Bão Xuống Cho Đời Rực Rỡ Sen – Tiểu sử Thầy Giác Thanh

 

 

Tác giả Dã Hạc chính là Thượng tọa Tâm Tông, hiệu Chân Giác Thanh, tự Trạm Nhiên, thế danh Lê Văn Hiếu.

Thầy Giác Thanh sinh ngày 9 tháng 6 năm 1947 (Đinh Hợi) tại một thôn xóm hẻo lánh của làng Sóc Sơn, quận Tri Tôn, tỉnh Rạch Giá. Con của cụ ông Lê Văn Đạt và cụ bà Nguyễn Thị Nhớ, Thượng tọa là con thứ ba của gia đình sáu anh em gồm bốn trai và hai gái.

Như bao nhiêu đứa trẻ của đồng quê Việt Nam lớn lên trong hoàn cảnh đất nước điêu linh vì chiến tranh và nghèo khó, Thầy Giác Thanh có một tuổi thơ sớm biết theo anh chị ra đồng hái rau, bắt cá, phơi mặt mày thanh tú cho nắng nhiệt đới ươm da. Tuy nhiên hạt giống tu tập đã có mặt từ kiếp xưa nên mới bảy, tám tuổi đã bắt đầu biết chảy nước mắt cảm thương thân phận bé nhỏ của kiếp nhân sinh trước cảnh sương khói bao la của đất trời. Thời gian sống tại vùng quê xa vắng này chấm dứt khi ông bà cụ rời nhà ra tỉnh Rạch Giá. Cũng từ ấy Thầy bắt đầu viết những chữ a, b xiêu vẹo đầu tiên trong cuộc đời sách bút học trò. Đầy là thời điểm nửa vùng quê hương phương Nam tạm yên tiếng súng qua hiệp định Geneve.

Rồi ngày tháng đi qua, chú bé mặt rám nắng hồng của thôn Trà Lóc quê mùa năm xưa, giờ đã thành cậu học sinh ưu tú, thông minh và đầy can trường khi thừa tiếp hào khí yêu quê hương của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thầy Giác Thanh đã lớn lên trong ngôi trường ấy. Thầy đã thể hiện tâm tư của mình qua bài thơ đầu đời Thầy viết cho quê hương vào năm học đệ nhất, 1967. Bài thơ có tên: “Khóc Quê Hương”.

Quê hương ơi có những đêm dài lặng lẽ

Ta nằm đổ lệ khóc thương mi.

Quê hương ơi ngươi có tội tình chi

Để lũ quỷ đem mi ra dày xéo,

Chẳng xót, chẳng thương,

Chẳng nghĩ đến tình người?

Chúng bán mi cho loài quỷ vương.

Ta thương mi ta mua lại bằng xương máu,

Bằng khối óc, bằng con tim

Và bằng cả xác thân này.

Xác thân dù hóa thành tro bụi,

Nguyện trải đường đi đến thái hòa.

Người xưa dạy: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí”, làm trai có chí xông trời thẳm. Nếu ta không muốn làm hạt cát bị hất tung vào cơn gió xoáy để đi tàn phá quê hương, thì ta hãy nằm yên đây. Hoặc đẹp hơn nữa hãy làm kẻ độc hành lội ngược dòng sinh tử. Thầy đã chuyển hướng cuộc đời, đặt lý tưởng và tình yêu lớn của mình vào con đường khám phá nội tâm. Thầy đi xuất gia vào giữa năm 1967 tại chùa Thanh Hoa, làng Tấn Mỹ, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Pháp hiệu Giác Thanh được bổn sư là Hòa thượng Phổ Huệ đặt cho từ lúc ấy.

Thầy đã ở chùa Giác Nguyên (quận IV Sài gòn) vào năm 1968, rồi dời về chùa Xá Lợi năm 1969 và thọ đại giới tại Tổ đình Giác Viên vào sau mùa Vu Lan 1970. Thầy đã vào đại học Vạn Hạnh năm 1971 và đã mòn gót chân ruổi rong khi nghe nơi nào có bậc danh tăng thuyết pháp dạy kinh. Rồi cơ duyên khai mở ban đầu đã đến khi thầy bắt gặp quyển “Thanh Quy” của tu viện Chơn Không. Tự thân thầy tuy không nhập khóa đầu tiên nhưng mỗi năm đã về tu viện những tháng hè để học và thực tập.

Ngày đầu xuân 1974, Thầy về lại Chơn Không, bắt đầu nhập khóa II chính thức của tu viện. Rồi những sáng nghe kinh, những chiều thiền tọa, trà khuya sương khói đọng bếp lửa nắng chiều nghiêng. Đạo tình huynh đệ và pháp nhũ của vị thầy già trên núi Tao Phùng đã khơi mở và thắp sáng nẻo về nơi người con trai cùng tử ấy. Thầy Giác Thanh là một thiền sinh giỏi và cũng là một sư anh lớn trong những sư anh dễ thương nhất của tu viện Chơn Không. Hầu như không có phật tử hay khách tăng nào đến đây mà không có ấn tượng tốt đẹp về vị tri khách hiền dịu, nhẹ nhàng và chân tình ấy. Thầy còn là bóng mát, là sự ngọt ngào cho những đứa em mới vào tu, là sự bao dung, sự hiểu biết rộng và sâu để điều hòa và nối kết tình đồng môn.

Thế rồi lịch sử Việt Nam một lần nữa lật sang trang. Sau mùa xuân 1975, những ngày tháng yên bình, tĩnh tại của thiền sinh Chơn Không đã lùi vào quá khứ. Có những buổi lao động dưới cơn nắng lửa, Thầy dừng cuốc bảo: “Trượng phu việc lớn chưa xong, chôn tấm thân hữu dụng vì ba miếng khoai sắn như thế ư? Các em ạ! Chúng ta hãy dành một chút thì giờ cho chính mình.” Từ đó có được phút giây thanh thản nào, Thầy ngồi tĩnh tại độc ẩm trà bên khóm tre vàng râm mát trước sân. Khi sáng sớm, lúc chiều hôm, nhìn sương khói mơ hồ lãng đãng, thấy tình người chấp cánh bay cao, Thầy nghe ngọa khí đầy lòng lên thốt ra lời thơ Độc Ẩm:

Cư nhân gian thượng

Hữu ngã độc ẩm

Tam thập niên mộng

Duy nhất trà bình

Làm người sống ở trên đời

Có ta ta biết uống chơi một mình

Ba mươi năm mộng phù sinh

Bạn bè khuya sớm một bình trà thôi.

Rồi mùa đông năm 1977, Thầy rời thiền viện Thường Chiếu về Mỹ Luông cất Ẩn Không am để tĩnh cư. Ẩn Không am bằng tre lá. Bên cạnh am có một thiền thất nhỏ làm chỗ thiền tọa cho Thầy. Toàn cảnh toát ra phong vị của thiền sư có cuộc sống thanh cao, khiết bạch, đạo hạnh sáng ngời, và nó cũng có một chút gì lãng đãng mộng mơ của thi nhân. Sau bốn năm dừng chân tại Ẩn Không am, Thầy lại lên đường như đoạn kết của bài thơ Mộng Vàng Hoa.

Ta lữ khách,

Trong cát bụi thời gian dài thăm thẳm

Hồn tưởng chừng lạc lõng giữa cồn hoang.

Mộ sáng nọ cồn hoang thức dậy

Chim gào to ta giục giã lên đường

Đời gió cát tưởng chừng như tắm gội,

Giữa trùng khơi sóng nước đại dương.

Vào thượng tuần tháng 7 năm 1981, Thầy có mặt trên chiếc tàu vượt biên băng ngang qua vùng vịnh Thái Lan. Cũng như bao chuyến vượt biển đau thương của người Việt, tàu Thầy đi không tránh khỏi cướp biển man rợ giữa trùng khơi. Chứng kiến cảnh cướp bóc, sát hại, hãm hiếp dã man, lòng bi phẫn của người con Phật nổi lên, Thầy bảo họ: “Các anh có còn trái tim không? Sao nở ra tay và nhẫn tâm với đồng loại như vậy.” Kẻ dữ tức giận quăng Thầy xuống biển khơi. May thay cũng có người còn sót lại trái tim nên lời thầy có năng lực đánh động chất người trong họ. Hắn là tên thuyền trưởng của tàu, hắn đã quăng lưới kéo Thầy lên, thế là trò chơi sinh tử lại thêm một lần hò hẹn nữa.

Thầy đã ở trại Song La (Indonesia) từ tháng 7, 1981 cho đến đầu năm 1982 thì được Hòa Thượng Thích Mãn Giác, hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bảo lãnh Thầy sang Hoa Kỳ. Đặt chân lên đất Mỹ, lần đầu tiên có được 300 USD, Thầy đi chợ mua trà cụ và trà và rồi tự tay nấu nước pha trà dâng lên cúng dường Ôn. Ôi! Của không đáng, chỉ một chung trà nóng có nghĩa gì đâu? Nhưng đẹp lòng làm sao việc này, nó gói được tấm lòng biết ơn sâu sắc của người con trai mòn gót phiêu linh. Ôn đã là bóng mát, làm bến đỗ để thuyền đời Thầy Giác Thanh dừng lại. Dù thời gian lưu lại chùa Phật Giáo Việt Nam không được lâu lắm nhưng năng lượng thương yêu như mẹ hiền của Ôn đã vá được những vết hằn ngao ngán trong lòng người lãng tử. Cuối mùa xuân năm 1982, vâng lời Ôn, Thầy về giúp Thầy Trí Tuệ ở chùa Nam Tuyền (Virginia). Thầy đã sống đầm ấm với Thầy Trí Tuệ.

Trong thời gian này Thầy cũng lang thang đến các trung tâm tu tập theo các truyền thống Nhật Bản, Đại Hàn và Miến Điện. Có lẽ sương khói của cuộc lữ du đã tắt trong mắt trong, nhưng hành trình phải trở về nhà xưa đang thôi thúc trong lòng ngùn ngụt lửa. Thầy đã lại lê gót tây đông, gõ khắp cửa của các bậc đạo sư, mong đón nhận một cú đẩy để trượt thẳng vào không gian lồng lộng.

Thế rồi cuối mùa hè năm 1986, Thầy gặp Sư Ông Làng Mai qua Bắc Mỹ mở các khóa quán niệm cho thiền sinh Hoa Kỳ. Sư Ông thấy Thầy mỏi mệt với công phu để tác thành định huệ lực. Sư Ông bảo: “Thầy Giác Thanh à! Thầy hãy bỏ hết chuyện công phu nặng nhọc ấy đi. Hãy đi dạo với tôi. Thầy nhìn kìa lá phong mùa này đang chuyển từ màu vàng sang màu đỏ, đẹp vô cùng. Sự sống là như vậy, mầu nhiệm như vậy, nó chưa từng sinh và chưa từng diệt. Hãy nhìn và tiếp nhận sự sống như chính nó đi.” Lời khai thị của Sư Ông như giọt nước làm tràn ly đầy, như tiếng sét xé tan màn mây, lộ ra khung trời trong bát ngát. Từ đó Thầy dừng lại cuộc tìm kiếm qua cách thế dụng công.

Khóa tu mùa hè năm 1990, tại Làng Mai thiền sinh Âu Mỹ được tiếp xúc với vị thầy Việt Nam mới có mặt tại Làng. Vị ấy là Thầy Giác Thanh. Nụ cười Thầy biểu lộ niềm bình an và tĩnh lạc đã có mặt từ bên trong. Vào năm 1991, Thầy về hẳn bên Làng Mai sống hạnh phúc bên cạnh cây lão sồi, làm cây sồi anh che chắn gió mưa cho các cây sồi em thêm bụ bẫm. Thuở ấy cộng đồng Phật tử Việt ở châu Âu, nhất là ở thiền đường Hoa Quỳnh, Paris, quen gọi Thầy bằng các quen rất thơ là Thầy Hoa Quỳnh. Dĩ nhiên đây là tên gọi vì Thầy làm giáo thọ phụ trách và hướng dẫn sự tu tập nơi này. Nhưng một mặt khác đây cũng là tên gọi xứng với phong cách tinh khiết và thầm lặng tỏa hương của Thầy. Cuối năm 1991, Thầy được truyền đăng làm giáo thọ. Pháp kệ Sư Ông Làng Mai trao cho Thầy trong lễ truyền đăng:

Giác tánh nguyên thường tánh

Thanh Âm diễn Diệu Âm

Biển Tỳ Lô trăng sáng

Sóng nhạc vẫn trầm hùng.

Và đây là bài kệ Thầy trình trước Sư Ông và đại chúng trong lễ truyền trăng:

Vô tướng

Bình nước trắng bên này

Bình nước tiểu bên kia

Sẽ đi về trời mây

Biển cả với sông ngòi.

Mặt trời sáng ban ngày

Mặt trăng soi ban đêm

Chỉ rõ lối đi về

Đường ta đi thênh thang.

Làng Mai đối với Thầy Giác Thanh là chiếc nôi nuôi lớn hạnh phúc cho mình, cho người, nơi gieo hạt mầm hiểu biết thương yêu cho nhiều thế hệ, nhiều quốc gia. Thầy viết một bài thơ “Thấu Thể” đề: Riêng tặng Ân Sư” để nói lên lòng kính trọng và khuất phục đến Sư Ông Làng Mai:

Một cái nhìn chớp nhoáng

Xô ngã mấy trường thành

Con cúi đầu tiếp nhận

Đời đời nguyện chẳng quên.

Sư Ông đã cất cho Thầy chiếc thất gỗ xinh xắn bên bìa rừng gần thất ngồi yên của Sư Ông. Thất Thầy quanh năm rộn rã tiếng chim và đong đưa sắc hoa bìm tim tím. Thầy đã từng chọn cho mình cái tên Phù Vân cốc. Từ đây vùng trời tâm linh không gian lồng lộng, Thầy đã có những bước chân thong dong và vững chãi, rồi cũng từ ấy nụ cười và tiếng nói mang tặng được cho thiền sinh phẩm chất của sự an lạc sâu hơn. Và nhờ vậy chuyến hoằng pháp của Thầy vào năm 1992 với các khóa tu mở ra cho các tăng thân miền Đông – Bắc Mỹ đã thành công thật lớn. Có thể nói không sợ sai lầm rằng trên bước đường hoằng pháp, Thầy đi đến các nơi như Pháp, Mỹ, Úc, Canada … mở các khóa tu, hướng dẫn thiền sinh, thành lập các tăng thân từ năm 1992 đến 1995, cho đến khi về trụ tại Rừng Phong năm 1998, về Lộc Uyển năm 2000 và mãi cho đến khi thu thần tịch diệt, nơi nào có bước chân Thầy đi qua, thiền sinh đều cảm nhận được năng lượng ngọt ngào, tươi mát, an lạc, thảnh thơi của Thầy tỏa ra. Và họ đã dành cho Thầy tất cả niềm thương yêu và kính trọng.

Mùa thu năm 1995, cơn bệnh tiểu đường, gan và phổi tiềm phục lâu năm nay bắt đầu phát tác. Thầy đã sống với cơn bệnh từ năm 1992, cũng có thể trước đó. Thầy đã dùng hơi thở mình ôm ấp và làm dịu đi cơn bệnh. Thầy đã bảo bọc thương yêu nó như một bà mẹ, không hề trách cứ phiền hà con, cho dù con có hoang nghịch ra sao. Người xưa lắm vị gặp chướng duyên, thân kề cái chết đã nỗ lực dụng công nên một đời liễu quyết được đại sự. Thầy thân mang trọng bệnh, tâm vẫn cứ an nhiên, và nhất là những lời thơ cuối đuợc viết từ năm 1997 trở về sau đã gây được niềm tin lớn cho Phật tử.

Bước chân trên đất thực

Hoa thắm nở ngàn nơi

Chỉ một niệm chiếu soi

Siêu nhiên ngoài ba cõi.

Và bài ‘Ánh Sáng Của Mùa Đông’ như một bản tuyên ngôn hùng tráng của người đã về:

Đối diện cùng tuyết trắng

Bỗng dưng tôi biến mất

Và cả một vũ trụ

Trở thành ánh sáng của tự tâm.

Năm 1997, Thầy Giác Thanh được đề cử làm Giáo Thọ hướng dẫn việc tu học tại tu viện Rừng Phong và đạo tràng Thanh Sơn ở Vermont. Thầy đã tặng những bước chân vững chãi và hạnh phúc của mình cho tất cả thầy, cô và phật tử về tu học nơi đây. Vào năm 2000, Thầy cùng một số người trong tăng thân Làng Mai chọn đất Lộc Uyển, rồi được Sư Ông suy cử chức trụ trì Lộc Uyển Tự, Đại Ẩn Sơn. Thầy đã biết đây là chốn an trụ cuối cùng của cuộc đời nên muốn đem hết hơi tàn để đền ơn bậc đạo sư mà mình quý trọng nhất. Thế nhưng lần này cơn bệnh ngang bướng không thỏa hiệp và cuối cùng như mọi hiện tượng sinh diệt của nhân gian. Thầy đã trả hình hài sương khói về cho mộng huyễn. Các bậc thánh La Hán khi thu thần nhập niết bàn từng tuyến bố: “Việc đáng làm đã làm xong.” Thầy đã về Lộc Uyển vào đầu hè năm 2000 và đã ra đi vào mùa thu năm 2001. Ngày tháng lưu ngụ nơi này thật ngắn so với tuổi thọ trung bình của một đời người và phù du biết mấy khi so với tuổi thọ của trăng sao. Thế nhưng điều Thầy đã làm được lớn vô vàn và đã đi vào bao nhiêu tấm lòng của người còn ở lại. Một giọng nói hiền hòa, chậm rãi đầy thương yêu, một nụ cười an lạc cho đến phút giây cận kề thần chết, một cái nhìn sắc bén trí tuệ thấm sâu và mênh mông từ ái, những bước chân an bình diễn đạt nội tâm ‘đã về, đã tới.’ Đó là món quà lớn lao nhất Thầy tặng cho các sư em và cho tất cả tăng thân có mặt nhiều nơi trên thế giới. Thấy quả xứng đáng vị giáo thọ của các thiền sinh Âu , Mỹ và Việt. Tuy Thầy có ra đi nhưng Thầy đã hóa thân vào trong họ. Lời Thầy đã làm hành trang cho họ để họ đi vào tự thân trí tuệ, và tự thân của hạnh phúc và thương yêu. Nhất là những bài pháp thoại cuối cùng, Thầy gượng dậy giữa cơn đau thuyết cho thính chúng tại thiền đường Trăng Rằm, Lộc Uyển Tự. Ôi! Lời Thầy sao mà sâu sắc đến vậy. Thầy là một sư anh lớn được thương quý nhất trong lòng các sư em hiện tại. Ở đây mỗi sư em nhớ về Thầy một cách khác nhau. Thầy như người anh chở che, đôi khi nghiêm khắc, như vị thầy từ ái, như mẹ hiền vỗ về, như người chị chăm sóc thương yêu, như người bạn mở lòng ra cho mình tâm sự. Thầy đã cho các sư em hết cả tấm lòng thương yêu mà mình có. Thấy như cánh đồng đầy hoa thơm cỏ lạ và cũng có nhiều loại hoa mộc mạc, bình dị, đơn sơ để các em dạo chơi tùy thích. Đến với Thầy các em thấy mình mất hút và hòa tan như con nước sông hòa tan vào biển lớn. Các sư em nghĩ sẽ khó mà có được một sư anh đáng quý như Thầy. Bài thơ cho các sư em Thầy viết:

Xin đừng la rầy trách mắng các em tôi

Vì sợ rằng màu xám của buồn đau

Sẽ phủ vây những mảnh hồn trong suốt tinh anh.

Thầy cũng là một học trò đạo nghĩa thật sâu. Niềm hiếu kính đối với Sư Ông Làng Mai nơi Thầy thăm thẳm. Thầy cũng tròn ân đối với vị ân sư khơi mở bước đầu trên con đường tâm linh khi ngài có dịp đặt chân lên đất Mỹ vào tháng 10 năm 2000. Thầy đã cùng một số sư em, phật tử và tăng thân Nam – Bắc Cali hỗ trợ và tổ chức các buổi thuyết pháp của Hòa thượng Trúc Lâm bình yên trên vùng nam Cali. Việc Thầy làm đã thành công kỳ diệu nhưng cũng thầm lặng nào ai biết. Đối với bạn hữu và người thân ngoài đời hay trong đạo Thầy cư xử rất trọn tình. Lần đầu tiên về thăm lại quê hương Việt Nam vào năm 1992, bạn bè rất ngỡ ngàng vì Thầy quá bình dị. Không ngờ Thầy đã sống nhiều, đã kinh qua niềm đau nỗi khổ, trải nghiệm lắm truân chuyên và hiểu biết rộng sâu bởi đã học hỏi thân cận các bậc đạo sư lớn, thế mà khiêm tốn và bình thường đến dễ thương như vậy. Khoác chiếc áo Tiếp Hiện, đeo túi vải thô lòng thòng trên vai, không kẻ đón người đưa, không kiêu xa, không hình thức của kẻ áo gấm về làng. Cũng nụ cười mỉm mỉm và nhẹ nhàng, Thầy đi qua các chướng ngại mang tin vui vật chất và niềm tịnh lạc của pháp hành về tặng cho một số đông người ở quê hương. Ngoài việc chung là vậy, Thầy đã dành thì giờ thăm lại bạn bè xưa. Những bạn tu đón Thầy bồi hồi xúc động. Bạn bè nhân gian chảy nước mắt, mừng mừng chẳng biết nói chi. Người thân trong gia đình bàng hoàng như gặp Thầy trong cơn mơ. Sau đó Thầy lên đường về Mỹ. Trước khi về Thầy tìm mua bộ đồ trà mình yêu thích nhất, gói ghém thật gọn mang về để trân trọng tặng bạn thân. Bằng hữu của Thầy hiện tại nơi đây không đếm được bao nhiêu, nhưng nhìn sự thương quý của họ đối với Thầy đủ biết được tình Thầy trao cho họ.

Làm về thăm quê hương thứ hai vào năm 1999, Thầy bảo các bạn: “Mình về thăm lần này là lần cuối, chắc mình không về được nữa đâu.” Lời nói tưởng chừng đùa ai ngờ đâu sự thật. Lần này một người bạn thân thuở nhỏ đã giúp Thầy hoàn thành những gì cần giúp đỡ đối với người thân trong gia đình trước lúc đi xa. Thầy đã đến và đi trong cuộc đời này đẹp như thế đó. Sống kiêu hùng và cũng khiêm cung, phong lưu nhưng cũng chất chiu từng đồng tình nghĩa. Cuộc đời Thầy như đóa quỳnh tinh khiết nở trong đêm. Phút cận tử mắt nhắm nghiền tưởng chìm vào cõi vĩnh hằng, ấy thế mà khi nghe pháp ngữ của Sư Ông Làng Mai từ Bắc Kinh gọi về khai thị, Thầy đã mỉm cười, mặt tươi hồng và mở mắt ra, thần thái tinh anh rạng rỡ:

Trượng phu tiếng đã biết

Việc đáng làm đã làm

Tháp vừa dựng sườn núi

Tiếng cười trẻ đã vang.

Ngoài ra Sư Ông còn làm hai câu đối tặng Thầy:

Một lá ngô đồng rơi, người vẫn cùng ta leo đổi thế kỷ

Ngàn hoa thủy tiên hé, đất cứ theo trời hát khúc vô sinh.

Người xưa khi nói câu: ‘Việc đáng làm đã làm’ hẳn sẽ không còn tái hiện nhân thân trong cuộc đời vô thường nữa. Tuy nhiên kẻ trượng phu ra vào tự tại, đến đi thong dong, quả đại giác chưa tròn tức sẽ tái lai hành Bồ Tát đạo. Xin nguyện trăm kiếp nghìn đời luôn cùng Thầy làm bạn pháp.

Lộc Uyển Tự – Đại Ẩn Sơn,

19/10/2001

Thích Phước Tịnh

 

Xem thêm:

Đêm Thơ Nhạc: “Bão xuống cho đời rực rỡ sen” để tưởng nhớ thầy Giác Thanh sau 20 năm thầy rong chơi cùng Phù Vân.