Em là nắng, là hoa

Tú Anh

Xóm Mới, ngày 24 tháng 4 năm 2016

Quý sư cô kính thương!

Vậy là hôm nay khóa tu tiếng Pháp tại Xóm Mới, Làng Mai – Pháp đã kết thúc sau một tuần thực tập đầy chánh niệm. Sớm nay con nhìn thấy những nụ cười tỏa nắng, những cái ôm chia tay đầy yêu thương và những lời động viên nhau cùng thực tập chánh niệm mỗi ngày. Con thấy mình thật may mắn. Những ngày được thực tập bên quý thầy, quý sư cô với sự có mặt của Sư Ông, cùng tất cả các bạn thiền sinh là những ngày con được trở lại với chính mình, dành tặng cho chính mình hạnh phúc giản đơn mà sâu sắc.

Cách đây hai năm, khi được tham gia khóa tu cho người trẻ ở chùa Đình Quán – Hà Nội dưới sự hướng dẫn của quý thầy, quý sư cô Làng Mai, con đã mơ ước một lần được tới Pháp, tới Làng Mai, được thấy Sư Ông đi thiền hành cùng đại chúng. Và lần này con đã có trọn vẹn một ước mơ.

Có lẽ nhiều người ở Việt Nam sẽ thắc mắc vì sao tham gia khóa tu ở Làng Mai lại là mơ ước không chỉ của người trẻ mà còn của nhiều lứa tuổi, ngay cả những đứa trẻ mẫu giáo, tiểu học tới những người khiếm thị hay tật nguyền. Có những người sinh hoạt thường ngày còn khó khăn mà họ sẵn sàng thu xếp để được tới và tham gia thực tập một tuần tới ba tuần trong chánh niệm với những thiền sinh khác, với tăng thân trong khóa tu. Con tin rằng nếu được tới tham dự một khóa tu họ sẽ hiểu thật sáng tỏ tại sao những thiền sinh ở khắp nơi trên thế giới luôn có chung một mong muốn có đầy đủ nhân duyên tới Làng Mai hay quay trở về Làng Mai.

Con xin phép chia sẻ những cảm nhận của con tới quý sư cô, thiền sinh Việt, tới những người bạn cùng chung ước mơ tới Làng Mai với con. Con vô cùng biết ơn Sư Ông đã có mặt cùng đại chúng ở Xóm Mới những ngày qua để đại chúng nhận được nguồn năng lượng chánh niệm lớn từ Người, được thấy rõ “Ước hẹn với sự sống” của Người. Lòng biết ơn của con cũng hướng về quý thầy, quý sư cô đã chăm sóc, quan tâm, hướng dẫn, truyền dạy, và cả những bữa cơm bằng tình thương và chánh niệm của quý sư cô trong suốt khóa tu một tuần không quản mệt mỏi, mưa gió.

Con được tham gia thực tập với gia đình mang tên “Enfant de la Terre” (“Những đứa con của đất Mẹ”), với các bạn trẻ Pháp, Mỹ từ độ tuổi 18 đến 35, chỉ có mỗi con là người Việt. Vì khả năng ngoại ngữ của con chưa thực sự tốt, nên con thực tập lắng nghe sâu nhiều hơn rồi sau đó mới mạnh dạn chia sẻ với các bạn trong gia đình về sự thực tập của con khi ôm ấp khổ đau, cô đơn và sự chuyển hóa sau đó như thế nào. Con có nhiều ấn tượng với sự thực tập tinh tấn và hết lòng của các bạn. Từ việc làm vườn, phân loại rác tới thiền hành, ăn cơm trong chánh niệm, im lặng hùng tráng, nghe chuông, nghe pháp thoại, pháp đàm và nhận Năm giới

Trong khi pháp đàm, con đã thấy sự chia sẻ hết lòng từ các bạn. Những giọt nước mắt, những ánh mắt đồng cảm yêu thương trao nhau trong sự lắng nghe sâu. Con rất ngưỡng mộ sự quyết tâm  thực tập của các bạn trẻ phương Tây. Họ không hiểu là họ sẽ hỏi và tìm hiểu cho bằng được mới thôi. Họ nhận thấy họ làm được là họ thực tập hết lòng, không ngần ngại, không đắn đo. Đó cũng là sự khác biệt và là điều mà nhiều bạn trẻ Việt Nam như con cần phải học hỏi.

Mặc dù lần này con chưa thọ Năm giới nhưng con đã nguyện thực tập tinh thần của Năm giới từ khá lâu. Con thực sự cảm nhận được hạnh phúc trong con, trong tăng thân và nhóm Vườn Bông (nhóm các bạn trẻ cùng thực tập pháp môn Làng Mai tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ gần Paris) khi chúng con lắng nghe nhau bằng tất cả trái tim, không phán xét hay so sánh hơn thua. Có những việc tưởng chừng rất hiển nhiên như lắng nghe hay nói với nhau bằng ái ngữ nhưng trước đây dường như chúng con lại không nhận ra nó đem lại hạnh phúc cho chúng con nhiều như thế nào!

Con cũng rất xúc động và vui khi tham gia buổi thực tập Làm mới do Sư cô Chân Không hướng dẫn. Con thấy những tiếng cười, những sự chia sẻ từ tận đáy lòng của cặp vợ chồng Pháp đó và cả những giọt nước mắt xúc động của người vợ khi nghe được lời xin lỗi từ người chồng. Rồi họ thiền ôm trong sự chứng kiến và hạnh phúc của tất cả mọi người. Có lẽ chẳng có ngôi chùa nào lại mang đến nhiều tiếng cười, nước mắt hạnh phúc đến như vậy cho các cặp vợ chồng. Họ không chỉ hiểu và thêm thương nhau mà còn hàn gắn, giải tỏa được những hiểu lầm từ bao lâu nay. Với con, pháp môn “Làm mới” giống như một phép màu cho cuộc sống gia đình trong thời đại ngày nay vậy!

Trước đây, cũng giống nhiều người bạn của con, chúng con “sợ thiền” lắm. Nhắc đến thiền là giống như một phương pháp thực tập cao siêu, để có thể ngồi yên, thở nhẹ và không suy nghĩ gì hết, giống như việc chỉ dành cho người xuất gia và rất phi thường. Nhưng những ngày được thực tập với các sư cô ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ rồi về Làng Mai tham gia khóa tu con không thấy lạ lẫm. Con bắt nhịp được ngay với phương pháp thực tập thiền bất cứ khi nào, như khi bước đi, khi ăn, nghe chuông, khi rửa bát, làm vườn, hay khi ngắm một bông hoa và nghe tiếng chim hót ríu rít trên cành. Con nhận ra một cách rõ ràng hơn rằng thiền là con biết con đang nhai cơm, thiền là con biết con đang chạm vào bức tường, hay nắm tay một người bạn.

Thiền đơn giản chứ đâu có gì cao siêu, thần thông hay phép thuật. Rồi thiền là cái nhìn sâu hơn trong con, trong mỗi  con người mặc dù nhỏ bé đấy nhưng chứa đựng sự trao truyền to lớn của cha mẹ, tổ tiên, của đất trời, văn hóa, truyền thống, nét đẹp tâm linh của cả một dân tộc. Thiền là thấy được rõ hơn trong mỗi bữa ăn là sự mầu nhiệm của thiên nhiên, là sự lao động cực nhọc mà hết lòng của người nông dân và tình thương của người nấu. Trong khóa tu chúng con luôn được nhắc đọc Năm quán trước khi ăn để gửi lòng biết ơn tới đất Mẹ, tới thiên nhiên, bầu trời xanh cao rộng, tới quý sư cô, người cha, người mẹ, người anh, người chị… đã dành thời gian để chế ra những món ăn chứa đựng tình thương và bao dung với muôn loài.

Sẽ thật thiếu nếu không chia sẻ với các bạn thiền sinh không tới tham gia khóa tu năm nay về buổi thiền hành ở xóm Mới có sự có mặt của Sư Ông Làng Mai. Chúng con đứng vòng tròn cùng hát, Sư Ông với ánh mắt thật sáng ngắm nhìn chúng con. Dường như Sư Ông đưa mắt nhìn được từng gương mặt, dù có thể người đó đứng xa hay bị khuất ở đằng sau. Nước mắt con cứ rơi, rơi hoài trên má khi thấy Sư Ông gọi các em nhỏ lại để cùng chơi đùa. Mặc dù không nói gì nhưng sự có mặt của Sư Ông và tất cả những cử chỉ, ánh mắt đủ để chúng con cảm nhận thấy Sư Ông bây giờ đây hay mãi sau nữa vẫn sẽ luôn bên cạnh chúng con trong mỗi bước chân thiền hành.

Trước đây ước mơ của con là tới Làng Mai thật mau, thật nhanh để được gặp Sư Ông khi Sư Ông còn khỏe. Con biết nỗi sợ hãi mất mát đi một điều gì đó, một ai đó là nỗi sợ từ hàng ngàn kiếp nay luôn có trong mỗi người. Chúng con sợ không được thấy Sư Ông nữa, đó là nỗi sợ chung của nhiều thiền sinh trên thế giới. Nhưng sau những ngày thực tập tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ với quý sư cô và sau đó là ở xóm Mới con nhận ra rằng Sư Ông dù không có mặt như cách chúng con muốn nhưng Sư Ông vẫn ở ngay đây, trong quý thầy, quý sư cô, trong những lời giảng, hay trong sự lắng nghe sâu ở mỗi buổi pháp đàm hay khi con biết ngồi yên và thở nhẹ… Con chợt nhận ra cái cảm giác sợ mất mát đó tan biến. Con dừng bút và chắp tay lạy xuống vì con ý thức rằng nếu con biết giữ chánh niệm thì con sẽ cảm thấy rõ ràng hơn sự có mặt của Sư Ông, của quý thầy, quý sư cô bên con cho dù con có ở đâu trên quả địa cầu này đi nữa.

Con muốn viết thật nhiều và chia sẻ hết những cảm nhận con có được sau thời gian tu tập theo pháp môn Làng Mai, nhưng thư cũng đã dài và con tin rằng mỗi thiền sinh tới Làng Mai sẽ dành tặng cho chính bản thân mình những hạnh phúc nhỏ bé, những cảm nhận thật riêng. Đó là những hạt giống nuôi lớn tâm hồn, đời sống tâm linh của riêng mỗi con người và cho cả cộng đồng, dân tộc.

Đây là bài thơ nhỏ xíu con viết sau khi đi thiền hành:
Đau khổ làm chi, em là hoa là nắng
Làm đóa hoa rạng rỡ góc vườn tâm
Em biết thở, biết cười là nỗi buồn đi vắng
Ngẩng mặt trông, em sẽ thấy bầu trời xuân. 

Con sẽ luôn ghi nhớ câu Sư Ông từng nói: “Không có bùn sao có hoa sen” để nuôi dưỡng và ôm ấp những khổ đau, vui buồn trong cuộc sống đầy màu sắc này!

Con xin phép thay mặt các bạn trong gia đình Enfant de la Terre và thiền sinh trong khóa tu này cám ơn quý sư cô một lần nữa vì hết lòng chăm sóc, truyền dạy pháp môn thực tập cho thiền sinh chúng con.
Kính thư,
Con: Tú Anh