Sự sống có còn sau khi chết?
Trong đạo Bụt, chúng ta nói về tính tương tức của vạn vật, nghĩa là không ai trong chúng ta có thể tồn tại một cách biệt lập, riêng rẽ. Chúng ta phải tương tức với những thành phần khác. Nó cũng giống như bên trái và bên phải. Nếu bên phải không có đó thì bên trái cũng không thể có mặt. Nếu không có bên trái thì cũng không có bên phải. Không thể nào có thể lấy bên trái ra khỏi bên phải hoặc lấy bên phải ra khỏi bên trái. Sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống thì nơi đó có cái chết và nơi nào có cái chết thì nơi đó có sự sống. Điều này cần phải quán chiếu kỹ mới có thể hiểu được.
Khi chúng ta biết sinh và diệt luôn có mặt đồng thời với nhau thì chúng ta không còn sợ hãi cái chết. Bởi vì chính giây phút mà cái chết xảy ra thì sự sống cũng đồng thời sinh khởi. La vie est avec la mort (Sự sống luôn đi liền với cái chết). Chúng không thể tách rời. Để chứng nghiệm được điều này đòi hỏi phải có một sự thiền quán rất sâu. Ta không nên chỉ dùng trí năng để thiền quán. Ta phải quan sát sự sống trong từng giây từng phút của đời sống hàng ngày. Ta sẽ thấy rằng sinh và diệt tương tức với nhau, điều này xảy ra đối với vạn vật, từ cây cỏ, cầm thú, thời tiết, vật chất và năng lượng. Các nhà khoa học cũng đã tuyên bố rằng không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự chuyển biến từ hình thái này sang hình thái khác mà thôi. Vì vậy chỉ có sự chuyển biến là có thật, còn sinh và diệt là những cái không có thật. Những gì mà ta gọi là sinh và diệt thì đó chỉ là sự chuyển biến mà thôi.
Chúng ta cần sống đời sống của mình một cách chánh niệm hơn, với sự định tĩnh để có thể tiếp xúc một cách sâu sắc với những gì đang diễn ra trong ta và xung quanh ta. Và khi đó, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với bản chất chân thực của thực tại, đó là bản chất không sinh không diệt. Đạo Bụt gọi đó là Niết bàn (Nirvana). Niết bàn chính là bản chất không sinh không diệt. Trong đạo Thiên chúa, ta có thể gọi đó là Thượng Đế. Thượng Đế chính là bản chất không sinh, không diệt của chúng ta. Chúng ta không phải đi tìm Thượng Đế. Thượng Đế chính là bản tánh chân thật của chúng ta.
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)