Mình có trong nhau (We Inter-are)

KHÓA TU ĐẠO ĐỨC ỨNG DỤNG TẠI MCU, THÁI LAN

Tôi đến thủ đô Bangkok của Thái Lan vào buổi trưa nắng nóng ngày 03.04.2013. Anh tài xế taxi vì không biết đường nên đã chở chúng tôi về Viện Đại Học Hoàng Gia MahaChulalongkornrajavidyalaya (MCU) mất hơn hai giờ đồng hồ thay vì chỉ cần khoảng 40 phút. Tuy vừa mệt vừa đói và phải liên tục gọi điện hỏi đường nhưng cả ba trên xe đều tỏ ra rất an nhiên và tự tại vì “hạnh phúc chính là con đường”. Đến trường MCU gần 2 giờ chiều, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đồ sộ của ngôi trường, nơi sẽ diễn ra khóa tu “Đạo đức ứng dụng” của Thầy Làng Mai từ ngày 04.04 đến ngày 08.04. Đây là trường Đại học Hoàng gia Phật giáo lớn nhất Thái Lan cách trung tâm Bangkok khoảng gần một tiếng rưỡi lái xe.

Đang vào thời điểm nghỉ hè nên khuôn viên trường vắng vẻ và yên tĩnh vô cùng. Khóa tu được tổ chức tại khu hội trường chính của trường với tầng trệt là nhà ăn có sức chứa khoảng 1000 người và tầng một là hội trường lớn dành cho pháp thoại và các thời khóa chính. Do đến sớm một ngày nên chúng tôi tạm ở chung với các sư cô trong ban tổ chức vốn đã đến đó từ trước để chuẩn bị cho khóa tu. Nơi nghỉ ngơi là khu vực lớp học có quạt máy và điều hòa, chiếu gối mền đều được sắp xếp sẵn cho 20 người trông rất gọn gàng và ngăn nắp. Từ khu lớp học được dùng là chỗ nghỉ ngơi cho thiền sinh đi qua khu hội trường để ngồi thiền và nghe pháp thoại, chúng tôi phải đi qua một hồ nước thơ mộng và rộn ràng tiếng chim hót. Đó cũng chính là con đường mà Thầy dẫn chúng tôi đi thiền hành mỗi buổi sáng trong suốt khóa tu ở nơi đây…

Ngày thứ hai ở trường, tôi gặp lại nhiều thầy và nhiều sư cô đến từ các nơi khác nhau về tham dự khóa tu. Buổi trà sáng bên bờ hồ tràn ngập tiếng cười tao ngộ, ấm áp thân tình. Chiều hôm đó thiền sinh lần lượt đến trường đăng ký và nhận phòng cho khóa tu dưới sự hướng dẫn tận tình của các tình nguyện viên Thái Lan. Nhìn nét mặt ai cũng hồ hởi dưới cái nắng và nóng của Bangkok, lòng tôi thấy vui và tràn ngập hạnh phúc. Cũng đã nhiều lần tham dự các khóa tu quốc tế của Làng Mai nhưng trong tôi vẫn còn có những cảm xúc rất đặc biệt của buổi ban đầu. Đây là khóa tu với chủ đề về giáo dục nên danh sách đăng ký hầu hết là các giáo sư, giảng viên, thầy cô giáo hoặc những người làm việc trong ngành giáo dục đến từ các nước khác nhau trên thế giới. Trong danh sách đăng ký cũng có rất nhiều Tăng Ni sinh. Cũng vào buổi chiều hôm đó khi hoàng hôn xuống bên bờ hồ, hình ảnh đoàn chư Tăng Thái Lan đi thành từng hàng vào thiền đường để nghe Thầy hướng dẫn tổng quát là một hình ảnh rất đẹp trong mắt tôi…

 

Thiền hành bên hồ

Buổi thiền sáng bắt đầu trong không khí trang nghiêm và giọng hô canh ấm áp bằng tiếng Việt. Thiền hướng dẫn sau đó bằng hai ngôn ngữ Anh và Thái giúp cho thiền sinh theo dõi hơi thở và thực tập thiền quán. Sau khi xả thiền, chúng tôi được hướng dẫn để thực tập sám pháp địa xúc như những đứa con đang tâm sự với Bụt, với Đất Mẹ. Tôi chợt nhớ có lần một vị ni sư nói với tôi rằng khi năm vóc sát đất, con không cần phải suy nghĩ gì hết mà chỉ cần theo dõi hơi thở với tâm vô niệm cũng đủ là tặng phẩm vô giá cúng dường chư Bụt và Bồ Tát rồi. Tôi luôn thực tập sám pháp địa xúc hết lòng vì đối với tôi mỗi khi tâm lao xao bận rộn bụi trần thì đó là những phút giây quý báu được quay trở về tiếp xúc với Bụt trong tôi và ngoài tôi. Tiếp sau đó là buổi đi thiền hành cùng với Thầy quanh bờ hồ. Một hình ảnh đẹp nữa hiện ra trong mắt tôi với dòng người thiền hành trong nhiều sắc màu của đạo Bụt từ màu vàng, màu đỏ hay màu trắng của Nam Truyền đến màu nâu, màu lam của Bắc Truyền. Ý niệm khởi lên trong tôi là cái đẹp của sự tương tức, cái đẹp của hòa hợp, của tình thương và sự hiểu biết. Ngồi yên bên bờ hồ, nghe tiếng chim hót rộn ràng, ánh mặt trời phản chiếu xuống mặt hồ tĩnh lặng khiến cho tâm hồn của bất cứ ai cũng có thể lặng tĩnh theo hơi thở của mình. Một chú chim bay lượn trên bầu trời, bất chợt sà xuống mặt hồ hót líu lo. Tôi nhìn theo và thấy mình với trời xanh mây trắng, với chú chim, với mặt hồ…đều là một đó thôi!

Gia đình pháp đàm của tôi có tên là Chánh Mạng (Right Livelihood). Các thành viên đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau như Thái, Indonesia, Bhutan, India, USA, Italy, Australia, Việt nam… Những chia sẻ của họ thật hay và nuôi dưỡng cho tôi rất nhiều. Và trái đất thật là tròn khi vô tình tôi lại được gặp những người bạn trên facebook trong khóa tu và cùng chung trong gia đình pháp đàm. Chúng tôi chia sẻ từ trái tim về những kinh nghiệm thực tập của chính mình, về bài pháp thoại, về những suy nghĩ sau khi nghe những buổi thuyết trình, hay những lúc thực tập ngồi thiền, thiền hành, ăn cơm hay im lặng hùng tráng. Không kinh điển, không lý thuyết hay giáo điều, các thành viên chúng tôi đến với nhau và ngày càng thân thiết và gắn bó như một gia đình tâm linh. Có một anh bạn người Bhutan chia sẻ  trong buổi pháp đàm thứ ba của khóa tu rằng 3 ngày trôi qua của anh ấy có thể mô tả theo thứ tự bằng 3 từ cold – cool – warm (lạnh – mát – ấm) để nói lên cảm giác của anh ấy đối với mọi người xung quanh mình…

 

Gia đình Pháp Đàm Chánh Mạng

Khóa tu lần này có một cái rất mới đối với tôi. Đó chính là các buổi hội thảo (workshops) theo chủ đề. Ban tổ chức khóa tu chuẩn bị sẵn các chủ đề trên bảng thông báo để thiền sinh suy ngẫm và lựa chọn chủ đề mà mình quan tâm rồi sau đó mới đăng ký tên mình vào workshop tương ứng. Những chủ đề workshop rất thực tế và ứng dụng ví dụ như là thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày, thực tập ái ngữ và lắng nghe, thực tập kiềm chế cảm xúc khi mối quan hệ bị đổ vỡ hay mất mát, thực tập kiềm chế cảm xúc mạnh cho trẻ em, thực tập làm mới….Chọn chủ đề “ái ngữ và lắng nghe”, tôi đã được thực tập lắng nghe chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm của rất nhiều thiền sinh đến từ khắp nơi khác nhau: những kinh nghiệm trong việc áp dụng ái ngữ và lắng nghe vào trường học, chia sẻ từ những người đã từng trải qua một thời là học sinh – sinh viên có nội kết với thầy cô giáo, hay chia sẻ từ trái tim của những người thầy đối với học trò của mình. Tất cả đều là những bài học hay và bổ ích cho tôi cả.

 

Vấn đáp với Sư Ông

Tuy nhiên, những bài pháp thoại và buổi vấn đáp với Thầy vẫn gây ấn tượng nhất cho tôi trong khóa tu này. Tình thương của Thầy dành cho mọi người được biểu hiện trong từng lời giảng, từng câu trả lời rất chi tiết và tỉ mỉ của Thầy. Thầy dạy từ cách thở chánh niệm, cách thỉnh chuông chánh niệm, cách lắng nghe và ái ngữ và kể cả các cách thực tập để có thể duy trì và nuôi dưỡng sau khi trở về nhà hay đem vào áp dụng trong trường học. Những cái tưởng chừng như rất đơn giản nhưng hầu như chúng ta đều không biết cách thực tập và áp dụng vào cuộc sống để mang lại hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng và xã hội.

Buổi lễ truyền giới trong ngày cuối cùng của khóa tu diễn ra trong không khí thật trang nghiêm và long trọng. Hơn 2/3 thiền sinh đăng ký nhận Năm giới quỳ lạy trong thiền đường khiến lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Sau đó, lại một lần nữa hình ảnh nhiều sắc màu nắm tay nhau hát bài Không đến – Không đi (No coming, no going) lay động lòng người. Trong tiếng được tiếng mất, tôi nghe vị sư Thái đại diện cho MCU nói lên lời cảm ơn Thầy và tăng đoàn Làng Mai đã đem lại cho họ cái gọi là “Con đường Bồ Tát”…

Chào tạm biệt nhau, chúng tôi rời khỏi trường MCU mang trên người chiếc áo có dòng chữ thư pháp của Thầy “Happy Teachers will change the world”. Đúng vậy, nếu tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc, chúng ta hạnh phúc thì cả nhân loại sẽ hạnh phúc.

Sadhu, Sadhu, Sadhu!

Sài Gòn 14.04.2013

Mỹ Hằng (Tâm Minh Đăng)