Nhà văn Doãn Quốc Sỹ

Ba sinh hương lửa, Khu rừng lau là hai quyển sách gối đầu giường của tôi, đã mở mắt cho tôi từng tình tiết éo le của những người thanh niên thiếu nữ dấn thân vào việc giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ Pháp. Tôi đã đọc trên nhật báo những câu chuyện thật cảm động của những người con trai con gái trung trinh, can đảm, dũng cảm, vô vàn xứng đáng. Rồi từ từ tôi sống cùng những tình huống ôi là éo le đau xót vô cùng tận, tôi thao thức ngày đêm theo dõi từng trang hồi ký đăng trên nhật báo. Và rồi tôi bị quên mất các chi tiết sau thời gian.

Nhưng sau đó những câu chuyện kia được in thành sách Ba sinh hương lửa, Khu rừng lau Dòng sông định mệnh. Lời văn chân thành mộc mạc nhưng ngầm chứa rất nhiều nếp sống thanh cao của những nhân vật trong truyện mà tôi vô cùng kính phục. Không phải Thầy giới thiệu và hướng dẫn “cô Tây con lớn lên trong văn chương Pháp” như tôi đọc những cuốn sách đó. Chính Thầy dạy tôi phải tìm đọc các quyển sách như Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, Nhà nghèo của Tô Hoài. Tôi đã tự đọc và tìm hiểu về tình trạng đất nước, đã thao thức ngay từ tuổi 14, 15 với những câu hỏi: Tại sao? Tại sao tôi có cơm ăn áo mặc, tại sao các cháu bé kia không được cắp sách đến trường như tôi? Những câu hỏi mà các anh chàng “các áng mây màu” của tôi không tha thiết, không cần biết.

Những ngày cuối của thành phố Sài Gòn, anh Trương Bính – một người bạn rất thân của Doãn Quốc Sỹ, ghé ngang Văn phòng Phái đoàn Hoà bình của Phật giáo Việt Nam tại Hội Nghị Paris. Anh xin theo Thầy học đạo cho đỡ cô đơn. Vợ anh mất vì không tặc làm nổ máy bay trên đường bay từ Sài Gòn đi Đà Nẵng. Gia sản của hai vợ chồng, anh chị định đem về làm một siêu thị lớn theo lối Hoa Kỳ ở Đà Nẵng, giờ đang kẹt tại các ngân hàng Sài Gòn. Mỗi sáng được uống trà với thầy trò của Phái đoàn Hoà bình Phật giáo, tôi rất ưa nghe anh Bính kể nhiều chuyện về Sài Gòn, nhưng tôi thích nhất là hỏi thăm được về nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tác giả của cuốn Ba sinh hương lửa mà tôi đã đọc từng trang truyện trong Nhật báo Thần Chung lúc 16 tuổi. Ôi những tấm lòng trung trinh, yêu nước, yêu quê hương quá liêm trực và cũng rất nghệ sĩ. Qua anh Bính tôi biết chị Sỹ là con gái của cụ Tú Mỡ. Thầy chúng tôi thì biết nhưng tôi thì mù tịt. Tôi xin anh Trương Bính vui lòng cho tôi xin địa chỉ anh chị Doãn Quốc Sỹ ở đường Thành Thái. Thế là tôi viết thư ngay xin tên và địa chỉ của các con lớn của anh chị để xin gửi quà về làm quen và tỏ lòng tri ân. Đối với tôi, Doãn Quốc Sỹ là vị thầy đã mở mắt cho tôi về tình trạng đất nước trong những khu kháng chiến qua những mảnh đời của những người trẻ lớn lên trong tao loạn miền Bắc Việt Nam. Qua chị và cháu Thanh, tôi được địa chỉ của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn…

Nhờ sự giới thiệu của anh Trương Bính, anh chị Sỹ thương tôi ngay như cô em gái nhỏ. Tôi là cô Chín của các cháu Thanh, Liên, Hưng, Hương. Vui quá là vui! Lần nào cô Chín gửi về những gói quà nhỏ thì chị cũng bảo các cháu đem hộp thuốc cảm này, mấy viên Cequinyl chia cho Thanh Tâm Tuyền và cho họ địa chỉ của cô Chín khi họ cần thuốc men. Vì vậy cho nên các vị lần lượt liên lạc với tôi khi cần thuốc men. Thư nào cũng cám ơn cô Chín, thăm anh Bính và kính lời thăm “dì Năm”. Hạnh phúc lớn của tôi lúc này là được thư các cháu kể cho nghe chuyện bao nhiêu lần công an đến nhà xét lúc 12 giờ khuya, 1 giờ sáng rất kinh khiếp. Họ vứt tung tất cả sách vở giấy tờ của gia đình. Họ thô tháo lục tung giấy tờ của bố các cháu là anh Doãn Quốc Sỹ. Nhưng suốt ba tiếng đồng hồ anh đã đã ngồi thiền thật yên trước bàn Phật. Tiếng hét, tiếng doạ nạt càng dữ dằn thì bố các cháu càng ngồi yên. Yên cho tới nỗi họ không dám đánh bố dù là một tát tay. Cuối cùng gia đình anh Doãn Quốc Sỹ cũng gửi được một tác phẩm “chui” cho cô Chín và thư nào cũng kính lời thăm “dì Năm”. Dì Năm là ai các bạn biết không? Đó là thầy Nhất Hạnh. Sau này các cháu giải thích là bố Sỹ của các cháu nói bố thương Thầy như mẹ nên bảo gọi “dì” cho thân thương, “dì Năm”, trên danh nghĩa là em của mẹ anh Sỹ nhưng mà thật ra là thầy Nhất Hạnh.

Anh Bính đã mất trong thời gian tôi bận bịu trong công tác phụ tá cho Thầy trong chương trình Máu Chảy Ruột Mềm cứu thuyền nhân trên biển của World Conference on Religions and Peace – (WCRP). Hội này đã bầu và đề cử Thầy làm giám đốc (mời độc giả xem tập 2 Bước chân hộ niệm, hơi thở từ bi).

Quyển sách Đi là tác phẩm đầu tiên của Hồ Khanh (bút danh của anh Doãn Quốc Sỹ). Qua quyển Đi, độc giả biết được cách sống thanh bần mà cao quý dễ thương của gia đình ông giáo Doãn Quốc Sỹ. Vậy mà tại sao anh phải ĐI thôi!