Thầy vẫn luôn còn đó trong con
Trong thông điệp Ngày Tiếp nối, Thầy đã chia sẻ: “Các con phải thực sự tiếp nối Thầy trong từng hơi thở và từng bước chân. Suốt sáu mươi năm qua Thầy đã liên tục trao truyền những kinh nghiệm, những thao thức và những hoài vọng của Thầy cho bao nhiêu người qua cách Thầy nói năng, đi đứng, ăn uống và chấp tác trong chánh niệm, qua những cuốn sách Thầy đã viết, qua những lời Thầy thuyết giảng, hoặc trước quần chúng đông đảo, hoặc cho từng nhóm nhỏ hoặc cho từng người. Các con đã tiếp nối Thầy được đến bao nhiêu rồi?”
Để mừng ngày Tiếp nối của Thầy, BBT xin chia sẻ những mẩu chuyện, những hoa trái thực tập mà các vị đệ tử xuất gia và tại gia đang tiếp nối Thầy. Như là món quà dâng lên Thầy trong ngày đáng nhớ này.
Nước Bích lắng trong, ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện…
(Sư cô Chân Hoa Nghiêm)
Ngày tôi xin Sư Ông xuất gia, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình thích đi tu vì đời sống ở Làng vui quá, không có gì phải lo lắng. Mỗi ngày được ngồi thiền, thiền hành với đại chúng, ăn cơm trong im lặng, và mỗi tuần được nghe Sư Ông cho pháp thoại. Tôi không tìm cầu một công việc hay tranh giành một địa vị gì quan trọng, cũng không nghĩ đến tiền bạc, cuộc đời thật đơn giản và hạnh phúc biết bao.
Có lần Sư Ông nói với tôi: “Ngoài kia, người ta có nhiều khổ đau lắm, họ rất cần sự giúp đỡ của mình con à. Cho nên con tu học cho đàng hoàng”. Tôi gật đầu chắp tay thưa: “Dạ”. Lúc đó tôi chỉ biết vâng dạ mà đầu óc của tôi thì rỗng không. Theo thời gian, tôi có cơ hội đi qua nhiều trung tâm, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa cũng như đời sống đa dạng của người dân địa phương. Dù khác biệt quốc gia, chủng tộc, màu da, tầng lớp, ở đâu con người cũng không tránh khỏi những khổ đau trong cuộc sống.
Tôi về Bích Nham đã được gần mười năm. Sống trong một cường quốc như nước Mỹ, tôi nghĩ rằng khổ đau sẽ ít hơn so với các nước nghèo trên thế giới. Nhưng tôi đã lầm. Khổ đau ở đây đầy ắp như biển Đại Tây Dương. Tôi đã tiếp xúc với gia đình có đứa con trai tự tử, có đứa con gái tự tử. Tôi lắng nghe những em thiền sinh có vết thương do cha mẹ lạm dụng tình dục hay lạm dụng bằng sự bạo động. Có những vị cảm thấy thật cô đơn trong đời sống của họ. Có những người trẻ đã từng sa lầy trong nghiện ngập, vui chơi trác táng, v.v. Dĩ nhiên là cũng có những mặt đẹp của cuộc sống. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là một đất nước dù hùng mạnh vẫn có mặt trái của nó.
Thời gian gần đây, ngày quán niệm mỗi tuần đều đông nghẹt người. Các thanh thiếu niên trẻ về càng lúc càng đông. Tôi hiểu được là nhu yếu tu học rất mạnh, vì thế giới càng ngày càng có nhiều xung đột, chiến tranh, nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, môi trường khí hậu thay đổi bất thường, thiên tai …; bệnh trầm cảm, căng thẳng khiến cho nhiều người trẻ tự tử. Thỉnh thoảng tôi nghe có người trẻ tự tử ở New York hay ở Washington D.C. Áp lực phải kinh khủng lắm mới khiến người ta tự kết liễu đời mình như vậy. Ngoài ra cũng có nhiều bệnh hoang tưởng trong xã hội.
Mới đây nhất tôi đã tiếp xúc trực tiếp với một thiếu nữ, em nói với tôi rằng: “Có một ác quỷ trong con cứ xúi giục con phải tự đâm mình hay treo cổ. Con sợ hãi quá nên chạy đến đây”. Tôi đã khuyên em niệm Bồ tát Quan Thế Âm khi tiếng nói đó vang lên trong đầu, đó là sự hoang tưởng thôi. Dù đã cố gắng giúp em, nhưng sau khi em rời khỏi Bích Nham, tôi nghe tin em đã tự đâm mình. May mắn là em đã được cứu thoát. Là cha mẹ, là anh chị của các em, chúng ta phải làm gì để giúp con em mình vượt qua cơn bão cảm xúc. Thiết nghĩ rằng đợi cơn bão đến rồi mới tìm phương cứu chữa thì có quá trễ hay không?
Khi tôi thấy quý thầy, quý sư cô trẻ tiếp xúc vui vẻ với các bạn trẻ, làm bạn đồng hành với họ trong sự thực tập cũng như trong công việc, tôi thấy lòng rất vui. Tôi mong Bích Nham có thêm nhiều quý thầy và quý sư cô trẻ về đây tu học.
Tôi thấy rõ sự có mặt của tôi ở nơi này. Tôi thấy rõ là mình không phải chỉ tu để đạt đến mục đích giác ngộ cho riêng cá nhân mình. Mà sự hiện hữu và sự thực tập của tôi là để giúp làm vơi bớt khổ đau cho những người đang cần đến sự giúp đỡ, cần đến sự thương yêu. Mỗi khi đi xa về, tôi cảm thấy Bích Nham là một chốn thật bình yên, là nhà của mình đây. Đêm nay trăng thật sáng ngoài khung cửa sổ làm tôi nhớ đến năm nào tôi đã cùng ngồi với Sư Ông trên một băng ghế dài ngắm trăng. Sư Ông nói với tôi: “Mình có tự do mới thấy được vầng trăng sáng…”.
Có phải Sư Ông muốn nói với tôi rằng chỉ khi nào mình không bận bịu chuyện gia đình, chuyện xã hội, trong lòng mình không chất chứa những ham muốn, mong cầu, phiền muộn thì lúc đó mình sẽ tiếp xúc được vầng trăng sáng? Như hai câu kệ Sư Ông đã viết tặng tu viện Bích Nham:
“Nước Bích lắng trong, ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện
Non Nham tú lệ, mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh”
Tôi muốn nói với Sư Ông: “Thầy thương kính của con, con rất hạnh phúc vì mỗi ngày con đã thấy rõ hướng đi và biết nơi mình đang đến. Lòng biết ơn của con đối với Thầy, với chư Tổ, với gia đình tâm linh, đối với cha mẹ, với gia đình huyết thống không bao giờ cạn trong con. Sang năm là Đại tường của Thầy, nhưng con biết rằng Thầy đang rong chơi trời phương ngoại, Thầy vẫn còn đó mãi trong lòng chúng con”.
Giấc mơ đại đồng
Cuộc đời là một hành trình trải nghiệm và chế tác hạnh phúc hay khổ đau là tùy thuộc vào chính mình. Mãi khi đến Làng Mai con mới kinh nghiệm được điều đó.
Sư Ông có chia sẻ: tu tập là để mình trở nên đẹp hơn chứ không phải để trở thành một thầy tu trong gia đình hay một thầy tu trong công ty. Mình phải là một chủ tịch công ty có hiểu và có thương để thực hiện bổn phận mà cuộc đời đã trao tặng cho mình. Con thấy Sư Ông trong từng lời dạy, từng lời chia sẻ của quý thầy, quý sư cô; trong những câu kinh bằng tiếng Việt trong sáng; trong lời mỗi bài thiền ca; trong nếp thực tập chánh niệm của cuộc sống hàng ngày ở Làng. Những câu thư pháp bên con đường thiền hành đã đánh thức những hạt giống trong con. Con chợt nhận ra hạnh phúc từ những điều thật đơn giản nhưng vô cùng mầu nhiệm. Con có hỏi thầy Pháp Niệm: “Thưa thầy, điều gì là vĩ đại nhất ở Sư Ông? Thầy trả lời: “Di sản lớn nhất Sư Ông để lại là tăng thân. Sư Ông có một giấc mơ đại đồng, giấc mơ về hạnh phúc cho muôn loài và giấc mơ về sự giác ngộ tập thể.”
Con đã hiểu được sứ mệnh của con, sứ mệnh được tổ tiên trao truyền, sứ mệnh được Sư Ông đánh thức. Lúc đó ở Việt Nam, con thấy chưa có nhiều người hiểu được tầm vóc của Sư Ông và những gia tài tâm linh mà Sư Ông cùng Tăng thân đang gìn giữ cho đất nước. Con quay về Việt Nam và liên tục tổ chức các chuyến đi đến Làng Mai Thái Lan cùng với những người bạn, những doanh nhân đang tìm cầu một con đường để có thể làm đẹp bổn phận của mình. Từ một người muốn chạy trốn khỏi cuộc sống và trách nhiệm công việc, con đã tìm thấy con đường. Đó là con đường tiếp nối Sư Ông xây dựng một giấc mơ đại đồng. Giấc mơ trong đó các doanh nghiệp đều biết thực tập, phụng sự cho đất nước đi lên. Những vướng mắc trong con tự nhiên được cởi trói, những câu hỏi trong con tự được trả lời. Con không còn cần bất cứ lời giải đáp nào nữa.
Từ năm 2016, nhiều khóa tu Doanh nhân hạnh phúc được tổ chức. Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa thực tập chánh niệm vào công ty và con cũng học được rất nhiều từ những chia sẻ của họ. Trong các khóa tu, mọi người ai cũng rạng ngời hạnh phúc, biết ơn Bụt Tổ, biết ơn Sư Ông và quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã mang đến cho doanh nhân sản phẩm của hạnh phúc đích thực.
Bây giờ, mỗi lần cùng quý thầy, quý sư cô tổ chức khóa tu Doanh nhân hạnh phúc, con đều được nếm niềm vui khôn tả khi thấy những người tham gia khóa tu thấy được những điều con đã thấy, hiểu được những điều Sư Ông dạy để chế tác niềm vui, đối diện và chuyển hóa được khổ đau. Tăng thân doanh nhân chúng con mỗi năm lại đón thêm những thành viên mới, có thêm gia đình tăng thân mới và hạt giống giác ngộ đã được lan tỏa ở chính quê hương tâm linh Việt Nam nơi Sư Ông đã luôn hướng về và dành trọn cuộc đời gìn giữ. Con đã có con đường. Con đường cùng tăng thân xây dựng giấc mơ đại đồng, cùng thực tập để hướng tới hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả mọi người.
Bấy nhiêu thôi là đã đủ
(Thầy Chân Pháp Dung)
Về Việt Nam lần này, tôi dùng cuộc đời của Thầy làm đề tài quán chiếu cho mình. Tiếp xúc với môi trường Thầy đã từng sống, tìm hiểu những hoàn cảnh Thầy đã từng đi qua, và học hỏi từ những quyết định Thầy đã từng làm. Thầy chưa bao giờ muốn đệ tử trở nên giáo điều và sống theo một mớ những khuôn khổ cứng nhắc. Thầy chỉ muốn đệ tử có chánh niệm và biết phải làm gì để tự mình xử lý một cách nhu nhuyến trước sự thay đổi của hoàn cảnh.
Học và tìm hiểu cuộc đời của Thầy và của các vị tổ sư, chúng ta đem lịch sử soi chiếu vào hiện tại. Đó không phải là những gì xưa cũ chỉ thuộc về quá khứ. Bởi vì những điều đó có ảnh hưởng rất lớn lao đến hiện tại và định hình tương lai của chúng ta. Vì vậy chúng ta cần tự hỏi mình rằng cuộc đời của liệt vị vẫn tiếp tục liên quan đến thế hệ của chúng ta như thế nào. Đó là một câu hỏi rất quan trọng.
Thầy đã dạy chúng ta biết cách an trú trong xứ sở của giây phút hiện tại, một xứ sở không biên giới. Ngày hôm nay, ngồi giữa lòng một tăng thân xuất sĩ và cư sĩ đến từ hơn 30 quốc gia, chúng ta thực sự thấy được sự thực tập an trú trong giây phút hiện tại có thể giúp ta vượt thoát cả không gian lẫn thời gian như thế nào.
Khi cùng nhau đi thiền hành tại chùa Tổ, ta chỉ cần an trú trong từng bước chân và trong từng hơi thở ý thức. Ta không cần làm gì thêm nữa cả. Như vậy là chúng ta đang tiếp nối Thầy rồi. Khi người dân Việt Nam nhìn thấy một tăng đoàn quốc tế đang đi từng bước trong chánh niệm xung quanh hồ bán nguyệt, họ sẽ nhận ra ngay lập tức đó là những đệ tử của Thầy. Chúng ta chỉ cần làm bấy nhiêu thôi là đã đủ.
Tình Thầy là ánh trăng đầy
(Sư cô Chân Hội Nghiêm)
Lúc Thầy còn sống, con rất thích được ngồi yên bên Thầy nên mỗi khi có những giây phút rảnh con thường vào cốc Thầy, đảnh lễ Thầy rồi ngồi yên và đi kinh hành. Đứng nhìn ra khung cửa sổ, con ý thức Thầy cũng đã từng đứng đó ngắm mây, ngắm nắng, ngắm mưa, ngắm nhìn đồi thông, hoa cỏ. Con cảm nhận nguồn năng lượng bình yên sâu thẳm của Thầy vẫn còn đó. Cám ơn Thầy đã để lại cho chúng con nguồn năng lượng quý giá ấy. Dường như Thầy ra đi mà không mang theo một thứ gì cả. Thầy đã để lại tất cả cho chúng con như một gia tài vô giá. Nơi nào Thầy đi qua chúng con cũng cảm nhận được nguồn năng lượng bình an ấy. Cái giây phút linh thiêng khi sáu ngọn lửa châm vào nhục thân của Thầy trong buổi lễ Trà tỳ đã làm con vỡ oà. Vỡ oà để được bình an trở lại. Vỡ òa để thấy Thầy mới mẻ, dưới muôn vàn hình thức khác.
Thầy kính thương, Thầy thường ca ngợi:
Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần.
Con thấy Thầy cũng là một vầng trăng mát. Mỗi lần gần ánh trăng ấy là con thấy mát mẻ thanh lương, bình an tĩnh tại, tự do và thanh thoát. Trăng trên trời còn có lúc tròn lúc khuyết, còn vầng trăng của Thầy thì không bao giờ vơi, khuyết. Quả thật tình Thầy là ánh trăng đầy.
Thở cười con bước theo thầy
Hiểu thương con thấy tràn đầy niềm vui
Hạt bồ đề, quyết đem vùi
Mai thành cổ thụ chở che cho đời
Bao dung tha thứ vun bồi
Thân tâm chuyển hóa luân hồi còn đâu
Thầy ơi, con nguyện khắc sâu
Anh em bốn biển năm châu là nhà
Cùng nhau chung sống thuận hòa
Uy nghi giới luật nở hoa nơi này
Tình Thầy là ánh trăng đầy
Tình huynh đệ, áng mây bay giữa trời
Ta có nhau tự muôn đời
Bây giờ tiếp nối rạng ngời tương lai.
Con sẽ tiếp nối Thầy điều gì nhỉ? Con nhớ ngày Thầy dạy con làm trụ trì, lúc đó hai thầy trò đang ngồi trong thư viện ở Sơn Cốc. Bói Kiều cho con xong Thầy bảo: “Làm trụ trì hay không không quan trọng. Cái quan trọng là con phải có tự do”. Con thấy con thực tập điều này chưa giỏi, nên con phát nguyện sẽ tiếp nối Thầy đức tính tự do, tự tại. Vì không có tự do thì con cũng sẽ không có bình an và hạnh phúc được, phải không Thầy! Cám ơn Thầy đã là Thầy của chúng con, đã dạy cho chúng con biết thở, biết cười, biết bước những bước chân an lạc thảnh thơi, biết sống một nếp sống tĩnh lặng, thiểu dục tri túc, biết thương yêu trân quý, biết nhẫn nại bao dung, biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Con sẽ luôn mang Thầy trong lòng, Thầy kính thương của tất cả chúng con.
Thương kính Thầy thật nhiều!
Con của Thầy.