Hạnh phúc và sức khoẻ tinh thần trong trường học

(Trích từ cuốn “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” – Sư Ông Làng Mai và Katherine Weare)

 

 

Hạnh phúc và sự khoẻ mạnh về tinh thần (well-being) là đề tài càng ngày càng được công nhận chính thức để đưa vào lớp học cho các học sinh nghiên cứu. Một phần là vì ngày càng có nhiều căn cứ khoa học chứng minh tầm quan trọng của đề tài này; mặt khác, vấn đề hạnh phúc và sự khoẻ mạnh tinh thần có liên hệ tới việc học tập của học sinh. Trong phần này, chúng tôi đưa ra một vài ví dụ cụ thể và tạo nhiều cảm hứng về cách thức mà một số giáo viên đã áp dụng phương pháp của Làng Mai và tinh thần của phép thực tập chánh niệm thứ hai (trong Năm phép chánh niệm) vào lớp học của mình. Các giáo viên này đã mời học sinh đủ mọi lứa tuổi cùng quan sát và nhìn lại xem thói quen và sự lựa chọn có ảnh hưởng tới hạnh phúc của các em như thế nào.

Người lớn thường lo sợ rằng người trẻ đi tìm hạnh phúc bằng những con đường sai lầm, quá chạy theo vật chất, sử dụng phương tiện truyền thông, công nghệ và ma tuý để chạy trốn khỏi những cảm xúc không dễ chịu. Nhưng khi nói chuyện với người trẻ, chúng tôi nhận thấy họ thường giải thích rõ ràng, ít nhất về mặt lý thuyết, là những thứ đó không đem lại cho họ hạnh phúc. Khi thảo luận về đề tài hạnh phúc với các học sinh ở tuổi thiếu niên trong lớp của mình, Mike Bell khám phá ra rằng người trẻ không có khó khăn gì trong việc đưa ra một số quy tắc cụ thể để xây dựng một xã hội hạnh phúc.

Các học sinh đã đề ra một danh sách những điều lệ mà họ gọi là “Những quy tắc cho một xã hội hạnh phúc”. Trong đó gồm có:

  1. Tôn trọng người khác – không kỳ thị vì tuổi tác, giới tính, tôn giáo, hay khuyết tật.
  2. Không trộm cắp.
  3. Không làm hại, không xâm phạm, không giết chóc.
  4. Bảo vệ tôn giáo và văn hoá.
  5. Chấp nhận một mức độ rủi ro mà mình gặp phải – không tìm cách đổ lỗi cho ai khác.
  6. Tiếp nhận người tị nạn, nhưng trục xuất người di cư bất hợp pháp.
  7. Đảm bảo cơ sở và điều kiện sống thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
  8. Giới hạn việc sử dụng các chất gây nghiện.

Tôi đã thử làm một bài tập tương tự với các em học sinh 12 tuổi. Tôi giới thiệu sự thực tập với tên gọi “Khoa học về hạnh phúc”. Tôi bảo các em đừng tin những gì tôi nói mà hãy xem xét, kiểm chứng từ thực tế. Và thật bất ngờ là dù không có sự chỉ dẫn nào, các em đã chia những quan tâm của mình thành năm phạm trù giống như Năm phép thực tập chánh niệm: Bạo động, trộm cắp, lời nói, tà dâm và sự tiêu thụ. Theo kinh nghiệm thì tôi nghĩ mình nên đặt thêm một câu hỏi nữa như là: “Các em thấy những sản phẩm nào mà khi mình ăn, mình mua hay mình tiêu thụ có thể làm cho người khác không có hạnh phúc?”. Đưa ra câu hỏi như vậy sẽ giúp cho các em dễ dàng nhận thấy những thói quen không đem lại hạnh phúc như sự ăn uống không có chừng mực, sự say sưa và nghiện ngập.

Trong một ví dụ khác, Mike sử dụng một viên đá và một cây xanh để giúp các em học sinh suy nghĩ sâu sắc hơn về nhu cầu phức tạp của các sinh vật, giúp cho các em nhận ra được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt khắp nơi, trong đó mối liên hệ với con người và môi trường xung quanh cũng đóng một vai trò quan trọng.

Năm nay tôi dự định giảng cho các em học sinh 11 tuổi về đặc tính của các sinh vật. Tôi nhờ anh kỹ thuật viên đem cho tôi một cây xanh và một tảng đá to. Tôi chỉ cho các em học sinh hai vật đó và đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra khi tôi cất tảng đá vào tủ, rồi một năm sau lấy nó ra. Các em trả lời không chút do dự là tảng đá vẫn gồ ghề như vậy, có lẽ nó có nhiều bụi hơn hay bị mốc một chút nhưng căn bản thì nó vẫn như cũ. Khi tôi hỏi các em điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cất cây vào tủ một năm thì các em đều đồng ý với nhau là cây sẽ chết, mục ruỗng hay khô lại.

Rồi tôi hỏi nếu các em bị nhốt vô tủ một năm thì sao (tôi nhấn mạnh là mình không cố ý làm như vậy). Các em trả lời một cách dễ dàng là các em sẽ chết, thối rữa và bốc mùi. Tôi hỏi các em cần gì để sống thì đầu tiên các em nghĩ tới thức ăn, nước và không khí. Sau đó các em thêm vô bạn bè, gia đình và nhà ở. Các em nhận ra rằng mình không thể tồn tại một mình. Rồi tôi hỏi các em cần gì để có hạnh phúc, và một lần nữa tôi lại nhận thấy các em không cảm thấy khó khăn gì khi đưa ra một danh sách những thứ có thể làm cho mình hạnh phúc.

 

 

Cũng về chủ đề hạnh phúc, cô giáo Lyndsay Lunan – giảng viên đại học tại Vương quốc Anh – đã sử dụng một phương pháp đặc biệt lấy sinh viên làm trọng tâm. Cô đề nghị các sinh viên lập một bản đồ và nghiên cứu các phản ứng cảm xúc của họ ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Phương pháp này giúp cho sinh viên có ý thức hơn, một cách tự nhiên và trực tiếp, về cái gì nuôi dưỡng hạnh phúc và cái gì làm cho hạnh phúc của các em bị tiêu hao.

Tôi đề nghị các em vẽ một biểu đồ về cảm xúc của các em trong một ngày bình thường và quan sát xem các cảm xúc tích cực, tiêu cực hay trung tính phát sinh chiếm khoảng bao nhiêu thời gian trong một ngày. Các em đã khám phá ra rằng rất nhiều các cảm xúc tiêu cực và chán nản bắt nguồn từ những hành động dựa trên thói quen của mình như là dùng Facebook hay xem tivi. Và điều này đưa đến những cuộc thảo luận hấp dẫn về đề tài: “Cái gì thực sự nuôi dưỡng chúng ta?” Những giây phút hạnh phúc của các em luôn là những giây phút được gần gũi với những người mình thương yêu hay khi đi chơi bên ngoài. Từ các khám phá đó, chúng tôi cùng thực tập chế tác những cảm xúc tích cực. Thay vì đề xuất những “điều kiện hạnh phúc” mà đôi khi không gần với nhu yếu của các em, tôi để các em tự lựa chọn một trải nghiệm về hạnh phúc mà các em đã từng nếm được và ngồi yên, mời những trải nghiệm đó đi lên trong tâm trí. Các em biết ý thức về hơi thở và chú tâm vào cảm xúc mà những trải nghiệm đó đem lại trong lòng mình. Đây là cách mà các em có thể dễ dàng áp dụng được để trở về với chính mình. Và có lẽ đây cũng là sự thực tập công hiệu nhất đối với các em.

Angelica Hoberg, một giáo viên tiểu học người Đức đã về hưu, từng cho các em học sinh lớp Ba làm một cuốn sổ chánh niệm để ghi lại những thành công của các em trong việc tưới tẩm hạt giống tốt nơi tự thân. Qua sự quan sát, suy ngẫm của các em cùng với kinh nghiệm hướng dẫn của cô Angelica Hoberg, các em đã dần phát triển khả năng sống hạnh phúc và có nhiều tình thương hơn. Các em biết trân quý những điều kiện hạnh phúc đang có mặt bây giờ và ở đây. Phương pháp thực tập rất thực tiễn này không những thúc đẩy các em học sinh (và cả cô giáo) phải suy nghĩ và hành động mà còn thu hút cả các bậc phụ huynh.

Tôi mời các em tự làm cho mình một cuốn sổ ghi chép, gọi là cuốn sổ chánh niệm. Tôi vẽ một biểu đồ thật lớn tượng trưng cho ý thức và tàng thức. Và chúng tôi cùng nhau suy nghĩ xem hạt giống nào mình muốn tưới tẩm trong tự thân mình. Tôi viết xuống tất cả những đề nghị của các em và treo lên cùng với tấm biểu đồ.

Các em vẽ lại biểu đồ vào cuốn sổ chánh niệm của mình và mỗi người ghi xuống những hạt giống mà mình đã chọn để tưới tẩm, từ danh sách các hạt giống mà cả lớp cùng đề nghị ra với nhau. Mục đích của bài tập này là khuyến khích các em tưới tẩm hạt giống mà mình đã lựa chọn trong vòng một tuần lễ. Sau đó các em viết bên cạnh sơ đồ của mình về những hoàn cảnh/ tình huống mà các em đã thực tập thành công.

Có lần, một em nhỏ trong lớp tự nhiên khen ngợi sự thành công của một bạn khác. Tôi hỏi em lúc đó em cảm thấy như thế nào thì em ngập ngừng. “Em có thấy vui không? Cảm thấy hạnh phúc khi giúp đỡ và khen ngợi người khác chẳng phải là điều rất tuyệt vời sao?”, tôi hỏi. Từ giây phút đó cho đến cuối tiết học, tôi thấy em chạy hết chỗ này đến chỗ khác để giúp các bạn của mình. Tôi phải nói rằng, trước nay điều này chưa bao giờ là ưu điểm của em. Cách hành xử này thực sự cũng là một sự khám phá vô cùng ngạc nhiên đối với em. Chính tôi cũng thấy mình còn nhiều thứ để khám phá. Tôi có cuốn sổ chánh niệm của mình. Tôi nhận thấy có một sự khác biệt rất lớn khi tôi bắt một em học sinh đang giận dữ, ồn ào phải yên lặng với khi tôi chỉ hỏi em một câu: “Em đang tưới tẩm hạt giống nào vậy?”. Các bạn khác giúp em suy nghĩ và em dừng lại để lắng nghe cảm xúc của mình. “Hạt giống giận dữ? Chúng ta đã chọn tưới tẩm hạt giống nào trong tuần này?”. “Hạt giống hạnh phúc”. Và em cười. Không có gì cần phải nói nữa.

 

 

Trong những trường hợp như vậy, các em học được rằng mình có thể chọn lựa cách nhìn sự vật/ sự việc và quyết định nên có thái độ như thế nào cho phù hợp. Các em không còn phản ứng như là nạn nhân của những điều kiện bên ngoài. Khi họp với các bậc phụ huynh học sinh vào buổi tối, tôi chia sẻ cuốn sổ chánh niệm của lớp. Tôi chỉ cho cha mẹ của các em xem cuốn sổ sau khi họ đã hứa là không chỉ trích những lỗi lầm của con họ khi trở về nhà. Lẽ dĩ nhiên là trước đó tôi đã xin phép các em rồi! Các phụ huynh xem cuốn sổ và tôi cảm thấy trong phòng có một bầu không khí lắng yên và đầy tôn trọng.

Chúng tôi đã nghiên cứu việc giảng dạy chánh niệm trong các lớp học, dưới hình thức một khoá học chánh niệm theo đúng nghĩa, hoặc dưới hình thức của một phần khoá học về đạo đức hoặc một phần trong chương trình giáo dục cảm xúc – xã hội. Chúng tôi nhận thấy có một tiềm năng rất lớn trong việc đưa chánh niệm vào trong chương trình giáo dục. Chánh niệm ngày càng được học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh xem như một phương pháp thực sự quan trọng, đáng tin cậy. Việc thực tập chánh niệm có thể giúp cho học sinh, sinh viên thay đổi cách nhìn và lối sống của mình một cách lâu dài, một khi nó được đưa vào trong chương trình giáo dục chính quy.