Ý nghĩa thực tập lễ lạy
(Phiên tả Pháp thoại ngày 04 tháng 01 năm 1998 tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)
Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni.
Cái lạy đầu là lạy đức Bụt Thích Ca Mâu Ni, thầy của chúng ta.
Nhất tâm kính lễ đức Bụt A Di Đà.
Bụt A Di Đà, Amitābha là một vị Bụt được biết tới qua 48 lời nguyện lớn và Bụt A Di Đà là giáo chủ của trung tâm tu học lớn tên là cõi Tịnh độ. Những người nào muốn tham dự vào trung tâm tu học đó chỉ cần gọi tên Ngài với tất cả thân, ngữ và ý. Trong giáo lý sâu sắc của Tịnh độ, Bụt A Di Đà không phải là ai khác ngoài tự tánh sáng chói của mỗi người. Cũng như Tuệ Trung Thượng sĩ đã nói Di Đà vốn thật pháp thân ta. Đức A Di Đà có thể được nhận thức như tự tánh chói sáng, pháp thân của chính mỗi người. Quay về nương tựa đức A Di Đà tức là quay về nương tựa nơi tự tánh chói sáng của tâm ta, quay về nương tựa nơi pháp thân của ta. Trong Công phu chiều thứ Sáu chúng ta sẽ học về kinh A Di Đà và giáo lý Tịnh độ.
Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Bi Quan Thế Âm.
Bồ tát Quan Thế Âm, Avalokiteśvara là chất liệu của sự thương yêu trong mỗi vị Bụt. Lạy Bồ tát Quan Thế Âm là lạy khía cạnh thương yêu trong Bụt Thích Ca, đồng thời cũng lạy khía cạnh thương yêu trong bản thân của chúng ta. Vì trong ta cũng có Bụt, trong ta cũng có Bồ tát Đại Bi Quan Thế Âm.
Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Thế Chí.
Bồ tát Đại Thế Chí, Mahāsthāmaprāpta có khi dịch là Đắc Đại Thế, tức là đạt được thế đứng rất hùng dũng. Chúng ta biết rằng đức Bồ tát Đại Thế Chí là vị Bồ tát có thế đi rất hùng dũng, một bước của Bồ tát làm chấn động mười phương và làm cho ánh sáng chiếu rọi khắp mười phương. Ngài là một cộng sự rất gần gũi với Bụt A Di Đà nên chúng ta thường thấy tượng đức A Di Đà đứng giữa hai vị Bồ tát lớn là đức Bồ tát Quan Thế Âm và đức Bồ tát Đại Thế Chí. Ba Ngài được gọi là Tây phương Tam Thánh (The Three holy people of the West), tức ba vị thánh nhân của phương Tây.
Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương.
Lạy đức Bồ tát Địa Tạng, Kṣitigarbha là tiếp xúc với hạnh nguyện lớn trong Bụt Thích Ca. Trong ta cũng có hạnh nguyện đó, nhưng chưa đủ sức mạnh để biểu hiện. Ta lạy đức Bồ tát Địa Tạng để làm cho hạt giống của đại nguyện trong ta lớn mạnh và đưa ta đi tới.
Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam.
Cái lạy này giúp chúng ta tiếp xúc với tất cả các vị Tổ sư trong suốt 2.600 năm, từ Tổ sư Ca Diếp bên Ấn Độ, đến các Tổ sư ở Việt Nam, qua các Tổ sư ở Trung Quốc. Cố nhiên trong cái lạy này, chúng ta cũng đang lạy thầy Bổn sư của ta, là vị Tổ sư trẻ nhất của ta.