Một đời người, một mùa xuân

(Thầy Chân Minh Hy)

Thệ Nhật Sơn, ngày 11 tháng 10 năm 2024

Hôm nay là Ngày tiếp nối của Sư Ông Làng Mai, đó là một cách gọi khác của ngày sinh nhật. Sư Ông thích gọi ngày tiếp nối hơn, vì nó giúp lấy đi ý niệm mình từ không mà trở nên có hay ý niệm về một cái ‘ta’ riêng biệt. Ăn mừng ngày tiếp nối Sư Ông tức là ăn mừng sự tiếp nối Sư Ông nơi mình. Nếu mình có tiếp nối được gì từ Sư Ông, thì mình hãy ăn mừng.

Viết đến đây, tôi cảm thấy rất xúc động bởi vì Sư Ông có quá nhiều thứ để chúng ta tiếp nối, mà chắc chắn là không một mình ai có thể tiếp nối hết được, dù đó là một tăng thân cũng không thể tiếp nối hết được. Sự nghiệp của Sư Ông không những chỉ đang được tiếp nối trong hiện tại mà sẽ biểu hiện dưới rất nhiều hình tướng trong tương lai, không phải vài trăm năm mà hàng nghìn năm. Chỉ cần nhìn vào lịch sử phát triển của đạo Bụt là có thể biết được. Bên cạnh đó, những yếu tố về địa lý, văn hóa và ngôn ngữ không còn là một trở ngại.

Tăng thân Làng Mai khắp nơi, xuất sĩ cũng như cư sĩ đang tổ chức ăn mừng ngày tiếp nối Sư Ông. Ở Làng Mai thì ba xóm sẽ tổ chức ăn mừng Ngày tiếp nối Sư Ông vào chiều mai trong ngày quán niệm của bốn chúng tại Xóm Hạ. Ăn mừng để nhớ về Sư Ông và để nuôi dưỡng mình trong sự có mặt của Tăng thân. Sư Ông biểu hiện thật rõ khi Tăng thân đến bên nhau, như cách mà Bụt Thích Ca đã gọi tất cả các pháp thân của mình trong mười phương trở về để mở cửa bảo tháp của Bụt Đa Bảo. Huynh đệ đến bên nhau là Thầy đã có mặt.

“Mình sẽ cùng nhau trăm ngàn đời nữa
Thành ngân hà sáng ngời giữa không gian
Còn gì cao quý hơn tình yêu ấy
Cùng trời cuối đất rọi khắp mọi nơi
Chiều chiều sớm sớm muối dưa chay lòng
Thầy mãi cùng con mơ giấc Đại Đồng”
 
 
Tranh vẽ của sư cô Trăng Sáng Tỏ
 
 

Đó là đoạn cuối trong trích đoạn Thầy mãi cùng con mơ giấc Đại Đồng trong Trường Ca Thầy Về của thầy Pháp Cẩn. Bài hát được các sư cô trẻ ở Diệu Trạm trình bày trong ngày tiếp nối Sư Ông hôm nay. Chắc chắn khi hát bài này các sư cô đã rất hạnh phúc, và vì thế cho nên người nghe cũng đã có rất nhiều hạnh phúc. Bài hát này lời ca rất trầm hùng không thua gì bài Thệ Nhật Yêu Thương do thầy Pháp Thiên sáng tác. Có những lúc cao vút, như câu:

“Cây bỗng ngừng, hương thắm nồng, ấm áp đất trời âm vang
Mây tan dần, tung gió ngàn, cháy lóe sáng vì sao băng.”
 
Cứ mỗi năm, đến ngày tiếp nối Sư Ông tôi lại thích nghe hai bài này. Nghe cho đến khi đã mới thôi. Có thể nói, cho đến bây giờ thì bài Thệ Nhật Yêu Thương là bài hát về Sư Ông được nhiều người tâm đắc nhất. Bản cover bài này mà tôi thích nhất là do quý thầy, sư cô Làng Mai hát vào năm 2019 trong ngày tiếp nối Sư Ông tại Xóm Mới. Hát đúng cái chất của bài hát.

 

“Vượt trùng khơi đến đây
Khơi nguồn dòng Tào Khê
Thấm mát đất trời Phương Tây
Thệ Nhật Sơn – vòng tay rừng thiêng ôm lấy người con đất Việt.”
 

Lời ca thật nhẹ nhàng, du dương như tiếng sóng vỗ dạt dào, như dòng Tào Khê, một dòng biếc chảy mãi về phương Đông, nhưng giờ đây được khơi nguồn ở phương Tây. Dòng cam lộ trong tịnh bình của đức Quan Âm có khả năng tẩy sạch dấu phong trần cho chúng sinh nay được khơi nguồn tại Thệ Nhật Sơn. Núi đồi, cho đến cây cỏ ở đây đã dang tay ôm lấy người con ưu tú của nước Việt. Vòng tay ấy đã lớn dần theo từng năm tháng để có thể ôm lấy huynh đệ khắp năm châu, là nơi trở về của không biết bao nhiêu người trong hơn bốn mươi năm qua. Có lẽ vì,

“Từ lâu lắm Thầy đã ở đây
Cống hiến bao đêm tuổi trẻ, ánh sáng khát khao vút lên
Tâm linh xưa vang vọng mãi …”
 

Thầy là người giữ gìn ngọn lửa tâm linh đã có từ ngàn xưa để soi đường cho tất cả chúng con ra khỏi rừng mê.

“Một am tranh tháng ngày thong dong bước
Bàn tay gieo hạt để mùa xuân nắng ấm”
 
Các bậc tổ sư từ xưa tới nay vẫn vậy, vẫn thích ở với một am tranh, có không gian, có núi đồi, có mây lồng trước sau, có rừng cây bao quanh. Sự bình dị và gần gũi ấy là nếp sống của các vị. Sư Ông đã sống đơn giản để có đủ thì giờ chăm sóc, vun bón những hạt giống tốt lành trong vườn tâm mọi người. Bàn tay yêu thương ấy có đủ sự cần mẫn, kiên nhẫn, đợi chờ. Thương yêu không bao giờ biết mỏi.
 
“Ngàn thủy tiên vươn mình trong nắng
Ngàn Bồ Tát tùng địa dõng xuất
Từ Pháp Thân Tạng mang lời thề năm xưa đi vào cuộc đời”
 
 

 
 

Bằng tình thương và trí tuệ, Sư Ông đã gọi chúng ta thức dậy, từ trong kho tàng của pháp thân với những lời nguyện xưa vàng đá, để cùng nhau đi vào cuộc đời. Bắt đầu với những bước chân thong dong gieo từng hạt nắng, Sư Ông làm sống dậy những mùa xuân để những mảnh vườn khô héo có thể hé nở những bông hoa thủy tiên tươi thắm, mỗi bông hoa như một vị bồ tát đem lý tưởng thương yêu đi vào cuộc sống, cho đến tùng địa dõng xuất, là một hình ảnh thật vi diệu, nói lên được cái dũng khí của một vị bồ tát.

“Đại dương sâu lan tràn nước mắt
Bàn tay yêu thương
Gọi nắng cho thêm hồng cánh đồng xanh mát thơm mùi mạ non
Hóa từ muối mặn đại dương.”
 

Nếu khổ đau là vô tận thì lòng từ bi của một vị Bồ tát cũng không có ngằn mé. Nếu cần tạo ra bao nhiêu cánh cửa mới để giúp cho mọi người trở về tiếp xúc với nếp sống tỉnh thức thì Sư Ông không bao giờ ngần ngại. Dù con đường có khó khăn thì tình thương ấy có dư để ôm lấy những chông gai. Cái đức lớn của một vị bồ tát là không sợ hãi trước khổ đau của cuộc đời, bởi vì trong ánh sáng của tương tức thì đại dương mênh mông cũng là cánh đồng xanh ngát, khổ đau và hạnh phúc tương tức.

“Đoàn quân nâu
An ban trường kiếm
Dù phong ba, bão táp hay biển lửa
Vững niềm tin sắt son
Khải hoàn ca
Khúc hát vô sinh.”
 

Cuộc đời dẫu có phong ba, bão táp thì ‘đoàn quân nâu’ sẽ dùng hơi thở chánh niệm làm thanh kiếm để chặt đứt những phiền não buột ràng mình và cho cuộc đời. ‘An ban thủ ý’ là tinh hoa của thiền tập đạo Bụt đã có từ ngàn xưa, nay được Sư Ông khai mở và trao truyền. “An ban là đại thừa của các vị Bụt dùng để tế độ chúng sanh đang lênh đênh chìm nổi.” Sư Ông cũng đã dùng cổ xe lớn ấy của các vị Bụt để đưa chúng ta vượt qua những núi sâu, biển lửa. Có thanh bảo kiếm trong tay rồi, chúng ta không còn lo sợ gì nữa.

Khúc hát vô sinh là khúc ca có khả năng làm sống dậy một mùa xuân. Sư Ông đã ca khúc hát ấy và chúng ta sẽ tiếp tục ca khúc hát ấy. Cuộc đời này cần lắm những mùa xuân. Nếu không có mùa xuân thì có gì đáng để chúng ta tạo dựng nữa đâu?