VII. Lãnh đạo phong trào hòa bình Phật giáo và hoạt động xã hội (1964 – 1966)

1. Viện Cao đẳng Phật học

Ngày 10.01.1964, Thầy rời Hoa Kỳ về lại Việt Nam, mang theo tuệ giác và kinh nghiệm tu học mới làm nền tảng cho những chương trình sắp tới. Trên đường về nước, Thầy ghé qua Paris mười ngày để diễn thuyết hai lần về đề tài Phật giáo cho Hội Phật tử Việt kiều. Cô Phùng Khánh (sau này là Sư bà Trí Hải), học trò cũ của Thầy từ khi còn học tú tài ở Sài Gòn, bấy giờ đang du học tại đại học Indiana, đã có mặt tại New York để kịp bay đi Paris với Thầy. Tại Paris, trong vòng mấy hôm, người trẻ ở đây đã in xong cuốn sách Đạo Phật ngày nay, loạt bài ở tạp chí Liên Hoa mà Thầy đã viết tại chùa Pháp Hải ở Cồn Hến, Huế. Ngày 22.01.1964, Thầy bay về Sài Gòn. 

Việc đầu tiên khi về lại quê hương là Thầy gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo và sinh viên để lắng nghe về tình hình đất nước. Trong một buổi họp với những người trẻ tại chùa Trúc Lâm, Thầy đề nghị hai phương án cụ thể cho các bạn trẻ thực hiện ngay trong tuần tới: thứ nhất, mỗi tuần dành hẳn một ngày trọn vẹn để cùng nhau đến chùa Trúc Lâm tu tập, tĩnh lặng thân tâm và thảo luận kế hoạch hành động; thứ hai, thiết lập một làng thí điểm (còn gọi là làng tự nguyện hay làng tình thương) nhằm tái thiết và phát triển nông thôn.

Họp xong, hai ngày sau Thầy đã một mình tìm lên Phương Bối, bất chấp những lời can ngăn vì sợ nguy hiểm cho Thầy. Trèo lên đến chỗ rẽ vào lối Thiền Duyệt Thất, Thầy bắt gặp Nguyên Hưng (thầy Thanh Văn) đang đứng cạnh thất, tay cầm một cái xà gạc. Thì ra khi nghe tin Thầy về nước, Nguyên Hưng đã đoán rằng thế nào Thầy cũng về thăm Phương Bối Am nên đã đến đây trước và tự tay phát dọn những lối đi để đón Thầy về. Tuy khung cảnh rất hoang vắng và điêu tàn, Thầy nhận ra con đường lên Thiền Duyệt Thất vẫn đẹp, khóm hồng vẫn nở cho ba chiếc hoa đỏ thắm, những gốc thông Thầy trồng ngày xưa nay đã lên cao xanh tốt…

Thỏa lòng sau chuyến về thăm Phương Bối, Thầy lại có một buổi họp với các thầy trong Hội đồng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN)[91] và đưa ra ba điểm kiến nghị cụ thể để cộng đồng Phật giáo có thể góp phần vào việc chấm dứt tình trạng chia rẽ và bạo động trên đất nước:

1. Giáo hội nên đứng lên kêu gọi anh em miền Nam và miền Bắc Việt Nam ngồi lại tìm giải pháp chung để chấm dứt chiến tranh cốt nhục tương tàn.

2. Giáo hội nên cấp thiết thành lập một Viện Cao đẳng Phật học để xây dựng lớp trí thức mới, có tu có học rành mạch những điều Phật dạy hầu hướng dẫn đất nước đi về hướng đại trí đại bi, khoan dung, và biết lắng nghe tiếng nói của toàn dân.

3. Giáo hội nên xây dựng ngay một trung tâm đào tạo tác viên xã hội để về các vùng nông thôn giúp người nghèo – những người thiếu ăn, thiếu học, chưa biết cách tổ chức làng xã – nhằm thúc đẩy việc thay đổi xã hội một cách bất bạo động, dựa trên giáo lý của Bụt.

Một ngày trước khi Thầy đề nghị điểm thứ nhất thì ở Sài Gòn, tướng Nguyễn Khánh đã lật đổ chính quyền cách mạng của tướng Dương Văn Minh. Tướng Khánh ra sắc luật đặt đảng Cộng Sản và đảng Trung Lập ra ngoài vòng pháp luật. Hoa Kỳ cũng tuyên bố chống giải pháp trung lập hóa Việt Nam. Thế là niềm hy vọng thương thuyết hòa bình giữa hai phe lâm chiến của điểm thứ nhất mà Thầy đưa ra chưa gì đã tan thành mây khói.

Các thầy trong Viện Hóa Đạo chỉ đồng ý điểm thứ hai là thành lập Viện Cao đẳng Phật học. Tuy nhiên, vì không có tài chánh và cũng không có cơ sở nên Giáo hội giao cho Thầy trách nhiệm kiếm phương tiện để thực hiện dự án.

Thầy lập tức soạn thảo một chương trình với 14 mục[92]. Trong mục đầu là mục 

Khái quát: Viện Cao đẳng Phật học là một trường Cao đẳng Tôn giáo chuyên về Phật học. Mục đích của Viện là đào tạo một thế hệ Phật tử mới, có kiến thức đại học về Phật giáo để phục vụ cho những nhu cầu mới của Phật giáo Việt Nam. Phối hợp những nét đặc thù của hệ thống đại học Pháp và Bắc Mỹ, Thầy đặt ra hệ thống chứng chỉ nhỏ và những thể thức mới[93]. Thầy cũng thiết lập một chứng chỉ gọi là Thiền tập. Sinh viên ghi tên vào lớp ấy không những được học mà còn được thực tập thiền quán, trong đó có thiền ngồi, thiền đi và những phép chỉ quán như Lục diệu pháp mônNgũ đình tâm quán.

Thầy, với tư cách là Viện trưởng sáng lập, viết thư chính thức mời thầy Trí Thủ làm Viện trưởng. Thầy Minh Châu – sẽ về vào tháng Tư từ Ấn Độ – làm Phó viện trưởng. Thầy Thiên Ân làm Giáo thọ trưởng. Bác Trịnh Văn Sâm, kiến trúc sư đã từng học ở Paris, làm Tổng thư ký. Thầy Thanh Văn làm Chánh văn phòng. Các giáo sư trường đại học Văn Khoa và đại học Sư Phạm tự nguyện dạy không lương như giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Cao Hữu Đính, Bửu Kế, Hồ Hữu Tường, Tam Ích, Nguyễn Đắc Kham, Nghiêm Thẩm[95]. Thầy mời thầy Thanh Từ giảng kinh A Hàm[96].

Vì không có cơ sở, Thầy phải mượn tạm một số ngôi chùa trong đô thành. Chùa Xá Lợi đồng ý cho Viện Cao đẳng Phật học sử dụng hai phòng ở để làm hai lớp học. Chùa Pháp Hội đã vui lòng cho Thầy mượn làm trụ sở chính. Chùa tọa lạc tại số 702/105 đường Phan Thanh Giản, là hậu thân của chùa Hưng Đạo, nơi mà chú Phùng Xuân và các bạn an cư lần đầu với thầy Trí Hữu mười lăm năm về trước. Chùa bây giờ rất khang trang, cao ráo, có giảng đường, thư viện, văn phòng và nhiều phòng ốc để làm lớp học. Tuy vậy, điểm đặc biệt của Viện Phật học này là trụ sở chính nằm trong một vùng nghèo bùn lầy nước đọng. Trời mưa, mọi người phải lội qua mấy vũng nước mới tới được Viện. Hai bên đường đi, bà con trong xóm nghèo họp chợ, bán đủ các thức, từ cá khô, cá tươi cho đến khoai lang, rau muống. Buổi sáng, Thầy chỉ việc bước ra đường là có thể mua thức ăn điểm tâm, khỏi phải làm bếp. “Vài ba đồng bạc xôi đỗ, gói trong lá chuối đem về sớt lại trong một chiếc đĩa lớn. Thêm hai đôi đũa nữa. Thế là xong. Hoặc là mấy đồng bạc khoai lang hay khoai từ mới luộc xong, đang còn nóng hổi. Còn trà thì người lao công của Viện sáng nào cũng cho chúng tôi một bình khá lớn”. Từ cửa sổ phòng Thầy trên tầng gác, Thầy có thể thích thú ngắm nhìn toàn cảnh những bà bán hàng đầu tiên dọn hàng khi trời còn tờ mờ sáng, cảnh bà Tư múc hủ tiếu bán và những khách hàng đến ăn quà với tất cả những chi tiết. “Có chị hàng vải và anh chàng bán nồi niêu xoong chảo bằng nhôm tới bày hàng ngay trước cửa Viện mà bán. Nhất là anh hàng nồi. Ảnh bày hàng trên một khoảng đất rộng có đến tám thước vuông. Hàng của anh phản chiếu ánh mặt trời sáng choang. Có khi anh bày thêm một hàng dài các thứ dao lớn nhỏ cần dùng cho việc nội trợ.” (Nẻo về của ý)

Hai tháng sau buổi họp với các vị lãnh đạo Giáo hội, ngày 13 tháng 03 năm 1964, một cuộc tiếp tân tại chùa Pháp Hội khai giảng chính thức Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn. Thầy và ban tổ chức điều đình với các bạn hàng trước đó một hôm là sáng mai xin đừng họp chợ ngay trước cửa chùa Pháp Hội. Các vị Đại sứ, các ngoại giao đoàn và giới trí thức văn hóa Sài Gòn đều được mời tới tham dự. Thầy viết sẵn cho thầy Viện trưởng một bài diễn văn khai mạc, có dịch ra tiếng Anh, nói về đường lối cách mạng giáo dục của Viện. Trường lúc ấy đang còn thiếu thốn nhiều quá nên ông Tổng thư ký Trịnh Sâm phải đi mượn nhiều ghế dựa bọc vải tại những tiệm mộc quen biết. Ông còn nhờ được bốn cô chiêu đãi viên từ Hàng không Việt Nam về để tiếp khách. Con đường phía trước chùa có một ổ gà trũng làm thành vũng nước khá lớn. Thầy đã yêu cầu ông xin hoặc mua một xe sạn lấp cái vũng nước này trước ngày khai mạc. Bận quá, ông đã không có đủ thì giờ để làm. Trời đổ mưa vào sáng tiếp tân. Quan khách đến thật đông. Các ông khách quý phải xắn ống quần, rón rén từng bước từ ngoài đường để tránh các vũng nước bùn. Trong lời chào đón quan khách, Thầy đã nhắc tới vũng nước mưa trước cổng chùa và xin lỗi. Lễ khai mạc chấm dứt, ông Tổng thư ký thì thầm: “Thì ra Thầy muốn lấp những vũng bùn đó mà không cần những xe đất và đá của bộ Công chánh”. 

Sau này, Viện Cao đẳng Phật học trở thành Viện Đại học Vạn Hạnh, ông Tổng thư ký thấy chợ hẻm này làm mất “uy tín” cho Viện đại học quá, có vài lần ông xin phép Thầy: “Tôi chỉ gọi một điện thoại thôi là chúng ta dẹp được chợ. Bởi vì chợ họp bất hợp pháp. Rồi ta sẽ xin Công chánh năm bảy xe đất đá để lấp các hố nước, làm cho lối đi vào trường có vẻ nghiêm chỉnh thêm ra”. Nhưng lần nào Thầy cũng mỉm cười từ chối và khuyên “ông đừng nên làm cái chuyện thất đức và thất nhân tâm đó. Cái Viện Đại học của ông làm lợi cho văn hóa dân tộc đâu thì chưa thấy mà nếu làm như thế thì đã có thể gây thất nghiệp cho gần một trăm người tiểu thương” (Nẻo về của ý). Thầy nghĩ tới bà Tư hủ tiếu và Thầy biết là chẳng bao giờ ông Tổng thư ký có thể thuyết phục được Thầy về sự cần thiết cho cái thể diện của trường. 

Thầy dời thư viện gồm khoảng 20,000 quyển sách từ Phương Bối về Viện. Ngày 18 tháng 03, Thầy bắt đầu giảng khóa học đầu tiên về Pháp tướng duy thức học. Thầy Tuệ Sỹ lúc đó còn là chú Tuệ Sỹ cũng thường trú tại Pháp Hội và là sinh viên xuất sắc nhất trong các chứng chỉ Duy thức và Bát nhã mà Thầy giảng dạy. Bài nào của chú cũng được 15 hoặc l6 điểm.[100] Chứng chỉ Phật học Đại cương có 150 sinh viên ghi tên học. Sinh viên các trường Văn khoa, Y khoa, Dược khoa và Sư phạm tới tự nguyện làm việc văn phòng và các công việc khác của Viện rất đông. Không khí làm việc trong Viện rất tươi trẻ. Tất cả những người trẻ này đều dễ thương, có lý tưởng, hòa thuận và đầy tin yêu.

Ngày 15 tháng 08 năm 1964, Viện Cao đẳng Phật học khai giảng khóa mùa Thu, thời điểm mà Viện Phật học có tên mới là Viện Đại học Vạn Hạnh. Viện được Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa cấp giấy phép ngày 17.10.1964. Một lớp Dự bị Cao đẳng cũng được khai giảng tại chùa Pháp Hội, nhằm nâng đỡ các học tăng và học ni chưa có bằng tú tài và vì thế chưa được ghi tên làm sinh viên chính thức của trường Cao đẳng Phật học. Lớp Dự bị này dạy thêm các môn quốc văn, sinh ngữ, khoa học, sử, địa và toán. Tất cả các giáo sư dạy lớp này cũng đều dạy tự nguyện không lương. Các sư chú, các sư cô theo học lớp này vẫn có thể dự thính những giảng khóa trong Viện Cao đẳng. Cuối năm, các sinh viên nào thi đủ điểm sẽ có chứng chỉ của Viện cấp phát để có thể ghi tên học chính thức và để thi bằng Cử nhân Phật học trong tương lai.

Chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp trở thành một địa điểm nơi những người tu trẻ và các sinh viên cùng gặp gỡ và thực tập chung với nhau như một cộng đồng. Quý thầy gồm có Đồng Bổn, Thanh Văn, Thanh Tuệ, Thanh Hương, Thanh Hiện, Từ Mẫn, Châu Toàn, Nhất Trí; và các bạn sinh viên gồm có Tâm Quang, Tâm Thái, Thu Hà, Trà Mi, Phùng Thăng. Nơi đây, Thầy có một cái am vuông mỗi chiều ba thước, với một cửa sổ tròn nhìn về hông chánh điện. Nền am làm bằng đất nện. Một đêm nọ, thức dậy lúc hai giờ rưỡi khuya. Thầy nằm yên trên giường và thở cho đến khi chuông khuya bắt đầu ngân nga mới ngồi dậy. Thầy đi chân không trên nền đất. Nhìn ra cửa sổ trong đêm tối đen, Thầy ý thức sự có mặt của bụi trúc đào, cây hoa đại trong vườn và cảm nhận được chủ thể nhận thức không thể tồn tại ngoài đối tượng nhận thức. Đột nhiên thời gian và khoảng cách tự tiêu diệt, tan biến.

“Nền đất lạnh gây cảm giác mát lạnh nơi gan bàn chân của tôi, và sự thấm lạnh ấy đột nhiên khiến tôi tỉnh táo và minh mẫn một cách lạ thường. Tôi đi từng bước tìm tới cửa sổ và tỳ tay nơi cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời đất vẫn còn đen tối và tôi không nhìn thấy được gì cả. Tuy nhiên trong đêm đen, tôi vẫn biết cây lá trong vườn còn đó, và bụi trúc đào cũng còn đó ở góc bên kia. Cây hoa đại vẫn còn ở trước cửa sổ. Mà sở dĩ như vậy là tại vì chủ thể nhận thức không thể tồn tại ngoài đối tượng nhận thức. […] Và ngoài kia, núi sông, trời đất, những ngôi sao lớn nhất và thực hữu, và mặt trời của tôi cũng chỉ nằm trong lòng nhận thức. Đột nhiên thời gian và khoảng cách tự tiêu diệt, tan biến. […] Dù em có cách xa muôn vạn do tuần thì muôn vạn do tuần ấy cũng được nối liền trong một lân hư trần. Dù cho bách thiên vạn kiếp thì bách thiên vạn kiếp ấy cũng trở về nối liền với hiện tại trong một sát na. Hiện hữu của em tự nhiên trở về bừng tỏa nơi nhận thức tôi. Đột nhiên tôi mỉm cười. […] Nguyên Hưng biết rằng màn đêm […] trở thành rạng rỡ vô cùng trong nhận thức tôi. Và hiện hữu mầu nhiệm trở thành bừng tỏa nơi nụ cười huyền diệu ấy. Tôi biết là em có đó vì tôi còn đây và tôi biết vì tôi còn đây nên em còn đó.

[…]

Đó phải chăng là dấu hiệu của thực tại bất sinh bất diệt?” (Nẻo về của ý)

Sáng dậy, Thầy làm bài thơ Vòng tay nhận thức trong đó có những câu:

Xanh nghĩa là xanh cho ai

Hồng nghĩa là hồng cho ai

Nghiêng mình bên dòng nước trong, em hỏi

Hiện hữu ca lời duy nhất nhiệm mầu

Tôi bỗng mỉm cười trước đêm sâu hồn nhiên trinh bạch

Tôi biết vì tôi còn đây nên em còn đó

Và hiện hữu em trở về bừng tỏa

Nơi nụ cười huyền diệu của đêm nay.

Thầy đã giảng bài thơ này trong khóa Pháp tướng Duy thức học tại Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn.

2. Nhà xuất bản Lá Bối

Song song với việc thành lập Viện Cao đẳng Phật học, nhà xuất bản Lá Bối cũng được thành hình vào tháng Ba. Thầy trao cho thầy Thanh Tuệ trách vụ giám đốc nhà xuất bản và cô Nguyễn Thu Hà làm quản lý. Hai tác phẩm đầu tiên mà Lá Bối phát hành là Bông hồng cài áo[104] Đạo Phật đi vào cuộc đời. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, nhà xuất bản đã lấy lại đủ tiền vốn để in những tác phẩm kế tiếp một cách nhanh chóng như Tình người[105], Đạo Phật ngày nay, Đạo Phật hiện đại hoá, Câu chuyện dòng sông của Phùng Khánh dịch, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện… Ngoài những tác phẩm Phật học, Lá Bối còn xuất bản các tác phẩm về văn học, triết học, xã hội, giáo dục, và luôn cả những tác phẩm âm nhạc như Trường ca Con đường cái quan, Mẹ Việt NamMười bài Tâm ca của Phạm Duy. Nhà xuất bản Lá Bối lúc đầu được đặt tại số 411/5 đường Phan Đình Phùng, một căn nhà lụp xụp nghèo nàn. Nhưng Lá Bối đã nổi tiếng một cách mau chóng và sau đó được dời về nhà số 120 đường Nguyễn Lâm.

Nhà xuất bản Lá Bối tổ chức một buổi tiếp tân tại chùa Pháp Hội và giới văn nghệ sĩ tới tham dự khá đông, trong đó có nhạc sĩ Phạm Duy, các nhà văn Hồ Hữu Tường, Tam Ích… Trong buổi hội thảo, với tư cách Giám đốc sáng lập, Thầy nói về những tiêu chuẩn sáng tác văn nghệ theo quan điểm đạo Bụt: Văn nghệ Phật giáo có trách nhiệm khai thịtrị liệu. Khai thị là mở ra và chỉ cho quần chúng thấy được sự thật của tình trạng. Theo ngôn ngữ đạo Bụt, đây là sự quán chiếu về khổ đế và tập đế. Chiến tranh, nghèo đói và chia rẽ là sự thật. Văn nghệ sĩ phải nhìn thẳng vào sự thật, trình bày sự thật rõ ràng, và đề nghị những biện pháp cụ thể để cứu chữa tình trạng. Đây là trị liệu. Văn nghệ phải có một sứ mạng và văn nghệ sĩ phải dấn thân tranh đấu để thực hiện chí nguyện của mình. Sau buổi hội thảo, một số nhà văn ở lại ăn cơm chay do sinh viên đại học Vạn Hạnh thết đãi. 

Nhà văn Tam Ích được mời dạy văn chương tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Ông đã được “đọc cọp” cuốn Tình Người tại một tiệm sách ở Đà Lạt. Tình Người là một tập truyện ngắn kể về những câu chuyện trong thời gian Thầy còn làm điệu và sư chú tại chùa Từ Hiếu. Những truyện này đã được đăng trước đó trong tạp chí Phật Giáo Việt Nam và xuất bản bởi Lá Bối vào năm 1965 với bút hiệu Tâm Quán.

Ông rất thích tập truyện này nhưng không biết tác giả Tâm Quán là ai. Trong tập Ý Văn của anh do Lá Bối xuất bản năm 1967, Tam Ích viết về Tình người như sau: “Kỹ thuật dựng chuyện rất giản dị… Chính sự giản dị đó làm ra sự kín đáo và vững vàng của kỹ thuật. Tình người có hương vị của Tự Lực Văn Đoàn, có màu sắc văn chương rất Việt Nam, rất Việt Nam mà không xưa, rất mới mà không cần táo bạo”.

3. Đoàn Thanh niên Phụng sự Xã hội

Trong buổi họp với hội đồng Viện Hóa Đạo khi mới về nước, Thầy có đưa ra ba điểm kiến nghị. Điểm thứ ba là Giáo hội đứng ra làm một cuộc cách mạng xã hội nông thôn với chương trình Thanh niên Phụng sự Xã hội. Các thầy trong hội đồng Viện Hóa Đạo từ chối.

Thầy liền họp với các sư chú, sư cô và các sinh viên hai ngày sau đó tại chùa Trúc Lâm để tự xúc tiến chương trình. Đây không phải là một công tác từ thiện hay xã hội mà là một hành động cho hòa bình, với chất liệu từ bi làm nền tảng. Chương trình không nhắm đến mục tiêu giúp đỡ cho một ai khác mà chỉ là phụng sự cho chính mình, chính dân tộc và đất nước mình, không phân biệt giữa người giúp đỡ và người được giúp đỡ. Bắt đầu từ năm 1961, Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn mà Thầy hướng dẫn đã có những công tác từ thiện tại các xóm nghèo như Mã Lạng Quốc Thanh, Cầu Bông Bàn Cờ, và các lớp trung học miễn phí được tổ chức vào ban đêm. Bấy giờ, Thầy và các bạn trẻ khởi sự với xóm Cầu Kinh ở Gia Định, cách Sài Gòn chừng mười cây số để làm làng thí điểm, lo việc cải thiện nếp sống của làng về bốn phương diện y tế, kinh tế, giáo dục tổ chức với ba phương châm tình thương, trách nhiệmtự nguyện. Anh Như Thông và chị Điệp, hai vị dược sĩ đảm trách phần y tế. Cô Phương Thảo bên Dược Khoa đã mời về cho tăng thân Trúc Lâm nhiều sinh viên Y Khoa năm thứ sáu, như các anh Trâm, Nguyên và Quyền. Các bạn Tâm Quang, Tâm Thái, Trà Mi, Ngọc Thanh, Phùng Thăng và Phương Thảo đảm trách chương trình giáo dục. Mỗi người dân tự nguyện đứng dậy chủ động cải thiện nếp sống của mình mà không chờ đợi sự giúp đỡ từ chính quyền. Thầy hướng dẫn cho sư chú Nhất Trí – người đệ tử đầu tiên được Thầy thế phát xuất gia, là một tấm gương của sự khiêm nhường và lòng từ bi – phụ trách chương trình. Sư chú Nhất Trí, lúc khoảng 10 tuổi, đã được thầy Châu Đức dẫn từ Quảng Nam vào và gửi gắm cho Thầy tại chùa Phước Huệ, B’lao. Thầy truyền Năm giới cho chú và năm 1964, sư chú đã được Thầy thế phát xuất gia. Hai học trò cũ của Thầy ở B’lao là Tâm Quang và Tâm Thái cũng về đây thường trú để dạy các lớp học và phối hợp hơn 100 sinh viên Phật tử về làng làm việc. Cuối tuần Thầy hay về ngủ lại với hai chú. Có một lần khi trường chưa được xây cất, Thầy ngủ lại bên một đụn rơm dùng làm trường học và bị bò cạp cắn, nhức nhối suốt cả đêm.

Các bạn trẻ chơi và múa hát với trẻ em trong làng, dạy các em đọc và viết, cùng dân làng tổ chức được ba lớp học tại ba căn nhà của người dân trong xóm. Sau đó các bạn họp với dân làng để thành lập ban xây cất trường Chim Sơn Ca. Đây là lần đầu tiên người dân tự đứng lên xây dựng trường học cho con em của mình, đúng theo tinh thần tự nguyện. Người góp tre, người góp lá dừa để lợp mái. Vách trường làm bằng bùn trộn rơm do xóm Cày Đáy[112] hiến tặng. Cạnh trường học là trạm y tế Tình Thương với một tủ thuốc cấp cứu. Tất cả trẻ con trong làng đều được đi học. Các sinh viên luật cũng đã thiết lập tòa án tại chỗ với một vị chánh án để làm giấy Thế vì khai sinh cho các em. Các bạn cũng huấn luyện dân làng các kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng hệ thống tưới tiêu, hướng dẫn vệ sinh trong cộng đồng và xây các bệnh xá để chữa bệnh tiêu chảy, các bệnh nhiễm trùng. Dân làng được học những nghề thủ công và cách trồng nấm rơm để cải thiện thu nhập cho gia đình. Chị Thu Hà đảm trách chương trình này. Sinh viên học chứng chỉ Phật học đại cương tại trường Cao đẳng Phật học đều có những giờ thực tập tại làng Cầu Kinh, cùng với các thí điểm sau này, và tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng, Hồng Bàng.

Thành công với thí điểm tại làng Cầu Kinh, Thầy và các tác viên xã hội trẻ, cả xuất sĩ và cư sĩ, bắt đầu thành lập một thí điểm thứ hai ở làng Thảo Điền. Cô Phượng (sau này là Sư cô Chân Không) đã trình xong luận án Rong nước ngọt ở trường Đại học Khoa học Paris và vừa về đến Sài Gòn. Cô hăng hái tình nguyện đảm trách chương trình này ngay lập tức. Sư chú Nhất Trí cũng về sống thường trú và làm việc tại đây. Trẻ con ở đây thương sư chú lắm và thường gọi chú là chú Trí trụ trì, giọng đớt thành ra chú Chí chụ chì. Có sư chú về đây cùng với các bạn sinh viên, trẻ con trong làng lần đầu tiên được ăn Tết Trung thu. Giới sinh viên rất hăng hái tham dự công tác tại các thí điểm, họ đến càng ngày càng đông. Các cô Trà Mi, Ngọc Thanh và Phùng Thăng được kể đến trong số những người đã tham dự từ đầu vào việc thiết lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, làm làng thí điểm và tuần san Hải Triều Âm. Những thí điểm khác trong nước được thành lập và sau này được gọi là làng hoa tiêu, có nghĩa là làng kiểu mẫu đi đầu, gây cảm hứng cho các làng khác.

Từ cuối thập niên 50, Thầy đã thấy tầm quan trọng của một nơi để trở về tu tập, nuôi dưỡng và trị liệu trên con đường phụng sự. Vừa về lại từ chuyến đi Mỹ, trong buổi họp đầu tiên với những người trẻ, Thầy đã yêu cầu mọi người, dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng phải dành hẳn một ngày trọn vẹn mỗi tuần để tập họp ở chùa Trúc Lâm, Gò Vấp. Cả cộng đồng cùng nhau thiền tọa, thiền hành, ăn với nhau một bữa cơm trong chánh niệm và cùng ngâm thơ, pháp đàm, ca hát với nhau để cung cấp chất liệu tâm linh, bồi đắp tình thương yêu và niềm tin.

4. Tăng thân Trúc Lâm

Cộng đồng những người trẻ sinh hoạt ở Trúc Lâm, có khi gọi là gia đình Trúc Lâm, gồm có các thầy Thanh Văn, Đồng Bổn, Thanh Tuệ, Thanh Hương, Thanh Hiện, Từ Mẫn, Châu Toàn… tạo thành một khung cảnh rất thanh tịnh, an lạc và đầy sự thương mến. Các thầy Đồng Bổn và Châu Toàn đã săn sóc mọi người và đã làm tất cả những gì có thể để tăng thân có hạnh phúc và an lạc. Thầy Đồng Bổn thường tự tay kho một nồi mít thật ngon để mọi người ăn cơm. Thầy Châu Toàn cắm hoa và trang hoàng từng góc chùa thật mỹ thuật, hoặc bằng một chiếc lá hoặc bằng một cành cây đơn sơ. Vào đến Trúc Lâm, các bạn trẻ có cảm tưởng như về đến ngôi nhà tổ mát mẻ và an lành. Mọi người được học cách ăn cơm trong chánh niệm và ai cũng xếp hàng tự lấy thức ăn. Giới trẻ tìm đến chùa Trúc Lâm tham dự ngày chánh niệm mỗi Chủ nhật càng ngày càng đông.

Sinh viên Viện Cao đẳng Phật học đã tổ chức một trại hè gọi là Trại hè Đối thoại tại Huế. Một đoàn sinh viên đông hơn một trăm người đã khởi hành cùng Thầy từ Sài Gòn hôm 22.7.1964 và đã sinh hoạt tại Huế chín ngày. Trong thời gian ở Huế, đoàn sinh viên Sài Gòn đã có những buổi hội thảo với các sinh viên Huế, đã đi làm công tác để được gần gũi với đồng bào nông thôn. Họ bắc được một chiếc cầu sườn sắt dài 32 thước ở làng Nam Phổ, lợp tôn một cái chợ tại xã Tân Phú, đắp một con đường dài 1500 mét và đi khám bệnh, phát thuốc cho hai ngàn người. Các địa điểm công tác đều ở quận Phú Vang (Nam Phổ, Diên Trường, An Lưu).

Có một lần anh Nguyễn Văn Ân đang chỉ dẫn cho nông dân cách chăn nuôi, làm thế nào để nuôi gà không bị chết. Một thiếu phụ trong làng hỏi anh:

– Cậu làm việc như thế, chính phủ trả lương cho cậu mỗi tháng bao nhiêu ?

– Dạ cháu không phải là công nhân của chính phủ. Cháu đâu có lương tiền gì đâu. Cháu ăn cơm chùa rồi đến đây làm công quả thôi.

– Người ta làm công quả ở chùa chớ có ai làm công quả ở ngoài đâu?

– Thưa bác, đời bây giờ khổ quá, chính Phật trong chùa cũng phải đi ra ngoài giúp dân chớ đâu phải chỉ ở trong chùa mà thôi. Thành ra tụi cháu cũng vậy, cũng đi ra ngoài theo Phật làm công quả. Công quả ở đâu cũng là công quả cả, bác à.

Câu trả lời thật đơn sơ nhưng biểu lộ được tinh thần của đạo Phật đi vào cuộc đời (Engaged Buddhism) mà người dân quê có thể hiểu được một cách dễ dàng.

Thầy nghiên cứu thêm về các  kibbutz ở Do Thái, các ashram và các hoạt động của phong trào Bhudan của Vinoba Bhave ở Ấn Độ. Thầy còn đích thân đi Philippines vào tháng 11 năm 1966 để thăm viếng và quán sát công tác của phong trào tái thiết nông thôn (The Philippines Rural Reconstruction Movement) bên ấy trong vòng hai tuần lễ.

5. Ruột đau chín khúc

Tháng 11 năm 1964, trận bão lụt Giáp Thìn tàn phá nặng nề hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, cướp đi hơn 4000 sinh mạng và cuốn trôi hàng ngàn ngôi nhà. Nạn nhân trong những vùng có giao tranh chịu thiệt thòi nhất, vì không ai dám tới tận nơi để cứu trợ. Thầy, sư chú Nhất Trí và chị Phượng đã tổ chức chuyến cứu trợ với hàng trăm bao gạo và rất nhiều thức ăn khô, áo quần, thuốc men và tiền bạc mà Đại học Vạn Hạnh đã quyên góp được. Chị Phượng, chủ tịch hội sinh viên Phật tử Viện Đại học Vạn Hạnh, trở thành một lãnh đạo hăng say và tháo vát trong các công tác xã hội của trường. Trên đường, Thầy gặp lại hai người học trò cũ rất thân thiết là các thầy Như Vạn và Như Huệ. Hai thầy đã lo việc thuê ghe máy, chuyên chở phái đoàn và phẩm vật cứu trợ. Đi đến đâu, Thầy cũng gặp lại những học trò cũ và được họ yểm trợ để công việc cứu trợ được suôn sẻ. Một đoàn thuyền treo cờ Phật giáo và biểu ngữ cứu trợ đi ngược dòng Thu Bồn lên đến thượng nguồn dưới những làn đạn để phân phát lương thực và các vật dụng cần thiết cho bà con tại huyện Đức Dục, tỉnh Quảng Nam. Đây là vùng bị tàn phá nhiều nhất vì chiến tranh và thiên tai, dân chúng đói khổ cực kỳ. Đoàn đã gặp những trẻ em trúng đạn mình đầy máu me, những thanh niên xanh xao thiếu ăn, những người cha ngồi thừ mất hồn vì cả vợ con đã bị lũ cuốn đi. Xác chết từ thượng nguồn trôi xuống còn mắc kẹt trên cây. Ruồi muỗi khắp nơi. Hầu hết những người dân sống sót đều đang bị kiết lỵ. Các thầy, các chú và các sinh viên đi từng xóm, từng nhà, để cung cấp tặng phẩm. Khi phái đoàn ra về, dân chúng ra bến đưa tiễn rất đông. Bảy, tám bà mẹ trẻ bồng con lội xuống bờ sông, van xin các sinh viên mang những đứa con nhỏ của họ về Sài Gòn nuôi giùm. Đêm hôm đó, Thầy đã cắt đầu ngón tay, nhỏ máu xuống dòng sông Thu Bồn và phát nguyện sẽ không bao giờ quên đồng bào khổ cực đang chết từng ngày vì thiên tai, vì bom đạn ở những vùng xa xôi như vậy. Thầy đã viết bài thơ Ruột đau chín khúc, đăng ở báo Thiện Mỹ số 13 ra ngày 09.02.1965 và trong tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện.

6. Tuần san Hải Triều Âm

Cũng trong năm này, vào ngày 24 tháng 4, tuần san Hải Triều Âm ra đời do Thầy làm chủ bút và thầy Châu Toàn làm thư ký tòa soạn. Đây là cơ quan thông tin văn hóa của Viện Hóa Đạo. Số đầu in 80 ngàn bản và ngay sau đó phải tái bản. Bắt đầu từ số sau, 50 ngàn bản đã được in mỗi tuần, được chuyển ra Huế và Đà Nẵng bằng đường hàng không. Đây là một tờ báo văn nghệ, thông tin và nghị luận với sự cộng tác của nhiều nhà văn và nhà thơ như Tam Ích, Doãn Quốc Sỹ, Trụ Vũ, Tuệ Mai, Từ Phong, Vũ Hoàng Chương, Võ Đình Cường. Hải Triều Âm là tờ báo đầu tiên công khai đăng các bài thơ và nhạc về hòa bình, cũng như các bài tham luận Phật giáo quan trọng. Bản báo cáo của phái đoàn Liên Hiệp Quốc về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm cũng được đăng trên tờ báo này. Các bài thơ về hòa bình của Thầy, được viết theo thể thơ tự do, chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Việt. Mặc dù Thầy chưa bao giờ gọi thơ của mình là “thơ tự do” nhưng những bài thơ của Thầy được xem là những tác phẩm tiêu biểu của phong trào Thơ Mới[123].

Tuy chế độ Ngô Đình Diệm không còn nhưng lực lượng của họ, đảng Cần Lao, vẫn tiếp tục hoạt động. Báo Hải Triều Âm số 2 ra ngày 30.04.1964 đăng Thông bạch của Giáo hội Phật Giáo tỉnh Bình Định cho biết tại các quận Hoài Nhơn, Tuy Phước và Phù Mỹ, người của chế độ cũ (Ngô Đình Diệm) đã trở lại trong các cấp chính quyền và gán cho các Phật tử những nhãn hiệu như trung lập và thân cộng. Trong những số kế tiếp, báo Hải Triều Âm cũng đăng tin về các chiến dịch đàn áp, những cuộc bắn giết, đánh đập và trả thù như thế ở miền cao nguyên Phú Yên và Quảng Đức. Những người Cần Lao đã ngụy tạo những văn kiện nói về các cuộc gặp gỡ giữa các thầy trong Giáo hội và Mặt trận Giải phóng (cộng sản) để dọa người Hoa Kỳ, để người Hoa Kỳ làm lơ trước những hành động đàn áp Phật tử. Họ làm cho người Mỹ tin rằng những người Phật tử sẽ làm cho miền Nam thất trận và người Mỹ không còn sự chọn lựa nào khác là yểm trợ cho những thế lực chủ chiến Cần Lao cũ, nghĩa là yểm trợ cho họ. Từ đó mà có đạo luật số 004/65 ký ngày 17.05.1965 cấm phổ biến tư tưởng trung lập. Vào thời điểm này tại miền Nam, trung lập chỉ có nghĩa là thân cộng.

Thầy biết rằng viết bất cứ điều gì và làm bất cứ động tác nào cho hòa bình đều là nghiêm trọng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng Thầy vẫn phải viết và vẫn phải làm để soi sáng cho giới trẻ. Cả hai bên lâm chiến đều hô hào rằng họ nói lên mong muốn đích thực của dân chúng, nhưng miền Bắc là tiếng nói của khối cộng sản, và miền Nam là tiếng nói của khối tư bản. Người Phật tử thực tập theo con đường từ bi, hòa giải mà không phải là con đường của hận thù và sát phạt. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận được một cuộc chiến mà anh em một nhà xem nhau như kẻ thù, dùng ý thức hệ và vũ khí của bên ngoài để tàn sát lẫn nhau, nhân danh tổ quốc và hòa bình. Cuộc chiến này là một tai họa của đất nước và dân tộc. Là Phật tử, chúng ta chỉ muốn tạo ra một phương tiện để tiếng nói của người dân được lắng nghe, và người dân chỉ muốn hòa bình mà không phải là “chiến thắng” cho bên này hoặc bên kia.

Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Từ tháng 08 năm 1964, báo Hải Triều Âm đã bắt đầu đăng những bài thơ kêu gọi chấm dứt chiến tranh của Thầy như bài Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngon lửa dữ[124] đăng trong số 18, ra ngày 26.08.1964. Số 20 – ra ngày 03.09.1964 – có đăng bài Lời khẩn nguyền đau thương của dân tộc, kêu gọi hai bên lâm chiến ngừng lại cuộc chiến tranh tương tàn. Bài này do chính Thầy viết. Có thể đây là bài báo đầu tiên xuất hiện trong báo chí miền Nam công khai kêu gọi ngừng chiến. Bài này đã gây xúc động lớn trong quần chúng. Thầy Châu Toàn và anh Võ Đình Cường trong ban tòa soạn đã bị cảnh cáo và bị chất vấn tại sao lại đăng một bài công khai kêu gọi ngưng chiến như thế, nhất là lại dám gọi những người bên phía Mặt Trận là những “người anh em”. Tuy vậy, tòa soạn Hải Triều Âm đã họp và quyết định giữ vững lập trường hòa bình của Phật giáo.

Tuần báo Hải Triều Âm chỉ ra được tới số 21 và phải đình bản vào ngày 10.09.1964. Ngày 27.10.1964, ban biên tập cho ra đời tuần báo Thiện Mỹ với cách trình bày như Hải Triều Âm. Dưới hai chữ Thiện Mỹ có tiêu đề: Văn hóa Dân tộc – Đạo Phật ngày nay. Thiện Mỹ là tên của một vị thầy đã tự thiêu trong cuộc tranh đấu chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Thiện Mỹ bắt đầu đăng tác phẩm Đạo Phật đi vào cuộc đời của Thầy và một truyện dài của Võ Đình Cường[126]. Số 6 ra ngày 1.12.1964 có đăng bài Sài Gòn ơi, đập tan đi ảo ảnh, một trong những bài thơ chống chiến tranh mạnh nhất của Thầy.

7. Đạo Phật hiện đại hóa

Giữa tháng Giêng năm 1965, tuần báo Thiện Mỹ bắt đầu đăng loạt bài có chủ đề Đạo Phật hiện đại hóa. Số 31 ra ngày 25.6.1965 in tiêu đề: Tuần báo phát động tư trào hiện đại hóa Phật giáo và vận động văn hóa dân tộc. Từ số này trở đi, Thầy viết về những ý niệm căn bản làm nền tảng cho phong trào Thanh niên Phụng sự Xã hội.

Danh từ Đạo Phật hiện đại hóa trở nên phổ thông từ đây. Vấn đề áp dụng đạo Bụt vào đời sống mới và dòng tu Tiếp Hiện đã được viết tới trong quyển Đạo Phật đi vào cuộc đời, xuất bản trước đó khoảng sáu tháng, làm căn bản cho tác phẩm Đạo Phật hiện đại hóa. Những bài viết này đánh dấu một tiến trình quan trọng trong nhận thức của Thầy về phương diện tu học và hành đạo, một cái thấy về đường lối đổi mới và phát triển đạo Bụt nhằm thỏa mãn những nhu cầu của con người mới và hoàn cảnh mới. Ở chương đầu của tác phẩm Đạo Phật hiện đại hóa, Thầy đã viết:“Hiện đại hóa không phải là thế tục hóa đạo Phật”. Thầy nhận xét rằng: “Tuy số lượng tăng sĩ của Giáo hội gia tăng và tuy sức làm việc của giới xuất gia cũng gia tăng gấp bội, ta vẫn thấy rằng hầu như tất cả các việc làm đó đều hướng về sự phát triển tổ chức và sự gây dựng cơ sở mà không phải là để thực hiện sự tu chứng”. Thầy viết về nhu yếu trang bị lại những tu viện với ba nguyên tắc: phá chấp, khế cơ và thực chứng, để làm cơ sở tinh thần cho công trình hiện đại hóa. Trong phần kết luận, Thầy viết: “Tôi đã can đảm nói ra những gì mà chúng tôi cho là cần thiết, và sẵn sàng nhận chịu tất cả những búa rìu của dư luận. Chúng tôi tin tưởng rằng tiếng nói xuất phát từ kinh nghiệm và khổ đau sẽ có giá trị truyền cảm của nó… Đối với Giáo Hội, tin tưởng ở tinh thần tự do truyền thống của đạo Phật, chúng tôi xem tập sách này như một bản điều trần viết ra bằng thiện chí xây dựng…”

Ngày 23.04.1965, Lá Bối phát hành Đạo Phật hiện đại hóa và Thầy đã dành một cuộc nói chuyện về tác phẩm này tại giảng đường viện đại học Vạn Hạnh. Thính chúng hầu hết là người trẻ trong giới học tăng, học ni và sinh viên. Giữa buổi nói chuyện, nghĩ tới những nỗi khó khăn và tủi nhục của giới trẻ trên bước đường thực hiện lý tưởng, nghĩ tới những thế lực bảo thủ, ganh tỵ, gièm pha, Thầy đã chảy nước mắt. Buổi nói chuyện kết thúc trong im lặng và xúc động lớn. Sau đó, Thầy về phòng đóng cửa lại và từ chối không gặp bất cứ ai.

Tại Viện Đại học, Thầy hướng dẫn một lớp hội thảo hàng tuần về vấn đề tuổi trẻ cho các sinh viên của các phân khoa trường đại học Sài Gòn. Trong các cuộc hội thảo này, Thầy đã lắng nghe các bạn sinh viên phát biểu về các đề tài như lý tưởng, học hành, cha mẹ, tôn giáo, thương yêu, cô đơn,… và Thầy đã hiểu được rất nhiều về tâm tư của người trẻ hiện thời. Thầy chỉ đặt câu hỏi và ngồi nghe, rồi dùng mười lăm phút chót để soi sáng cho các bạn trẻ bằng giáo pháp của đạo Bụt. Các buổi hội thảo đều rất linh động, bởi vì ai cũng cảm thấy thoải mái và biết rằng mình có thể nói thật những điều mình cảm và nghĩ. Trong một buổi hội thảo, Thầy và các sinh viên đã ngồi nghe bài Để lại cho em do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Nguyễn Đắc Xuân và lấy đó làm đề tài cho buổi hội thảo. Đó là một bài tự thú và sám hối rất cảm động:

Để lại cho em một nước phân lìa

Để lại cho em một giống nòi chia…

Nhưng em thương anh thương anh

cho súng phải thở dài

nhưng em thương anh thương anh

cho tàu bay khóc với

nhưng em thương anh thương anh

cho lựu đạn im tiếng…

Buổi hội thảo này đã tạo cảm hứng cho Thầy viết nên tác phẩm Nói với tuổi hai mươi, trong đó Thầy đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giúp người trẻ vượt qua các vấn đề hiện thời. Không có danh từ Phật học trong quyển sách này nhưng tinh thần đạo Bụt vẫn được biểu lộ, vừa giản dị vừa sâu sắc. Giữa năm 1965, Lá Bối phát hành tác phẩm này trong một hộp đựng rất đẹp để các bạn trẻ có thể làm quà tặng nhau. Sách bán rất chạy và đã được in lại rất nhiều lần. Một tập san văn nghệ hàng tháng cũng đã được Lá Bối xuất bản với nhan đề là Giữ thơm quê Mẹ[127]. Nói với tuổi hai mươi đã được đăng trong tạp chí này. Rất nhiều độc giả trẻ hâm mộ đã viết thư cho tác giả qua nhà xuất bản Lá Bối. Nhà văn Duyên Anh trong tác phẩm Bò sữa gặm cỏ cháy đã nói tác giả Nói với tuổi hai mươi dường như là tác giả duy nhất có thể nói với tuổi trẻ bằng giọng yêu thương và hiểu biết.

8. Văn học “phản chiến”

 Đầu năm 1965, các bạn trẻ chọn 34 bài thơ kêu gọi hòa bình đại diện tiếng nói của người dân trong cảnh bom đạn thống khổ của chiến tranh, và xin in thành tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, do họa sĩ Hiếu Đệ vẽ bìa. Những bài này trích trong số gần 500 bài thơ của Thầy trong một tập thơ do chính tay Thầy chép tại chùa Pháp Hội khoảng 1964-1965, thầy Thanh Tuệ đã đóng rất đẹp để tặng Thầy. Tập thơ bị kiểm duyệt và cắt gần hết, chỉ còn lại bảy bài. Các bạn trẻ quyết định tự in tập thơ đầy đủ. 5000 bản đã được bán hết trong vòng một tháng. Lá Bối lập tức tái bản. Điều mà cả hai phe lâm chiến đang mong muốn đạt đến là chiến thắng chứ không phải hòa bình. Không lâu sau đó, những bài thơ của Thầy và thậm chí đoản văn Bông hồng cài áo đều bị lên án là “thơ văn phản chiến”[130] và bị công kích dữ dội trên đài phát thanh. Mặc dù vậy, tập thơ này vẫn được in chui và phổ biến rộng rãi. Cảnh sát được lệnh đi tịch thu tập thơ, nhưng tại Huế, có một viên cảnh sát lại còn chỉ cho các nhà sách giấu tập thơ vào tủ, đợi có khách vào hỏi mới nên đem ra!

Nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy cảm hứng từ những bài thơ của Thầy để phổ nhạc cho bài Tâm ca số 1: Tôi ước mơ, và bài Tâm ca số 7: Kẻ thù ta trong Mười bài tâm ca: “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?”[131] Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã tới hát nhiều lần cho sinh viên trường TNPSXH và Đại học Vạn Hạnh. Bài Kẻ thù ta rất hùng mạnh, nói lên được lập trường nhân bản của đạo Bụt đi vào cuộc đời mà tất cả sinh viên Phật tử và thanh niên đều ưa thích. Bài hát được đem ra hát trong các buổi hội họp của sinh viên học sinh và trong mọi sinh hoạt, có khi hát cả ngoài phố. Đặc biệt ở Huế, từ trẻ con cho đến các cụ già, không ai không biết bài hát ấy. Cuối năm 1965, Thầy đã viết lời tựa cho Mười bài tâm ca để Lá Bối phát hành. Đây là những bài hát rất chân thật và đầy đạo tâm. Trước đó, Lá Bối đã xuất bản Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. 

Thầy sử dụng văn hóa và nghệ thuật như một khí cụ  để chống lại sự đàn áp. Sáng tác của các cây bút kêu gọi hòa bình, các nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ, dù là bất hợp pháp, đều được phát hành rộng rãi. Văn học “phản chiến” trở thành loại sách được bán nhiều nhất ở Việt Nam, thậm chí còn lọt vào các đơn vị quân đội.

Trong khoảng thời gian này, lo ngại quân cộng sản chiếm ưu thế, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã gửi một đội quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đến Việt Nam. Đến mùa hè thì đã có hơn 125 ngàn lính Mỹ trên đất Việt. Thầy và các nhà trí thức hàng đầu ở Việt Nam nhận ra rằng sự yểm trợ của các nhà lãnh đạo tâm linh và nhân quyền nổi tiếng ở phương Tây là rất cần thiết để giúp công luận có một cái nhìn khác về cuộc chiến tranh Việt Nam. Qua hai cuộc chiến tranh, Thầy đã chứng kiến những người lính Pháp đến Việt Nam để giết và bị giết, và những người Mỹ trẻ tuổi cũng đến đây để giết và bị giết, Thầy thấy nguyên nhân gây ra khổ đau ở Việt Nam không phải là từ những người lính Mỹ mà là từ một chính sách không có tuệ giác, một chính sách được thực hiện bởi sợ hãi và cái thấy sai lệch.

Vì lý do đó mà vào tháng 06 năm 1965, Thầy cùng với các cộng sự nhất trí rằng Thầy nên viết thư cho Mục sư Martin Luther King Jr., nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, còn những vị khác thì viết thư cho Jean-Paul Sartres, Henry Miller, v.v. Năm lá thư của năm nhà trí thức và nhân bản Việt Nam gửi cho năm nhà trí thức và nhân bản thế giới, kêu gọi họ đánh động dư luận toàn cầu về khổ đau Việt Nam và vận động chấm dứt cuộc chiến tranh ở đây. Những lá thư này đã được NXB Lá Bối in trong tác phẩm Dialogue (Đối thoại) bằng tiếng Anh vào năm 1965. Hồ Hữu Tường, nhà văn, nhà báo và chính trị gia, viết cho Jean Paul Sartres, nhà triết học và nhà hoạt động chính trị người Pháp; nhà văn Tam Ích viết cho André Malraux, nhà văn và chính trị gia người Pháp; nhà thơ và dịch giả Bùi Giáng viết cho René Char, một nhà thơ trữ tình lớn nhất của Pháp thế kỷ XX; and Phạm Công Thiện, vừa là thi sĩ, nhà văn, triết gia và là học giả, viết cho nhà văn người Mỹ Henry Miller. Lá thư Thầy viết cũng được đăng trên báo Thiện Mỹ số 33, ngày 09.07.1965. Trong bức thư gửi Mục sư Martin Luther King Jr., Thầy viết: “Ở đây không ai muốn chiến tranh cả. Vậy thì chiến tranh để làm gì? Và chiến tranh cho ai? […] Tôi biết chắc rằng bởi vì Mục sư đã từng dấn thân vào một cuộc tranh đấu cam go nhất cho bình đẳng và nhân quyền, Ngài là một trong những người có thể hiểu thấu và chia sẻ được những đau khổ không bờ bến của dân tộc Việt. Các nhà nhân bản lớn trên thế giới chẳng thể nào ngồi yên và giữ yên lặng được. Ngài không thể im lặng được”[138]. Một năm sau đó, khi hai vị gặp nhau tại Chicago thì Mục sư Martin Luther King Jr. đã tham gia vào Ủy ban Lương tâm Quốc tế về vấn đề Việt Nam (International Committee of Conscience on Vietnam)[139]

9. Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội

Phong trào Thanh niên Phụng sự Xã hội đã được thai nghén từ khoảng năm 1960-1961, nhưng mãi đến tháng 06  năm 1965, trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (TNPSXH) mới được khai giảng chính thức tại chùa Từ Nghiêm như một phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh, với một vị Giám đốc điều hành rất trẻ và tận tụy là thầy Thanh Văn. Những người trẻ là lực lượng duy nhất yểm trợ chương trình này. Ngày 05.06.1965 tại Viện Đại học Vạn Hạnh, Thầy thuyết trình về Cương lĩnh và Chương trình thực hiện cuộc cách mạng xã hội bất bạo động bằng con đường TNPSXH. Hướng đi của trường là xây dựng nên một tổ chức hoạt động xã hội chính quy, gắn liền với quần chúng, trung lập về chính trị, một nơi đào luyện cho người trẻ những kỹ năng thực tế và giúp họ có tinh thần vững vàng để có thể đi về những làng mạc nghèo khổ bị bom đạn tàn phá, giúp dân xây trường học, bệnh xá, làm nhà ở cho người vô gia cư và tổ chức những hợp tác xã nông nghiệp[140]. Chương trình đặt trọng tâm vào sự phát triển cộng đồng nông thôn vốn là cơ bản của xã hội Việt Nam vào thời đó.

Gần hai tuần sau, tuần san Thiện Mỹ, trong số 30 xuất bản ngày 18.06.1965, đã đăng một bài của Lữ Hồ với tựa đề “Từ lý thuyết đến thực hiện: Công cuộc hiện đại hóa Phật giáo đã được khởi đầu với sự thành lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội”. Lữ Hồ đề nghị gọi chương trình này là chương trình Nhất Hạnh. Ông viết: “Nhất Hạnh là một lý thuyết gia về kinh tế xã hội của tư trào hiện đại hóa và đồng thời cũng là giám đốc chuyên môn của trường Thanh niên Phụng sự Xã hội”.

Ban giảng huấn gồm có cả những giáo sư đã tốt nghiệp các đại học Hoa Kỳ như ông Võ Văn Quýt. Vị nào cũng tự nguyện giảng dạy không lương. Giáo sư Vương Pển Liêm chuyên môn dạy về giáo dục cộng đồng. Một vị linh mục cũng được mời đến giảng dạy về Ki Tô giáo, để các tác viên biết cách tránh tạo ra sự ngăn cách và kỳ thị khi về nông thôn gặp người Công giáo. Thầy phụ trách giảng hai khóa: Những nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho phong trào TNPSXH và Cách xử sự của người tác viên khi về các làng quê làm thiện nguyện.

Văn phòng và các lớp học đầu của trường được đặt tại Ni viện Từ Nghiêm với sự yểm trợ hết lòng của Ni sư Vĩnh Bửu (Như Huệ) và toàn thể ni chúng ở đây. Khóa  đầu có tới trên một ngàn thanh niên, thiếu nữ và tăng ni trẻ tuổi ghi tên. Qua một kỳ thi tuyển được tổ chức ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn và Cần Thơ, 300 sinh viên được thu nhận. Tất cả đều là sinh viên nội trú. Trường có ba cư xá cho sinh viên nội trú: Chùa Huệ Lâm (154 đường Tùng Thiện Vương, quận 8) do sư cô Giác Nhẫn hết lòng trang bị để làm cư xá cho ni sinh và nữ sinh viên; chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp được thầy Đồng Bổn trang bị để làm cư xá cho học tăng; cư xá ở đường Trương Minh Giảng dành cho nam sinh viên. Cư xá này là một dãy nhà dài nằm trên một khoảng đất khá rộng, sát cầu Trương Minh Giảng[142]. Trường có đến ba địa điểm cho sinh viên nội trú, với một chiếc xe hơi 7 chỗ hiệu Renault làm phương tiện chuyên chở[143].

10.Chùa Lá

Chương trình TNPSXH tạo dựng một niềm tin rất lớn trong lòng người trẻ. Nhưng rồi một hôm, trong khi Thầy đi công tác ở Huế, một nghị quyết được ký tại Viện Đại học Vạn Hạnh để tách Viện ra khỏi trường TNPSXH, đồng thời ngưng phụ cấp cho trường 50.000 đồng mỗi tháng. Mục đích quyết định này là để ba trăm sinh viên trường TNPSXH bị cô lập và không kéo thêm được sinh viên Đại học Vạn Hạnh đi theo đường hướng hòa bình do Thầy đề xướng. Các bạn trẻ trong ban Giám đốc trường TNPSXH xôn xao. Bị tách ra như thế, trường sẽ yếu hẳn về phương diện tài chính cũng như về phương diện pháp lý, và vì vậy trường rơi vào tình trạng dễ bị đập phá. Thầy liền khuyên ban Giám đốc lập tức dời trường về cơ sở mới ở Phú Thọ Hòa.

Trước đó, Thầy có giao cho bác Trịnh Sâm và thầy Thanh Văn đi tìm một miếng đất làm nơi xây dựng cơ sở cho trường TNPSXH và họ đã tìm ra một khoảng đất rộng độ bốn mẫu tại Phú Thọ Hòa trong vòng đai Sài Gòn. Thầy Đồng Bổn nhận trách nhiệm thiết kế và xây dựng giảng đường, phòng ốc, cư xá và thư viện cho trường. Hồi đó dân các làng Thảo Điền và Cầu Kinh thường gọi thầy Đồng Bổn là thầy Tám, người thông thạo nhiều nghề, từ nghề cạo gió cho đến nghề xây cất, được bà con khắp nơi thương kính. Tất cả tiền nhuận bút và lương dạy học từ trường Đại học Văn khoa, Thầy đưa hết vào quỹ nuôi tác viên xã hội. Ngân khoản thu được chỉ đủ cho thầy Đồng Bổn mua xi măng, cát và vật liệu. Thầy Đồng Bổn đã điều động sinh viên đúc gạch, xây móng, đào giếng và tự xây cất lấy cơ sở. Thầy Nhất Hạnh vẽ kiểu để xây dựng một ngôi chùa trong khuôn viên trường. Mọi người gọi là chùa Lá vì chùa được dựng bằng lá và tre với mái tranh rất đẹp, một ngôi chùa của người dân nghèo, đơn sơ, gần gũi, đồng sự. Thầy đặt tên là chùa Pháp Vân, tên của ngôi chùa đầu tiên có mặt trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam. Để trang trí chùa Lá, Thầy chỉ dùng tre và mây để làm bàn, ghế, trường kỷ, kể cả bàn thờ.

Giờ đây, tất cả sinh viên từ ba địa điểm đều được quy tụ về khuôn viên của trường ở Phú Thọ Hòa. Trong khi chờ đợi cư xá xây cất xong, nhiều sinh viên phải ngủ trong chánh điện chùa Lá hoặc cắm lều bên ngoài. Thầy cũng về đây thường trú luôn và có dịp làm quen với từng sinh viên[145]. Thấy trường giống như một đứa bé bị đẩy ra ngoài trời trong một đêm mưa gió bão bùng. Thầy đã nghỉ dạy lớp Dự bị ở Đại học Vạn Hạnh và Triết học Đông phương tại trường Đại học Văn khoa để dồn hết thì giờ và năng lực vào công trình xây dựng trường TNPSXH. Những ngày quán niệm mỗi tuần ở chùa Trúc Lâm cũng đã được dời về đây.

Thầy Thanh Văn vẫn là Giám đốc điều hành, với sự cộng tác của anh Lê Nguyên Thiều làm Tổng thư ký và bốn người trong dòng tu Tiếp Hiện là anh Phúc, chị Phượng, chị Uyên và chị Mai làm ban Quản trị. Thỉnh thoảng tới văn phòng trường, Thầy đem theo một gói kẹo, tặng cho mỗi người một viên, thăm hỏi, khích lệ từng người, hay làm một bài thơ tặng các tác viên để nuôi dưỡng và khích lệ họ.

Ngày 20.03.1966, Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh đưa ra một quyết nghị trong đó có câu: “Chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam, nhất là các vị lãnh đạo Phật giáo và Thiên Chúa giáo, ý thức được sứ mạng lớn lao mà lịch sử giao phó cho họ, đứng lên mà kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chém giết tại Việt Nam”[146]. Mười ngày sau đó, Tổng hội Sinh viên trường Đại học Sài Gòn cũng đưa ra ba quyết nghị mà quyết nghị thứ ba là “chống đối cực lực cuộc chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam”[147].

Ngày 01.05.1966, Tổng liên đoàn Lao động lên tiếng: “Chúng tôi cực lực chống đối mọi quyết định và hành động âm mưu kéo dài cuộc chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam”. Cũng vào ngày này, một cuộc biểu tình đòi hòa bình đã diễn ra trong không khí hoàn toàn bất bạo động. Đây là ngày lễ Lao động và chính phủ không thể cấm công nhân diễu hành. Các bạn trong các Liên đoàn Công nhân định tổ chức một cuộc diễu hành để đòi thành lập nội các hòa bình, đáp lại lời tuyên bố của tướng Nguyễn Cao Kỳ nói rằng nội các của ông là nội các chiến tranh. Tổng hội Sinh viên Sài Gòn phối hợp với Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh đã tham dự tích cực vào việc tổ chức. Để bảo đảm cho cuộc diễu hành thuần tuý bất bạo động, các sinh viên Đại học Vạn Hạnh và rất đông các sinh viên trường TNPSXH đã tham dự và hợp tác với các lực lượng công nhân thợ thuyền để bảo đảm thêm cho tính cách bất bạo động của cuộc biểu tình, không để cho các phần tử phá hoại chen vào khiêu khích cho cảnh sát đàn áp. Cuộc diễu hành đã rất nghiêm chỉnh và hùng tráng; người tuy đông như thác, nhưng tất cả điều diễn biến trong vòng trật tự và không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Thầy đã đóng góp cho cuộc biểu tình hai bài thơ cùng một chủ đề: Lời người dân Lao động Sài Gòn.

Giới sinh viên và quần chúng lao động đã can đảm thẳng thắn nói lên tiếng nói cho hòa bình, hai chữ cấm kỵ nhất của thời đại và chế độ. Thầy không cảm thấy cô đơn nữa. Tiếng nói của Thầy đang hòa với tiếng nói của tuổi trẻ và giới lao động.

11. Dòng tu Tiếp Hiện

Ngày trăng tròn tháng 02 năm 1966, trong chánh điện chùa Lá, Thầy truyền giới Tiếp Hiện cho sáu thành viên đầu tiên để thành lập chúng chủ trì của dòng tu Tiếp Hiện. Đó là các chị Phan Thị Mai, Cao Ngọc Phượng, Phạm Thúy Uyên và các anh Đỗ Văn Khôn, Nguyễn Văn Phúc và Bùi Văn Thanh. Đây là một dòng tu dựa trên Mười bốn giới mà mới nghe qua, các giới này có vẻ giống với giới Bồ tát truyền thống. Mười bốn giới Tiếp Hiện biểu hiện nếp sống của người Tiếp Hiện và là bản chất của dòng tu này. Mỗi năm, các vị Tiếp hiện phải thực tập ít nhất sáu mươi ngày tĩnh tu, trung bình là chín mươi ngày. Mỗi tuần họ đều về đây để cùng tụng giới với nhau trong ngày quán niệm.

Những giới đầu có liên hệ tới tinh thần phá chấp, một cái thấy mới về một đạo Bụt dấn thân hiện đại. Giới thứ nhất: “Không được thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa và những lý thuyết nào dù lý thuyết Phật giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn mà không phải là những chân lý tuyệt đối”. Tinh thần tự do và phá chấp của kinh Kim Cương Bát Nhã được biểu hiện trong giới này. Đối với Thầy, những giới này chính là câu trả lời trực tiếp cho cuộc chiến tranh ý thức hệ tại Việt Nam, là câu trả lời trực tiếp cho chủ nghĩa giáo điều và thái độ cuồng tín khi mà người ta sẵn sàng giết hoặc chết cho niềm tin của mình. Mạng sống con người cần được xem là quý giá hơn bất cứ một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào dù đó là chủ thuyết cộng sản hay chống cộng. Nếu cái thấy này không duy trì được thì người Tiếp Hiện không còn chánh kiến. Mà đã không có chánh kiến thì sẽ không có chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp, do đó tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của họ sẽ tạo thêm đau thương cho chính họ và cho đồng loại. Người Tiếp hiện có cái thấy ấy rồi nhưng phải thường xuyên duy trì cái thấy ấy. Đó là sự thực tập chánh niệm và chánh định. Dòng tu Tiếp Hiện được lập ra như một phong trào kháng chiến tâm linh.

Cả trăm sinh viên trẻ của trường TNPSXH đều mong muốn thọ giới Tiếp Hiện. Trong khi chờ đợi, họ được làm những thành viên của chúng đồng sự, cùng thực tập Mười bốn giới nhưng chưa được chính thức thọ giới. Cả hai chúng chủ trì và chúng đồng sự đều là những tác viên xã hội năng nổ, hết lòng đem lý tưởng của đạo Bụt áp dụng vào đời sống hằng ngày. Họ yểm trợ lẫn nhau trong việc kết hợp đời sống tâm linh vào hoạt động xã hội. Các buổi học, các buổi họp, các buổi hội thảo của tất cả các khối từ giáo dục qua công tác phổ triển, đều được bắt đầu bằng những phút tĩnh tâm, thực tập hơi thở chánh niệm và cầu nguyện. Những ngày quán niệm mỗi tuần ở Trúc Lâm và sau này ở Chùa Lá đã giúp mọi người khôi phục được sự bình tĩnh và tươi mát sau một tuần làm việc nặng nhọc.

Tình trạng của đất nước vào thời điểm này rất khó khăn cho những công tác Phật sự, nhất là những công tác cứu trợ nạn nhân chiến tranh, nạn nhân bão lụt, đào tạo và điều động các tác viên xã hội đi vào những vùng nơi mà dân quê đang rất cần sự giúp đỡ. Không khí nghi kỵ, hận thù, sợ hãi và bạo động bao trùm: tu tập cũng khó mà làm việc cũng khó. Các tác viên xã hội bị cả hai phía tham chiến ngăn cản và có khi tàn sát. Nếu họ không có một pháp tu thì không thể nào điều phục được thân tâm để có đủ bình an và sáng suốt giải quyết công việc. Nếu không có sự thực tập để duy trì niềm hy vọng và lòng từ bi thì không thể sống sót được. 

Trong thời gian này, một trong những làng mà các TNPSXH đang giúp tái thiết gần vùng phi quân sự đã bị ném bom. Họ xây lại làng. Khi làng bị ném bom lần thứ hai, các học trò của trường hỏi Thầy là có nên dựng lại làng nữa hay không, và Thầy đã trả lời: “Nên”. Làng lại tiếp tục bị ném bom lần thứ ba. Và khi được hỏi, Thầy suy nghĩ một hồi lâu rồi trả lời: “Nên”. Sau này, trong tác phẩm At Home in the World (2016), bài “Not Giving Up,” Thầy giải thích: “Thật sự trong giây phút đó, tôi phải thực tập thở và trở về với chính mình khi các bạn trẻ hỏi tôi. Phải thú thật là lúc ấy tôi chẳng có hy vọng gì nhiều, nhưng nếu tôi không còn hy vọng thì tôi sẽ khiến cho các bạn trẻ đau buồn và tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng sẽ lây lan và đây là một điều tệ hại nhất. Tôi phải nhớ Bụt đã thường dạy rằng tất cả mọi hiện tượng đều vô thường, kể cả chiến tranh, để nuôi một chút hy vọng le lói trong lòng mà trở thành nơi nương tựa cho các em”.

Dòng tu Tiếp Hiện chuyên chở giáo lý của Thầy về việc “không theo phe trong một cuộc tranh chấp”. Nguyên tắc của trường TNPSXH là không dính tới các thế lực chính quyền và chính trị và vì vậy không thể nhận phụ cấp của chính quyền, dù chính quyền có đề nghị phụ cấp đi nữa. Nhận tiền của chính quyền, trường sẽ bị phía lâm chiến bên kia xem là công cụ của chính quyền. Người ta có thể thấy rõ ràng là sự trung lập về chính trị vừa là điểm mạnh nhất nhưng cũng là điểm làm TNPSXH gặp nhiều hiểm nguy nhất. Với một đất nước bị chia cắt nặng nề, thậm chí sự trung lập cũng làm cho cả hai phe lâm chiến cảm thấy bị đe dọa. 

Ở trường TNPSXH, khối Huấn luyện, khối Công tác, khối Phổ triển,… cùng làm việc với nhau một cách hài hòa. Khối Phổ triển có nhiệm vụ thông báo và chia sẻ kiến thức chuyên môn của trường với các đoàn thể thiện nguyện khác và thiết lập nền tảng yểm trợ thường xuyên cho phong trào TNPSXH trong cơ sở hạ tầng. Sáu thành viên của chúng chủ trì dòng tu Tiếp Hiện nằm trong khối này, đứng ra lo liệu công việc cùng với ban quản trị để đi đến từng nhà ở các con đường trong thành phố xin gạo và thực phẩm cho sinh viên. Cứ mỗi ba tháng, khối Phổ triển đi thăm viếng các gia đình bảo trợ, để cảm ơn sự đóng góp của gia đình ấy và để cho họ biết diễn tiến và thành quả của công tác. Nhiều người bắt đầu biết đến trường vì các tác viên được quần chúng nông thôn rất thương mến. Một ngàn hai trăm gia đình trên toàn quốc đã ký giấy ưng thuận đóng góp hàng tháng từ ba chục đồng đến một ngàn hai trăm đồng để chịu phần chi phí cho trường. Những tiểu thương bán thuốc lá, bán rau cải, bán hàng lẻ trên phố cũng hoan hỷ đóng góp. Đây là một phong trào xã hội duy nhất tại miền Nam Việt Nam đã được nuôi dưỡng bằng tài chánh của quần chúng Việt Nam và được quần chúng Việt Nam bảo vệ. Trường này không hề nhận tài trợ của Bộ Xã hội chính phủ Việt Nam Cộng hòa hoặc những chương trình xã hội được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Khi một gia đình tình nguyện đóng góp, dù một số tiền rất nhỏ như ba mươi đồng mỗi tháng, gia đình ấy trở thành một gia đình bảo trợ của trường, và nếu trường bị khủng bố hoặc đàn áp, gia đình đó sẽ can thiệp. Đến năm 1971, có 3000 gia đình bảo trợ. 

Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Từ khuôn viên trường TNPSXH vào những buổi chiều hay lúc nửa đêm, tiếng súng giao tranh của hai bên lâm chiến nghe rất rõ. Cách trường chừng hơn một cây số, quân du kích đã đặt súng pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất. Thầy thức dậy trong tiếng gầm dữ dội của đại bác. Từ cửa sổ nhìn ra phía ruộng, Thầy thấy họng đại bác khạc lửa sáng ngời. Sau đó chừng nửa giờ có phi cơ đến oanh tạc. Đạn rocket réo lên. Ngôi làng kề bên, ngôi làng mà Thầy mới tới thăm viếng hồi chiều, đang bị máy bay bắn xuống. Một mảnh rocket  đã xuyên thủng mái chùa Pháp Vân nơi Thầy đang cư trú. Đêm ấy mấy trăm thầy trò đều nằm sát xuống đất. Sáng hôm sau thầy trò vào làng để thăm hỏi người dân. Có những bụi tre xác xơ và những ngôi nhà hư hại. Máy bay chỉ bắn càn rocket xuống làng, vì lúc ấy cuộc pháo kích đã chấm dứt nên máy bay không tìm ra được vị trí đặt súng pháo kích. Chỉ có dân lành là lãnh đủ.

Mùa xuân năm 1966, tiến sĩ George McTurnan Kahin, nhà sử học và cũng là giáo sư chính trị học của trường đại học Cornell, mời Thầy sang Hoa Kỳ để giảng dạy về Phật giáo Việt Nam hiện đại, tại khoa Chính trị học về Đông Nam Á của trường mà ông đang phụ trách. Chính giáo sư Robert S. Browne, giáo sư thần học ở Đại học Fairleigh Dickinson, New Jersey, trong Ủy ban Liên Đại học Thảo luận về Chính sách Ngoại giao Hoa Kỳ[155] cùng với chủ tịch Ủy ban là giáo sư Douglas Fitzgerald Dowl đã đề nghị giáo sư George McTurnan Kahin chính thức viết thư mời Thầy. Chuyến đi của Thầy do Nhóm liên đại học của trường Cornell (Cornell’s Inter-University Team) đài thọ. Thầy liền nắm lấy cơ hội này để nói rõ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam không muốn đánh nhau nữa, chỉ muốn ngồi xuống thương thuyết để đi tới một giải pháp hòa bình. Xin các cường quốc trên thế giới đừng dùng Việt Nam làm một chỗ để tranh giành ảnh hưởng, xin đừng sử dụng ý thức hệ cũng như bom đạn trên đất nước nhỏ bé đó. Thầy muốn kêu gọi lương tâm quốc tế can thiệp để chấm dứt cuộc chiến ở quê hương. Mục đích táo bạo của Thầy là sẽ vận động dư luận ở Bắc Mỹ và châu Âu, sẽ kêu gọi lương tâm nơi các giới trí thức và nhân bản trên thế giới lên tiếng can thiệp để chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam. Bà bác sĩ Hiệu, chị Uyên và chị Phượng lo mọi giấy tờ và thủ tục xuất ngoại cho Thầy.

12. Dặn dò

Một ngày trước khi lên đường, Thầy ngồi với thầy Thanh Văn và một số các vị trong ban giám đốc trường TNPSXH. Thầy nói Thầy sẽ đi khoảng ba tháng rồi Thầy sẽ về. Thầy căn dặn các bạn trẻ ở lại thương nhau và nương vào nhau để tu học và làm việc. Thầy để lại bài thơ Dặn dò , trong đó có những đoạn:

Xin hứa với tôi hôm nay

Trên đầu chúng ta có mặt trời

Và buổi trưa đứng bóng

Rằng không bao giờ em thù hận con người

Dù con người

Có đổ chụp trên đầu em

Cả ngọn núi hận thù

Tàn bạo,

Dù con người

Giết em, […]

Đày ải em vào hang sâu tủi nhục

Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn

Kẻ thù chúng ta không phải con người

Xứng đáng chỉ có tình xót thương

[…]

Hãy rót cái nhìn dịu hiền

Từ đôi mắt

Hãy can đảm

Dù không ai hay biết

Và nụ cười em

Hãy để nở

Trong cô đơn

Trong đau thương thống thiết

Những người yêu em

Dù lênh đênh

Qua ngàn trùng sinh diệt

Vẫn sẽ nhìn thấy em

Tôi sẽ đi một mình

Đầu tôi cúi xuống

Tình yêu thương

Bỗng trở nên bất diệt

Đường xa

Và gập ghềnh muôn dặm

Nhưng hai vầng nhật nguyệt

Sẽ vẫn còn

Để soi bước cho tôi.

(Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)