Giảng kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại (phần 5)

Pháp thoại ngày 02.12.2010, tại chùa Pháp Vân, xóm Thượng, Làng Mai, trong khóa An cư Kết Đông.

Chúng ta ôn lại bài kệ 25:

Đương tự cầu pháp thắng: Mình không đi tìm cầu những thắng lợi về tiền bạc, danh vọng mà chỉ tìm cầu sự thành công trong chánh pháp. Mình phải phát tâm cầu sự thắng lợi về chánh pháp. Mỗi ngày, phải có tiến bộ trong sự tu học của mình.

Dĩ thắng vô sở sinh: Nếu đã có thắng lợi về chánh pháp rồi thì những đau buồn, hệ lụy không còn đất để sinh ra nữa. Mình chiến thắng cái giận, cái dục, sự ganh tị của mình.

Tất cố bất tạo tân: Tất là làm cho xong. Do đã diệt trừ được những dây mơ rễ má của hệ lụy, nên những phiền não mới không được tạo tác ra thêm nữa.

Yếm thai bất dâm hành: Nếu đã chán đi vòng quanh trong thế giới của khổ đau luân hồi, chúng ta phải bỏ thói dâm đãng, đừng hành dộng theo lối dâm đãng nữa.

Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp

Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh

Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa

Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.

Hết sở sinh, có thể được hiểu là không sinh ra trở lại trong luân hồi, hoặc là những phiền não, hệ lụy, lang thang không còn sinh ra nữa.

 

Bài kệ 26

Chủng tiêu bất phục sanh             種  燋  不  復  生

Ý tận như hỏa diệt                         意  盡  如  火  滅

Bào thai vi uế hải                            胞  胎  為  穢  海

Hà vi lạc dâm hành                       何  為  樂  婬  行

Hạt giống một khi bị đốt cháy rồi thì không sinh lại

Tâm ý đã dừng lại rồi thì cũng như lửa đã tắt

Chốn dâm căn là một biển ô uế

Tại sao lại đi tìm lạc thú ở nơi ấy?

Bài kệ nói về nếp sống phạm hạnh của người xuất gia. Chủng tiêu bất phục sanh: Những hạt giống của sầu đau, ái dục, hận thù, một khi đã bị đốt cháy rồi thì không thể nứt mầm và sanh ra trở lại.

Ý tận như hỏa diệt: Ý là vọng tâm tạo tác ra nghiệp. Vọng tâm đã tiêu diệt như ngọn lửa đã tắt (như hỏa diệt). Hỏa diệt, là hình ảnh Bụt thường dùng để nói về Niết bàn.

Chúng  ta thường hỏi: Khi chết rồi tôi đi về đâu? Cái gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết? Mình nghĩ con người mình có phần xác thân và phần linh hồn. Sau khi mình chết, phần xác thân tiêu hoại không còn nữa, chỉ còn lại phần linh hồn, mà linh hồn này mình không thấy được. Linh hồn có thể đi lang thang, vất vưởng, rồi tìm một cái xác khác chui vô trở lại. Đó là luân hồi hiểu theo kiểu bình dân.

“Người thương tôi chết, tôi phải đi tìm ở đâu?“, “Cái gì xảy ra sau khi mình chết?“ Câu trả lời của Bụt là: thân và tâm này là hai cái cùng nương vào nhau mà biểu hiện một lần. Cũng như tay trái và tay phải, mình không thể cắt chia làm hai, một nửa còn mà một nửa không còn. Không có cái này thì không có cái kia, không có cái kia thì không có cái này. Thân tâm nương vào nhau mà có; quan niệm chỉ có tâm mà không có thân, chỉ có linh hồn tồn tại mà thân xác thì không, vẫn còn là một quan niệm sai lầm. Nhìn kỹ, chúng ta thấy không hẳn là thân xác không còn. Trong giai đoạn biểu hiện của nó, thân tâm tạo ra những nghiệp như nghiệp thân, khẩu và ý. Những nghiệp này có thể chúng ta không thấy, nhưng không có nghĩa là nó không có. Những tư tưởng chúng ta chế tác ra là nghiệp, là năng lượng. Nó vô hình, nhưng nó có công năng phá hoại, tiêu diệt hoặc có công năng xây dựng, trị liệu. Bất cứ tư tưởng nào mình chế tác ra cũng tác động lên thực tại trong và ngoài và nó còn hoài. Những lời mình nói, những lá thư mình viết, những gì mình phát biểu đi ra, có tác động dây chuyền liền lập tức và 15 con ngựa đuổi theo cũng không kéo lại được. Mình nói lời hận thù thì sẽ tạo ra những đổ vỡ, mình nói lời thương yêu sẽ tạo ra sự xây dựng. Những lời mình đã nói, tuy mình không nghe nữa, nhưng nó đang còn. Những gì mình đã làm bằng hình hài, tuy mình không thấy nữa, nhưng nó đang đi vào thực tại và đang chuyển biến. Đó là nghiệp.

Tâm thức và thân nương nhau mà có, nó không phải từ không mà trở thành có, nó chỉ từ chỗ chưa biểu hiện mà biểu hiện ra. Ví dụ, trong phòng này có hơi nước do mình thở ra, hơi nước có trong không gian; nhưng mình không thấy được. Nhưng nếu nhiệt độ trong phòng ấm, thì hơi nước sẽ đọng lại thành những giọt nước nhỏ và mình bắt đầu thấy sương mù. Lúc chưa thấy sương mù, mình cho là không có hơi nước và khi thấy sương mù, mình cho là có hơi nước. Kỳ thực, mình không thể nói là không có mây, tại vì mây đang ở trong mình, đang bao quanh mình mà mình không thấy. Thấy được là biểu, chưa thấy được là vô biểu.

Mình đã quen với hình thức hiện nay của mình, mình hỏi: Khi chết đi mình sẽ thế nào? Mình kẹt vào hình thức thì mình không bao giờ tìm ra được. Khi ngọn lửa tắt, mình hỏi nó đi về đâu? Đi tìm ngọn lửa dưới hình thức của ngọn lửa thì không bao giờ mình tìm ra ngọn lửa. Ngọn lửa không bao giờ mất. Khi đang biểu hiện, ngọn lửa chế tác ánh sáng, sức nóng và khói. Khi ngọn lửa không còn nữa, những cái nó chế tác vẫn còn. Vì vậy, đi tìm ngọn lửa là một chuyện rất ngây thơ.

Tâm ý không biểu hiện nữa (ý tận) giống như ngọn lửa không còn biểu hiện, nói nó có giống như cái ngày xưa mình thấy không đúng, mà nói nó không có cũng không đúng. Ba chữ như hỏa diệt rất phổ thông, chính đức Thế Tôn  đã dùng ba chữ đó để nói về Niết bàn. Đừng dùng hình ảnh mình đã có sẵn để đi tìm. Ngọn lửa đã tắt rồi, làm sao mình tìm được, từ biểu nó đi trở về vô biểu.

Khi tất cả những phiền não như tham dục, sân hận, si mê đã bị đốt cháy, thì luân hồi không còn tiếp tục. Mình không còn tìm được, tại vì sự luân hồi của những phiền não, khổ đau, hệ lụy đã chấm dứt.

Bào thai vi uế hải: Bào thai là cơ quan sinh dục của phụ nữ. Uế hải là the sea of impurity.

Hà vi lạc dâm hành: Là người xuất gia, tại sao mình còn đi tìm lạc thú nơi chỗ đó? Đây là sự thực tập quán chiếu bất tịnh. Tại sao còn tìm khoái lạc nơi chốn đó? Đây nói về đời sống phạm hạnh của người tu.

 

Bài 27

Tuy thượng hữu thiện xứ              雖  上  有  善  處

Giai mạc như nê hoàn                    皆  莫  如  泥  洹

Tất tri nhất thiết đoạn                    悉  知  一  切  斷

Bất phục trước thế gian                 不  復  著  世  間

 

Tuy phía trên kia có những cõi trời
Nhưng cũng không đâu bằng Niết bàn
Đã có nhất thiết trí thì cắt bỏ được tất cả
Ta không còn vướng mắc nữa vào thế gian.

Tuy thượng hữu thiện xứ: Tuy ở trên kia có những cõi trời tốt lành, như cõi sắc giới hay vô sắc giới.

Giai mạc như Nê Hoàn: Nhưng không có cõi nào an toàn, hạnh phúc như Niết bàn.

Tất tri nhất thiết đoạn: Tất tri, là biết hết; tất tri là tên xưa của nhất thiết trí (sarvajñāna). Khi mình lấy ra được hết những phiền não, những ý niệm về có – không, tới – đi, còn – mất, ta – người, thì mình đạt tới nhất thiết trí. Có nhất thiết trí, tất cả đều được đoạn trừ.

Bất phục trước thế gian: Ta không còn vướng mắc vào trong cõi đời tục lụy. Tuy ở trong cuộc đời tục lụy, nhưng ta không bị cuộc đời tục lụy ràng buộc. Phàm thánh đồng cư, cùng ở chung một cõi, nhưng có người có tự do, có người lại không; người không có tự do là kẻ phàm, người có tự do là bậc thánh.

 

Bài kệ 28

Đô khí như diệt độ                         都  棄  如  滅 度

Chúng đạo trung tư thắng            眾  道  中  斯  勝

Phật dĩ  hiện đế pháp                     佛  以  現  諦  法

Trí dũng năng phụng trì                智  勇  能  奉  持

 

Buông bỏ hết, đã qua bờ diệt độ
Trong các con đường, đây là con đường đẹp nhất
Bụt đã diễn bày pháp chân đế
Kẻ có trí và có dũng có thể làm theo.

Đô khí như diệt độ: Đô là tất cả (together), khí là buông bỏ (letting go), buông bỏ tất cả để đi tới phía bên kia, chỗ mà mọi phiền não đều bị tiêu diệt.

Chúng đạo trung tu thắng: Chúng đạo trung, là trong tất cả con đường. Trong tất cả các con đường, con đường tới Niết bàn là con đường đẹp nhất.

Phật dĩ hiện đế pháp: Đế là sự thật. Bụt đã diễn bày pháp chân đế. Đức Thế Tôn đã vì ta trình bày giáo pháp về “Bốn sự thật”. Ngài đã hiến tặng cho ta một con đường, một giáo pháp về “Bốn sự thật”.

Trí dũng năng phụng trì: Là kẻ trí, là kẻ có dũng cảm thì phải có khả năng phụng trì theo. Phụng trì, là tiếp nhận và hành trì theo.

 

Đây là bài pháp thoại Thiền sư giảng vào ngày 05 tháng 12 năm 2010, tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, đạo tràng Mai Thôn, trong khóa An cư Kiết Đông.

Chế tác hỷ và lạc

Pháp môn thực tập của Làng Mai là làm thế nào để có hạnh phúc trong khi ngồi, khi đi, khi thở, khi chải răng, súc miệng, khi dọn dẹp thiền đường, khi làm thức ăn sáng cho đại chúng,… làm sao cho mỗi giây phút của đời sống hàng ngày có hỷ và lạc. Mỗi ngày có 24 giờ, mỗi giờ có 60 phút, mình làm sao để trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày mình chế tác được hỷ và lạc. Chế tác được hỷ và lạc thì mình biết rằng mình tu tập đúng. Nếu cần phải đau khổ, mình cứ đau khổ, nhưng mình không phải chỉ có đau khổ thôi. (It’s OK to suffer, but it’s not OK to only suffer.) Nói cách khác, trong khi tu, mình phải có khả năng chế tác hỷ và lạc. Khi bước một bước chân, mình phải bước như thế nào để bước chân đó chế tác được hỷ và lạc. Khi nâng ly trà lên uống, mình phải uống như thế nào để có hỷ và lạc trong khi uống trà. Khi chải răng, mình phải chải như thế nào để có hỷ và lạc. Mình phải học, phải tập luyện, thì mới có thể chế tác được hỷ và lạc trong khi ăn cơm, trong khi đi, trong khi ngồi. Đau khổ thì ai cũng có thể đau khổ được, nhưng chế tác được hỷ và lạc mới là hay. Vì vậy, mình được phép đau khổ, nhưng mình không được phép chỉ đau khổ. Mình phải học đau khổ như thế nào để đau khổ đó trở nên có ích lợi, tại vì có những khổ đau hoàn toàn vô ích. Những khổ đau có ích dạy cho mình bài học, hiến dâng cho mình tuệ giác. Nếu cần khổ đau thì mình cứ khổ, nhưng mình phải học cách khổ như thế nào để đừng khổ một cách vô ích và có khả năng chế tác hỷ và lạc để chuyển hóa khổ đau.

Mình tới Làng Mai học hỏi, thực tập để làm được chuyện đó. Làng Mai không phải là một trường học để mình tới thu nhận những kiến thức, khái niệm đem về giảng lại cho người khác. Mình tới Làng Mai để học cách chế tác hỷ và lạc, học cách khổ đau như thế nào để giúp mình thấy được sự thật, chuyển hóa được khổ đau và chế tác được hỷ lạc. Khổ đau có liên hệ tới hạnh phúc, cũng như bùn đất có liên hệ tới hoa sen. Bước một bước chân, nếu mình khôn khéo thì bước chân đó có thể đem lại hỷ và lạc. Thấy một người đi như bị ma đuổi, mình cảm thấy uổng cho người đó, dù người đó là người xuất sĩ hay là người cư sĩ. Mình muốn giúp để người đó đi được ung dung, thư thái, có an lạc; mà cách hay nhất để giúp là mình đi được như vậy, đi như thế nào để mỗi bước chân chế tác được hỷ và lạc.

Trước khi thỉnh chuông, mình hay chắp tay lại xá chuông tại để tỏ lòng biết ơn cái chuông. Tiếng chuông vọng lên, làm cho mọi người ngưng lại sự suy nghĩ, sự nói năng, để nhiếp tâm trở về giây phút hiện tại. Chuông là một vị Bồ tát giúp mình tỉnh thức, vì vậy mình xá chuông hết sức cung kính. Cái chuông đang làm vai trò của một vị Bồ tát, nó giúp mình thức dậy để trở về trong giây phút hiện tại. Làng Mai chúng ta nói tiếng chuông là tiếng gọi của đức Thế Tôn gọi mình trở về với giây phút hiện tại.

Khi đi với chánh niệm, mình trở thành tiếng chuông cho những người khác. Trong mỗi bước chân, mình chế tạo ra chất liệu thảnh thơi, chất liệu hỷ và lạc. Người khác thấy mình đi, họ có cảm hứng và cũng muốn đi được như mình. Người ta bắt đầu bước đi được như mình, mình đã đóng được vai trò của cái chuông và mình cũng đáng được xá, tại vì mình cũng là một vị Bồ tát.

Bây giờ, chúng ta thử đặt câu hỏi: Tại sao bước chân của mình không chế tác được hỷ và lạc? Câu trả lời là:

–    Trước hết, tại vì mình không có mặt trong giây phút hiện tại. Mình đang bị tương lai hay bị quá khứ lôi kéo, hoặc mình đang bị những lo buồn, những dự án lôi kéo. Sở dĩ tôi bước đi không có hạnh phúc, là vì tôi không thật sự có mặt trong cái bây giờ và ở đây. Tôi đang bị kéo đi, tôi không phải là con người tự do. Tôi có những lo lắng, những toan tính kéo đi, nên tôi đang đi như bị ma đuổi.

–  Có mặt là một sự thực tập. Nếu trong hai hay ba giây đồng hồ, mình thở vào có chánh niệm, mình đem tâm trở về với thân và mình có mặt. Mình đi một bước có chánh niệm, dừng lại sự rong ruổi về tương lai, hay sự lôi kéo về quá khứ, hoặc sự lo nghĩ về những dự án mình muốn làm. Dừng lại, là có mặt; sự có mặt đi theo sự dừng lại. Bước chân của mình sở dĩ không có được hỷ lạc, là vì mình không có mặt; mà mình không có mặt là vì mình chưa dừng lại được. Câu trả lời thứ hai, là do mình chưa dừng lại được.

–  Có mặt, không phải chỉ là sự có mặt của hình hài, mà còn là sự có mặt của tâm. Khi hình hài có đó, mà tâm không có, thì cũng không phải là sự có mặt thật sự. Mình hỏi người thương: ”Anh ơi, anh có đó không?” Người đó trả lời: ”Anh có đây!”, nhưng chưa chắc câu trả lời là thật, vì có thể, tuy cái thân người đó có, nhưng tâm đã đi chỗ khác. Muốn cho chắc ăn, mình hỏi: ”Anh có chắc là anh đang có mặt không?” Câu hỏi này giúp cho người đó đem tâm trở về với thân. Phải dừng lại, thì mới có thể thật sự có mặt.

–          Khi có mặt thật sự, thân và tâm hợp nhất, mình nhận diện được những gì đang xảy ra: trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở, và mình còn đang rất khỏe. Đó là những điều kiện hạnh phúc, mình thấy mình đang sống và sự sống rất là mầu nhiệm. Tự nhiên bước chân mình sẽ chế tác ra được hỷ và lạc. Câu trả lời thứ tư là: tại vì mình chưa tiếp xúc được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt, thì bước chân đó chế tác được hỷ và lạc.

Bước đi của mình không có hạnh phúc, vì mình không có mặt, mình chưa dừng lại và không nhận diện được những mầu nhiệm đang có mặt. Mình không có tự do, những lo lắng, giận hờn, sợ hãi đang chế ngự trên bước chân của mình, thì làm sao chế tác được hỷ lạc? Mình phải làm thế nào để chế ngự được cái giận, cái buồn, cái lo. Ví dụ, trong cơ thể mình đang có sự căng thẳng. Người nào cũng có thể có ít nhiều sự căng thẳng trong cơ thể và cùng với sự căng thẳng, có một ít đau nhức. Vì vậy, khi bước đi, thì sự đau nhức đó là một chướng ngại cho sự chế tác hỷ và lạc. Khi thật sự có mặt, mình nhận ra sự có mặt của đau nhức, mình mỉm cười và buông bỏ sự căng thẳng. Thường thì, khi có sự căng thẳng mình co rúm lại, mà co rúm lại thì khó có hỷ và lạc. Đức Thế Tôn dạy:

Thở vào tôi ý thức được những căng thẳng và đau nhức trong hình hài tôi.

Thở ra tôi buông thư những căng thẳng và đau nhức đó.

Đó là sự thực tập của mình. Nhưng không phải muốn là mình có thể buông thư được, nhiều khi mình muốn mà nó không chịu buông. Phải có cái gì đó để giúp cho mình buông thư, phải có một tuệ giác nào đó cho biết: Tại sao cả ngày mình để cho thân thể mình co rúm và căng thẳng như vậy? Thật không có ích lợi gì hết. Tại sao mình không biết rằng ngoài kia trời rất trong, gió rất lành, nắng lên rất đẹp? Biết bao nhiêu mầu nhiệm đang đợi chờ mình mà mình lại bị cuốn hút trong những lo lắng, buồn khổ? Mình có bao nhiêu ngày tháng để sống mà mình để cho cái bận rộn, lo lắng cuốn đi thì rất là uổng, rất là dại. Đó là tuệ giác, có tuệ giác thì mình buông bỏ được sự căng thẳng, chứ mình không thể ép mình thư giãn. Mình phải có cái thấy, phải có sự thức tỉnh, thì tự nhiên mình thư giãn được dễ dàng.

Những hơi thở thuộc về quán thân, không chỉ liên hệ tới thân, mà còn liên hệ tới tâm. Phải có cái tuệ nào đó giúp mình thấy được mình đang dại dột và giúp mình buông bỏ được dễ dàng. Khi mình đang giận, có thể do sự hiểu lầm hay sự vô minh nào đó, mình nghĩ giận là không tốt và mình ép mình thôi giận rất khó. Nhưng khi mình thấy được sự thật là cái giận đó từ sự ngu si, từ tri giác sai lầm mà ra, người kia không có ý làm mình giận, người kia đáng được mình giúp đỡ hơn là trách cứ, thì cái giận tan đi dễ dàng. Mình không thể nào ép mình đừng giận, mình phải có tuệ, thì mới buông bỏ được cái giận. Niệm, định đưa tới tuệ, không phải ba năm hay mười năm mình mới đạt được tuệ. Đôi khi mình chỉ cần hai hay ba giây tiếp xúc với tuệ, thì tâm hành giận được chuyển hóa ngay.

Khi người ta đặt câu hỏi: ”Tại sao bước đi một bước tôi không có hỷ và lạc?”, thì mình có nhiều câu trả lời:

–          tại vì mình không có mặt.

–          tại vì mình chưa dừng lại được

–          tại vì mình chưa có cái thấy.

–          tại vì mình chưa tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống.

Nhận diện tập khí

Khi bước chân của mình không chế tác được hỷ và lạc, không phải tại vì mình không muốn có hỷ và lạc trong khi bước; nhưng có thể mình có những thói quen, những tập khí đi như bị ma đuổi, mình lo lắng quá về tương lai. Thói quen đó có thể do cha mẹ, tổ tiên từ nhiều thế hệ trao truyền lại cho mình. Có chánh niệm, mình nhận diện ra được thói quen chạy như bị ma đuổi: ”Thói quen ơi! Ta biết ngươi có đó, ngươi đã được trao truyền từ các thế hệ tổ tiên. Nhưng bây giờ ta đã gặp chánh pháp, thì thôi ngươi hãy ngừng lại đi!” Nhận diện ra thói quen đó, tự nhiên nó không trấn ngự mình nữa và mình được giải thoát. Mình đi chậm lại và mình chế tác được hỷ lạc. Đó là cái thấy (insight). Năng lượng giúp mình nhận diện thói quen là niệm .

Một anh thiền sinh tới xóm Thượng cách đây mấy chục năm, một hôm đi chợ cho tăng thân anh thấy mình có vẻ hấp tấp, vội vã. Nhờ có tu tập mấy tuần, nên anh nhận ra cái tập khí hấp tấp này là của má anh trao truyền lại. Trong hai tuần sống với tăng thân, anh được ôm ấp, bảo bọc, nên tập khí đó không hiện ra. Được gửi đi chợ một mình, không có năng lượng tập thể của tăng thân, nên tập khí cũ biểu hiện ra. Anh ngạc nhiên, tại vì trong mấy tuần qua anh sống thảnh thơi, thư thái; bây giờ đi chợ một mình, tự nhiên anh lại hấp tấp, vụt chạc. Anh ta nhận ra được đây là tập khí do mẹ trao truyền lại cho mình, anh nói: “Hello mami! I know you are here!” Tự nhiên, tập khí đó buông anh ra và anh thảnh thơi trở lại. Chánh niệm đưa tới tuệ, tuệ giúp cho thói quen buông mình ra. Sở dĩ mình đi như bị ma đuổi và mình không chế tác được hỷ lạc là vì thói quen của ông bà, cha mẹ quá mạnh, nó đang cuốn mình đi theo. Niệm là dừng lại, thấy được tập khí đó, nhận diện được mặt mũi của nó; thì tập khí liền buông mình ra, mình bắt đầu đi chậm lại và chế tác được hỷ lạc. Niệm đưa tới định và tuệ, tuệ giúp mình buông thư và chế tác được hỷ và lạc.

Có mặt là kết quả của sự tu tập, mình phải thật sự có mặt, thân và tâm nhất như. Mình phải tập để có mặt trong từng giây từng phút. Trong khi chải răng, làm bếp, tắm gội, đi, đứng, nằm, ngồi, mình có mặt cho mình, cho tăng thân.  Tu tập một thời gian, mình sẽ tạo được một tập khí mới, đó là thói quen có mặt, một thói quen rất hay mà tổ tiên, cha mẹ, con cháu có mặt trong mình cũng được thừa hưởng. Mình tu tập không chỉ riêng cho mình mà mình tu tập để chuyển hóa cho cha mẹ, tổ tiên, dòng họ con cháu mình. Mình đâu có cái ta riêng biệt.

 

Nhìn người đó như nhìn một vị đại sứ

Khi một vị đại sứ tới trình ủy nhiệm thư lên tổng thống, vị tổng thống không nhìn vị đại sứ như một cá nhân, vì ông đại sứ đại diện cho cả một chính quyền, một đất nước. Vị tổng thống nhìn, nói với vị đại sứ như một đất nước, một chính quyền. Khi mình gặp một người như sư chị, sư anh, sư em mình, mình thấy người đó đại diện cho một dòng họ, một truyền thống, một đất nước, trong đó có tổ tiên, cha mẹ, có văn hóa, tập quán. Có một sự liên tục hàng ngàn năm nay và người đứng trước mặt mình đại diện cho một truyền thống rất dài mấy ngàn năm. Phải thấy như vậy thì mình mới thật sự thấy được người đó. Mình phải nhìn người đó như một vị đại sứ đại diện cho dòng họ, lịch sử. Có những cái mình chưa thấy, nhưng đã có trong người đó. Mình không thể coi thường người đó, vì người đó là một viên đại sứ. Khi tiếp xúc với người đó, mình tiếp xúc với cha mẹ, ông bà, dòng họ của người đó; mình phải thấy những tài năng, những kinh nghiệm, những khổ đau của tất cả trong người đó. Thấy như vậy, mới thấy được người đó, mình sẽ không dám khinh thường người đó dù người đó là một em bé. Có thể người đó không thấy được như vậy, vì người đó chưa tu, không thấy được mình mang trong hình hài mình tất cả tổ tiên, dòng họ, đất nước. Nhưng là người tu, nhìn người đó mình thấy được như vậy; cũng như một vị tổng thống nhìn vị đại sứ, thì thấy được vị đại sứ là đại diện cho cả một đất nước, một chính quyền, một dân tộc. Người đó có thể là cha, mẹ, người bạn hôn phối, người yêu, con, cháu, học trò hay thầy của mình. Mình phải tập nhìn người đó như một sự tiếp nối qua hàng triệu năm. Mình đừng tưởng mình có thể biết người đó, trong chiều sâu của người đó có những cái mình chưa bao giờ thấy. Nếu tiếp tục quán chiếu mình thấy Niết bàn, Thiên quốc, Bụt cũng có trong người đó.

Theo cái thấy của đạo Bụt thì trong người đó có Bụt, có Chúa, có Tịnh độ, có an lạc, hạnh phúc. Nhưng sở dĩ hạnh phúc, an lạc, Tịnh độ, v.v… không biểu hiện ra được nơi người đó, là do có những cái ngăn chặn, che lấp. Mình thấy nơi người đó chỉ có đau khổ, bạo động, thù hận. Thật ra, trong người đó có những cái hay, cái đẹp; nhưng có những điều kiện không cho phép cái hay, cái đẹp đó biểu hiện ra. Mình bỏ tù, mình giết người đó, thì mình cũng giết luôn Bụt, tổ, Thượng đế, Thiên quốc, Tịnh độ trong con người đó. Đó là cái thấy của đạo Bụt, có được cái thấy đó, mình hành xử theo cách khác: Người này cần được mình giúp. Mình có thể nói, có thể nhìn người đó như thế nào để người đó có cơ hội mở ra những cái đẹp, những cái hay nhất đang còn bị giam hãm trong người đó. Chỉ khi nào có tuệ giác lớn, mình mới có tình thương lớn và chỉ khi nào làm được cho chính mình thì mình mới giúp người kia làm được chuyện đó.

 

Khổ đau và hạnh phúc tương tức

Mình phải bắt đầu từ bản thân mình. Mình phải làm thế nào để Bụt, Tịnh độ, hỷ, lạc, cùng những tài năng, những kinh nghiệm của tổ tiên phát hiện được nơi mình. Mình trở thành một người có hạnh phúc, có từ bi, có tuệ giác và mình có thể giúp được người kia. Không cần sự trừng phạt, chỉ cần có tình thương mà thôi! Nếu cần khổ đau, mình cứ khổ đau đi; nhưng chỉ khổ đau thôi thì không đủ, mình phải xử lý khổ đau như thế nào để có thể hiểu khổ đau đó, chuyển hóa được nó và cho nó đóng góp vai trò của nó vào việc chế tác hỷ và lạc.

Theo đạo Bụt, bùn có thể đóng góp vào sự chế tác hoa sen, không có bùn thì không có sen. Nhưng bùn chỉ là một trong những điều kiện, hoa sen phải có nước, có ánh sáng, có hơi ấm. Giáo lý tương tức của đạo Bụt cho chúng ta biết, khổ đau đóng một vai trò quan trọng trong việc chế tác hạnh phúc. Nều cần khổ đau, mình cứ khổ đau; nhưng đừng khổ đau một cách vô ích. Mình phải học cách khổ đau để không khổ nhiều và biết lợi dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc. Khổ đau là một phần của sự sống, có ai mà không khổ đau. Những người chưa khổ đau là những người chưa biết hạnh phúc là gì. Khổ đau và hạnh phúc tương tức, cái này làm ra cái kia, như cái trái làm ra cái phải. Mong ước tới một cõi chỉ toàn hạnh phúc, không có khổ đau là một chuyện rất ngây thơ, khờ dại. Vậy mà trong chúng ta, có rất nhiều người mong muốn tới một cõi chỉ có toàn hạnh phúc.

Tới Làng Mai, mình học cách đi qua khổ đau như thế nào để khổ đau đóng được vai trò chế tác hỷ, lạc. Chữ khổ 苦 có nghĩa là đắng, có chút vị đắng, cũng như có chút khổ rất ngon. Mình nên nhớ, mình tới với tăng thân để học cách xử lý khổ đau và chế tác hỷ, lạc. Chế tác hỷ lạc liên hệ tới xử lý khổ đau. Người nào biết xử lý khổ đau, người đó biết chế tác hỷ lạc và người nào biết chế tác hỷ lạc, người đó đã biết xử lý khổ đau. Đó là một nghệ thuật mình cần học hỏi lẫn nhau trong khi sống chung như một tăng thân. Nó rất thực tế! Mình tới Làng Mai, hoàn toàn không phải để thu thập một mớ kiến thức về đạo Phật.

Bài kệ 29

Hành tịnh vô hà uế                        行  淨  無  瑕  穢

Tự tri độ thế an                               自  知  度  世  安

Đạo vụ tiên viễn dục                      道  務  先  遠  欲

Tảo phục Phật giáo giới                 早  服  佛  教  戒

 

Sống phạm hạnh, không một vết nhơ
Tự biết mình, vượt thời gian, đạt an ổn

Trong nếp sống tu tập, trước hết là xa lánh ái dục
Phải tự trang bị mình bằng giới luật của Bụt ngay tự bây giờ.

Hành tịnh vô hà uế: Hành là thực tập, là nếp sống. Hà uế là tì vết, vết dơ. Tịnh hạnh là nếp sống trong sáng, thanh tịnh, thánh thiện (holy life). Chất thánh thiện, mình có thể nhận diện được; có niệm, có định, có tuệ là có chất thánh. Niệm, định, tuệ cũng là giới, định, tuệ, tại vì niệm cũng là giới. Chánh niệm là giữ giới, chúng ta gọi năm giới là năm phép thực tập chánh niệm.

Người cư sĩ giữ được năm giới là có chất thánh. Trong kinh “Thánh đệ tử” nói, người xuất gia giữ 250 giới và người tại gia giữ năm giới là thánh đệ tử, tại vì trong người họ có chất liệu của sự thánh thiện. Sự thánh thiện không phải do Đức giáo hoàng hay một người khác ban cho mình, mà do sự thực tập mà có. Khi có niệm, định, tuệ và giới, tự nhiên mình có chất thánh. Hành tịnh là sống nếp sống tịnh hạnh, nếp sống tịnh hạnh là nếp sống có giới; đối với người tại gia là không tà dâm còn đối với xuất gia là bất dâm .

Tự tri độ thế an: Tự tri là biết mình là ai. Biết mình là ai là một chuyện rất khó, đôi khi mình tưởng mình biết, nhưng kỳ thực mình chưa biết mình là ai.

Mình biết mình là một vị đại sứ, mình đại diện cho cả một dòng họ, một đất nước, một lịch sử. Mình có tổ tiên, đất nước, dòng họ, mình không phải là một cá nhân biệt lập, mình không phải là một cái ta riêng biệt, mình là một vị đại sứ cho cả một dòng họ.  Mình phải thấy mình như vậy trước khi người khác thấy được mình như vậy. Họ phải nghiêng mình chào vị đại sứ với tất cả sự kính phục. Tự biết mình là ai phải do sự quán chiếu, do niệm – định – tuệ mới đạt được.

Thế là thời gian, tam thế là quá khứ, hiện tại và vị lai. Độ thế là vượt thoát được thời gian, tiếp xúc được kiếp ngoại và phương ngoại. Làng Mai ở Thái Lan có một thiền đường tên là Trời Phương Ngoại. Trời phương ngoại là không gian nằm ngoài không gian (space outside the space). Không gian mình thấy đây và thời gian làm bằng năm tháng, không đủ rộng rãi cho mình. Mình cần một không gian và một thời gian khác, không gian đó là phương ngoại phương 方外方, một không gian nằm ngoài không gian thường. Thời gian làm bằng giờ phút năm tháng hơi chật hẹp đối với mình, mình cần vượt thoát thời gian, gọi là thời ngoại thời. Độ thế, có nghĩa là vượt thoát được thời gian.

Tự biết mình là ai, vượt thoát được thời gian, đạt tới sự an ổn.

Đạo vụ tiên viễn dục: Đạo là con đường. Cái cần phải thực tập trước hết để đạt tới thời gian thênh thang của Niết bàn, là phải thoát ra khỏi vòng đam mê, còn đam mê thì còn bị giam hãm trong thời gian và không gian.

Tảo phục Phật giáo giới: Phục là mặc vào, trang bị. Mình phải sớm trang bị mình bằng những giới luật Bụt đã dạy. Chuyện đầu tiên là phải giữ giới, người cư sĩ phải giữ 5 giới, 14 giới còn người xuất sĩ phải giữ 10 giới, 250 giới, 380 giới, 14 giới. Không có giới là không có niệm – định –  tuệ, không có niệm – định – tuệ thì không tiếp xúc được với tự do, với Nê hoàn. Giới là điều kiện căn bản của tự do.

Người ta nói thọ giới là mất tự do, nhưng sự thật thì ngược lại, chính nhờ giới mà mình có tự do. Ví dụ như khi uống rượu hay sử dụng ma túy, mình mất tự do. Chính nhờ mình giữ giới không uống rượu và không sử dụng ma túy, nên mình có tự do. Người bị sa vào vòng rượu chè, ma túy thì không còn chút tự do nào. Giới là căn bản của tự do, mỗi giới là một lĩnh vực của giải thoát. Giữ giới không uống rượu, mình có tự do này, giữ giới không sát sanh thì có tự do khác. Biệt biệt giải thoát, có nhiều khía cạnh giải thoát khác nhau và mỗi giới cho mình một không gian của giải thoát.

Trong kinh nói: Muốn thật sự đi trên con đường đạo, phải xa lìa dục và phải sớm trang bị cho mình bằng những giới luật Bụt dạy.

Bài kệ 30

Diệt ác cực ác tế                             滅  惡  極  惡  際

Dị như điểu thệ không                   易  如  鳥  逝  空

Nhược dĩ giải pháp cú                   若  已  解  法  句

Chí tâm thể đạo hành                    至  心  體  道  行

 

Diệt phiền não, thoát ra khỏi thế giới hệ lụy

Dễ như con chim cất cánh bay lên không trung

Nếu hiểu được pháp cú này

Thì hãy đem hết lòng mà đi tới trên con đường đạo.

Diệt ác cực ác tế: Diệt là chuyển hóa, làm cho không còn. Ác là những gì đi ngược lại giới, những hành động, lời nói, tư tưởng tạo ra khổ đau. Tế là biên giới, lĩnh vực. Cực ác tế là đi ra khỏi biên giới của cái ác. Đó không phải là chuyện khó, khi mình có khả năng diệt trừ được tư tưởng tham, sân và si thì mình ra khỏi lĩnh vực của phiền não.

Dị như điểu thệ không, dễ dàng như con chim tung cánh bay lên không gian.

Nhược dĩ giải pháp cú: Nếu hiểu được pháp cú này. Pháp cú là dhammapada, câu nói của giáo pháp.

Chí tâm thể đạo hành: Hiểu được ý nghĩa của pháp cú, mình sẽ đem hết tâm để đi trên con đường đạo.

Bài kệ 31

Thị độ sanh tử ngạn                       是  度  生  死  岸

Khổ tận nhi vô hoạn                      苦  盡  而  無  患

Đạo pháp vô thân sơ                道  法  無  親  疎

Chánh bất vấn doanh cường        正  不  問  羸  強

 

Đó là con đường vượt qua bờ sinh tử
Đưa tới chỗ chấm dứt khổ đau hoạn nạn

Trong đạo pháp, không còn sự phân biệt thân sơ
Không còn hỏi ai có thế lực nhiều, ai không có thế lực.

Thị độ sinh tử ngạn: Đó là đi qua được bờ sinh tử.

Khổ tận nhi vô hoạn: Chấm dứt khổ đau, không còn tai họa. Tận là chấm dứt, hoạn là tai nạn.

Đi vào con đường danh lợi, quyền bính có rất nhiều tai họa.

Đạo pháp vô thân sơ: Trong đạo pháp, không còn phân biệt thân và sơ, không kết bè kết phái, không lập đảng riêng, người nào cũng là huynh đệ của mình, nghèo cũng như giàu, có quyền thế cũng như không có quyền thế. Mình không đứng về phía người giàu để áp chế người nghèo, mà cũng không đứng về phía người nghèo để tranh đấu với người giàu; vì mình thấy cả hai bên đều khổ, mỗi bên khổ theo kiểu của họ. Trong đạo pháp, phải có sự bình đẳng; mình thương người không đồng bào như thương người đồng bào, mình thương những người theo truyền thống khác như thương những người cùng chung truyền thống. Đó gọi là xả (equanimity), không phân biệt thân sơ.

Chánh bất vấn doanh cường: Doanh là nhiều, là hơn. Không còn hỏi ai là người thắng kẻ bại, không cần phân biệt ai là người mạnh kẻ yếu. Người thắng, kẻ bại mình đều thương. Mình thương các thầy, các sư cô Bát Nhã đã đành và mình còn thương luôn cả mấy ông công an. Mình thương những người yếu đuối bị đàn áp, bóc lột và mình cũng thương luôn những người dùng bạo lực. Ai cũng có những khổ đau của họ và mình muốn giúp hết tất cả. Đó là đạo pháp.

 

Bài kệ 32

Yếu tại vô thức tưởng                    要  在  無  識  想

Kết giải vi thanh tịnh                     結  解  為  清  淨

Thượng trí yếm hủ thân                上  智  饜  腐  身

Nguy thúy phi thật chân               危   脆  非 實  真

 

Quan trọng nhất là đừng bám vào tri giác

Khi cả hai cái cột và mở đều đã thanh tịnh

Thì bậc thượng trí không còn bị kẹt vào cái hình hài dễ tan vỡ này

Và thấy nó là một cái gì không chắc thật

 

Yếu tại vô thức tưởng: Tưởng là tri giác. Trong nhận thức của mình có tri giác, tri giác đó có thể sai lầm. Những tri giác như sanh-diệt, có-không, ta-người, bạn-thù, chia rẽ, kỳ thị và tạo ra hận thù, sợ hãi. Quan trọng nhất là vượt thoát những tri giác đó.

Kết giải vi thanh tịnh: Kết là buộc lại, giải là mở ra. Cột và mở, tuy vậy mà không chống đối nhau, không còn sự phân biệt giữa cột và mở, thì có sự thanh tịnh. Bàn tay mình có thể nắm lại, hay xòe ra;, nhưng nắm, hay xòe cũng là bàn tay. Mình phải thấy được bàn tay, không phải tại vì nó nắm lại, mà mình muốn tiêu diệt bàn tay. Người kia có thể là thiện hay ác, nhưng vẫn là con người. Mình phải làm thế nào để giúp người đó trở thành thiện, chứ không nên tiêu diệt người đó. Đó là cái thấy của Bụt. Kẻ thù ta không phải là con người, kẻ thù ta là cuồng tín, tị hiềm, kỳ thị, sợ hãi, đam mê. Mình thoát khỏi nắm và mở, nắm là bàn tay mà mở cũng là bàn tay. Thấy được như vậy thì mình khỏe, mình không còn hận thù, khổ đau nữa.

Thượng trí yếm hủ thân: Hủ là nát ra. Bậc có trí tuệ lớn không còn kẹt vào hình hài dễ tan vỡ này, không cho hình hài này là mình.

Thân này không phải là tôi
Tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy
Tôi là sự sống thênh thang
Tôi chưa bao giờ từng sanh
Cũng chưa bao giờ từng diệt

Chúng ta có hình hài, tư tưởng, lời nói. Những cái chúng ta tạo tác ra hàng ngày như những tư tưởng, những lời nói, những hành động, đang lên đường. Ta không chỉ có trong hình hài này, mà ta còn có ở ngoài hình hài, ta có trong ba mẹ, trong con cháu, trong thế giới. Hình hài này sẽ tan rã. Thấy mình chỉ là hình hài này, là một tà kiến. Những tư tưởng, lời nói, hành động mình chế tác ra đang tiếp tục mình. Người thượng trí thấy hình hài này không phải mình, mình lớn hơn hình hài này rất nhiều. Mai mốt hình hài này sẽ hủ nát, nhưng mình vẫn tiếp tục và mình phải tiếp tục cho đẹp. Muốn tiếp tục cho đẹp thì thân, khẩu, ý phải đi theo hiểu và thương, phải có giới, định và tuệ.

Nguy thúy phi thật chân: Thấy nó là một cái gì không chắc thật. Hình hài này dễ tan vỡ, dễ bị tai nạn.