IX. Hòa đàm Paris (1968 – 1973)

1. Phái đoàn Phật giáo Việt Nam

Năm 1968, Thầy được đức Tăng thống của GHPGVNTN – Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, ủy nhiệm thành lập và hướng dẫn một phái đoàn Phật Giáo Việt Nam để có mặt tại Hội Nghị Hòa Bình ở Paris. Trong Hội Nghị có các phe lâm chiến tham dự, nhưng không có tiếng nói của người dân. GHPGVNTN đại diện tiếng nói của người dân đang ngày đêm sống trong bom đạn.

Sau khi thương thuyết với Bộ Ngoại giao Pháp, Thầy đặt trụ sở văn phòng Phái đoàn Hòa bình của GHPGVNTN tại Maisons Alfort (số 88, đường Gambetta), rồi tại Paris quận 18[203]. Phái đoàn Hòa bình cung cấp cho các giới nhân bản, các giới tôn giáo, các giới báo chí và chính trị những thông tin mà các phái đoàn trong Hòa đàm không cung cấp. Đó là những đau khổ, những áp bức, tuyệt vọng của người dân. Đất nước bị tan tành bởi một cuộc tranh chấp giữa hai phía. Anh em một nhà bôi mặt đá nhau. Người Việt sử dụng ý thức hệ ngoại lai và vũ khí ngoại lai để giết nhau.

Phái đoàn Hòa Bình ra mắt trong một Buổi cầu nguyện cho hòa bình tại phòng họp lớn của khách sạn Quai d’Orsay sát bên Bộ Ngoại giao. Ngày 8 tháng 6 năm 1969, gần sáu trăm đồng bào Việt Nam đến tham dự từ khắp nơi trong nước Pháp cùng với các thầy đang sống ở hải ngoại[204]. Trong số những nhân sĩ thế giới được mời đến có Tiến sĩ Heinz Kloppenburg[205], ông Alfred Hassler, vừa là tổng thư ký Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of Reconciliation hay F.O.R.), vừa là chủ tịch Lương tâm Quốc tế về Chiến tranh Việt Nam (International Conscience of Vietnam), ông Danilo Dolci[206], Lord Philip Noel-Baker[207], ông Hannes De Graaf[208], ông Jean Goss-Mayr[209], ông Devi Prasad thuộc Hội Quốc tế chống chiến tranh (War Resistance International) gồm 37 nước trên thế giới. Khoảng sáu trăm đồng bào Phật tử Việt Nam rất cảm động khi được tụng chung bài tụng Kinh Cầu nguyện hòa bình mà Thầy đã sáng tác[210] cuối năm 1965.

Ngày hôm sau, tại Fontainebleau diễn ra một cuộc họp mặt ra mắt Phái đoàn Hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Dưới sự áp lực của các phe lâm chiến là các phái đoàn Hà Nội, Sài Gòn và Mỹ, chính quyền Pháp đã không cho phép Thầy tổ chức buổi ra mắt ở Paris mà phải làm tại Fontainebleau và không được họp báo. Nhưng nhiều ngày sau, lần lượt các đài truyền hình Hà Lan, báo chí Đức, Bỉ đều đến phỏng vấn Thầy và đã đăng những bản tin về cuộc ra mắt này.

Đài Truyền hình Hà Lan đang phỏng vấn Thầy nửa chừng thì bị chính quyền Pháp đến cấm quay hình. Nhưng về Hà Lan, họ vẫn làm ra được một cuốn phim ngắn hai mươi phút về Phật giáo Việt Nam. Họ chiếu thêm những hình ảnh về Hòa thượng Quảng Đức, những hình ảnh Phật giáo Việt Nam tranh đấu bất bạo động năm 1963 và một đoạn phỏng vấn Thầy. Tờ nhật báo Trouw, rất có uy tín trên toàn quốc, đăng nguyên một bài về Phật giáo Việt Nam ở nguyên trang đầu khổ A3 của tờ báo. Hai tờ tuần báo Open Deur Onderweg De Nieuwe Linie viết nhiều bài dài về những công tác của Phật giáo Việt Nam cho người nghèo đói, nạn nhân của chiến tranh.

Thầy cùng những người cộng sự biên tập và phát hành tờ Le Lotus ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt. Tờ báo được các nhóm tại Anh và Mỹ[211] in thêm ra nhiều ngàn bản để phổ biến và thúc đẩy phong trào tranh đấu cho hòa bình ngày càng lớn mạnh khắp châu Âu và Mỹ[212]. Đây là tờ báo của Phật giáo, đại diện cho tiếng nói của người dân chạy dưới đạn bom, hay những nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền trong nước. Một trong những tin tức đó là thầy Thiện Minh bị vu khống và kết án 15 năm khổ sai. Thầy Thiện Minh là một nhà ngoại giao xuất sắc đã luôn đem thắng lợi về cho Phật giáo trong cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm năm 1963. Ba năm sau, Thầy đã bị ám sát hụt. Là một người túc trí và can trường, Thầy đã từng đóng góp lớn lao cho phong trào phục hưng Phật giáo từ 1949 đến 1974. Cảm thấy đây là một người nguy hiểm vì tài giỏi, Thầy thường bị những thế lực tìm cách sát hại. Thầy Nhất Hạnh đã vận động thế giới gây áp lực ráo riết với chính quyền Việt Nam trong suốt bốn năm cho đến năm 1973, thầy Thiện Minh mới được trả tự do.

   2. Hộ chiếu vô hiệu hóa

Tháng 05 năm 1971, Thầy nhận lời mời của những thượng nghị sĩ George McGovern, Claiborne Pell, và Birch Bayh đến nói chuyện tại buổi gặp mặt đông đảo các nghị sĩ Thượng và Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington D.C. Sau đó Thầy lại đi thêm một vòng nước Mỹ và nói chuyện với những vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị tại đây. Trong chuyến đi này, có lúc trong một ngày mà báo chí đăng tải rất nhiều về những tàn phá do các cuộc đụng độ quân sự lớn ở Việt Nam. Mỏi mệt sau bao nhiêu tháng trường lê gót vận động để mong cho cuộc chiến chấm dứt, Thầy đã nhận diện và ôm ấp nhiều ngày nỗi cô đơn, đau buồn ức nghẹn này cho đến khi niềm cảm xúc được lắng dịu. Bài thơ này Thầy đã viết bài thơ Ấm áp trong khoảng thời gian đó:

   Tôi bưng mặt trong lòng hai bàn tay

Có phải để khóc đâu anh

Tôi bưng mặt để giữ cho ấm áp sự cô đơn

Hai bàn tay chở che

Hai bàn tay nuôi dưỡng

Hai bàn tay ngăn cản

Sự ra đi hờn dỗi của linh hồn.

Một hôm, Thầy đang ở Washington D.C, một phái viên tờ The Baltimore Sun gọi điện để báo cho Thầy biết là chính quyền miền Nam Việt Nam vừa gửi điện văn thông báo cho ba quốc gia Hoa Kỳ, Pháp và Anh là họ đã vô hiệu hóa hộ chiếu của Thầy. Mục đích là để Thầy chấm dứt công việc đi khắp thế giới kêu gọi đình chiến, đi tới thương thuyết hòa bình. Vị ký giả này đề nghị Thầy nên đi trốn và ở ẩn một nơi không ai biết để khỏi bị dẫn độ về nước và ở tù. Hồi ấy, Thầy có một người bạn cũng đang hoạt động cho hòa bình như Thầy, cũng đã từng bị tù tội và cũng đã từng đi trốn để khỏi bị truy nã. Đó là linh mục Daniel Berrigan, một vị linh mục dòng Tên, đồng thời cũng là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Nhưng Thầy không muốn ở lại Hoa Kỳ và xin tị nạn ở đấy, vì Hoa Kỳ đang tham chiến tại Việt Nam.

Đêm đó, Thầy đã sáng tác bài thơ Tôi về lật lại trang xưa. “Cuộc vận động cho hòa bình rất mệt nhọc, mỗi đêm ngủ tại một thành phố khác nhau, giấy thông hành vô hiệu hóa. Thầy cảm thấy nhớ nhà, không biết đi về đâu, ao ước một bữa cơm trời mưa, hương tía tô thu tóm quê nhà sắc, hương, hơi thở. Nhớ nhà” (Thử tìm dấu chân trên cát)

Những bức tường che gió sương

Tạo thành một không gian góc ấm

lửa nến lung linh,

cười nhẹ hương trầm ngày Nguyên đán

Lửa đốt mảnh chứng thư

Bùa phép trần gian trước sau vẫn là vô hiệu

Gió thổi mau

Xa tít biển khơi, cánh chim nào vội vã

Ta ở đâu?

Điểm quy tụ là nhớ thương

Nhà

Ôi quê hương tuổi nhỏ, đồi xanh um cỏ dại.

Thầy quyết định về Pháp để xin tị nạn chính trị, sau buổi diễn thuyết tại Quốc hội Canada. Để tránh trường hợp dẫn độ xảy ra tại Paris, Thầy điện thoại cho các bạn ở Paris để họ tổ chức tiếp đón và họp báo ở phi trường. Nếu cần thì Thầy sẽ tuyên bố xin tị nạn ngay ở phi trường. Hồi đó, chị Phượng đang đi diễn thuyết vận động cho hòa bình ở Trung Mỹ, trong đó có Costa Rica. Chị cũng được gọi về Paris cùng lúc để chuẩn bị. May mắn thay, khi đến Pháp, Thầy đã không bị dẫn độ mà sau đó, còn được giấy tờ tị nạn nữa.

Không còn hy vọng về lại quê nhà và cũng không biết mình bị lưu đày bao lâu, sự thực tập hiện pháp lạc trú của Thầy từ đây lại càng sâu sắc và miên mật. Thầy nhận trái đất này làm quê hương mà không còn là một mảnh đất nhỏ phía bên kia địa cầu.

3. Đại đồng Thế giới, khởi đầu phong trào sinh môi 

Trước đó một năm, Thầy đã khởi đầu phong trào sinh môi với chương trình Đại đồng Thế giới (The Great Togetherness) để kêu gọi các nước bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của toàn thể nhân loại. Thầy đã cùng ông Alfred Hassler, cô Dorothy Murphy (thư ký của Alfred), bà Ethelyn Best và chị Phượng tại căn phòng nhỏ nơi Thầy cư trú[217] để bàn bạc về chương trình. Mọi người đồng ý lấy hình năm em nhỏ đại diện cho năm châu của địa cầu cùng nắm tay nhau bao quanh trái đất, làm biểu tượng cho Đại đồng Thế giới. Không lâu sau đó, ông Alfred mời được sáu khoa học gia nổi tiếng trên thế giới họp buổi họp kế tiếp tại Menton gần thành phố Nice, miền đông nam nước Pháp. Hoạt động của họ bắt đầu bằng bản Tuyên ngôn Menton (Menton Statement) – “Một thông điệp cho 3.5 tỷ công dân của hành tinh trái đất”. Bản tuyên ngôn đề cập tới vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Được phác thảo vào tháng 05 năm 1970[218], bản tuyên ngôn được gửi đến các nhà khoa học của các nước.

Để gây quỹ giúp ban tổ chức có thể đi tới nhiều nước vận động những người nổi tiếng kêu gọi thế giới tham gia chương trình này, Alfred đã sắp xếp cho nhà tỷ phú Chester Carlson, người sáng chế ra máy Xerox photocopy được gặp Thầy. Ông hy vọng Thầy sẽ cảm hóa vợ chồng nhà tỷ phú này để họ tặng một triệu đô-la cho chương trình như đã hứa. Bà tỷ phú hỏi Thầy một câu về tái sinh và chắc mẩm Thầy sẽ xác nhận niềm tin của bà là bà sẽ đầu thai kiếp sau để tiếp tục làm nhà tỷ phú. Nhưng Thầy không có ý ngoại giao và làm bà vui lòng mà lại dùng một công án thiền để tìm cách giúp bà hiểu được giáo lý cao siêu Bụt dạy:

– “Này bà, nếu đạo Bụt dạy vô ngã thì ai sẽ tái sinh? Ai sẽ đầu thai đây? Nếu bà nhìn sâu hơn về giáo lý vô ngã và sự tái sinh, bà sẽ khám phá ra nhiều điều kỳ diệu lắm. Đạo Bụt không đơn giản như vậy đâu.” 

Bà tỷ phú ngạc nhiên nhưng lại không thức tỉnh bởi công án ấy nên chương trình Đại đồng Thế giới hụt mất một triệu đô-la! Bản tuyên ngôn có chữ ký của  hơn 2000 khoa học gia và được đăng trên tạp chí Courier của UNESCO, ấn bản tháng 07 năm 1971. Một năm sau, Thầy cùng các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và được ông cam kết yểm trợ. Từ ngày 01 đến ngày 06 tháng 06  năm 1972, Thầy và các bạn đứng ra chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng (Great Togetherness), song song với Hội Nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Môi trường ở Stockholm[221]. Hội nghị Đại Đồng mời các khoa học gia bảo vệ sinh môi nổi tiếng và thuộc giới tiến bộ, đồng thời cũng mời luôn các khoa học gia bảo vệ địa cầu được Liên Hiệp Quốc mời – những vị dám thẳng thắn nói lên cái thấy của mình. Nếu Liên Hiệp Quốc không phổ biến tiếng nói của họ thì Đại hội Đại Đồng sẽ phổ biến. Sinh thái học bề sâu (deep ecology), tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất tiếp tục là những đề tài quan trọng được Thầy đưa vào các bài giảng  và các tác phẩm của Thầy sau này.

4. Phương Vân Am: sự tiếp nối của Phương Bối Am

Nhưng niềm vui của Thầy khi tham dự Hội nghị Đại Đồng bị gián đoạn khi hay tin thầy Thanh Văn, giám đốc điều hành Trường TNPSXH ở Việt Nam vừa viên tịch trong một tai nạn giao thông khi một binh sĩ Hoa Kỳ say rượu lái xe tông vào. Thầy Thanh Văn là học trò của Thầy từ hồi còn làm điệu Hưng ở chùa Linh Phong tại Trại Hầm Đà Lạt, lúc điệu mới 13 tuổi[222]. Khi thành lập Viện Cao đẳng Phật học, Thầy đã đề cử thầy Thanh Văn làm Chánh Văn phòng. Khi thành lập trường TNPSXH, Thầy lại đề cử thầy Thanh Văn làm Giám đốc điều hành. Thầy Thanh Văn đã không phụ lòng tin cậy của Thầy. Tháng Năm năm 1968 khi du kích tràn ngập và cả vùng Phú Thọ Hòa bị bắn đại pháo rocket dữ dội, hơn 10.000 người dân đổ xô vào tị nạn trong khuôn viên trường TNPSXH. Thầy Thanh Văn cùng các tác viên đã tổ chức chăm sóc, băng bó cho những nạn nhân, nuôi ăn và bảo vệ tính mạng của đồng bào. Quân Mặt trận đã tới đặt súng máy bắn gần sát khuôn viên trường. Nếu súng phòng không được bắn lên, quân lực Hoa Kỳ sẽ oanh tạc trường và đồng bào sẽ chết hết. Thầy đã đợi trời tối, bò sát đất để tránh đạn bắn từ hai phía lâm chiến. Qua đến địa điểm các ổ súng phòng, Thầy thuyết phục những người lính Mặt trận giải phóng dời súng đi nơi khác. Các bạn ngăn thầy vì đã có một tác viên tình nguyện làm chuyện này, nhưng Thầy đã đích thân bò đi và đã thành công. Thầy Thanh Văn đại diện cho thế hệ trẻ đang đương đầu với bom đạn để đem tình thương đến cho đồng bào bất hạnh chạy dưới lửa đạn. Thầy là người lãnh đạo phong trào TNPSXH, một cuộc cách mạng xã hội bất bạo động, cộng tác với đồng bào để chuyển đổi tình trạng. Sự hy sinh của Thầy được xem như là sự hy sinh của những chiến sĩ tranh đấu cho hòa  bình.

Chưa bao giờ chị Phượng và chú Thanh Hương thấy Thầy buồn khổ như chiều hôm ấy khi cầm trong tay tờ điện tín báo tin dữ. Thầy không nói, không cười, đóng cửa hơn hai tháng trời. Thầy hủy tất cả mọi cuộc viếng thăm và gặp gỡ đã định trước.

May mắn  ở Pháp, Thầy và các cộng sự cũng có một nơi như Phương Bối Am để trở về nuôi dưỡng và trị liệu. Năm ngoái, Thầy, chị Phượng và chú Thanh Hương kiếm được một nông trại nhỏ đổ nát, diện tích miếng đất chừng ba ngàn thước vuông ở miền quê Fontvannes, giữa con đường liên tỉnh nối liền thành phố Troyes và Sens nằm ở miền trung nước Pháp, cách Paris về phía đông nam khoảng 150 km. Đó là một nông trại bỏ hoang từ lâu với ngôi nhà nằm đơn độc trên đồi cao, tựa trên một triền đồi phía Nam của rừng Othe. Sau ngọn đồi ấy còn nối tiếp những ngọn đồi khác. Nhìn xa xa là rừng sồi đã ngả màu vàng đỏ sang thu. Với tiền lương dạy học, Thầy mua miếng đất này bằng cách trả góp và đặt tên cho “vân thâm xứ” của Thầy là Phương Vân Am. Để cho người phương Tây dễ nhớ, nơi đây còn được gọi là Les Patates Douces hay Sweet Potatoes (Khoai Lang), để nhớ tới người dân nghèo Việt Nam. Khoai lang là món rẻ tiền nhất ăn thay cơm khi đói.

Trước mặt am về phía bên kia quốc lộ 60 là những quả đồi và cánh rừng. Sau lưng am là ruộng lúa mì và phía bên phải cách đó 500 mét là đồng cỏ của một nông trại nuôi bò. Trên đỉnh đồi trái sau lưng am là một rừng thông, ở đó có một cây thông rất lớn và sum suê, Thầy đặt tên là cây thông Thanh Từ. Ngoài ngôi nhà chính đã hư nát nhiều chỗ, cốc của Thầy là cái chuồng bò kế bên, mái đã dột, một phía tường đã bị sập. 

Hôm đó, Thầy dẫn các tình nguyện viên ở văn phòng Phái đoàn Hòa bình gồm chị Phượng, chú Thanh Hương, Cao Thái, Mobi, Hương, Neige, Krisana, Thoa, Lợi, Pierre đi xem nhà mới và thiền hành trong rừng. Hoa đồng cỏ nội đẹp như trong cõi tiên. Một buổi khuya mùa thu dưới chân đồi nơi ẩn cư của Thầy tại rừng Othe, Thầy làm bài thơ Ảo hóa:

Mí mắt chân trời mỏi

Đầu núi nghiêng nghiêng tìm gối tựa

Đêm về thơm giấc cỏ hoa…

Khi đêm về, lần đầu tiên Thầy trò nếm được cái lạnh nơi miền quê nước Pháp vào tháng Mười, nhất là khi vách tường bằng đá có nhiều lỗ hở. Lò sưởi củi hay lò sưởi điện đều không làm ấm được dù chỉ một góc phòng. 

Sau mỗi tuần làm việc, Thầy và cả nhóm đều phấn khởi về đây vào những ngày cuối tuần để tĩnh tu và sửa sang nhà mới. Ông Dolat, một thợ hồ địa phương, phải đến tráng xi măng, ráp cửa mới, bít hết các khe hở trên vách tường Thầy mới dám ngủ lại đêm mà không bị cảm. Thầy trò mướn thợ làm phần tối thiểu để xây thêm nhà bếp và nhà vệ sinh theo kiểu mới với rất nhiều cửa kính cho có ánh sáng. Phần còn lại, những công việc của thợ hồ, thợ mộc và thợ điện, việc nào làm được là Thầy trò đều tự làm hết. Thầy tự bắt điện, bắt đèn, sửa máy sưởi, sửa điện. Thầy cũng học trộn hồ và cầm bay để xây lại thành giếng  đã cũ trước sân am. Xung quanh giếng, Thầy mắc nhiều chiếc võng nơi có cây mận rất ngon và một cây táo sai trái. Chả bù với vài cọng rau húng Thầy trồng trong các chậu đất nung đặt ngoài cửa sổ văn phòng Paris hay ngoài ban-công nơi căn hộ tại Maison-Alfort, nơi đây Thầy trồng đủ các thứ rau thơm: rau húng, tía tô, kinh giới, ngò, quế, persil, céléri, ciboulette… cộng với các thứ rau tần ô, cải cay, cải ngọt, bí ngô v.v. Vườn rau của Phương Vân Am không khác gì một vườn rau ở quê hương, nhất là khi hoa cải nở vàng và bướm bay đầy vườn. Đặc biệt là Thầy dạy mọi người phối hợp hơi thở chánh niệm vào mỗi động tác cuốc đất nên làm vườn mà không thấy mệt.

Ở đây, Thầy không bao giờ dùng chất độc hóa học để giết sâu và ốc sên. Có lần Thầy để ra mười phút để quán sát một con sâu con. Vì không muốn con sâu đó ăn mất chồi cây mới lên, Thầy dùng một ngọn lá đưa con sâu ra ngoài đồng cỏ. Đến mùa ấm sang năm, ai cũng hớn hở đi hái những luống rau tần ô mơn mởn và cải bẹ xanh bụ bẫm. Ăn không hết, Thầy trò nghĩ đến việc “bỏ mối” cho các hiệu thực phẩm Việt Nam. Nhưng bà chủ tiệm chỉ chịu mua với giá bảy mươi lăm xu một bó rau, Thầy trò quyết định không bán mà đem tặng cho các gia đình người Việt và những quán ăn Việt Nam nằm trên đường về văn phòng. Nhà nào, quán nào khi nhận quà cũng nài nỉ mời Thầy trò ở lại dùng cơm với họ.

5. Hãy ngưng ngay sự giết chóc (Stop the Killing Now)

Có những người đến văn phòng của Phái đoàn Hòa bình phụ Thầy thông dịch, viết thư hay viết bài như bà Ethelyn Best, chị Marthe De Venoge, Laura, con gái của Alfred Hassler và Jim Forest. Jim Forest, chủ bút tờ bán nguyệt Fellowship của Hội Thân hữu Hòa giải thường viết nhiều bài đăng trên các tờ báo của nhóm tranh đấu cho hòa bình. Họ tìm người đỡ đầu cho trẻ em mồ côi cũng như người già neo đơn – những nạn nhân của chiến tranh, và yểm trợ các chương trình của trường TNPSXH[226]. Họ làm thiện nguyện không lương, lại còn phải tập sống trong những điều kiện đơn giản cực kỳ. Tiền lương dạy học của Thầy ở Sorbonne và tiền chị Phượng dạy kèm toán cho học trò trung học chỉ đủ để trả những chi phí tối thiểu. Văn phòng của phái đoàn là một căn phòng nhỏ xíu, thuê với giá rẻ nhất có thể, nằm sát đường Metro Porte Clignancourt trong một khu nghèo của người di dân gốc Ma-rốc và Ả Rập. Thầy trò đều ăn chay và chỉ ăn gạo bể mua được ở các tiệm bán thực phẩm dành cho chim. Một hôm, ông bán hàng hỏi chú Thanh Hương:

– Nhà quý vị có nhiều chim lắm hả?

– Dạ nhiều lắm, chín con, con nào con nấy to như thế này! Chú liền làm dấu to bằng con người.

Thời ấy, có đủ mọi thứ khó khăn, từ cơ sở, giấy tờ cư trú cho đến cơm áo. Có đêm, chị Phượng phải đi xin ngủ nhờ ở một nhà hàng ăn vì không có chỗ ngủ. Tuy vậy, ai cũng cảm thấy thỏa lòng với những công việc mình làm mỗi ngày trên con đường lý tưởng và thương yêu. Thường sau bữa cơm tối, mọi người quây quần bên Thầy để nói chuyện về văn hóa Việt Nam, văn hóa Hoa Kỳ, kể cho nhau nghe những mẩu chuyện thời sinh viên hay những tin tức mới nhận được từ quê nhà. Các bạn còn hát dân ca và những bài hát cho hòa bình như bài By The River Side hoặc là Where have all the flowers gone?, hay ngồi yên để nghe một bài thơ của Thầy, rồi ngồi thiền trong im lặng trước khi chia tay về nhà.

Cuộc chiến vẫn tiếp tục mỗi ngày mỗi khốc liệt hơn. Thầy đề nghị Ủy ban Lương tâm Quốc tế về vấn đề Việt Nam (International Committee of Conscience on Vietnam) kêu gọi một cuộc họp báo tại Hôtel Lutèce ở Paris với chiến dịch Hãy ngưng ngay sự giết chóc (Stop the Killing Now). Ngày 11 tháng 10 năm 1971, một phái đoàn nhân sĩ của Ủy ban đến từ nhiều nước châu Âu (gồm có nhà thần học Hannes De Graaf, tiến sĩ Heinz Kloppenburg, tiến sĩ Maria Lucker, tiến sĩ Howard Shomer, giáo sư Jean Goss-Mayr, Kenneth Lee…), cùng với Phái đoàn Phật giáo Việt Nam (gồm Thầy, tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng và giáo sư Cao Ngọc Phượng) đi thăm từng đại diện của các phe lâm chiến trong bàn Đàm phán Paris cho Việt Nam[229] để kêu gọi các phe lâm chiến sớm đi đến thỏa hiệp. 

Cũng vào ngày này, nhật báo New York Times in trên trang lớn 9.000 chữ ký của các nhân sĩ, từ 22 nước kêu gọi Hãy ngưng ngay sự giết chóc. Trong số các nhân sĩ, có những vị lãnh đạo tinh thần của nhiều tôn giáo, chính khách của nhiều chính quyền, năm trăm nghị sĩ quốc hội từ nhiều nước, kể cả mười tám nghị sĩ của nước Việt Nam Cộng hòa.

Cùng lúc đó, Alfred Hassler và chị Heidi Vaccaro ở Rome đã tổ chức một cuộc biểu tình với sự tham gia của 300 tu sĩ Cơ đốc giáo, mỗi vị đeo quanh cổ một tờ cáo thị có viết tên của một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam khác nhau đang nhịn ăn cầu nguyện cho hòa bình ở khám Chí Hòa, Sài Gòn, nơi họ đang bị giam giữ. Báo chí nói khá nhiều về tin này trên nhiều nước. Một tuần sau, chính quyền miền Bắc có những điểm đề nghị mới, rồi chính quyền miền Nam cũng vậy. Những điểm đề nghị chấm dứt chiến tranh của hai phe lâm chiến có nội dung gần nhau hơn.

Vào thập niên 60, dân Mỹ sẵn sàng yểm trợ Thầy trong việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng những người tham gia phong trào hòa bình ở Mỹ không có đủ kiên nhẫn. Họ rất dễ nổi giận khi những gì họ làm không đem lại kết quả như mong muốn. Có rất nhiều giận dữ và bạo động trong các phong trào hòa bình lúc bấy giờ.

Năm 1972, Hội đồng các nhà thờ Tin Lành trên toàn thế giới (World Council of Church – WCC) có trụ sở tại Genève mời Thượng tọa Huyền Quang, tổng thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN và Thầy, đại diện Phái đoàn Hòa bình GHPGVNTN đến tham dự hội nghị. Mục sư Leopold Niilus, đại diện Hội đồng đã đề nghị các nhà thờ trên thế giới nên có lập trường rõ rệt hơn về Việt Nam, chỉ nên ủng hộ những người bị áp bức: “Thưa quý vị, tình trạng của Việt Nam hiện nay là chỉ có tên tướng cướp đang hãm hiếp một cô gái trên xa lộ. Chúng ta phải rõ ràng, nhà thờ nên đứng về phe tên tướng cướp hay về phe cô gái bị hãm hiếp? Cô gái bị hãm hiếp là dân Việt Nam và tên cướp trên xa lộ là quân đội tàn bạo của Hoa Kỳ. Cô gái bị hãm hiếp là dân Việt Nam đang tranh đấu một cách tuyệt vọng với tên tướng cướp Hoa Kỳ, ta phải làm gì và phải làm ngay đi!”.

Ngay sau đó, Thầy được mời lên tiếng: “Cảm ơn mục sư. Chúng ta ai cũng phải đứng về phe cô gái bị hãm hiếp ngay, không do dự. Tuy nhiên, ai là tướng cướp và ai là cô gái bị hãm hiếp? Đối với chúng tôi, tên tướng cướp là cái nhìn sai lệch của những người lãnh đạo đang ung dung ngồi ở Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và ngay cả tại Việt Nam. Họ cung cấp những tin tức không đúng sự thật, bóp méo sự thật và giấu nhẹm sự thật với quần chúng của họ. Họ cung cấp lý thuyết của một chủ nghĩa thiên đàng. Họ cung cấp vũ khí. Họ ra lệnh ép buộc gửi ra chiến trường những đứa con trai của quê hương mà trái tim còn nóng hổi với lý tưởng và sẵn sàng hy sinh cho một cái gì đẹp và lành cho cuộc đời. Họ biến những thanh niên ngây thơ thành những kẻ giết người thành thạo để bắn vào đầu anh em đồng loại của họ, những người cũng cùng có một trái tim yêu thương như họ. Đối với chúng tôi, cô gái bị hãm hiếp không phải chỉ là những bà mẹ, những người nông dân lam lũ chạy dưới đạn bom mà còn chính là những binh sĩ trẻ trung, không biết rằng mình đang bị đưa vào một guồng máy nghiến nát tính người. Cô gái bị hãm hiếp ấy cũng là những người lính Mỹ hoàn toàn không biết sự thật gì về Việt Nam, ra đi đáp lời kêu gọi giải phóng cho dân Việt Nam khỏi nạn độc tài tàn ác”. Cả thính đường im phăng phắc. Ông Chủ tịch Hội đồng các nhà thờ Tin Lành trên toàn thế giới đứng dậy cám ơn và long trọng hứa sẽ ủng hộ hết lòng tiếng nói của Phái đoàn Hòa bình GHPGVNTN.

Trong những tháng cuối đầy căng thẳng của cuộc hòa đàm, GHPGVNTN và Phái đoàn Hòa bình bị các phe lâm chiến vu cáo và chụp mũ. Với văn phong nhẹ nhàng và hài hước, Jim Forest đã đứng ra viết những bài báo nói lên chỗ đứng văn hóa và tinh thần của Phật giáo Việt Nam.

6. Hiệp định Paris

Ngày 27 tháng Giêng năm 1973, hiệp định Paris được ký kết và lệnh đình chiến được ban hành. Khi ấy, Thầy đang ở Bangkok để có một cuộc họp với thượng tọa Thiện Minh và thượng tọa Huyền Quang, tổng thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN. Trong sự mừng vui, người mà Thầy nghĩ tới đầu tiên là Nhất Chi Mai, một trong sáu đệ tử Tiếp Hiện đầu tiên của Thầy, người đã tự thiêu vào ngày Phật đản năm 1967 để kêu gọi các phía lâm chiến dừng lại việc tàn sát nhau, trả hòa bình lại cho Việt Nam. Thầy cũng nhớ đến những giây phút Thầy cảm thấy khỏe nhẹ vô cùng mỗi khi có được 24 giờ đình chiến, biết rằng trong những giờ phút đó súng đạn im hơi và đồng bào ở nhà không ai bị giết chết. Thầy sáng tác bài thơ Bé đã sinh ra rồi tại một bưu điện nhỏ ở thành phố Bangkok. Thầy đã chép tay mấy chục bản trên giấy vàng bạc mua được ở khu chợ bình dân gần đấy, để gửi tặng những người đã cùng hợp tác với Thầy trong công việc kêu gọi hòa bình. Thầy biết trước là hòa bình sẽ mong manh lắm và hiệp ước đình chiến rất khó được tôn trọng. Thầy đã xin quý thầy trong Giáo hội nỗ lực vận động quần chúng Phật tử tranh đấu bảo vệ đình chiến và kêu gọi hai bên tôn trọng hiệp ước. Bài thơ cũng nói lên ước vọng: hòa bình là cơ hội rất hiếm có, ai nấy đều phải góp phần vào việc nuôi dưỡng bảo vệ con chim hòa bình còn yếu đuối và trứng nước mà Thầy gọi là “bé”:

Bé đã sinh ra rồi

Chân trời xôn xao dâng ánh sáng

Hoa cỏ ơi sống dậy

Núi rừng ơi sống dậy

Thật đã qua rồi đêm tối hãi hùng

Ánh sáng dồn

Trên cánh bướm mong manh

Hoa cải rực vàng

Trên lối cũ.

Cành mai ấy

Ngày tôi về trước ngõ

Có rưng rưng giọt ngọc nhìn tôi cười?

Đất tái sinh

Cho sắc hương đoàn tụ

Cho nước non nầy

Lại thành cẩm tú

Hãy cho hết hai bàn tay anh

Cơ hội muôn thuở một lần

Níu sự sống trên vành nôi ươm biếc.

7. Trường Thanh niên phụng sự xã hội được hợp thức hóa trở lại

Hiệp định Paris vừa được ký kết tháng Giêng năm 1973 thì trong một cuộc họp ở Bangkok với Thầy, thượng tọa Thiện Minh và thượng tọa Huyền Quang thay mặt GHPGVNTN đồng ý đứng ra thành lập Uỷ ban Tái thiết và Phát triển xã hội với sự hợp tác của các tác viên trường TNPSXH. Sau khi bị tách rời ra khỏi Viện đại học Vạn Hạnh, trường TNPSXH đã hoạt động không có giấy phép của chính quyền từ 1966 đến lúc bấy giờ. Sau bảy năm, giờ đây trường TNPSXH được Giáo hội công nhận và hợp thức hóa[235].

Song song với việc phát triển xã hội ở những vùng bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn, Uỷ ban Tái thiết và Phát triển xã hội cũng hỗ trợ hết lòng các công tác từ thiện của giáo hội Phật giáo ở các tỉnh như tìm người đỡ đầu cho hàng chục ngàn cô nhi tại nhà, nạn nhân chiến cuộc. Thầy cùng với hai thượng tọa soạn thảo bức thư tha thiết kêu gọi các thầy và các ni sư, sư cô chịu khó đứng ra lập những nhà giữ trẻ, trông coi dạy dỗ các cô nhi. Lá thư vừa được gửi đi thì con số nhà giữ trẻ tăng vọt: từ 17 nhà trẻ trong toàn quốc, con số đó đã lên đến hơn 300 nhà trẻ trải dài ở 42 tỉnh miền Nam trong vòng gần một năm. Chư Ni địa phương là những vị Bồ tát chăm lo cho các cháu như Ni sư Như Huyền ở Quảng Ngãi, Ni sư Cát Tường ở Huế, Ni sư Viên Minh ở Nha Trang, Ni sư Thể Thanh ở Cam Ranh.

Trong những năm gần đây, các thầy ở bên nhà dường như hiểu được tấm lòng của Thầy nên quý mến và hợp tác với Thầy nhiều hơn. Thượng tọa Huyền Quang có viết chung với Thầy tác phẩm Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, Viện Hóa đạo xuất bản năm 1973. Thượng tọa Trí Thủ thì đã luôn yểm trợ Thầy từ ban đầu. Vào năm 1971, thượng tọa Trí Thủ được mời đến tham dự lễ khánh thành đại giảng đường của viện Đại học Vạn Hạnh. Nhìn thấy tên mình ở hàng đầu trên bảng ghi công, thượng tọa lên tiếng rằng: “Tên thầy Nhất Hạnh phải được để hàng đầu mới đúng. Đã ghi thì phải ghi cho chính xác, còn không thì nên dẹp tấm bảng viết sai đi”[237].Một năm sau buổi họp tại Bangkok, với tư cách Phó chủ tịch của Đại hội Tôn giáo Thế giới và Hòa bình[238], Thầy mời thượng tọa Thích Thiện Minh và thượng tọa Thích Huyền Quang của GHPGVNTN sang tham dự đại hội tại Louvain, Bỉ. Họp xong, Thầy đưa hai thượng tọa đi thăm núi Alps ở Chamonix, thăm đỉnh trượt tuyết cao nhất châu Âu. Hai vị cũng được đi thăm những lâu đài cổ đẹp nhất dọc bờ sông Loire, lâu đài Versailles gần Paris. Khi hai thượng tọa thăm Phương Vân Am, nơi ẩn tu của Thầy, hai vị được đãi cơm rau sau những ngày chỉ dùng cơm tây và khoai tây chiên. Thầy không biết rằng đó là lần gặp gỡ cuối cùng của Thầy với thầy Thiện Minh[239].