Viện Phật Học ứng Dụng Châu Âu
European Institute of Applied Buddhism (EIAB)
Hiện nay có rất nhiều chương trình giảng dạy Phật pháp xuất sắc trong các viện đại học khắp thế giới. Tuy nhiên người ta nhận thấy rằng, hầu hết các chương trình này đều nhắm vào mục đích trao truyền cho học viên một số kiến thức về Đạo Bụt hơn là dạy cho họ những phương pháp cụ thể rút từ kho tàng giáo huấn của Bụt giúp xoa dịu những khổ đau, đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng và cho toàn thế giới. Tại các nước Á châu, nơi mà đạo Bụt được truyền bá sâu rộng như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn… việc học Phật càng lúc càng đi về hướng lý thuyết, xa rời sự thực tập. Ở Việt Nam cũng vậy, các Phật học viện được mở ra khá nhiều nhưng cũng chỉ nhằm trao truyền một số kiến thức. Các học viên đến Viện học xong thì về lại trú xứ của mình. Đôi khi những điều học được ở trường không phù hợp với cách sinh hoạt tại chùa mình ở nên cảm thấy rất lúng túng.
Từ những dữ kiện trên và từ kinh nghiệm giảng dạy trong gần 30 năm qua cho các thiền sinh về Làng Mai tu tập, cũng như cho các thiền sinh đến tham dự những khóa tu được tổ chức khắp nơi trên thế giới, Thầy Thích Nhất Hạnh và hội đồng Giáo thọ Làng Mai nhận thấy cần phải hệ thống hóa cơ sở dạy dỗ, mới giải quyết được nhu cầu càng ngày càng tăng hiện nay cho những người có những khó khăn trong đời sống hiện đại. Nhất là có thể tạo được cơ hội cho những người muốn tiến xa hơn nữa trong vấn đề tu tập, không những để chuyển hóa các tập khí xấu cho chính mình mà còn có thể giúp được người khác chuyển hóa khổ đau.
Để chính thức hóa cũng như hệ thống hóa công việc của mình, tăng thân Làng Mai đã thành lập một học viện với tên gọi: Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (VPHUDAC).
Về nội dung, VPHUDAC sẽ cống hiến một học trình kết hợp trọn vẹn và đầy đủ những giáo điển Phật giáo với những áp dụng cụ thể trên tất cả các bình diện trong đời sống và ngoài xã hội. Về hình thức cơ sở vật chất, Viện sẽ hội đủ các yếu tố như phòng học, phòng ngồi thiền cùng những tiện nghi để tu tập khác và nhất là đầy đủ chỗ ở cho học viên.
VPHUDAC không phải là nơi để các học viên đến để mỗi ngày học một vài tiếng, thu thập một ít lý thuyết về đạo Bụt rồi ra về như tại các khóa học của các phân khoa Phật học trên thế giới, hay tại các Phật học viện ở Việt Nam. Tại các nơi ấy, liên hệ giữa giảng viên và học viên chỉ là thuần túy trao truyền kiến thức. Học viên đến học để có thể làm được bài thi hầu có được một tín chỉ và mục đích xa hơn nữa là mảnh bằng cử nhân hoặc tiến sĩ Phật học. Có những vị đã trở thành những nhà Phật học nổi tiếng, có thể giảng dạy các kinh điển làu làu nhưng lại không thực hành được điều căn bản mà Đức Thế Tôn thường căn dặn “Đừng đánh mất sự sống trong giây phút hiện tại”. Vì thế khi gặp chuyện khó khăn xảy ra cho chính mình, cho gia đình mình thì vẫn lúng túng không biết giải quyết ra sao, mặc dù vẫn ôm một bụng kinh điển với những lời dạy cao siêu của Đức Thế Tôn. Họ đã quên, hay chưa từng được thực tập và áp dụng những lời Bụt dạy vào đời sống hằng ngày. Trong đời sống văn minh vật chất hiện nay, con người phải đối đầu với bao áp lực từ bên ngoài cũng như áp lực do mình tự tạo ra. Nếu không ý thức thì con người rất dễ bị cuốn hút vào đời sống vật chất, vào các nhu cầu giả tạo. Phải có cái này, phải có cái kia, hoặc vùi đầu vào các trò chơi điện tử. Thanh thiếu niên và ngay cả người lớn ngày nay hầu như không có thì giờ hoặc không có khả năng đứng nhìn ngắm một bông hoa, một con bướm hay nghe tiếng chim hót, thưởng thức được cảnh bình minh rạng rỡ, cảnh hoàng hôn trầm hùng.
Để bổ túc cho những thiếu sót này, tại Làng Mai cũng như tại các chùa, viện liên hệ và trong các khóa tu khắp nơi do tăng thân Làng Mai tổ chức, thiền sinh luôn luôn được nhắc nhở duy trì chánh niệm, ý thức đến những gì đang xảy ra quanh ta và nhất là những gì đang xảy ra trong ta. Được học các phương pháp thực tiễn để duy trì chánh niệm, thiền sinh có thể “sống” được với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Họ có khả năng thấy được những khó khăn, dằn vặt, những niềm đau, nỗi khổ của mình. Để rồi từ đó, qua những sự thực tập, họ có thể chuyển hóa dần những niềm đau nỗi khổ kia và lấy lại được sự quân bình trong đời sống. Họ có một đời sống an lạc và hạnh phúc hơn, không những cho chính mình mà còn cho gia đình, bạn bè và xã hội.
Sau đây là những điểm chính yếu của VPHUDAC:
VPHUDAC giảng dạy những phương pháp thực tập do chính Đức Thế Tôn và những đệ tử lớn của Ngài triển khai không ngoài mục đích làm vơi nỗi khổ, đem niềm vui cho mình và cho thế giới. Giáo lý đạo Bụt được diễn giảng không có tính cách tín điều, tôn giáo cục bộ và không nhằm mục đích khuyến khích các học viên theo hay từ bỏ một tôn giáo nào.
Dưới sự giảng dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một vị Thầy dạy Thiền lừng danh, đồng thời là một học giả, tác giả nhiều tác phẩm quan trọng về Đạo Bụt dấn thân, cùng với với các vị giáo thọ lớn của Làng Mai, các học viên của VPHUDAC sẽ không những chỉ tiếp nhận được một căn bản vững chắc về tinh hoa của đạo Bụt mà còn có cơ hội học được cách làm chủ thân, khẩu, ý và hành nghiệp của mình qua sự trau dồi nghệ thuật sống trong chánh niệm. Họ sẽ học được cách lắng nghe với tình thương và dùng lời ái ngữ để tạo nhịp cầu cảm thông giữa các cá nhân và các nhóm trong trường hợp có sự đối chọi.
Đặc biệt VPHUDAC đào tạo học viên biết áp dụng thực tiễn giáo lý Bụt dạy để:
Buông thư những căng thẳng trong thân, làm dịu những đau nhức và trong nhiều trường hợp không chỉ làm giảm bớt những triệu chứng mà còn chấm dứt được nguyên nhân của căn bệnh.
Nhìn sâu để thấu hiểu được những niềm đau nỗi khổ trong tự thân cũng như chung quanh.
Nhận diện và chuyển hóa những cảm thọ, cảm xúc khổ đau bằng tuệ giác đích thực Các khóa học được mở ra cho tất cả những người muốn cải thiện cuộc sống cho bản thân, gia đình và cộng đồng qua những bài học thiết thực và hiệu quả nhằm chế tác hạnh phúc và bình an trong mọi mặt của cuộc sống hằng ngày.
Giáo lý đạo Bụt giảng dạy ở VPHUDAC có tính cách thực tiễn, không mang màu sắc tôn giáo và tất cả mọi người, bất luận theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào, đều có thể hưởng được nhiều lợi lạc khi áp dụng nó vào đời sống.
Học viên không bắt buộc phải có những tín chỉ học trình nào trước để được nhận vào học ở VPHUDAC. Các lớp học sẽ được tổ chức tại nhiều chi nhánh của Viện trên khắp Âu châu, Bắc Mỹ và Á châu.
Học viên sẽ được cấp tín chỉ khi hoàn tất mỹ mãn một khóa học. Và nếu hội đủ các tín chỉ cho một học trình được qui định, học viên sẽ được cấp bằng Giáo thọ Phật học Ứng dụng (MAD, Master of Applied Buddhism) và Tiến sĩ Phật học Ứng dụng (DAB, Doctor of Applied Buddhism).
Những học viện, trung tâm khác có chương trình giảng dạy Phật học, giảng dạy về tôn giáo tương đương, hay dạy về những bộ môn khác có thể gửi học viên đến học tại VPHUDAC khoảng 10 đến 20 giờ để cho bộ môn họ đang học được sâu rộng thêm. VPHUDAC sẽ hợp tác với các học viện giảng dạy khác để xúc tiến việc công nhận tối đa các tín chỉ do VPHUDAC cấp. Được như thế, các học viên có thể dùng các tín chỉ của VPHUDAC để theo học tiếp tại các học viện này.
VPHUDAC cũng sẽ cống hiến những chương trình đào tạo đặc biệt cho những tu sĩ và cư sĩ đã có nhiều năm tu tập, thấy rõ lợi ích của việc học và thực hành những điều Bụt dạy, có ước muốn trở thành một giáo thọ để có thể chia sẻ các lời giảng dạy và sự thực tập của đạo Bụt cho những người khác bằng những phương pháp thích hợp và hiệu quả cho thời đại chúng ta.
Hội đồng giáo thọ của VPHUDAC sẽ quyết định cho học viên được nhận đèn giáo thọ khi xét thấy người này đã có đủ điều kiện để được chính thức làm giáo thọ theo truyền thống giảng dạy của Thiền sư Nhất Hạnh và Làng Mai. Sự thừa nhận chính thức này có thể được thực hiện trong buổi lễ Truyền đăng với Thiền sư Nhất Hạnh.
Sau đây là một mẫu giáo trình trong các giáo trình sẽ được giảng dạy:
Thực tập chánh niệm để duy trì hạnh phúc vững bền trong đời sống lứa đôi. Đây là khóa học dành cho những đôi lứa sắp sửa chung sống và xây dựng gia đình. Cả hai bạn nên cùng tham dự chung khóa học này. Mặc dù khóa học chỉ kéo dài ba tuần nhưng các học viên có thể xin ở lại học viện lâu hơn để đào sâu sự thực tập dưới sự hướng dẫn của các giảng viên và với sự yểm trợ của các bạn đồng học khác.
Khóa học sẽ dạy cho học viên:
Nhận diện những cảm thọ hạnh phúc hay đau khổ nơi tự thân hay nơi người kia.
Biết cách chấp nhận và xử lý những cảm thọ bằng cách quán chiếu bản chất, nền tảng và nguồn gốc của chúng.
Chế tác hạnh phúc từ những chất liệu nuôi dưỡng có mặt trong tự thân cũng như chung quanh trong từng giây phút.
Nhìn sâu vào gốc rễ của mình và của người kia để hiểu được nguồn gốc của cách hành xử của mình và của người kia.
Nhận ra được những hạt giống thiện và bất thiện trong tâm thức mình và trong tâm thức người kia. Và quyết tâm thực tập pháp môn tưới hoa cho những cách suy tư, nói năng và tiêu thụ tốt của người kia.
Lắng nghe với lòng từ bi để nhận diện và thấu hiểu những đau khổ cũng như hạnh phúc nơi chính mình và nơi người kia.
Thực tập pháp môn Làm Mới để tái lập và gia tăng phẩm chất truyền thông.
Nhận diện và thường xuyên xét lại những tâm nguyện và lý tưởng riêng cũng như chung của mỗi người.
Thực tập pháp môn Tứ vô lượng tâm.
Để đào sâu tuệ giác và kỹ năng đạt được trong khóa học này, sau khi có chứng chỉ học viên có thể xin học tiếp các môn học sau:
Tứ Vô Lượng Tâm – Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy.
Phương pháp đối trị với tâm hành “giận” và với những cảm xúc đau đớn và mãnh liệt khác.
Phương thức giải quyết “xung đột” và thiết lập “truyền thông”.
Kinh An ban thủ ý – Hơi thở của Bụt.
Kinh Người áo trắng – Quay về nương tựa Tam bảo; Thực tập Ngũ giới; Bốn phép Tùy niệm.
Tìm hiểu về Dòng tu Tiếp hiện: Lịch sử; Hiến chương; 14 giới; Đạo Bụt dấn thân Tương tự như khóa tu dành cho người trẻ sắp sửa xây dựng gia đình như vừa được trình bày rõ ràng ở trên, VPHUDAC còn có khoảng 60 khóa học khác mà trong đó có những khóa khác như:
Khóa tu 21 ngày dành cho những người vừa mới biết mình mắc phải một chứng bệnh nan y như ung thư (cancer), liệt kháng (aids)…
Khóa tu dành cho các bệnh nhân đến thời kỳ cuối, cận kề cái chết.
Khóa tu dành cho những người mới có người thân qua đời.
Khóa tu hướng dẫn cách đối trị với sự căng thẳng, với cơn giận.
Khóa tu dành cho các nhà tâm lý trị liệu, bác sĩ, y tá.
Khóa tu dành cho các cựu chiến binh.
Khóa tu cho các tác viên hoạt động cho hòa bình và xã hội.
Khóa tu dành cho giới doanh và thương.
Khóa tu dành cho các trường học, giáo chức và ban giám hiệu.
Khóa tu dành cho các viên chức ngành luật pháp và trật tự xã hội.
Khóa tu dành cho những nhà chính trị.
Khóa tu dành cho các thanh thiếu niên.
Khóa tu dành cho những nhà nghệ thuật, điện ảnh.
Khóa tu nhằm giúp giải quyết xung đột và tái lập truyền thông.
Khóa tu nhằm giúp đối trị với cơn giận kèm theo những xúc động đau khổ.
Khóa tu nhằm giúp chuyển hóa những lo lắng sợ hãi.
Khóa tu nhằm giúp chữa lành quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tuy cơ sở gốc của Viện đặt tại Đức nhưng các đạo tràng như Mai Thôn, Bích Nham, Lộc Uyển, Maitreya, Suối Thương, Từ Hiếu, v.v… cũng sẽ trở thành những khuôn viên (campus) của Viện và sẽ mở những lớp của Viện. Từ mùa Xuân năm nay, Viện đã có thể bắt đầu cấp phát chứng chỉ cho các khóa học.