XI. Cứu giúp đồng bào trong và ngoài nước – 1975
1. Trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm
Ngày 30.04.1975, miền Nam sụp đổ. Thầy và các bạn hữu cùng các cộng tác viên trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam bị cắt đứt liên lạc một cách đột ngột. Các bạn Thuỵ Điển, Hà Lan, Tân Tây Lan, v.v. đang muốn gửi những số tiền lớn cho các công tác cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, yểm trợ cô nhi chiến tranh. Nhưng tất cả các chương trình cứu trợ đều bị đóng cửa, kể cả trường TNPSXH và các ban từ thiện của các chùa. Chính phủ mới tịch thu tất cả tài khoản trong ngân hàng của Uỷ ban Tái thiết và Phát triển Xã hội của GHPGVNTN. Tất cả các cơ sở của giáo hội, tất cả những hoạt động văn hóa xã hội đều bị ngưng lại. Hình Thầy và chị Phượng bị treo trong bảo tàng viện Tội ác Mỹ ngụy với tội danh là “đại phản động tình báo Hoa Kỳ CIA”.
Đến cuối năm 1975, Thầy và chị Phượng vẫn tìm cách gửi 300 tấn gạo và 150.000 đô-la về cho các cô nhi nhưng không cô nhi nào nhận được. Tất cả đều biến mất. Bên nhà lâm vào tình trạng tuyệt vọng, bên này Thầy và các cộng sự cũng tuyệt vọng. Thầy trò có hai tay mà không làm được gì để giúp đồng bào ở bên nhà. Nhiều học trò đồng sự của Thầy cảm thấy hụt hẫng và sụp đổ. Thầy thấy việc cần thiết nhất lúc này là có một nơi để tĩnh cư, để trị liệu, để khôi phục niềm tin và nhiệt huyết phụng sự trong trái tim mỗi người. Thầy đóng cửa văn phòng ở Sceaux. Một số tình nguyện viên làm việc cho Phái đoàn xin về nước, số còn lại theo Thầy rút hẳn về Phương Vân Am để tĩnh tu và trị liệu.
Một cộng đồng gồm chín người được thành lập nhanh chóng ở Phương Vân Am. Nếp sống ở đây cũng đơn giản và bình dị như ở Sceaux. Ai cũng ngủ dưới đất trong chiếc túi ngủ, kể cả Má chị Phượng đã lớn tuổi. Thầy hay bị trúng gió nên có một chiếc giường thấp trong cái thất vách đá.
Khung cảnh thiên nhiên ở Phương Vân Am rất an lành. Để sống sót qua giai đoạn tuyệt vọng này, Thầy đã biết nhìn lên, nhìn lên để tiếp xúc với trăng sao. Thầy đã cầu cứu tới trăng sao:
Quê hương tôi là đây
Chỉ có dòng sông, chỉ có hàng cau, bụi tre, vườn chuối.
Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm.
(Chỗ đứng, Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)
Những câu thơ này không phải để ca tụng trăng sao đẹp, ca tụng thiên nhiên mà là để tự nhắc Thầy rằng ngoài bình diện của khổ đau, của tuyệt vọng còn có sự nhiệm mầu của trăng sao.
Trong giai đoạn khó khăn này, Thầy cũng sáng tác bài hát Ý thức em mặt trời tỏ rạng, trong đó có đoạn:
Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh
Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm
Cho em hai mươi bốn giờ tinh khôi
Cho em bầu trời bao la
…
Bài này chỉ có những hình ảnh đẹp và thanh bình như đồng hoa hướng dương, rừng cây vương nắng, hương quế tần ô, hàng dừa ven sông, v.v. Thầy biết nếu mình không nuôi dưỡng mình bằng những gì tươi mát và mầu nhiệm của cuộc sống thì mình có thể đánh mất thăng bằng và không thể tiếp tục công việc của mình được. Sự thực tập hơi thở chánh niệm, thiền hành và hiện pháp lạc trú của Thầy trong thời điểm này miên mật hơn bao giờ hết. Thầy chỉ cho các học trò trở về với hiện tại và nhận diện ra những mầu nhiệm của sự sống vẫn hiện hữu nơi mỗi bông hoa, nơi mỗi chiếc lá, nơi mỗi cái nhìn từ bi. Dân chúng quanh vùng không biết thiền hành là gì, họ ngạc nhiên khi thấy một đoàn người cùng leo lên đồi chầm chậm bên nhau và đi vào rừng chơi mà không ai nói với ai một lời nào. Mỗi ngày trong khung cảnh thênh thang ở Phương Vân Am, Thầy trò được Đất mẹ ôm ấp và xoa dịu những thương tích trong lòng.
Thầy về đây cuốc đất, trồng rau, ngồi thiền và thiền hành. Thầy dành nhiều thời gian làm vườn và những công việc ở ngoài trời. Thầy rất thích làm việc chân tay, vừa làm vừa quán niệm. Thầy trở về quyết tâm tu tập để chữa lành vết thương trong mình và để tìm ra một con đường mới.
2. “Từng nắp hộp kín đáo nuôi tình thương”
Không lâu sau đó, Thầy và các cộng sự tìm ra phương cách để tiếp tục chương trình cứu trợ. Trong thời điểm đất nước còn bị phong tỏa, thuốc men rất thiếu thốn, nhất là thuốc tây. Tuy không thể gửi tiền về nhưng Thầy và các vị cộng sự tiếp tục gây quỹ để gởi những gói thuốc tây đến các vị Tôn túc, những gia đình có người đi học tập cải tạo hay những gia đình nghèo đông con, với danh nghĩa là thân nhân. Hồi ấy, chưa có nhiều Việt kiều ở Mỹ và ở châu Âu để gửi tiền về tiếp tế trong nước, nhưng Thầy và các vị cộng sự đã đặt ra không biết bao nhiêu tên họ của thân nhân ở nước ngoài, ví dụ ở bên kia có Đào Duy Từ thì bên này có cháu là Đào Thị Mây, bên kia là Lê Thương thì bên này có người nhà là Lê Thị Phương Hương. Bưu điện mỗi ngày nhận hàng trăm gói quà về Hà Nội, Huế cho tới Sài Gòn.
Thời đó, bưu điện chỉ cho phép gởi những gói quà cân nặng tối đa một kí-lô, nên Thầy và các vị cộng sự phải chọn những loại thuốc có thể bán được bên ấy nhiều tiền nhất. Công việc mỗi ngày của Thầy trò là gói quà, lấy dây để cột và viết những hàng chữ hướng dẫn trên nắp hộp một cách thật khéo để không bị hiểu lầm là bức thư có tính cách chính trị: “Thuốc này rất quý, thuốc này phải bán với giá này mới không bị lỗ, còn cái hộp thuốc này có thể giữ lại để trị bệnh cho gia đình và phải uống như thế này…” Trong nhiều năm tháng, người nhận quà được hướng dẫn rất kỹ cách sử dụng để có thể vừa trị bệnh cho gia đình, vừa mua được gạo và thức ăn để cầm cự sống sót trong ba hay bốn tháng trước khi nhận gói quà kế tiếp[265]. Tuy vậy, họ hoàn toàn không biết ai thực sự là người đã gửi chúng. Nhờ gói quà, nhiều gia đình có được phương tiện đi thăm nuôi cha, anh, em hoặc con cái đang ở trong tù hay trong các trại học tập cải tạo.
Một hôm, Thầy nghe tin rất nhiều sách báo bị xem là văn hóa đồi trụy và bị đem đi đốt, kể cả sách Thầy viết và những tác phẩm của các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Tại Bruxelles, Bỉ, Thầy đi mua hết tất cả sách quý của Việt Nam, thu gom về một nơi để nếu trong nước đốt hết thì ngoài này, Thầy còn giữ được một phần. Hầu hết các văn nghệ sĩ lúc bấy giờ hoàn toàn bị tê liệt vì tuyệt vọng, mất hết cảm hứng để sáng tác. Thầy và các vị cộng sự quyết định yểm trợ đặc biệt giới học giả và văn nghệ sĩ, những tinh hoa của gia tài văn hóa Việt Nam, những người có thể nói lên được tiếng nói của trái tim, của dân tộc. Mục đích của Thầy và các vị cộng sự là giúp một phần làm sống dậy nguồn cảm hứng của các thi sĩ, họa sĩ và nghệ sĩ để họ có thể tiếp tục sáng tác. Những đóa hoa kỳ diệu của đất nước cần phải tiếp tục tỏa hương, không thể để cho những tài năng đó tàn lụi. Thầy gửi những gói quà cứu trợ kèm theo những lá thư ký tên giả cho mỗi học giả và văn nghệ sĩ một năm ba hoặc bốn lần, và phải làm một cách rất kín đáo để bên kia không bị liên lụy vì chính quyền cho rằng có liên hệ với nước ngoài[267]. Những gói quà đó có thể giúp các văn nghệ sĩ vượt qua khó khăn để tiếp tục đi tới. Đối với các văn nghệ sĩ, những hộp thuốc tây rất quý đã đành, có thể giúp cả gia đình họ sống sót trong giai đoạn đó. Tuy nhiên điều nuôi dưỡng họ trên hết là lá thư gửi kèm theo, một lá thư từ một độc giả ngưỡng mộ họ, muốn gửi ít quà để chứng tỏ lòng biết ơn mà thôi. Chính Thầy là người cố vấn để các bạn trẻ viết những lá thư biết trân quý, biết thán phục trong khi phân tích những tác phẩm của họ. Khi đã thân quen rồi, Thầy và các bạn còn chia sẻ thêm về nếp sống tu tập bên này nhằm nâng đỡ họ thêm về mặt tâm linh. Thầy và các vị cộng sự yểm trợ các văn nghệ sĩ không phải bằng vật chất mà bằng cả trái tim của mỗi người. Các nhà văn, các nhà nghệ sĩ đã rất ngạc nhiên khi thấy ở nước ngoài, có những người trẻ hiểu được họ một cách sâu sắc. Như một phép lạ, có những vị đã buông bút vậy mà khi nhận được những lá thư như vậy, họ đã bắt đầu sáng tác trở lại một cách tươi mới, tin tưởng.
Lúc này rất nhiều những người trẻ xuất gia cũng như tại gia cùng tham dự vào công việc gói quà để cứu trợ cho những người ở bên nhà. Các cựu tác viên của trường TNPSXH cũng âm thầm đi phát quà nơi các vùng kinh tế mới. Đến những năm 80, mỗi tháng, khoảng 40 tăng thân nhỏ gửi quà trong đủ loại hộp, từ các địa chỉ khác nhau trên thế giới, viết bởi đủ các tuồng chữ cho vài ngàn gia đình ở Việt Nam.
Tháng 09 năm 1976, Thầy nhận được một xấp đầy đủ tài liệu về 12 thầy và sư cô tự thiêu ở Phụng Hiệp, Cần Thơ cách đó mười tháng, với lá thư thỉnh nguyện chính phủ tôn trọng tự do tôn giáo. Thầy liên lạc và tìm cách có một cuộc đối thoại với ông Đại sứ quán Việt Nam nhưng đã bị từ chối. Thầy đành phải gửi đến báo chí một thông báo khẩn (Urgent press release). Ngay ngày hôm sau, ngày 09 tháng 09 năm 1976, ba hãng thông tấn và bốn tờ nhật báo lớn của Pháp là Le Monde, Le Figaro, France Soir và La Croix đăng tin này trên trang lớn. Các tờ báo nổi tiếng như New York Times, The International Herald Tribune cũng đăng tin này. Những tin tức này đã làm cho sự gia nhập của Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc bị chậm trễ. Nhiều ký giả ngoại quốc thấy hình Thầy trong viện bảo tàng Tội ác Mỹ ngụy rất ngạc nhiên và đã hỏi chính phủ vì sao lại có sự việc như vậy trong khi Martin Luther King Jr., nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng trên thế giới, đã đề cử Thầy cho giải Nobel hòa bình. Vài năm sau, hình Thầy được lấy đi, nhưng hình chị Phượng (sư cô Chân Không) vẫn ở đó cho đến sau khi Thầy và sư cô được trở về nước năm 2005.
3. Máu chảy ruột mềm
Cuối tháng 11 năm 1976, Thầy đang tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình Thế giới (World Conference on Religion and Peace, WCRP) tại Singapore thì nhận được tin về số phận của những thuyền nhân Việt Nam mà lúc ấy, chưa ai biết đến trên thế giới. Đã có hơn hàng chục ngàn người trôi dạt ngoài biển khơi, nhắm mắt giao thân mạng mình cho bão tố và hải tặc.
Qua ngày thứ ba của hội nghị, Thầy trình bày một đề tài mới phát sinh về thảm kịch của thuyền nhân. Các tàu bè qua lại vịnh Thái Lan không dám vớt người tị nạn bởi vì không có bến nào chịu cho người tị nạn lên. Ghe đánh cá vớt người tị nạn thì bị phạt và bị tù. Tàu nào vớt người tị nạn sẽ không được phép cập bến dỡ hàng, lấy dầu, lấy nước. Nếu tàu ấy cần ghé Singapore gấp để dỡ hàng, chủ tàu sẽ phải đóng tiền thế chân là mười ngàn Mỹ kim mỗi đầu người tị nạn. Nếu thuyền người tị nạn tới được bờ thì thường bị đẩy trở ra biển. Những người đã vào được trại tị nạn là những người đã khôn ngoan đục chìm thuyền của họ trước khi nhà chức trách địa phương bắt được họ. Tuy vậy, các trại tị nạn hồi đó cực khổ hơn bao giờ hết. Chỗ cư trú có rất nhiều rắn rít, thực phẩm và thuốc men thiếu thốn, lính địa phương đánh đập và thường xuyên hãm hiếp phụ nữ tị nạn mà không ai dám làm gì. Cuối cùng, Thầy đọc một bài thơ mà Thầy mới sáng tác bằng tiếng Anh tối hôm trước. Bài thơ có tựa đề Anh sẽ không ngủ được đêm nay Yoshiaki Isaka. Bài thơ đã làm chấn động ba trăm nhà lãnh đạo tôn giáo và các ký giả có mặt hôm ấy, khiến cho Thông tấn Pháp (Agence France Presse) và Thông tấn UPI (United Press International) đã gửi điện thư đăng trọn vẹn bài thơ của Thầy. Ngày hôm sau, những tờ nhật báo lớn của Singapore và của nhiều nước khác cũng đăng nguyên bài thơ trên. Tại Hội Nghị Tôn giáo và Hòa bình Thế giới châu Á, Thầy đề nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo có mặt trong đại hội yểm trợ Thầy trong công việc tổ chức một chiến dịch cứu người trên biển. Mọi người đồng ý mời Thầy làm giám đốc điều hành Chương trình cứu trợ người tị nạn trên biển với sự phụ tá của một giám đốc quản trị, một phó giám đốc, và hai thủ quỹ[268].
Ngày hôm sau, Hội đồng Tôn giáo và Hòa bình Thế giới châu Á tổ chức một cuộc họp mặt và mời ông Giám đốc Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), Đại sứ sáu nước Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông, Philippine, Indonesia, Bộ Nội vụ Singapore cùng nhiều đại sứ các nước như Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Thuỵ Sĩ và các nước Bắc Âu tham dự.
Lúc bấy giờ có khoảng 150.000 thuyền nhân ở sáu nước Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông, Philippine, Indonesia, nhưng mỗi nước chỉ nhận được 12 visa mỗi tháng cho mấy chục ngàn thuyền nhân. Số thuyền nhân cập bến các nước tiếp tục tăng mỗi ngày nhưng Úc và các nước châu Âu, chưa nước nào có chính sách tiếp nhận thuyền nhân. Nhân danh Giám đốc điều hành Chương trình cứu trợ người tị nạn trên biển của Hội đồng Tôn giáo và Hòa bình Thế giới, Thầy long trọng thỉnh cầu chính quyền Hoa Kỳ và Úc nhanh chóng tăng chỉ tiêu nhận thêm thuyền nhân, nhưng lời thỉnh cầu chưa được chấp nhận.
Văn phòng được đặt tại Singapore. Các Hội đoàn đã từng giúp Việt Nam như Hội Committee for Helping Children in Vietnam của Kirsten Roep, Comité pour les enfants du Vietnam của Pierre Marchand, Third Way in Vietnam đã gửi tiền để Thầy thực hiện kế hoạch ngay lập tức. Một số các bạn từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu như Mobi và Kirsten được mời qua để yểm trợ. Thầy cùng chị Phượng và những người cộng sự thuê bốn chiếc tàu: chiếc Roland, chiếc Leap Dal, chiếc Sài Gòn 200 là một chiếc tàu nhỏ cơ động có thể tìm vớt thuyền nhân rồi chuyển họ đến một trong hai chiếc tàu lớn Roland và Leapdal, và sau đó, chiếc Black mark, một thuyền máy nhỏ xíu dùng để chở thực phẩm, thuốc men và đưa bác sĩ Choy Leng ra khám bệnh và phát thuốc cho đồng bào mỗi ngày. Ngoài ra, Thầy còn mướn một chiếc máy bay nhỏ để tìm kiếm những người trôi dạt trên biển. Thầy ngồi trên phi cơ bay ngang dọc trên biển Đông hay dọc theo bờ biển Thái Lan, Mã Lai, Indonesia suốt cả ngày để tìm những chiếc thuyền đang bơ vơ ngoài biển rồi báo cho chiếc Saigon 200 đến vớt.
Sáng nào, Thầy và các vị cộng sự cũng thức dậy sớm để ngồi thiền, thiền hành. Thầy biết rằng cần phải hướng dẫn chương trình này với năng lượng của tâm linh. Chủ đích của Thầy là gây một tiếng vang lớn trên thế giới về thảm trạng của người tị nạn đường biển, do đó phương pháp của Thầy rất táo bạo: vớt các thuyền nhân tị nạn và âm thầm, không chờ giấy phép, cứ đi thẳng sang đảo Guam, địa phận Hoa Kỳ, và một chiếc khác đi thẳng đến Úc. Khi tàu sắp tới, Thầy và các vị cộng sự sẽ đánh điện cho báo chí ra đón, để đặt các nước Úc và Mỹ vào thế phải chấp nhận người tị nạn. Qua báo chí, quần chúng Hoa Kỳ và quần chúng Úc sẽ biết thảm trạng của thuyền nhân và sẽ làm áp lực để chính quyền họ tăng chỉ tiêu tiếp nhận người vào hai nước này. Chương trình này táo bạo lắm, phải được hành động một cách im lặng và bí mật khi chính sách của Singapore chưa cho phép bất cứ thuyền nhân nào cập bến.
Tuy vậy, tin tức về chương trình mà Thầy đặt tên là Máu chảy ruột mềm vẫn bị lọt ra ngoài. Trong vòng năm tuần, Thầy và các cộng sự đã vớt được hơn 800 thuyền nhân ngoài biển khơi và trên chiếc Roland, một bé gái ra đời. Thầy đã viết tặng bé một bài thơ với tựa đề Chúng ta hãy trả lời (đăng trong tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt). Đài BBC và đài VOA tiếng Việt báo tin rằng có một chiếc tàu đang cứu người trên biển và sẽ đưa thuyền nhân thẳng tới Úc hay tới Hoa Kỳ mà không chờ giấy phép. Điều này đã làm cho Giám đốc của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn (UNHCR) và các tòa đại sứ Hoa Kỳ và Úc liên kết với nhau để chống lại chương trình của Thầy một cách ráo riết. Vào lúc hai giờ khuya, cảnh sát đến vây quanh văn phòng và vào lục soát bên trong. Họ tịch thu giấy thông hành của Thầy và ra lệnh cho Thầy phải rời khỏi lãnh thổ Singapore trong vòng 36 giờ đồng hồ. Trong lúc ấy, hai chiếc Saigon 200 và Blackmark không được phép rời bến để tiếp tế nước uống, thực phẩm và y dược cho hai chiếc tàu Leapdal và Roland đầy người tỵ nạn. Chiếc Roland chuẩn bị lên đường đi Úc thì đột nhiên bị hỏng máy. Biển động mạnh và chiếc Roland không được phép đi vào hải phận Mã Lai để tránh bão. Tuy ngồi trên đất liền, Thầy cũng có cảm giác là một với 800 thuyền nhân đang lênh đênh trên biển. Thầy đã ngồi thiền và thực tập thiền hành suốt đêm hôm đó. Thầy đã thực tập đề tài thiền quán dục an đắc an (欲 安 得 安). Nếu thực sự muốn an thì có an, an ngay trong cơn nguy khốn[272], và Thầy đã ngạc nhiên thấy mình trở nên an tĩnh một cách lạ lùng. Trong lúc ấy, Thầy không thấy có niềm lo sợ nào nữa. Đây không phải là tâm trạng liều, mà là sự an lạc, tĩnh tại. Thầy không bao giờ quên được những giây phút thiền tọa, những hơi thở và những bước chân quán niệm trong thời gian ba mươi sáu giờ ngắn ngủi đó. Thầy đã thiết lập lại sự bình an và sáng suốt để có một cái thấy sáng tỏ và tìm ra một giải pháp cho vấn đề: làm thế nào xóa được lệnh trục xuất, để ở lại Singapore lâu hơn, để có thời gian sắp xếp công việc, bảo đảm sự an toàn cho 800 thuyền nhân ở trên tàu[274]. Thầy đã chờ tới sáng để đến nhờ ông Jacques Gasseau, đại sứ Pháp, can thiệp với chính quyền Singapore cho Thầy được ở lại thêm mười ngày, đủ thì giờ để sắp xếp cho 800 thuyền nhân được an toàn và kết thúc chương trình.
Trước đó, ông Đại sứ Pháp đã từng âm thầm yểm trợ Thầy. Ông cho phép những thuyền nhân mà Thầy chở đến và leo rào vào tòa đại sứ vào ban đêm, được ở lại trong khuôn viên tòa đại sứ cho đến khi cảnh sát tới làm biên bản và bỏ tù. Nhờ vậy mà những thuyền nhân này sẽ không bị đẩy lại ra biển và chết ngoài khơi. Trước tấm lòng nhân hậu đó, Thầy đã viết bài thơ Bắc một chiếc cầu:
Có cây ngô đồng cho chim Phượng đậu
Có người đứng đó cho tình thương sâu
Luật lệ nhiều khi như màn lưới sắt
Giam người trong kiếp trầm luân thương đau
Nhưng lòng nhân ái như bàn tay Phật
Phá tan địa ngục đập nát u sầu
Thành phố sáng nay nắng lên bát ngát
Có chim bồ câu bay liệng trời cao
Tôi nhớ tới người tấm lòng cương trực
Nụ cười mát dịu như nước nhiệm mầu
Trẻ thơ nhớ người như hoa nhớ nắng
Như nước nhớ nguồn, như trăng nhớ sao
Tâm đã quyết rồi hiềm gì bạo lực
Thân đi vào đời cưỡi trên ba đào
Bắc một cây cầu từ hang địa ngục
Lên tới cõi trời, mở hội ngàn sao.
Rời Singapore, Thầy bay đi Melbourne. Các vị linh mục dòng Jesuits bạn của cha Berrigan đón Thầy và tổ chức cho Thầy họp báo. Hai tờ nhật báo quan trọng của Úc in bài viết về thuyền nhân trên nguyên một trang giấy. Sau đó, tờ nhật báo Washington Post cũng đăng bài về Chương trình Máu chảy ruột mềm. Tờ New York Times còn gửi ký giả Henry Kamm trên chiếc thuyền nhỏ ra tận hải phận quốc tế để phỏng vấn trực tiếp thuyền nhân trên chiếc Roland. Mấy tuần sau, Úc bắt đầu chính sách mở cửa nhận thuyền nhân. Chính quyền Hoa Kỳ cũng tăng chỉ tiêu tiếp nhận thuyền nhân từ 1.000 người lên đến 8.000 người mỗi năm, rồi vài tháng sau lên đến 15.000 người và cuối cùng là 100.000 người.
Về lại Paris, với sự hỗ trợ của hội International Boat People, trụ sở đặt tại Hòa Lan, Thầy tổ chức một chương trình cứu trợ nhỏ. Thầy và các bạn chỉ dùng một chiếc thuyền đánh cá Thái để ra biển, không mang biểu ngữ cứu trợ nhưng trên thuyền có đủ thực phẩm, nước ngọt, hải bàn, dầu và hải đồ để hướng dẫn ghe đồng bào đến gần các trại tị nạn hầu tránh việc bị xua đuổi. Chiếc thuyền tên là Shantisuk. Thầy và các cộng sự chỉ hoạt động được tám tháng. Sau đó vì hải tặc phát sinh nhiều quá, thấy nguy hiểm cho nhân viên nên Thầy đành phải chấm dứt chương trình. Sau đó chính phủ Pháp bắt đầu tài trợ một chương trình vớt thuyền nhân bằng một chiếc tàu lớn đặt tên Ile de Lumière.
4. Nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại
Nhìn lại những gì đã xảy ra trong thời gian qua, nếu không có những pháp môn thực tập cụ thể, điển hình là pháp môn thiền thở mà Thầy đã tìm thấy trong kinh An ban thủ ý và kinh Bốn lĩnh vực quán niệm thì Thầy không thể đối phó dễ dàng với những tai nạn và những khó khăn lớn xảy ra liên tục như thế. Những ngày giờ khó khăn nhất của Thầy là khi nghe tin một nhóm người vào tấn công và giết hại các tác viên xã hội tại trường TNPSXH ở Phú Thọ Hòa năm 1966; khi năm anh em TNPSXH bị bắn chết bên bờ sông Sài Gòn vào một đêm trong khi đang đi công tác; khi nghe tin đệ tử Nhất Chi Mai tự thiêu; khi chính phủ miền Nam loan tin đã vô hiệu hóa hộ chiếu của Thầy; khi các thầy Thanh Văn và Châu Toàn; những người học trò mà Thầy thương yêu và tin cậy còn hơn em ruột, qua đời một cách bất ngờ; khi trường TNPSXH bị đóng cửa hay khi Thầy bị trục xuất khỏi Singapore trong lúc đang điều khiển chương trình Máu chảy ruột mềm với hàng trăm thuyền nhân không được phép ghé vào lãnh hải Singapore tránh bão, v.v. Nếu không có sự thực tập miên mật, làm sao Thầy có thể chịu đựng và vượt qua được?
Ở Phương Vân Am, Thầy bắt đầu soạn thảo để tự in sách gửi đi cho đồng bào thuyền nhân ở các trại tị nạn như quyển Kinh Nhật tụng, Kinh Quán niệm hơi thở, Kinh Người biết sống một mình và Kinh Bát đại nhân giác do Thầy dịch và chú giải. Hội Hòa giải Thân hữu thấy máy in của Thầy vừa cũ, vừa xấu nên đã gửi tặng Thầy cái máy đánh chữ Varityper cũ của họ, tuy cũ nhưng mẫu chữ đẹp giống chữ in với máy sắp chữ in typo. Thầy đã học nghề in ấn[276] và để in tiếng Việt, Thầy dùng bút nét thật nhỏ để bỏ từng dấu sắc, dấu huyền, hỏi, ngã, nặng cho từng chữ. Thầy góp nhặt những bài dạy học Pháp văn, Anh văn, tự đặt bố cục, dàn trang rồi tự in tay cuốn Đàm thoại Anh-Việt-Pháp để gửi đi các trại tị nạn. Thế là nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại được thành lập ngay trong thất Vách đá của Thầy với chồng giấy in, cái máy in nhỏ hiệu Gestetner và máy nướng bản in. Nhà xuất bản Lá Bối lấy địa chỉ ở Sceaux rồi sau đó ở Bourg La Reine.
Với rất nhiều tình thương và sự thích thú, Thầy làm thợ in, khắc bản kẽm bằng giấy, nướng, in, xén, xếp thành sách, thiết kế bìa, in bìa, cắt, đóng và xén thành từng cuốn sách. Ngoài cái máy cắt tay, Thầy chỉ cần dùng những viên gạch réfractaire, một cái dũa, một cái bàn chải đánh răng và một cái bánh xe lăn mà có thể đóng sách đẹp và mau không thua gì những máy đóng sách ngoài thị trường. Theo Thầy, cái máy in cũng như một con trâu. Thầy có thể làm bạn với cái máy in và nhiều khi xóa bỏ được ranh giới giữa mình và máy in nữa, giống như cậu bé chăn trâu và con trâu trong mười bức tranh chăn trâu trong nhà thiền (Thập mục ngưu đồ). Thầy nói: nhiều khi cái máy in cũng khó trị như một con trâu chứng. Những lúc máy in bị hư, Thầy mày mò và tự sửa lấy. Thầy còn dán một chữ “breathe” (thở) phía dưới máy để nhắc Thầy thực tập theo dõi hơi thở chánh niệm những lúc phải cúi xuống thật thấp trong khi sửa máy. Sau này các bạn đến Phương Vân Am tu học như Vương Hồ, Quỳnh Hoa, Tuk, chú Hương, Triết, Vũ và Lễ… đều được Thầy dạy và người nào cũng biết đóng sách trong chánh niệm.
Thầy viết và xuất bản những chuyện thật đau lòng về thuyền nhân qua truyện ngắn Hồng, câu chuyện một cô bé trên thuyền tị nạn bị chết chìm và biến thành con cá hồng. Qua truyện Bưởi, Thầy nói lên tâm trạng của những người Việt xa xứ: mối tình với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn và mối tình với vùng đất mới, một khung trời tự do với tất cả mọi tiện nghi nhưng vẫn còn xa lạ như trên cung trăng. Giống như Bưởi, nhiều người muốn “thân này ví xẻ thành hai được” để có thể vừa lo cho tương lai của con cái nơi xứ lạ quê người, vừa lo cho gia đình và bà con của mình ở quê nhà. Ba truyện ngắn Tùng, Bưởi, Hồng được xuất bản năm 1979 trong tác phẩm Bưởi. Một năm sau, Thầy xuất bản thêm ba truyện ngắn nữa là Tố, Thiều và Lan, những câu chuyện thương tâm về chiến tranh.
Tuy Thầy không còn đi vớt thuyền nhân, nhưng Thầy tiếp tục nhận được mỗi tuần cả trăm lá thư cầu cứu từ đồng bào tị nạn ở các trại Nam Dương. Những lá thư kể rõ tất cả những khổ cực, gian nguy, những tình cảnh đau thương, chết chóc, tủi nhục trên biển cả của những gia đình nạn nhân hải tặc. Những tin tức ấy dồn dập đến mỗi ngày, Thầy phải đi vào rừng thiền hành, có khi một ngày nhiều lần để có thể làm lắng dịu cảm xúc, để có đủ khả năng tiếp tục công việc cứu trợ.
Dưới đây là một đoạn thư Thầy viết an ủi đồng bào:
“Chúng tôi đã nhận được hàng ngàn lá thơ của đồng bào từ các trại tỵ nạn ở Nam Dương, Thái Lan và Mã Lai, và anh em chúng tôi đã nhiều lần khóc khi nghe đồng bào kể lại những gian nguy khổ nhục trên biển cả. Các Phật tử thân cận và những người bạn ngoại quốc đã từng đóng góp hàng tháng để gởi về giúp các trại cũng nhờ chúng tôi gởi lời thăm đồng bào và mong chia sẻ chút xíu những khổ đau mà đồng bào đã chịu đựng. Anh em chúng tôi trong ban Xã hội từ hai năm nay đã học nhịn cơm hai bữa mỗi tuần để nhớ tới đồng bào bên nhà và góp thêm phần vào quỹ tương trợ (chúng tôi đã xin một ít sách của nhà Lá Bối để gởi qua và cũng đã in được mấy ngàn cuốn Anh-Pháp-Việt đàm thoại để gửi qua cho đồng bào dùng, để quên bớt thời gian chờ đợi dài dặc trong trại.
Nếu thơ này đến có hơi trễ là tại cùng một lúc, chúng tôi nhận được nhiều thơ quá và chưa có đủ phương tiện để phúc đáp ngay, xin quý vị thông cảm.
Kính thư”
Vào một buổi thiền trà sáng ở Phương Vân Am sau giờ ngồi thiền, Thầy đọc bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi, với hình ảnh em bé thuyền nhân 12 tuổi bị làm nhục trên biển, và người hải tặc không có một trái tim biết nhìn biết cảm. Thầy thấy mình là em bé 12 tuổi mà cũng là người hải tặc, là người trong trại cải tạo mà cũng là người đảng viên cao cấp, là người buôn bán vũ khí và cũng là em bé nghèo đói trơ xương. Thầy giải thích rằng Thầy đã may mắn lớn lên trong một hoàn cảnh để trở thành một con người như bây giờ. Nếu không may được sinh ra và bị bỏ rơi bởi một cô gái người Thái còn quá trẻ, nếu lớn lên trong một môi trường đầy dẫy bạo động, xấu xa, không ai thương và chăm sóc, đói khát tình thương thì có thể Thầy cũng đã trở thành một người hải tặc. Hiện giờ cùng khắp trên thế giới đang có những em bé lớn lên bị bỏ rơi, bị hiếp đáp và đang thèm khát tình thương. Nếu những người xung quanh thờ ơ và không làm gì để giúp thì chúng ta đang góp phần vào việc đẩy các em bé bất hạnh kia trở thành hải tặc thôi. Bài thơ này là một ví dụ của sự thực tập vừa ôm ấp niềm đau vừa quán chiếu về sự thật tương tức để đau buồn và oán hận có thể chuyển thành từ bi. Hôm ấy, có mặt cha Daniel Berrigan. Nghe Thầy nói xong, cha đứng dậy xin phép rồi ôm Thầy thật lâu. Nhiều vị mục sư và linh mục khác đến ghi tên tham dự khóa tu với Thầy sau đó là vì họ đã đọc được bài thơ này.
Sau này, Thầy đích thân đi thăm viếng đồng bào ở các trại tị nạn. Có khi Thầy lặn lội đến tận các trại nằm ở các cù lao ngoài biển xa xôi như Heiling Chau, Chimawan… Không những Thầy tìm cách an ủi, cứu trợ các thuyền nhân về phương diện vật chất mà cũng chỉ dạy đồng bào những phương pháp nuôi dưỡng và trị liệu trong đời sống hằng ngày ở trại.
Nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại ở Phương Bối Am tiếp tục in một số tác phẩm của các tác giả khác trong tuyển tập truyện ngắn Một bó hoa đồng[279]; Hồng bay mấy lá, tuyển tập thơ tiền chiến; Tắm mát ngọn sông Đào, thơ văn nhạc sáng tác từ quốc nội[280]; Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục… Thầy còn tái bản những tác phẩm của Thầy mà nhà xuất bản Lá Bối đã xuất bản ở Việt Nam như Nẻo về của ý, Phép lạ của sự tỉnh thức, Việt Nam Phật giáo sử luận I (1977), Vấn đề nhận thức trong Duy thức học[282], những truyện cổ tích nước Văn Lang được Thầy viết lại với rất nhiều từ bi thành cuốn Văn Lang dị sử[283],…
Tại Phương Vân Am, Thầy cũng đã viết xong Việt Nam Phật giáo sử luận II. Bỏ dấu từng chữ trên 286 trang in, đối với Thầy không mệt và tốn công chút nào mà lại còn vui nữa. Như một nhà họa sĩ, Thầy vừa theo dõi hơi thở, vừa vẽ tỉ mỉ từng nét, từng dấu trên mỗi chữ, mỗi dòng.
Không những Thầy có những quyển sách cần thiết gửi tặng cho đồng bào ở các trại tị nạn mà còn có rất nhiều sách để các học trò Thầy gửi bán cho các người Việt tị nạn tại châu Âu hiện đang ngày một đông. Từ tháng 05 năm 1975, Thầy không còn dạy học ở Paris nữa, cũng không đi dạy mỗi năm tại các trường Amsterdam và Nijmegen như trước. Để tự túc kinh tế, thời gian đầu Thầy tổ chức làm mè xửng theo công thức xin được từ Sư bà Diệu Không. Thầy trò làm mỗi ngày để thử nghiệm và đã in nhãn hiệu với hình con gà đàng hoàng, nhưng sau đó dự án không thành. Nhờ Thầy in sách bán cùng với bản quyền khoảng mười bốn tác phẩm của Thầy xuất bản ở châu Âu và châu Mỹ, cộng đồng ở Phương Vân Am có đủ tiền mua gạo muối.
5. Tươi son bền sắt
Thầy tiếp tục viết sách nhưng Thầy cũng dành ra rất nhiều thời giờ cho lao động chân tay như làm vườn, trồng cây, in sách và đóng sách. Với Thầy, làm việc cũng là tu, cũng là thời gian tĩnh tâm, phác họa lại con đường trước mặt. Viễn tượng về lại Việt Nam còn xa xôi nên Thầy muốn mở rộng con đường hoằng pháp tại phương Tây. Ngoài chuyện cứu trợ đồng bào trong nước, nay có thêm công tác cứu trợ đồng bào ở các trại tị nạn. Thầy thường xuyên nhắc nhở các học trò thực tập chánh niệm trong khi làm việc. Một hôm, thấy chị Phượng đang say sưa gói những hộp thuốc tây, Thầy làm chị giật mình bằng một câu hỏi: “Này Phượng, nếu tối nay con bị đứng tim chết thì con cũng nhẹ nhàng mỉm cười ra đi, không tiếc nuối gì cả, phải không con?” Thầy nhắc nhở các học trò vừa làm việc hết mình vừa thực tập buông thả để không bị kẹt vào đó. Nhiều lúc đang mải mê làm việc, nghe Thầy hỏi “Mọi người đang làm gì đó?”, các bạn trẻ sực tỉnh giấc mơ “công việc”, vội trở về với hơi thở chánh niệm và mỉm cười buông thư. Các học trò ngoại quốc của Thầy đến làm thiện nguyện như Pierre, Neige, Philippe, Sudarat, Krisana, Martine…, ai cũng được nhắc nhở thường xuyên bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Có lần nghe Thầy hỏi, Sudarat, người Thái đã đứng thẳng dậy cười và thưa Thầy bằng tiếng Thái: “thâm ngàn mi xa ma thí”, có nghĩa là cô vừa làm việc vừa thực tập chánh niệm. Tại văn phòng của Phái đoàn Hòa bình ở Paris, ở Sceaux, rồi tại đây, những người trẻ tình nguyện đến làm việc với Thầy ai cũng được Thầy hướng dẫn thực tập thiền tọa, thiền hành, pháp đàm và tụng giới.
Thầy nhắc các học trò của Thầy rằng điều quan trọng nhất là giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào. Muốn có thì giờ và phương tiện để lo cho những người cơ cực lận đận, mình phải sống thật đơn giản về phương diện vật chất mà thâm sâu về phương diện chánh niệm.
Tháng tư lá lục hoa cười
Cho trăng thêm tuổi, cho đồi thêm xuân
Vườn xanh cây mướp trổ bông
Trẻ thơ đùa giỡn trước sân nắng đào
Chợ văn bán sách lầu cao
Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui
Xót quê lòng có ngậm ngùi
Tin quê dồn dập tới lui chẳng ngừng
Chùa xưa vắng tiếng chuông ngân
Trẻ kia cha mẹ gửi thân tù đày
Văn nhân nghệ sĩ bó tay
Con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng
Sóng xô nghiêng vịnh Thái Lan
Bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu
Tấm thương, lòng vẫn nguyện cầu
Nỗi đau dường ấy, làm sao đỡ đần?
Trước sau xin chớ ngại ngần
Những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn
Giữ cho bền sắt tươi son
Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào…
(Tươi son bền sắt, Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)
Cộng đồng Phương Vân Am mỗi ngày một đông hơn với những người tị nạn mới đến. Tất cả đều ăn chay, nằm đất trong các túi ngủ. Cuối tuần có các em tị nạn ở Troyes về để được ăn cơm chay nữa[285]. Sự có mặt của các thiếu nhi làm cho không khí tươi vui lên. Có bé Minh Tâm, cháu nội giáo sư Trần Văn Khê, bé Thủy con ba Triết, bé Long, bé Ton, con của các thuyền nhân mới đến Pháp định cư và còn đang đi tìm việc làm ở Paris hoặc lo giấy tờ đoàn tụ với gia đình bên Mỹ. Thầy dạy ca dao, dạy học và làm cả những bài hát cho các bé hát. Bé Minh Tâm được ba mẹ đưa tới văn phòng Phái đoàn Hòa bình chơi từ khi mới hai tuổi rưỡi, lúc bé bắt đầu tập nói. Thầy đã bế bé và dạy bé nói câu: “Mùa thu lá đỏ đẹp”. Sau này khi bé Minh Tâm đi thăm ông nội là giáo sư Trần Văn Khê, câu nói đầu tiên bé thưa ông nội là: “Mùa thu lá đỏ đẹp”. Ông nội bé vô cùng thán phục: “Ôi, cháu tôi nghệ sĩ quá!” Còn bé Thuỷ sáu tuổi, khi được vào rừng chơi, bé giang tay ra chỉ những chiếc lá thu vàng đang rơi và đọc một đoạn văn của nhà văn Đinh Hùng: “Thu hôm nay tôi đi trong rừng thu vàng óng ả này, ngắm từng chiếc lá vàng rơi. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về đây để gặp mùa thu thương nhớ cũ, chân ai đi xa vắng ngoài kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh?”
Giờ chấp tác ở Phương Vân Am đầy ắp công việc nhưng không khí lại rất êm ả. Thầy trò hay ngồi chung quanh chiếc bàn gỗ vuông thấp uống trà mỗi sáng sau giờ ngồi thiền. Phật đường có chỗ ngồi thiền cho hơn 20 người. Vào giờ cơm chiều, mười mấy Thầy trò ngồi ăn chung, sau đó cùng nhau hát các bản dân ca của các dân tộc khác nhau. Laura, Philippe, Martine đều là những nghệ sĩ yêu thích ca nhạc, biết đàn guitar và viele – một loại nhạc khí cổ của Pháp. Mỗi ngày được chấm dứt bởi một buổi ngồi thiền. Mỗi thứ bảy là ngày quán niệm. Mọi người ngưng công việc, chỉ tắm giặt, dọn phòng, cắm hoa, làm vườn, làm tất cả những gì mình thích trong chánh niệm.
Qua những bài giảng và những quyển sách, càng ngày càng đông người Việt tị nạn đến tu tập cùng Thầy. Thầy bắt đầu tổ chức và hướng dẫn các khóa tu cuối tuần vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật, mỗi tháng một lần, rồi đến những khóa tu mùa Hè, khóa tu về Duy biểu học, v.v. Rất nhanh chóng, Phương Vân Am trở nên quá nhỏ khi chỉ đủ chỗ ở cho 15 thầy trò vào mùa Đông và thêm 35 người đến dự khóa tu mùa Hè. Các thiền sinh đến đây tu học chỉ được ở một tuần rồi phải đi, để nhường chỗ cho những người khác đến.
Viễn tượng về nước rất xa vời, Thầy quyết tâm dời về miền Nam nước Pháp, nơi có nhiều nắng nhất và có nhiều nông trại bỏ hoang bán rẻ . Sau khi xem khoảng năm mươi cơ sở bất động sản, ngày 29 tháng 11 năm 1978, Thầy tìm ra một căn nhà lớn mười ba phòng. Thầy đặt tên nơi này là Phương Khê (Sơn Cốc) vì bên phải miếng đất có một dòng suối nhỏ. Thầy tiếp tục ở Phương Vân Am để hướng dẫn các khóa tu và dùng Phương Khê để tàng trữ tất cả hồ sơ của Phái đoàn Hòa bình tại Hội đàm Paris, của GHPGVNTN từ trung ương cho đến các tỉnh từ năm 1968 đến 1974 mà phần lớn đã bị thiêu hủy ở quê nhà. Thư từ báo cáo tin tức từ Việt Nam và những tài liệu họp báo cũng được lưu trữ đầy đủ nơi đây.
Ngày 13 tháng 06 năm 1982, Thầy ở New York tham dự một cuộc biểu tình cho hòa bình để chống vũ khí nguyên tử, cùng với một số đệ tử của cố Thiền sư người Nhật Shunryu Suzuki. Theo tờ New York Times, đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ[288]. Thầy dẫn đầu phái đoàn đi một cách chậm rãi, bình an. Tốc độ đi của đoàn quá chậm cho đám đông ở phía sau, nên nhiều người đã vượt qua và tỏ vẻ rất tức giận. “Có rất nhiều giận dữ trong phong trào hòa bình,” Thầy quan sát. Đối với Thầy, sự thực tập chánh niệm là điều vô cùng thiết yếu để chế tác hòa bình: “Cách ta sống đời sống hàng ngày sẽ góp phần làm nên hòa bình hay chiến tranh. Chánh niệm có thể cho ta biết là ta đang đi về hướng chiến tranh và chính năng lượng chánh niệm sẽ giúp ta quay lại để đi về hướng khác, hướng của hòa bình”[289]. Với chánh niệm, chúng ta có thể thay đổi cách tư duy. Hoạt động hòa bình không chỉ là việc tháo gỡ bom. Thậm chí khi ta vận chuyển toàn bộ bom lên mặt trăng, ta cũng vẫn không có an ninh, bởi vì gốc rễ của chiến tranh và của những trái bom vẫn còn đó, ở trong tâm thức cộng đồng của chúng ta. Chúng ta không thể xóa bỏ chiến tranh bằng các cuộc biểu tình đầy giận dữ. Chuyển hóa tâm thức cộng đồng là cách duy nhất có thể xóa bỏ chiến tranh tận gốc.
Và như thế Thầy đã chuyển trọng tâm từ các cuộc biểu tình và họp báo qua công việc có bề sâu hơn, đó là việc chuyển hóa tâm thức cộng đồng qua các khóa tu chánh niệm và qua nếp sống cộng đồng. Các khóa tu đã trở thành lĩnh vực hoạt động của Thầy bắt đầu từ đây.
Cuối chuyến đi này, nhiều nhóm người Hoa Kỳ muốn cúng dường đất để Thầy thiết lập trung tâm thực tập chánh niệm nhưng Thầy trở về Pháp, quyết chí thực hiện mơ ước mà Thầy đã ôm ấp từ nhiều năm.