Ngọn lửa ngày đông – Lá thư từ Paris
Đây là lá thư của một em thiền sinh trẻ sinh hoạt với tăng thân ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris. Đọc thư em các bạn sẽ cảm được niềm vui và niềm tin ở sự thực tập của em, song song với sự nương tựa và tin cậy của em đối với Bụt, Pháp, với Thầy và với Tăng thân. Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ. BBT
Pháp đàm
Tăng thân Hơi Thở Nhẹ thương quý,
Tối nay, 24/12/2012 là một dịp để những gia đình theo truyền thống Phương Tây được ngồi bên nhau và chia sẻ với nhau những niềm vui trong giờ phút đoàn tụ.
Tối nay con may mắn có thời gian để ngồi viết thư này, chia sẻ với quý cô bác và anh chị em về những niềm hạnh phúc mà con đã có từ hôm qua tới giờ, mong có thể đóng góp thêm bên cạnh những niềm vui sẵn có của mọi người. Lễ Giáng Sinh ngày nay là ngày lễ gia đình mà, cũng giống như Tết Nguyên Đán ở nhà mình ấy. Lễ Giáng Sinh vốn là ngày lễ mang tính tôn giáo. Con dành tối nay để viết thư cho gia đình tâm linh của con, những người đã ở bên và nâng đỡ con trong thời gian qua.
Hôm qua (chủ nhật 23/12), ngày sinh hoạt ở Thiền đường đã để lại cho con một ấn tượng rất đẹp.
Ngày quán niệm của người Việt kì này không đông như mọi lần, vì nhiều cô bác vắng mặt, có lẽ vì cũng bận đi chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh và những việc khác. Nhưng Thiền đường vẫn rất ấm áp và tràn ngập không khí gia đình.
Buổi sáng, đại chúng được nghe bài phỏng vấn Sư Ông do bác Ngọc Ngạn thực hiện (một người nổi tiếng về viết truyện ma hỏi thăm một vị Thầy dạy giáo lí của Bụt). Trà lời phỏng vấn cho chủ đề về mẹ, Sư Ông chia sẻ về đoản văn “Bông hồng cài áo“, qua đó chúng ta được gặp lại những lời dạy giản dị của Sư Ông về tình mẹ con và được nhắc nhở về sự may mắn của mình nếu vẫn đang còn mẹ. Tiếp theo, đại chúng cùng nghe một pháp thoại Sư Ông đã giảng cách đây mấy năm, tiêu đề pháp thoại là “Soi sáng trong gia đình“. Con rất hạnh phúc khi được nghe lại pháp thoại này của Sư Ông. Nghe Thầy giảng thì mình được mở mang, được sáng tỏ nhiều điều, để biết đường mà tu học. Tu học một chút rồi nghe lại pháp thoại thì mình càng hiểu thêm, càng thấm thía, và lại đón nhận mưa pháp một lần nữa để cho những hạt mầm của tình thương và sự hiểu biết trong mình càng lớn thêm. Đại chúng trong tăng thân mình thuộc nhiều lứa tuổi. Có lẽ mỗi người nghe Sư Ông giảng sẽ đón nhận theo những cách riêng, sẽ được đánh động ở những khía cạnh riêng.
Khi nghe pháp thoại “Soi sáng trong gia đình”, được Sư Ông nhắc nhở về tầm quan trọng của việc ý thức được về Tịnh Độ trong gia đình mình, nghĩa là trân quý sự có mặt của những người thương của mình… thì bên trái con là cô Hiệp và em Quỳnh Lan, bên phải con thì có chị Đài Trang và bé An Claire, xung quanh con là tăng thân đang rất chăm chú lắng nghe những lời dạy quý báu của Sư Ông. Con cảm nhận được hạnh phúc của những người mẹ, người con đang có mặt bên nhau trong giây phút ấy.
Chúng ta là những người con, người mẹ, người cha, người chị, người anh, người em, người cháu, người chồng, người vợ… Nếu mình biết trở về với hải đảo tự thân của mình, biết thiết lập Tịnh Độ ở ngay nơi mình đang ở, rồi đón những người xung quanh mình vào không gian thiêng liêng ấy, cho họ cùng bước chân lên mặt đất bình an ấy, thì làm sao mà mình không được an vui, làm sao mà không có hạnh phúc!
Nghe pháp thoại xong, đi thiền hành với tăng thân cũng là khoảng thời gian con rất hạnh phúc. Mỗi lần đi thiền hành với tăng thân, con đều hạnh phúc, nhưng con toàn… nuốt vui vào bụng thôi, hôm nay mới mang ra chia sẻ với mọi người. Sư Ông vẫn dạy tăng thân mình “đi như một dòng sông”, mình đi như thế nào để không còn chạy theo những mộng tưởng viển vông nữa, để tiếp xúc được với những vẻ đẹp thật sự đang hiện hữu trong giây phút hiện tại, dưới mỗi bước chân mình, xung quanh mình, cũng như trong chính mình. Tăng thân là một biểu tượng của sự đoàn kết, của tình huynh đệ, của sự lắng nghe, cảm thông và thanh tịnh. Đi trong tăng thân là đi trong vẻ đẹp nhiệm màu. Đi trong tăng thân và thấy rõ Tăng Thân thì mình sẽ tiếp xúc được (dù chỉ chút chút thôi cũng tốt rồi!) với Phật Thân và Pháp Thân. Chỉ thở và bước đi thôi mà đã chạm tới những sự thật tuyệt diệu ấy rồi!
Bữa trưa, vẫn là ăn cơm nghi thức, nhưng tăng thân quây quần thành một vòng tròn xung quanh một cây thông nhỏ. Con thấy ngồi thành vòng tròn như thế (thay vì ngồi thành hai phía như thường lệ) trong khi ăn cũng rất hay, vì con gần như thấy được tất cả mọi người, và thật sự thuận tiện khi muốn thực hiện việc “ý thức về tăng thân bao quanh”, như trong lời nhắc nhở quán nguyện khi ăn. Ý thức thì không nhất thiết phải nhìn, nhưng khi nhìn thấy bằng mắt thì sự ý thức càng dễ dàng hơn.
Sư cô Gia Nghiêm rất từ bi khi sẵn lòng nhận hướng dẫn thiền buông thư trên Thiền đường, dù lẽ ra sẽ không có thiền buông thư do chưa có ai chuẩn bị để hướng dẫn. Đại chúng rất hoan hỉ. Con cũng thấy rất vui.
Ở nhà dưới, chú Henri cũng vẫn tặng cho mọi người sự có mặt khiêm nhường và tình thương của chú qua những bài tập Viet Tai Chi.
Thời khóa pháp đàm buổi chiều được mở đầu bằng một màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc. Con rất biết ơn các sư cô đã có sáng kiến cho mở đầu buổi pháp đàm bằng chương trình âm nhạc, hơn nữa chúng ta còn may mắn có những người nghệ sĩ rất tài hoa trong tăng thân. Cảm ơn Bảo Ngọc, Quang Khánh, Quỳnh Lan và chú Ứng Long vì đã đóng góp những tác phẩm tuyệt vời. Con thấy rất ấn tượng với sự kết hợp thành công của hai nghệ sĩ dương cầm Quỳnh Lan và Bảo Ngọc, ngẫu hứng mà rất hài hòa. Bé Quang Khánh tặng cho tăng thân một giai điệu violin mượt mà và tươi sáng, trên nền nhạc piano của chị gái, một sự hòa quyện không chỉ có tính nghệ thuật mà còn đong đầy tình thương. Sư cô Nguyệt Nghiêm cho đại chúng hát bài “Một ngón tay nhúc nhích”, hay quá là hay! Lần đầu tiên con nghe bài hát đó, nó quá đơn giản nhưng mà quá đúng, không có ai trong đại chúng hát bài đó mà không cười nắc nẻ cả, hạnh phúc vô cùng! Ở giữa buổi pháp đàm, sư cô Văn Nghiêm còn tặng cho tăng thân bài hát rất dễ thương của sư cô nữa.
Buổi pháp đàm lần này có sự chia sẻ của sư cô Nguyệt Nghiêm, sư cô Văn Nghiêm, sư cô Cảnh Nghiêm, sư cô Phùng Nghiêm, và ngay cả sư cô Vịnh Nghiêm cũng lên tiếng. Có lẽ đây là một dịp may hiếm có để tăng thân mình được nhiều sư cô chia sẻ đến thế trong cùng một buổi, các sư cô nên phát huy nhé!!!
Buổi pháp đàm đối với con rất là nuôi dưỡng. Ngồi nghe mọi người chia sẻ, con được đón nhận trọn vẹn cả ba loại thức ăn là xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Con biết ơn cô Ngọc Anh và chú Ứng Long đã chân thành chia sẻ với tăng thân về kinh nghiệm của bản thân về việc nhận diện tập khí của mình và tầm quan trọng của sự lắng nghe để thiết lập Tịnh Độ trong gia đình. Con thấy chú Tín nói rất đúng, việc cô chú cùng nhau có mặt với tăng thân, đặc biệt trong lúc mình đang có thao thức (khó khăn) lớn, là một cái phước lớn. Nhưng đó không phải chỉ là phước của cô chú, mà còn là phước của tăng thân nữa, khi tăng thân có cơ hội có mặt cùng cô chú thì cả tăng thân cũng đang được nuôi dưỡng rất nhiều.
Chị Đài Trang chia sẻ về kinh nghiệm thực tập trong gia đình cũng rất tuyệt, chị nhắc nhở chúng ta về việc “tưới tẩm hạt giống tốt trong nhau”. Muốn tưới tẩm được hạt giống ở người khác thì chính mình phải tưới tẩm những hạt giống tốt trong mình đã, và cũng phải tránh tưới cho những hạt giống xấu trong mình nữa. Chị gợi lại một lời nhắc nhở của sư cô Phùng Nghiêm là: “Nếu buổi sáng thức dậy mà mình không tiếp xúc với cái gì đẹp thì ngày hôm đó mình sẽ rất khổ, trong suốt 24 tiếng”, và Sư Ông cũng đã dạy mình là: “Thức dậy miệng mỉm cười / Hai bốn giờ tinh khôi / Xin nguyện sống trọn vẹn / Mắt thương nhìn cuộc đời”. Mình bắt đầu ngày mới với ý thức là mình còn đang sống, đang tiếp xúc với sự sống và còn gặp được những người thân, người quen của mình, thì mình may mắn quá rồi, phải không cả nhà?
Buổi pháp thoại này, con thấy tăng thân chia sẻ những điều rất quý báu, con vô cùng biết ơn các sư cô, các cô chú và anh chị.
Mỗi chúng ta đều có thể có những khó khăn trong cuộc sống. Có những khó khăn đủ lớn để khiến chúng ta muốn buông xuôi, muốn vứt bỏ tất cả, kể cả những gì mình rất trân trọng và sợ phải lìa xa. Khi ấy thì sự có mặt của tăng thân là cần thiết. Tăng thân có mặt để yểm trợ năng lượng cho mình, và nhắc nhở mình tinh tấn hơn trên con đường tu học. Tăng thân có mặt cho mình cũng tức là có mặt thay mặt cho Sư Ông, cho chư Tổ, chư Bụt và Bồ Tát nữa. Phước báu lớn biết bao nhiêu! Mình nên trân trọng.
Mình có đường đi rồi, không cần phải sợ nữa. “Khổ đau từng nuôi ta lớn lên” mà, nếu mình gắng tu tập và vượt qua được những khó khăn trước mắt thì mình sẽ lại có thêm cơ hội để trưởng thành, để thêm vững mạnh.
Dư âm hạnh phúc từ hôm qua vẫn chưa hết, thì hôm nay (thứ hai 24/12) con lại được bạn con gửi cho một phim Phật Giáo tên là “Nghịch tử”. Nghe tên phim thì hơi tiêu cực một chút, nhưng đây là một phim điện ảnh được phát hành vào mùa Vu Lan năm qua (tháng 8/2012). Đây là một phim của Việt Nam, đối với con thì nội dung phim khá là nhẹ nhàng và dễ hiểu, nhưng đã truyền tải được thông điệp mở đầu: “Hãy yêu thương và trân quý cha mẹ khi cha mẹ còn sống, đừng để cha mẹ mất rồi mới hối hận thì không kịp nữa”.
Con mong là trong những ngày đông giá lạnh, tình thương sẽ cho chúng ta thật nhiều năng lượng để cả thân thể và tâm hồn của chúng ta luôn ấm áp, có sức mạnh để vượt qua mọi chướng ngại trước mắt, tinh tấn trên con đường tu học để chuyển hóa được khổ đau ở bản thân và góp phần mang lại sự yên vui cho mọi người, mọi loài trên thế giới.
Con thương chào cả nhà,
Đông Hy