Giảng kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại (phần 3)

Pháp thoại ngày 4.7.2010, tại thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ Nghiêm, xóm Mới.

Bài kệ 8

Tâm nan kiến tập khả đổ               心  難 見 習 可 覩

Giác dục giả nãi cụ kiến                 覺  欲 者 乃 具 見

Vô sở lạc vi khổ tế                          無  所 樂 為 苦 際

Tại ái dục vi tăng thống                 在  愛 欲 為 增 痛

Tâm khó thấy, nhưng thói quen có thể nhận ra,

Kẻ nhận diện được dục ý thấy được đầy đủ rằng

Không tìm thú vui trong dục lạc thì tránh được mọi thứ khổ

Và ái dục luôn luôn làm tăng trưởng niềm đau.

Tâm nan kiến dục khả đổ: Tâm nan kiến là mình khó thấy được tâm mình. Tâm không có hình tướng nên khó nhận diện, khó nắm bắt được tâm. Tập là thói quen, là tập khí. Tập khả đổ có nghĩa là: thói quen thì có thể nhận diện được.

Mỗi chúng ta đều có thói quen, chính thói quen đó xúi đẩy chúng ta suy nghĩ, nói và làm. Nhiều khi chúng ta không muốn nói điều đó, nhưng nó đẩy chúng ta nói. Chúng ta không muốn làm điều đó, nhưng nó đẩy chúng ta làm. Chúng ta không muốn nghĩ về chuyện đó, nhưng nó đẩy chúng ta nghĩ. Nó là thói quen. Thói quen có thể từ tổ tiên, cha mẹ truyền lại, hay là thói quen huân tập từ hồi mình còn thơ ấu. Ngựa theo lối cũ. Tập là vāsanā, tiếng Anh là habit energy.

Tâm của mình, mình không thấy được; nhưng tập khí của mình thì mình có thể nhận diện được. Mình nhận diện bằng chánh niệm của mình. Chánh niệm là khả năng biết những gì đang xảy ra, cái đang xảy ra là mình đang bị thói quen áp đảo, thúc đẩy. Có hai loại thói quen:

    1. thói quen về nghiệp, nghiệp tập khí (karma-vāsanā). Nghiệp là hành động (action), nghiệp có ba hình thức: tư duy, nói năng và hành động. Mình có thói quen nghĩ như vậy, mình có thói quen nói như vậy và mình có thói quen làm như vậy. Có thể là thói quen tốt hay có thể là thói quen xấu. Khi làm theo thói quen tốt thì mình biết mình đang làm theo thói quen tốt. Ví dụ như khi nghe tiếng chuông mình ngưng suy nghĩ, nói năng và bắt đầu thở vô nhẹ nhàng. Mỗi khi nghe tiếng chuông, không cần ai nhắc hay bắt buộc, mình tự động làm như vậy. Đó là một thói quen tốt.

Mình tập đi thiền hành đã quen, nên khi đi mình đi thảnh thơi, mỗi bước chân mình thưởng thức sự thanh thản. Đi như vậy thành một thói quen. Mỗi buổi sáng, buổi chiều mình ngồi thiền, mình thấy khỏe khoắn. Ngày nào không ngồi thiền, mình thấy thiếu cái gì đó. Ngồi thiền đã trở thành một thói quen, một thói quen tốt.

Nhưng cũng có những thói quen xấu. Khi nó ló đầu ra thì mình nhận diện được. Thói quen suy nghĩ như vậy, thói quen nói năng như vậy và thói quen hành xử như vậy.

Một anh chàng người Mỹ tới xóm Thượng tu một tháng. Anh tu rất giỏi, làm việc gì cũng thong thả, từ tốn, không gấp gáp. Các thầy, các sư chú dạy anh làm việc gì cũng nên làm thong thả, từ tốn. Xung quanh anh, người nào cũng làm như vậy nên anh được ôm ấp, bao vây bởi năng lượng từ tốn, thong thả. Trong ba tuần đầu tiên anh làm rất giỏi. Đến tuần thứ tư có lễ Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn), anh được gửi đi chợ mua sắm để về nấu cỗ. Đây là lần đầu tiên anh đi một mình không có tăng thân. Trong khi đi chợ, tự nhiên thói quen hấp tấp trở lại. Anh ta hối hả muốn làm cho xong để về. Nhưng vì anh đã được thực tập ba tuần rồi nên anh có khả năng nhận diện được. Anh thấy mình đang hấp tấp, vụt chạc, muốn làm cho xong để về. Anh nhận diện được tập khí đó. Thói quen đó chắc chắn là do má của anh truyền lại. Má của anh luôn luôn hấp tấp và anh đã tiếp thu cái tập khí xấu đó từ má. Thấy được, anh nhận diện nó và mỉm cười: “Halo mother! I know you are there.“ Khi nhận diện được thì anh trở về với chánh niệm, anh từ tốn, thong thả đi chợ. Nương theo hơi thở, thì tập khí không lôi cuốn anh ta được.

Nhận diện là một phương pháp rất hay. Mình không đàn áp, không trách cứ; mình chỉ nhận diện thôi. Khi nhận diện thì tập khí không làm gì mình được, mình vẫn giữ được tự do của mình. Mỗi người chúng ta đều có nhiều tập khí, nhiều thói quen như vậy. Theo thói quen thì chúng ta làm đổ vỡ rất nhiều. Mình không muốn làm như vậy, mình không muốn nói như vậy, nhưng tập khí đẩy mình phải làm, phải nói như vậy. Người tu phải biết nhận diện tập khí.

Không thể thấy được tâm, nhưng có thể nhận diện được tập khí. Trước hết là tập khí về suy tư. Có thể mình quen suy tư một cách tiêu cực, một cách nghi ngờ. Mình phải nhận diện tập khí của mình để đừng bị nó kéo theo. Đó là karma-vāsanā.

    1. Thói quen thứ hai là nhị thủ tập khí. Nhị thủ tập khí là thói quen cho rằng có một chủ thể độc lập ra ngoài đối tượng và có một đối tượng độc lập với chủ thể. Đó là karma, là bị kẹt vào, là thủ. Nhị thủ là bị kẹt một lần vào hai cái chủ thể và đối tượng.

Nhà khoa học bây giờ đang bị vướng vào nhị thủ, cho rằng tâm thức mình và thế giới của thực tại mình đang nghiên cứu là hai cái riêng biệt nhau. Tiếng Anh gọi là double grasping. Đó là một thói quen rất lớn. Mình cứ nghĩ rằng tâm thức của mình là một thực tại tồn tại độc lập ngoài đối tượng của tâm. Đó là một tập khí rất sâu dày của con người. Mình không đạt tới giác ngộ được là do tập khí nhị thủ.

Mình có thể nhận diện được hai loại tập khí đó và từ từ chuyển hóa.

Giác dục giả nãi cụ kiến: Giả là người (the one). Người có thể nhận diện dục ý của mình là người có khả năng thấy được rõ ràng. (The one who has the capacity to recognize his mind of desire will be able to see everything clearly.)

Mình có những mong cầu, những cái để theo đuổi, có những cái muốn nắm bắt. Đó là dục ý. Mình nghĩ mình không có hạnh phúc, mình đang không có hạnh phúc. Mình đang chạy theo, đang trông cầu, đang theo đuổi, đang ham muốn một cái gì đó. Đó cũng là một tập khí làm cho mình không có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Trong giây phút hiện tại, có thể mình có đầy đủ điều kiện để có hạnh phúc liền, nhưng mình không có khả năng có hạnh phúc. (You do not have the capacity to be happy.) Tại vì mình có một dục ý, mình đang theo đuổi, đang muốn nắm bắt một cái gì đó. Mình tin rằng, nếu không nắm bắt được cái đó thì mình không có hạnh phúc. Vì vậy, người có khả năng nhận diện được dục ý mới có thể thấy được rõ ràng.

Vô sở lạc vi khổ tế: Chữ lạc có thể đọc là nhạo. Nhạo là muốn, vô sở nhạo là không muốn đeo đuổi gì nữa. Mình như thế là mầu nhiệm lắm rồi, mình không cần phải trở thành một người khác mới có hạnh phúc. (Be yourself, you don’t need to become someone else.) Tại sao mình không còn mong muốn gì nữa? Tại vì hiện bây giờ những điều kiện hạnh phúc của mình đã quá nhiều. Có được hai lá phổi để thở không khí trong lành cũng đã hạnh phúc rồi. Trái tim của mình không bị nghẽn, hai mắt của mình còn sáng, mở ra có thể thấy được mùa xuân, mùa hè. Mình có rất nhiều điều kiện hạnh phúc; mình không cần đeo đuổi, chạy theo, nắm bắt gì nữa. Đó là vô sở nhạo, là aimlessness.

Nếu không đeo đuổi thì thoát ra được biên giới của khổ đau.

Tại ái dục vi tăng thống: Thấy rõ rằng, ái và dục, sự đam mê, đeo đuổi, luôn luôn làm tăng trưởng niềm đau của mình.

Không đam mê, không theo đuổi là nền tảng của hạnh phúc.

 

Bài kệ 9

Minh bất thanh tịnh năng ngự      明 不 清 淨 能 御

Vô sở cận vi khổ tế                         無 所 近 為 苦 際

Kiến hữu kiến văn hữu văn          見 有 見 聞 有 聞

Niệm hữu niệm thức hữu thức     念 有 念 識 有 識

Trong một bản in khác:

Minh bất nhiễm tịnh năng ngự     明 不 染 淨 能 御

Vô sở cận vi khổ tế                         無 所 近 為 苦 際

Kiến hữu kiến văn hữu văn          見 有 見 聞 有 聞

Niệm hữu niệm thức hữu thức     念 有 念 識 有 識

Sáng suốt, không để cho tâm ý bị nhiễm ô

Một khi đã được thanh tịnh hóa thì chế ngự được mọi dục ý.

Lúc ấy không còn phải tiếp cận với thế giới đau khổ nữa

Tuy rằng thấy thì vẫn thấy, nghe thì vẫn nghe,

Nhớ thì vẫn nhớ, và biết thì vẫn biết.

Minh bất thanh tịnh năng ngự: Chữ thanh 清 ở đây có thể bị chép lầm. Trong bản in khác là chữ nhiễm 染 .

Minh bt nhim tnh năng ngự: Minh bất nhiễm là sáng suốt, không để tâm ý bị nhiễm ô. Tịnh năng ngự là: một khi đã đạt được sự thanh tịnh thì chế ngự được mọi dục ý.

Vô sở cận vi khổ tế: Lúc ấy không cần phải tiếp cận với thế giới khổ đau nữa. Nhưng như vậy không có nghĩa là mình tách rời sự sống. Tại vì trong khi có mặt,

Kiến hữu kiến văn hữu văn

Niệm hữu niệm thức hữu thức

Mình vẫn thấy những gì mình thấy, mình vẫn nghe những gì mình nghe, mình vẫn nhớ những gì mình nhớ, mình vẫn phân biệt những gì mình phân biệt. Nhưng mình không bị kẹt, không bị cuốn hút vào đó, mình vẫn giữ được tự do của mình. Mình vẫn là con người, vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn biết, vẫn nhớ. Nhưng tất cả đối tượng đó không nắm bắt được mình, không làm cho mình mất tự do.

 

Bài kệ 10

Đố vô trước diệc vô thức                   覩 無 著 亦 無 識

Nhất thiết xả vi đắc tế                          一 切 捨 為 得 際

Trừ thân  tưởng diệt thống hành  除 身 想 滅 痛 行

Thức dĩ tận vi khổ cánh                      識 已 盡 為 苦 竟

Đạt được cái vô trước và vô phân biệt,

Một khi buông bỏ được mọi ý niệm rồi thì sẽ vào được cõi ấy

Vượt thắng được ý niệm về ngã,

Điều phục được các tâm hành có tác dụng gây đau nhức

Và dứt bỏ được hoàn toàn cái tập khí nhận thức phân biệt kỳ thị, thì khổ đau không còn.

Đây là những chỉ dẫn rất cặn kẽ, rất chi tiết để chúng ta làm theo.

Đố vô trước diệc vô thức: Đố vô trước là thấy được, đạt được vô trước. Vô trước là không bị kẹt, không bị dính mắc vào. Thấy thì vẫn thấy, nghe thì vẫn nghe, nhớ thì vẫn nhớ, phân biệt thì vẫn phân biệt nhưng không bị dính vào. Diệc vô thức là không phân biệt, không kỳ thị.

Nhất thiết xả vi đắc tế: Một khi buông bỏ được mọi ý niệm rồi thì sẽ vào được cõi ấy. Xả là bỏ. Nhất thiết là tất cả. Nhất thiết xả là buông bỏ được tất cả. Tế là cõi, là không gian. Vi đắc tế là đạt được không gian đó.

Trừ thân tưởng diệt thống hành: Tưởng là một khái niệm, một nhận thức (perception). Thân ở đây có nghĩa là cái ngã.

Trừ thân tưởng là buông bỏ được ý niệm về ngã. Mỗi người chúng ta đều có thói quen coi cái thân, cái tâm của mình là cái ta, một cái ta thường còn, bất biến và đến khi xác thân này tiêu hoại thì nó vẫn còn hoặc nó hoàn toàn tiêu diệt. Đó là thân tưởng. Thân tưởng là ngã chấp (the perception of the self). Trừ thân tưởng là buông bỏ được ý tưởng “có một tự ngã riêng biệt”.

Diệt thống hành là làm chấm dứt tâm hành gây ra đau nhức như cái sợ, cái đam mê, cái ganh tị, cái giận hờn.

Thức dĩ tận vi khổ cánh: Thức dĩ tận là dứt bỏ hoàn toàn tập khí nhận thức phân biệt. Vi khổ cánh là khổ đau không còn nữa.

 

Bài kệ 11

Ỷ tắc động hư tắc tịnh                   猗 則 動 虛 則 淨

Động phi cận phi hữu lạc              動 非 近 非 有 樂

Lạc vô cận vi đắc tịch                 樂 無 近 為 得 寂

Tịch dĩ tịch dĩ vãng lai                 寂 已  寂 已 往 來

Trong một bản in khác:

Ỷ tắc động hư tắc tĩnh                   猗 則 動 虛 則 静

Động phi cận phi hữu lạc              動 非 近 非 有 樂

Lạc vô cận vi đắc tịch                 樂 無 近 為 得 寂

Tịch dĩ tịch vô vãng lai                寂 已 寂 無 往 來

Ở trong hoàn cảnh động mà giữ được tâm thanh hư thì vẫn là tĩnh.

Trong cái động, không tiếp cận được Niết bàn, cũng không có an lạc.

Ý niệm về cái vui và cái khổ đã vượt qua rồi thì mới thực sự có cái tịch tĩnh

Vượt qua được cái ý niệm tịch tĩnh thì sẽ không còn cái qua lại nữa.

Ỷ tắc động hư tắc tịnh: Chữ ở đây có nghĩa là tâm rỗng rang, tự do, lẵng lặng. Khi giữ được tâm lẵng lặng, rỗng rang thì dù ở trong hoàn cảnh có động thì tâm vẫn tĩnh. Chữ tịnh 淨 là in sai, phải là chữ tĩnh 静 mới đúng. Hư tắc tĩnh có nghĩa là, nếu tâm mình rỗng rang, không vướng mắc thì dù ở trong hoàn cảnh động tâm vẫn yên lặng thanh tịnh.

Động phi cận phi hữu lạc: Trong cái động không tiếp cận được cảnh giới thanh tịnh của Niết bàn và không có an lạc.

Lạc vô cận vi đắc tịch: Vượt thoát ngay chính ý niệm về hạnh phúc và về khổ đau thì mới thật sự đi vào tịch tĩnh, tức đi vào Niết bàn.

Có cái khổ tương đối và cái vui tương đối, vượt thoát cái khổ tương đối và cái vui tương đối mới tới được cái vui tuyệt đối tức Niết bàn.

Tịch dĩ tịch dĩ vãng lai: Chữ 已 thứ hai là viết sai, trong một bản khác là chữ 無, vô vãng lai. Khi cái ý niệm về vắng lặng cũng đã vượt qua rồi, thì không còn có qua có tới.

Trước hết mình nghĩ Niết bàn là một không gian mà mình muốn đi tới. Mình muốn đi vào Niết bàn, nên mình có ý niệm về vãng lai. Vãng lai là đi vào, đi ra, đi tới, đi lui. Mình có những ý niệm như khổ hay vui, động hay tĩnh, tịch diệt hay không tịch diệt. Tất cả chỉ là những ý niệm. Khi mình đã vượt thoát những ý niệm đó rồi, ngay cả ý niệm Niết bàn là cái mà mình muốn đi vào, thì lúc đó mình không còn nhu yếu vãng lai, không còn chuyện từ ở ngoài đi vào Niết bàn, hay từ Niết bàn đi ra ngoài. Mình đã ở sẵn trong Niết bàn rồi.

Cũng như một đợt sóng đi tìm nước. Nó nghĩ: “Nếu mình là nước thì mình sẽ rất khỏe. Chỉ là sóng, mình rất khổ, mình phải lên, phải xuống, phải có, phải không, phải cao, phải thấp. “Đừng làm sóng nữa, phải làm nước đi thôi!” Và nó tìm cách đi vào nước. Nhưng thật ra, nó không cần phải đi vào nữa, tại vì sóng đã là nước rồi.

Bài kệ 12

Vãng lai tuyệt vô sanh tử              往 來 絕 無 生 死

Sanh tử đoạn vô thử bỉ                  生 死 斷 無 此 彼

Thử bỉ đoạn vi lưỡng diệt           此 彼 斷 為 兩 滅

Diệt vô dư vi khổ trừ                     滅 無 餘 為 苦 除

Cái qua lại đã hết, thì cái sinh tử cũng hết

Sinh tử hết thì làm gì còn phân biệt cái này cái kia?

Cái này và cái kia, cả hai ý niệm đều được chấm dứt

Cái tịch diệt tuyệt đối là cái vắng mặt của cảnh giới đau khổ.

Vãng lai tuyệt vô sinh tử: Vãng lai tuyệt là không có cái qua lại. No coming, no going. Cái qua lại chấm dứt thì làm gì có cái sinh tử nữa. Sinh tử là sự qua lại, sinh ra, chết đi, rồi sinh ra lại… Cái qua lại đã không còn, thì làm gì có sinh tử nữa?

Sinh tử đoạn vô thử bỉ: Khi sinh tử đã chấm dứt, thì làm gì còn có cái này, cái kia? Cái này, cái kia là sự phân biệt. Cái này là tôi, cái kia là anh. Cái này là chủ thể, cái kia là đối tượng. Cái này là thân, cái kia là tâm. Tất cả sự phân biệt không còn nữa.

Thử bỉ đoạn vi lưỡng diệt: Cái này, cái kia chấm dứt, thì hai ý niệm cũng chấm dứt. Lưỡng có nghĩa là lưỡng nguyên (dualistic thinking, dualistic view). Đó là nhị thủ (double grasping). Chủ thể, đối tượng (thử, bỉ) đều bị diệt một lần.

Sinh tử hết thì cái này cái kia hết, cái này cái kia hết, thì nhận thức lưỡng nguyên bị tiêu diệt.

Diệt vô dư vi khổ trừ: Diệt hết, lấy đi hết, đó là sự chấm dứt khổ đau. Diệt vô dư là cái tịch diệt tuyệt đối. Đó là cứu cánh Niết bàn. Chữ diệt có nghĩa là diệt ý niệm của mình: ý niệm khổ-lạc, ý niệm động-tĩnh, ý niệm tới-đi,…

 

Bài kệ 13

Tỳ-kheo hữu thế  sanh                   比  丘  有  世  生

Hữu hữu hữu tác hành                 有  有  有  作  行

Hữu vô sanh vô hữu                     有  無  生  無  有

Vô tác vô sở hành                          無  作  無  所  行

Này các vị khất sĩ, trên đời có cái sinh, có cái hữu, có cái tạo tác và có cái hình thành. Nhưng cũng có một cái không sinh, không hữu, không tạo tác và không hình thành để làm lối thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tạo tác và có hình thành ấy.

Bài kệ 13 là bài kệ khó nhất, mà cũng là bài hay nhất trong kinh.

Tỳ kheo hữu thế sinh: Tỳ kheo là này các vị khất sĩ. Thế là trong cuộc đời này (sur la terre, ici bas, underworld). Hữu thế sinh là trên đời có cái sinh ra.

Hữu hữu hữu tác hành: Hữu hữu là có cái đang có. Hữu tác hành là có cái tạo tác và có cái hình thành.

Sinh là born, hữu là being (existence), tác là made, hành là formed hay compounded, created. Trên đời có những cái có sinh, cái có có, cái có tạo tác và cái có hình thành. Trên bình diện hiện tượng, mình thấy có cái sinh để rồi diệt, có cái có để rồi không, có cái sáng tạo ra để tiêu diệt, có cái hình thành để tan rã. Trên phương diện tích môn, mình thấy có sinh, có diệt, có có, có không, có tạo ra, có hư hoại, có hình thành và có tan rã.

Chữ hành, tiếng Phạn là samskāra, tiếng Anh là formation. Tất cả hiện tượng đều là những hành và tất cả các hành đều vô thường. (All formations are impermanent.) Nó do nhiều cái tụ hợp làm thành (compounded). Vì là một hành (formation) nên nó được hình thành (formed). Mình thấy giống như là nó được tạo tác (made). Cái bàn, trái đất,… đều là tạo tác.

Being là có (exist). Being là brought into being, brought into existence. Nhưng trong đạo Bụt hay dùng chữ becoming, chữ becoming hay hơn chữ being, tiếng Phạn là bhava. Trong chữ becoming có sự chuyển biến; chúng ta không có mặt, chúng ta đang trở thành tại vì ta của phút sau không còn là ta của phút trước. Chữ bhava, mình dịch là being hay existence cũng được, nhưng dịch là becoming thì hay hơn, tại vì trong becoming luôn luôn có chuyển biến, nó không là một cái chắc thật đồng nhất trong thời gian.

Đứng về phương diện tích môn, mình thấy có những cái được sinh ra, có những cái được có mặt, có những cái được tạo tác ra và có những cái được hình thành ra.

Hữu vô sanh vô hữu

Vô tác vô sở hành

Nhưng nhìn kỹ dưới chiều sâu của “những cái có sinh, có tác, có hành” có “cái vô sinh, vô hữu, vô tác và vô hành”. Đó là Niết bàn.

Vô sinh là unborn. Vô hữu không phải là non-being. Vô hữu là không being cũng không non-being. Vô hữu là vượt thoát cả being và non-being. Ví dụ một đám mây, thấy đám mây mình cho nó là being, existing. Nhưng lúc chưa thấy đám mây, mà mình cho nó là non-existing là không đúng, tại vì trước khi là đám mây nó là hơi nước và mình không thấy được hơi nước. Trong phòng này có biết bao nhiêu hơi nước. Mình thở ra rất nhiều hơi nước, nhưng mình không thấy và mình nói nó không có mặt. Nói không có đám mây cũng sai mà nói có đám mây cũng sai. Cái không và cái có đều là cái thấy của mình. Sự thật vượt ra ngoài cái không và cái có. Cái mình cho là không, thật ra là có và cái mình cho là có, chưa chắc đã thật có, nó có thể là không.

Trong bình diện bản môn, có cái không có sinh, nghĩa là không có diệt; có cái không có có, mà cũng không có không; có cái không chế tác, mà cũng không có không chế tác; có cái không hình thành, mà cũng không phải là không hình thành.

Câu này là câu then chốt mà chúng ta có thể tìm thấy trong kinh “Như thị ngữ” (Itivuttaka) và trong kinh “Vô vấn tự thuyết” (Udāna). Chính nhờ tìm được mà chúng ta dịch được bài kệ này. Pali Text Society dịch ra tiếng Anh:

Bhikkhus, there is a not-born, a not-become, a not-made, a not-compounded. Bhikkhus, if that not-born, not-become, not-made, not-compounded were not, there could be apparent no escape from this here, that is born, become, made, compounded.

Này các vị khất sĩ, có một cái không có sinh, không có hữu, không có tác, không có hành. Này các vị khất sĩ, nếu cái không sinh, không hữu, không tác, không hành không có mặt thì không có nẻo thoát cho những cái trên cuộc đời có sinh, có hữu, có tác và có hành.

Chúng ta có thể dịch như thế này:

Này các vị khất sĩ, trên bình diện hiện tượng, chúng ta thấy có cái có sinh, có diệt, có tạo tác, có hình thành. Nhưng ở chiều sâu bản thể, ta thấy có cái không sinh, không diệt, không có, không không, không tạo tác cũng không hình thành. Cái ấy là Niết bàn. Nếu không có cái ấy, thì không có lối thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tác và có hành.

Cũng như những đợt sóng kia đang khổ đau, đang vùng vẫy tuyệt vọng trong thế có cao có thấp, có sinh có diệt của nó. Nhưng nếu đợt sóng biết nó là nước, thì nó thấy có một nẻo thoát. Thấy được nẻo thoát, biết mình là nước rồi, thì đợt sóng vượt thoát được cái sinh, cái diệt, cái lên, cái xuống, cái cao, cái thấp. Lúc đó nó mới thật sự vui. Chưa thấy được mình là nước, thì đi lên đợt sóng mới vui, còn đi xuống thì nó lo sợ. Niết bàn là cái không cần phải đi tìm cầu đâu xa, nó nằm ngay trong tự thân của mình.

Tỳ-kheo hữu thế sanh

Hữu hữu hữu tác hành

Hữu vô sanh vô hữu

Vô tác vô sở hành

Có ba chữ hữu đi với nhau. Tại vì trong một câu kệ chỉ có năm chữ, nếu không chúng ta có câu: Hữu hữu hữu tác hữu hành.

Chữ thế có thể nằm trước chữ hữu.

Này các vị Tỳ Kheo, trên đời này có cái sinh, có cái hữu, có cái tác, có cái hành. Nhưng cũng có cái không sinh, có cái không hữu, có cái không tác, có cái không hành để làm nẻo thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tác, có hành ấy.

Bài kệ 14

Phu duy vô niệm giả                      夫  唯  無  念  者

Vi năng đắc tự trí                           為  能  得  自  致

Vô sanh vô phục hữu                    無  生  無  復  有

Vô tác vô  hành xứ                         無  作  無  行  處

 

Chỉ khi đạt được vô niệm

Mới có thể tới được Niết bàn

Nếu đã là vô sinh thì không còn hữu nữa

Lúc ấy không còn tác, cũng không còn hành

Phu duy vô niệm giả: Chỉ có những người đạt được vô niệm. Vô niệm là không còn ý niệm (conceptualization), như ý niệm về sinh, diệt, có, không, cái này, cái kia. Vô niệm là một giáo lý rất cao siêu, muốn đạt tới chỗ thấy và hiểu được thực tế, thì phải buông bỏ tất cả mọi ý niệm như sinh-diệt, có-không, còn-mất. Duy là chỉ có, giả là người.

Vi năng đắc tự trí: Mới có thể có khả năng đạt tới chỗ đó. Tự là tự mình.

Chỉ có những người đạt được vô niệm mới có khả năng tự mình đạt tới chỗ đó. Chỗ đó là Niết bàn, là Thượng đế.

Vô sanh vô phục hữu: Nếu không còn sanh thì không còn hữu. Sanh là birth, being. Chúng ta có thể hiểu chữ sanh là được sanh ra, tiếng Phạn là jāti. Vô sanh là unborn, non-being. Chữ sanh đại diện cho nhiều khái niệm khác, tại vì sanh đi đôi với diệt, vô sanh sanh đi đôi với vô diệt. Hữu là existence, tiếng Phạn là bhava. Vô hữu là abhava. Không sanh, không diệt, không có, không không, không tới (vô lai), không đi (vô khứ), không một (vô nhất), không khác (vô dị), đó là những ý niệm chúng ta phải vượt thắng, vượt thắng được thì gọi là vô niệm. Chữ vô sanh đại diện cho tất cả những cái vô. Nó là Niết bàn, tại vì Niết bàn là thể tánh không sinh, không diệt, không tới, không có, không không, không còn, không mất. Đạt tới vô sanh là đạt tới Niết bàn, không còn sinh diệt, khứ lai, nhất dị. Đó là ý nghĩa đầu của chữ vô sanh.

Nhưng trong bài kệ này, chữ vô sanh có nghĩa khác, có lẽ nó được dịch từ chữ upādi. Upādi là sinh nhưng cũng có khi có nghĩa là sinh y. Y là nền tảng, tiếng Phạn là āśraya, sanh là sanh ra trở lạ. Có những nền tảng, những dây mơ rễ má làm cho mình không thoát được và mình phải sanh ra trở lại, mình phải dính vào nó. Đó gọi là sinh y.

Mười hai nhân duyên bắt đầu từ vô minh, rồi vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử. Vì có hữu nên có sanh, vì có sanh ra nên có già và chết. Chữ vô sanh ở đây là unborn. Nhưng chữ upādi có nghĩa là sinh y, tức những chất liệu làm bản chất cho luân hồi.

Trong bài kệ thứ 24 có câu : Hết chất liệu hồi (sinh tận) thì không tiếp nhận cái kia nữa. Chữ sinh ở đây có nghĩa là sinh y, tiếng Phạn là upādi, tiếng Anh là substratum of existence. Mình tiếp tục luân hồi khổ đau tại vì mình có nền tảng của cái sinh. Theo trong những bản chú giải của các tổ thì sinh y gồm có uẩn, dục, phiền não và nghiệp. Còn sinh y, nên còn tiếp tục đi vòng trong cõi đau khổ. Những chất liệu làm nền tảng cho luân hồi không còn, thì sẽ không còn hữu. Nhưng không còn hữu, không có nghĩa là sẽ có abhava, tại vì hữu-vô là một cặp đối nghịch. Có người sợ chết tại vì họ sợ trở thành hư vô, nhưng có người sợ sống, sợ phải sống hết đời này sang đời khác.

Nhiều người trong chúng ta ước có thuốc trường sinh để được sống hoài không chết. Trong lịch sử văn học Tây phương và Đông phương, đều có nói tới những người đi tìm thuốc trường sinh. Trong Lão giáo có Thái thượng lão quân ngồi đốt lò chế thuốc trường sinh, bị Tôn hành giả đến ăn cắp vài viên uống. Nhưng có người trong chúng ta rất sợ sống hoài. Nếu bị một quan tòa lên án: Anh phải sống hoài, không bao giờ được chết! thì chúng ta có bằng lòng không? Có người thèm bhava, nhưng có người thèm abhava, như những người tự tử chẳng hạn. Nhưng bhava hay abhava đều là những ý niệm. Niết bàn vượt thoát being và non-being, nếu tiếp xúc được Niết bàn thì thoát khỏi hữu và vô. Sinh y không còn thì bhava không còn, mà bhava không còn thì cũng không còn abhava, tức là không còn hữu và không còn vô chứ không phải không còn hữu thì đi vào hư vô.

Bài hát của Phạm Duy có tên Ngàn Thu, nhưng ông còn đặt thêm một tên nữa là Vô Hư, được làm tại Midway city, California:

Em là cơn gió

Anh là mây dài

Đi về bên nớ

Đi về bên này

Rồi trở về cho hết cái đong đưa.

Nếu hết chất liệu của luân hồi, thì không cần đi luân hồi nữa.

Vô tác vô hành xứ: Không có chỗ để tác và hành. Tác là tạo tác (action), hành là đi.

Làng Mai có một bài kệ được sử dụng khi thực tập thiền thở, thiền đi (hành thiền), thiền ngồi (tọa thiền) rất hay. Bài kệ bắt đầu bằng nhận thức lưỡng nguyên :

Để Bụt thở, để Bụt đi

Mình khỏi thở, mình khỏi đi

Tại vì mình có tính làm biếng, thấy thực tập hơi khó nên mình để Bụt làm. Mình là học trò, là con của Bụt, đã từng nghe giáo lý và đã từng thực tập nên mình có Bụt trong mỗi tế bào của mình. Bụt ở trong mình chứ không phải ở ngoài mình. Mình làm biếng nên mình để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi. Bụt rất siêng năng nên khi được mời thì Bụt thở, Bụt đi ngay và nhờ đó mình có cơ hội được thở, được đi.

Đệ tử của tôi phải biết thực tập bài kệ này, tôi đã thực tập bao nhiêu năm mà vẫn thấy nó hay, nó đáp ứng được lại sự làm biếng của mình:

Để Bụt thở, để Bụt ngồi

Mình khỏi thở, mình khỏi ngồi.

Để Bụt thở, để Bụt rong chơi

Mình khỏi thở, mình khỏi rong chơi.

Để Bụt thở, để Bụt nghỉ ngơi

Mình khỏi thở, mình khỏi nghỉ ngơi.

Có thì giờ nghỉ mà chúng ta không chịu nghỉ, nhiều khi đã lên giường rồi mà vẫn còn tranh đấu. Vì vậy, khi Bụt thở, Bụt nghỉ ngơi, thì mình được thở, được nghỉ ngơi.

Bụt đang thở, Bụt đang rong chơi

Mình được thở, mình đưọc rong chơi

Đó là bài kệ hay nhất, dễ nhất và hạnh phúc nhất để thực tập.

Bụt đang thở, Bụt đang ngồi

Mình được thở, mình được ngồi

Bụt đang thở, Bụt đang nghỉ ngơi

Mình được thở, mình được nghỉ ngơi

Bài kệ này tôi thực tập luôn luôn thành công, không lần nào mà không thành công.

Bụt là thở, Bụt là rong chơi

Mình là thở, mình là rong chơi

Chúng ta bắt đầu đi sang tuệ giác vô ngã. Ban đầu, chúng ta tưởng Bụt là một thực tại riêng và thở là một thực tại riêng, có một người tên là Bụt và có một động tác tên là thở, có một người tên là mình và có một người đang thực tập. Nhưng bây giờ, mình thấy rõ khi Bụt thở, thì hơi thở này rất có phẩm chất, hơi thở rất có chánh niệm, rất thoải mái. Chúng ta thấy được Bụt trong hơi thở đó chứ không cần phải tìm Bụt ở ngoài. Không có chủ thể thở, chỉ có động tác thở (there is only the breathing, there is no breather). Khi chúng ta để Bụt thở, thì Bụt thở rất hay, rất có phẩm chất và chính trong phẩm chất của hơi thở mà chúng ta nhận diện ra Bụt, ngoài hơi thở thì không có Bụt. Nói có một người thở và có một hơi thở là không đúng. Bụt là ai? Bụt là đi, Bụt là thở, Bụt là ngồi. Chúng ta phải nhận ra Bụt nơi hơi thở, nơi dáng ngồi đó tại vì một người khác sẽ không thở, không ngồi được như vậy. Ngoài hơi thở và dáng ngồi, không có một chủ thể Bụt riêng. Có động tác thở, rong chơi hay nghỉ ngơi; nhưng không cần phải có một chủ thể để thở, rong chơi hay nghỉ ngơi.

Chúng ta nói: Mưa rơi! Gió thổi! Mưa thì phải rơi, mưa mà không rơi thì không thể gọi là mưa, gió mà không thổi thì không thể gọi là gió. Có mưa mà không cần có chủ thể mưa. Khi xem tuồng múa rối, chúng ta thấy các con múa rối cử động; nhưng phía sau đó có bàn tay của người nghệ sĩ. Nhưng ở đây, không có người ở phía sau, không có chủ thể đứng ở ngoài để thổi, gió chính là thổi và cũng không có một người đứng để thả mưa xuống, mưa chính là rơi.

Bụt là thở, Bụt là đi

Mình là thở, mình là đi

Trong khi thực tập, mình tiếp xúc được với sự thật là chỉ có thở, chỉ có đi và phẩm chất của hơi thở, của bước chân rất cao. Mình sẽ không tìm được Bụt ngoài hơi thở và bước chân đó. Lúc bắt đầu, mình và Bụt là hai thực thể  khác nhau, nhưng khi tới câu kệ này, thì mình và Bụt trở thành một, chỉ có động tác mà không có người làm động tác. Đó gọi là vô tác.

Chỉ có thở, chỉ có rong chơi

Không ai thở, không ai rong chơi

Chúng ta không cần có một chủ thể đứng ở ngoài, đó là vô ngã. Vô ngã tức là Niết bàn, đạt được vô ngã là đạt được Niết bàn. Bài tập này tuy đơn sơ, nhưng đem lại rất nhiều hạnh phúc và giúp mình tiếp xúc được với vô sinh.

Trong khóa tu dành cho xuất sĩ tại Pak Chong, Thái Lan, có một số các thầy Nam tông tới tham dự. Các thầy không tu theo Tịnh Độ như các Phật tử Việt Nam. Nếu mình nói: “Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ” thì các thầy sẽ không hiểu, nên chúng ta đổi lại là: “Mỗi bước chân đi vào vô sinh”. Vô sinh là Niết bàn.

Sự đi đang diễn ra nhưng không có người đi, người đi không tách ra được khỏi sự đi. Ngoài chuyện thở và chuyện đi, không có người thở và người đi. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ chủ trương “không có ngã, chỉ có pháp”, tức không có người thở nhưng có cái thở, không có người đi nhưng có cái đi, không có người ngồi nhưng có cái ngồi, không có người rong chơi nhưng có cái rong chơi. Đó gọi là Ngã không pháp hữu.

Khi đạt tới cái thấy đó, thì không có tác, không có hành, không có hữu cũng không có vô.

Chỉ có thở nhẹ, chỉ có rong chơi

Không ai thở nhẹ, không ai rong chơi

Chúng ta không cần có một chủ thể đứng ngoài, có tác mà không cần tác giả. Có cái thở, cái đi đang xẩy ra, nhưng không có một cái ta núp đàng sau để điều khiển cái thở và cái đi. Có sự suy nghĩ, tư duy đang xảy ra, nhưng không có người suy nghĩ núp phía sau.

An khi thở nhẹ, lạc trong rong chơi

An là thở nhẹ, lạc là rong chơi

An và lạc là những cái có thật, có thể có an, có lạc, có thở nhẹ và rong chơi mà không cần phải có chủ thể núp phía sau như những bàn tay điều khiển con rối. Bài kệ này đơn sơ nhưng rất sâu.

Đạt tới vô sinh thì không còn có hữu, nghĩa là không còn có vô, không có tác giả và cũng không có hành giả.

 

Bài kệ 15

Sanh hữu tác hành giả                   生  有  作  行  者

Thị vi bất đắc yếu                           是  為  不  得  要

Nhược dĩ giải bất sanh                  若  已  解  不  生

Bất hữu bất tác hành                     不  有  不  作  行

 

Thấy có sinh, có hữu, có tác, có hành

Là chưa đạt tới chỗ thiết yếu

Nếu hiểu được thế nào là bất sinh

Thì không thấy còn hữu cũng không còn nhu yếu tác  và hành.

 

Sanh hữu tác hành giả

Thị vi bất đắc yếu

Còn thấy có sanh, có hữu, có người làm, có người thực tập thì chưa đạt  tới chỗ thiết yếu.

Nhược dĩ giải bất sanh

Bất hữu bất tác hành

Khi hiểu được không có sinh thì sẽ thấy không còn hữu, tác và hành. Hành là sự thực tập, tác là hành động.

Bài kệ 16

Tắc sanh hữu đắc yếu                    則  生  有  得  要

Tùng sanh hữu dĩ khởi                  從  生  有  已  起

Tác hành trí tử sanh                       作  行  致  死  生

Vi khai vi pháp quả                        為  開  為  法  果

 

Vì hữu nên mới phải có sinh

Và vì sinh cho nên hữu lại tiếp tục

Có tác, có hành, thì tử rồi lại sinh

Đó là cánh cửa sinh tử mở ra, để đưa đến sự phát khởi của các pháp.

 

Tắc sanh hữu đắc yếu: Đắc yếu là đạt tới chỗ thiết yếu. Vì có sinh nên hữu mới có chân đứng.

Tùng sinh hữu dĩ khởi: Có sinh nên hữu mới khởi ra.

Tác hành trí tử sanh: những công việc và hành động đem tới sinh tử (samsara). Tác hành có thể được hiểu là ba nghiệp: thân, khẩu, ý.

Vi khai vi pháp quả: Và mở cửa ra cho tất cả các pháp.

Vì hữu nên phải có sinh, và vì sinh nên hữu mới khởi ra. Trong thời gian sinh thì có tư duy, có lời nói, có hành động; nghĩa là có ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ba nghiệp là chất liệu làm tiếp nối luân hồi tử sinh và mở cửa ra cho tất cả các pháp. Các pháp là sự biểu hiện của tâm ý. Các pháp biểu hiện ra từ tâm ý khổ đau, thì có tính cách ràng buộc, gây đau khổ nên gọi là pháp quả.

 

Bài kệ 17

Tùng thực nhân duyên hữu          從  食  因  緣  有

Tùng thực trí ưu lạc                       從  食  致  憂  樂

Nhi thử yếu diệt giả                       而  此  要  滅  者

Vô phục niệm hành tích                無  復  念  行  迹

 

Cái gì cũng do thức ăn mà tồn tại

Ngay cả cái buồn, cái vui cũng phải cần thức ăn mới có

Nếu cái chất liệu thiết yếu ấy không còn

Thì không còn dấu vết nào của hành mà mình có thể nhận diện.

Tùng thực nhân duyên hữu: Do nhân duyên thực phẩm mà có hữu. Hữu (bhava) có nguyên do của nó, đó là bốn loại thực phẩm: đoạn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Từ những loại thực phẩm mà có sự lo lắng hay hạnh phúc.

Tùng thực trí ưu lạc: Ngay cả cái buồn, cái vui cũng do thức ăn mà sinh ra.

Nhi thử yếu diệt giả: Nếu chất liệu ấy không còn, nếu cắt đứt nguồn thực phẩm đó thì,

Vô phục niệm hành tích, không có dấu vết nào của hành mà mình có thể nhận diện được. Tích là dấu vết.

Ví dụ khi bị trầm cảm, không phải tự nhiên mà mình bị trầm cảm, mà là do mình đã sử dụng, đã nuôi mình bằng loại thực phẩm đưa tới sự trầm cảm. Khi mình quán chiếu, tìm ra được nguyên do của sự trầm cảm chính là nguồn thực phẩm không lành mạnh đó và quyết tâm chấm dứt không sử dụng loại thực phẩm đó nữa, thì trầm cảm sẽ tan biến và không còn lưu lại dấu vết nào cả.

Kinh này, tuy có đề tài là Niết bàn, nhưng thật sự không đi vào tư duy siêu hình. Kinh có giáo lý rất thực tiễn để chúng ta có thể chứng nghiệm được. Tôi nghĩ, bên Cơ đốc giáo và Do thái giáo cũng nên làm như vậy: Phải trình bày Thượng đế như thế nào để người ta có thể tiếp xúc được, tại vì Thượng đế không thể được hiểu bằng ý niệm có hay không, sinh hay diệt, cái này hay cái kia. Nhiều nhà thần học biết mình không thể nói gì về Thượng đế. Những đàm luận về Thượng đế như là: “Thượng đế có hay không?“ không dính líu gì tới Thượng đế. Mình phải đưa ra những thực tập cụ thể, để nhờ vào đó mà người ta có kinh nghiệm trực tiếp với Thượng đế, thì mới có ích lợi. Kinh này làm được công việc đó, nó không đưa ra những suy luận siêu hình về Niết bàn, mà cho ta những phương pháp rất cụ thể để mình có thể sống được Niết bàn trong giây phút hiện tại, mình có thể rong chơi trời phương ngoại. Phương pháp đó là:

–          Thứ nhất, làm nguội đi những đam mê, giận hờn.

–          Thứ hai, lấy đi những ý niệm.

Khi nói về Thượng đế và Niết bàn mà chỉ cho người ta thêm những ý niệm tức là ta đang làm ngược lại điều mình cần phải làm, vì vậy từ đầu đến giờ bài kệ nào cũng dạy chúng ta phải lấy đi những ý niệm.