Tình thương của đất mẹ cho con tình yêu sự sống

 Gần 4 tháng qua, kể từ ngày con phát nguyện ăn chay trường và thực tập theo pháp môn của Làng, việc áp dụng 3 bài thực tập phía dưới là những ưu tiên hàng đầu của cá nhân con cũng như gia đình và bạn bè xung quanh con. Chính từ những thay đổi tưởng chừng như bé nhỏ thôi, lại làm cả một hệ thống thay đổi, và đạt được những chuyển biến cũng như hưởng ứng tích cực từ không chỉ bên trong mà tới môi trường sống bên ngoài cùng những mối quan hệ xung quanh.

Con xin mượn chút ngôn từ để chia sẻ chút thành quả bé nhỏ mà bản thân con đã tự chứng nghiệm.

Bài thực tập thứ nhất: Lắng nghe đất Mẹ.

Hằng ngày, con đều thực tập thiền hành và chạy bộ. Buổi sáng, mỗi khi đặt chân lên đất Mẹ bằng những bước chân vững chãi, con tiếp xúc được ánh sáng của mặt trăng đang cùng những ngôi sao toả chiếu bao sự trong lành xuống đất Mẹ. Đất Mẹ vẫn luôn chuyển động, vẫn luôn thở cùng muôn loài trên trái đất này. Mẹ không cần nói, chẳng cần cười, không thể hiện niềm vui, nỗi buồn mà Mẹ vẫn luôn xoay những vòng xoay nhịp nhàng. Mẹ luôn luôn có mặt thật vững bền cho muôn loài qua những tín hiệu thật nhẹ nhàng nào đó.

“Đặt chân trên mặt đất

Là thể hiện thần thông

Từng bước chân tỉnh thức

Làm hiển lộ pháp thân” (Kệ “Quơ Dép” – Thi kệ thực tập chánh niệm Làng Mai)

Mẹ chưa bao giờ kêu ca khi chúng con xây những ngôi nhà thật to lên Mẹ. Mẹ không hề than khi chúng con có lúc rải lên Mẹ những bước chân vội vã và đầy rẫy hận thù, bon chen. Mẹ không trách khi chúng con đã thay nhau vắt kiệt đi vẻ đẹp của Mẹ khi thẳng tay tàn phá những ngọn đồi, những cội cây cổ thụ lâu đời mà Mẹ đã nuôi lớn cho chúng con, mà vẫn bao dung nuôi dưỡng thêm cho chúng con những mầm cây mới. Chúng con đã tranh giành nhau những loài hoa thật đẹp, nhưng con thú thật xinh, những gì mà chúng con cho là có giá trị, để rồi, Mẹ tiếp tục dang tay, ôm lấy những ham muốn đó của chúng con và ban tặng cho chúng con những bụi hoa dại, những ngọn cỏ ven đường hay những con thú mà người đời hay gọi là Vô gia cư.

 

 

Con thương Mẹ vì thấy con người ta tranh giành nhau đủ thứ mà không ai giành quyền để bảo vệ Mẹ?

Con thương nhiều người trong số chúng con sao chỉ vì chút lợi danh trước mắt mà làm tổn thương Mẹ đến kiệt quệ, mệt mỏi như thế?

Con thương cho tất cả chúng con vì mãi cứ biết mỗi bản thân mà quên đi Mẹ, quên rằng chính mình cũng đã từng được biểu hiện tự ngàn đời?

Mẹ là mẹ của trần gian, của mọi loài. Mẹ vẫn ở đó, luôn luôn ở đó. Mẹ mang cơn mưa tới làm dịu mát thế gian, mang cơn gió tới cho những ngày hè nóng bức. Mẹ mang ánh nắng tới sưởi ấm những ngày đông giá.

Mẹ ơi, có phải Mẹ cũng đang mệt lắm không?

Miễn là Mẹ còn quay, ngày đêm vẫn vậy, và lòng người sẽ tiếp tục đổi thay.

Chúng con không chỉ mong ước có thể làm được gì cho Mẹ mà chúng con sẽ từ những bước chân nhỏ, những nụ cười tươi hàng ngày, từng chút một hiểu và thương Mẹ như Mẹ đã làm vì chúng con.

Bài thực tập thứ hai: Lắng nghe chính mình

“Dòng nước tĩnh lặng trôi

Cánh cửa đã mở rồi

Vượt thoát tâm thuần khiết

Thân tâm vẫn lắng yên.

Về phút giây hiện tại

Quá khứ đúng hay sai

Tương lai không cần định

An yên giải thoát rồi!”

Trong một lần thực tập trở về có mặt với chính mình, con nhớ tới lời dạy của Sư Ông từ bức thư pháp: Ta có là ta, ta mới đẹp. Giây phút đó, con đã có chút băn khoăn. Nếu không có tư duy thì con là gì? Nếu không có cảm xúc thì con là gì? Nếu chỉ quay về với hơi thở thì con sẽ trở thành người vô cảm, vô tâm sao? Nếu giận cũng mỉm cười, vui cũng mỉm cười thì con có bị làm sao chăng?

Và khi tiếp nhận sự hướng dẫn thực tập từ quý thầy, quý sư cô, con bắt đầu biết theo sát từng chuyển động trong mình và con dần hiểu hơn thế nào là “ta” và thế nào là “đẹp”. Trong con đẹp và sống động vì có cảm xúc, nhưng sẽ đẹp hơn nếu con hiểu và theo sát được những cảm xúc đó. Con được theo dõi toàn bộ tiến trình thở của mình, được biết thế nào là hơi thở tự nhiên mà bản thân không phải gồng mình lên hay bám víu vào những điều kiện bên ngoài.

 

 

Khi đã có thói quen “quay ra ngoài” quá lâu mới quay về, thời gian đầu con khá khó chịu và vật vã. Khi đã biết đường trở về, con bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc với từng giây phút trong sự sống. Ngay cả khi viết xuống những dòng này, con cũng đang viết trong những hơi thở hoàn toàn bình an của mình. Con không còn cảm thấy bất an khi đối diện với người làm tổn thương con; hay cảm thấy sợ hãi với những chuyện sẽ làm con khổ; cũng không quá đắm chìm vào niềm vui mà quên đi nhiệm vụ chính của “người tu” là biết thực sự trở về. Con được tự do hơn trong việc đưa tâm ý của mình về đúng nơi và biết làm chủ bản thân, không để bị lên xuống bởi những yếu tố bên ngoài như: tiền bạc, địa vị, công danh,… Về với chính mình, con cũng được về và tiếp xúc với gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của con mà không cần phải đi tìm ở bất cứ đâu.

Bài thực tập thứ ba: Lắng nghe người thương

Con rất biết ơn khi mỗi ngày vẫn có cơ hội tiếp xúc với những người thương quanh con và lắng nghe được dòng chảy của sự sống đang lưu nhuận trong từng hiện hữu. Đó là những cội cây quanh nhà, là những hàng cây trên đường con đi làm hay chạy bộ,… Con cảm nhận được màu xanh dịu mát vẫn ở đó, ngày ngày lặng lẽ cho đi yêu thương và hiến tặng sự sống cho chúng con vô điều kiện.

Con được lắng nghe tiếng chim hót mỗi sớm mai thức dậy. Trước đây con không ưa lắm mà cũng rất sợ những âm thanh như thế. Sau khi biết đến sự thực tập, con yêu hơn hình ảnh những chú chim, chú sóc cùng con đón bình minh. Thật vui khi chứng kiến chúng gọi nhau đi kiếm ăn, chào ngày mới. Chúng cùng nhau di chuyển khi mưa giông sắp tới và ẩn nấp khi ánh mặt trời quá chói chang. Những chú chó ưa sủa gâu gâu hay những chú mèo ưa kêu meo meo cả ngày nhưng con hiểu được chúng cần gì, và luôn vui vẻ đi dạo cùng chúng. Hạnh phúc cũng đến khi con đứng đó quan sát sự sống nhiệm màu đang có trong mỗi chú sâu, từng cánh bướm, hay những con bọ bé nhỏ.

 

 

Con lắng nghe được nỗi niềm của bà ngoại con, người đã tần tảo nuôi 4 người con nên người, khiến ai cũng được hưởng sự mạnh mẽ từ thời thuở còn tấm bé cho tới khi trưởng thành. Tuổi đã cao nhưng bà vẫn hàng ngày thức dậy sớm, trồng cây và chia cho các con các cháu, cho chúng con biết tiếp xúc với tình yêu thiên nhiên và muôn loài. Tuy đã không còn nghe rõ nữa nhưng chưa bao giờ tình yêu bà dành cho cuộc sống này vơi đi, chưa bao giờ bỏ lỡ từng cơ hội chào đón một ngày mới.

Con lắng nghe được ông ngoại con, người từng có những lần thất bại trên con đường công danh và đã phải trải qua cuộc phẫu thuật nguy hiểm vì ung thư đại tràng. Nhưng ông vẫn còn đó, chiến đấu với những khó khăn mà bệnh tật mang lại với ý chí mạnh mẽ, kiên cường.

Thương ông bà, con cũng hiểu hơn về bố mẹ con, người đã sinh thành và nuôi nấng 3 chị em con. Bố mẹ đã tần tảo sớm hôm để gây dựng cho chị em con từ một gia đình rất nghèo tới khá giả hơn, để ai cũng được ăn học đầy đủ, có công việc ổn định.  Hơn cả là gia đình huyết thống đã và đang tiếp tục trao truyền cho chúng con một nếp sống luôn có lòng biết ơn. Dù rằng, như bao đứa trẻ khác, chúng con cũng đã từng có những phút lầm lỡ của tuổi trẻ, những lần ngang bướng và chưa hiểu nỗi lòng.

Và thật vui và hạnh phúc khi thấy bà ngoại và mẹ con hàng ngày luôn có thời khóa tụng kinh và rất tôn trọng Phật pháp. Mẹ con trước đây rất hay cáu giận và la mắng mọi người nhưng từ khi biết tới Phật pháp, được nghe pháp thoại, được thực tập thiền lạy, mẹ con đã thay đổi hoàn toàn. Và mẹ cũng phải thừa nhận là trước đây mình chẳng hiểu gì về đạo Bụt cả, giờ càng nghe càng thấy thấm và thấy yêu thương quý thầy, quý sư cô. Và con nhận ra rằng, nếu mình biết thực tập một cách uyển chuyển và tinh tế thì không chỉ bản thân thay đổi, mà cả những người gần nhất cũng sẽ được hưởng nguồn năng lượng bình an đó mà đổi thay tốt hơn.

Từ khi con biết trồng cây, ươm hạt, các nhân viên trong công ty con cũng rất hưởng ứng phong trào trồng cây dù là những loài cây cỏ nhỏ xinh, cho tới những hạt cây bơ, những loài hoa, loại rau mà mình ăn thường ngày.

 

 

Xung quanh gia đình con, mọi người bắt đầu hạn chế ăn thịt mà ăn rau nhiều hơn; biết tìm và sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ai cũng thấy khỏe thêm, nhu cầu tiêu thụ cũng ít hơn trước và thấy có nhiều thời gian với chính bản thân và gia đình của họ.

Con biết xung quanh con mọi người đang đi tìm một điều gì đó rất chân thành, bình yên và tử tế. Nhưng không phải ai cũng mở được lòng mình ra và không phải ai cũng đủ tin tưởng để người khác mở lòng mình mà chia sẻ.

Chẳng thế mà không phải ngẫu nhiên trong Kinh Thương Yêu có nhắc tới hạnh thẳng thắn nếu muốn đạt tới an lạc: “Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, …”

Một khi chúng ta có thể thẳng thắn đối diện với chính mình, thừa nhận cả những điểm hay, điểm đẹp và cả những hạn chế trong mình thì khi đó chúng ta sẽ mang an lạc tới hiến tặng cho đất Mẹ tươi đẹp này!

Con xin nguyện giữ vững sự thực tập của mình, sống sâu sắc, thảnh thơi, để không  làm uổng phí từng phút giây quý giá mà con đang tiếp nhận từ sự sống mầu nhiệm. Đó cũng chính là món quà con xin dâng lên Sư Ông nhân ngày tiếp nối thứ 95 của Người. Con biết ơn Sư Ông rất nhiều vì đã đón nhận tấm lòng của con.

Thương kính,

Vương An – Tâm Nhuận An