nghiệp giữa các giáo viên cũng trở nên tốt đẹp hơn.
Những người trẻ thường thích sáng tác các ca khúc. Joe Reilly, một nhạc sĩ đồng thời cũng là một nhà giáo dục về môi trường, đã kể rất chi tiết về kinh nghiệm của anh khi cùng viết nhạc với trẻ em trong một bài viết đăng trên tạp chí Mindfulness Bell.
Khi cùng các em sáng tác nhạc, tôi biết rằng đây cũng là một cách thức để chia sẻ sự thực tập chánh niệm với các em. Trong cuộc đời tôi, những hình thức nghệ thuật này tương tức với nhau. Tôi nhận thấy trong khi tưới tẩm hạt giống của chánh niệm, của hy vọng và của sự sáng tạo trong tôi thì đồng thời tôi cũng giúp tưới tẩm những hạt giống đó trong các em[8].
Ca khúc, gắn liền với hơi thở, có thể thấm vào những vùng của thân tâm mà những cách tiếp cận bằng trí năng không thể nào tới được. Nó có thể làm thay đổi tâm trạng của chúng ta một cách trực tiếp và thường là nhanh chóng. Cô Tineke Spruytenburg, một giáo viên về chuyên ngành giáo dục đặc biệt, đã giúp cho một em học sinh lo sợ trước khi bơi lấy lại bình tĩnh bằng bài hát quen thuộc Thở vào, thở ra của Làng Mai.
Cách đây vài năm, có một em học sinh lớp Ba cực kỳ hiếu động và dễ bị mất tập trung. Đời sống của em không hề dễ dàng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và em không có hứng thú để học hành. Em thiếu tự tin và vì vậy mà em không có động lực trong chuyện học hành. Thế nhưng trong giờ học bơi em lại muốn khoe với các bạn khả năng của mình, ít ra trong lĩnh vực này em cũng là một trong những học sinh xuất sắc nhất.
Một hôm, tôi dạy cho các em bài hát Thở vào, thở ra. Các em rất thích bài hát này, và em học sinh kia đặc biệt cảm thấy có một sự lắng dịu trong khi hát. Chúng tôi vừa hát vừa làm những động tác. Tôi cũng giải thích cho các em làm thế nào mà hơi thở êm dịu và có ý thức có thể giúp cho mình lắng dịu lại trong “cơn bão tố”. Vài tuần sau đó, lớp của chúng tôi có giờ học bơi. Tôi đang quan sát các em bơi và nói chuyện với thầy giáo dạy bơi thì em học sinh kia chạy tới. Em rất lo sợ, tim em đập nhanh đến nỗi tôi nhìn thấy nó phập phồng lên xuống trong ngực của em. Em nói lắp bắp: “Cô giáo ơi, cô làm ơn hát cho em nghe bài hát về thở đi cô, nếu không thì em không thể nào bơi tiếp được nữa”. Tôi quỳ xuống nhẹ nhàng hát cho em nghe. Gương mặt của em sáng lên và em tiếp tục “công việc” của mình với một nụ cười rạng rỡ.
Trong phần Phụ lục D, quý vị có thể tìm thấy một số trang mạng có đăng những bài hát thiền ca Làng Mai dưới dạng video.
Giáo dục thể chất
Hiện nay chánh niệm gần như đã trở nên rất thông dụng trong lĩnh vực thể dục thể thao, thường với mục đích giúp cho vận động viên thể hiện được khả năng của mình, buông bỏ đi những suy nghĩ, ưu tư, đồng thời giúp cho họ thật sự có mặt và tập trung toàn bộ tâm ý trong giây phút đó, trạng thái này có khi được gọi là “trạng thái trôi chảy” (flow).
Julian Goetz, một nhà giáo dục người Mỹ, diễn tả tầm quan trọng của “những khoảnh khắc tĩnh lặng” khi dạy cho các học viên về khả năng cứu mạng của các kỹ năng vận động – xúc cảm (sensory-motor skills) trong khi đi xe đạp, dựa vào tính chất linh động của chánh niệm.
Trong ba năm làm huấn luyện viên lái xe đạp tại thành phố New York, tôi đã đưa sự thực tập chánh niệm vào các bài giảng của mình. Đem sự thực tập chánh niệm vào các lớp học về giáo dục thể chất rất có ích lợi, tại vì các học viên đã được yêu cầu phải chú ý tới thân thể của mình.
Đi xe đạp có rất nhiều rủi ro. Trong khi đi xe đạp trên đường phố Manhattan, Brooklyn hay bất cứ ở đâu mà sự mất tập sẽ khiến cho các em gặp rủi ro hay trở ngại. Các em chỉ hiểu được khi tôi làm cho các em chứng nghiệm được điều này. Tôi thường giới thiệu về sự thực tập chánh niệm khi giải thích về hệ thống thắng của xe đạp. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng siết thắng tay bên trái luôn luôn nguy hiểm, hoặc là chỉ siết mỗi thắng tay bên phải thôi là cách hay nhất. Cả hai trường hợp đều không đúng. Điều này, ta có thể giải thích dễ dàng. Nhưng để một người có thể siết cả hai bên thắng tay một cách nhẹ nhàng, trong lúc họ bị khủng hoảng nhất (chưa nói đến trẻ em và thiếu niên) là một vấn đề khác. Trong trường hợp này thì chánh niệm cực kỳ hữu ích.
Tôi đề nghị các em để hai tay lên trên hai thắng, từ từ siết lại trong khi nhẹ nhàng đạp tới, đạp lui. Tôi khuyên các em nên nhắm mắt lại một phút, trải nghiệm cảm giác được ngồi trên xe đạp, bình an, tập trung và yên lắng là như thế nào. Tôi nói các em thở vài hơi, cảm nhận được hơi thở đang đi vào và tác động lên cơ thể mình. Đôi khi tôi đề nghị các em chú ý cảm nhận sự kết hợp giữa hơi thở với những chuyển động của các bắp thịt. Sau đó các em phải khắc ghi những trải nghiệm này – sự tĩnh lặng, hơi thở, cảm giác khi siết hai thắng tay một cách nhẹ nhàng – vào trong bộ nhớ của mình để có thể sử dụng nó khi gặp những trường hợp rủi ro. Lúc nào cũng có thể có sự cố xảy ra trong khi đi xe đạp. Để có thể sẵn sàng cho những giây phút đó, ta cần sử dụng những giây phút tĩnh lặng để ôm lấy những giây phút rủi ro khi nó xảy đến.
Đó là cách tôi dạy cho các học viên của mình. Trước khi đạp xe ra ngoài hay đi vào những đoạn đường có nhiều chỗ giao nhau khá nguy hiểm, tôi bảo các em dừng lại và lặp lại bài thực tập một lần nữa. Những lúc dừng lại có chánh niệm như vậy làm cho bài học càng thấm hơn. Tôi tin rằng đó là những chìa khóa để giảng dạy chánh niệm cho người trẻ, đặc biệt là trong môi trường thể thao.
Khoa học
Chánh niệm có thể giúp cho ta có cái nhìn sâu hơn, vượt qua hình tướng bên ngoài và tiếp xúc được với những liên hệ hỗ tương (interconnections) cũng như sự thật nằm sâu bên trong mà không bị kẹt vào những ấn tượng do các giác quan gây ra hay bị kẹt vào những thành kiến và những thói quen suy tư sẵn có trong ta. Quá trình nhìn sâu này giúp mang lại sự khách quan, sáng suốt và định tĩnh – những yếu tố mà chúng ta hy vọng các sinh viên sẽ có được khi học hỏi về khoa học cũng như các phương pháp và quy trình của nó.
Trong những khóa tu dành cho gia đình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp cho trẻ em nhìn sâu vào bản chất của thực tại bằng cách sử dụng những đối tượng cụ thể trong thế giới hiện tượng – như bông hoa, ngọn lửa, nước, biển, mưa và mây. Những đối tượng này luôn thay đổi, vì vậy mà có lúc ta cảm tưởng là chúng biến mất, không còn tồn tại nữa, nhưng thật ra chúng chỉ chuyển hóa và biểu hiện dưới một hình tướng khác mà thôi. Một ví dụ điển hình về phương pháp giảng dạy cho trẻ em của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người biết đến, đó là bài giảng về hạt bắp. Thiền sư cho mỗi em nhỏ một hạt bắp và dặn các em về nhà gieo hạt bắp đó xuống đất, coi đó như là một bài tập về nhà. Để chuẩn bị cho các em, Thầy mời các em nhìn sâu vào một cây bắp, quan sát xem cái gì đã xảy ra với hạt bắp.
Hạt bắp không hề chết mà nó trở thành cây bắp. Nó không còn hình tướng của một hạt bắp nữa, nhưng nó vẫn còn đó. Nếu nhìn sâu vào cây bắp, các con sẽ thấy hạt bắp có mặt khắp nơi trong cây bắp. Lúc đầu hạt bắp nhỏ và có màu vàng, nhưng bây giờ nó lớn lên và có màu xanh. Nếu thông minh thì khi nhìn vào cây bắp, các con sẽ thấy được hạt bắp trong đó. Các con có thể nói: “Chào em, hạt bắp nhỏ của tôi. Tôi biết là em không chết và tôi có thể thấy được em trong cây bắp.”[9]
Cô Marianne Claveau, giảng viên đại học và cũng là người giảng dạy về chánh niệm, đã sử dụng những bài giảng về sinh vật học để giúp các sinh viên trẻ khám phá lĩnh vực hấp dẫn này. Chỉ với một ly nước, cô giúp các em nhìn sâu và trải nghiệm trực tiếp bản chất phức tạp và biến đổi không ngừng của thế giới hiện tượng, cũng như mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa con người với vạn vật.
Tôi thường giảng dạy về sinh vật học và sự phát triển bền vững. Với sự thực tập chánh niệm, tôi giúp cho các em sinh viên hiểu sâu hơn về tính phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau của thực tại, cũng như xây dựng một cách nhìn có hệ thống về từng tình huống khác nhau.
Tôi bắt đầu chia sẻ bằng cách uống một ly nước, sau đó tôi làm như thế này: “Bây giờ mời các em nhìn kỹ vào ly nước này. Các em có biết ai đã làm ra cái ly này không? Ai đã nảy ra ý tưởng dùng cát và lửa để làm ra thủy tinh? Ai là người đầu tiên nghĩ ra những vật dụng đựng nước? Nhìn vào cái ly này, các em có thấy được kỹ năng, sự khéo léo, kiến thức và trí thông minh của toàn thể nhân loại không? Các em có thể nhìn vào cái ly và tiếp xúc được với tất cả những người mà trong quá khứ đã nghĩ và làm ra cái ly cho ta sử dụng bây giờ không? Chúng ta có thể nghĩ mình là những cá thể độc lập, nhưng chỉ cầm một một cái ly trong tay thì ta có thể kết nối với rất nhiều người, phải vậy không? Và bây giờ chúng ta hãy nhìn vào nước trong ly. Nó đã ở đâu hôm qua, tháng rồi, năm ngoái? Nó đã ở đâu một trăm triệu năm về trước? Nó có thể đã là một đám mây, là đại dương, là con chim, là con khủng long? Và trong vài giờ đồng hồ nữa nó sẽ đi về đâu? Các em có thể tưởng tượng ra được cuộc hành trình của mỗi giọt nước trước khi chúng tập hợp lại trong cái ly này để trở thành một phần của cơ thể mình không? 75% cơ thể của ta được làm bằng nước. Khi tiếp xúc với nước trong từng tế bào của cơ thể, liệu các em đặt câu hỏi là hình hài này là gì, cái hình tướng mà ta thường gọi là “tôi” đó là gì, và cái tôi đó được làm bằng những yếu tố nào không?”
Sau đó tôi mời các em uống ly nước trong chánh niệm, ý thức về những cảm giác của mình, tiếp xúc với sự mát lành của nước, thưởng thức nó như lần đầu tiên được uống nước. Tôi mời các em uống nước với ý thức nó đã từng là một đám mây.
Tôi luôn ngạc nhiên nhận thấy sự thực tập này đã tác động lên các em học sinh nhiều như thế nào. Phần đông các em bỗng hiểu ra mình là một phần của tất cả – đây không phải là một ý niệm mà là một cảm nhận trực tiếp, bằng cả cơ thể mình.
Khoa học về Trái đất cho ta cơ hội khám phá được tính chất phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật. Bobbie Cleave và Gordon“Boz” Bosworth, hai nhà giáo dục về môi trường mà chúng ta được biết đến trong những phần trước, đã dựa trên sự thực tập thiền ăn và Năm phép thực tập chánh niệm để giúp cho học sinh của mình xem xét khái niệm về tiêu thụ có chánh niệm trong một phạm vi rộng hơn liên quan đến việc sử dụng năng lượng bền vững và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong lời quán nguyện hàng ngày trước khi ăn tại các trung tâm thiền tập có nhắc đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Chúng tôi thấy cần giúp cho thiếu niên và trẻ em học cách ăn trong im lặng và để ý tới thức ăn của mình, đây là bước đầu tiên. Với những trái nho, chúng tôi đã bắt đầu chia sẻ sự thực tập này với trẻ em ở các trường công lập và tư thục. Chúng tôi mời các em nhìn vào trái nho hay nhìn vào đĩa thức ăn của mình và tìm ra tất cả những nguyên nhân, điều kiện cần có để trái nho hay đĩa thức ăn đó có thể đến với chúng ta, những người tiêu dùng, như là: xe vận tải, con người, nhà máy, nông trại, đất, mặt trời, mưa, giun đất, v.v… Sự thực tập này có thể dễ dàng khiến cho các em đi tới một cuộc thảo luận về vấn đề: loại thực phẩm nào có thể được trồng mà ít gây tàn hại nhất cho trái đất. Thông qua đó, không cần đi sâu vào nhiều dữ kiện, các em cũng nhận ra rằng ngành công nghiệp sản xuất thịt không những là nhân tố tác động rất lớn vào quá trình hâm nóng toàn cầu (nhiều hơn là khí thải xe hơi) mà còn liên quan đến rất nhiều bạo động và khổ đau. Vì vậy, điều quan trọng là cần tạo nên sự thức tỉnh nơi các em.
Chúng tôi còn đưa các em tới Lộc Uyển và chỉ cho các em xem những tấm năng lượng mặt trời. Sau đó các em cùng thảo luận về năng lượng mặt trời, những nguyên nhân gây ô nhiễm, kể cả sự ô nhiễm do tiếng ồn gây ra, và sự thực tập của các em trong đời sống hàng ngày để bảo vệ môi trường. Đối với trẻ em thì ta cần giúp các em thấy được mối liên hệ giữa môi trường với đời sống cá nhân của các em bằng cách đặt câu hỏi: những gì chúng ta ảnh hưởng tới hành tinh cũng như tất cả mọi người và mọi loài sống trên đó như thế nào? Năm phép thực tập chánh niệm hướng dẫn chúng ta về điều đó: ăn như thế nào, trồng trọt như thế nào, vui chơi như thế nào, du lịch như thế nào… Tất cả những hoạt động này của chúng ta đều có ảnh hưởng sâu sắc tới hành tinh trái đất và tới chính chúng ta.
Giáo dục về quan hệ tình yêu và tình dục
Ở nhiều nước, trường học có nhiệm vụ giáo dục học sinh về quan hệ tình dục và tình yêu. Nhiều trường học cảm thấy trách nhiệm này rất khó khăn. Ở các nước công nghiệp phát triển, người trẻ thường cho rằng quan hệ tình dục thuộc về đời sống riêng tư của mỗi người. Họ tỏ ý nghi ngờ mỗi khi người lớn giảng đạo đức cho họ. Họ thích có cái thấy của riêng mình. Chánh niệm có thể giúp ta hiểu được những nhu yếu và mối ưu tư của người trẻ xung quanh vấn đề tình dục, giúp ta mở lòng lắng nghe với tình thương, với sự thấu cảm mà không phán xét, đồng thời ta cũng khuyến khích người trẻ cân nhắc cách nhìn nhận của mình xung quanh vấn đề tình dục, nên lắng nghe chính mình và lắng nghe những người khác cho thật kỹ, thật sâu.
Có thể chúng ta lo ngại là nếu cứ “để vậy” thì chúng ta sẽ không hướng dẫn được cho học sinh của mình phải làm thế nào để chăm sóc chính mình và những người xung quanh. Nhưng nếu ta có cái nhìn cởi mở và muốn khám phá thì sẽ không khó để nhận ra rằng bản thân những người trẻ cũng thường ý thức về trách niệm của mình đối với những người khác, và họ cũng ý thức được giá trị của tình yêu cùng sự cam kết trong một mối quan hệ tốt đẹp. Giáo sư Fiona Cheong, người phụ trách môn “viết sáng tạo” tại một trường Đại học ở Hoa Kỳ, đã lắng nghe rất kỹ các sinh viên của bà. Qua đó, bà nhận thấy rằng, một mặt họ luôn dành sự yêu thích cho những quan hệ lãng mạn, mặt khác vẫn cảm thấy rất rõ ràng rằng trong một mối quan hệ tốt đẹp cần có tình yêu chứ không phải chỉ có tình dục mà thôi.
Trách nhiệm đối với người mình thương yêu và ước muốn bảo vệ cho họ khỏi những lo lắng, sầu khổ tạo ra một loại năng lượng và năng lượng này luôn hiện diện, ngay cả trong lớp học. Thêm vào đó là những lo lắng, sợ hãi thường có, nhất là ở những người trẻ. Chẳng hạn như: liệu họ có nên hẹn hò với người kia vào cuối tuần tới hay không? Và nếu có thì buổi hẹn hò đó có tốt đẹp hay không? Người kia có thấy họ mập quá không? Họ có nói ra điều gì ngu ngốc hay không? Người kia có ý muốn về tình dục hay không? Điều quan trọng hơn là, liệu họ có gặp được người (không kể những thành viên trong gia đình) mà họ có thể yêu thương sâu sắc hay không? Và người kia có đáp lại tình yêu của họ hay không?
Norma Ines, đến từ Mexico, là người làm việc với các em thiếu niên để giúp cho các em nâng cao ý thức về sức khỏe và liên hệ tình dục. Cô đã sử dụng một loạt những phương pháp sáng tạo để giúp các em trân quý bản thân cũng như cơ thể mình.
Tôi đang làm công việc hỗ trợ các em thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi trong các trường tiểu học và trung học. Nội dung cụ thể là tăng cường kỹ năng sống, ngăn ngừa tình trạng mang thai ở tuổi thanh thiếu niên, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Tôi sử dụng sự thực tập chánh niệm và nghệ thuật để giúp các em nói lên được tiếng nói và ước muốn sâu sắc của mình.
Tôi mời các em nhìn sâu và khám phá sự thiêng liêng của cơ thể mình, đồng thời học cách chăm sóc thân và tâm mình. Chúng tôi phát động một chiến dịch giáo dục để kêu gọi mọi người cùng suy ngẫm về tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Chúng tôi yểm trợ cho những dự án nghệ thuật của các thiếu niên (cả nam và nữ).
Thông qua phương tiện kịch nghệ, truyền thanh và video, các em thiếu niên có cơ hội khám phá những phương pháp chăm sóc cơ thể và năng lượng tình dục trong mình. Mục đích của toàn bộ quá trình này là giúp các em biết phải làm thế nào để có những quyết định đúng đắn, sống một đời sống có trách nhiệm và hạnh phúc hơn.
Giáo dục về truyền thông đại chúng
Cô Chau Li Huay hiện đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục truyền thông đại chúng tại Singapore. Cô Chau đã sử dụng Phép thực tập chánh niệm thứ năm để giúp cho các em học sinh trung học có ý thức hơn trong sự chọn lựa tiêu thụ những phương tiện truyền thông. Cô Chau giúp các em thấy rõ cảm xúc hồi hộp, ly kỳ và những hình ảnh bạo động được coi như lẽ đương nhiên trong phim ảnh tác động như thế nào đến tâm trạng và nhận thức của chúng ta.
Đề tài mà tôi giảng dạy là giáo dục về truyền thông đại chúng, mà thực tế là giúp học sinh ý thức về những thông điệp từ các phương tiện truyền thông. Một chủ đề phổ biến trong các video và phim ảnh là bạo động, một yếu tố gây sự kích động lớn. Các học sinh thường cười to và bị kích động khi thấy các nhân vật trong phim bị văng xuống đồi và chết một cách thê thảm hoặc có một cái chết thật buồn cười như là bị va đầu vào tường. Hầu hết các em học sinh đều cảm thấy hài lòng khi thấy các nhân vật bị giết chết. Trong giờ học, ngoài việc đề nghị các em học sinh tìm ra thông điệp và ý nghĩa của phim (ví dụ như trong một phim trinh thám, khi tất cả mọi người đều chết trừ người anh hùng – nhân vật chính), tôi còn đề nghị các em cùng suy ngẫm xem liệu sự giết chóc đó có thật sự cần thiết hay không. Có đúng không khi ta vì lòng tham, sự ganh tị mà sát hại, hay vì tìm kiếm quyền lực, lòng trung thành, sự tự hào dân tộc hay vì lý tưởng – như cứu giúp thế giới chẳng hạn – để biện minh cho hành động giết hại đó? Có thể đạt được những điều họ mong muốn mà không cần giết hại hay không? Giết hại có thể chấm dứt được sự việc hay biến cố đó hay không?
Liên hệ tới phép thực tập chánh niệm thứ năm, tôi đã chỉ ra cho các em thấy rằng chỉ riêng hành động tiếp xúc với phương tiện truyền thông đã là một sự tiêu thụ rồi. Nếu thật sự có chánh niệm trong khi tiếp xúc với những phương tiện truyền thông và nhận ra rằng những phương tiện truyền thông đang đưa ra những thông điệp không lành mạnh thì các em sẽ biết là nên tiêu thụ nó hay không.
Cô Chau cũng sử dụng việc giáo dục về phương tiện truyền thông như một phương tiện để tìm ra những điều kiện để có được hạnh phúc. Cô Chau khuyến khích các em tận dụng lối tư duy phức tạp và đầy hoài nghi của lứa tuổi thiếu niên để tự các em có thể thấy được nhà quảng cáo đã lợi dụng ý niệm về hạnh phúc như thế nào để bán sản phẩm của họ.
Phép thực tập chánh niệm thứ hai dạy chúng ta là hạnh phúc không phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Nhưng thật khó để nói điều đó với những người trẻ. Những gì mà tôi cố gắng làm (để kết nối với nội dung của phép thực tập chánh niệm thứ hai) là dạy các em nhận ra những thông điệp của các phương tiện truyền thông và suy ngẫm xem: có phải là mình chỉ thật sự hạnh phúc khi mua sản phẩm hay dịch vụ đặc biệt đó, theo như phương tiện truyền thông nói, hay không? Hay đó chỉ là một thông điệp sai lầm? Liệu các nhà quảng cáo có đang dùng hạnh phúc như một miếng mồi nhử, tại vì theo các phương tiện truyền thông thì hạnh phúc đồng nghĩa với tuổi trẻ, trang phục lộng lẫy, xe hơi hào nhoáng và sự nổi tiếng? Cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc, thực sự nó là gì? Nếu thật sự có chánh niệm trong khi tiếp nhận những thông điệp từ các phương tiện truyền thông, và nhận ra đó là những thông điệp không lành mạnh thì các em sẽ biết nên hay không nên tiêu thụ những sản phẩm đó.
Chúng ta không cần phải lấy những ví dụ trong hiện tại mà thôi. Yvonne Mazurek, một giáo viên tại Ý, đã sử dụng những hình ảnh trong lịch sử nghệ thuật để giúp các sinh viên suy xét kỹ lưỡng hơn những hình ảnh về cơ thể đang bủa vây và trấn ngự mình.
Tôi đã tìm tòi những phương pháp giúp cho các sinh viên nhận ra được những hình ảnh không lành mạnh trong văn hóa nhạc pop. Tôi quyết định tập trung vào hình ảnh về thân thể, vì từ nhiều năm qua tôi được nghe các em nữ ở tuổi thiếu niên kể về cảm giác bất an càng lúc càng tăng trong các em. Trong khoảng thời gian hơn một tháng, tôi dành cho mỗi lớp một tuần lễ để nhận xét về cách thức người ta miêu tả cơ thể của con người qua thời gian. Chúng tôi so sánh thân hình lý tưởng thời xưa – như bức tượng về một vận động viên Hy Lạp hay một bức chân dung thời Phục Hưng – với những hình ảnh quảng cáo hiện nay. Khi nhìn thấy những hình ảnh từ các phương tiện truyền thông hiện nay, các em học sinh bắt đầu nhận ra rằng người ta nhắm tới sự giàu có cá nhân, quyền lực, quyền thống trị và sự thỏa mãn tức thời nhiều như thế nào. Khi đối chiếu những mẫu quảng cáo hiện nay với những bức hình ở các thời kỳ và ở các quốc gia khác nhau, các em sinh viên thấy được rằng có nhiều quan niệm về cái đẹp và nhiều hệ thống giá trị khác nhau. Với nhận thức đó, các em bàn luận về cách thức mà mình chọn lựa và làm thế nào để trở thành những tác nhân thay đổi xã hội. Các em bắt đầu nhận ra những giới hạn của sự tiêu thụ vật chất và thấy được ảnh hưởng sâu sắc của phương tiện truyền thông lên tâm lý của cá nhân và của xã hội. Một khi nhận ra được một hình ảnh có giá trị bằng ngàn lời nói thì các em sẽ có khả năng nghe và phân biệt được rõ ràng những thông tin mà các em đã từng bị nhấn chìm trong đó.
Khi có khó khăn trong việc giảng dạy chánh niệm
Việc giảng dạy chánh niệm không phải lúc nào cũng suôn sẻ theo đúng những gì ta mong muốn. Thay vì nản chí, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta thường học hỏi được nhiều hơn trong những tình huống đó. Trong phần dưới đây, chúng ta sẽ cùng lắng nghe các giáo viên mở lòng chia sẻ những khó khăn, thách thức của họ.
Tạo ra những khó khăn cho chính mình
Khi nhìn kỹ lại cách phản ứng và những tri giác của mình, chúng ta thường nhận ra là những khó khăn mà ta đang đối diện có gốc rễ từ những thói quen trong tâm thức. Một rào cản mà những giáo viên như chúng ta thường tự đặt trên đường đi của mình là sự nhận xét, đánh giá về những điều mà chúng ta cho rằng “phải” xảy ra, và tin rằng mình biết rõ cái gì là tốt nhất cho người khác. Đặc biệt, các giáo viên có thể đau khổ bởi sự thôi thúc phải cứu giúp các học sinh của mình và ước muốn nghe từ các em những câu trả lời phù hợp với những điều mà mình đã có sẵn trong đầu. Thật không dễ để các giáo viên thay đổi thói quen này và chỉ cần có mặt với những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại, cho học sinh không gian để tự giải quyết vấn đề theo cách thức phù hợp với nhu yếu của các em.
Richard chia sẻ kinh nghiệm dạy toán của mình tại một trường trung học. Ông mô tả những nỗ lực để làm gương cho học sinh trong việc thay đổi nhận thức về những khó khăn. Mục đích của ông là giúp các em đón nhận những khó khăn chướng ngại, “xem món quà hiểu biết mà chướng ngại này đem lại cho mình là gì”, thay vì cố sức để vượt qua hay né tránh nó.
Khi các học sinh của tôi gặp những chướng ngại thì phản ứng đầu tiên của các em là hướng về một trong hai thái cực: vượt qua chướng ngại hoặc là bỏ cuộc. Khuynh hướng đón nhận khó khăn chướng ngại, ngồi lại với nó để xem nó có thể hiến tặng cho ta sự hiểu biết nào, khuynh hướng đó rất xa lạ với các em học sinh, nhưng nó lại rất có ích lợi cho đời sống của các em. Tôi tự hỏi mình phải làm thế nào để có thể làm gương cho các em trong việc xử lý những khó khăn trong lớp học. Tôi thấy là tôi có thể bắt đầu bằng thực tập kiềm chế sự thôi thúc phải phân tích và đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn của học sinh. Tôi chỉ cần có mặt cùng các em với những vấn đề của chúng[10].
Gloria Shephard, người hướng dẫn thực tập chánh niệm cho các bậc phụ huynh học sinh tại Hoa Kỳ, cũng đi đến kết luận tương tự. Cô nhận ra được khuynh hướng của mình là vội vã tìm kiếm giải pháp khi học sinh gặp khó khăn, mà điều này không thực sự giúp ích cho các em.
Tôi thấy những bài giảng của Làng Mai thường đi kèm với nụ cười và rất nhiều không gian tĩnh lặng. Điều này đã giúp cho tôi, trong khi giảng bài, có khuynh hướng bỏ qua những chuyện được coi là khó khăn đang xảy ra trong lớp (như là có học sinh đang không chăm chú nghe giảng hay đang làm một chuyện gì đó khiến cả lớp mất tập trung) và cười được với những ai đang ở trước mặt tôi. Thêm vào đó, tôi phản ứng chậm rãi hơn, để câu hỏi thấm vào mình hơn một chút trước khi bắt đầu giải đáp, và cho các em nhiều thời giờ hơn để chia sẻ những trải nghiệm của mình.
Lúc nào nên tiếp tục kiên trì và lúc nào nên thay đổi
Trong khi giảng dạy chánh niệm, không phải lúc nào mọi việc đều diễn ra như chúng ta mong muốn. Khi điều này xảy ra, chúng ta cần có sự sáng suốt và định tĩnh để quyết định nên tiếp tục kiên trì với những gì ta đang làm và chờ đợi, hay là thay đổi nội dung bài giảng để thích ứng với hoàn cảnh.
Julie Berentsen cho biết, đôi khi chúng ta chỉ cần giữ vững lập trường và cho học sinh thời gian để thích ứng với những yêu cầu mới của sự thực tập chánh niệm. Đồng thời, chúng ta cần phải tin tưởng vào kỹ năng sư phạm của mình. Trong trường hợp này, Julie đưa ra cho học sinh những hướng dẫn rõ ràng, lắng nghe sâu và trao đổi rất chân thành với các em.
Tôi có cơ hội chia sẻ sự thực tập chánh niệm với một nhóm trẻ em tại trung tâm thành phố Luân Đôn cũng được vài năm rồi. Chúng tôi gặp nhau mỗi tuần một lần trong vòng khoảng ba mươi phút. Phải nói thật là không dễ dàng gì để duy trì được sinh hoạt này cho đến ngày hôm nay. Cần rất nhiều thời gian để xây dựng niềm tin và để hiểu nhau. Các em cần hiểu rằng sự thực tập chánh niệm không phải là một bài tập với một đáp án chính xác, và không thể trông đợi ở thành tích đạt được. Lúc đầu, các em cảm thấy ngồi và quan sát hơi thở là một việc gì rất khó khăn. Bằng cách xây dựng một cấu trúc rõ ràng cho buổi thực tập và lắng nghe nhu yếu của các em, tôi đã sử dụng nhiều phương diện của sự thực tập để yểm trợ và nuôi dưỡng các em. Chẳng hạn như, nếu ngay từ đầu buổi mà các em chia sẻ là tối hôm trước các em đi ngủ hơi muộn thì tôi sẽ hướng dẫn các em thực tập buông thư toàn thân. Sau đó, các em thường nói cho tôi biết là các em nhận ra mình đã mệt mỏi như thế nào khi tới trường.
Có lúc cả nhóm có thái độ khiến cho tôi cảm thấy không vui. Tuần sau đó tôi dành thì giờ chia sẻ với các em một cách thành thực về những gì đã xảy ra. Tôi cho các em biết là tôi đã suy nghĩ rất nhiều về các em, tôi tôn trọng các em và tôi muốn hiểu được các em. Vì vậy nếu các em chia sẻ suy tư và cảm xúc của mình về chuyện đã xảy ra thì sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều. Các em cũng như tôi đều ưa thích những cuộc đối thoại như vậy.
Tương tự, khi học sinh trong lớp cứ “cười khúc khích và mất tập trung”, Sarah Woolmen nhận thấy chỉ cần giữ vững sự thực tập trong tinh thần “vô úy” (không sợ hãi) thì mọi việc sẽ suôn sẻ.
Hôm đó, cả lớp cảm thấy rất khó thực tập thiền sỏi một cách nghiêm túc. Tôi phải ôm sự khó chịu trong lòng khi có vài em trong lớp cười giỡn và mất tập trung. Lúc đó tôi phải cố gắng để giữ giọng nói bình thản và thở với từng viên sỏi, cho dù không phải tất cả các em học sinh trong lớp đều làm theo tôi. Sau buổi thực tập, có một em gái đến nói với tôi: “Thực tập thở với hình ảnh ngọn núi và không gian giúp cho chúng em có được một chút yên lặng, điều này hiếm khi có được trong một lớp học chật cứng người như vậy”. Kinh nghiệm dạy tôi phải tiếp tục duy trì sự thực tập mà không cần lo sợ, cho dù buổi thực tập có vẻ như không thành công, bởi vì thật ra chúng ta không bao giờ biết được các học sinh sẽ tiếp nhận được gì từ sự thực tập đó.
Tuy nhiên, có lúc chúng ta phải linh động và thay đổi cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Michael Bready nhận thấy rằng cách nói trực tiếp về vấn đề chế tác hạnh phúc và tình thương không thành công cho lắm đối với những tội phạm trẻ.
Trong khi làm việc với những tội phạm trẻ, tôi thấy nên nhấn mạnh hơn đến sự thực tập chánh niệm, thay vì chế tác hạnh phúc và tình thương. Chúng tôi đã gặp phải sự chống đối khi đưa ra sự thực tập chế tác hạnh phúc và tình thương. Vì vậy thay vì nói một cách trực tiếp, tôi cố gắng truyền đạt những thực tập này mà không cần phải dùng ngôn từ.
Cũng giống như vậy, khi các gia đình không thích thực tập thiền hành, Tineke đã đổi sang sự thực tập làm việc trong chánh niệm (hay thiền làm việc), thay vì thiền hành.
Trong những ngày quán niệm, chúng tôi không thực tập thiền hành nữa. Thông thường trong ngày quán niệm, chúng tôi đón khoảng 20 người lớn và 20 trẻ em từ 4 tuổi tới 12 tuổi. Dù cho chúng tôi có cố gắng sử dụng hình thức nào đi nữa thì các gia đình tham dự ngày quán niệm cũng không ưa thích đi thiền hành cho lắm. Cha mẹ thường bị sự ồn ào của con trẻ làm phiền và họ cảm thấy bực bội. Vì mục đích của chúng tôi là giúp các gia đình thực tập chánh niệm trong mọi tình huống của đời sống hàng ngày nên chúng tôi thay thế thiền hành bằng thiền làm việc. Mỗi gia đình chỉ cần làm vườn chung với nhau, nhổ cỏ dại giữa những khe gạch trên lối đi. Những thành phần trẻ nhất trong gia đình cũng có được việc làm thích hợp như đẩy xe cút kít đến nhà kho.
Một lần nữa chúng tôi hoan nghênh tính thực tiễn và khả năng thích nghi của các thầy cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy.
Tất cả những điều nêu ở trên nghe có vẻ rất phức tạp, nhưng chúng tôi thấy nhiều khi chính những cảm hứng sáng tạo vô cùng đơn giản và tức thời lại đem đến cho lớp học những giây phút vui vẻ và hấp dẫn nhất, như lời Elia Ferrer Garcia, đến từ Tây Ban Nha, chia sẻ.
Các em rất thích khi tôi lấy bình tưới và làm bộ tưới lên các em. Tôi nói các em là những bông hoa, và chúng ta cần tưới hoa để giữ cho khu vườn thêm đẹp. Một hôm, để tạo sự ngạc nhiên, tôi cho vào bình tưới một ít kim tuyến và nói rằng các em đang tỏa sáng lấp lánh. Các em rất yêu thích điều này.
[1] B. Rogers, Classroom Behavior: A Practical Guide to Effective Teaching, Behavior Management and Colleague Support, 4th edition (Thousand Oaks, CA: Sage, 2015). (Cách hành xử trong lớp học: Hướng dẫn cách giảng dạy, quản lý hành vi và hỗ trợ các đồng nghiệp một cách hiệu quả)
[2] C. Willard, Chăm sóc cả khu vườn, tạp chí The Mindfulness Bell; trích đoạn từ cuốn sách Tâm thức của trẻ em: Chánh niệm có thể giúp trẻ em tập trung hơn, lắng dịu và buông thư hơn bằng cách nào.
[3] C. Willard, Chăm sóc cả khu vườn, tạp chí The Mindfulness Bell; trích đoạn từ cuốn sách Tâm thức của trẻ em: Chánh niệm có thể giúp trẻ em tập trung hơn, lắng dịu và buông thư hơn bằng cách nào.
[4] D. Wilson and M. Conyers, Teaching Students to Drive Their Brains: Metacognitive Strategies, Activities, and Lesson Ideas (Hướng dẫn cho sinh viên cách điều khiển trí óc của mình: Những chiến lược siêu nhận thức, các hoạt động và những ý tưởng cho bài giảng).
[5] D. and N. Flor Rotne, “Four Steps for Deepening Silence,” Everybody Present: Mindfulness in Education (“Bốn bước để có được sự tĩnh lặng”, trích từ cuốn sách Cả lớp đều có mặt: Chánh niệm trong Giáo dục)
[6] Bell, “The Wisdom of Ordinary Children” (Trí tuệ của những đứa trẻ bình thường), tạp chí The Mindfulness Bell 54 (2010).
[7] Buổi vấn đáp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngày 17.4.2012, tại Thượng viện Vương quốc Anh.
[8] J. Reilly, nhạc sĩ kiêm sáng tác ca khúc và cũng là một nhà giáo dục về môi trường, Hoa Kỳ, bài viết “Clap, Tap, Hum, Breathe: Mindful Songwriting with Children” (Chánh niệm trong khi viết bài hát cùng với trẻ em), tạp chí The Mindfulness Bell 71 (2016).
[9] Trích pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngày 24.8.2014, tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu – EIAB với chủ đề “Pháp giới thân” (Our Cosmic Body), đăng trên tạp chí The Mindfulness Bell 68 (2015).
[10] R. Brady, “Mindfulness and Mathematics: Teaching as a Deep Learning Process” (Chánh niệm và Toán học: Dạy học là một quá trình lắng nghe sâu), đăng trên tạp chí The Mindfulness Bell 38 (2005), 38.