Nẻo về tiếp nối đường đi
Vào lúc mười hai giờ rưỡi khuya ngày 5 tháng 7 năm 1967, tại xã Bình Phước, tỉnh Gia Định, năm thanh niên bị một toán người lạ mặt tới dẫn đi và bắn chết trên sông Sài Gòn. Năm người đều là tác viên của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một tổ chức của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất hoạt động thuần túy bất bạo động cho sự hàn gắn thương tích chiến tranh và tái thiết thôn xóm. Họ tên là Hy, Tuấn, Thơ, Lành và Đính. Tuấn là một tu sĩ trẻ tuổi. Hy, Tuấn, Thơ và Lành chết ngay tại chỗ. Đính chưa chết, nhưng máu ra đẫm ướt hết áo quần, nằm mê man. Toán người lạ tưởng năm người đều đã chết, liền kéo đi. Yên lặng trên sông. Trời có rất nhiều sao, nhưng không có trăng. Bỗng một chiếc thuyền nhẹ nhàng cập bến. Nhất Chi Mai hiện về trên chiếc thuyền. Nhất Chi Mai hiện về với chiếc thuyền con đủ để chở bốn người thanh niên đi. Bốn người thôi, bởi vì Đính, người thứ năm, còn sống và ở lại. Trời có rất nhiều sao nhưng không có trăng. Tác giả nói : “Tôi cam đoan rằng câu chuyện tôi viết sau đây là có thật”. Câu chuyện nào có thực? Câu chuyện năm người thanh niên bị một toán người lạ mặt tới dẫn đi và bắn chết trên bờ sông ư? Chuyện này ai lại không biết là có thực mà tác giả phải cam đoan? Tác giả muốn nói : Những gì xảy ra sau đó, “những gì tôi viết sau đây”, là có thực. Chuyện Nhất Chi Mai hiện về với chiếc thuyền, chuyện năm chị em bơi bằng những bàn tay để đưa chiếc thuyền con đi tới. Có thiệt hay không ai mà biết. Nhưng tác giả đã cam đoan, thì ta hãy tạm nghe tác giả. Chuyện thật giả như thế nào? Tác giả viết : “Tôi còn nhớ khi đặt bút xuống mở đầu câu chuyện, tôi thấy mười bốn con mắt nhìn về phía tôi. Mười bốn con mắt mở to. Tôi nói tôi cam đoan rằng câu chuyện này có thực. Ai có thể chứng được cho tôi? “Tôi nói có thực tại vì tôi đã sống trong câu chuyện, đã sống trong sự sống của câu chuyện”. Không có khoa học nào hay thước đo nào có thể kiểm chứng được tính cách hiện thực của sự sống trong câu chuyện. Tình yêu cho ta thấy những sự thực mà kẻ kia, vì không thương yêu, không thể trông thấy. “Ai đã đi qua và ai còn ở lại? Ta từ đâu tới và sẽ về đâu? Bên đó với bên này là hai hay là một? Có một dòng sông chia ngang hay không ; có một dòng sông mà thuyền bè không thể qua lại – Có thể có một sự chia cách đứt đoạn như thế hay không? “Xin hãy xuống thuyền. Tôi sẽ cho anh thấy là chúng ta có một dòng sông, nhưng không có một sự chia cách.” “Xin chớ ngại; tôi sẽ tự tay cầm chèo đưa anh đi thăm. Hãy chèo rất trầm tĩnh và im lặng.”
Mai : Để chị ngồi trước mũi thuyền cho. Các em ngồi cho có thăng bằng. Thơ, ngồi tới một chút nữa, gần chị đây. Được rồi, bây giờ các em mỗi em dùng một bàn tay để chèo. Ngồi bên trái thì dùng bàn tay trái, ngồi bên mặt thì dùng bàn tay mặt. Nhè nhẹ chứ, Thơ ; mày làm nước văng ướt cả chị đây này. Hy : Thuyền đi nhanh quá, phải không chị. Mai : Tại vì chúng mình nhẹ. Chú Tuấn, chú coi thằng Thơ kìa. Nó bơi liếng thoắng làm cho thuyền chao qua chao lại. Chú mắng nó đi. Thơ : Em đâu có sợ chú Tuấn chị. Em nghịch ngợm quen mất thói đi rồi, bây giờ chết xuống đây mà vẫn còn nghịch ngợm. Thôi để em ngồi cho nghiêm kẻo chị mắng. Tuấn : Thơ nó nghịch như vậy nhưng mà dễ thương lắm đó chị. Hồi nó còn sống, em cứ thỉnh thoảng cốc cho nó một cái trên đầu. Chị Chín nói nó là một thằng thông minh. Không biết nó có thông minh thật không, chứ cái đầu của nó rất cứng. Em cốc trên đầu nó mà thấy đau cả ngón tay. Thơ : Tại vì chú ác cho nên mới bị đau tay. Chớ như chị Mai thì chị có bị đau tay bao giờ đâu, bởi vì chị không có “bạo động” mà cốc lên đầu em như chú. Nào bây giờ cả chú và em đều chết rồi thì khó mà kiểm soát được là tại đầu của em cứng hay là cái tay của chú quá mềm. Mai : Thôi đừng nói xạo nữa Thơ. Em thông minh đấy. Nhưng em phải ngồi yên kẻo thuyền chòng chành khó chèo lắm. Chúng ta phải đi suốt mười hai giờ đồng hồ mới tới nơi được. Hy : Đi thăm chị Liên phải không chị. Mai : Ừ đi thăm Liên và Vui. Vui thì đang làm làng[1] và học vẽ. Còn chị Liên thì đi chơi, đọc Đại Bát Nhã và dạy cho Vui vẽ. Thơ : Chị Vui chết rồi mà còn làm làng nữa hả chị? Mai : Ở đâu mà chả có làng. Nhân gian, địa ngục hay thiên đàng gì thì cũng có người. Mà hễ có người là có làng. Vui thì ham làm làng lắm, không làm làng thì không chịu nỗi. Kỳ rồi gặp Vui chị thấy Vui đang dán nhãn hiệu mấy chai meo nấm rơm. Thơ : (cười khanh khách): Bộ muốn trồng nấm rơm bán cho dân làng hả. Chị Vui đáng lẽ phải đi chơi đây đó cho khuây khỏa. Sống làm làng suốt đời rồi mà chết cũng còn muốn làm làng. Mai : Vui thì có ham chơi như em đâu. Vui lớn rồi. Thơ : Bộ chị cho em còn nhỏ lắm hả. Em chỉ nhỏ hơn chị Vui có một hai tuổi gì đó thôi chớ mấy. Em làm làng siêng năng lắm, chớ bộ. Nếu không, sao em lại được bầu làm trại trưởng trại công tác Bình Phước. Mai: Oai lắm rồi. Ai mà không biết Thơ làm việc giỏi. Nhưng mà dù sao em vẫn chưa chín chắn bằng Vui. Thơ : Thôi chị cứ coi thường em mãi, em không chịu đâu. Hy : Thơ, sao cậu cứ “nhỏ em” với chị Mai hoài vậy. Trại trưởng như vậy thì ai phục. Thơ : Thơ đâu có cần ai phục. Hồi còn sống cần “lấy le” để cho anh Hy phục chơi chứ ; bây giờ chết rồi thì cần gì nữa. Này anh Hy, bây giờ chết rồi anh có buồn không? Hy : (cười) Đừng hỏi vớ vẩn. Vui buồn là việc của người sống, đâu phải là việc của người chết. Nào tất cả các cậu chèo cho đều tay và im lặng nghe tôi : (hát) hãy nghe lời tôi như nghe suối reo (ngừng hát. Im lặng. Tiếng sóng nhỏ va mạn thuyền. Một lát sau.) Thơ : anh Hy đi đâu thì đem thi ca và âm nhạc đến đó. Tôi không biết anh hát khúc hát nào mà nghe quen tai quá. Mai : Thơ có hiểu ý khúc hát đó không. Thơ : Em không giải nghĩa được nhưng em cảm thấy như là em không cần hiểu. Tiếng hát và câu hát thấm sâu vào lòng em và như nâng em lên cao. Tuấn : Như vậy thì đủ lắm rồi. Cần chi phải giải nghĩa được mới gọi là hiểu. Thơ : chị Mai, chị cho tụi em biết chết rồi thì tụi em phải làm gì đây chị? Em có phải đi làm làng như là chị Vui hay không? Mai: Em không phải làm gì hết. Em có thể đi chơi suốt ngày. Thơ : Thế thì thích quá. Cũng như chị Liên phải không chị? Chị Liên cũng đi chơi … À mà chị Liên còn đọc Bát Nhã và dạy cho chị Vui vẽ nữa… Mai : Ừ, cũng như chị Liên. Thơ : Nhưng mà tại sao chị Vui lại phải làm làng? Mà thế giới của người chết làm sao mà lại có làng có nước được chị ? Mai : Chị đâu có nói Vui phải làm làng. Nếu Vui muốn làm làng thì tự nhiên có làng cho Vui làm. Thế giới của người chết chúng mình biến đổi tùy theo sự ước muốn của mỗi chúng mình. Mà chị thấy thế giới của người sống cũng vậy. Cũng như chị Liên muốn vẽ gì thì vẽ và có thể vẽ ra bất cứ cái gì chị ấy ưa vẽ. Tuấn : (lẩm bẩm) Tâm như họa sư, năng họa nhất thiết hình tượng … Thơ : Chú Tuấn lại xổ triết học của Phật Học Viện ra đó nữa rồi. Chị ơi, thế giới của mình là âm phủ hay thiên đường đây hả chị. Sao em thấy nó giống hệt như là thế giới của người sống? Mai : Đây không phải là âm phủ mà cũng không phải thiên đường, mà cũng không phải là một thế giới cách biệt với dương gian như người sống thường tưởng. Lành : Và dương gian cũng không cách biệt với âm phủ và thiên đường như người sống thường tưởng, phải không chị? Em có cảm tưởng là em có thể hát cho những người sống nghe được chị ơi. Mai : Nãy giờ mới thấy Lành góp ý. Em nói rất đúng. Nói “âm dương cách trở” là sai. Người sống sở dĩ sầu não là tại vì họ cứ tưởng dương gian âm phủ cách biệt ngàn trùng. Em có thể hát cho những người sống nghe được. Cũng như chị đã hát … Cũng như bài hát vừa rồi của Hy. Thơ : Hồi còn sống, Hy làm trưởng ban văn nghệ của chúng em. Chết rồi Hy vẫn còn làm trưởng ban văn nghệ … Anh Hy, ngày xưa hồi chúng mình còn sống, văn nghệ là một phương tiện xây dựng nông thôn, phát triển xã hội. Chúng mình đã dùng văn họa nhạc kịch để phục vụ lý tưởng nhân bản và dân tộc. Bây giờ anh định dùng những thứ ấy để làm gì hở anh? Hy : không để làm gì hết. Văn nghệ chính là sự sống … Hồi còn sống chúng ta có văn nghệ. Bây giờ nói rằng chết rồi, kỳ thực chúng ta vẫn còn sống (cười), vẫn bơi thuyền, vẫn chuyện trò. Và vì vậy chúng ta vẫn còn văn nghệ… Nói cho đáng, không có sự chết làm gì có sự sống. Chúng ta liên tục chết trong lúc chúng ta liên tục sống. Thơ : Anh nói giọng sao nghe như giọng chú Tuấn ấy. Tuấn : (đằng hắng) Giọng chú Tuấn thì sao hả Thơ? Thơ : Giọng triết học. Mai : (cười) Chính Thơ cũng nói giọng đó mà Thơ không biết. Tất cả chúng ta đều nói giọng đó mỗi khi chúng ta tỉnh táo. Chị em mình bây giờ tỉnh táo hơn ngày xưa… Tuấn : Em thấy hình như mình đang còn bơi trên sông Sài Gòn phải không chị. Phải rồi, đây còn là đất nước của mình mà. Mai : Phải, đây còn là đất nước của mình. Các em mới chết hồi khuya. Ở khúc sông phía sau lưng, cách đây chừng tám cây số. Chị đã đem thuyền đến đón các em ngay lúc đó. Bây giờ chúng ta đang bơi ngược dòng sông. Chúng ta ngược dòng lên vùng sát biên giới (im lặng một lúc lâu). Tuấn : (mỉm cười) Thế mà chúng em tưởng như chúng em chết đã lâu lắm rồi. Thật giống như một giấc mộng. Bây giờ thì em tỉnh táo lắm, chớ lúc mới trông thấy chị, em vẫn cứ như mới ngủ dậy. Thơ : Em chẳng ngạc nhiên tí nào khi trông thấy chị. Em cho như thế là chuyện dĩ nhiên. Nếu chị không đến đón, thì ai mà đến đón tụi em. Mai : Thơ làm tàng hoài ! Bộ em tưởng chị cưng em lắm hả. Chị cũng có việc phải làm chứ. Nói thế nhưng chị đâu đến nỗi bận bịu gì mà không đến đón các em. Lành : Nếu chị không đến đón thì giờ này chúng em còn ngồi bên bờ sông. Giả sử lúc đó tụi em nhớ tới chị và muốn đi tìm chị thì không biết tụi em sẽ đi về hướng nào. Mai : Nếu các em nhớ tới chị và muốn tìm chị thì tự khắc các em trông thấy chị đến. Chị đã nói: ở đây mọi sự đều xảy ra do ý muốn của chúng ta. Lành : Sao lòng em không hề gợn một chút buồn thương. Không một chút xót xa, chị ạ. Em đã tưởng là sau khi chết, người ta có thể mang theo nhiều uất hận. Ở dương gian người ta nói chuyện thác oan, người ta nói chuyện những linh hồn báo oán và sợ sệt đến nỗi bị ám ảnh. Em thấy người chết hình như bình tĩnh và sáng suốt hơn người sống chị ạ. Chẳng ai nghĩ đến sự báo oán đâu. Chỉ thấy thương xót cho người sống thôi, dù đó là kẻ đã giết mình. Thơ : Thơ có cảm tưởng là nếu Thơ còn sống, Thơ có thể tìm tới nhà cái anh chàng đã bắn Thơ mà hỏi cho ra cái nguyên cớ nào trong ban đêm lại đem người ta ra bờ sông mà bắn chết. Nhưng bây giờ Thơ lại thấy không oán hận kẻ kia một tí nào. Chắc có lẽ tại người chết hay có lòng tha thứ. Hy : Có lẽ tại người chết không còn xác thân nặng nề cho nên những tham vọng giận hờn cũng không còn. Bởi vì tham vọng giận hờn phần lớn đều phải bám vào thân xác trĩu nặng. Bây giờ bọn mình không còn xác thân nữa thì … Mai : Sao mà không còn xác thân, em. Nếu không còn xác thân tại sao chị lại trông thấy em. Có một điều là xác thân chúng ta không nặng nề, thế thôi. Em xem, chiếc thuyền này vốn mảnh khảnh mà chở được tới năm chị em mình … Thơ : Ừ nhỉ, chị em mình nhẹ thật. Hèn chi mà thuyền đi nhanh thật nhanh. Chị ơi, hồi mấy anh chàng ấy bắn tụi em, chị có mặt đó không? Mai : Không. Chị không có mặt tại đó. Nhưng chị thấy nóng ruột. Và chị biết. Thế rồi chị mang chiếc thuyền lại. Lúc chị đến thì cả bốn đứa em đều còn ngồi trên bờ, riêng Hy thì áo quần ướt và hơi run. Hy : Khi bị bắn thì em ngã xuống sông. Tay em bị trói ra đằng sau, nên em chỉ có thể xử dụng hai chân để trồi lên mặt nước. Vậy mà em bị họ bắn theo, cho đến khi xác thân em chìm nghỉm mới thôi. Mai : Tội nghiệp em tôi. Hy : Chị đừng tội nghiệp cho em làm chi. Chị nên tội nghiệp cho những người còn sống. Một vài giây phút đau đớn, đó là tất cả những gì em gánh chịu. Nhưng những người thân yêu của chúng ta, những người còn sống .. em thấy tội nghiệp cho họ. Và cả những người giết chúng em nữa. Họ mờ mờ mịt mịt có biết gì đâu. Mai : Em kể cho chị nghe từ đầu. Hy : Để em nhớ lại chút đã. Ừ phải rồi, lúc nửa đêm, chú Tuấn, Lành và em đang ngủ tại trạm Y tế thì một toán người có súng đến bắt chúng em dẫn đi. Trước khi đi, họ nỗi lửa đốt trạm y tế sáng rực. Họ trói tay chúng em ra phía sau và dẫn chúng em đến hồ nước gần nhà thể thao của hội Tinh Võ, bắt chúng em ngồi đó đợi. Một lát sau, có hai người lạ mặt khác dẫn Thơ và chú Đính tới ; hai người này cũng bị trói tay phía sau như chúng em. Họ đưa năm người chúng em ra bờ sông, bảo để đợi đò. Chúng em ngồi yên bên bụi tre. Họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần xem có chắc chúng em là Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội không. Họ nói : Chúng tôi rất tiếc nhưng chúng tôi buộc lòng phải giết các anh. Thế rồi họ bắn chúng em. Bốn chúng em chết, còn chú Đính tuy bị thương nặng, vẫn còn sống. Họ tưởng chú Đính cũng đã chết rồi nên bỏ đi. Tuấn : Họ gồm tất cả mười một người. Có người còn trẻ lắm, độ mười sáu mười bảy. Người lớn tuổi nhất cũng chỉ độ hăm bảy hăm tám. Một số mặc đồ đen, một số mặc đồ nhà binh. Có người mặc áo mưa nilon, có người choàng poncho. Có người đội nón nhà binh và mang thắc lưng đạn. Em biết họ là ai rồi. Mai : Chị cũng biết họ là ai rồi. Em không cần phải nói. Hy : Em thấy hình như họ cũng chưa quen với công việc giết người chị ạ. Họ muốn bắn tụi em mà cứ chần chờ hoài. Thơ : Chắc chắn là họ đã nhận được thượng lệnh phải giết tụi mình. Cái anh chàng chỉ huy cả toán đó chị, cái anh chàng bắn em hai phát liên tiếp vào đầu đó chị, cũng phải làm gan làm dạ, bặm môi lại mới bóp cò súng được đó chị à. Họ cũng hiền lắm. Tuấn : Cái thằng này chết rồi mà còn trào phúng hoài. Thơ : Thật đó mà chú Tuấn. Hồi họ bắt em và chú Đính tại nhà ông ủy viên y tế xã, họ trói tay chúng em ra sau và cột chung hai đứa lại cho chúng em khỏi trốn. Em và chú Đính phải nhảy qua hai con mương rộng một thước dùng để dẫn nước vào ruộng mía đấy mà. Chú Đính té ngã khi nhảy qua con mương thứ hai. Họ đỡ chú dậy. Em bảo họ cắt dây rời ra để cho dễ đi. Họ cắt dây. Và họ hỏi han tử tế, nói chuyện với tụi em như bạn bè. Lành : Suốt quãng đường đi và trong những lúc nghỉ chân, họ xử sự với tụi em một cách dịu dàng, tử tế và có khi thân mật nữa. Làm em tưởng không đến nỗi nào đâu. Lúc Thơ nó luồn hàng rào kẽm gai, bị dây kẽm gai sướt trên trán, một người trong bọn họ đưa tay sờ trán Thơ, săn sóc như anh em ruột thịt với nhau vậy. Em, chính em cũng được họ vỗ vai. Hy : Vậy mà rốt cuộc họ cũng giết chúng em. Mai : Thân phận con người. Tội nghiệp lắm em. Và con người thì yếu đuối.. Hy : Chị cũng biết rằng em không nói câu đó với giọng trách móc. Mắt em mở sáng từ lúc em thoát khỏi thân phận con người. Em chỉ mong con người có thể tìm thấy một con đường ít chông gai hơn, thế thôi. Mai : Em nào mỏi tay thì đổi tay chèo. Đổi chỗ cho người ngồi bên cạnh. Thơ sang ngồi bên phía kia, nhường chỗ đó cho chú Tuấn. Còn Hy đổi chỗ cho Lành. Được rồi, thong thả mà đi. Chúng ta không vội. Sao sáng quá. Thực ra, Hy à, nói tới thân phận là nói tới những điều kiện con người. Con mắt người dương gian không thấy hoặc khó thấy được diện mục của cuộc đời cũng vì những điều kiện đó. Hy : Có cách gì thay đổi được những điều kiện đó không chị? Để mà thay đổi được cái thân phận đó không chị? Mai : (chậm rãi) Con người có đi tới, Hy ạ. Có điều là đi tới chậm quá. Bởi vì vậy mà ngày tháng ở dương gian đi mau đối với nhận thức của chúng ta. À này các em, trước khi họ bắn các em, họ có nói gì không? Lành : Họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần xem chúng em có phải là Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội không. Rồi họ đi ra xa, bàn luận thầm thì với nhau năm bảy lượt mà chưa chịu hạ thủ. Cuối cùng họ hỏi: các anh còn muốn hỏi gì nữa không? Lúc em nghe câu hỏi đó, em thấy lạnh xương sống. Thằng Thơ nó trả lời rằng không muốn hỏi gì hết. Thế rồi viên chỉ huy tiến lại, tay trái sờ lên trán của Thơ, miệng nói rất nhanh : chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi buộc lòng phải bắn anh, và tay phải đưa súng vào mang tai Thơ nổ liền hai phát. Bốn người khác cũng bị bắn nhào ngay sau đó. Hy trúng đạn té xuống sông, cố trồi lên, nhưng bị bắn theo cho tới khi chìm. Mai : Tội nghiệp. Chú Văn mà nghe nói lại chắc chú khóc ngất. Tuấn : Vâng, mọi người thân thuộc đều sẽ phải đau đớn, không riêng gì chú Văn. Nhưng cũng may cho họ một điều, (mỉm cười) là người dương thế mau quên. Trong một vài tháng, sự xót xa trong lòng họ sẽ dịu dần. Những lo lắng mới và những buồn phiền mới sẽ khiến họ lãng quên. Thật ra nếu không quên thì họ không thể sống được. Mai : Nghĩ cũng tội nghiệp. Có người biết trước rằng mình sẽ quên nên tìm cách ghi lại nỗi nhớ niềm thương của mình trên gạch đá hay giấy mực, để có thể nhớ mãi. Nhưng cái hình ảnh quan trọng nhất là cái hình ảnh trong lòng họ, có phải không các em. Chị thì chị muốn những người thân yêu của chị quên chị cho thật chóng để mà khỏi khổ đau, thế thôi. Tuấn : Coi kìa cái thằng Thơ. Nó làm cái gì vậy. Mai : Cái thằng nghịch quá. Nó biến nhỏ lại thành đứa trẻ con. Khéo mất thăng bằng thuyền nghiêng bây giờ Thơ. Thơ : Em trở lại hình hài em lúc tám tuổi, mấy đứa bạn học của em ở trường nếu có nhớ em thì chúng nhớ cái thằng Thơ to đầu hai mươi mốt tuổi chớ đâu chúng có nhớ cái thằng Thơ tám tuổi này. Chỉ có em là biết cái thằng Thơ tám tuổi của em thôi. Nhưng mà bây giờ có thể trở về lớn hay nhỏ tùy ý rồi thì em lại không còn nhớ cái thời tuổi nhỏ của em nữa. Tuấn : Lớn trở lại đi Thơ. Tao chẳng quen cái thằng Thơ tám tuổi. Tao chỉ biết cái thằng Thơ hai mươi mốt tuổi. Lớn trở lại đi để mà nói chuyện, Thơ. Thơ : Thì em lớn trở lại đây. Chú còn “chấp tướng” quá. “Bất khả dĩ “tuổi tác” nhi kiến “thằng Thơ của chú”, chú nghe chưa. Đáng lẽ chú tu thì có thể nhìn thấy thằng Thơ của chú dưới bất cứ hình thức nào cũng được chứ, hà tất phải là dưới hình thức thằng Thơ hai mươi mốt tuổi. Tuấn : Mày lắm chuyện lắm. Không cần dạy kinh Kim Cương cho tao đâu. Mai : Hai chú cháu gọi là mày tao quen rồi à? Thơ : Xin chị đừng chấp. Khi nào chú Tuấn xưng mày tao với em tức là chú nói giọng thân mật đó. Tức là chú cháu chúng em thương nhau lắm đó. Chú cứ gọi như thế đi chú Tuấn. Em thích như thế lắm. Tuấn : Bộ tao không biến thành một đứa nhỏ được sao? Chỉ sợ khi tao biến thành tám tuổi mày lại năn nỉ tao lớn trở lại để mày có thể nhận ra chú Tuấn của mày thôi. Thơ: Chú là người tu chứ em đâu phải là người tu. Em không nhận được ra chú trong hình thái tám tuổi đó là chuyện thường. Mai : Thôi Thơ đừng trêu chú Tuấn nữa. Ngồi cho ngay ngắn lại. Chú Tuấn, chú có nhớ gì hồi chú bị bắn không? Tuấn : Em thấy nó bắn thằng Thơ. Em niệm Phật, tức thì súng nổ vào đầu em vào thân thể em. Em chết rất mau… không đau đớn gì lắm đâu chị. Em không biết chú Đính hiện giờ ra sao. Mai : Chú Đính không chết đâu. Chú bị một phát đạn xuyên qua tay, qua phổi, lủng lá lách. Máu ra nhiều. Chị có ghé lại nhìn. Lúc đó những người giết các em đã đi xa rồi và chú còn tỉnh. Chú ho và mỗi lần ho là máu vọt ra ướt thêm, đỏ cả cái áo cánh trắng của chú. Họ tưởng chú không còn sống. Chú sẽ được cấp cứu kịp thời, các em đừng lo. Thơ : (trầm ngâm) Rồi khi bình phục, chú sẽ kể chuyện lại cho các bạn… Chẳng biết chú có còn nhớ gì mà kể hay không. Lành : Chuyện đó có quan trọng gì đâu Thơ… Chú chẳng kể gì hết cũng không sao. Chưa biết chừng càng hay. Tôi tin các bạn vẫn giữ được thái độ không oán hờn thù ghét. Chúng ta chết đi là để xây dựng cho tình thương, không phải để tạo thêm oán hận căm thù. Mai : Chị có đức tin nơi chú Văn và những người bạn của chị. Chị có đức tin nơi tất cả các em, những người còn sống. Họ sẽ từ chối con đường hận thù…(im lặng hồi lâu. Trái sáng bắn lên hai bên bờ sáng rực dòng sông). Hy : Họ bắn hỏa châu suốt đêm trên đất nước ta. Lành : Nếu họ có giác quan của người chết, chắc là họ trông thấy chúng ta đang bơi thanh thản giữa dòng sông. Và họ cũng nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền trong đêm hôm khuya khoắt. Hy : Thực ra tại vì họ không biết và không nghĩ đến chúng ta nên không trông thấy được chúng ta đó thôi. Tôi tin rằng nếu có chú Đức đứng bên bờ sông chắc chắn là chú trông thấy bọn ta và thế nào chú cũng đưa tay vẫy. Lành : Chị Mai, sao đất nước chúng mình chìm đắm mãi trong khói lửa vậy chị? Bao giờ thì chúng ta mới thoát cảnh thịt nát xương rơi? Mai : Em hãy yên lòng. Đất nước chúng ta còn bị tàn phá nhiều nữa trong những ngày sắp tới. Phải tròn một chu kỳ. Sống chết là chuyện thường. Cuối cùng Hòa Bình cũng phải tới (tiếng súng nổ ran bốn phía). Thơ : Súng nổ nhiều quá. Mẹ em nghe súng bà ngủ không được chị Mai ơi. Mai : Má em ở có một mình thôi à ? Có đứa nhỏ nào ngủ với bà không? Thơ : Bà có nuôi một đứa cháu nhỏ và ngủ với nó. Em là con trai mà lại là con một. Hy : Nghe nói thân sinh của Thơ cũng chết vì bạo lực. Không biết ai giết ông hả Thơ? Thơ : Hồi nhỏ tôi có nghe mang máng ông làm cách mạng… Mà thôi, đừng nói chuyện đó nữa. Chị Mai, hồi nãy chị nói chị Vui đang làm làng, em vẫn chưa hiểu. Mai : Rồi em sẽ hiểu. Em làm thế nào mà hiểu hết tất cả mọi chuyện trong một buổi khuya. Chị sẽ đưa em đi thăm làng của Vui. Vui dạy rất nhiều trẻ em. Làng của Vui cũng có đủ trâu bò, dòng sông, vườn chuối, cây chanh, cây khế… Lành : Trời ơi, thế thì chắc em cũng sẽ tiếp tục làm làng như Vui. Em còn nhớ cây chanh, cây khế lắm. À mà chị ơi, chị chưa kể cho chúng em nghe câu chuyện của chị. Chị làm gì từ khi từ biệt chúng em? Hy : Ừ, chị hy sinh thân cho Hòa Bình tự những ngày nào xa xăm lắm rồi kia. Mấy năm rồi hả hả chị? Thơ : đâu mà tới mấy năm lận; mới có mấy tháng trước đây mà thôi, phải không chị? Mai : Ý niệm về thời gian mỗi người mỗi khác. Chị thấy như đã là cách đây mấy kiếp rồi. Thơ : Lửa có nóng lắm không hả chị? Mai : Em hỏi gì buồn cười quá. Chị quên rồi, không biết là có nóng hay không. Nhưng mà chị nhớ là định lực của chị khá vững. Chị đạt được lời nguyện. Trước giờ hy sinh chị chỉ cầu nguyện mong sao ngồi thật yên trong lửa đỏ. Chị đã ngồi yên. Lành : Khi bọn em hay tin, đứa nào đứa nấy khóc sướt mướt. Bọn em nghĩ là chị không thương chúng em nên chị mới nỡ ra đi như vậy. Mai : Em đừng nói vậy mà buồn lòng chị. Không có sự lựa chọn nào mà không khổ đau… Lành : Đó là em nói sự phân bì của chúng em đối với lý tưởng chị – hồi xưa tụi em còn tai phàm mắt thịt, thế thôi. Bây giờ thì em hiểu chị rồi. Thơ : Rồi chị đi đâu sau đó hả chị? Mai: (trầm ngâm một lát) Chị đứng trên lan can nhìn xuống thân xác của chị đang bốc cháy. Chị mỉm cười nhưng hai mắt chị thì ướt đẫm. Người nào đứng đó cũng khóc. Chị cũng khóc vì thấy người ta khóc. Nhưng khi ba của chị tìm đến được thì chị không khóc nữa. Đó là giây phút khó khăn nhất của chị. Không còn gì làm mình đau đớn hơn là trông thấy người thân yêu của mình đang đau đớn vì mình. Chị đã viết để lại cho ba má chị những lá thư rất dễ thương, khuyên dặn đủ điều. Nhưng em biết, những lá thư thì có nghĩa gì… Hy : Rồi sao nữa chị. Mai: Ba của chị ngất đi. Rồi tỉnh lại. Rồi lại ngất đi. Cũng may lúc đó cái ông đại úy đòi khám nghiệm tịch thu xác chị, làm ba chị giận run lên. Cái giận này làm cho sự thương đau bớt phần mãnh liệt. Thơ : Hoan nghênh ông đại úy. Mai : Chị cũng thảnh thơi lắm từ lúc bắt buộc phải xa các em. Lòng chị rất thanh thản. Chị rất thương các em. Chị đã che chở cho các em rất nhiều lần. Cơ sự xảy ra hồi khuya là định mệnh… Hy : Chị đi nhiều nơi lắm phải không chị? Mai : Chị đi rất nhiều nơi. Lên non, xuống biển. Tóc chị vẫn cài hoa bưởi trắng đây, em thấy không? Ruộng vườn quê hương mình xác xơ, nhưng chị không còn ngậm ngùi. Sớm muộn đất nước cũng sẽ thanh bình. Bánh xe đang chuyển về hướng đó. Chị đi qua những vùng rừng núi cháy nám, bom đạn cày nát. Chị gặp những đoàn người tỵ nạn chiến tranh, nồi niêu quang gánh, bước thấp bước cao… Lành : Người chết có thể giúp gì được không hả chị? Mai : (cười) Chị chết đã lâu, đã khá lâu rồi nên chị biết rõ là chị không thật sự chết. Hình dáng và âm thanh của chị đối với em… Chị vẫn còn có mặt trên dương thế và vì vậy chị vẫn còn tiếp tục làm công việc của chị. Thơ : Có mặt trên dương thế. Làm sao chết rồi mà vẫn còn có mặt trên dương thế được hả chị? Mai : Điều đó rất giản dị. Chắc chú Tuấn có thể cắt nghĩa cho em. Tuấn : Thì chị cứ nói cho Thơ nghe đi chị. Mai : Em đốt một viên than cháy hồng, viên than biến thành nhiệt lực. Khi viên than tàn thành tro bụi, nhiệt lực kia chính là hậu thân của viên than. Nhiệt lực đó sẽ tạo nên những ảnh hưởng dây chuyền không bao giờ dứt, hoặc trong trạng thái năng lực hoặc trong trạng thái vật chất. Và sự diễn biến dây chuyền đó xãy ra trong liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với những dòng diễn biến khác. Tuấn : Tức là liên hệ nhân duyên. Mai : Phải rồi, tức là liên hệ nhân duyên. Không có cái gì mất đi cả, tuy nhiên không có cái gì ngồi yên một chỗ và giữ mãi được hình thái của nó. Hy : Cũng như là hồi nãy Thơ nó biến hình lại nhỏ như đứa bé tám tuổi. Ta không nhận ra nó nhưng quả thực nó là nó. Thơ : Nó là nó nhưng mà nó không giống nó, vì thế mà hồi nãy chú Tuấn mới bắt buộc nó trong hình thức kia phải trở về với nó trong hình thức này, trong hình thức hăm mốt tuổi. Tuấn : Mày cứ trêu tao hoài. Mai : Chết là một sự chuyển biến có vẻ hơi đột ngột, thế thôi. Nếu Thơ nó chết hồi tám tuổi thì bây giờ làm gì có Thơ hăm mốt tuổi để mà chết và để mà ngồi đây. Thật ra các em ạ, chính Thơ tám tuổi đã phải chết để nhường chỗ cho Thơ hăm mốt tuổi. Nhưng cái chết của Thơ tám tuổi là sự chuyển biến không đột ngột. Người ta gọi đó là sự thay đổi chậm, là sự lớn lên. Tuấn : Người ta cũng gọi là sát na vô thường, sự chuyển biến từng giây. Còn cái chết của mình hồi khuya chẳng hạn, người ta gọi là nhất kỳ vô thường – sự chuyển biến của một giai đoạn, một chu kỳ. Mai : Chú dùng danh từ Phật học thì nghe gọn hơn tôi nhiều. Đúng như vậy đó Hy. Để mà lớn lên, Thơ đã phải tiếp nhận vô số những điều kiện từ vạn nẻo hiện hữu: không khí cho Thơ thở, rau trái cho Thơ ăn, học vấn cho Thơ khôn, tình yêu cho Thơ lớn… và muôn ngàn cái “nhân duyên” lớn bé khác. Cho nên trong Thơ, có sự có mặt của nhiều khuôn mặt hữu tình và vô tình. Hữu tình là người và vô tình là vật. Ba má Thơ cũng có mặt nơi Thơ này, chị cũng có mặt nơi Thơ này, và cô thiếu nữ má đỏ sẽ khóc Thơ sáng nay cũng đang có mặt trong Thơ. Cô thiếu nữ giờ này còn ngủ an lành trên dương thế… Thơ : Thôi chị đừng trêu em nữa. Em hiểu rồi. Có phải là chị muốn nói em cũng đang có mặt nơi nàng, và có mặt trong bao nhiêu người thương yêu khác đang ở trên dương thế – và vì vậy em con hiện hữu trên đó, còn tiếp tục gây tác động dây chuyền trên đó… Mai : Em quả thực là thông minh. Không những em còn có mặt trong họ, em lại còn có mặt ngoài họ nữa. Những gì em nói em làm trong suốt bao nhiêu năm cũng đã lên đường gây tác động dây chuyền. Em có mặt khắp nơi. Lành : Thành ra cái hình bóng của Thơ mà em thấy đây không phải là tất cả Thơ… Mai : Làm sao mà là tất cả Thơ cho được? Thơ hăm mốt tuổi đã không phải là Thơ tám tuổi rồi mà. Thơ trước mặt chúng ta chỉ là Thơ của tầm mắt ngắn của chúng ta, chỉ là Thơ của tâm tình hẹp của chúng ta mà thôi. Thơ trước mặt ta là Thơ của khái niệm ta nhiều hơn… Lành : (đưa một ngón tay lên) Vậy để em nói thử thế này xem chị có cho là đúng không nhé. Chúng mình đang đi thuyền ngược sông Sài gòn, nói là để lên biên giới thăm chị Liên và cô Vui. Chúng mình muốn đi thăm Liên và Vui của tâm tư mình, chứ thực ra hiện hữu của Liên và Vui to lớn hơn nhiều. Chúng ta chỉ cần ngó lại là thấy Liên và Vui trên mọi nẻo đường. Có phải thế không chị? Mai : Em nói rất đúng. Chúng ta đang đi tìm Liên và Vui của tình cảm chúng ta, của thói quen chúng ta. Vì vậy chúng ta mới cần ngược dòng sông lên biên giới. Liên và Vui kỳ thực còn có mặt một cách hiện thực trên dương gian. Sự có mặt ấy còn rõ ràng hơn sự có mặt của Liên và Vui ở thế giới này nữa. Thơ : Nhưng dù sao em vẫn muốn tới thăm cái làng của chị Vui, xem thử chị ấy làm làng có giỏi hơn hồi năm ngoái không. Và em muốn xem lại cây chanh khế của quê hương em. Mai : Thì ai cấm em đâu nào. Em sẽ gặp Vui. Em có muốn làm trại trưởng một trại công tác ở dưới này cũng còn được, nữa là. Thơ : Còn chị Phương Liên ở đâu? Mai : Chị ấy ở chơi với Vui. Chị Liên có vẻ thanh thoát lắm. Chị ấy cười luôn. Hai chị em hay lẩn quẩn bên nhau. Lần cuối gặp chị Liên, chị thấy chị Liên cầm trong tay một cuốn Đại Bát Nhã. Chị ấy đang đọc toàn bộ Đại Bát Nhã. Tuấn : Bây giờ nếu em đọc lại Bát Nhã chắc em sẽ thấu đạt dễ dàng hơn xưa chị nhỉ ? Em thấy tâm hồn em yên tĩnh lắm, không có lo lắng, ưu phiền. Mai : Chừng gặp chị Liên chúng ta sẽ bắt chị ấy giảng Bát Nhã cho nghe. Tuấn : Hồi còn sống ngày nào em cũng đọc Bát Nhã Tâm Kinh. Em tưởng là em hiểu. Mãi cho đến khi anh chàng mặc choàng tấm poncho chĩa súng vào đầu em, em mới thấy được cái điều cốt tủy của Tâm Kinh. Lành : Chú thấy như thế nào, nói cho chúng tôi nghe đi. Tuấn : Khó nói quá. Đây không phải là một vấn đề hiểu, mà là một vấn đề thấy, Lành à. Cái hiểu thì còn có thể diễn tả lại, chớ cái thấy thì khó quá. Nó trực tiếp, nó đột ngột như một làn chớp giật. Lành : (năn nỉ) Nhưng mà chú thử nói cho chúng tôi nghe xem sao. Tuấn : Cái khi mà anh chàng choàng poncho chĩa súng vào đầu tôi, tôi thấy một cách chớp nhoáng, không biết tại vì sao, là không phải anh chàng bắn tôi. Anh chàng đang bắn một cái gì khác ấy, không phải là tôi. Anh chàng có biết tôi là ai đâu mà bắn tôi. Và tôi tự hỏi, từ khuya đến giờ, là tại sao người ta lại có thể bắn vô đầu một kẻ mà mình không biết là ai? Thơ : Cái chú nầy nói mới lạ chứ. Ông ta hỏi năm lần bảy lượt để biết chắc rằng chúng ta là Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội rồi ông ta mới bắn. Ông ta bắn chú bởi vì ông biết chú là ai, chú là Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Người ta muốn bắn Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Vậy nên người ta bắn chú. Lành : Sao chị Mai lại cười. Mai : Chị cười vì Thơ nó nói giọng “luận lý học”. Chính Bát Nhã là khí giới dùng để đập vỡ lý luận hình thức đó. Tuấn : Chị nói như vậy là đúng với điều em nghĩ. “Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội,” chỉ là một cái nhãn hiệu. Hoặc chỉ là nhãn hiệu trên đối tượng của một sự thù ghét hay sợ hãi. Đối tượng của sự thù ghét hoặc sự sợ hãi đó là một cái gì nằm trong nhận thức chủ quan của con người ta. Nó có dính dáng gì đến con người của em đâu. Họ bắn vào đối tượng của sự thù ghét và sợ hãi của họ, và vì họ dán nhãn hiệu đối tượng đó vào em cho nên em chết lây, cho nên họ bắn luôn cả em. Họ bắn em vì quả thực họ không biết em là ai. Hy : Chú Tuấn muốn nói đến sự lầm lạc của nhận thức con người, phải không? Vì sợ hãi và thù ghét nên con người trở nên không sáng suốt. Họ không thấy nhau. Họ không thể thiết lập được sự cảm thông giữa họ với nhau, cho nên không thể nhìn thấy mặt mũi của nhau. Họ chỉ thấy mặt mũi của những con quái vật và do đó họ có can đảm giết nhau. Chừng nào họ giết được sự lầm lạc của nhận thức họ, họ mới nhìn nhận ra được mặt mũi của nhau mà thôi. Mai : Cuộc chiến đang diễn ra trên quê hương ta một phần lớn cũng do sự mê muội đó của con người. Những kẻ đang giết nhau quả thực không biết nhau là ai. Họ đều là nạn nhân cho những quan niệm sai lạc. Và người ta lợi dụng họ. Lành : Thực vậy chị. Cũng như những người đã giết chúng em. Có lẽ họ cũng thoáng thấy được chúng em là những con người, nhưng rốt cuộc vẫn phải bắn chúng em. Họ phải vâng theo một mệnh lệnh nào ấy, như là mệnh lệnh ác nghiệt của số phận con người. Thơ : Thì còn mệnh lệnh siêu hình nào nữa. Mệnh lệnh của thượng cấp họ, chớ mệnh lệnh của ai. Mai : Thơ, em chưa hiểu ý của Lành. Đã đành những người giết em vâng theo mệnh lệnh của thượng cấp họ, nhưng chính cái thượng cấp ấy cũng là nạn nhân của sự mờ ám, thù ghét và sợ hãi. Những người bắn em đã biểu lộ nhân tính của họ – họ ngập ngừng không muốn giết nhưng cuối cùng họ phải giết. Điều kiện trên đe dưới búa của họ. Vợ con họ, số phận họ, mạng sống của họ nữa. Đó là chưa kể nhận thức của họ có thể đã bị hôn ám một phần lớn mất rồi. Hy : Em nhớ là một người trong bọn họ có buột miệng kêu “trời, sao các anh còn trẻ quá”. Em cho câu đó là một lời than trách không những cho số phận chúng em mà là cho số phận của chính họ nữa. Mai : Người ta giết nhau một phần là tại họ không biết mặt mũi của nhau, một phần là tại bị dồn vào thế không thể không giết nhau. Chị nhớ câu chuyện chú Đức kể cho chị nghe hồi năm ngoái. Bữa đó chú ngồi đợi máy bay dân sự ở một phi trường nhỏ rất hẻo lánh ở cao nguyên. Ngồi đợi với chú là năm sáu người lính Mỹ trẻ tuổi. Họ đợi chiếc Karibou quân sự để đi tác chiến. Phi trường vắng vẻ không có ai ngoài họ. Một anh lính Mỹ ngồi buồn, tới gợi chuyện chú Đức. Anh lính chẳng biết gì về đất nước văn hóa Việt Nam cả, chẳng biết gì về sự thực cuộc chiến ở xứ này. Anh chỉ biết kẻ thù anh là Việt Cộng – anh phải giết Việt Cộng vì sự sinh tồn của người Việt Nam và của thế giới tự do mà nước Mỹ của anh lãnh đạo – Chú Đức buồn lắm. Chú hỏi: anh có sợ Việt Cộng không? Đột nhiên người lính Mỹ hoảng hồn. Anh thoáng nghi rằng cái người đang nói chuyện với anh là Việt Cộng. Việt Cộng nó âm mưu tài tình lắm, anh nghĩ, và vì anh sợ cho nên ở đâu lúc nào anh cũng nghi và cũng thấy toàn Việt Cộng. Anh ta hỏi gấp: ông có phải là Việt Cộng không? Chú Đức kể lại rằng tuy câu hỏi rất ngây ngô nhưng chú không dám cười. Nhìn vào mặt người lính Mỹ chú biết anh ta sợ thật tình. Chú biết nếu chú nói đùa là “phải” thì chắc chắn nó bắn chú. Cho nên chú liền nói “không” và nói cho nó biết chú là giáo sư dạy ở Sài Gòn đang đợi máy bay về Sài Gòn. Chú kể câu chuyện xong rồi thì chú nói : nếu chú chết lúc đó thì không phải là nó muốn giết chú mà chỉ vì nó muốn giết Việt Cộng. Thực ra nó chẳng biết Việt Cộng là gì cho nên nó mới thù ghét được Việt Cộng đến mức ấy. Nó cứ nghĩ Việt Cộng là loài ác quỷ – cần phải tiêu trừ. Bên xứ sở họ, người dân cũng bị nhóm cầm quyền và khối liên hợp quân sự – kỹ nghệ tuyên truyền như thế cho nên vẫn để cho chính quyền họ gửi người sang để chém giết và bị chém giết. Dù giết người thì cũng giết oan mà bị giết là cũng bị giết oan. Chính đồng bào họ giết họ chớ ai. Người ta chịu trách nhiệm về sự giết hại đồng bào của mình và cứ nghĩ rằng mình không nhúng tay vào sự giết chóc. Ai giết họ? Sự sợ hãi, sự thù ghét và những thành kiến của họ. Lành : Cái cõi dương gian quả là mờ mịt chị ạ. Thân phận con người thật đáng thương. Người trần mắt thịt không thấy được gì qua lớp màn vọng tưởng của mình. Đúng là đi đêm, mờ mờ nhân ảnh. Mai : Chị nói sang chuyện khác nhé. Chị muốn đưa các em lên thăm chị Liên cũng là để cho các em có dịp xem tranh của chị ấy. Đắc thể lắm. Hồi còn trên dương gian, chị Liên cũng rất ưa thích hội họa. Tranh vẽ của chị Liên đã đạt lắm rồi. Chắc chắn chị ấy rút cảm hứng từ nguồn Bát Nhã. Hy : Vui hồi ở dương gian cũng rất thích hội họa. Chắc hai chị em bây giờ tương đắc lắm. Em cũng ưa hội họa. Chị có nghĩ rằng em sẽ hiểu được tranh chị Liên không. Nghe nói cảm hứng ở Bát Nhã, em ngại quá. Mai : Có gì đâu mà không hiểu được hả em. Vừa rồi chúng ta đàm luận về Bát Nhã đấy, về một đề tài có liên hệ đến nguồn cảm hứng ấy đấy. Chúng ta tự vẽ ra cuộc đời của chính chúng ta. Nét vẽ của em phóng đạt thì cuộc đời của em phóng đạt, thế thôi. Thế giới chúng ta do chúng ta tạo dựng nên bằng cái nhìn, bằng quan niệm và bằng ý lực của chúng ta. Chúng ta có thể tạo ra cho chúng ta một thế giới bưng bít ngục tù, sầu thảm, đau thương. Chúng ta cũng có thể tạo ra cho chúng ta một thế giới bao la tự do – đẹp đẽ không cùng … Điều cần yếu là chúng ta đạt đến tinh thần quán tự tại, đến một nhận thức khai phóng cởi mở. Hy : Bây giờ thì em hiểu câu nói hồi nãy của chú Tuấn : “tâm như họa sư …” Mai : (cười lớn) Đúng như vậy. Thì các em tự vẽ lấy đời mình từ nay nhé. Nhà nghệ sĩ nào cũng có thể đạt đến đích tuyệt diệu của sự sống bằng nghệ thuật mình. Lành : Xem chừng bức họa của em, chị ơi, thế nào cũng giống với bức họa của chị Vui và của anh Thơ. Thế giới của em thế nào cũng phải có cây chanh, cây khế. Em đã dọa chú Đức là nếu Niết Bàn không có cây chanh và cây khế thì em nhất định không về rồi mà. Thiên đường cũng vậy. Thế giới của em còn phải có những cây dừa nước, những con rạch nước trong buổi sáng, những mái trường lợp lá có tiếng hát trẻ em vọng về bữa trưa : “nước non Lam Sơn, nước non Lam Sơn, bóng cờ bay phấp phới …” Thơ : Trời ơi, nhớ quá. Cái thằng Cu Thanh ở xóm Bình Phước bây giờ còn ngủ chắc. Sáng mai này thức dậy, nghe tin thầy giáo nó chết chắc nó khóc hết nước mắt. Lành : Thế giới của chúng mình phải còn có thằng cu, còn có những buổi hợp thân mật trong làng mà mục đầu của chương trình bao giờ cũng là : ông Cả có vài lời. Thế giới của chúng mình còn có những bến sông tắm rất mát. Để thỉnh thoảng chúng mình bơi nhè nhẹ qua bên kia sông bẻ trộm vài bắp ngô đem về nướng ăn với nhau. Thế giới như thế có phải là quá nhỏ hẹp không chị? Mai : (cười đại lượng) Thế giới đó đâu có nhỏ hẹp. Những nét vẽ của các em là những nét vẽ của tình yêu. Nét vẽ phóng đạt đâu phải chỉ là những nét vẽ núi, mây, khung trời bao la và một cây thông đứng đơn độc hùng mạnh bên sườn tuyết. Thế giới của Trì Địa, các em thấy đó, có đủ cả ao hồ đồi núi, những chiếc cầu cong, những con đường đất đỏ … Lành : (bí mật) Và cả những con đường tráng nhựa. Mai : Ừ, và cả những con đường tráng nhựa. Chính vì tình yêu mà các em vẽ nên cây chanh, cây khế, bụi tre, bến nước đầu làng. Cuộc chiến tranh kéo dài sẽ tạo thêm trong lòng người chất liệu hận thù. Tình yêu bị đe dọa. Khi những người thân yêu bị giết hại oan ức, người ta khó giữ được tâm trạng bình tĩnh để thương yêu. Lấy oán báo oán, oán hận chập chùng. Người tạo ra tình yêu thì mỗi ngày một ít, còn người tạo ra oán hận thù ghét càng ngày càng nhiều. Lòng người thay đổi; con người thuần phát của dân tộc ta , sau cơn lửa đạn, sẽ mang trong tâm hồn nhiều vết thương hận thù. Xót xa biết mấy. Lành : Đó là niềm lo lắng lớn nhất của chúng ta, phải không chị ? Thà rằng tan nát trong thời gian ngắn để mà tái tạo còn hơn là kéo dài để giết chết niềm tin và tình thương trong lòng người. Tuấn : Phải, đó là niềm lo lắng căn bản của chúng ta. Tôi ra đời năm 1945, một lần với cách mạng. Tôi là con út trong một gia đình ba anh em. Chúng tôi lớn lên chỉ thấy chiến tranh và hận thù. Bến Tre quê hương tôi là một nguồn sinh lực cách mạng sôi động không ngừng. Cuồn cuộn như nước sông Tiền Giang ba bề bốn bên chảy về cửa biển. Gia đình tôi nhận thức được sự cần yếu của đạo đức của tình thương nên đã khuyến khích tôi đi vào đời sống xuất gia. Phật Học Viện Giác Sanh, Phật Học Viện Trà Vinh rồi Phật Học Viện Ấn Quang. Tiếp đến là những năm tháng thụ huấn ở trường xã hội và những ngày hoạt động. Tôi hăng hái làm việc không phải vì có ảo tưởng công trình lửa xe nước gáo có thể thay đổi tình trạng, mà vì tin rằng công tác chúng ta quan trọng ở nơi gieo rắc tình yêu trong lòng người. Lành : Chỉ mong cái sống và cái chết của chúng ta đã có thể gieo rắc thêm hạt giống tình yêu … Như chị Mai chẳng hạn, cái chết của chị đã không hề gây căm phẫn hận thù mà chỉ tạo nên hạt giống thông cảm và hy sinh nơi lòng người, dù là những người ở rất xa… Mai : Chúng mình đã lên gần tới nguồn rồi đó. Các em có thấy rừng núi rậm rạp hai bên bờ không. Hy : Thuyền đi nhanh thật. Làng của chị Vui nằm gần biên giới hả chị? Mai : Gần biên giới. Đi khoảng hai mươi cây số nữa thì ta lên bộ. Nước sẽ chảy xiết không bơi ngược dòng được nữa. (tiếng vượn hú vang rừng) Thơ : Trời đã sáng rồi đó các bạn. Trông về phía rừng núi ửng hồng kìa, chú Tuấn. Mà hình như có ai đứng đón thuyền phía trên kia hả chị Mai? Trông như chị Liên ấy. Mai : (cười) Chị Phương Liên đấy chứ ai. Chèo mạnh tay lên tí nữa, các em.
________________ [1] làm làng: về làng quê giúp dân quê cải tiến và phát triển nông thôn về các phương diện giáo dục, y tế, kinh tế và xã hội |